Ba Người Bạn

CHƯƠNG 20



Tháng Tám ấm áp và sáng sủa, sang tháng Chín tiết trời vẫn gần như mùa hè… nhưng rồi tới cuối tháng Chín trời bắt đầu đổ mưa, ngày này qua ngày khác giăng nặng trĩu trên thành phố, các mái nhà ướt dẫm, giông tố nổi lên. Một tinh mơ Chủ nhật nọ, khi thức dậy ra đứng bên cửa sổ, tôi nhìn thấy những vết loang lổ màu vàng lục trên các tán lá trong khu nghĩa trang, thấy những cành cày trơ trụi đầu tiên.
Tôi đứng hồi lâu bên cửa sổ. Những tháng qua, kể từ dạo hai đứa đi biển về, có cái gì thật lạ lùng… Không bao giờ, không giờ khắc nào, tôi quên rằng sang thu Pat phải ra đi, nhưng tôi biết điều đó cũng như người ta biết nhiều điều: rằng năm tháng cuốn trôi, rằng ai cũng sẽ già, rằng chẳng ai có thể sống mãi. Hiện tại đã mạnh hơn, nó thường xuyên gạt mọi ý nghĩ vớ vẩn sang bên, và chừng nào Pat còn đó, chừng nào cây cối còn phủ đầy lá xanh, thì những từ ngữ như “thu”, “ra đi”, “ly biệt” chẳng là gì khác ngoài những bóng sáng mờ nhạt nơi chân trời khiến tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn cái hạnh phúc được ở gần nàng, quấn quýt bên nàng.
Tôi nhìn xuống khu nghĩa trang bị gió mưa quần cho tơi tả, ướt sũng, nhìn những bia mộ phủ đầy lá cây nâu bẩn. Sương mù như một con thú trắng nhợt suốt đêm qua đã hút kiệt nhựa xanh của đám lá cây giờ đây héo úa, ủ rũ treo mình trên các cành, mỗi con gió thốc qua lại giật lìa một loạt lá mới, thổi chúng bạt về phía trước… và như một cơn đau dữ dội, cào xé, lần đầu tiên tôi đột nhiên cảm thấy cuộc chia ly đã tới gần, rằng nó sẽ trở thành hiện thực, cũng hiện thực như mùa thu vừa trườn vào qua các ngọn cây ngoài kia, để lại những vết hoen vàng.
Tôi lắng tai nghe ngóng phòng bên cạnh. Pat vẫn ngủ. Tôi đi ra cửa, đứng đó một lát. Nàng ngủ yên, không ho hắng gì. Một niềm hy vọng bất chợt xâm chiếm tôi trong khoảnh khắc… tôi tưởng tượng hôm nay hoặc ngày mai Jaffé sẽ gọi điện bảo tôi rằng nàng chẳng cần đi nữa… nhưng rồi tôi nhớ lại tiếng khò khè khe khẽ trong hơi thở của nàng đêm đêm, cái tiếng ran đùng đục đều đặn ấy, nó nổi lên, lắng xuống như tiếng một lưỡi cưa mỏng từ rất xa vọng lại… và niềm hy vọng vụt tắt ngấm, cũng nhanh như khi bùng lên.
Tôi quay lại cửa sổ, đăm đăm nhìn ra trời mưa; đoạn ngồi vào bàn viết, bắt đầu đếm tiền. Tôi ước tính xem số tiền đó có thể đủ cho Pat trong bao lâu, nhưng chỉ thêm khổ não, tôi bèn khóa biến chúng lại.
Tôi nhìn đồng hồ. Bảy giờ kém. Cho tới lúc Pat dậy, tôi còn ít nhất hai tiếng. Tôi hối hả mặc quần áo để tranh thủ lượn một vòng xe hơi. Còn hơn là cứ một mình luẩn quẩn trong buồng với những ý nghĩ vơ vẩn ấy.
Tôi đến xưởng lấy xe, rồi lái xe chạy chầm chậm qua các phố. Ngoài đường loáng thoáng bóng người. Trong các xóm thợ, những dãy nhà cho thuê dài dặc đứng trơ trụi, buồn tẻ trong mưa như những ả điếm già rầu rĩ. Mặt tiền các nhà lở lói, bẩn thỉu, các ô cửa sổ ủ dột nhấp nháy chán chường trong buổi sớm mai, và lớp vữa rụng lả tả phơi ra các mảng tường chi chít những lỗ nâu vàng sâu hoắm, như thể bị sâu đục.
Tôi cho xe xuyên qua khu phố cổ, chạy lại nhà thờ. Tới trước cửa ngách, tôi đỗ lại, xuống xe. Từ sau cánh cửa gỗ sồi nặng nề vẳng ra tiếng đàn oóc ngân nga. Lúc này đúng là giờ hành lễ misa buổi sáng, nghe tiếng đàn thì biết cuộc lễ vừa mới bắt đầu… ít nhất phải hai mươi phút nữa nó mới kết thúc, và mọi người mới để ra ngoài.
Tôi đi vào khu vườn có cây thánh giá. Cả khu vườn chìm trong ánh sáng xám nhờ. Những bụi hồng ướt đẫm nước mưa, nhưng phần lớn vẫn đâm hoa. Áo mưa của tôi khá rộng thành thử có thể giấu kín những cành hồng vừa cắt. Mặc dù đang là sáng Chủ nhật, không một bóng người qua lại. Tôi ôm những cành hồng đầu tiên ra xe không gặp chút trở ngại nào, đoạn trở lại lấy ôm thứ hai. Tôi vừa kịp giấu nó vào vạt áo mưa thì nghe tiếng bước chân ai trên con đường vườn. Kẹp chặt ôm hồng trong tay, tôi đứng sững trước một trong những bức phù điêu họa bài kinh rôze, như thể đang cầu nguyện.
Tiếng bước chân đến gần, nhưng không đi qua mà dừng lại. Tôi cảm thấy bức bối. Tôi đắm mình vào bức phù điêu, làm dấu thánh, rồi thong thả đi sang bức khác xa con đường hơn. Bước chân theo tôi vã lại dừng lại. Tôi không biết nên làm gì. Đi tiếp ngay thì không thể được, tôi phải đứng im ít nhất đủ để đọc mười lần bài kinh Kính mừng Đức Mẹ và một lần bài kinh Lạy Cha. Nếu không, tôi sẽ lập tức bị lộ tẩy. Cứ đứng thế, tôi ngoái nhìn để xác định cái gì đang diễn ra, thận trọng, với một vẻ mặt làm ra vẻ khó chịu, như thể bị quấy rầy trong khi đang mê mải trong đức tin.
Nhìn vào gương mặt tròn trịa, niềm nở của người mục sư, tôi thở phào. Tôi tin rằng mình đã thoát, bởi tôi biết ông sẽ không phá rối mình trong lúc cầu nguyện… vừa hay tôi nhận ra mình đã rủi ro bước tới đúng bức phù điêu cuối cùng. Dù có cầu kinh dềnh dàng đến đâu, vài phút nữa tôi cũng phải xong, và đó hình như chính là điều ông mục sư đang đợi. Cứ tiếp tục vờ vịt thế này chẳng ích gì, tôi bèn thản nhiên thong thả đi về phía lối ra.
“Chào con”, vị linh mục nói. “Sáng danh Jesus Krist!”
“Đời đời, amen!”, tôi đáp. Đó là lời chào nơi đất thánh của những người Thiên Chúa giáo.
“Giờ này đã có người tới đây quả hiếm thấy”, ông niềm nở nói và nhìn tôi với cặp mắt xanh trong sáng như mắt trẻ thơ.
Tôi lúng búng không ra câu trong mồm.
“Tiếc rằng điều này càng ngày càng hiếm”, ông tiếp tục vẻ phiền muộn. “Đặc biệt hầu như không còn thấy đàn ông đến cầu nguyện nơi đây. Vì vậy Cha sung sướng về con, chuyện trò cùng con. Hẳn con có điều gì khẩn cầu bức thiết nên mới tới đây từ lúc tinh mơ, giữa tiết mưa gió này…”
Chính thế, cầu cho ông đi đi, tôi nghĩ và gật đầu nhẹ nhõm. Tới lúc này hình như ông vẫn chưa mảy may phát hiện ra bó hoa. Điều cốt tử là phải nhanh chóng thoát khỏi ông trước khi ông kịp để ý.
