Ba Người Bạn

CHƯƠNG 11



Tôi đang trên đường đến nhà Pat. Đây là lần đầu tiên tôi lại thăm nàng. Cho tới nay chỉ có nàng tới nhà tôi, hoặc tôi đón nàng trước cửa nhà nàng, rồi chúng tôi đi đâu đó. Nhưng lúc nào cũng như nàng là người lại thăm. Tôi muốn biết nhiều hơn về nàng. Tôi muốn biết nàng sống ra sao.
Tôi nảy ý nghĩ có thể đem hoa tặng nàng. Dễ thôi, vườn hoa thành phố mé sau quảng trường Chợ đang rộ nở. Tôi nhảy qua bờ rao và bắt đầu ngắt một bó tử đinh hương trắng.
“Anh kia làm gì thế hả?” một giọng nói rắn rỏi đột nhiên vang lên. Tôi ngẩng nhìn. Một người đàn ông có khuôn mặt dân miền núi và bộ ria mép trắng vểnh ngược giận dữ ngó tôi trừng trừng. Không phải cảnh sát, cũng chẳng phải người canh giữ vườn hoa. Sĩ quan cao cấp hưu trí, thoạt nhìn biết ngay.
“Có khó gì xác định chuyện ấy”, tôi nhã nhặn đáp. “Tôi đang bẻ những cánh tử đinh hương chứ còn làm gì nữa!”
Một khoảnh khắc, lão già uất nghẹn lời. “Anh không biết đây là vườn hoa thành phố hay sao, hả?” Lão phẫn nộ gầm lên. Tôi cười, “Tất nhiên tôi có biết! Hay ông tưởng tôi ngỡ đây là những hòn đảo của loài chim bạch yến?”
Lão giận tím người. Tôi e lão bị đánh trúng tim đen. “Cút ngay khỏi đây, đồ nhãi nhép!” lão thét bằng cái giọng tối thượng hạng quen chỉ huy trên sân trại lính. “Anh xâm phạm tài sản của thành phố! Tôi lệnh bắt giải anh đi bây giờ?”
Tôi đã lượm đủ hoa tủ đinh hương. “Thì thử túm lấy tôi xem, bố già!” tôi mời mọc lão, đoạn nhảy phắt qua rào sang mé đường bên kia, lủi mất.
Đến trước cửa nhà Pat, tôi ngắm nghía lại bộ cánh của mình lần nữa. Đoạn tôi lên cầu thang, quan sát xung quanh. Tòa nhà được xây dựng mới mẻ, theo lối tân thời – khác xa cái quán trọ diêm dúa, cũ kỹ của tôi. Các bậc thang được trải thảm đỏ; Ở chỗ chúng tôi làm gì ra có thảm. Đấy là hoàn toàn chưa nói đến thang máy.
Pat sống ở tầng hai. Trên cửa treo một tấm biển lòng đầy tự tin. Egbert von Hake, trung tá. Tôi chăm chăm nhìn tấm biển hồi lâu, đoạn vô tình đưa tay lên sửa sang lại chiếc cà vạt trước khi bấm chuông.
Một cô hầu gái đội mũ vải trắng, đeo tạp dề trắng tinh ra mở cửa – thật không thể đánh đổ đồng với ả Frida phục phịch mắt lác ở nhà chúng tôi. Đột nhiên, tôi cảm thấy khó chịu.
“Ông Lohkamp phải không ạ?” cô ta hỏi.
Tôi gật đầu.
Cô ta dẫn tôi đi qua một tiền phòng nhỏ, đoạn mở một cánh cửa. Có lẽ tôi sẽ chẳng ngạc nhiên lắm nếu thoạt tiên chạm trán với ngài trung tá Egbert von Hake tề chỉnh trong bộ quân phục và bị ngài căn vặn này nọ… thật trang trọng là dãy chân dung một lô các vị tướng, huân chương đầy ngực, từ trên các bức tường tiền phòng giận dữ nhìn theo tôi – cái thằng dấn sự. Nhưng Pat đã ra đón tôi kia với những bước đi dài, kiều diễm của nàng, và căn phòng bỗng không là cái gì khác ngoài một hòn đảo ấm áp tươi vui. Tôi khép cửa lại, động tác đầu tiên là thận trọng ôm nàng vào lòng. Rồi tôi mới trao nàng những bông tử đinh hương vừa hái trộm. “Của em”, tôi nói. “Có kèm lời chào của Tòa thị chính!”
Nàng cắm những nhánh hoa vào một chiếc bình gốm lớn tươi màu đặt trên sàn trước cửa sổ. Trong lúc đó, tôi đưa mắt nhìn khắp phòng nàng. Những màu sắc êm dịu, vài thứ đồ gỗ đẹp đã cổ, một tấm thảm lam dịu, các bức rèm màu phối màu, những chiếc ghế bành nhỏ êm ái bọc nhung phai… “Lạy Chúa, làm cách nào mà em tìm được một căn phòng như thế này vậy Pat?” tôi hỏi. “Thiên hạ thường chỉ khỏe bày những thứ đồ sứt mẻ bỏ đi cộng các món quà sinh nhật vô dụng của họ vào những căn phòng cho thuê thôi mà”.
