Ba Người Bạn

CHƯƠNG 5



Koster đã đánh bộ complê tàng của mình đến sở Tài chính, cậu ta tính chuyện xin giảm thuế cho chúng tôi. Trong xưởng còn lại mỗi Lenz và tôi. “Bắt đầu thôi, Gottfried” tôi nói, “ta sửa sang cho anh chàng Cadillac kềnh càng này đi”.
Chiều qua bài quảng cáo của chúng tôi đã được rao đăng. Như vậy hôm nay chúng tôi có thể lường đến chuyện tiếp khách hàng… nếu như có ai đó tìm đến. Có nghĩa là phải chuẩn bị cho chiếc xe.
Trước tiên chúng tôi láng một lượt nước bóng ra ngoài lớp sơn xe. Chiếc xe bóng lộn lên, trông phải đáng giá trên trăm mác nữa. Rồi chúng tôi tra vào động cơ xe thứ dầu quánh nhất mà mình có. Pittông không còn hoàn hảo nên đã hơi kêu. Nhờ dầu đặc, nhược điểm đó đã được khắc phục, máy nổ êm tuyệt. Chúng tôi cũng phết dầu đặc vào hộp số và bánh visai, sao cho chúng chạy êm ru.
Rồi chúng tôi cho xe chạy thử. Gần đây có một quãng đường cực xấu. Chúng tôi vượt nó với tốc độ năm mươi kilômét giờ. Giàn đồng lách cách. Chúng tôi xì bớt một phần tư hơi ra khỏi các lốp xe, rồi thử lần nữa. Đã khá hơn. Chúng tôi lại xì bớt hơi. Bây giờ không còn xốc chút nào.
Chúng tôi quay xe về xưởng, phết mỡ vào chiếc mui xe cọt kẹt, lót thêm vào giữa các khe một ít cao su, đổ nước nóng vào bộ tản nhiệt để máy nổ dễ dàng, và một lần nữa dùng máy thối bụi xịt dưới gầm xe cho gầm xe cũng sáng bóng lên. Xong xuôi, Gottfried Lenz giơ hai tay lên trời. “Giờ hãy đến đây, hỡi vị khách hàng được chúc phúc! Hãy đến đây, hỡi chủ nhân ông đáng yêu của những chiếc ví dày cộm! Chúng tôi mong mỏi ngài như chú rể ngóng đợi cô dâu!”
Cô dâu vẫn chưa chịu đến. Thấy vậy chúng tôi đẩy cái đầu máy kếch xù của lão chủ hiệu bánh lên mặt hố và bắt đầu tháo trục trước. Chúng tôi lặng lẽ làm việc mấy giờ liền, chẳng nói chẳng rằng. Bỗng từ cây xăng vẳng vào tiếng Jupp huýt sáo bài Nghe kia có gì đi vào… Tôi nhảy lên khỏi hố, nhìn ra cửa số. Một lão thấp béo lượn lờ quanh chiếc Cadillac. Dáng vẻ tư sản, khôn ngoan. “Nhìn xem, Gottfried” tôi thì thào, “cô dâu đó chăng?”
“Chính cựa”, mới thoáng nhìn, Lenz đã tuyên bố, “Trông cái mặt lão kia! Chưa gặp ai mà lão đã thủ thế rồi. Nhanh chạy ra tiếp lão đi! Mình ở lại đây làm lính dự bị. Mình sẽ ra ứng cứu nếu cậu không đương đầu nổi với lão. Nhớ các mánh khóe mình đã bày cho đây!”
“Được rồi”. Tôi đi ra.
Lão đàn ông nhìn tôi với cặp mắt đen thông minh. Tôi tự giới thiệu. “Tôi là Lohkamp”.
“Tôi là Blumenthal”.
Tự giới thiệu là mánh khóe thứ nhất của Gottfried, cậu ta quả quyết rằng sau đó không khí sẽ lập tức trở nên thân mật hơn. Mánh khóe thứ hai là phải mở đầu hết sức dè dặt và thăm dò khách hàng để có thể bập vào những điểm lợi hại.
“Ngài tới để xem chiếc Cadillac phải không ạ, thưa ngài Blumenthal?” Tôi hỏi. Blumenthal gật đầu.
“Nó đây”, tôi chỉ chiếc xe.
“Tôi thấy rồi”. Blumenthal đáp.
