Ba Người Bạn

CHƯƠNG 12



Xưởng của chúng tôi vẫn cứ trông như vựa thóc trước vụ mùa. Vì vậy cả bọn quyết định chưa bán chiếc tắcxi mua ở cửa hàng đấu giá vội, mà hãy tạm thời dùng nó đi chở thuê đã. Lenz và tôi sẽ thay nhau lái tắcxi. Với sự giúp đỡ của Jupp. Koster có thể một mình đảm đương chu tất công việc ở xưởng cho đến khi lại có việc.
Lenz và tôi đổ xúc xắc xem ai chạy tắcxi đầu tiên. Tôi được cuộc, thủ vào túi một ví đầy tiền lẻ, cầm theo đầy đủ giấy tờ tùy thân, rồi thong thả lái chiếc tắcxi xuyên qua các phố, để trước hết tìm lấy một chỗ đỗ thuận lợi. Lần đầu tiên chạy tắcxi kể cũng hơi kỳ kỳ. Bất cứ một thằng ngốc nào cũng có thể chặn mình lại, ra lệnh cho mình. Một cảm giác không lấy gì làm hãnh diện.
Tôi chọn một bãi đỗ, nơi chỉ có năm chiếc xe đậu, đối điện với khách sạn “Waldecker Hof” lọt giữa khu buôn bán. Điều đó cho phép tôi hy vọng nhanh chóng kiếm được khách. Tôi tắt máy, ra khỏi xe. Từ một trong những chiếc xe đỗ đằng trước xuất hiện một gã đàn ông cao lớn mặc áo choàng da tiến lại phía tôi. “Cút ngay khỏi đây”, gã gầm lên.
Tôi bình tĩnh nhìn gã, thầm tính có lẽ tốt nhất nên hạ gã bằng một cú Uppercut[11] vào phần dưới, nếu tình thế buộc phải như vậy. Với chiếc áo choàng kia, hắn sẽ không kịp trở tay.
“Không hiểu hả?” gã áo choàng da hạch và nhổ toẹt mẩu thuốc lá xuống trước chân tôi. “Xéo ngay! Đây đủ người rồi! Đếch cần đứa mẹ nào nữa!”
Gã điên tiết vì có thêm kẻ cạnh tranh, rõ rồi; nhưng đỗ ở đâu là quyền của tôi. “Tôi sẽ khao dăm chầu rượu”, tôi nói.
Tôi những tưởng chuyện thế là êm. Thường kẻ nào mới nhập hội cũng phải khao cả. Một tay lái trẻ lại gần.
“Thôi được rồi, ông bạn đồng nghiệp. Mặc hắn Gustave ạ…”
Nhưng Gustave không ưa một điểm gì đó ở tôi. Tôi biết là điểm gì. Gã nhận thấy tôi là kẻ mới tập tọng vào nghề. “Ta đếm đến ba…” gã tuyên bố. Gã cao hơn tôi một cái đầu, vì thế mà gã tự tin.
Tôi hiểu rằng dùng lời lẽ chẳng ăn thua gì ở đây.
Tôi phải đánh xe đi hoặc ẩu đả. Cái đó rõ quá.
“Một..”, Gustave đếm, tay mở khuy áo choàng.
“Đừng làm chuyện điên rồ”, tôi nói, cố thử lấy lòng gã. “Ta đi nhấp chút rượu cho ấm cuống họng là hơn”.
“Hai…”, Gustave gầm gừ…
Tôi nhận thấy gã định quại tôi ngã bằng một cú đâm chính quy. “Và nên nhớ…” gã đẩy chiếc mũ ra sau gáy.
“Câm mõm, đồ ngu!” tôi đột ngột thét lớn. Gustave kinh ngạc há hốc mồm, tiến lên một bước, đứng đúng vào chỗ tôi nhắm trước. Tôi phang luôn. Một cú đánh như quại búa, với sức bật toàn thân. Koster đã truyền cho tôi miếng ấy. Tôi đâu có thạo đấm đá; tôi cho rằng không cần thiết, tất cả tùy thuộc chủ yếu vào cú đánh đầu tiên. Miếng này chơi được. Gustave đổ phịch xuống. “Đáng đời hắn”, tay tài xế trẻ nói. “Đồ bợm già”. Chúng tôi khuân gã đặt vào ghế xe gã. “Hắn sẽ tự tỉnh lại”.
Tôi hơi lo lắng. Vì vội, tôi để sai tư thế nắm đấm khi giả miếng và bị sái tay. Nếu Gustave hồi lại, gã muốn hành tôi thế nào chả được. Tôi nói điều đó với tay tài xế trẻ, hỏi anh ta có lẽ tôi nên chuồn là hơn chăng. “Vớ vẩn”, anh ta nói, “chuyện thế là xong. Giờ hãy đến quán rượu và khao chầu của cậu đi. Cậu không phải là lái xế nhànghề, hả?”