Nàng thận trọng dịch bình hoa vào sát tường.
Tôi nhìn cái gáy thon mảnh, lượn cong của nàng, đôi vai thẳng và hai cánh tay hơi gầy. Khi nàng quỳ như thế trông nàng chẳng khác gì một đứa trẻ, đứa trẻ mà người ta phải che chở nâng niu. Nhưng nàng lại cử động như một con thú mềm mại, và khi nàng đứng lên tựa vào tôi, nàng đâu còn là một đứa trẻ nữa, nơi mắt và miệng nàng lại ánh lên chút gì đợi chờ e ấp và bí ẩn khiến tôi bối rối, vậy mà tôi từng ngỡ rằng chẳng còn đâu điều bí ẩn trên cái thế gian nhơ nhớp này.
Tôi đặt tay lên bờ vai nàng. Được cảm nhận nàng cách ấy thật sung sướng.
“Mọi đồ dạc đều là của em cả, anh Robby ạ. Trước kia mẹ em sở hữu căn hộ này. Khi mẹ em mất, em đã nhượng lại, chỉ giữ cho mình hai phòng”.
“Vậy nhà này là của em sao?” tôi nhẹ người, hỏi. “Và ngài trung tá Egbert von Hake chẳng qua chỉ là người thuê nhà của em chứ gì?”
Nàng lắc đầu. “Bây giờ thì không. Em chẳng thể giữ nổi nhà của em. Em đã bán dần giường tủ và nhường đứt căn hộ. Giờ em lại là người trọ thuê ở đây. Nhưng anh có chuyện gì với ông già Egbert vậy?”
“Chuyện gì đâu. Có điều tự nhiên anh cứ sờ sợ đám cảnh sát và sĩ quan tham mưu. Cũng tại đi lính mà ra cả”.
Nàng cười. “Bố em từng là thiếu tá đấy”.
“Thiếu tá thì hết chỗ nói”, tôi đáp.
“Anh biết ông già Hake chứ?” nàng hỏi.
Một linh cảm chẳng lành bỗng xâm chiếm tôi. “Có phải cái ông già thấp bé, tráng kiện, mặt đỏ gay, ria bạc, giọng nói sang sảng không? Ông ta hay đi dạo dọc các vườn hoa thành phố chứ gì?”
“Ra thế!” nàng nhìn những bông tử đinh hương, đoạn quay sang tôi cười.
“Không, đó là một ông già cao lớn, xanh xao, đeo kính gọng sừng!”
“Thế thì anh không biết ông ta”.
“Anh muốn làm quen với ông cụ không? Ông cụ rất niềm nở”.
“Xin nhường cho Chúa! Hiện thời anh thuộc về cánh những người thợ máy và bà Zalewski nhiều hơn”.
Có tiếng gõ cửa. Cô hầu gái ban nãy đẩy vào một chiếc bàn thấp có bánh xe. Bộ đồ sứ trắng muốt, mỏng mảnh, một chiếc đĩa bạc đựng bánh ngọt, chiếc khác xếp đầy bánh mì con bé tí xíu có kẹp dăm bông, khăn ăn, thuốc lá, và nhiều thứ khác nữa… tôi trố mắt nhìn xuống mặt bàn, như bị lóa mắt. “Hãy rủ lòng thương, Pat!” đoạn tôi nói. “Cứ như trong phim vậy! Vừa đặt chân lên cầu thang anh đã nhận thấy hai chúng mình thuộc hai tầng lớp xã hội khác nhau. Nghĩ mà xem, anh vốn quen ăn từ những tờ giấy bọc nhẫy mỡ đặt trên bậu cửa sổ nhà Zalewski, kè kè bên cạnh là chiếc bếp cồn trung kiên. Hãy rủ lòng thương cái kẻ đang trú thân trong các nhà trọ chắng chút ân cần này, nếu chẳng may vì luống cuống mà hắn quăng vỡ một cái chén!”
Nàng cười. “Anh không được phép thế. Danh dự người thợ máy cự phách không cho phép anh. Anh phải khéo léo mới được”. Nàng cầm lấy quai bình. “Anh dùng trà hay cà phê?”
“Trà hay cà phê? Em có cả hai thứ sao?”
“Vâng, anh nhìn đây này!”
“Tuyệt! Như trong các tiệm sang trọng nhất! Bây giờ chỉ còn thiếu có âm nhạc nữa thôi”.
Nàng nghiêng mình sang bên, bật một chiếc rađiô xách tay nhỏ mà tôi không hề để ý thấy. “Thế, giờ thì anh muốn gì nào, trà hay cà phê đây?”
“Cà phê, cà phê thôi, Pat ạ. Anh xuất thân từ làng quê mà. Còn em?”