Tôi liếc nhanh lão ta. Hãy dè chừng! Tôi nghĩ, một tay quỷ quyệt đây! Chúng tôi đi qua sân. Tôi mở cửa xe và cho máy chạy. Rồi tôi im lặng để Blumenthal có thời gian xem xét. Thế nào lão chẳng bới ra điểm gì đó để chê bai, khi ấy tôi sẽ lựa lời đối đáp.
Nhưng Blumenthal không xem. Lão cũng chẳng chê bai. Lão nín thinh như tôi, và đứng ngay đơ tựa trời trồng. Tôi không còn cách nào khác là phó mặc cho may rủi.
Từ tốn, tôi bắt đầu mô tả tuần tự chiếc Cadillac, chẳng khác gì bà mẹ phô đứa con của mình, vừa nói tôi vừa thăm dò xem lão có hiểu tí gì về xe cộ không. Nếu lão là tay sành xe hơi, tôi phải kể tỉ mỉ về động cơ và khung xe… còn nếu lão mù tịt, tôi sẽ huyên thiên về đủ các thứ tiện nghi, phụ tùng.
Nhưng đến lúc này lão vẫn kín bưng. Lão mặc cho tôi nói kỳ tới khi tôi cảm giác mình chơi vơi như trái bóng bay thì thôi.
“Ngài định dùng chiếc xe vào việc gì ạ? Để đi lại trong thành phố hay đi du lịch?” cuối cùng tôi hỏi, xem may ra tìm được một điểm mà vin vào chăng.
“Mọi việc” Blumenthal đáp.
“Thế ạ! Ngài định lái lấy hay dùng tài xế?”
“Còn tùy”.
Còn tùy. Lão ném ra những câu trả lời như một con vẹt. Hình như lão là hội viên “Hội những người anh em câm lặng”.
Để khiến lão hoạt bát lên, tôi gắng tìm bất kỳ một thứ gì cho lão thử. Thông thường nhờ vậy các khách hàng sẽ trở nên cởi mở hơn. Chứ cứ đà này, tôi e lão ngủ gật mất.
“Chiếc xe đồ sộ thế, nhưng mui lại đóng mở rất dễ dàng”, tôi nói. “Ngài thử đóng mà xem. Chỉ cần dùng một tay”.
Nhưng Blumenthal cho rằng không cần thiết. Lão nhìn cũng đủ. Tôi đóng sập các cánh cửa, và lay lay những chiếc tay cầm.
“Không chút lỏng lẻo. Chắc như bánh Lái! Ngài lắc thử xem”.
Blumenthal chẳng buồn thử. Lão coi đó là lẽ đương nhiên. Thằng cha đúng là quả hạt dẻ chết tiệt khó nhá.
Tôi giới thiệu với lão các tấm kính xe. “Quay lên quay xuống dễ như bỡn. Để cỡ nào, giữ nguyên cỡ đó”.
Lão vẫn không nhúc nhích.
“Mà lại toàn kính không vỡ cơ đấy ạ”, tôi tiếp, lòng đã hơi hoang mang. “Lợi vô kể! Ở đằng kia trong xưởng có chiếc Ford…” tôi thuật lại câu chuyên thương tâm xảy ra với vợ lão chủ hiệu bánh, có thêm mắm thêm muối chút đỉnh, bằng cách cho một đứa trẻ nữa cùng lâm nạn.
Nhưng Blumenthal có cuộc sống nội tâm khép kín như một két bạc.
“Xe nào chẳng có kính không vỡ”, lão ngắt lời tôi, “có gì đặc biệt đâu”. “Không loại xe nào được lắp toàn kính không vỡ cả”, tôi đáp, gay gắt những vẫn cố mềm mỏng. “Giỏi lắm chỉ tấm kính trước, mà ở đôi loại thôi. Chứ cửa sổ to bên cạnh mà được lắp kính không vỡ thì đào đâu ra”.
Tôi bóp còi kêu bim bim rồi xoay sang mô tả những tiện nghi bên trong… thùng, nệm ngồi, các túi, bảng đồng hồ điện – tôi liệt kê tỉ mỉ không thiếu thứ gì, thậm chí còn bật lửa cho Blumenthal châm thuốc và thừa dịp đưa thuốc lá ra mồi để lấy lòng lão, nhưng lão từ chối.
“Cám ơn, tôi không hút”, lão nói và nhìn tôi vẻ chán chường đến nỗi tôi đột nhiên sa vào một mối ngờ vực khủng khiếp: có lẽ lão không hề định tìm đến chúng tôi, có lẽ lão chỉ lạc nẻo tới đây chứ lão chủ tâm mua một cái gì hoàn toàn khác kia: một chiếc máy thùa khuyết hoặc một chiếc radiô, và lão chỉ hơi tần ngần dừng bước ở đây trước khi tiếp tục đường lão.