“Không…”
“Mình cũng vậy. Mình là diễn viên”.
“Thế sao?”
“Cần phải sống…”, anh ta cười đáp. “Nhà hát cũng đủ chỗ rồi!” Tụi tôi có năm người, hai trung niên, ba thanh niên. Lát sau Gustave cũng lù lù dẫn xác vào quán. Gã giương mắt đờ đẫn nhìn vào bàn tụi tôi và tiến lại gần. Tay trái nắm chặt chùm chìa khóa trong túi áo, tôi định bụng sẽ chống chọi đến cùng trong mọi trường hợp, kỳ tới khi không nhúc nhích nổi nữa thì thôi.
Nhưng rồi điều đó đã không xảy ra. Gustave quơ chân đẩy tới một cái ghế, đoạn buông phịch người, vẻ bất mãn. Chủ quán đưa ra một cái ly nữa. Rượu đến. Gustave uống ực một hơi. Chầu thứ hai. Gustave liếc nhìn tôi, gã nâng ly.
“Chúc sức khỏe”, gã nói với tôi, nhưng nét mặt vẫn tối sầm.
“Chúc sức khỏe”, tôi đáp và cạn ly.
Gustave móc ra một bao thuốc lá. Gã chìa mời tôi, nhưng mắt nhìn đi nơi khác. Tôi rút một điếu, bù vào đó, tôi bật lửa cho gã. Rồi tôi gọi một chầu đúp rượu hồi. Chúng tôi uống, Gustave lại liếc xéo tôi. “Đồ thộn”, gã nói, nhưng giọng đã ôn hòa.
“Ngu như bò”, tôi đáp lại, giọng hệt thế.
Gã quay hẳn sang tôi. “Cú đánh khá lắm…”
“Ngẫu nhiên thôi…” tôi chìa gã xem ngón tay cái của mình.
“Rủi mà”, gã toét miệng cười đáp. “Mình tên là Gustave”.
“Còn mình là, Robert”
“Hay lắm. Tốt đẹp cả, hả, Robert? Mình cứ ngỡ cậu chỉ là đứa trẻ vừa rời váy mẹ cơ chứ”.
“Tốt đẹp cả, Gustave ạ”.
Kể từ phút đó, chúng tôi là bạn của nhau.
Những chiếc xe chậm chạp lăn bánh lên phía trước. Anh chàng diễn viên, tên gọi Tommy, được một chuyến ra ga khá trúng. Gustave phải chở khách đến tiệm ăn gần nhất với giá ba chục xu. Cậu ta tức gần nổ ruột bởi lẽ chỉ lời được có chục xu mà phải xếp lại vào cuối hàng. Tôi vớ được dịp may hiếm có… một bà già người Anh muốn tham quan thành phố. Tôi dong xe đưa bà ta đi đây đó đến cả tiếng đồng hồ. Trên đường quay về, tôi còn đánh mấy quả nho nhỏ nữa. Đến trưa, khi cả bọn lại ngồi trong quán rượu nhá bánh mì bơ, tôi đã có cảm tưởng mình là tài xế nhà nghề. Một tình cảm gì đó như tình huynh đệ giữa những người lính cũ. Hội tụ về đây là anh em thuộc đủ các nghề. Nhiều lắm chỉ phân nửa bọn họ xưa nay vốn chạy tắcxi, số còn lại do số phận run rủi sao đó mà chui vào cái nghiệp này.
Chiều khá là hớn hở, tôi phóng xe vào sân xưởng chúng tôi.
“Sao, những người anh em, làm ăn thế nào rồi?”
“Bán được bảy chục lít xăng”, Jupp nói.
“Thế thôi à?”
Lenz ngửa mặt gầm ghè nhìn trời. “Mưa đi thôi chứ! Cầu cho một cuộc đụng xe nhẹ trên đường nhựa trơn ngay trước ngõ! Không ai bị thương! Chỉ một cú sửa xe tròn trịa, ngon ăn!”
“Nhìn đây!” Tôi xòe ra ba mươi lăm mác.
“Cực kỳ”, Koster nói. “Thế là lời được hai chục mác. Hôm nay ta sẽ vung tay quá trán. Phải uống mừng chuyến tắcxi đầu tiên chứ!”
“Tụi mình định làm một chầu vang xa diệp thảo” Lenz giải thích.
“Một chầu ấy cơ à?” tôi hỏi. “Vì lẽ gì?”
“Vì Pat sẽ cùng đi”.
“Pat ư?”
“Đừng có há hoác mõm ra thế đi”, anh chàng lãng mạn cuối cùng nói “tụi này thỏa thuận mọi chuyện từ lâu. Đúng bảy giờ tụi này sẽ đi đón cô ấy. Cô ấy đã biết. Tự cậu không nghĩ ra được, thì tụi này đành liệu lấy vậy. Suy cho cùng cũng nhờ có tụi này mà cậu quen được với cô ấy”.