“Em cùng uống cà phê với anh”.
“Nhưng bình thường em dùng trà chớ gì?”
“Vâng”.
“Vậy ta dùng trà”.
“Em đã bắt đầu quen uống cà phê. Anh ăn bánh ngọt nhé? Hay bánh mì con?”
“Cả hai thứ, Pat ạ. Cần phải tận dụng những dịp như thế này. Sau đây anh sẽ còn nhấp cả trà nữa. Phải nếm đủ các món mà em có mới được”.
Nàng cười, sẽ cho tôi một đĩa bánh đầy hụ. Tôi ngăn nàng. “Đủ rồi, đủ rồi em! Nên nhớ rằng chúng mình đang ở trong tầm tay của một ngài trung tá. Quân đội ưa sự điều độ ở cấp dưới”.
“Điều độ khi rượu chè thôi, anh Robby ạ. Bản thân ông già Egbert mê ăn bánh ngọt phủ kem phải biết”.
“Điều độ trong sự sung túc nữa”, tôi đáp. “Họ đã làm bọn anh mất hẳn thói quen nhàn hạ, no đủ”. Tôi đun đẩy chiếc bàn trên các bánh xe cao su. Cứ nhìn nó lại ngứa tay muốn đẩy. Nó lần êm ru trên thảm. Tôi ngó quanh, mọi vật đều cân xứng, hài hòa. “Phải, Pat ạ” tôi nói, “cha ông chúng mình từng sống thế này đây!”
Nàng cười. “Anh bịa chuyện gì vậy?”
“Không phải chuyện bịa. Những sự kiện có tính thời đại đấy”.
“Chẳng qua chỉ vì ngẫu nhiên mà em có dăm ba thứ đồ này, anh Robby ạ”.
Tôi lắc đầu. “Không phải ngẫu nhiên. Cũng không đơn thuần có chuyện đồ đạc. Cái đáng kể là thứ ẩn sau chúng. Sự bảo đảm. Em đâu hiểu được điều đó. Chỉ kẻ nào đã bị tách khỏi chúng mới hiểu nổi”.
Nàng nhìn tôi. “Anh cũng có thể sống như vậy, nếu anh thật tình mong muốn”.
Tôi cầm tay nàng. “Nhưng anh không muốn, Pat ạ, vấn đề là thế. Sống như vậy anh sẽ có cảm giác như mình là một kẻ gian hùng. Loại người như bọn anh sẽ tốt nhất cứ luôn sống trên sự phá phách. Bọn anh quen thói đi rồi. Lỗi ở thời đại”.
“Thế cũng dễ chịu ra phết”.
Tôi cười. “Có lẽ. Giờ hãy rót cho anh chút trà nào. Anh muốn nếm thử”.
“Không”, nàng nói, “ta cứ dùng cà phê thôi. Nhưng ăn thêm chút gì đi anh. Cũng là để phá phách”.
“Một ý hay đấy. Nhưng liệu ông già mê bánh ngọt Egbert có hy vọng ta để lại cho cụ chút gì không?”
“Có thể. Nhưng ông cụ cũng phải tính đến sự trả thù của cấp dưới nữa chứ! Lỗi âu cũng ở thời đại cả. Cứ chén sạch đi anh, khỏi phần cho cụ”.
Mắt nàng tỏa sáng, trông nàng tuyệt đẹp.
“Này em” tôi nói, “em có biết sự phá phách sẽ ngừng lại ở đâu không?”
Nàng không đáp; nhưng nàng nhìn tôi. “Ở nhà em!”, tôi nói, “và giờ đây anh sẽ không nể gì mà không cầm vũ khí chống lại Egbert!”
Hồi trưa tôi chỉ làm một tách súp thịt tại quán dành cho tài xế. Vì vậy chén sạch các món ở đây có gì khó đâu. Được Pat khích lệ, tôi còn nốc cạn cả bình cà phê.
Chúng tôi ngồi bên cửa sổ hút thuốc. Ráng chiều đỏ rực trên các mái nhà. “Ở nhà em thích thật, Pat ạ”, tôi nói “Thế anh mới hiểu người ta suốt tuần chẳng buồn thò chân ra ngoài… cho tới khi quên hết sự đời”.
Nàng mỉm cười, “Có một dạo em không mong nổi ra khỏi nơi đây”.
“Hồi nào vậy?”
“Dạo em ốm”.
“Đó lại là chuyện khác. Em bệnh gì?”
“Không đến nỗi nặng lắm. Em chỉ phải nằm. Có lẽ vì em lớn mau quá mà lại thiếu ăn. Trong và sau chiến tranh thiếu thốn đủ đường”.
Tôi gật đầu. “Em phải nằm bao lâu?”
Nàng do dự một lát. “Quãng một năm”.
“Như thế chả quá lâu sao”. Tôi chăm chú nhìn nàng.
