Ba Người Bạn

CHƯƠNG 16



Tôi ngồi trên bãi biển ngắm mặt trời lặn. Pat không đi cùng, cả ngày hôm nay nàng thấy khó ở. Trời xẩm tối, tôi đứng dậy về nhà, bỗng tôi thấy từ sau rừng chị ở gái tất tưởi chạy lại. Chị ta vừa vẫy vẫy vừa kêu cái gì đó. Tôi không nghe ra: tiếng gió và sóng biển quá ầm. Tôi vẫy tay ra hiệu cho chị ta đứng lại, tôi đến ngay đây. Nhưng chị ta vẫn cứ chạy, hai tay bắc loa trên miệng. “Bà nhà…” tôi nghe loáng thoáng “… mau Lên…”
Tôi cắm cổ chạy. “Chuyện gì thế?”
Chị ta hổn hển. “Mau lên… bà nhà… tai họa…”
Tôi chạy theo con đường cát xuyên rừng về nhà. Cánh cổng vườn bằng gỗ bị kẹt, tôi nhảy phắt qua, đâm bổ vào phòng. Pat nằm trên giường với ngực áo đầy máu và hai bàn tay nắm chặt, máu xối từ miệng nàng. Bà Muller đứng bên cạnh nàng tay cầm mớ khăn lau và một bát nước.
“Sao thế này?” tôi kêu lên, gạt bà ta ra.
Bà ta nói cái gì đó. “Mang bông băng lại đây!” tôi thét. “Vết thương ở đâu?”
Bà nhìn tôi, môi run rẩy. “Đâu phải vết thương…”
Tôi đứng lên. “Thổ huyết”, bà nói.
Tôi như bị giáng một búa vào đầu. “Thổ huyết ư?” Tôi nhảy lên giằng bát nước từ tay bà. “Mang nước đá lại đây, hãy mang mau chút nước đá lại đây”.
Tôi nhúng chiếc khăn tay vào bát nước, đắp lên ngực Pat. “Trong nhà không có nước đá”, bà Muller nói. Tôi quay phắt lại. Bà ta giật lùi. “Lấy nước đá về đây, vì Chúa, hãy sai người tới quán rượu gần nhất, còn bà gọi điện thoại ngay cho bác sĩ đi!”
“Chúng tôi làm gì có máy điện thoại…”
“Đồ quạ mổ! Thế trạm điện thoại gần nhất ở đâu?”
“Ở nhà Massmann”.
“Chạy sang đấy! Mau lên! Gọi ngay cho bác sĩ gần nhất. Ông ta tên gì? Ở đâu?”
Bà ta chưa kịp nói tên tôi đã đẩy bà ta ra. “Mau, mau, chạy quàng lên! Có xa không?”
“Mất ba phút”, bà ta nói, đoạn hấp tấp bổ ra.
“Nhớ lấy cả nước đá!” tôi gọi với theo.
Bà ta gật đầu chạy biến.
Tôi lấy thêm nước và lại nhúng ướt chiếc khăn tay. Tôi không dám động vào Pat. Tôi không rõ nàng nằm như vậy đã đúng tư thế chưa và tuyệt vọng bởi không biết nổi điều duy nhất mình phải biết: liệu tôi nên luồn chiếc gối vào dưới đầu nàng hay cứ để nàng nằm thẳng như vậy.
Nàng thở khò khè, đoạn nhỏm mình dậy, và một dòng máu trào khỏi miệng nàng. Nàng thở mạnh, rền rĩ, ánh mắt kinh hoàng như không còn là người, nàng cố nuốt, ho, và máu lại phọt ra. Tôi giữ chặt nàng, lựa đỡ nàng, bàn tay nâng sau vai nàng, tôi cảm thấy tấm lưng tội nghiệp của nàng quằn quại đau đớn… tưởng chừng không dứt, rồi nàng rũ lả trên giường.
Bà Muller bước vào. Bà nhìn tôi như một bóng ma.
“Ta phải làm gì bây giờ?” tôi kêu lên.
“Bác sĩ sẽ đến ngay”, bà thì thào, “nước đá… chườm ngực, và nếu bà ấy chịu được, cho ngậm một ít…”
“Đặt nằm đầu thấp hay cao, nói ngay đi, trời đất ơi, mau!”
“Cứ để vậy… ông ấy đến bây giờ…”
Tôi tãi những mẩu đá lên ngực Pat, thấy nhẹ nhõm vì có thể làm một cái gì, tôi ghè nhỏ đá ra, đùm vào những chiếc khăn chườm cho nàng và lúc nào cũng chỉ nhìn thấy cái miệng méo xệch, thân thương, ngọt ngào ấy, cái miệng duy nhất, đang ứa máu ấy…
Có tiếng xe đạp lạch cạch. Tôi nhảy phắt dậy. Bác sĩ đến. “Tôi có thể giúp gì không?” tôi hỏi. Ông ta lắc đầu và giở đồ nghề ra. Tôi đứng sát ông bên giường, tay nắm chặt thành giường. Ông ngước nhìn. Tôi lùi một bước, mắt không rời ông. Ông khám sườn Pat. Nàng rên rỉ.
“Có nguy kịch không ạ?” tôi hỏi.
“Vợ anh vốn điều trị ở đâu?” ông ta hỏi lại.
“Cái gì? Điều trị gì?” tôi lắp bắp.
“Bác sĩ nào điều trị?” ông sốt ruột hỏi.
“Tôi không biết…” tôi đáp, “không, tôi không biết gì cả… tôi không cho rằng…”
Ông nhìn tôi. “Lẽ ra anh phải biết…”
“Nhưng tôi không biết. Cô ấy chưa bao giờ nói với tôi chuyện đó”. Ông cúi xuống Pat và hỏi nàng. Nàng toan trả lời. Nhưng lại nổi lên một cơn ho ngầu máu. Bác sĩ đỡ lấy nàng. Nàng hớp hớp không khí và thở rít. “Jaffé”, nàng thốt ra trong cổ họng.