“Này Otto”, tôi nói, “cậu đã bao giờ thấy kẻ nào lại trơ tráo hơn cái thằng lính mới tò te này chưa?”
Koster cười “Tay cậu bị làm sao vậy, Robby? Trông vẹo vọ làm sao ấy”.
“Mình cho là nó bị sái”. Tôi thuật lại cuộc xô xát với Gustave.
Lenz xem xét bàn tay tôi. “Dĩ nhiên thôi! Nhân danh Chúa Jesus và bậc sinh viên y khoa đang ẩn dật, mình sẽ xoa bóp cho cậu, bất chấp cái thói thô lỗ của cậu. Đi nào, đồ võ sĩ hạng bét”.
Chúng tôi vào xưởng, Gottfried xoa một chút dầu lên tay tôi. “Cậu đã bảo Pat rằng tụi mình sẽ uống mừng kỷ niệm trọn ngày mình trở thành lái xế tắcxi đấy à” tôi hỏi Lenz.
Cậu ta huýt gió qua kẽ răng. “Vì thế mà cậu bối rối chăng, anh bạn trẻ?”
“Câm mõm!” tôi đáp, đặc biệt vì thấy cậu ta có lý.
“Cậu đã bảo nàng thế chứ gì”.
“Tình yêu”, Gottfried tỉnh rụi bình phẩm, “là một cái gì đó tuyệt vời. Nhưng nó hủy hoại nhân cách”.
“Còn cô đơn lắm đâm thiếu tế nhị, đồ trơ thân cụ ủ dột ạ”.
“Tế nhị chẳng qua là sự thỏa thuận, ngấm ngầm, phớt lờ những lầm lỗi chung, khi đáng lẽ phải gọi to chúng lên. Tóm lại, một hành động thỏa hiệp đáng thương. Người cựu chiến binh Đức đâu chịu như vậy, bé yêu!”
“Giả sử ở vào địa vị mình, cậu sẽ làm gì”, tôi hỏi, “nếu có người vẫy tắcxi của cậu, và rồi cậu nhận ra đó là Pat?”
Lenz tủm tỉm cười. “Trong bất kỳ trường hợp nào ta cũng sẽ không đòi hỏi nàng trả tiền xe, con trai của ta ạ”.
Tôi dúi một cái khiến cậu ta lộn nhào khỏi chiếc ghế gỗ ba chân.
“Đồ phá đám! Cậu biết mình sẽ làm gì không? Tối nay mình sẽ đến đón nàng bằng chiếc tắcxi”.
“Chí phải!” Gottfried giơ tay như để chúc phúc. “Có điều chớ để mất tự do! Tự do quý giá hơn cả tình yêu. Nhưng bao giờ con người ta cũng nhận ra điều đó khi đã quá muộn. Dẫu sao chiếc tắcxi cũng không đến lượt cậu. Tụi mình cần nó để đón Ferdinand Grau và Valentin. Ta sẽ có một tối trang nghiêm, nhưng vui hết tầm”.
Chúng tôi ngồi trong vườn một quán ăn nhỏ trước thành phố. Vầng trăng ẩm ướt lửng lơ trên những cánh rừng như một ngọn đuốc đỏ. Những chùm hoa nhạt màu lóng lánh trên những cây dẻ, tử đinh hương thơm ngào ngạt, và trên bàn, trước mặt chúng tôi, trong ánh sáng mờ ảo của chiều tà, chiếc bình thủy tinh lớn đựng thứ rượu vang thơm mùi xa diệp thảo trông tựa một khối opan rực rỡ trong đó tụ lại ánh chiều cuối cùng biêng biếc tím óng ánh như xà cừ. Chúng tôi đã cho tiếp rượu đầy bình đến lần thứ tư. Ferdinand Grau làm chủ tọa. Pat ngồi cạnh anh. Nàng cài một bông lan phơn phớt hồng mà anh đã đem theo tặng nàng.
Ferdinand vớt từ ly vang của anh một con muỗi, thận trọng quệt nó lên mặt bàn. “Nhìn xem này”, anh nói. “Chà, đôi cánh mới tuyệt chứ. So với nó thì gấm vóc gì cũng chỉ là đồ giẻ lau mà thôi! Một con vật như thế mà sống có một ngày, và thế là hết”. Anh lần lượt nhìn từng người trong chúng tôi. “Các cậu có biết cái đáng sợ nhất trên thế gian là cái gì không, hỡi những người anh em?”
“Một ly rượu rỗng”, Lenz đáp.