“Chuyện quá lâu rồi. Nhưng hồi đó em cảm tưởng quãng thời gian ấy dài bằng cả đời người. Một lần, ngồi trong tiệm rượu, anh có kể em nghe về anh bạn Valentin của anh. Rằng sau chiến tranh anh ta không sao quên nổi cái cảm giác hạnh phúc được sống sót. Rằng ngoài điều đó ra, với anh ta chẳng có gì đáng kể”.
“Em nhớ giỏi lắm”, tôi nói.
“Vì em rất thông cảm với anh ta. Kể từ dạo đó, em cũng rất dễ vui sướng. Em nghĩ hẳn mình phải nông cạn lắm”.
“Chỉ những kẻ cho rằng mình không nông cạn mới là lũ người nông cạn”.
“Nhưng chắc chắn em Ta thế đấy. Em không hiểu gì lắm những việc đại sự ở đời. Chỉ rung động trước những cái đẹp. Bông tử đinh hương kia đủ khiến em sung sướng”.
“Đó đâu phải là sự nông cạn… mà là triết học tối hậu”.
“Với em thì không. Em nông cạn và nhẹ dạ”.
“Anh cũng thế”.
“Nhưng không như em. Anh vừa nói đến sự gian manh gì đó. Em là một kẻ gian manh chính cống”.
“Anh đã nghĩ như vậy mà”, tôi nói.
“Đúng. Lẽ ra từ lâu em đã phải kiếm một chỗ ở khác và một việc làm, đã phải kiếm tiền. Nhưng em cứ lần lữa mãi. Em dự định cứ sống một thời gian dài theo ý mình. Chẳng cần biết như vậy có đúng đắn không. Và em đã làm thế”.
Tôi cười. “Tại sao em lại ra mặt bướng bỉnh như vậy?”
“Vì ai cũng bảo em rằng xử sự như em là quá nông nổi… Lẽ ra em nên biết dè xẻn số tiền nhỏ mọn của em và tìm cho mình một việc làm, một chỗ đứng. Nhưng em lại muốn được thảnh thơi, hớn hở và vô tư lự, muốn làm cái gì em thích. Ý muốn đó nảy sinh sau khi mẹ em mất và sau khi em nằm liệt giường một thời gian dài”.
“Em có anh chị em gì không?” tôi hỏi.
Nàng lắc đầu.
“Anh cũng không hình dung được là em có anh chị em”, tôi nói.
“Và anh cũng cho rằng em đã nông nổi chứ gì?”
“Không, can đảm thì có”.
“Ồ, can đảm gì, em chẳng can đảm lắm đâu. Thỉnh thoảng em từng sợ hãi ra trò đấy. Giống như một kẻ biết mình ngồi sai số ghế trong nhà hát, nhưng vẫn chẳng buồn nhúc nhích khỏi chỗ”.
“Thế là can đảm chứ sao”, tôi nói. “Con người ta chỉ can đảm một khi cũng biết sợ. Thêm nữa, em xử sự như vậy là đúng đắn. Nếu không đằng nào em chẳng tiêu phéng số tiền của em. Làm thế chí ít em còn được một chút gì đó ở đây. Em đã làm gì vậy?”
“Thật sự chẳng làm gì cả. Sống cho mình, thế thôi”.
“Phục em! Đó là điều tao nhã nhất trần đời”.
Nàng mỉm cười. “Điều đó chẳng còn kéo dài mấy đỗi. Sắp tới em sẽ bắt đầu làm việc”.
“Việc gì thế? Có phải vì nó mà có bữa bàn công chuyện làm ăn hôm nọ giữa em với Binding không?”
Nàng gật. “Với Binding không nghĩ ra được cái gì khác hay sao?”
“Có chứ”, nàng đáp, “nhưng em lại không muốn”.
“Anh cũng không định khuyên ông ta điều ấy. Bao giờ thì em bắt đầu?”
“Ngày mồng một tháng Tám”.
“Nào, đến đó vẫn còn khối thời gian. Biết đâu chúng mình lại chẳng tìm được một việc gì khác nữa. Dù thế nào, bọn anh sẽ là khách hàng trung thành của em”.
“Anh có một máy quay dĩa sao?”
“Không, nhưng tất nhiên anh sẽ lập tức sắm một chiếc. Tạm thời đương nhiên anh chưa thấy khoái chuyện này”.
“Em thì em thích rồi!”, nàng nói. “Em thật chẳng biết thế nào là phải. Và đối với em, mọi sự trở nên giản dị hơn nhiều kể từ khi có anh. Nhưng lẽ ra em chẳng nên kể với anh làm gì”.
“Sao lại không. Em phải luôn kể anh nghe tất cả”.
Nàng nhìn tôi giây lát. “Được thôi, anh Robby”, nàng nói. Đoạn nàng đứng lên, bước lại một cái tủ nhỏ. “Anh biết em có gì ở đây không? Rượu rum dành cho anh. Rum ngon, em chắc thế!”
Nàng đặt một chiếc ly lên bàn và nhìn tôi tôi đầy chờ đợi.