“Ta đi thử một vòng chứ, thưa ngài Blumenthal?” cuối cùng, đã rất thối chí, tôi đề nghị.
“Đi thử à?” Lão hỏi lại, cứ như lão vừa nghe tôi rủ ra ga làm một chuyến chu du bằng tàu hỏa không bằng.
“Phải, đi thử. Ngài cần thấy tận mắt chiếc xe chạy ra sao chứ. Nó như tấm ván đặt trên mặt đường, cũng giống đặt trên đường ray vậy, và mày cứ thế lôi nó lướt đi, cỗ xe nặng nề thế mà chỉ còn như một chiếc lông to lao vun vút…”
“Dào ôi, thử thiếc gì…” lão phẩy tay ra ý khước từ. “Những chuyến đi thử có ăn nhằm gì đâu. Bao giờ cũng vậy, dùng xe ít bữa mới thấy các khuyết tật của nó”.
Cố nhiên rồi, đồ quỷ già rắn hơn gang, tôi giận dữ rủa thầm, dễ thường lão tưởng ta đây sẽ tông tốc khai ra với lão chiếc xe trục trặc chỗ nào chắc?
“Được, thì thôi vậy”, tôi nói, vất bỏ mọi hy vọng. Rõ ràng lão chẳng muốn gì cả.
Nhưng lão đột nhiên xoay người lại, nhìn chăm chăm vào mắt tôi và hỏi khẽ, rất nhanh, giọng cương quyết: “Chiếc xe giá bao nhiêu?”
“Bảy ngàn mác”, tôi bật nhanh như tên bắn, mặt tỉnh khô không động đậy một sợi lông mi. Tôi biết không được để lão già này nhận thấy mình suy nghĩ, dù chỉ trong nháy mắt. Mỗi giây do dự sẽ đi đứt cả ngàn mác, cái ngàn mác mà lão sẽ cò kè đòi bớt. “Đúng bảy ngàn”, tôi khẳng định lại, bụng nghĩ: cứ xùy ra đây năm ngàn, chiếc xe là của lão. Nhưng Blumenthal chẳng xùy ra đồng nào. Lão chỉ phì một hơi ngắn: “Đắt quá!” “Tất nhiên!” tôi nói, thầm tính chuyện cho đi cái vụ mời chào này.
“Tất nhiên là nghĩa thế nào?” Blumenthal hỏi, giọng bỗng khá hiền hậu. “Ngài Blumenthal”, tôi cắt nghĩa, “ở thời buổi này, ngài đã thấy kẻ nào trả lời khác ngài khi nghe nêu một cái giá hay chưa?”
Lão chăm chú nhìn tôi. có chút gì như ánh cười lướt qua gương mặt lão. “Đúng vậy. Nhưng chiếc xe quả khá đắt”.
Tôi không dám tin vào tai mình. Rốt cuộc thì nó đây rồi, cái giọng thật của lão. Giọng của một kẻ rõ ràng quan tâm đến mặt hàng! Hay đây lại là trò tinh quái khốn khiếp mới của lão?
Đúng lúc đó, một công tử bột hào hoa phong nhã đi vào sân. Chàng ta rút trong túi ra một tờ báo, xem lại số nhà lần nữa, rồi mới tiến lại gần tôi. “Ở đây có bán chiếc Cadillac phải không?”
Tôi gật đầu, há hốc mồm nhìn chiếc can sậy vàng óng và đôi găng tay bằng da thú của anh chàng.
“Tôi có thể xem qua được chứ?” chàng công tử bột hỏi tiếp, mặt tỉnh khô. “Chiếc xe này đây”, tôi nói, “nhưng có lẽ ngài vui lòng chờ cho một lát, tôi đang dở chút việc. Ngài ngồi tạm trong kia được chứ ạ?”
Chàng công tử bột lắng nghe tiếng động cơ rù rì, nét mặt thoạt đầu cau lại vẻ săm soi, sau giãn ra tán thưởng, đoạn theo tôi đi vào xưởng.
“Đồ ngốc”, tôi gầm gừ với hắn rồi tất tưởi quay lại chỗ Blumenthal.
“Nếu ngài dùng chiếc xe một lần rồi, ngài sẽ suy xét đúng nó đắt hay rẻ”, tôi nói. “Ngài cứ việc thử nó bao lâu tùy thích. Hay tôi tới nhà đón ngài chạy thử xe vào buổi tối cũng được, nếu như thế tiện cho ngài hơn”.