“Felix Jaffé? Giáo sư Felix Jaffé phải không?” bác sĩ hỏi. Nàng ra hiệu gật bằng mắt. Ông quay sang tôi. “Anh gọi điện cho ông ấy được không? Tốt hơn là nên hỏi ông ấy”.
“Được, được ạ”, tôi đáp, “tôi gọi tức thì. Tôi xin đón ngài sau. Jaffé phải không?”
“Felix Jaffé”, bác sĩ nói, “hãy hỏi tổng đài số điện thoại của ông ấy”.
“Cô ấy sẽ qua khỏi chứ?” tôi hỏi.
“Phải cầm máu cái đã”, bác sĩ nói.
Tôi túm lấy chị ở và cứ thẳng đường mà chạy. Chị ta trỏ cho tôi ngôi nhà có máy điện thoại. Tôi bấm chuông. Một nhóm người đang ngồi uống bia và cà phê. Tôi đảo mắt nhìn họ suốt lượt, không sao hiểu nổi còn có những kẻ khề khà bên vại bia trong khi Pat thổ ra máu. Trong khi lắng tai vào khoảng tối kêu o o, qua hai cánh màn cửa, tôi thấy một phần căn phòng bên cạnh, u ám và rất rõ nét. Tôi thấy một cái đầu hơi lắc lư phản chiếu ánh sáng điện vàng vọt, thấy một cái trâm cài trên thứ lụa trơn màu đen của một chiếc áo dài viền đăng ten và một cái cằm chảy xệ với kính kẹp mũi và mái đầu uốn cao ngất ngưởng… một bàn tay già nua, xương xẩu, nổi đầy gân gõ gõ trên mặt bàn… tôi không muốn nhìn cảnh ấy, song tuồng như vô phương tự vê: nó đập vào mắt tôi chẳng khác gì thứ ánh sáng quá gắt.
Rốt cuộc số máy tôi gọi cũng lên tiếng. Tôi xin gặp ông giáo sư.
“Đáng tiếc”, cô y tá nói, “giáo sư Jaffé vừa đi khỏi”.
Tim tôi ngừng đập, đoạn gõ loạn như búa rèn. “Ông ta ở đâu? Tôi cần nói chuyện gấp với ông ta”.
“Tôi không biết. Có thể ông lại đến bệnh viện rồi”.
“Xin cô gọi hộ tới bệnh viện. Tôi chờ. Cô còn một máy điện thoại nữa mà”.
“Ông chờ cho một lát”. Tiếng o o lại tiếp tục. Cái khoảng tối không đáy mà trên nó chỉ giăng độc sợi dây kim loại mỏng manh. Tôi giật mình. Cạnh tôi, trong chiếc lồng phủ kín, một con bạch yến cất tiếng hót. Giọng cô y tá lại vang lên. “Giáo sư Jaffé đã rời bệnh viện”.
“Đi đâu?”
“Tôi thật tình không biết, thưa ông”.
Thế là hết. Tôi tựa mình vào tường. “A lô!” cô y tá nói, “Ông còn đó đấy chứ?”
“Vâng… tôi xin cô, cô y tá, cô không biết khi nào ông ta trở về sao?”
“Hoàn toàn thất thường”.
“Ông ta không nhắn lại? Ông ta phải nhắn chứ. Phòng khi có chuyện bất trắc còn biết đường mà tìm”.
“Có một bác sĩ trực ở bệnh viện”.
“Vậy cô vui lòng gọi cho ông…” – không, không ích gì, vị bác sĩ này có biết gì đâu “thôi được, thưa cô”, tôi nói, mệt muốn đứt hơi, “khi nào giáo sư Jaffé về, cô xin ông ta gọi điện ngay cho tôi”. Tôi cho cô số điện thoại. “Nhưng cô làm ơn gấp lên cho, việc khẩn lắm”.
“Ông có thể tin ở tôi, thưa ông”. Cô nhắc lại số điện và đóng máy. Tôi đứng đó, đơn độc. Những mái đầu lắc lư, cái sọ hói nhẵn, chiếc trâm và căn phòng bên giờ sao xa lắc, như một miếng cao su bóng nhoáng đung đưa. Tôi nhìn ra xung quanh. Tôi chẳng còn việc gì ở đây, ngoài việc nhờ mọi người lại tìm tôi nếu có ai gọi. Nhưng tôi không sao quyết định rời chiếc máy điện thoại cho được. Dường như làm thế là buông luôn sợi chão dòng xuống để cứu mình. Và đột nhiên tôi hiểu phải làm gì. Tôi lại nhấc ống nghe lên, xin số máy của Koster. Cậu ta phải có mặt ở đây. Không thể khác được.
Và đây, đến từ mù mịt của đêm tối, là giọng nói bình thản của Koster. Bản thân tôi cũng lập tức trấn tĩnh, kể lại đầu đuôi cho cậu ta nghe. Tôi cảm thấy cậu ta đã ghi lại ngay những điều cần thiết.
“Được”, cậu ta nói, “mình phóng đi tìm ông ta ngay đây. Sẽ gọi cho cậu sau. Yên chí. Thế nào cũng tìm được”.
Thế là thoát. Thoát ư? Thế gian yên ả. Ma quỷ đã biến mất. Tôi chạy về.
“Sao?” bác sĩ hỏi, “Anh tìm được ông ấy rồi chứ?”
“Chưa”, tôi nói, “nhưng đã tìm được Koster”.
“Koster à? Tôi không biết ông ta. Ông ta nói gì? Ông ta đã điều trị bà nhà theo cách nào?”
“Điều trị gì kia. Có điều trị gì đâu. Koster đang đi tìm”.
“Tìm ai?”
“Jaffé”.
“Lạy Chúa, thế ông Koster ấy là ai vậy?”
“À phải… xin lỗi ông. Koster là bạn tôi. Cậu ta đi tìm giáo sư Jaffé. Tôi không sao gọi được cho ông ấy”.
“Đáng tiếc” bác sĩ nói, đoạn lại quay sang Pat.
“Cậu ta sẽ tìm được ông ấy”, tôi nói. “Chừng nào chưa chết, cậu ta nhất định tìm được ông ấy”.