“Rum ngon đấy, ngửi từ xa đã biết”, tôi nói. “Nhưng thực ra, Pat ạ… có lẽ lúc này em nên tằn tiện tí chút thì hơn chăng? Để có thể trì hoãn cái lũ máy quay dĩa thêm ít lâu nữa?”
“Không”, nàng đáp.
“Cũng đúng”, tôi nói.
Chỉ nhìn màu tôi đã biết là rum rởm. Chắc chắn tay bán hàng đã lừa Pat. Tôi cạn ly. “Thượng hạng”, tôi nói “Cho anh ly nữa. Em mua ở đâu vậy?”
“Ở cửa hiệu góc phố”.
A ha, tôi nghĩ, dĩ nhiên rồi, một cửa hiệu thực phẩm hảo hạng khốn nạn đến thế thì thôi. Tôi định bụng có dịp sẽ vào đó ngó thử và độp thẳng vào mặt thằng cha chủ hiệu.
“Giờ có lẽ anh phải về, phải không Pat?” tôi hỏi.
Nàng nhìn tôi. “Chưa đâu anh…”
Chúng tôi đứng bên cửa sổ. Dưới kia, đèn đường bật sáng. “Hãy chỉ anh xem phòng ngủ của em”, tôi bảo nàng.
Nàng mở cửa phòng và bật đèn. Tôi dừng tại trên ngưỡng cửa nhìn vào. Bao nhiêu ý nghĩ thoáng qua đầu tôi.
“Ra đấy là giường của em, Pat…” cuối cùng tôi nói.
Nàng mỉm cười. “Còn của ai nữa kia chứ, anh Robby?”
“Quả vậy!” Tôi nhìn lên. “Và cả máy điện thoại đây nữa. Giờ anh biết thêm điều đó. Thôi anh về nhé. Chào em, Pat”. Nàng áp hai bàn tay vào hai bên thái dương tôi. Sẽ tuyệt diệu biết bao nếu giờ đây ta được nán lại, trong màn đêm dần buông sát bên nhau, dưới lần chăn mềm mại màu xanh da trời kia trong phòng ngủ… nhưng ở đây có cái gì đó ngăn cản tôi. Không phải do e ngại, cũng không phải vì sợ hay thận trọng, mà đơn giản vì một tình cảm rất đỗi âu yếm, một tình âu yếm trào dâng khỏa lấp dục vọng.
“Tạm biệt nhé, Pat”, tôi nói “Anh sung sướng vì đã đến đây. Sung sướng hơn là em tưởng nhiều. Lại còn rum nữa chứ… không ngờ em chu đáo đến thế…”
“Đơn giản lắm mà anh…”
“Nhưng không đơn giản với anh. Anh vốn không quen được chiều chuộng ân cần như vậy”.
Căn buồng trọ nhà bà Zalewski. Tôi ngồi không một lát. Việc Pat phải chịu ơn Binding khiến tôi bứt rứt khó chịu. Cuối cùng tôi đi qua hành lang lại phòng Erna Bonig.
“Tôi đến có việc quan trọng!”, tôi nói. “Nay Erna, dạo này chuyện kiếm công việc phụ nữ thế nào?”
“Ái chà”, cô ta đáp. “Một câu hỏi đến là lạnh lẽo trước một trái tim trống trải! Nói để anh biết: gay lắm”.
“Không có cách nào cả ư?” tôi hỏi.
“Việc gì mới được chứ”
“Thư ký, phụ tá!”
Cô ta phẩy tay. “Hàng trăm ngàn người không có việc làm kia kìa. Cô ta có khả năng gì đặc biệt không?”
“Nàng rất đẹp”, tôi nói.
“Bao nhiêu từ?” Erna hỏi.
“Cái gì?”
“Cô ta biết được bao nhiêu từ trong một phút? Và bằng mấy thứ tiếng?”
“Chịu, tôi không biết”, tôi nói “nhưng cô hiểu cho, tôi chỉ đại diện hỏi giùm…”
“Anh bạn trẻ thân mến của tôi ơi”, Erna đáp, “tôi hiểu rồi.. Tiểu thư con nhà, trước kia từng ăn trắng mặc trơn, giờ buộc lòng phải kiếm kế sinh nhai và vân vân. Không nước non gì đâu, nói để anh biết. Trừ phi có lão nào đó đặc biệt lưu tâm và bởi thế cố ấn cô nâng vào chỗ nào đó. Anh cũng biết vì sao đấy. Nhưng anh đâu muốn vậy, phải không?”
“Hỏi gì mà lạ”, tôi nói. “Không đến nỗi lạ như anh tưởng đâu”, Erna đáp đượm vẻ chua chát. “Tôi biết nhiều trường hợp khác”. Tôi chợt nhớ tới chuyện dan díu giữa Erna với sếp của cô ta. “Nhưng tôi muốn khuyên anh một điều”. Cô ta tiếp. “Hãy lo sao kiếm đủ tiền nuôi cả hai miệng ăn. Đó là giải pháp đơn giản nhất. Lấy nhau”.