Ông lại mỉm cười với tôi:
“Cha sắp đọc bài kinh misa. Cha sẽ gắn điều con khẩn cầu vào lời cầu nguyện của Cha”.
“Con muốn sự cứu rỗi linh hồn cho một kẻ quá cố chăng?”
“Cám ơn Cha”, tôi đáp, ngạc nhiên xen lẫn bối rối.
Một khoảnh khắc, tôi ngó ông đăm đăm, những cành hoa trong lần áo mưa bắt đầu tụt dần. “Không phải thế, thưa cha”, tôi vội vã nói, cánh tay khép chặt vạt áo mưa.
Cặp mắt trong sáng của ông nhìn thẳng vào mặt tôi với vẻ dò hỏi hồn nhiên. Hình như ông chờ tôi bộc bạch nỗi niềm riêng. Nhưng tôi không nghĩ ra chuyện gì, vả lại cũng chẳng muốn lừa dối ông hơn mức cần thiết. Vì thế tôi im lặng.
“Vậy Cha sẽ cầu Chúa cứu vớt một con người vô danh đang trong cảnh khốn khó”, cuối cùng ông bảo.
“Xin vâng”, tôi đáp, “nếu ý Cha muốn thế. Xin vô cùng đội ơn Cha”.
Ông mỉm cười xua tay, “Con không phải cám ơn Cha. Thảy chúng ta đều ở trong tay Chúa”. Ông nhìn tôi thêm lát nữa, đầu hơi cúi nghiêng về phía trước, tôi cảm giác như có cái gì đó thoáng lướt trên nét mặt ông. “Con hãy tin”, ông nói. “Cha ở trên trời luôn ra tay cứu vớt. Bao giờ Người cũng cứu vớt, cho dù đôi khi chúng ta không hiểu điều đó”. Đoạn ông gật đầu chào tôi và quay gót.
Tôi nhìn theo vị linh mục cho tới khi nghe tiếng cánh cửa sập lại sau lưng ông. Phải, tôi nghĩ, giá cứ đơn giản được như thế! Người cứu vớt, luôn luôn cứu vớt! Nhưng phải chăng Người đã cứu vót Bernard Wiese khi cậu ấy nằm gào thét trong rừng Houthoulst với một viên đạn xuyên thủng bụng, phải chăng Người đã cứu vớt Katczinsky khi anh ấy ngã xuống ở Handzaeme, bỏ lại chị vợ ốm yếu và đứa con chưa một lần thấy mặt. Người đã cứu vớt Muller, Leer và Kemmerich chàng, đã cứu vớt cậu Friedmann bé nhỏ và Jurgens và Berger và hàng triệu triệu người chăng? Mẹ kiếp, đã có quá nhiều máu chảy trên thế gian này vì cái dạng đức tin như tin vào Cha ở trên trời này!
Tôi đưa hoa về nhà, đoạn đánh xe trở lại xưởng rồi đi bộ về. Từ bếp đưa ra mùi cà phê mới pha thơm phức và tiếng ả Frida khua nồi xoong xủng xoảng. Kể cũng lạ, nhưng mùi cà phê khiến tôi vui hẳn lên. Tôi đã nghiệm thấy điều này từ thời chiến tranh… không khi nào cái an ủi lại là những thứ lớn lao… bao giờ cũng là những thứ nhỏ nhặt, không đáng kể.
Tôi vừa khóa xong cửa hành lang thì Hasse từ buồng chạy xộc ra. Mặt ông vàng bủng, sưng húp, cặp mắt thao láo đỏ ngầu, trông ông cứ như đã mặc nguyên quần áo như thế mà ngủ. Thấy tôi, nét mặt ông để lộ nỗi thất vọng khôn tả.
“À, thì ra anh”, ông lẩm bẩm.
Tôi sửng sốt nhìn ông. “Mới sớm thế mà bác đã chờ ai à?”
“Phải”, ông khẽ nói, “bà nhà tôi, bà ấy vẫn chưa về. Anh có thấy bà ấy đâu không?”
Tôi lắc đầu. “Tôi ra ngoài có một tiếng thôi mà”.
Ông gật. “Ấy là tôi nghĩ thế… biết đâu anh lại chẳng trông thấy bà ấy”.
Tôi nhún vai. “Có thể lát nữa bác gái sẽ về. Bác không thử gọi điện hỏi à?”
Ông nhìn tôi vẻ hơi sợ sệt. “Tối qua bà ấy đến chỗ người quen. Tôi không biết đích xác họ ở đâu”.
“Vậy bác biết tên họ chứ? Ta vẫn có thể hỏi số điện ở tổng đài”.
“Tôi đã thử hỏi rồi. Tổng đài không biết cái tên ấy”.
Ánh mắt ông như ánh mắt một con chó bị đòn. “Bao giờ bà ấy cũng kín tiếng về đám người ấy, động hỏi đến là bà ấy lập tức cáu kỉnh. Đành thôi vậy. Tôi mừng vì bà ấy có chỗ giao du. Bà ấy luôn mồm kêu ca rằng dễ thường tôi không cho phép bà ấy đến cả việc kết bạn kết bè”.
“Có lẽ bác gái sắp về”, tôi nói. “Thậm chí tôi chắc bác ấy về bây giờ. Để đề phòng, bác đã gọi điện đến các trạm cấp cứu tai nạn và cảnh sát rồi chứ?”
Ông gật. “Đã gọi đủ. Họ chẳng biết gì cả”.
“Bác thấy chưa”, tôi nói, “vậy thì việc gì bác đã cuống lên. Biết đâu tối qua bác gái chẳng mệt mỏi sao đó nên ngủ lại. Chuyện ấy là thường. Có lẽ độ một hai tiếng nữa là bác ấy về tới nhà”.
“Anh nghĩ vậy à?”
Cánh cửa bếp mở. Frida xuất hiện với một cái khay.
“Mang cho ai thế cô?” tôi hỏi.
“Cho cô Hollmann”, ả đáp, hơi cáu với cái cách tôi nhìn ả.
“Cô ấy dậy rồi à?”
“Chứ sao nữa”. Frida ứng đối ngay, “nếu chưa, cô ấy đã chẳng bấm chuông gọi bữa điểm tâm”.
“Chúa phù hộ cho cô, Frida”, tôi nói. “Sáng ra đôi lúc cô thật là mát tính đấy. Cô vui lòng chịu khó pha cà phê cho tôi cả thể được không?”
Ả càu nhàu gì đấy và đi tiếp, bộ mông đung đưa ra chiều khỉnh bỉ. Đó là biệt tài của ả. Ả là con người duy nhất tôi thấy có cái kiểu tỏ thái độ độc đáo đầy sức biểu cảm ấy.
Hasse vẫn đang đợi. Đột nhiên tôi xấu hổ vì đã quay lưng đi để giờ đây lại thấy ông đứng cạnh mình, cam chịu và câm lặng. “Chắc chắn chỉ một, hai tiếng nữa là bác hết lo thôi”, tôi nói, rồi chìa tay cho ông.
Ông không bắt tay tôi, mà nhìn tôi rất lạ. “Ta không thể đi tìm bà ấy được sao?” ông khẽ hỏi.
“Nhưng bác có biết bác gái đi đâu đâu”.
“Có lẽ vẫn có thể tìm được bà ấy”, ông nhắc lại. “Nếu như ta dùng chiếc xe của anh… cố nhiên tôi xin thanh toán sòng phẳng”, ông vội vã tiếp.
“Vấn đề không phải là ở chỗ đó”, tôi đáp. “Có điều làm thế chẳng giải quyết được gì. Chúng ta biết đi đâu cơ chứ? Vào giờ này bác gái làm gì đã ra phố mà tìm”.
“Tôi cũng chẳng biết tính sao”, ông nói, vẫn khẽ như ban nãy. “Tôi chỉ nghĩ ta có thể đì tìm bà ấy”.
Frida quay lại với cái khay không. “Giờ tôi phải đi”, tôi nói, “nhưng tôi cho rằng bác chỉ hay lo lắng không đâu. Tuy vậy, tôi sẵn lòng chiều ý bác nếu cô Hollmann không sắp sửa phải đi xa, hôm nay tôi muốn ngồi nhà cùng cô ấy. Có lẽ cô ấy chỉ còn ở đây được nốt Chủ nhật này. Chắc bác thông cảm cho tôi chứ?”
Ông gật.