Nhưng sự rung động thoảng qua đã bay biến. Blumenthal lại đứng đó như một nhạc trưởng tạc từ đá granit. “Thôi khỏi cần”, lão nói, “giờ tôi phải đi. Trường hợp tôi có ý định thử xe, tôi còn có thể gọi điện cho anh mà”.
Tôi hiểu tạm thời không thể làm gì hơn. Lão là loại người không thuyết phục nổi.
“Tốt thôi”, tôi nói, “nhưng ngài không muốn cho tôi số điện của ngài sao, để tôi có thể báo tin cho ngài trường hợp có một ai khác quan tâm đến chiếc xe?”
Blumenthal nhìn tôi một cách kỳ quái. “Người quan tâm chưa hẳn là người mua”.
Lão móc trong túi ra một hộp xì gà chìa mời tôi. Đột nhiên lão còn hút thuốc nữa chứ. Thậm chí loại Corona – Coronas hẳn hoi… hẳn lão có hàng núi tiền. Nhưng tôi đâu thèm bận tâm tới điều đó nữa. Tôi rút một điếu. Lão vui vẻ bắt tay tôi và bỏ đi. Tôi nhìn theo lão, nguyền rủa lão, khẽ thôi, nhưng rủa cho thật hả. Đoạn tôi bỏ vào xưởng.
“Thế nào?” Chàng công tử bột Gottfried Lenz chào đón tôi.
“Mình đóng trò được đấy chứ hả? Thấy cậu ngắc mãi mới được một câu mình muốn thử cứu cậu. May mà Otto đã thay bộ đồ ở đây để đến sở Tài chính. Thấy bộ đồ bảnh của cậu ta treo đó… mình bèn phi nước đại vào, đóng bộ, rồi nhảy qua lối cửa sổ và lại hiện diện ở đây trong vai một quý khách đứng đắn! Bợm đấy chứ, hả?”
“Ngu ngốc thì có”, tôi đáp. “Lão cáo hơn cả hai thằng mình góp lại! Mở mắt ra mà nhìn điếu xì gà đây này. Một mác rưỡi một điếu chứ đùa đâu. cậu đã đuối mất của mình một tay tỉ phú”.
Gottfried giật điếu thuốc từ tay tôi, đưa lên mũi hít hít và châm lửa hút. “Mình đã đuổi hộ cậu một thằng cha lừa đảo. Tỉ phú đâu có hút loại xì gà này. Lũ ấy chỉ dám dùng loại đáng giá mỗi điếu một xu”.
“Dớ dẩn”, tôi đáp, “những kẻ lừa đảo không tự xung là Blumenthal. Chúng tự xưng là bá tước Blumenthal hoặc đại loại thế”.
“Lão sẽ trở lại”, Lenz nói, tràn trề hy vọng như mọi khi, và phun khói thuốc xì gà của tôi vào mặt tôi.
“Lão ấy thì đừng mong”, tôi quả quyết. “Nhưng cậu đào đâu ra cây can sậy và đôi găng tay thế?”
“Mượn. Ở đằng kia, trong cửa hiệu của Benn và Co. Mình quen một cô em bán hàng ở đó. có lẽ mình còn mua đứt chiếc can ấy chứ, mình thích nó”.
Cậu ta mãn nguyện múa cái que bự ấy trong không khí.
“Gottfried này” tôi nói, “cậu ru rú ở đây thật uống, cậu biết mình khuyên cậu gì không? Hãy tìm đến gánh hát tạp kỹ. Đó mới là sở trường của cậu”.
“Ban nãy có người gọi điện cho ông” Frida, ả hầu mắt lác của bà Zalewski nói với tôi lúc trưa khi tôi nhảy về đến nhà.
Tôi quay phắt lại. “Lúc nào?”
“Trước đây nửa giờ. Một bà”.
“Bà ta nói gì?”
“Bà ta định gọi lại vào buổi tối. Nhung tôi đã bảo ngay rằng vô ích thôi. Ông có bao giờ ở nhà buổi tối đâu”.
Tôi trợn mắt nhìn ả. “Cái gì? cô đã nói thế hả? Trời đất, phải có kẻ dạy cô cách nói chuyện điện thoại mới xong”.
“Tôi biết nói chuyện điện thoại”, Frida tỉnh rụi đáp. “Còn tối tối ông hầu như có bao giờ chịu ở nhà”.