Bác sĩ nhìn tôi, tuồng như tôi đã hóa điên. Đoạn ông nhún vai.
Ngọn đèn tỏa sáng trong phòng. Tôi hỏi xem liệu mình có thể giúp được việc gì chăng. Bác sĩ lắc đầu. Tôi nhìn đăm đăm ra cửa sổ. Pat thở khò khè. Tôi đóng cửa sổ lại và ra ngưỡng cửa đứng. Tôi ngóng con đường.
Đột nhiên tôi nghe tiếng gọi, “Điện thoại nhé!”
Tôi quay lại. “Có điện thoại. Tôi chạy lại đằng đó chăng?”
Bác sĩ nhỏm phắt dậy. “Không, để tôi. Tôi biết phải hỏi gì hơn anh. Anh cứ ở đây. Chớ làm gì khác. Tôi quay lại ngay”.
Tôi ngồi xuống bên giường với Pat. “Pat”, tôi khẽ nói. “Bọn anh đều có mặt ở đây. Bọn anh trông nom em. Sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra cho em đâu. Không thể có chuyện gì được. Giáo sư đã gọi điện đến. Ông sẽ chỉ bảo tất cả. Mai thế nào ông cũng đích thân tới đây. Ông sẽ chữa cho em. Em sẽ khỏe. Mà sao em chẳng hề nói cho anh biết rằng em còn đang ốm? Mất chút máu chẳng can hệ gì đâu, Pat. Bọn anh sẽ bù lại nó cho em. Koster đã đón được ông giáo sư. Giờ mọi sự đều êm đẹp, Pat ạ”.
Bác sĩ trả lại. “Không phải ông giáo sư…”.
Tôi đứng dậy.
“Một người bạn của anh gọi, ông Lenz”.
“Koster không tìm được giáo sư sao?”
“Tìm được chứ. Ông ta có cho một số chỉ dẫn. Ông bạn Lenz của anh đã truyền đạt lại với tôi. Thậm chí hoàn toàn rõ ràng và chính xác. Ông bạn Lenz của anh cũng là bác sĩ chăng?”
“Không. Cậu ta từng mơ ước làm bác sĩ. Còn Koster?”
Bác sĩ nhìn tôi. “Lenz nói Koster vừa khởi hành trước đó vài phút. Cùng với ông giáo sư”.
Tôi phải tìm chỗ tựa lưng. “Otto”, tôi thốt lên.
“Phải”, bác sĩ bổ sung, “có một điều duy nhất anh ta nói sai. Anh ta cho rằng trong vòng hai giờ nữa họ sẽ có mặt ở đây. Tôi biết quãng đường này. Nếu phóng hết tốc lực cũng phải mất trên ba giờ. Xét cho cùng”…
“Thưa bác sĩ”, tôi đáp, “xin ông cứ tin cho. Anh ta đã nói hai giờ, anh ta sẽ có mặt ở đây trong vòng hai giờ”.
“Không thể được. Đường đầy chỗ ngoặt, lại đang đêm”.
“Rồi ông sẽ thấy”, tôi nói.
“Xét cho cùng… nếu như ông ta đến… ông ta có mặt ở đây vẫn hơn”.
Sốt ruột không chịu nổi, tôi ra ngoài trời. Bên ngoài sương đã giăng đầy. Biển rì rầm phía xa. Những giọt nước rỏ xuống từ các tán cây. Tôi nhìn xung quanh. Tôi không còn đơn độc nữa. Từ chân trời phía nam giờ đây đang vọng lại tiếng gầm rú của một động cơ xe hơi. Từ sau sương mù, sự cứu giúp đang lao tới trên những con đường tái xám, đèn pha lia ánh sáng, bánh xe rít lên, và đôi tay thép cầm lái, cặp mắt khoan vào đêm tối: lạnh lùng, tự chủ – cặp mắt của bạn tôi.
Sau này tôi được nghe Jaffé thuật lại sự việc đã diễn ra. Sau cú điện thoại của tôi, Koster lập tức gọi cho Lenz, nói phải chuẩn bị sẵn sàng. Rồi cậu ta đánh chiếc Karl lại, cùng Lenz phóng tới bệnh viện của Jaffé. Cô y tá trực cho rằng ông giáo sư đã đi dùng cơm tối. Cô mách cho Koster một lô tên quán, nơi có thể tìm được ông. Koster đi ngay. Cậu ta lao phúa qua mọi tín hiệu giao thông… chẳng thèm đếm xỉa đến đám cảnh sát toét còi lao tới. Chiếc xe tựa một con ngựa phi nước đại xuyên rừng xe cộ. Đến quán thứ tư thì tìm thấy giáo sư. Jaffé lập tức nhớ ra ca bệnh. Ông bỏ dở bữa, theo họ luôn. Họ chở ông ghé qua nhà lấy các đồ nghề cần thiết nhất. Đó là quãng đường duy nhất mà Koster tuy có phóng nhanh nhưng không lao điên cuồng. Cậu ta không muốn làm ông bác sĩ hoảng sợ quá sớm. Dọc đường, Jaffé hỏi hiện Pat nằm đâu. Koster nói tên một địa điểm cách thành phố bốn mươi cây số. Cậu ta muốn trước hết phải giữ được giáo sư trên xe đã. Mọi thứ tiếp theo sẽ tự bộc lộ. Trong khi sắp xếp túi đồ nghề. Jaffé nói cho Lenz những chỉ dẫn cần được gọi đi ngay. Đoạn ông lên xe với Koster.
“Có trầm trọng lắm không?” Koster hỏi.
“Có”, Jaffé nói.
Đúng vào khoảnh khắc ấy chiếc Karl hóa thân thành một bóng ma màu trắng. Thoắt chồm khỏi điểm xuất phát, nó bay vọt lên phía trước. Nó luồn lách, ghếch cả hai bánh lên hè đường, phóng ngược các con đường một chiều, tìm con dường ngắn nhất ra khỏi thành phố.
“Anh điên à?” giáo sư kêu lên. Koster vọt xéo ngay dưới chiếc ba-đơ-sốc cao lênh khênh của một chiếc xe buýt, giảm ga một chút, rồi lại cho động cơ rú.