Trông ông đứng đó mà thương, nhưng tôi nóng lòng muốn đến với Pat quá. “Nếu bác vẫn cứ muốn đi ngay, bác có thể xuống đường gọi tắcxi”, tôi tiếp, “nhưng tôi khuyên bác không nên. Bác chịu khó đợi một lát thì hơn… để tôi gọi điện cho anh bạn Lenz của tôi, anh ta sẽ cùng đi tìm với bác”.
Tôi có cảm giác ông không hề để tai nghe tôi. “Sáng nay anh không trông thấy bà ấy sao?”, bất chợt ông hỏi.
“Không”, tôi ngạc nhiên đáp. “Nếu thấy tôi đã nói ngay với bác”.
Ông lại gật đầu, và lơ đãng, chẳng nói chẳng rằng, ông trở vào phòng.
Pat đã sang phòng tôi và thấy đám hoa hồng. Nàng cười khi tôi bước vào. “Robby”, nàng nói, “em khá là ngây thơ đấy chứ. Mãi vừa rồi Frida mới vạch cho em thấy hoa hồng tươi vào quãng tinh mơ Chủ nhật thế này dứt khoát dính dáng tới chuyện trộm cắp. Cô ấy còn giải thích rằng loại hồng này không hề có bán ở những hàng hoa quanh đây”.
“Em muốn nghĩ thế nào cũng được”, tôi đáp. “Miễn em vui vì có hoa là tốt rồi”.
“Còn vui hơn là bình thường kia, anh yêu ạ. Anh đã bất chấp hiểm nguy để đoạt lấy chúng mà lại!”
“Chà, nguy hiểm thì còn phải nói!”, tôi nghĩ đến vị linh mục. “Nhưng sao em dậy sớm thế?”
“Em không ngủ được nữa. Vả lại, em còn nằm mộng. Chẳng hay ho gì”.
Tôi chăm chú nhìn nàng, vẻ mặt nàng mệt mỏi, mắt thầm quầng. “Em bắt đầu mộng mị nhảm nhí từ bao giờ vậy?”, tôi nói. “Anh vẫn nghĩ cho đến nay chỉ riêng anh mới thế!”
Nàng lắc đầu. “Anh không thấy ngoài kia trời đã sang thu rồi sao?”
“Bọn anh gọi đó là tiết cuối hè”, tôi đáp. “Hoa hồng vẫn nở kia mà. Cái duy nhất anh thấy là trời mưa”.
“Trời mưa”, nàng lặp lại. “Mưa dầm dề đã quá lâu, anh yêu ạ. Thỉnh hoảng tỉnh giấc giữa đêm, em ngỡ như mình bị chôn vùi dưới bấy nhiêu mưa”.
“Vậy ban đêm hãy sang với anh”, tôi nói. “Những ý nghĩ vớ vẩn ấy sẽ bay sạch khỏi đầu em ngay. Ngược lại, được kề bên nhau trong đêm tối khi trời đang mưa thú vị biết mấy”.
“Có lẽ thế”, nàng đáp, ngả người vào tôi.
“Anh thích những cơn mưa Chủ nhật vô cùng”, tôi nói. “Ta sẽ cảm thấy rõ rệt hơn ta sung sướng đến thế nào. Chúng mình ở bên nhau, chúng mình có một căn phòng đẹp đẽ, ấm cúng và một ngày rảnh rỗi trước mặt… theo anh thế đã là nhiều lắm rồi”.
Gương mặt nàng rạng rỡ lên. “Vâng, chúng mình thật sung sướng, phải không anh?”
“Tuyệt vời là đằng khác. Hễ nhớ lại trước kia… Lạy Chúa! Anh không bao giờ dám nghĩ mình được hưởng hạnh phúc nhường này thêm lần nữa”.
“Nghe anh nói mà em ấm lòng. Em tin ngay từng lời. Anh hãy nói điều đó thường xuyên hơn”.
“Anh nói thế vẫn chưa đủ thường xuyên sao?”
“Chưa”
“Có thể”, tôi nói, “Anh nghĩ mình không được dịu dàng lắm. Chẳng rõ tại sao, nhưng đơn giản là anh không thể. Mặc dù rất muốn”.
“Không cần thiết, anh yêu, anh thế này em cũng đã hiểu anh rồi. Dẫu vậy, thỉnh thoảng em vẫn muốn nghe những lời như anh vừa nói”.
“Từ giờ trở đi, anh sẽ luôn miệng lặp lại những lời ấy với em. Cho dù đôi khi anh cảm thấy nó ngớ ngẩn thế nào ấy”.
“Kìa, sao lại ngớ ngẩn”, nàng đáp. “Trong tình yêu không có gì là ngớ ngẩn cả”.
“Ơn Chúa mà lại như thế”, tôi đáp, “nếu không, con người ta đâm ra kỳ cục hết chỗ nói”.
Chúng tôi cùng ăn điểm tâm, rồi Pat lên giường nằm. Jaffé đã dặn như vậy. “Anh ở lại đây chứ?”, nàng nằm trong chăn hỏi ra.
“Nếu em muốn”, tôi nói.
“Đã đành em muốn, nhưng anh không nhất thiết…”
Tôi ngồi xuống giương với nàng. “Ý anh không phải vậy. Có điều anh nhớ trước kia em không thích bị ai nhìn trong khi ngủ”.
“Trước kia, có thế thật… nhưng giờ đây đôi khi em thấy sợ phải một mình…”
“Có dạo anh cũng như em bây giờ”, tôi nói. “Đó là thời kỳ hậu phẫu trong quân y viện. Hồi ấy anh rất sợ ngủ vào ban đêm. Anh luôn thức chong chong, đọc sách, hoặc nghĩ ngợi miên man, mãi tới lúc trời hửng mới ngủ thiếp di. Nhưng tình trạng đó rồi qua ngay ấy mà”.
Nàng úp mặt vào lòng bàn tay tôi. “Người ta sợ rằng mình sẽ thôi quay trở lại, anh Robby…”
“Phải”, tôi nói, “nhưng người ta trở lại, và chuyện ấy qua đi. Thì em cứ trông anh đấy. Bao giờ người ta cũng trở lại… cho dù không đúng vào chỗ cũ”.
“Thì đó”, nàng đáp, giọng đã ra chiều ngái ngủ, hai mắt lim dim. “Em sợ cả điều ấy nữa. Nhưng anh sẽ trông chừng, phải không anh?”
“Anh sẽ trông chừng”, tôi nói, đoạn vuốt ve vầng trán và mái tóc dường như cũng mệt mỏi của nàng.
Nàng thở sâu hơn, hơi trở mình sang bên. Một phút sau, nàng đã ngủ say.
Tôi lại đến ngồi bên cửa sổ, nhìn ra trời mưa. Giờ đây dưới màn mưa xám xịt run rẩy bay ngang cửa sổ, ngôi nhà như một hòn đảo nhỏ bồng bềnh giữa vô tận mịt mù. Tôi cảm thấy lo lo vì hiếm khi Pat tỏ ra yếu đuối và buồn bã vào buổi sáng. Nhưng rồi tôi lại nghĩ vài ngày trước đây nàng vẫn linh hoạt, tươi vui là thế, có thể lát nữa thức giấc nàng lại thay đổi hẳn. Tôi biết nàng nghĩ ngợi nhiều về bệnh tình của nàng, và tôi cũng được Jaffé cho hay bệnh tình nàng chưa hề thuyên giảm, nhưng đời tôi đã chứng kiến nhiều chết chóc đến nỗi bất kỳ bệnh nào dưới con mắt tôi vẫn cứ là sự sống và hy vọng. Tôi biết người ta có thể chết vì một vết thương, về điểm này tôi có quá nhiều kinh nghiệm… nhưng cũng chính vì thế mà tôi thường khó tin nổi một căn bệnh, mà khi mắc nó rồi vẻ ngoài con người ta vẫn khỏe mạnh như thường, lại có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nhờ cách nghĩ ấy mà bao giờ tôi cũng nhanh chóng rũ bỏ được những cơn buồn nản như vừa rồi.
Có tiếng gõ cửa. Tôi ra mở Hasse đứng bên ngoài. Tôi đặt ngón tay trỏ lên miệng ra hiệu giữ yên lặng và bước ra hành lang.
“Anh bỏ quá cho”, ông lắp bắp.
“Mời bác vào trong này”, tôi nói và mở cửa phòng mình.
Hasse dừng lại trên ngưỡng cửa. Mặt bác như tọp hẳn đi, trắng bệch, “Tôi chỉ định nói với anh là ta khỏi cần đi nữa”, ông nói, môi hầu như không mấp mấy.