“Cái đó không can hệ gì đến cô”, tôi rủa. “Lần sau dễ thường cô còn thóc mách xem bít tất của tôi có thủng lỗ nào không đây”.
“Chứ sao”, Frida đáp và ranh mãnh nhìn tôi với cặp mắt toét ba vành sơn son. Chúng tôi là kẻ thù cố hữu của nhau.
Tôi những muốn dúi ả vào nồi súp của ả, nhưng cố kiềm chế, thọc tay vào túi tìm đồng một mác ấn vào tay ả, đoạn, hỏi vẻ dàn hòa. “Thiếu phụ không xưng danh sao?”
“Không”, Frida nói.
“Giọng cô ta thế nào? Hơi trầm đục và dường như khàn khàn một chút, phải không?”
“Không biết”, Frida lạnh lùng đáp, cứ như tôi chẳng hề ấn vào tay ả đồng một mác.
“Cái nhẫn cô đeo ở tay kia xinh quá, quả là mê hồn”, tôi nói, “còn bây giờ cô thử nghĩ kỹ hộ xem nào, chẳng lẽ cô không nhớ nổi sao?”
“Không”, Frida đáp, một niềm vui hiểm độc ánh lên trên gương mặt ả.
“Thế thì treo cổ cô lên, đồ chổi cùn của quỷ”, tôi thét và bỏ mặc ả đứng đó.
Đúng sáu giờ tối tôi đã có mặt ở nhà. vừa mở cửa, tôi thấy một cảnh tượng khác thường. Bà Bender, nữ hộ lý chăm sóc trẻ bé, đứng trong hành lang, vây quanh bà là toàn thể các bà các cô sống trong nhà trọ. “Anh lại đây”, bà Zalewski gọi.
Nguyên nhân của cuộc tụ tập là một đứa bé quãng sáu tháng, được quấn nơ đủ màu. Bà Bender đưa nó từ nhà nuôi trẻ của mình về trong một chiếc xe nôi. Đó là một đứa bé hoàn toàn bình thường; thế mà các bà cúi xuống nó với một vẻ mặt vui sướng đến điên cuồng, làm như nó là đứa trẻ đầu tiên thế giới sản sinh ra. Họ lại còn ríu rít trầm trồ, múa các ngón tay trước mắt cái sinh vật bé bỏng ấy và chúm môi dẩu mỏ với nó. Ngay đến Erna Bonig, mình khoác kimônô thêu rồng, cũng tham dự vào cuộc truy hoan của tình mẫu tử thuần khiết, lý tưởng này.
“Nó chẳng phải là một hình hài tuyệt đẹp sao?” bà Zalewski hỏi với cái nhìn đắm đuối.
“Phải đợi hai, ba chục năm nữa mới đánh giá đúng được”, tôi đáp, mắt liếc máy điện thoại. Mong sao chuông điện thoại không réo lên vào giữa lúc ai nấy đều đang tụ tập ở đây.
“Anh thử ngắm kỹ nó xem nào!” bà Hasse ra lệnh. Tôi nhìn. Một đứa bé như mọi đứa trẻ khác. Tôi chẳng khám phá nối một điểm gì khác thường ở nó. Họa chăng là hai bàn tay bé tí tẹo, và thật kỳ lạ khi nghĩ bản thân mình cũng đã từng nhỏ xíu như thế. “Con sâu nhỏ tội nghiệp”, tôi nói, “nó vẫn chưa hề biết cái gì đang chờ đợi nó. Tôi muốn xem xem nó ra đời để tham dự cuộc chiến nào đây”.
“Anh Robby”, bà Zalewski nói. “Anh không có chút tình cảm nào sao?”
“Quá nhiều đằng khác”, tôi đáp, “nếu không tôi đã chẳng nghĩ như vậy”. Đoạn tôi rút lui về phòng mình.