“Nghe được đấy”, tôi nói và cười. “Tôi cũng muốn có bấy nhiêu lòng tin ở mình”.
Erna nhìn tôi vẻ kỳ lạ. Đang rất linh hoạt, nom cô ta thốt nhiên già hẳn đi, gần như có phần úa tàn. “Tôi muốn thổ lộ với anh điều này”, cô ta nói. “Tôi sống dư dật, có đầy những thứ mà tôi chẳng hề cần đến. Nhưng xin anh hãy tin tôi… nếu có một người đàn ông đến và đề nghị tôi chung sống với anh ta, chung sống thực sự chân thành, tôi sẽ vứt bỏ hết thảy những thứ lỉnh kỉnh nơi đây để theo anh ta, dù phải chui vào một căn xép áp mái”. Gương mặt cô ta lấy lại vẻ thường lệ. “Chà thôi, cho qua chuyện ấy… mỗi người đều có nỗi niềm riêng của mình”. Cô ta nháy mắt với tôi qua làn khói thuốc lá. “Thậm chí hình như cả anh cũng vậy?”
“Đâu có…” tôi nói.
“Thôi nào, thôi nào…” Erna bảo. “Điều đó dễ xảy ra nhất với kẻ nào không mảy may ngờ tới…”
“Với tôi thì không”, tôi đáp.
Tôi còn ngồi lại trong buồng mình đến tám giờ…
Ngồi thui thủi rồi mãi mãi cũng chán, tôi mò tới quán rượu xem may ra vớ được thằng bạn nào ở đó.
Valentin đây rồi. “Ngồi xuống cậu”, anh ta nói. “Cậu dùng gì đây?”
“Rum”, tôi đáp. “Kể từ hôm nay mình có một quan hệ đặc biệt với rượu rum”.
“Rum là sữa của lính kia mà”. Valentin nói. “Thêm nữa hôm nay trông cậu đến bảnh trai, Robby ạ”.
“Thế à?”
“Ừ, trẻ hẳn ra”.
“Còn thế nữa”, tôi nói. “Chúc sức khỏe cậu, Valentin”.
“Chúc sức khỏe, Robby”.
Chúng tôi đặt ly xuống mặt bàn, nhìn nhau. Đoạn phá lên cười. “Đồ cụ non”. Valentin nói.
“Đồ trẻ ranh già khú chết tiệt”, tôi đáp. “Ta uống gì bây giờ nào?”
“Lại rum đi”.
“Hay lắm”.
Fred rót đầy các ly. “Nào, chúc sức khỏe cậu, Valentin”.
“Chúc sức khỏe, Robby”.
“Một câu nói tuyệt vời… Chúc sức khỏe ấy mà, hả?”
“Chúa tể của mọi câu nói”.
Chúng tôi lặp lại nó vài lần nữa. Rồi Valentin ra về.
Tôi ngồi lại. Ngoài Fred, trong quán chẳng còn ai khác. Tôi ngắm những chụp đèn cũ kỹ tỏa sáng làm bằng giấy in bản đồ, ngắm những chiếc tàu với những cánh buồm đã ố vàng và nghĩ tới Pat. Tôi tha thiết muốn gọi điện cho nàng, nhưng tự ghim mình không làm điều đó. Tôi cũng chẳng muốn nghĩ nhiều tới nàng làm gì. Tôi muốn đón nhận nàng như đón nhận một quà tặng bất ngờ, đầy may mắn đã đến với mình và sẽ lại ra đi… không hơn. Không bao giờ tôi nuôi trong đầu mình ý nghĩ: giữa nàng và tôi có thể là một cái gì hơn thế. Tôi biết lắm, rằng thảy các mối tình đều khao khát tồn tại mãi mãi, và nỗi đau muôn thưở của chúng chính là ở chỗ ấy. Không có cái gì trường tồn cả. Làm gì có. “Cho tôi ly nữa đây”, tôi gọi.
Một cặp nam nữ bước vào. Họ uống một ly Cobbler bên quầy rượu. Người đàn bà vẻ mỏi mệt, người đàn ông vẻ thèm thuồng. Họ lại đi ngay.