“Đi chậm lại”, ông bác sĩ hét, “anh được gì, nếu chúng ta gặp tai nạn chứ!”
“Sẽ không gặp tai nạn đâu”.
“Nếu anh cứ tiếp tục phóng thế này, chỉ hai phút nữa thôi”.
Koster ngoặt xe sang trái, vượt ngang một tàu điện.
“Sẽ không gặp tai nạn”. Giờ đây cậu ta giong xe thẳng một con phố dài. Cậu ta nhìn ông bác sĩ. “Tôi tự biết phải đưa ông đến nơi nguyên vẹn. Ông cứ yên tâm để tôi lái”.
“Nhưng lao như điên thế này phỏng ích gì! Chỉ rút ngắn được vài ba phút”.
“Không”, Koster vừa nói vừa tránh một chiếc xe tải chở đá, “chúng ta còn phải chạy hai trăm bốn mươi cây số nữa kia”.
“Sao?”
“Phải…” Karl luồn giữa một chiếc xe thư và một chiếc xe buýt, lách lên. “Tôi không muốn nói ông biết trước”.
“Mà nói trước đã sao”, Jaffé càu nhàu, “tôi chữa bệnh không căn cứ vào cây số. Anh hãy đánh xe ra ga. Ta sẽ đến đó nhanh hơn bằng xe lửa”.
“Không”, Koster đã ra tới ngoại thành. Gió thổi bạt lời nói từ miệng cậu ta. “Hỏi rồi… tàu khởi hành muộn…”. Cậu ta lại nhìn bác sĩ lần nữa, và hẳn bác sĩ đã đọc được điều gì đó trên nét mặt người thanh niên. “Thôi cũng đành”, ông càu nhàu. “Cô ấy là người yêu anh chăng?”
Koster lắc đầu. Cậu ta không đáp lại nữa. Cậu ta đã vượt qua những khoảnh vườn, ra tới đường quốc lộ. Lúc này xe chạy hết tốc lực. Ông bác sĩ thu mình, náu sau tấm kính chắn gió hẹp. Koster đưa ông cái mũ tía của mình. Còi xe rú liên tục. Tiếng rú ấy dội trở lại từ những cánh rừng. Khi xuyên qua làng mạc, bất đắc dĩ lắm Koster mới giảm tốc độ. Sau tiếng rền như sấm của những tiếng nổ thả sức phát ra từ ống xả, các dãy nhà rúm lại với nhau như bóng một dãy khăn phơi, chiếc xe rẽ chúng ra, xé toạc chúng bằng ánh sáng trắng lóa của hai ngọn đèn pha và tiếp tục khoan vào đêm tối với luồng sáng xoáy phía trước.
Các bánh xe bắt đầu kêu rầm rầm… rít… huýt… hú lên… động cơ nhả hết tốc lực. Koster cúi rạp người về phía trước, thân thể cậu ta là một cái tai khổng lồ duy nhất, một cái sàng lọc tiếng rền và tiếng hú huýt, rình rập từng tiếng động lạ nhỏ, từng tiếng xèn xẹt, cọ sát khả nghi khả dĩ giấu trong mình sự hỏng hóc hay cái chết.
Đường trở nên ẩm ướt. Chiếc xe chao đảo và trượt bánh trên con đường đất sét. Koster buộc phải giảm tốc độ. Để bù lại sau đó cậu ta phóng nhanh hơn tại các khúc ngoặt. Cậu ta không lái xe bằng trí óc, mà chỉ bằng bản năng. Đèn pha chỉ rọi sáng được nửa khúc ngoặt. Vào đúng lúc xe quành, khúc ngoặt tối bưng như hũ nút. Koster phải viện đến chiếc đèn rọi: nhưng tia sáng quá mảnh. Ông bác sĩ nín lặng. Bỗng không khí lung linh trước đèn pha, nhuốm màu bàng bạc như một dải mây. Đó là khoảnh khắc độc nhất Jaffé nghe Koster chửi thề. Một phút sau họ đã bị lút giữa sương mù dày đặc.
Koster tắt đèn pha. Họ bơi giữa đám đông, những cái bóng lướt qua, cây cối, những hình thù lờ mờ trong biển sữa, không còn đường xá, chỉ còn may rủi và áng chừng, những cái bóng nhô lên và biến mất trong tiếng gầm của động cơ.
Mười phút sau đó, khi họ thoát khỏi, mặt Koster nom phờ phạc. Cậu ta nhìn Jaffé, lẩm bẩm gì đó, đoạn tiếp tục phóng hết tốc lực, người gò về phía trước, lạnh lùng và lại tự chủ…
Cái nóng nhớp nháp khiến căn phòng bức bối, nặng nề. “Vẫn chưa cầm ư?” tôi hỏi.
“Chưa”, bác sĩ đáp.
Pat nhìn tôi. Tôi mỉm cười với nàng. Nhưng lại hóa ra nhăn nhó. “Còn nửa giờ nữa”, tôi nói.
Bác sĩ ngước nhìn. “Còn một tiếng rưỡi, nếu không phải là hai. Trời đang mưa”.