Mười phút sau chuông điện thoại réo. Nghe gọi tên mình, tôi chạy ra. Thì đã hẳn, cả đám các bà các cô vẫn còn đó! Họ cũng chẳng buồn giải tán khi tôi áp ống nghe vào tai và nghe tiếng Patrice Hollmann cám ơn tôi đã gửi tặng hoa. Trái lại, thằng bé, kẻ có vẻ biết điều nhất đám và đã chán ngấy cái trò khỉ, bỗng khóc toáng lên. “Xin lỗi cô”, tôi tuyệt vọng nói vào ống máy, “tôi không thể nghe rõ lời cô, ở đây có một đứa bé đang gào; nhưng không phải con tôi đâu”. Các bà thi nhau suỵt suỵt như một ổ trăn khống lồ để dỗ nín cái thằng cu đang oa oa đó. Các bà đã nhanh chóng thành công, ông lỏi ngày càng gào khỏe hơn. Đến lúc này tôi mới nhận ra nó quả là một đứa bé phi thường: có lẽ hai lá phối của nó phải lấn dài xuống tận hai chân, nếu không làm sao lý giải nối cái tiếng hét váng óc ấy. Tôi ở vào một tình huống khó xử; trong khi mắt phóng những tia giận dữ vào đám đàn bà phô diễn tình mẫu tử, miệng tôi lại phải lựa những lời khả ái để nói vào ống máy – tôi là bão bùng giông tố từ đỉnh đầu xuống mũi, và là trời xuân ngập nắng từ mũi xuống cằm – tôi cũng không hiểu tôi đã làm cách nào mà vẫn hẹn gặp được với nàng vào chiều mai.
“Bà nên xây lấy một phòng điện thoại cách âm”, tôi nói với bà Zalewski. Nhưng bà đâu chịu thua. “Để làm gì?” bà hỏi, mắt lóe sáng, “Anh có nhiều chuyện cần giấu diếm thế kia à?”
Tôi nín lặng, cố dằn lòng. Chớ nên sinh sự với những tình mẹ đang phẫn nộ. Họ có sau họ cái luân lý của toàn thế giới.
Mấy thằng tôi hẹn gặp nhau buổi tối tại nhà Gottfried. Tôi ăn ở một quán nhỏ, rồi đi đến đây. Dọc đường, tôi ghé vào cửa hàng thời trang nam giới lịch sự nhất mua cho mình một chiếc càvạt mới rõ bảnh gọi là để mừng ngày hôm nay. Tôi vẫn ngạc nhiên vì mọi sự trôi chảy quá và tự thề rằng ngày mai tôi sẽ nghiêm nghị như ông tổng giám đốc của một nhà thầu tang lễ.
Phòng của Gottfried là cả một thắng cảnh. Trong đó treo đầy các kỷ vật mà cậu ta tha từ Nam Mỹ về. Những tấm thảm dừa sặc sỡ trên tường, vài chiếc mặt nạ, một cái đầu lâu khô cong, những cái nồi đất sét kỳ dị, lao phóng, và vật trưng bày chính yếu là bộ sưu tầm lớn những tấm ảnh phủ kín cả một bức tường – những cô nàng thổ dân, gái lai đen, những con vật xinh đẹp, nâu óng uyển chuyển, hờ hững và duyên dáng đến kỳ lạ.
Ngoài Lenz và Koster còn có cả Braumuller và Grau. Mặt rám nắng, tóc đỏ như đồng, Théo Braumuller ngả người trên đi-văng ngắm say sưa bộ sưu tập ảnh của Gottfried. Anh ta lái xe đua cho một hãng xe hơi và lâu nay kết thân với Koster. Mồng sáu tới anh ta cũng tham dự cuộc đua mà Otto đã đăng ký tham dự với chiếc Karl.
Kềnh càng, béo phị, Ferdinand Grau đã khá say ngồi bên bàn. Thấy tôi, anh đưa bàn tay to bè ra kéo tôi lại gần: “Robby”, anh cất giọng lè nhè, “cậu đến làm gì với cái bọn hư hỏng này? cậu chẳng tìm thấy gì ở đây đâu. Đi đi. Hãy cứu lấy cậu. với cậu hãy còn kịp!”
Tôi đưa mắt sang Lenz. cậu ta nháy mắt với tôi. “Ferdinand đang rủng rỉnh. Đã hai ngày nay cậu ta nốc rượu khóc người tình đã chết. Chả là vừa bán được một bức chân dung lấy tiền ngay!”.
Ferdinand Grau là họa sĩ. Nhưng anh đã chết đói từ lâu, nếu như không có một cách kiếm ăn riêng. Anh truyền thần ảnh những người quá cố thành những bức chân dung sống động tuyệt vời cho đám thân nhân thương tiếc không nguôi của họ. Nhờ thế mà anh sống… thậm chí sống rất phong lưu. Chẳng ma nào mua những bức tranh phong cảnh của anh. vì thế trong lúc chuyện trò, bao giờ anh cũng đượm vẻ bi quan.