Ferdinand phác một cử chỉ như phủi Lenz đi. “Đối với môt trang nam nhi, Gottfried ạ, thì trên thế gian này điều làm tổn hại thanh danh nhất là đóng vai kẻ hay pha trò”. Đoạn anh lại quay sang chúng tôi. “Cái đáng sợ nhất, anh em ạ, là thời gian. Thời gian. Cái khoảnh khắc chúng ta đang trải qua và cái khoảnh khắc mà chúng ta sẽ chẳng bao giờ chiếm được”.
Anh móc trong túi ra chiếc đồng hồ của mình, chìa nó trước mắt Lenz. “Cái này đây, hỡi đồ lãng mạn rởm! Cái máy địa ngục kêu tích ta tích tắc, tích tắc hoài trước hư không này đây! Cậu có thể chặn bão tuyết, ngăn núi lở… nhưng đâu kìm nổi thứ này”.
“Mà mình cũng chẳng muốn”, Lenz nói. “Mình chỉ muốn được yên ổn đến già. Ngoài ra, mình yêu sự thay đổi”.
“Con người không chịu đụng nổi thời gian”, Grau tiếp, chẳng buồn để ý đến Lenz. “Con người không sao kham nổi nó. Vì vậy con người tự vẽ lên cho mình một giấc mơ. Giấc mơ vô vọng, cảm động, muôn thưở của loài người: sự vĩnh cửu”.
Gottfried phì cười. “Căn bệnh hiểm nghèo nhất của cõi trần, Ferdinand ạ, là suy tư! Vô phương cứu chữa”.
“Nếu đó là căn bệnh duy nhất thì cậu sẽ là kẻ bất tử”. Grau độp lại. “Ngữ cậu chỉ là một mớ hổ lốn thán khí, vôi, phótpho, và một tí ti sắt, tồn tại ngắn ngủi trên đời với cái tên Gottfried Lenz”.
Gottfried mỉm cười khoái chí. Ferdinand lúc lắc cái đầu sư tử của anh. “Anh em ạ, cuộc sống là một căn bệnh, và cái chết bắt đầu ngay trong sự sinh nở. Mỗi hơi thở, mỗi nhịp đập của trái tìm đều là chết đi một chút… một sự xê dịch nhỏ xích dần đến cõi tận”.
“Mỗi ngụm rượu nữa chứ”, Lenz đế. “Chúc sức khỏe cậu, Ferdinand! Đôi khi cái chết lại nhẹ nhàng đáo để”.
Grau nâng ly. Một nụ cười như cơn giông thầm lặng lướt trên gương mặt to bè của anh. “Chúc cậu, Gottfried, con bọ chét vui tươi trên dòng sỏi trôi tuồn tuột của thời gian. Không hiểu cái quyền lực thần bí chi phối chúng ta đã nghĩ gì khi tạo ra cậu thế?”
“Đó là việc riêng của nó. Vả lại, chính cậu là kẻ không nên nói về những chuyện đó một cách khinh thị như vậy, Ferdinand ạ. Nếu con người là vĩnh cửu thì cậu sẽ thất nghiệp mất, hỡi đồ ký sinh trùng phúc hậu, già nua của tử thần kia!”
Vai Grau bắt đầu rung rung. Anh cười. Đoạn anh quay sang Pat. “Cô nói gì với lũ nhăng cuội chúng tôi hỡi bông hoa nhỏ xinh trên làn nước rập rờn?”
Rồi tôi và Pat đi dạo xuyên vườn riêng với nhau. Trăng đã lên cao hơn, những thảm cỏ đắm mình trong ánh trăng màu xám bạc; trên đó, những bóng cây đen đổ dài như những mũi tên thẫm màu chỉ đường vào cõi vô định. Hai đứa xuôi đến ven hồ, rồi lộn trở lại. Trên đường về, chúng tôi gặp Gottfried Lenz, anh chàng cắp theo một cái ghế nhỏ, dúi vào một bụi tử đinh hương. Giờ cậu ta ngồi trong đó, chỉ thấy ló sáng đốm lửa thuốc lá và chỏm tóc hoe vàng. Dưới đất, ngay cạnh cậu ta, là một cái ly và chỗ rượu vang còn lại.
“Chỗ thế mới là chỗ chứ!” Pat reo lên. “Ngập trong tử đinh hương”.
“Có thể ngồi mãi được ấy”. Gottfried đứng lên, “Cô thử mà xem!” Pat ngồi vào ghế. Gương mặt nàng óng ánh giữa những bông hoa. “Tôi mê tử đinh hương điên lên được”, anh chàng lãng mạn cuối cùng nói. “Với tôi, nhớ nhà có nghĩa là nhớ tử đinh hương. Mùa xuân năm 1942 tôi đã vội vã rời Rio de Janeiro về quê hương chỉ vì sực nhớ ra rằng nơi đây hẳn tử đinh hương đang rộ nở. Khi tôi về tới, thì dĩ nhiên đã muộn” Cậu ta cười. “Bao giờ chả vậy”. “Rio de Janeiro?” Pat vít một nhành hoa xuống “Các anh cùng ở đó à?”