Tôi uống cạn ly rượu. Hồi chiều giá tôi đừng lại thăm Pat có lẽ lại hơn. Tôi không tài nào rứt bỏ nổi hình ảnh ấy… căn phòng chìm dần trong ánh hoàng hôn, bóng chiều tím biếc êm ả, và cô thiếu nữ xinh đẹp, ngồi thu mình, bằng cái giọng khàn trầm đục nói về cuộc sống và khát vọng sống của mình. Mẹ kiếp, tôi đâm ra đa cảm mất rồi! Nhưng phải chăng cái mà từ trước tới nay vốn là cuộc phiêu lưu không ngừng, đầy kỳ thú, giờ đã tan biến trong sương mù của tình âu yếm, phải chăng nó đã thấm sâu vào tôi hơn là tôi mong muốn và ý thức được, phải chăng hôm nay tôi mới cảm giác thấy, đúng vào hôm nay, rằng con người tôi đã thay đổi xiết bao? Cớ sao tôi lại bỏ ra về, cớ sao tôi không ở lại bên nàng như thực ra tôi đã mong muốn? Chao, khỉ nợ, tôi không thiết nghĩ gì nữa hết, thây kệ sự đời, muốn ra sao thì ra, cho dù tôi sẽ phải phát điên lên trước nỗi bất hạnh một khi tôi mất nàng, nàng có đấy, nàng đang có đấy, thảy những cái khác đều chẳng là cái cóc khô gì, quỷ tha ma bắt chúng đi cho rảnh! Gìn giữ một chút cuộc sống mà làm gì! Sẽ đến một ngày trận đại hồng thủy ập tới, cuốn trôi tất tật.
“Ta cùng cạn một ly chứ, Fred?” tôi mời.
“Sẵn lòng”, gã nói.
Chúng tôi nốc hai ly vermouth cực mạnh. Rồi chúng tôi “oản tù tì” xem ai được uống tiếp. Tôi thắng. Tôi đâu thích thắng. Vì vậy hai thằng chơi tiếp. Nhưng mãi tới lần thứ năm tôi mới thua cho. Lần này đương nhiên thua liền ba keo. “Tôi say hay ngoài trời nổi sấm thế” tôi hồi.
Fred lắng tai, “Sấm thật. Cơn giông đầu tiên trong năm nay đây”.
Chúng tôi ra đứng dưới vòm cửa, ngước nhìn trời.
Chẳng thấy quái gì. Chỉ thấy oi bức, chốc chốc lại nổi sấm.
“Ta làm thêm một ly mừng dịp này chăng?” tôi đề nghị. Fred nhất trí.
“Một thứ nước cam thảo chết tiệt”, tôi nói khi đặt trả cái ly không lên quầy. Fred cũng cho rằng có lẽ chúng tôi nên dùng thử một thứ gì nồng hơn chăng. Cứ như ý gã thì hay nhất là rượu anh đào… tôi đòi rum. Để khỏi cãi vã lôi thôi, chúng tôi lần lượt uống cả hai thứ. Chúng tôi lấy ra hai ly khá bự nhằm tránh cho Fred cái khoản rót luôn tay. Giờ đây hai thằng rõ phấn chấn. Chốc chốc lại ra ngó xem có chớp chung gì không. Chúng tôi chỉ ước gì được thấy chớp nhưng chẳng gặp may. Chớp cứ nhè đúng lúc chúng tôi ngồi trong tiệm mà lóe. Fred kể rằng gã có một vị hôn thê, con gái một chủ tiệm ăn tự động. Nhưng gã con lần lữa chưa cưới, chờ lão bố chết đi đã, để biết chắc chắn cô còn có được cả cái tiệm làm của hồi môn hay không. Tôi cho rằng gã hơi quá thận trọng, nhưng gã chứng minh để tôi thấy lão già là một cái xác thú không biết đâu mà lường, vào giây phút cuối cùng, lão dám đi tặng cả tiệm ăn cho giáo hội Giám lý lắm. Tôi đành rút lui ý kiến. Vả lại Fred khá lạc quan. Lão già phải cảm, và theo Fred, biết đâu lão chẳng đang mắc dịch cúm, mà cúm thì nguy hiểm phải biết. Tôi lấy làm tiếc bảo gã rằng đối với những tay nghiện rượu, bệnh cúm chẳng mùi mẽ gì, ngược lại kia, đôi khi chính nhờ mắc bệnh cúm mà những con sâu rượu ốm o lại hóa hồng hào béo tốt ra cơ đấy. Fred bèn tuyên bố thế cũng chẳng sao, rồi lão già sẽ chui đầu vào gầm một chiếc ô-tô nào đấy chưa chừng. Tôi công nhận khả năng đó đặc biệt dễ xảy ra trên mặt đường nhựa loáng nước. Fred lập tức đứng dậy ra ngó xem đã mưa chưa. Nhưng trời đất vẫn khô ráo. Chỉ có sấm rền hơn. Tôi đưa gã uống một ly nước chanh ép và đi lại máy điện thoại. Phút cuối cùng tôi mới nhớ rằng mình đã chủ tâm không gọi điện thoại. Tôi vẫy chào chiếc máy và toan ngả mũ trước nó. Nhưng rồi tôi nhận thấy mình không hề đội mũ.
Khi tôi trở lại, Koster và Lenz đã ở đó. “Phà hơi đây ngửi thử nào” Gottfried nói.
Tôi phà. “Rượu rum, anh đào và rượu apxin” cậu ta tuyên bố. “Apxin hẳn hoi kia à, đồ lợn!”
“Nếu cậu cho rằng mình say thì cậu nhầm to”, tôi nói “Các cậu ở đâu về vậy?”