“Thì bác cứ vào đây đã”, tôi đáp, “cô Hollmann đang ngủ, tôi rỗi mà”.
Ông cầm trên tay một lá thư, trông ông như kẻ vừa bị một phát đạn nhưng vẫn muốn tin đó chỉ là một cú huých nhẹ. “Tốt nhất là anh tự đọc”, ông nói và đưa tới lá thư.
“Bác đã dùng cà phê chưa?”, tôi hỏi.
Ông lắc đầu. “Xin anh đọc lá thư…”
“Vâng, nhưng khi tôi đọc, bác phải uống chút gì chứ…”
Tôi ra bảo ả Frida pha cà phê. Đoạn tôi đọc lá thư. Đó là thư của bà Hasse, vỏn vẹn vài dòng. Bà báo với ông rằng bà còn muốn tận hưởng đời mình ít nhiều. Bởi vậy bà không quay về với ông nữa. Bà đã tìm được một người hiểu bà hơn Hasse. Ông chớ tìm bà phí công vô ích; bà đã nhất quyết dứt áo ra đi. Mà đó hẳn cũng là điều tốt nhất cho ông. Ông sẽ khỏi phải lo lắng phần thu nhập đủ hay thiếu. Bà đã đem theo một phần tư trang của mình, số còn lại dịp nào đó bà sẽ nhờ người đến lấy đi nốt.
Lá thư viết rõ ràng, cụ thể. Tôi gập nó lại trao trả cho Hasse. Ông nhìn tôi như thể trăm sự tùy thuộc cả ở tôi. “Làm gì bây giờ anh?”, ông hỏi.
“Bác hãy uống nốt tách cà phê và ăn tạm chút gì đi đã”, tôi nói. “Bây giờ mà chạy cuống lên và tự hủy hoại mình chẳng ích lợi gì đâu. Để rồi ta thử cân nhắc xem. Bác phải gắng sao cho thật bình tâm đã, khi ấy bác sẽ có quyết định đúng đắn nhất”.
Ông ngoan ngoãn uống cạn tách cà phê. Tay ông run lẩy bẩy và ông không sao ăn nổi một miếng bánh. “Làm gì bây giờ?”, ông lặp lại.
“Chẳng làm gì cả”, tôi nói. “Hãy chờ đợi”.
Ông phác một cử chỉ không bằng lòng. “Chứ bác định làm gì nào?”, tôi hỏi.
“Tôi không biết. Tôi không sao hiểu được”.
Tôi im lặng. Biết nói gì với ông đây. Tôi chỉ có thể an ủi ông, còn thảy những việc khác phải do chính ông quyết định, ông đã hết yêu vợ, có thể coi như vậy… nhưng ông quen có bà, và đối với một người kế toán, thói quen có khi còn mạnh hơn cả tình yêu.
Lát sau ông bắt đầu nói, những lời lẽ rối rắm chỉ chứng tỏ ông đang dao động dữ dội. Rồi ông bắt đầu tự xỉ vả mình. Ông không buộc tội bà lấy một câu. Ông gắng tự lý giải rằng lỗi là ở ông.
“Bác Hasse”, tôi nói, “bác nói vớ vẩn gì vậy. Trong những chuyện như thế này làm gì có tội hay vô tội. Bác gái đã bỏ bác mà đi chứ đâu phải bác ruồng rẫy vợ. Việc gì bác phải tự trách móc mình như thế!”
“Có đấy”, ông đáp, mắt nhìn đăm đăm vào hai bàn tay. “Tôi đã không cáng đáng được”.
“Bác bảo gì?”
“Tôi đã không cáng đáng được. Không đủ sức cáng đáng cũng là một cái tội”.
Tôi sửng sốt nhìn vào cái thân hình bé nhỏ tội nghiệp lùi trong chiếc ghế bành bọc nhung đỏ. “Bác Hasse”, lát sau tôi bình tĩnh nói, “đó cùng lắm chỉ là một cái cớ, nhưng không phải tội. Vả lại cho đến nay bác vẫn cáng đáng được gia đình đấy thôi”.
Ông lắc đầu lia lịa. “Không, không, tôi đã làm bà ấy phát điên với nỗi sợ mất việc triền miên của tôi. Mà tôi cũng có cáng đáng nổi đâu! Tôi đã chiều chuộng bà ấy được cái gì nào! Chẳng gì cả…”
Ông chìm đắm trong sự ủ ê câm lặng. Tôi đứng dậy đi lấy chai cognac. “Ta uống một chút”, tôi nói. “Vẫn chưa có gì mất mát cả”.
Ông ngẩng dầu lên.
“Chưa có gì mất mát”, tôi nhắc lại. “Người ta chỉ mất đi một con người khi người đó chết mà thôi”.
Ông vội vã gật đầu và cầm lấy ly rượu. Nhưng rồi ông lại đặt ly xuống mà không hề nhấp môi. “Hôm qua tôi đã được lên trưởng phòng”, ông khẽ nói. “Kế toán trưởng kiêm trưởng phòng. Ông Chánh văn phòng bảo tôi tối qua. Tôi được cất nhắc là vì những tháng vừa rồi tôi luôn làm thêm giờ. Người ta đã sát nhập hai phòng làm một. Ông trưởng phòng kia bị sa thải. Tôi được ăn thêm năm chục đồng lương”. Ông bất giác nhìn tôi tuyệt vọng. “Anh nghĩ liệu bà ấy có ở lại nếu được biết sớm điều này không?”
“Không”, tôi đáp.
“Thêm được năm chục mác. Lẽ ra tôi có thể trao số tiền này cho bà ấy. Thế là bà ấy có thể sắm sửa chút đỉnh. Lại còn một ngàn hai trăm mác tôi gửi ở quỹ tiết kiệm nữa! Tôi đã dành dụm chúng làm gì chứ? Tôi muốn để một khoản cho bà ấy phòng khi chúng tôi lâm vào cảnh túng thiếu. Thế mà giờ bà ấy bỏ đi chỉ vì tôi đã ki cóp cho bà ấy”.
Ông lại thẫn thờ nhìn ra phía trước. “Bác Hasse”, tôi nói, “tôi thiết tưởng mọi việc ít liên quan đến nhau hơn bác nghĩ nhiều. Bác chớ nên dằn vặt mình làm gì. Với bác, điều cần nhất là vượt qua được mấy ngày tới đây. Rồi bác sẽ biết rõ hơn là nên làm gì. Biết đâu tối nay hoặc sáng mai bác gái lại chẳng trở về. Cũng như bác, thế nào bác gái chẳng nghĩ lại”.
“Bà ấy không về đâu”, ông đáp.
“Bác làm sao biết được”.
“Giá như ai có thể bảo với bà ấy rằng bây giờ lương tôi đã khá hơn, rằng chúng tôi sẽ đi nghỉ mát và làm một chuyến du lịch bằng số tiền tiết kiệm được…”
“Rồi bác sẽ tự nói với bác gái tất cả những chuyện đó. Người ta đâu chia tay nhau chóng vánh như thế”.
Tôi lấy làm lạ vì ông hầu như không nghĩ trong chuyện này còn có một người đàn ông nữa. Nhưng có lẽ ông chưa nghĩ được đến đó, ông chỉ mới biết rằng vợ mình bỏ đi, còn thảy những chuyện khác vẫn như một màn sương mù mờ mịt phía sau. Tôi rất muốn bảo ông rằng chưa chừng vài tuần nữa ông lại thấy mừng vì bà đã cuốn gói… nhưng nhìn vẻ ngây dại của ông, tôi hiểu nói thế là thô bạo không cần thiết. Trước một tình cảm bị tổn thương, sự thật bao giờ cũng thô bạo và hầu như quá sức chịu đựng.
Tôi còn chuyện trò với ông hồi lâu… cốt để ông trút vợi nỗi lòng. Nhưng chẳng kết quả gì… ông cứ xoay người vò đầu bứt tai, tuy vậy tôi có cảm giác ông đã bình tĩnh hơn ít nhiều. Ông còn uống một ly cognac. Rồi tôi nghe Pat gọi ở phòng bên.
“Bác chờ cho một lát!”, tôi nói, đoạn đứng dậy.
“Vâng”, ông đáp như một chú bé ngoan ngoãn và cũng vội nhổm lên.
“Bác cứ ở đây, tôi quay lại ngay thôi”.