Lenz ngơ ngác. Tôi thốt nhiên lạnh buốt sống lưng. “Nhìn trăng kìa!” tôi vội nói, đồng thời ngầm đá chân Lenz.
Dưới ánh sáng lập lòe dầu điếu thuốc Lenz hút, tôi nhận thấy một thoáng cười và cái nháy mắt. Thoát nạn rồi. “Không, hai đứa tôi không cùng ở đó” Gottfried nói. “Dạo ấy tôi chỉ có một mình. Nhưng có lẽ ta nên làm thêm ngụm vang cuối cung chứ nhỉ?”
“Tôi xin thôi”. Pat lắc đầu. “Tôi không uống được nhiều vang thế đâu”.
Chúng tôi nghe tiếng Ferdinand gọi, bèn trở lại quán.
Anh đứng lừng lững nơi ngưỡng cửa. “Vào đây, các cô các chú”, anh nói. “Ban đêm, những người như tụi ta chẳng có gì để tìm kiếm ngoài thiên nhiên cả. Ban đêm, thiên nhiên muốn được một mình. Một bác nông dân hay một anh dân chài, đó lại là chuyện khác; nhưng chúng ta thì không, chúng ta, lũ người thành thị với những bản năng đã bị chém lìa”. Anh đặt tay lên vai Gottfried. “Đêm là sự phản kháng của tự nhiên chống lại căn bệnh hủi của văn minh, Gottfried ạ! Một người đứng đắn không chịu được lâu điều ấy. Anh ta nhận thấy mình bị đẩy ra khỏi cái vòng khuyên câm lặng của cỏ cây, muông thú, trăng sao, và sự sống vô thức”. Đến đây anh mỉm một nụ cười lạ lùng mà người ta không bao giờ biết được nó buồn hay vui. “Vào đi, các cô các chú! Chúng ta sẽ sưởi ấm đôi tay bằng những kỷ niệm. Ôi, cái thời huy hoang, khi chúng ta còn là loài mộc tặc, sa giông, trước đây chừng năm sáu chục triệu năm; lạy Chúa, từ đấy tới nay chúng ta đã sa đọa biết chừng nào…!”
Anh cầm bàn tay Pat. “Nếu chúng ta không còn một chút ý thức về sắc đẹp… thì tất cả thế là hết”. Bằng một cử chỉ dịu dàng, bàn tay chuôi mắn của anh cầm bàn tay Pat đặt lên cánh tay mình. “Hỡi ngôi sao bạc trên vực thẳm ầm ì… cô sẵn lòng cạn ly cùng gã đàn ông cổ đại như tôi hay chăng?”
Pat gật. “Thưa có”, nàng nói. “Tôi sẵn lòng chiều ý ông”.
Hai người bước vào quán. Nhìn họ sóng đôi mà ngỡ như Pat là con gái của Ferdinand. Nàng con gái mảnh dẻ, can đảm, trẻ trung của một gã khổng lồ mệt mỏi còn sót lại từ thời tiền sử.
Mười một giờ, chúng tôi ra về. Valentin và Ferdinand đi chiếc tắcxi do Valentin lái. Còn lại bọn tôi lên chiếc Karl. Đêm ấm áp, Koster còn cho xe chạy vòng vèo qua những làng mạc đã thiếp ngủ ven đường với vài ngọn đèn thấp thoáng đây đó và tiếng chó sủa thưa thớt.
Ngồi ghế trước, cạnh Otto, Lenz cất tiếng hát. Pat và tôi ngồi ghế sau. Koster lái giỏi tuyệt. Cậu ta cua vòng như chim liệng. Tay lái cậu ta vững tới mức tài hoa. Koster không chạy gấu như số đông các tay đua. Xe cậu ta lăn êm tới mức tưởng chừng ta có thể ngủ yên trên những khúc đường lượn. Không bao giờ ta nhận biết xe đang chạy ở tốc độ nào.
Chúng tôi cảm giác từng đoạn đường thay đổi nhờ vào tiếng bánh xe rít trên đường nhựa, ầm ì trên đường lát đá. Những ngọn đèn pha tựa những con chó săn nhạt màu vọt lên trước chúng tôi và lôi ra khỏi bóng đêm con đường bạch dương cành lá rung rinh, hàng thùy dương, những cột điện lướt qua vèo vèo, dãy nhà lụp xụp và cuộc diễu binh thầm lặng của những bìa rừng. Dòng ngân hà, như một làn hơi sáng, nhấp nháy bởi muôn ngàn tinh tú, mênh mông trải dài trên đầu chúng tôi.
Xe chạy nhanh hơn. Tôi choàng cho Pat áo khoác của cả hai đứa. Nàng mỉm cười với tôi, “Em yêu anh thật chứ?” tôi hỏi.
