Ba Người Bạn

CHƯƠNG 14



Một tuần sau, lão thợ bánh đột ngột xuất hiện trong sân xưởng chúng tôi cùng chiếc Ford của lão. “Ra xem thử, Robby”, Lenz nói mắt hằn học nhìn ra cửa sổ, “cái thùng bánh mết gái ấy toan khiếu nại gì hẳn thôi”.
Lão thợ bánh trông đến là cau có. “Xe trục trặc gì chăng?” tôi hỏi.
Lão lắc đầu. “Trái lại. Nó chạy cừ lắm. Phải, bây giờ nó lại chạy tốt như mới”.
“Chính thế”, tôi xác nhận và nhìn lão niềm nở hơn.
“Số là…”, lão nói, “số là… tôi muốn mua một chiếc xe khác. Lớn hơn…” Lão ngó quanh. “Dạo trước các anh có một chiếc Cadillac cơ mà?”
Trong nháy mắt, tôi hiểu rõ sự tình. Cái cô nàng tóc đen mà hiện lão đang chung sống đã làm lão mềm lòng. “Phải, chiếc Cadillac ấy”, tôi nói, vẻ tán thưởng, “giá như ngày đó ông thấy hết giá trị của nó! Một báu vậy! Chúng tôi đã ‘đẩy’ nó lấy bảy ngàn mác. Nửa như biếu không!”
“Chà, biếu không…”
“Biếu không!” tôi nhấn giọng nhắc lại, bụng thầm tính nên làm gì. “Tôi có thể hỏi thử”, đoạn tôi nói, “biết đâu cái nhà ông mua chiếc xe dạo ấy giờ lại đang cần tiền. Thời buổi này chuyện đó xảy ra chóng vánh lắm. Ông chờ cho một lát”.
Tôi vào xưởng, thuật nhanh lại câu chuyện. Gottfried nhảy cẫng lên. “Các nhóc ơi, moi đâu ra thật nhanh một chiếc Cadillac cũ bây giờ đây?”
“Để mình lo”, tôi nói, “cậu liệu sao để lão thợ bánh đừng tút nửa chừng thì hơn”.
“Xong ngay!” Gottfried biến mất.
Tôi gọi điện thoại cho Blumenthal. Cũng chẳng hy vọng mấy nỗi, song cứ thử xem sao. Lão già có mặt ở phòng giấy. “Ngài có muốn nhượng chiếc Cadillac của ngài không?” Tôi hỏi thẳng.
Blumenthal cười.
“Tôi có khách cho ngài”, tôi tiếp, “xỉa ngay tiền mặt lên bàn”.
“Tiền mặt…”, Blumenthal lên tiếng sau một lát suy nghĩ, “vào thời buổi này, từ đó nghe mới thuần túy thi ca làm sao”.
“Tôi cũng nghĩ thế”, tôi đáp, và đột nhiên hoạt bát hẳn lên.
“Vậy ngài tính sao, ta bàn với nhau chuyện này được chứ?”
“Bàn thì lúc nào mà chẳng được”. Blumenthal nói.
“Hay lắm. Bao giờ tôi có thể gặp ngài?”
“Trưa nay, sau bữa ăn tôi rảnh. Ta hẹn hai giờ ở đây, trong văn phòng tôi”.
“Đồng ý”.
Tôi gác máy. “Otto”, tôi kêu kêu với Koster, khá là bồn chồn, “mình đâu dám hy vọng được thế này, nhưng giờ thì mình tin thế nào Cadillac của tụi mình cũng sẽ trở về!”
Koster rời đống giấy má của mình. “Thật không? Lão ta định bán chiếc xe?” Tôi gật, mắt nhìn ra cửa sổ, nơi Lenz đang sôi nổi chuyện trò với lão thợ bánh. “Cậu ta làm hỏng bét cả”, tôi lo lắng nói, “luyên thuyên nhiều quá. Lão thợ bánh là một tay chúa đa nghi; chỉ thuyết phục được lão bằng cách im lặng. Mình phải mau mau ra thế chân cái thằng Gottfried mới xong”.
Koster cười. “May mắn nhé, Robby!”
Tôi nháy mắt đáp lại, rồi đi ra. Nhưng tôi nghe thấy gì thế này – Gottfried đâu vội tán dương chiếc Cadillac – cậu ta chỉ đang hăng hái mô tả cho lão thợ bánh cái cách thức nướng bánh bột ngô của dân Ấn Độ bên Nam Mỹ. Tôi đưa mắt tán thưởng cậu ta, đoạn quay sang lão thợ bánh. “Tiếc rằng ông ta không muốn nhượng…”
“Biết mà”, Lenz nói ngay, như thể hai thằng đã thông đồng trước.