“Anh bỏ lỗi cho…”
“Tôi trở lại tức thì mà”, tôi nói, rồi sang phòng Pat.
Nàng ngồi thẳng trên giường, trông tươi tắn và khỏe khoắn. “Em ngủ một giấc ngon tuyệt, Robby ạ! Chắc phải trưa rồi”.
“Em ngủ vừa đúng một tiếng”, tôi nói và chìa đồng hồ cho nàng thấy.
Nàng nhìn kim chỉ giờ. “Thế càng hay, chúng mình càng tha hồ có thời gian bên nhau. Em dậy ngay đây”.
“Tốt lắm. Mười phút nữa anh trở vào”.
“Anh có khách à?”
“Bác Hasse”, tôi nói. “Nhưng không lâu đâu”.
Tôi quay về buồng, nhưng Hasse đã đi khỏi. Tôi mở cửa ngó ra hành lang, lối đi vắng ngắt. Tôi theo hành lang lại gõ cửa buồng ông. Ông không lên tiếng. Tôi mở cửa, thấy ông đứng trước tủ. Vài ngăn kéo rút ra nằm chỏng bên cạnh.
“Bác Hasse”, tôi nói, “bác hãy uống một viên thuốc ngủ, rồi lên giường làm một giấc cho khuây đi đã. Lúc này bác đang quá xúc động đấy”.
Ông chậm chạp quay sang tôi. “Luôn luôn thui thủi, tối nào cũng vậy! Luôn luôn ngồi trơ trọi như hôm qua, anh thử nghĩ…”
Tôi bảo ông rằng hoàn cảnh rồi sẽ thay đổi, rằng thiên hạ thiếu gì những người tối tối vẫn ở nhà một mình. Ông trả lời chẳng đâu vào đâu. Tôi bèn nhắc lại là ông nên đi ngủ, sự việc chưa chừng lại xoay ra ổn, có khi tối nay bà vợ đã thò mặt về cũng nên. Ông gật đầu và chìa tay cho tôi.
“Tối tôi sẽ lại ghé bác”, tôi nói rồi quay ra. Nhẹ cả người.
 
Pat mở báo la liệt trước mặt. “Sáng nay chúng mình đi bảo tàng được đấy, anh Robby nhỉ”, nàng đề nghị.
“Đi bảo tàng ấy à?”, tôi hỏi.
“Vâng. Đang có triển lãm thảm Ba Tư. Chắc anh ít vào bảo tàng lắm?”
“Chưa hề!”, tôi đáp. “Anh biết làm gì ở đó?”
“Anh nói phải”, nàng cười.
“Không sao”. Tôi đứng dậy. “Mưa gió thế này bồi bổ kiến thức một chút cũng được”.
Chúng tôi mặc quần áo rồi đi. Không khí ngoài trời thật tươi mát, đượm mùi lá cây và nước mưa. Khi đi ngang tiệm Quốc Tế, qua cánh cửa mở, tôi thấy Rosa ngồi bên quầy rượu. Trước mặt ả là tách sô-cô-la. Hôm nay Chủ nhật mà. Trên bàn có một cái gói nhỏ. Hình như sau đó ả sẽ đi thăm con như thường lệ. Lâu lắm tôi không lại tiệm Quốc Tế, tôi lấy làm lạ khi thấy Rosa vẫn thản nhiên ngồi như ngày nào. Con người tôi đã thay đổi nhiều đến nỗi tôi cứ ngỡ như đâu đâu cũng phải khác trước.
Chúng tôi tới bảo tàng. Tôi cứ đinh ninh ở đây hai đứa sẽ khá yên ổn với nhau, nhưng cái đám đông chen chúc trước bảo tàng khiến tôi sửng sốt. Tôi hỏi người trông coi bảo tàng xem chuyện gì xảy ra.
“Chuyện gì đâu”, ông đáp, “những ngày mở cửa vào tự do bao giờ chả vậy”.
“Anh thấy chưa”, Pat bảo. “Còn có vô khối người quan tâm đến nghệ thuật đấy chứ”.
Người trông coi bảo tàng đẩy chiếc mũ vải ra sau gáy. “Đâu phải vậy, thưa bà. Hầu hết bọn họ là những kẻ thất nghiệp. Họ đến đây đâu vì yêu nghệ thuật, mà vì vô công rồi nghề. Ở đây ít ra họ cũng có cái để ngó”.
“Giải thích như vậy nghe lọt tai hơn”, tôi nói.
“Giờ đã thấm vào đâu”, người trông coi bảo tàng đáp. “Mùa đông mời ông bà đến xem thử! Mọi ngóc ngách cứ là chật cứng. Có sưởi mà lại”.
Chúng tôi vào gian trưng bày thảm. Đó là một gian phòng tĩnh mịch, hơi khuất nẻo. Qua các ô cửa sổ cao vòm có thể trông ra vườn, nơi sừng sững một cây ngô đồng. Cây ngô đồng vàng ruộm, đến ánh sáng trong phòng cũng vẫn ánh vàng.
Thảm đâu đẹp lạ đẹp lùng. Có hai tấm dệt hình muông thú từ thế kỷ mười sáu, một số tấm Ispahan, vài tấm thảm tơ Ba Lan màu hồng riềm xanh lục. Thời gian và mặt trời đã phủ lên các tông màu của chúng cái màu xanh phơn phót, khiến chúng chẳng khác gì những bức tranh phấn màu khổng lồ đượm vẻ thần tiên. Những tấm thảm cho gian phòng cái không khí phi thời gian và sự hài hòa mà các phòng tranh chẳng đời nào có nổi. Cửa sổ với đám lá vàng mùa thu của cây ngô đồng và bầu trời xám ngọc trông cũng tựa một tấm thảm cổ.
Chúng tôi ngắm nghía hồi lâu, đoạn đi xem các phòng khác trong bảo tàng. Nãy giờ thiên hạ kéo đến mỗi lúc một đông. Lúc này có thể thấy rõ nơi đây quả thật không phải là chỗ dành cho họ. Mặt mũi nhợt nhạt, áo quần sờn rách, hai tay chắp đít, họ dè dặt lang thang khắp các phòng, mắt để tận đâu đâu chứ chẳng ngó ngàng gì đến các tác phẩm hội họa thời Phục Hưng hay các bức tượng cổ âm thầm bằng cẩm thạch. Nhiều người ngồi trên những chiếc ghế đệm dài màu đỏ kê men các bức tường. Họ ngồi đó mệt mỏi, trong tư thế sợ sệt, sẵn sàng nhổm phắt đậy khi có kẻ đến xua mình đi. Có thể thấy họ coi những chiếc ghế đệm là cái gì ghê gớm lắm và không sao quan niệm được rằng mình có quyền ngồi lên đó mà không phải trả tiền. Họ đã quen chẳng được nhận không cái gì bao giờ.
Tất cả các phòng đều lặng lẽ; khách xem nườm nượp, thế mà nơi đây hầu như không nghe tiếng người, dẫu vậy tôi vẫn có cảm giác mình đang chứng kiến một cuộc vật lộn phi thường – cuộc vật lộn âm thầm của những con người đã bị đánh gục nhưng vẫn chưa chịu khuất phục. Bị đẩy ra khỏi các lĩnh vực công việc, ước vọng, nghề nghiệp… giờ đây họ tìm đến lĩnh vục lặng lẽ của nghệ thuật để khỏi rơi vào trạng thái cứng đờ, tuyệt vọng tại nhà mình. Họ nghĩ đến bánh mì, lúc nào cũng thèm muốn bánh mì và việc làm; nhưng họ tới đây hòng lẩn tránh vài giờ những ý nghĩ của mình… Giữa những mái đầu La Mã sáng rực và vẻ kiều diễm bất hủ của các pho tượng mỹ nhân Hy Lạp trắng muốt, họ nặng nề lê bước, với cặp vai xo chúi về phía trước của những con người không còn mục đích sống… một sự tương phản gây chấn động, một bức tranh tuyệt vọng của những cái mà loài người đã có khả năng đạt được và không sao đạt được suốt hàng ngàn năm: đỉnh cao của các tác phẩm nghệ thuật vĩnh cửu, nhưng không một lần đủ bánh mì cho mỗi anh em đồng loại của mình.
Buổi chiều chúng tôi đi xem phim. Khi hai đứa ra khỏi rạp, trời đã quang mây. Bầu trời trong veo, xanh màu trái táo. Phố phường và các cửa hiệu đã lên đèn. Chúng tôi thủng thẳng về nhà, vừa đi vừa ngắm những ô kính bày hàng.