Những giọt mưa khẽ rì rào ngân nga trên các tán lá và bụi cây trong vườn. Tôi nhìn ra ngoài với cặp mắt sững sờ. Đã bao lâu rồi, kể từ bữa chúng tôi thức dậy trong đêm, ra ngồi giữa những bụi tử đinh hương, mộc tê thảo, và Pat khe khẽ hát những bài ca ngắn của tuổi thơ. Đã bao lâu rồi, kể từ bữa con đường trắng lóa dưới ánh trăng, và Pat len lỏi giữa các bụi cây như một con thú mảnh mai…
Tôi đi ra cửa ngóng có tới trăm lần. Ra lắm cũng vô ích thôi, tôi biết vậy, nhưng như thế sẽ rút ngắn sự chờ đợi. Không khí ẩm ướt. Tôi nguyền rủa; tôi hiểu nó sẽ gây trở ngại cho Koster. Một chú chim kêu lên trong sương mù. “Ngậm mỏ lại!” tôi gầm, và chợt nhớ tới những câu chuyện về lũ chim báo điềm gở. “Vớ vẩn”, tôi nói to và vẫn cứ rùng mình. Một con bọ cánh cứng vù vù đâu dây… nhưng nó không lại gần… nó không lại gần. Nó vù vù khe khẽ, đều đặn; giờ nó ngưng bặt… giờ nó lại vỗ cánh vù vù rồi lại lần nữa… tôi thốt nhiên run rẩy… không phải tiếng côn trùng mà là một chiếc xe còn ở rất xa đang quành vào khúc ngoặt với tốc độ cao. Tôi đứng ngay đơ, nín thở để có thể nghe rõ hơn: Nó đấy… nó đấy… tiếng vù vù khe khẽ, thanh thanh như tiếng một con ong bắp cày giận dữ. Lúc này nghe mạnh hơn, tôi nhận rõ cả tiếng máy nén: chân trời căng thẳng tới mức chực vỡ toang giờ sụm xuống hòa trong cái vô tận êm ái chôn vùi đêm tối, sợ hãi, kinh hoàng… Tôi nhảy lùi lại, bíu lấy cánh cửa, kêu lên: “Họ đến! Bác sĩ, Pat, họ đến. Tôi đã nghe thấy họ”.
Suốt buổi tối bác sĩ đã cho tôi là khá điên. Ông đứng dậy và cũng nghe ngóng. “Sẽ là một chiếc xe khác”, cuối cùng ông nói.
“Không, tôi thuộc tiếng động cơ mà”.
Ông nhìn tôi bực tức. Có vẻ như ông tự coi mình là chuyên gia về xe hơi. Ông cư xử với Pat kiên nhẫn và thận trọng chẳng khác gì người mẹ; nhưng nghe tôi ăn nói như vậy về xe hơi, ông long mắt nhìn tôi qua cặp kính và đòi hiểu biết hơn tôi. “Vô lý”, ông nói gọn lỏn rồi trở vào.
Tôi đứng lại bên ngoài, người run lên vì hồi hộp “Karl! Karl!” tôi kêu lên. Lúc này tiếng rì rì và tiếng rú xen lẫn nhau… chiếc xe hẳn đã vào làng, nó lao giữa các ngôi nhà với tốc độ điên cuồng. Giờ đây tiếng rú lắng dần: nó đã ở sau rừng… và giờ nó trỗi dậy, dữ tợn, hân hoan, một vệt sáng xuyên qua màn sương, hai ngọn đèn pha, một tiếng sấm rền, ông bác sĩ đứng bàng hoàng bên tôi, ánh sáng vụt lao đến thình lình làm lóa mắt chúng tới, và, giật đánh két, chiếc xe dừng trước của vườn. Tôi lao bổ đến. Ông giáo sư xuống xe ngay, ông không nhìn tôi, mà đi thẳng lại bác sĩ. Sau ông là Koster. “Cô ấy thế nào?” cậu ta hỏi.
“Vẫn thổ ra máu”.
“Chuyện thường thấy”, cậu ta nói, “chưa có gì đáng phải lo”. Tôi im lặng và nhìn cậu ta.
“Cậu có điếu thuốc nào không?” cậu ta hỏi.
Tôi đưa thuốc cho Koster. “May mà cậu đã đến, Otto ạ”.
Cậu ta rít mấy hơi dài. “Mình nghĩ như vậy sẽ hơn”.
“Cậu phóng nhanh khiếp”.
“Cũng tạm. Chỉ gặp phải một quãng sương mù”.
Chúng tôi ngồi bên nhau trên chiếc ghế băng và chờ đợi. “Cậu cho rằng nàng sẽ qua khỏi chứ?” tôi hỏi.
“Dĩ nhiên. Thổ huyết chẳng nguy hiểm gì”.
“Nàng chưa hề nói với mình chuyện này”.
Koster gật. “Nàng phải qua khỏi, Otto ạ”, tôi nói.
Cậu ta không nhìn lên. “Cho mình điếu nữa đi” cậu ta nói, “mình quên không mang thuốc theo”.
“Nàng phải qua khỏi”, tôi nhắc lại, “nếu không tất cả chỉ là cứt”.
Ông giáo sư đi ra. Tôi đứng lên. “Trời tru đất diệt tôi, nếu tôi còn lên xe đi với anh lần nữa”, ông bảo Koster.
“Xin ông thứ lỗi”, Koster nói, “đó là vợ của bạn tôi”.
“Thế à”, Jaffé nói và nhìn tôi.
“Cô ấy sẽ qua chứ?” tôi hỏi.
Ông chăm chú quan sát tôi. Tôi quay nhìn chỗ khác. “Thế anh tưởng tôi nỡ đứng đây với anh lâu như vậy khi mà cô ấy không qua khỏi sao?” ông hỏi.
Tôi nghiến chặt hàm răng. Tôi nắm hai bàn tay vào nhau. Tôi khóc. “Xin lỗi ông”, tôi nói, “việc cầm máu diễn ra nhanh quá”.
“Việc như vậy không bao giờ đủ nhanh cả”, Jaffé nói và mỉm cười.
“Đừng bực. Otto nhé”, tôi nói, “về chuyện mình đã khóc”.
Cậu ta ôm vai xoay người tôi đi, đẩy tôi về phía cửa.
“Vào đi. Nếu ông giáo sư cho phép”.
“Tôi đã sẵn sàng”, tôi nói, “tôi vào được chứ ạ?”
“Được, nhưng chớ có nói”, Jaffé đáp, “và chỉ một lát thôi. Cô ấy không được phép xúc động”.
Tôi không thấy gì ngoài một ánh sáng lung linh trong làn nước. Tôi chớp chớp mắt. Ánh sáng ấy đung đưa, lấp lánh. Tôi không dám quệt nước mắt, sợ Pat tưởng rằng tôi đã khóc bởi bệnh tình nàng trầm trọng. Tôi chỉ cố gượng cười khi bước vào phòng.
Rồi tôi vội vã quay đi.
“Ông đến thế này là đúng chứ?” Koster hỏi.