“Hội họp chính trị. Nhưng Otto chẳng hiểu quái gì cả. Thằng Fred nốc cái gì vậy?”
“Nước chanh ép”.
“Cậu cũng làm một ly đi”.
“Để mai”, tôi đáp. “Giờ mình phải kiếm cái gì chén đã”. Từ nãy đến giờ Koster cứ nhìn tôi vẻ lo lắng. “Đừng nhìn mình như thế đi, Otto”, tôi nói. “Chỉ vì quá yêu đời mà mình say sưa chút đỉnh. Đâu phải vì sầu muộn”.
“Vậy thì được” cậu ta đáp. “Dẫu sao hãy đi với tụi mình, đi chén”.
Đến mười một giờ tôi lại tỉnh như sáo Koster đề nghị ngó qua Fred xem sao. Chúng tôi đánh xe về tiệm, thấy gã rũ gục như chết rồi sau quầy rượu.
“Khuân hắn sang bên kia”, Lenz nói, “mình sẽ đảm đương việc phục dịch cho tới khi hắn tỉnh”.
Koster và tôi lo làm Fred dã rượu. Chúng tôi đổ sữa nóng cho hắn uống. Hiệu quả tức thì. Đoạn chúng tôi đặt gã ngồi lên một chiếc ghế và dặn gã cứ việc nghỉ ngơi nửa giờ nữa. Quầy rượu đã có Lenz lo.
Mà Lenz làm thật. Cậu ta thạo giá cả và các công thức pha chế cocktail thông thường. Cậu ta lắc cái bình trộn rượu nghe như thể suốt đời cậu ta chỉ làm có mỗi động tác ấy.
Một giờ sau Fred lại lăng xăng bên quầy. Gã có cái dạ dày thép và mau chóng hồi phục. “Mình lấy làm tiếc, Fred ạ”, tôi nói, “đáng ra hai ta phải lót dạ chút gì rồi hẵng uống”.
“Tôi khỏe rồi mà”, gã đáp. “Kể có lần thế cũng hay”.
“Dĩ nhiên rồi”.
Tôi quay số điện thoại gọi Pat. Tôi hoàn toàn chẳng còn đếm xỉa đến những gì trước đó mình đã cân nhắc. Pat lên tiếng.
“Mười lăm phút nữa anh sẽ có mặt trước cửa nhà em”, tôi nói và treo vội ống nghe. Tôi sợ nhỡ nàng mệt và không buồn nghe tôi. Tôi muốn được nhìn thấy nàng.
Nàng ra. Trong khi nàng mở khóa cửa, tôi hôn vào ô kính, nơi hiện ra mái đầu nàng. Nàng định nói gì đó nhưng tôi không để nàng thốt một lời. Tôi hôn nàng, rồi hai đứa cùng sánh vai đi xuôi phố cho tới khi tìm được một chiếc tắcxi. Trời nổi sấm chớp. “Nhanh lên kẻo mưa!” tôi giục.
Chúng tôi lên xe. Những giọt mưa đầu tiên rơi lộp bộp trên nóc xe. Chiếc xe lắc lư trên con đường xấu. Mọi cái thật tuyệt diệu, bởi mỗi bận lắc lư là một lần tôi cảm giác được nàng. Mọi cái thật tuyệt diệu cơn mưa, thành phố, chầu rượu… tất thảy, sao mà mênh mông, huy hoàng. Tôi đang ở trong tình trạng tỉnh táo, sảng khoái của một người đã quá chén nhưng đã lại qua được cơn say. Mọi nỗi bút rứt, khó chịu đều tan biến, đêm ngập tràn sức mạnh vô biên, ngập tràn hào quang, không gì còn có thể xảy ra; không gì lầm lạc nữa.
Khi chúng tôi xuống xe, mưa bắt đầu nặng hạt. Lúc tôi trả tiền, mặt đường còn lốm đốm những chấm nước như da báo… nhưng chúng tôi chưa kịp về đến cửa thì mặt đường đã đen thẫm, loang loáng ướt, mưa xối xả như trút. Tôi không bật đèn. Đã có chớp rọi sáng căn buồng. Cơn giông đang trên đầu thanh phố. Sấm thi nhau rền tưởng không dứt.
“Giờ thì ít nhất ta có thể mặc sức gào to một lần mà chẳng sợ ai nghe thấy”, tôi kêu lên với Pat.
Cửa sổ sáng rực. Trong một giây bóng đèn của cây cối nghĩa địa hằn trên nền trời xanh bợt để rồi lập tức bị màn đêm nhận chìm dưới tiếng sấm rền… trong một giây, thấp thoáng giữa bóng tối và bóng tối, là thân hình mềm mại của Pat, sáng chập chờn trước những ô kính… tôi đặt tay lên vai nàng, nàng nếp mình vào tôi, tôi cảm thấy làn môi nàng, hơi thở của nàng, tôi không nghĩ gì nữa…

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.