Nàng lắc đầu. “Còn anh, yêu em không?”
“Không. May quá, hả?”
“Cực may”.
“Nếu vậy chẳng có gì có thể xảy đến với chúng mình, phải không em?”
“Chẳng có gì hết…” nàng đáp và quờ tìm bàn tay tôi dưới những chiếc măng-tô.
Con đường cua một vòng xuống cạnh đường xe lửa. Đường ray lấp lánh. Xa xa; trước chúng tôi, đung đưa một ánh sáng đỏ. Karl rú lên, lao vụt về phía trước. Đó là một đoàn tàu tốc hành với những toa nằm và một toa ăn đèn đóm sáng trưng. Chúng tôi dấn lên, đã gần sóng đôi với nó. Từ các cửa sổ tàu, hành khách vẫy chào chúng tôi. Chúng tôi không vẫy lại. Chúng tôi đã vượt lên. Tôi ngoái nhìn. Đầu tàu phì khói và những tia lửa. Nó găm lại, đen thẫm trên màn đêm biếc xanh. Chúng tôi vượt nó… nhưng chúng tôi đang lao vào thành phố, về với những chiếc tắcxi, những xưởng sửa chữa ô-tô và những căn buồng trọ. Còn con tàu, nó ở lại bên triền những cánh rừng, những đồng ruộng, sông ngòi, hút mãi về miền xa, vào cuộc phiêu lưu dài rộng.
Phố xá, nhà cửa lắc lư xáp gần lại. Karl chạy êm hơn, nhưng lũ ống xả vẫn gầm gào chẳng khác gì thú dữ.
Koster dừng xe ở khu vực gần nghĩa trang. Cậu ta không lái về nhà Pat, cũng chẳng về khu trọ của tôi mà dừng lại gần đâu đó, có lẽ cậu ta nghĩ chúng tôi muốn được đi riêng với nhau. Chúng tôi xuống xe. Hai cậu rồ máy đi liền, chẳng hề ngoái lại. Tôi nhìn theo họ. Trong khoảnh khắc, tôi có cảm giác thật lạ lùng. Họ bỏ đi, những người bạn của tôi bỏ đi, còn tôi ở lại. Tôi ở lại.
Tôi rũ bỏ ý nghĩ đó. “Đi em”, tôi bảo Pat khi ấy đang nhìn tôi như đã cảm thấy điều gì.
“Anh hãy đi với họ”, nàng nói.
“Không”, tôi đáp.
“Anh muốn đi với họ mà…”
“Đâu có…”, tôi nói, bụng nghĩ quả thế thật. “Đi em…”
Chúng tôi đi men theo nghĩa địa, người vẫn hơi lảo đảo vì gió và chuyến xe. “Anh Robby”. Pat nói, “em muốn về nhà hơn”.
“Sao vậy em?”
“Em không muốn vì em mà anh bỏ rơi bất kỳ cái gì”.
“Em nghĩ gì lạ vậy”, tôi hỏi, “anh bỏ rơi cái gì nào?”
“Những người bạn của anh…”
“Anh chẳng hề bỏ rơi họ… chả sớm mai thôi anh đã gặp lại họ rồi”.
“Anh hiểu ý em muốn nói rồi đấy”, nàng nói. “Trước đây anh gắn bó với họ thường xuyên hơn”.
“Vì chưa có em chứ sao”, tôi đáp, mở khóa cửa. Nàng lắc đầu.
“Đó là chuyện hoàn toàn khác”.
“Dĩ nhiên là khác rồi. Ơn Chúa!”
Tôi nâng bổng nàng lên, bế nàng dọc theo hành lang về buồng tôi.
“Anh cần những người bạn”, nàng nói kề ngay bên mặt tôi.
“Em, anh cũng cần”, tôi đáp.
“Nhưng không cần đến thế…”
“Cái đó để con xem…”
Tôi đẩy toang cửa và buông nàng xuống. Nằng ghì chặt lấy tôi. “Em chỉ là một người bạn chẳng ra gì, anh Robby ạ”.
“Anh cũng hy vọng thế”, tôi nói. “Anh không ua một người đàn bà làm bạn. Anh ưa một người yêu”.
“Em cũng không là thế nốt”, nàng lẩm bẩm.
“Vậy em là cái gì?”
“Chẳng là cái gì cho ra hồn. Một phác thảo…”
“Thế thì còn gì bằng”, tôi nói. “Cái đó kích thích trí tưởng tượng. Những người đàn bà như vậy được yêu mãi mãi. Đàn bà hoàn chỉnh người ta chóng chán. Đàn bà cao quý cũng vậy. Nhưng chán những phác thảo thì không bao giờ”.