“Phải”, Jaffé nói, “như vậy tốt hơn”.
“Sáng sớm mai tôi có thể lại đưa ông về”.
“Chịu thôi”, Jaffé nói.
“Tôi sẽ lái nghiêm túc”.
“Tôi muốn nán lại một ngày nữa để theo dõi. Tôi ngủ giường anh được chứ?” ông hỏi tôi. Tôi gật.
“Tốt, vậy tôi sẽ ngủ tại đây. Anh có thể nghỉ tạm trong làng được chứ?”
“Vâng. Để tôi kiếm cho ông một bàn chải đánh răng và một bộ pijama nhé?”
“Không cần thiết. Tôi có đủ cả. Bao giờ tôi cũng sẵn sàng cho những vụ như thế này. Cho dù không hẳn cho cuộc đua xe”.
“Xin ông thứ lỗi!”, Koster nói, “tôi nghĩ ông giận là phải lắm”.
“Tôi không giận”.
“Vậy tôi ân hận là đã không nói ngay cho ông biết sự thật”.
Jaffé cười. “Anh có ý nghĩ không hay về đám bác sĩ. Bây giờ anh cứ yên lòng mà đi. Tôi ở lại đây”.
Tôi nhặt nhạnh nhanh vài vật dụng cần thiết cho Koster và tôi. Chúng tôi vào làng. “Cậu mệt không?” tôi hỏi.
“Không”, cậu ta nói, “chúng mình kiếm chỗ nào ngồi tí đã”.
Một giờ sau, tôi đâm lo lắng, “ông ta mà ở lại, chắc hẳn là nguy kịch, Otto ạ”, tôi nói. “Nếu không, ông ta ở lại làm gì…”.
“Mình nghĩ ông ta ở lại vì thận trọng. Ông ta rất mến Pat. Ông ta kể với mình khi tụi mình rẽ vào đây. Ông ta đã chữa cho mẹ cô ấy…”.
“Bà ta cũng…”.
“Mình không biết”, Koster vội nói, “cũng có thể một bệnh gì khác. Ta đi ngủ chứ?”
“Cứ đi đi, Otto. Mình muốn ngó lại lần nữa… từ xa thôi…”.
“Được. Mình đi cùng”.
“Nghe mình này, Otto. Mình rất thích ngủ ngoài trời vào tiết ấm áp. Cứ để mặc mình. Gần đây mình ngủ thế luôn”.
“Nhưng trời ẩm ướt mà”.
“Không hề gì. Mình sẽ nâng mui chiếc Karl lên và sẽ chui vào đó chút xíu”.
“Được. Mình cũng rất thích ngủ ngoài trời thử xem”.
Tôi nhận thấy sẽ không thoát nổi cậu ta. Chúng tôi ôm một ít chăn gối, trở lại chiếc Karl. Hai thằng tháo các dây bảo hiểm, ngả lưng dãy ghế trước ra sau. Như thế nằm tha hồ thoải mái. “Còn hơn khối lần ngoài mặt trận”.
Koster nhận xét. Cái mảng sáng cửa sổ rọi qua lớp không khí lạnh lùng. Vài lần, tôi thấy bóng của Jaffé hằn lên.
Chúng tôi hút rỗng một bao thuốc. Rồi đèn tắt, chỉ còn le lói một ngọn đèn bàn đêm nhỏ nhoi.
“Ơn Chúa”, tôi nói.
Có tiếng rơi sẽ sàng trên mui xe. Một làn gió nhẹ thoảng tới. Trời trở lạnh. “Lấy cả chăn của mình mà đắp, Otto ạ”, tôi nói.
“Không, kệ mình, mình đủ ấm mà”.
“Một tay hết chê, ông Jaffé ấy, hả?”
“Hết chê. Rất mẫn cán, mình nghĩ vậy”.
“Hẳn rồi”.
Tôi choàng tỉnh khỏi giấc ngủ chập chờn thắc thỏm. Ngoài trời xám và lạnh. Koster đã dậy. “Cậu không ngủ sao, Otto?”
“Có đấy chứ”.
Tôi xuống xe, nhẹ bước trên con đường vườn đến bên cửa sổ. Ngọn đèn bàn đêm nhỏ xíu vẫn sáng. Tôi nhìn Pat nằm thiêm thiếp trên giường. Trong giây lát tôi sợ nhỡ đâu nàng đã chết. Nhưng rồi tôi nhận thấy, bàn tay phải của nàng động đậy. Trông nàng rất xanh. Nhưng nàng đã thôi thổ huyết. Giờ đây nàng lại khẽ cựa. Cùng lúc ấy, nằm trên giường bên cạnh, Jaffé mở choàng mắt. Tôi vội lùi. Tôi yên dạ: ông ta vẫn trông chừng nàng.
“Mình nghĩ ta nên chuồn khỏi đây”, tôi bảo Koster, “để ông ta khỏi thấy bị kiểm tra”.
“Trong ấy ổn cả chứ?” Otto hỏi.
“Ừ, cứ như mình thấy thì ổn. Ngủ ra ngủ, cái ông giáo sư ấy. Súng liên thanh có nổ bên tai vẫn ngủ, nhưng tỉnh liền hễ một con chuột nhấm đến túi bánh của mình”.
“Ta đi tắm cái chăng”, Koster nói. “Không khí nơi đây tuyệt diệu”. Cậu ta vươn vai.
“Cậu đi đi”.
“Đi với mình”, cậu ta bảo.
Bầu trời xám xịt rách toang. Những sọc đỏ da cam tràn ra. Màn mây vén lên đằng chân trời, để hiện lên phía sau một màu xanh táo hết sức trong trẻo.
Chúng tôi nhảy ào xuống nước bơi. Nước sáng lóng lánh trong sắc xám và đỏ.
Rồi chúng tôi trở về. Bà Muller đã dậy. Bà đang cắt rau mùi trong vườn. Bà giật mình khi tôi bắt chuyện với bà. Sượng sùng, tôi cố thanh minh chuyện hôm qua tôi chửi thề hơi nhiều. Bà bắt đầu khóc. “Quý bà tội nghiệp. Bà ấy đẹp thế, và còn trẻ thế”.