Tôi dừng chân trước những tấm kính sáng choang của một nhà hàng lớn chuyên bán đồ lông. Chiều về se se lạnh, trong gian hàng mẫu bày những túm lông cáo bạc to sù và những chiếc măng-tô đông ấm áp. Tôi nhìn Pat, nàng vẫn khoác chiếc áo lông ngắn và ăn vận quả thực quá phong phanh.
“Giá đang là người hùng trong phim, anh sẽ vào chọn ngay cho em một chiếc măng-tô”, tôi nói.
Nàng mỉm cười. “Chiếc nào cơ?”
“Chiếc này”, tôi chỉ vào chiếc dày dặn nhất.
Nàng cười. “Anh chọn sành đấy, Robby. Đó là thứ lông chồn vizôn Canada tuyệt đẹp”.
“Em muốn cái áo ấy chứ?”
Nàng nhìn tôi. “Anh có biết một chiếc măng-tô như vậy giá bao nhiêu không, anh yêu?”
“Không”, tôi nói, “mà anh cũng chẳng muốn biết làm gì. Thà cứ để anh tưởng rằng anh có thể tặng em bất cứ thứ gì anh muốn. Tại sao chỉ những kẻ khác mới làm được điều ấy?”
Nàng nhìn tôi chăm chú. “Nhưng em hoàn toàn không muốn có một chiếc măng-tô loại ấy, Robby ạ”.
“Sao lại không”, tôi đáp, “nó sẽ thuộc về em! Không nói lôi thôi gì nữa. Mai ta sẽ cho người lại lấy”.
Nàng mỉm cười. “Cám ơn, anh yêu”, nàng nói và hôn tôi ngay giữa phố. “Còn bây giờ đến lượt anh”. Nàng dừng lại trước một cửa hàng y phục nam giới. “Chiếc áo đuôi én này! Anh cần nó để sóng đôi với chiếc măng-tô lông chồn vizôn. Và chiếc mũ ống kia cũng sẽ về tay anh. Đội mũ ống vào không hiểu trông anh sẽ thế nào nhỉ?”
“Như một thằng cha nạo ống khói”. Tôi ngắm nghía chiếc áo đuôi én. Nó được bày trong ô trưng hàng căng nền nhung xám. Tôi nhìn kỹ hơn lần nữa. Đây chính là cửa hàng mà dạo mùa xuân tôi đã ghé mua chiếc cà vạt sau bữa tôi đi chơi riêng với Pat lần đầu và say rượu bét nhè. Thốt nhiên tôi thấy có cái gì nghẹn trong cổ, không rõ tại sao. Dạo mùa xuân… khi ấy tôi chưa hề hay biết những gì sẽ diễn ra.
Tôi cầm bàn tay thon mảnh của Pat áp lên má mình giây lát. “Em cần được sắm sửa thêm vài thứ nữa”, đoạn tôi nói, “một chiếc măng-tô lông không thôi, khác nào một chiếc xe hơi thiếu động cơ. Hai ba chiếc áo dài dạ hội…”
“Áo dài dạ hội”, nàng lặp lại và dùng chân trước những ô kính đồ sộ, “phải đấy, áo dài dạ hội… em bắt đầu cảm thấy khó lòng từ chối hơn…”
Chúng tôi chọn ba chiếc áo dài tuyệt đẹp. Tôi thấy trò chơi này khiến Pat linh hoạt hẳn. Nàng hoàn toàn để tâm vào việc lựa chọn, bởi nàng rất mê áo dài dạ hội. Chúng tôi cũng chọn luôn những thứ đồng bộ với áo dài, và Pat càng thêm hăng say. Mắt nàng ngời sáng. Đứng bên nàng, nghe nàng ríu rít, tôi tự nhủ: thật khốn nạn là khi ta yêu một người đàn bà mà ta lại nghèo. “Đi em”, cuối cùng tôi nói, vẻ chán chương, tuyệt vọng, “đã trót thì phải trét!” Tôi kéo nàng tới trước một cửa hiệu bán đồ trang sức. “Kìa cái vòng đeo tay bằng ngọc lục bảo! Đi kèm với nó là hai chiếc nhẫn và đôi hoa tai! Không bàn luận lôi thôi gì nữa. Ngọc lục bảo là thứ đá quý thích hợp với em nhất”.
“Nếu thế anh phải nhận chiếc đồng hồ platin này, và cả những chiếc măngsét sơ-mi bằng ngọc kia”.
“Cả cửa hiệu này là của em! Anh không lấy gì nữa đâu đấy…”
Nàng cười, nép người vào tôi thở dài. “Đủ rồi, anh yêu, đủ rồi! Giờ ta chỉ cần sắm thêm vài chiếc va-li rồi đi tới hãng du lịch, sau đó ta sắp đồ và khởi hành, rời bỏ thành phố này, mùa thu này, tiết mưa này”.
Phải, tôi nghĩ, lạy Chúa, phải, và em sẽ mau lành! “Đi đâu nào?”, tôi hỏi. “Ai Cập nhé? Hay xa nữa? Tận Ấn Độ và Trung Hoa?”
“Đến với mặt trời, anh yêu, đi đâu cũng được miễn là đến với mặt trời, đến với phương Nam và nắng ấm. Đến với những con đường trồng cọ, những tảng đá, những ngôi nhà trắng ven biển và những bụi dứa rừng. Nhưng khéo mà ở đó cũng mưa. Có lẽ mưa giăng khắp nơi khắp chốn”.
“Nếu thế ta lại tiếp tục cuộc hành trình”, tôi nói, “kỳ đến chỗ nào hết gặp mưa mới thôi. Đi sâu vào miền nhiệt đới và biển Thái Bình Dương”.
Chúng tôi đứng trước ô kính sáng trưng của hãng du lịch tuyến đường Hamburg – América. Chính giữa là mô hình một con tàu đang bập bềnh trên những làn sóng bằng bìa xanh, nổi lên sừng sững phía sau là ảnh những tòa nhà chọc trời ở Manhattan phóng cỡ lớn. Để quảng cáo, người ta còn treo những tấm bản đồ to tướng, sặc sỡ với những tuyến đường của hãng tô màu đỏ.
“Chúng mình sẽ sang cả Mỹ”, Pat nói. “Sẽ đi Kentucky, Texas, New York, San Francisco và Hawaii. Rồi tiếp tục vượt Nam Mỹ. Qua Mexico và kênh đào Panama đến Buenos Aires. Cuối cùng ghé Rio de Janeiro rồi trở về”.
“Ừ…”
Nàng nhìn tôi rạng rỡ.
“Anh chưa hề đặt chân đến đó”, tôi nói. “Hồi trước anh trót ba hoa với em”.
“Em biết”, nàng đáp.
“Em biết à?”
“Ô kia, anh Robby! Cố nhiên là em biết. Em hiểu ngay”.
“Dạo đó anh khá là rồ dại. Hoang mang, ngu ngốc và rồ dại. Vì thế mà anh bịa chuyện”.
“Bây giờ thì sao?”
“Bây giờ còn tệ hơn”, tôi nói. “Em thấy rồi còn gì”. Tôi trở vào con tàu trong ô kính. “Không đi được mới chó má chứ”.
Nàng mỉm cười khoác tay tôi. “Chà, anh yêu, sao chúng mình lại không giàu nhỉ? Chúng mình biết cách xài tiền ra trò đây chứ! Trong khi vô khối kẻ giàu không biết làm gì hay ho hơn ngoài việc chúi mãi đầu vào văn phòng hay nhà băng của họ”.
“Thế họ mới giàu”, tôi nói. “Giá mình có giàu, chắc chẳng giàu được lâu”.
“Em cũng nghĩ vậy. Chắc chắn mình sẽ để tiền bay đằng nào hết”.
“Biết đâu vì lo mất tiến mà mình chẳng dám hưởng chút gì. Thời buổi này, giàu có cũng là một cái nghề. Và là một cái nghề chẳng dễ dàng tí nào”.
“Bọn nhà giàu đáng thương!”, Pat nói. “Vậy có lẽ tốt hơn là mình cứ tưởng tượng rằng mình đã từng giàu có nhưng vừa bị trắng tay. Đơn giản là anh mới bị phá sản trước đây một tuần và phải bán xới tất tật… nhà cửa, đống nữ trang của em, đoàn xe hơi của anh. Anh nghĩ sao?”