Tôi nhún vai. “Đáng tiếc… nhưng cũng dễ hiểu thôi…” Lão thợ bánh đứng đó tần ngần. Tôi nhìn Lenz.
“Sao cậu không cố thử lần nữa à?” Lenz lập tức hỏi.
“Cố nhiên mình sẽ hỏi lại”, tôi đáp. “Chẳng gì mình cũng đã hẹn được với lão cuộc gặp vào trưa này. Thế tôi biết tìm gặp ông ở đâu nhỉ?” tôi hỏi lão thợ bánh.
“Bốn giờ chiều tôi có việc ở gần đây. Tôi sẽ ghé lại lần nữa…”
“Được… lúc đó chắc chắn tôi đã biết kết quả. Tôi hy vọng vụ này rồi sẽ thành”.
Lão thợ bánh gật đầu. Đoạn lão lên chiếc xe Ford, rồ máy phóng đi.
“Cậu hoàn toàn mất trí rồi”, Lenz nổi xung sau khi chiếc xe quặt vào góc phố. “Thoạt đầu, thằng này phải ra sức mà giữ chân lão, để rồi thằng kia thản nhiên mặc cho lão cút!”
“Lôgich và tâm lý học để đâu, hở Gottfried” tôi đáp, tay vỗ vai cậu ta. “Cậu thì hiểu cóc gì những cái đó…”
Gottfried hẩy tay tôi ra. “Tâm với chả lý…”, cậu ta nói vẻ khinh miệt. “Tâm lý học hữu hiệu nhất là một sự tình cờ may mắn! Mà nó vừa ở đây chứ đâu! Lão già sẽ chẳng đời nào quay lại…”
“Lão sẽ quay lại lúc bốn giờ…”
Gottfried nhìn tôi thương hại. “Cuộc chứ?” Cậu ta hỏi.
“Sẵn sàng”, tôi đắp, “nhưng cậu sẽ mất trắng thôi. Mình biểu rõ lão hơn cậu! Cần phải hâm nóng lão nhiều lần. Thêm nữa mình đâu thể bán cho lão thứ mà tụi mình chưa có trong tay…”
“Ôi trời đất ơi, nếu chỉ vì thế”, Gottfried bắt đầu nói, “nếu chỉ vì thế, thì suốt đời mày sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì đâu, con ơi! Thì đấy mới chính là những mẻ làm ăn đích thực! Lại đây, mình sẽ lên lớp không công cho cậu một bài về đời sống kinh tế hiện đại…”
Trưa, tôi đi gặp Blumenthal. Dọc đường, tôi có cảm giác của một chú dê non buộc phải đến thăm một lão sói già. Mặt trời thiêu đốt mặt đường nhựa, và cứ mỗi bước chân tôi lại cảm thấy mất dần cái hứng dấn thân làm mồi nướng trên kẹp chả của Blumenthal. Tốt hơn hết là giải quyết cho nhanh gọn. “Ngày Blumenthal”, vừa đặt chân đến cửa tôi đã vội vào đề, không để lão kịp mở miệng, “một đề nghị có lợi ngay trên ngưỡng cửa của ngài! Ngài mua chiếc Cadillac với giá năm ngàn rưỡi mác, tôi xin trả ngài sáu ngàn với điều kiện tôi lại bán được nó thật. Điều này sẽ được quyết định trong tối nay…”
Blumenthal ngự sau bàn giấy của mình và đang chén một trái táo. Lão ngừng nhai, nhìn tôi giây lát.
“Được”, lão thở phì phì và tiếp tục chén.
Tôi đợi cho đến lúc lão ném lõi táo vào bồ giấy.
“Vậy là ngài đồng ý?” đoạn tôi hỏi.
“Hượm đã!” Lão lấy từ ngăn kéo bàn ra một trái táo khác.
“Anh cũng làm một quả chứ?”
“Cám ơn ngài, xin cho lúc khác…”
Lão ngoạm cái ráu. “Chén đẫy táo vào, anh Lohkamp ạ! Táo giúp ta kéo dài tuổi thọ! Mỗi ngày làm dăm trái táo… và thế là suốt đời anh chẳng cần tới bác sĩ!”
“Chẳng cần, kể cả khi tôi gẫy tay chăng?”
Lão ngoác miệng cười, quăng lõi táo thứ hai đi, và đứng dậy.
“Vậy anh đừng để bị gẫy tay!”
“Nghe thì dễ đấy”, tôi nói, lòng thấp thỏm không hiểu điều gì sẽ xảy ra bây giờ đây. Tôi thấy câu chuyên táo tiếc này đáng ngờ quá.