“Nhà tôi sẽ sống trăm tuổi”, tôi giận dữ nói, vì bà ta khóc như thể Pat sắp chết đến nơi, Pat sẽ không chết. Bình minh mát lạnh, ngọn gió, cuộc sống sáng sủa, sôi động của biển trong tôi: Pat không thể chết! Nàng chỉ có thể chết một khi tôi để mất can đảm. Đây, Koster, bạn của tôi… đây tôi, bạn của Pat… chúng tôi phải chết trước đã. Chừng nào chúng tôi còn sống, chúng tôi sẽ cứu được nàng. Bao giờ cũng vậy đấy. Chừng nào Koster còn sống, tôi không thể chết. Và chừng nào cả hai chúng tôi còn sống, Pat không thể chết.
“Con người ta phải biết quy phục định mệnh”, cô gái già nói và nhìn tôi có phần trách móc với bộ mặt táo héo nhăn nheo, nâu xỉn của mình. Hình như cô muốn ám chỉ những lời tôi chửi rủa.
“Quy phục ấy à?” tôi nói. “Để làm gì? Chẳng ích gì cả. Ở đời, người ta phải trả giá hết thảy mọi thứ, gấp đôi, gấp ba. Vậy còn phái quy phục làm gì nữa?”
“Phải chứ, phải chứ… như thế tốt hơn”.
Quy phục, tôi nghĩ. Làm thế thay đổi được gì nào? Đấu tranh, đấu tranh, đó là cách duy nhất trong cuộc vật lộn mà rốt cuộc rồi mình cũng thua này. Đấu tranh vì cái chút ít ta yêu. Bảy mươi tuổi hãy quy phục cũng chưa muộn.
Koster nói vài lời với bà Muller. Bà lại mau chóng mỉm cười và hỏi cậu ta muốn ăn gì vào buổi trưa.
“Cậu xem”, Otto nói, “đó là quà tặng của tuổi già. Nước mắt và nụ cười… cứ là thay đổi xoành xoạch. Chẳng chút vướng gợn. Có lẽ rồi ta cũng thế thôi!”, cậu ta nói vẻ trầm ngâm.
Chúng tôi đi vòng quanh ngôi nhà. “Nàng ngủ được thêm phút nào, tốt phút ấy”. Chúng tôi lại vào vườn. Bà Muller đã dọn xong bữa điểm tâm. Chúng tôi uống cà phê đen nóng. Mặt trời lên. Trời lập tức ấm áp. Lá cây lóng lánh bởi ánh sáng và nước đọng. Từ biển vọng vào tiếng kêu của bầy hải âu. Bà Muller đặt một bó hồng lên bàn. “Để lát nữa chúng ta tặng bà”, bà nói. Hương thơm những đóa hồng gợi nhớ các dãy tường vườn và tuổi ấu thơ. “Otto, cậu biết không”, tôi nói, “mình có cảm giác như chính mình vừa ốm dậy. Mình không như trước kia nữa. Lẽ ra mình phải bình tĩnh hơn. Chín chắn hơn. Càng bình tĩnh, càng giúp ích nhiều hơn”.
“Không phải bao giờ cũng giữ được như thế đâu, Robby ạ. Chính mình cũng đã trải qua những lúc tương tự. Càng sống lâu bao nhiêu, người ta càng dễ nóng nảy bấy nhiêu. Giống như một ông chủ nhà băng cứ phải chứng kiến hết vụ thua lỗ này đến vụ thua lỗ khác”.
Cửa mở. Jaffé bước ra trong bộ pijama. “Tốt dẹp, tốt đẹp cả”, ông đưa tay ngăn khi thấy tôi suýt xô đổ bàn cà phê, “không thể mong gì hơn thế”.
“Tôi vào được không?”
“Chưa được. Chị hầu phòng đang ở trong ấy. Rửa ráy, thu dọn gì đó”.
Tôi rót cà phê mời ông. Ông nheo mắt nhìn mặt trời, đoạn quay sang Koster. “Thực ra tôi phải cảm ơn anh. Ít nhất tôi cũng được hưởng một ngày thoắng khỏe”.
“Ông thừa sức thực hiện thường xuyên hơn những cuộc đi như thế này”, Koster nói. “Tối trước đi, tối sau trở về”.
“Thừa sức, thừa sức”, Jaffé đáp. “Anh đã nhận thấy chúng ta đang sống trong một thời đại con người tự cắn xé mình hay chưa? Rằng người ta vẫn có không làm rất nhiều cái mà người ta thừa sức làm, tuy không hiểu tại sao. Ngày nay, công việc đã trở thành một cái gì phi thường, bởi rất nhiều người không có việc làm, tới mức nó đè bẹp mọi thứ khác. Nơi đây đẹp biết bao! Đã hàng năm nay tôi không được thấy. Tôi có hai xe hơi, một căn hộ mười phòng và dư dật tiền… nhưng tôi được gì ở chúng! Chúng là cái gì so với buổi sáng hè ngoài trời này! Công việc – một điều ám ảnh tăm tối, bao giờ cũng với ảo tưởng rồi đây mọi sự sẽ khác. Sẽ chẳng khi nào khác cả đâu. Ta biến cuộc đời ta thành một cái gì nực cười”.
“Tôi cho rằng người thầy thuốc là một trong số ít người biết được mình sống để làm gì”, tôi nói. “Nếu đã vậy, một anh chàng kế toán biết nói sao đây?”
“Anh bạn thân mến”, Jaffé đáp, “thật là nhầm nếu tưởng rằng thiên hạ ai cũng có khả năng cảm xúc như nhau”.
“Đồng ý”, Koster nói, “nhưng con người ta đâu được quyền chọn nghề nghiệp theo khả năng cảm xúc của mình”.
“Đúng”, Jaffé đáp. “Những vấn đề nan giải”. Ông gật đầu với tôi. “Giờ anh vào đi… nhưng phải bình tĩnh… chớ động vào cô ấy, chớ để cô ấy nói”.