Bốn giờ sáng. Tôi vừa đưa Pat về nhà, đang trên đường quay trở lại. Trời đã hưng hửng. Phảng phất hương bình minh.
Tôi đi men nghĩa trang, ngang qua tiệm cà phê Quốc Tế, về nhà. Cửa quán rượu dành cho cánh tài xế nằm cạnh nhà công đoàn xịch mở, một cô gái bước ra. Chiếc mũ nồi nhỏ, chiếc áo măng-tô xinh tồi tàn, đôi bốt véc ni cao cổ… gần đi ngang qua cô gái thì tôi nhận ra…
“Kìa Lisa…”
“Không ngờ lại gặp được anh đấy!” cô gái nói.
“Em ở đâu đến vậy?” tôi hỏi.
Cô gái nhún vai. “Em đã chờ tại đây. Em nghĩ biết đâu anh sẽ đi ngang. Cứ khoảng này là anh về nhà mà”.
“Ờ, đúng thế…”
“Đi với em chứ?” cô hỏi.
Tôi ngần ngừ. “Không được đâu…”
“Anh không cần trả tiền”, cô vội nói.
“Đâu phải vì thế”, tôi đáp không suy nghĩ, “anh có tiền”.
“Ra vậy…” cô nói chua chát và lùi lại một bước.
Tôi cầm tay cô. “Đừng thế, Lisa…”
Cô đứng đó, gầy gò, xanh xao trên đường phố xám xịt, trống vắng. Trước đây ít năm tôi đã gặp cô như vậy, khi tôi thẫn thơ và đơn độc sống cho qua ngày đoạn tháng, không suy nghĩ, không hy vọng. Thoạt đầu cô có vẻ dè chừng như mọi cô gái đồng cảnh với cô, nhưng rồi, sau vài lần trò chuyện cùng tôi, cô tỏ ra tin cậy và quyến luyến tôi. Mối quan hệ giữa hai đứa tôi có phần kỳ quặc… thỉnh thoảng có đến hàng tuần tôi không gặp cô, rồi đột nhiên cô đứng ở đâu đó và chờ đợi tôi. Thời gian ấy, cả hai đứa hoàn toàn chẳng có gì, chẳng có ai… vì vậy một chút hơi ấm, một chút gần gụi mà chúng tôi có thể trao nhau hẳn có ý nghĩa hơn lúc bình thường. Đã lâu tôi không gặp Lisa nữa… không gặp từ ngày tôi biết Pat.
“Lâu nay em biến đằng nào vậy. Lisa?”
Cô nhún vai, “Hỏi mà làm gì, anh. Em chỉ muốn gặp lại anh. Vậy đấy, giờ thì em đi được rồi”.
“Em khỏe chứ?”
“Thôi mà…”, cô nói. “Anh đừng khách sáo thế”.
Môi cô run run. Trông cô có vẻ đói. “Để anh cùng đi với em một quãng”, tôi nói.
Gương mặt giang hồ hờ hững, tội nghiệp của Lisa linh hoạt hẳn lên và trở nên ngây thơ. Dọc đường, tôi ghé vào một trong những quán dành cho tài xế mở cửa suốt đêm mua dăm món lặt vặt để cô có cái ăn. Thoạt đầu cô từ chối, cô chỉ chấp thuận khi nghe tôi bảo bản thân tôi cũng đói. Nhưng cô chú ý sao cho tôi không bị bịp, không bị ấn cho những món hàng chẳng ra gì. Cô cũng không muốn mua tới nửa cân dămbông; theo cô, chỉ hai lạng rưỡi là đủ, nếu chúng tôi còn mua thêm xúc xích Frankfurt. Nhưng tôí khăng khăng lấy nửa cân dămbông và hai hộp xúc xích.
Lisa sống trong một căn xép áp mái mà cô có để tâm xếp đặt chút ít. Một chiếc đèn dầu đặt trên bàn, bên giường có một ngọn nến cắm vào miệng chai. Trên tường thấy những tranh ảnh cắt ra từ các tờ tạp chí, găm bằng đinh ghim. Trên tủ ngăn lăn lóc mấy cuốn tiểu thuyết trinh thám, cạnh đó là một tệp ảnh khiêu dâm. Một số khách chơi, đặc biệt mấy bố đã có vợ, khoái xem thứ đó lắm. Lisa gạt chúng vào ngăn kéo, rồi lôi ra một chiếc khăn trải bàn đã tã nhưng sạch sẽ.
Tôi mở các gói. Trong khi đó Lisa thay quần áo. Trước hết cô cởi bỏ váy ngoài, mặc dù tôi biết đôi chân mới khiến cô đau và mỏi nhất. Cô phải đi bách bộ nhiều quá. Cô đứng đó; đôi bốt vécni cao đến đầu gối, trên mình chỉ còn bộ đồ lót đen.
“Anh thấy cặp đùi em thế nào?” cô hỏi.