“Khách hàng lần này là một lão chủ quán, Robby ạ”. Anh nói, “một lão chủ quán đã làm nộm bà dì có gia tài trong dầu và dấm”. Anh lắc đầu. “Ghê tởm!”
“Nghe này, Ferdinand” Lenz khuyên, “cậu chẳng nên dùng những lời lẽ gay gắt đến thế, cậu đã sống nhờ vào một trong những đức tính cao đẹp nhất của con người, đó là lòng hiếu thảo”.
“Láo toét”, Ferdinand nói, “mình sống nhờ vào lương tâm tội lỗi mới đúng. Lòng hiếu thảo chẳng là gì khác ngoài lương tâm tội lỗi. Chẳng qua người đời muốn tự bào chữa về tất cả những điều xấu xa họ đã gây nên và đã cầu nguyện cho kẻ quá cố quý hóa lúc sinh thời”. Anh đưa tay thong thả vuốt mái tóc đỏ rực của mình. “Cậu thử nghĩ, không biết bao nhiêu lần lão chủ quán đã cầu cho thần chết tóm lấy cổ bà dì lão… để bù lại, giờ đây lão cho truyền thần bà cụ bằng những màu sắc thanh nhã nhất và treo bức chân dung ngay phía trên đi-văng. Lão ưa bà già sống trong tranh hơn. Hiếu thảo! Bao giờ con người cũng chỉ sực nhớ đến những đức tính tốt đẹp hiếm hoi của mình khi đã muộn. Thế rồi hắn xúc động vì lẽ đáng ra hắn đã có thể xử sự hào hiệp biết bao và hắn tự cho mình là có phẩm hạnh. Phẩm hạnh, nhân từ, độ lượng…!”, anh phẩy bàn tay to bè mập ù của mình, “người ta chỉ mong tìm thấy các đức tính ấy ở những kẻ khác, để có cơ chôn chúng cùng họ cả thể”.
Lenz cười ngoạc miệng. “Cậu đang lay các cột trụ của xã hội loài người đấy, Ferdinand!”
“Những cột trụ của xã hội loài người là tham lam, sợ sệt, và sa đọa”, Ferdinand đáp. “Con người ác độc nhưng lại ưa điều thiện… nếu như kẻ khác mang lại điều thiện” – Anh chìa ly của mình cho Lenz. “Thế, giờ hãy rót rượu cho mình đi và đừng có huyên thuyên suốt tối… cho người khác còn nói với chứ”.
Tôi bước qua đi-văng sang chỗ Koster ngồi. Tôi bỗng nảy ra một ý. “Otto, giúp mình một việc được không? Chiều mai mình cần chiếc Cadillac”.
Đang mê mải ngắm nghía ảnh một vũ nữ lai đen ăn mặc hở hang, Théo Braumuller ngoảnh sang hỏi “Cậu đã biết cua đường rồi sao? Cho tới nay mình tưởng cậu chỉ biết thẳng tiến nếu có ai đó cầm lái hộ cậu thôi cơ đấy”.
“Théo ơi, cứ yên chí”, tôi đáp “đến cuộc đua mồng sáu tới bọn này sẽ băm nhừ cậu ra”.
Braumuller cười sằng sặc.
“Thế nào, Otto?” tôi hồi hộp hỏi.
“Chiếc xe không được bảo hiểm đâu, Robby”, Koster nói.
“Mình sẽ bò như sên và bóp còi inh ỏi như xe khách ấy. Chạy dăm cây số trong thành phố thôi mà”.
Otto lim dim cặp mắt chỉ còn bằng hai khe hở nhỏ, và mỉm cười.
“Được thôi, Robby, mình sẵn lòng”.
“Dễ thường cậu cần chiếc xe cho đồng bộ với chiếc càvạt mới của cậu?” Lenz đã sấn lại gần, hỏi.
“Câm mõm lại”, tôi nói và đẩy cậu ta sang bên.
Nhưng cậu ta không hề suy suyển. “Xem cái nào, bé yêu!” cậu ta sờ cái càvạt lụa. “Tuyệt. Thằng bé của tụi ta đóng vai đĩ đực. Dễ thường toan đi kiếm vợ”.
“Đồ hát rong, hôm nay thì đừng hòng chọc tức được thằng này”, tôi nói. “Kiếm vợ à?” Ferdinand Grau ngẩng đầu lên. “Mà tội gì cậu ta lại không đi kiếm vợ chứ?”. Anh quay sang tôi, tươi tỉnh hẳn lên. “Xin cứ việc, Robby ơi! Cậu có thể để làm chuyện đó. Thơ ngây rất cần cho tình yêu, mà cậu thì có nó. Hãy giữ gìn lấy sự ngây thơ. Đó là món quà Chúa ban. Đã đánh mất rồi thì chẳng bao giờ hòng lấy lại được nữa”.