“Hợp thời hết chỗ nói”, tôi đáp.
Nàng cười. “Vậy ta đi thôi! Hai kẻ thất cơ lỡ vận chúng mình giờ đành lê bước về căn buồng trọ chật hẹp, để cùng nhau ôn lại những câu chuyện thời dĩ vãng vàng son”.
“Ý hay đấy”.
Chúng tôi thong thả di qua các đường phố ngập trong ánh chiều. Đèn bật lên mỗi lúc một dày; khi đến bên nghĩa trang, nhìn xuyên bầu trời xanh đậm, chúng tôi thấy một chiếc máy bay ngang với những ô cửa sáng nhấp nháy. Trên bầu trời trong trẻo, cao vòi vọi và cô độc, nó bay đơn chiếc và duyên dáng như một cánh chim thần thương nhớ đến từ một câu chuyện cổ xa xưa. Chúng tôi đứng lại trông theo cho tới khi chiếc máy bay mất hút.
Về nhà chưa đầy nửa giờ thì có tiếng gõ cửa buồng tôi. Bụng nghĩ chắc lại Hasse, tôi ra mở cửa.
Nhưng té ra là bà Zalewski, nét mặt hốt hoảng.
“Anh lại đằng này nhanh lên”, bà thì thào.
“Có chuyện gì vậy?”
“Hasse”.
Tôi nhìn bà không hiểu. Bà nhún vai. “Ông ta khóa trái cửa và không chịu lên tiếng”.
“Bà chờ cho một lát”.
Tôi trở vào bảo Pat hãy cứ nghỉ ngơi, tôi có chút việc cần bàn với Hasse.
“Được rồi, anh Robby. Vả lại em cũng đã thấm mệt”.
Tôi theo bà Zalewski về đầu kia hành lang. Trước cửa buồng Hasse tụ tập hầu hết khách trọ trong nanh hùng – Erna Bonig trong chiếc kimônô thêu rồng sặc sỡ, mái tóc đỏ hoe; mới cách đây hai tuần tóc cô ta còn óng ánh vàng xen bạch kim… lão cố vấn kiểm kê mê chơi tem trong chiếc áo khoác mặc nhà cắt theo kiểu nhà binh… Orlov, xanh xao và bình thản, mới từ phòng trà về… Georgie, vừa nôn nóng đập cửa vừa ra sức gọi Hasse bằng cái giọng trầm trầm… và cuối cùng là Frida, mắt lác xệch vì hồi hộp, sợ hãi và tò mò.
“Chú đập cửa bao lâu rồi, Georgie?”
“Đã quá mười lăm phút”. Frida mặt đỏ phừng phừng lập tức chõ mồm vào, “mà ông ấy ở trong buồng chứ đâu, suốt từ trưa hầu như ông ấy chẳng ló mặt ra ngoài, cứ thấy tiếng chân bách bộ liên tục, hết đầu này sang đầu kia buồng, thế rồi im ro…”
“Chìa khóa cắm ở mặt trong”. Georgie nói. “Cửa khóa trái”.
Tôi nhìn bà Zalewski. “Ta phải thúc được chìa rơi ra. Tôi mở khóa cửa. Bà còn chìa khác chứ?”
“Để tôi đi lấy chùm chìa khóa”, Frida bỗng tỏ ra mẫn cán khác thường. “Có chìa vừa cũng nên”.
Tôi hỏi xin một đoạn dây thép, thò vào lựa xoay chiếc chìa khóa về vị trí ban đầu, đoạn thúc nó ra khỏi ổ. Nó rơi đánh cạch xuống sàn nhà, bên trong cánh cửa. Frida rú lên, hai tay ôm mặt.
“Cô xéo ra kia, càng xa càng tốt” tôi bảo ả, đoạn thử chùm chìa khóa. Một chìa khớp. Tôi xoay chìa và mở cửa. Căn buồng tối lờ mờ, thoạt nhìn vào chẳng thấy ai. Hai chiếc nệm giường anh ánh màu xám trắng, những chiếc ghế đứng trơ, cửa tủ đóng.
“Ối ông ấy kìa!” Ả Frida bây giờ đã lại len vào, nhòm qua vai tôi rú lên. Cái hơi thở sặc mùi hành từ miệng ả phả ra rát cả mặt tôi. “Trên cửa sổ ấy”.
“Không”, Orlov vừa bước nhanh mấy bước vào buồng vội giật lùi. Ông đẩy tôi ra, nắm nắm đấm kéo sập cửa lại. Đoạn ông quay sang những người kia. “Các vị nên lui đi thì hơn. Cảnh tượng này nhìn vào có lẽ không lợi”.
Ông nói từ tốn, bằng cái thứ tiếng Đức hơi nặng lơ lớ giọng Nga, và đứng án trước cửa.
“Ôi lạy Chúa!” bà Zalewski lắp bắp lùi lại. Ngay Erna Bonig cũng giật lùi mấy bước. Mỗi Frida là vẫn tìm cách len qua để xoay nắm đấm cửa. Orlov xô ả ra. “Quả thực tốt hơn là…”, ông nhắc lại.
“Này ông!”, lão cố vấn kiểm kê đột nhiên ưỡn ngực gầm lên. “Ai cho ông cái quyền ấy! Một khi ông là người ngoại quốc!”
Orlov thản nhiên nhìn lão. “Ngoại quốc…”, ông nói. “Ngoại quốc… thì đã sao. Chẳng liên quan gì tới đây…”
“Chết rồi, hở?” Frida xuýt xoa.
“Bà Zalewski”, tôi nói, “tôi cũng cho rằng tốt hơn chỉ mình bà ở lại, và nếu cần, thêm bác Orlov và tôi”.
“Hãy điện thoại gọi ngay một bác sĩ”, Orlov bảo.
Georgie đã cầm sẵn ống nghe từ bao giờ. Tất cả diễn ra chưa đầy năm giây. “Tôi ở lại!” Lão cố vấn kiểm kê tuyên bố, mặt đỏ gay. “Là người Đức, tôi có quyền…”
Orlov nhún vai và mở cửa. Đoạn ông bật công tắc điện. Các bà rú lên dạt ra đằng sau. Mặt tím ngắt, lưỡi đen bầm thè le giữa hai hàm răng, Hasse treo lủng lẳng trên cửa sổ.
“Cắt dây!”, tôi kêu.
“Vô ích”, Orlov nói từ tốn, cứng cỏi và buồn bã. “Tôi biết… nhìn mặt thì rõ… chết phải vài tiếng rồi”.
“Ít nhất ta cũng thử cứu…”
“Tốt hơn là đừng… hãy mời cảnh sát tới đã”.
Đúng lúc đó chuông reo. Tay bác sĩ sống ở nhà bên sang. Anh ta chỉ đảo mắt ngó qua cái thân hình gầy cồm đầu rũ gục ấy. “Vô phương cứu chữa”, anh ta nói. “Dẫu vậy, vẫn phải làm hô hấp nhân tạo. Hãy gọi điện báo cảnh sát ngay và cho tôi xin một con dao”.
Hasse treo cổ bằng một chiếc dây lụa hồng bện khá dày. Đó là dây đai áo choàng mặc nhà của vợ ông, ông đã rất khéo léo cột chặt nó vào một cái móc phía trên cửa sổ. Sợi dây được miết thêm một lớp xà phòng. Hẳn ông đã treo lên bậu cửa sổ rồi từ đó buông mình xuống. Hai tay ông nắm chặt, bộ mặt trông hết sức ghê sợ. Lúc này mà để ý điều này kể cũng kỳ, nhưng tôi chợt nhận thấy bộ quần áo ông đang mặc trên người không phải bộ ban sáng. Đó là một bộ complê bằng sợi len se màu xanh lơ, bộ diện nhất của ông mà tôi biết. Ông cũng đã cạo râu và thay quần áo lót. Trên bàn, xếp cạnh nhau – ngăn nắp tới mức tỉ mẩn – là tấm hộ chiếu của ông, một cuốn sổ tiết kiệm, bốn tờ một chục mác và ít xu lẻ. Cạnh nữa là hai bức thư, một gửi cho vợ, một gửi cảnh sát. Bên cạnh thư gửi vợ con có một hộp thuốc lá bằng bạc và chiếc nhẫn cưới của ông.