“Hết sảy, như mọi lúc”.
Cô hài lòng, nhẹ nhõm ngồi xuống giường để cởi bốt. “Đôi này giá hai trăm mác kia đây”, cô nói, tay giơ đôi bốt cho tôi xem.
“Chờ tới khi kiếm lại được ngần ấy tiền thì chúng cũng vừa rách”.
Cô lấy trong tủ ra một chiếc kimônô và đôi hài gấm đã bạc màu, sót lại từ những ngày khá giả hơn. Cô mỉm cười gần như biết lỗi. Cô muốn vừa mắt tôi. Thốt nhiên tôi thấy nao lòng khi ngồi đây, trên căn buồng nhỏ bé này, tuồng như một người thân của tôi vừa mất.
Chúng tôi cùng ngồi và tôi nói chuyện ân cần với Lisa. Dẫu vậy, cô vẫn nhận thấy có cái gì đó đã đổi khác. Ánh mắt cô trở nên rụt rè. Giữa chúng tôi hoàn toàn chẳng có gì ngoài cái mà sự tình cờ đem lại. Nhưng có lẽ chính nó lại ràng buộc và gắn bó hai đứa hơn nhiều thứ khác. “Anh đi sao?” cô hỏi khi thấy tôi đứng dậy… tuồng như cô hằng sợ hãi điều này.
“Anh còn có hẹn…”
Cô nhìn tôi. “Muộn thế cơ à?”
“Chuyện làm ăn. Rất quan trọng với anh, Lisa ạ. Anh còn phải tìm gặp một người. Vào giờ này ông ta thường có mặt ở khách sạn Astoria”.
Không người đàn bà nào tỏ ra biết điều trước những sự việc đại loại hơn những cô gái như Lisa. Nhưng người ta cũng khó lừa dối họ hơn bất kỳ ai. Gương mặt Lisa thoắt trống rỗng. “Anh có một người đàn bà khác…”
“Kìa Lisa… chúng mình ít có dịp gặp nhau thế kia mà… có đến gần một năm nay… em thử nghĩ mà xem…”
“Không, không, ý em không phải như vậy. Anh đã có người đàn bà mà anh yêu! Anh đã thay đổi. Em cảm thấy điều đó”.
“Ồ, Lisa em”.
“Đúng, đúng. Anh hãy nhận đi!”
“Chính anh cũng chẳng biết nữa. Có lẽ…”
Lisa đứng lặng một lát. Đoạn cô gật gật đầu. “Vâng, vâng… đương nhiên rồi… em rõ ngu ngốc… chúng mình chẳng hề hứa hẹn gì với nhau mà…” Cô xoa hai bên thái dương. “Em không hiểu tại sao em lại như vậy…” Thân hình mảnh dẻ của cô đứng trước tôi sao gầy gò, yếu đuối. Đôi hài gấm… chiếc áo kimônô… những đêm dài trống rỗng, hồi ức… “Tạm biệt em, Lisa…”
“Anh đi ư… anh không nán lại chút nữa sao? Anh đi… ngay…?”
Tôi hiểu ý cô. Song tôi không thể. Kể cũng kỳ quặc, song tôi không thể, tôi cảm thấy điều đó rất rõ. Trước kia có bao giờ tôi như vậy đâu. Tôi không có những ý tương thái quá về tánh chung thủy. Nhưng giờ thì không được, thế thôi. Tôi đột nhiên cảm thấy mình đã tách xa khỏi mọi cái cũ biết chừng nào.
Lisa đứng trong khung cửa. “Anh đi…” Cô chạy vào buồng. “Đây, em biết anh đã để tiền cho em… dưới tờ báo… em không muốn nhận nó… Đây… đây… phải, anh đi đi…”
“Anh phải đi, Lisa ạ”.
“Anh sẽ không trở lại…”
“Có chứ, Lisa…”
“Không, không, anh sẽ không trở lại… em biết thế! Anh cũng đừng trở lại làm gì! Đi đi, đi đi chứ…” Cô khóc. Tôi xuống gác, không ngoái nhìn lại.
Tôi còn lang thang hồi lâu qua các phố. Một đêm lạ lùng. Tôi rất tỉnh táo và không sao ngủ được. Tôi đi ngang tiệm Quốc Tế, nghĩ tới Lisa, tới những năm trước kia, tới nhiều thứ mà tôi đã quên từ lâu, nhưng chúng đã xa xôi lắm, và dường như đã hết thuộc về tôi. Rồi tôi thơ thẩn, qua phố của Pat. Gió mạnh lên, thấy các cửa sổ tòa nhà nàng ở đều tối om, bình minh xám nhờ nhón gót dọc các cánh cổng, rốt cuộc tôi đi về nhà. Lạy Chúa, tôi thầm nhủ, tôi tin là mình hạnh phúc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.