“Đừng thèm để tâm đến lời hắn” Lenz cười khẩy. “Sinh ra ngu không nhục. Chết ngu mới nhục”.
“Câm đi, Gottfried!” Loáng cái, bàn tay hộ pháp của Ferdinand đã xua bắn Lenz ra.
“Việc gì đến cậu, đồ lãng mạn rởm. cậu thì chẳng được điểm gì cho bõ tiếc”.
“Cứ tuôn ra cho hả, Ferdinand ạ”, Lenz nói. “Phun ra bằng hết bao giờ cũng nhẹ người đi đấy”.
“Cậu là thằng lỉnh việc”, Ferdinand nói, “một thằng lỉnh việc bẳng nhẳng”. “Bọn ta thế cả”, Lenz cười nhếch mép. “Bọn ta chỉ còn sống nhờ ảo vọng, sống vay”.
“Chính thế”, Ferdinand nói, mắt lần lượt nhìn chúng tôi dưới cặp lông mày chối xể. “Ảo vọng quá khứ và vay mượn tương lai”. Đoạn anh quay sang tôi, “Robby, mình vừa nói đến ngây thơ. Chỉ những kẻ hay ghen ghét mới gọi ngây thơ là ngu ngốc, cậu chớ vì thế mà tự ái. Đó đâu phải nhược điểm, đó là cái khiếu trời cho”.
Lenz toan bác lại, nhưng Ferdinand nói tiếp. “Cậu hiểu ý mình đây. Mình muốn nói đến một tấm lòng chất phác, chưa bị sự hoài nghi và siêu trí tuệ nghiến ngấu. Parsifal ngu ngốc, ông ta mà khôn ngoan, ông ta đã không đời nào chiếm được viên đá thần thiêng liêng. Chỉ kẻ nào ngu mới chiến thắng trong cuộc đời; những kẻ khác thấy quá nhiều trở ngại và chưa khởi sự đã ngã lòng, vào thời buổi khó khăn, thơ ngây là tài sản quý giá nhất – một tấm áo khoác thần diệu che lấp mọi hiểm nguy mà kẻ cực khôn ngoan cứ đâm đầu vào như bị thôi miên”.
Anh tợp một ngụm rượu và nhìn tôi với một cặp mắt xanh to tướng như một mảnh trời trên gương mặt nứt nẻ của anh. “Đừng bao giờ ham biết quá nhiều, Robby ạ. càng biết ít, càng dễ sống. Biết nhiều thì tự do đấy… nhưng lại bất hạnh. Nào, hãy cùng mình nâng cốc vì sự ngây thơ, sự ngu ngốc và những gì liên quan đến nó… vì tình yêu, niềm tin vào tương lai, những giấc mơ về hạnh phúc… vì sự ngu ngốc tuyệt diệu, cái thiên đường đã mất…”
Anh ngồi đó, kềnh càng, nặng nề, thốt nhiên chìm đắm vào suy tư và men say, như một mỏm gò đơn côi của nỗi sầu muộn không sao chạm tới được. Đời anh thế là hỏng, và anh biết vô phương làm lại. Anh ở trong xưởng họa lớn của mình và dan díu với mụ quản gia. Một mụ đàn bà cứng rắn, cục cằn. Ngược lại, tuy tạng người to béo hộ pháp, Grau lại nhạy cảm và dễ xiêu lòng. Anh không sao bỏ nổi mụ ta và có lẽ anh cũng bất cần. Anh bốn mươi hai tuổi.
Biết rằng anh say, nhưng nhìn anh như thế tôi vẫn cảm thấy hơi rùng mình khác lạ. Anh ít khi đến bù khú với cả bọn mà hầu như thường xuyên uống một mình trong xưởng họa của mình.
Một nụ cười thoáng lướt trên gương mặt anh. Anh ấn ly rượu vào tay tôi. “Uống đi, Robby. Hãy cứu lấy cậu. Nhớ lấy những điều mình đã khuyên cậu”.
“Được rồi, Ferdinand!”
Lenz lên dây cót chiếc máy hát. cậu ta có cả đống đĩa mọi và cho chạy vài đĩa… những khúc hát về dòng Missisipi, về những luống bông và về những đêm hè oi ả bên các dòng sông xanh miền nhiệt đới.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.