Hẳn ông phải suy nghĩ rất lung và sắp đặt mọi chuyện từ trước; bởi khắp căn buồng được dọn dẹp sạch sẽ tinh tươm; khi xem xét kỹ hơn, chúng tôi còn tìm thấy trên nóc tủ ngăn một ít tiền và một mảnh giấy đề: Khoản tiền nhà còn thiếu cho tháng này. Để riêng món tiền này ra, dường như ông muốn tỏ rõ cái chết của mình không ảnh hưởng gì đến việc trả tiền nhà.
Chuông gọi cửa, hai vị nhân viên nhà nước mặc thường phục đến. Anh bác sĩ, lúc này đã hạ người chết xuống, đứng dậy. “Chết rồi”, anh ta nói, “tự sát, không nghi ngờ gì nữa”.
Hai vị nhân viên nhà nước chẳng nói chẳng rằng. Sau khi khép cửa lại, họ chăm chú quan sát khắp căn buồng. Họ lôi từ ngăn kéo tủ ra vài lá thư rồi so nét chữ với những bức thư đặt trên bàn… Người trẻ hơn trong hai vị gật đầu.
“Có ai biết nguyên nhân không?”
Tôi bèn thuật lại những gì mình biết. Anh ta lại gật đầu và ghi địa chỉ của tôi. “Cho đưa xác ông ấy đi được rồi chứ ạ?”, anh bác sĩ hỏi.
“Tôi đã gọi xe cứu thương của hội Từ Thiện rồi”, anh nhân viên trẻ hơn đáp. “Xe đến bây giờ đấy”.
Chúng tôi chờ đợi. Trong phòng lặng lẽ. Anh bác sĩ quỳ xuống bên Hasse. Anh ta đã cởi tung quần áo của kẻ xấu số và dùng một chiếc khăn tay xát đi xát lại ngực ông, cố làm những động tác cấp cứu hồi sức. Người ta chỉ nghe tiếng không khí khọt khẹt vào ra hai lá phổi đã chết.
“Người thứ mười hai tự sát trong tuần”, vị nhân viên trẻ nói.
“Cũng cùng nguyên nhân này chăng?”, tôi hỏi.
“Không. Hầu hết vì thất nghiệp. Hai gia đình tự sát liền, trong đó một gia đình có ba đứa trẻ. Tất nhiên bằng khí đốt. Tự tử cả gia đình hầu như toàn dùng khí đốt”.
Những người tải thương mang cáng đến. Frida theo bén gót họ, lẻn vào. Ả nhìn chằm chặp vào cái thân hình khốn khổ của Hasse, cứ như thèm lắm. Mặt ả nổi những mảng đỏ, mồ hôi nhễ nhại. “Cô muốn gì ở đây?”, vị nhân viên đứng tuổi hỏi độp.
Ả lùi lại. “Tôi cũng phải khai với chứ”, ả ấp úng.
“Đi ra!”, ông ta ra lệnh.
Những người tải thương phủ lên Hasse một tấm vải, khiêng ông đi. Rồi hai vị nhân viên nhà nước cũng ra về. Họ mang theo các thứ giấy má. “Ông ấy có dành riêng một khoản tiền cho việc mai táng”, vị trẻ hơn nói. “Chúng tôi sẽ chuyển đến cơ quan có trách nhiệm. Nếu bà vợ về, nhờ các vị nói hộ bà ấy đến gặp cảnh sát hình sự khu vực. Người chết đã di chúc lại cho vợ toàn bộ số tiền của mình. Còn những đồ đạc khác, tạm thời để lại đây được chứ?”
Bà Zalewski gật đầu. “Đằng nào buồng này cũng cho thuê làm sao được nữa”.
“Tốt lắm”.
Anh ta chào tạm biệt rồi đi. Chúng tôi cũng đi ra. Orlov khóa cửa buồng, trao chìa khóa cho bà Zalewski. “Tốt nhất ta hạn chế xì xào chuyện này, ít bao nhiêu hay bấy nhiêu”.
“Tôi cũng nghĩ vậy”, bà Zalewski đồng tình.
“Nhất là cô ấy, Frida ạ”, tôi thêm.
Frida choàng tỉnh khỏi cơn mơ màng. Mắt ả sáng lên. Ả không đáp.
“Cô mà hé một câu cho cô Hollmann”, tôi nói, “thì cứ giữ hồn!”
“Đây tự hiểu”, ả cắn câu. “Quý cô tội nghiệp ốm yếu quá nghe không lợi”.
Mắt ả lóe tia đắc thắng. Tôi phải gắng kiềm chế để không cho ả vài cái bạt tai.
“Ông Hasse đáng thương!”, bà Zalewski than.
Hành lang tối om. “Ông xử sự khá là thô lỗ với ông bá tước Orlov đấy”, tôi bảo lão cố vấn kiểm kê. “Ông không định có vài lời xin lỗi ông ta sao?”
Lão già trợn mắt nhìn tôi. Đoạn lão hét váng lên: “Một người Đức không biết xin lỗi! Lại càng không đời nào xin lỗi một thằng mọi Á!”, rồi lão rập cánh cửa sau lưng đánh rầm.
“Cái con sâu tem này làm sao vậy?”, tôi ngạc nhiên hỏi. “Lão vốn lúc nào cũng lành như cừu non kia mà”.
“Từ vài tháng nay, không cuộc hợp tuyển cử nào mà lão không lui tới”, Georgie đứng trong bóng tối đáp ra.
“À ra thế!”
Orlov và Erna Bonig đã bỏ đi. Bà Zatepski đột nhiên thút thít khóc. “Xin bà chớ đau buồn quá như thế”, tôi nói. “Đằng nào thì sự cùng đã rồi”.
“Khủng khiếp quá”, bà thổn thức. “Tôi đến phải dọn đi mất, tôi không sao quên nổi”.
“Bà sẽ quên thôi”, tôi nói. “Tôi từng chứng kiến hàng trăm xác chết như vậy. Đó là những người Anh bị sát hại bằng hơi ngạt. Rồi tôi cũng quên”.
Tôi bắt tay Georgie, trở về buồng mình. Buồng tối bưng. Bất giác tôi nhìn về phía cửa sổ trước khi bật đèn. Đoạn tôi lắng tai nghe ngóng phòng Pat. Nàng ngủ. Tôi lại tủ lấy chai cognac rót ra một ly. Thứ cognac này ngon, may mà có nó lúc này. Tôi đặt chai lên bàn. Mới đây, Hasse còn uống ly rượu rót ra từ chính chai này. Tôi lại nghĩ giá đừng để ông một mình có phải hơn không. Tôi cảm thấy áy náy, nhưng không sao qưở trách mình được. Tôi đã nhúng tay vào lắm việc tới mức tôi biết rằng: hoặc thảy những việc ta làm đều đáng trách, hoặc không nên tự trách một việc nào cả. Không may cho Hasse, sự việc lại xảy ra đúng vào Chủ nhật. Giá vào ngày thường, có phải ông vẫn đến sở làm, và biết đâu đã vượt qua được.
Tôi uống thêm một ly cognac. Nghĩ ngợi nhiều chẳng ích gì. Ai biết được đủ mọi chuyện sắp xảy ra với chính mình. Không người nào lường được biết đâu sẽ có lúc anh ta lại cho cái kẻ mà giờ đây anh ta thương hại vẫn còn hạnh phúc chán.
Tôi nghe tiếng Pat trở mình, bèn sang buồng nàng. Nàng đưa mắt đón tôi.
“Em tệ quá đi mất, Robby ạ”, nàng nói. “Chưa chi em đã lại ngủ say như chết”.
“Tốt chứ sao”, tôi đáp.
“Không”. Nàng nằm sấp, khuỷu tay chống xuống giường. “Em không muốn ngủ nhiều đến thế”.
“Sao lại không? Đôi khi anh muốn đánh một giấc dài năm chục năm”.
“Nhưng anh lại không muốn già đi năm chục tuổi!”
“Anh chẳng biết nữa. Bao giờ cũng phải chờ đến sau này mới nói chắc được”.
“Anh có vẻ buồn?”, nàng hỏi.
“Đâu nào”, tôi nói. “Ngược lại. Anh vừa quyết định là bọn mình sẽ diện bộ vào và đi làm một bữa chén ra trò. Toàn những món em mê nhé. Ngoài ra, chúng mình sẽ say sưa chút đỉnh”.
“Hay lắm”, nàng đáp. “Cái này vẫn liên quan đến cuộc phá sản gớm ghê của chúng mình đấy chứ?”
“Ừ”, tôi nói, “vẫn là phần tiếp diễn câu chuyện ấy”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.