Nàng nằm lút trong đám gối, kiệt lả, như bị đánh gục. Mặt nàng tái xanh, mắt thâm quầng, môi nhợt nhạt. Chỉ có đôi mắt là to và sáng.
Quá to và quá sáng.
Tôi cầm tay nàng lên. Bàn tay nàng lạnh và khô héo. “Pat, bạn can trường của anh”, tôi nói lúng túng và toan ngồi xuống với nàng. Chợt tôi phát hiện bên cửa sổ bộ mặt bánh bao tròn vo của chị ở gái đang giương mắt tò mò nhìn tôi. “Chị ra đi”, tôi cáu kỉnh nói.
“Nhưng tôi phải kéo rèm của”, chị ta đáp.
“Được, kéo mau rồi ra đi”.
Chị ta kéo mấy tấm rèm màu vàng che cửa sổ, nhưng đã chịu đi cho đâu. Chậm chạp, chị ta bắt đầu lấy ghim găm rèm lại.
“Chị kia”, tôi nói “đây không phải rạp hát. Chị biến cho mau”.
Chị ta phớt tỉnh quay người lại. “Lúc đầu bảo găm, giờ lại bảo thôi”.
“Em nhờ chị ta à?” tôi hỏi Pat.
Nàng gật.
“Ánh sáng trời làm em khó chịu sao?” tôi hỏi.
Nàng lắc đầu. “Hôm nay anh đừng nhìn em quá rõ thì hơn…”.
“Kìa Pat!” tôi hoảng sợ bảo, “em chưa được phép nói! Nhưng nếu đó là toàn bộ lý do”…
Tôi mở cửa, và thế là chị ở cuốn xéo. Tôi trở vào. Lúc này đã hết lúng túng. Thậm chí tôi còn lấy làm mừng vì đã chạm trán với chị ở. Vô tình chị ta giúp tôi vượt qua cái khoảnh khắc đầu tiên. Thật không gì khổ tâm hơn là phải nhìn Pat nằm như thế.
Tôi ngồi xuống bên giường. “Pat”, tôi nói, “chẳng mấy chốc em sẽ bình phục…”.
Nàng mấp máy môi. “Mai thôi…”
“Mai thì chưa, nhưng vài ngày nữa. Rồi em sẽ dậy được và chúng mình sẽ về nhà. Lẽ ra chúng mình chẳng nên đến đây, không khí ở đây không hợp với sức em…”.
“Sao lại không”, nàng thì thào, “em có ốm đâu, anh Robby. Đó chẳng qua chỉ là một tai nạn…”.
Tôi nhìn nàng. Nàng thật sự không biết nàng ốm chăng? Hay nàng không muốn biết? Cặp mắt nàng đưa đi đưa lại vẻ lo lắng. “Anh đừng sợ…” nàng thì thầm. Tôi không hiểu ngay ý nàng, không hiểu tại sao nàng lại quan tâm tới chuyện chính tôi không nên sợ. Tôi chỉ thấy nàng thắc thỏm bồn chồn, ánh mắt lộ vẻ khẩn thiết, khắc khoải kỳ lạ. Thốt nhiên một ý nghĩ đến trong tôi. Tôi đã hiểu tâm trạng nàng. Nàng tưởng tôi e sợ nàng vì bệnh tật của nàng. “Lạy Chúa. Pat”, tôi nói, “có lẽ vì thế mà em không hề hé chút sự thật với anh?”
Nàng không đáp, nhưng nhìn nàng thì biết là đúng như vậy.
“Khốn nạn”, tôi nói, “thế em cho anh là người thế nào?”
Tôi cúi xuống nàng. “Em nằm yên một lát, đừng động đậy”. Tôi hôn nàng. Đôi môi nàng khô và nóng bỏng. Khi ngẩng lên, tôi thấy nàng khóc. Nàng khóc lặng lẽ với cặp mắt mở to, gương mặt bất động. Nước mắt cứ thế trào ra.
“Hãy vì Chúa, Pat…”.
“Em sung sướng quá”, nàng nói.
Tôi đứng sững nhìn nàng. Đó chỉ là một lời nói nhưng là một lời nói mà tôi chưa hề được nghe như thế. Tôi đã biết nhiều đàn bà, nhưng chỉ toàn là những cuộc gặp gỡ thoảng qua, những chuyện phiêu lưu, đôi khi một giờ hoan lạc, một chiều lẻ loi, sự trốn tránh trước chính mình, trước nỗi tuyệt vọng và trống rỗng. Mà tôi cũng chẳng mong muốn gì hơn, bởi tôi đã học được rằng con người ta không thể tin vào thứ gì khác ngoài tin vào bản thân mình, cùng lắm vào một người bạn nữa. Giờ đột nhiên tôi nhận thấy mình có ý nghĩa trước một con người, đơn giản vì mình có mặt, và con người ấy sung sướng có mình ở bên. Nói ra nghe hết sức giản dị, nhưng nếu suy nghĩ kỹ, đó lại là một cái gì phi thường, hầu như vô bờ bến. Đó là thứ có thể xé tan và biến đổi một con người. Đó là tình yêu, nhưng còn là một cái gì khác nữa, cái mà vì nó ta có thể sống. Một người đàn ông không thể sống vì tình yêu. Nhưng vì một con người thì hẳn được.
Tôi muốn nói điều gì đó mà không nổi. Khi thật sự có điều cần nói, sao khó tìm ra lời đến thế. Và nếu có tìm được đúng lời, cũng ngượng ngùng chẳng dám nói ra. Tất cả những từ khuôn sáo này vẫn thuộc về các thế kỷ trước. Thời đại của chúng mình chưa biết cách diễn đạt thành lời tình cảm của nó. Nó chỉ có thể lột tả tình bạn… còn mọi thứ khác đều không thật.
“Pat”, tôi nói, “bạn can trường, quả cảm của anh…”.
Vừa lúc ấy Jaffé bước vào. Ông lập tức thâu tóm được tình cảnh. “Thành tích tuyệt vời nhỉ”, ông càu nhàu, “tôi đã biết ngay mà”.
Tôi toan đáp lời ông, nhưng đã bị ông tống gọn khỏi cửa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.