Blumenthal lấy từ chiếc tủ con ra hộp xì gà, mời tôi. Đó là loại thuốc Coronas tôi từng được hút. “Thứ này cũng kéo dài tuổi thọ chứ?”, tôi hỏi.
“Không, rút ngắn tuổi thọ. Bù lại, đã có những trái táo”.
Lão phả khói thuốc, và như một con chim tư lự, lão nghểnh đầu nhìn tôi từ dưới lên trên. “Bù trừ, anh Lohkamp ạ, bao giờ cũng bù trừ… đó là toàn bộ bí quyết trong cuộc sống…”
“Giá như người ta làm được…”
Lão nháy mắt. “Đúng, làm được bí quyết là ở đó. Chúng ta biết quá nhiều và làm được quá ít. Bởi chúng ta biết quá nhiều”.
Lão cười. “Anh bỏ quá cho… sau bữa ăn bao giờ tôi cũng đâm ra hơi triết lý…”
“Đó cũng là thời điểm dễ chịu hơn cả”, tôi nói. “Vậy thế nào, chúng ta cũng sẽ bù trừ nhau trong vụ chiếc Cadillac chứ, phải thế không, thưa ngài?”
Lão giơ tay lên. “Chờ cho một giây…”
Tôi nhẫn nhục cúi đầu. Blumenthal nhận thấy, lão bật cười. “Không phải như anh nghĩ đâu! Tôi chỉ định khen ngọi anh đó thôi. Đánh phủ đầu ngay từ ngưỡng cửa, với những lá bài bật ngửa! Tính toán với lão già Blumenthal như thế kể cũng khéo. Anh biết tôi đã chờ đợi gì không?”
“Chờ đợi tôi bắt đầu gạ gẫm với cái giá bốn ngàn rưỡi…”
“Đích thị! Nhưng nếu anh làm thế, thì đã xôi hỏng bỏng không rồi. Anh định bán chiếc xe lấy bảy ngàn mác chứ gì?”
Tôi thận trọng nhún vai. “Tại sao lại đúng bảy ngàn?”
“Vì đó là cái giá đầu tiên anh đòi tôi hồi ấy…”
“Ngài có một trí nhớ tuyệt vời”, tôi nói.
“Trí nhớ cho những con số. Chỉ cho những con số mà thôi. Đáng tiếc. Vậy đấy, để đi đến kết thúc: anh có thể lấy lại chiếc xe với cái giá anh nêu”.
Lão chìa tay cho tôi, tôi vội bắt lấy. “Ơn Chúa”, tôi thở phào, “vụ làm ăn đầu tiên kể từ bấy lâu nay. Chiếc Cadillac có về mang may mắn lại cho chúng tôi”.
“Cho cả tôi nữa”. Blumenthal nói. “Tôi cũng lời được năm trăm mác mà”.
“Đã dành. Nhưng cớ sao ngài đã vội bán nó đi? Ngài không thích nó à?”
“Thuần túy mê tín thôi”. Blumenthal giải thích “Cứ có lợi là tôi làm…”
“Thứ mê tín mới tuyệt làm sao chứ”, tôi nói.
Lão lắc lư cái sọ bóng loáng. “Anh không tin… nhưng đúng thế đấy. Như vậy sẽ tránh được thua lỗ… trong những vụ khác. Ngày nay bỏ qua bất kỳ một cú ‘vào cầu’ nào cũng là thách thức số phận. Và thử hỏi còn có kẻ nào cả gan làm điều đó”.
Bốn rưỡi chiều, với vẻ mặt đầy ngụ ý, Gottfried Lenz đặt một chai gin không lên bàn, ngay trước mặt tôi. “Rót đầy chai này đi, con nhé; Và tự bỏ tiền ra! Cậu còn nhớ hai thằng mình đã cuộc gì không?”
“Nhớ chứ”, tôi nói, “nhưng cậu hí hửng khá sớm đấy”.
Gottfried chẳng nói chẳng rằng lôi chiếc đồng hồ của mình ra, gí sát mũi tôi.
“Bốn rưỡi”, tôi nói, “thậm chí có lẽ còn khớp giờ thiên văn. Ai chả có lần chậm trễ. Đã thế mình đặt cược lên gấp đôi, hai chấp một…”
“Nhất trí”, Gottfried hoan hỉ tuyên bố. “Vị chi những bốn chai gin tặng không cho thằng này. Người ta gọi đó là cà cuống chết đến đít còn cay. Vẻ vang đấy, con ạ, nhưng sai lầm…”
“Chờ xem…” suốt từ nãy tôi không còn mấy tin tưởng như tôi làm ra vẻ. Ngược lại tôi đã khá tin chắc rằng lão thợ bánh sẽ không thò mặt đến nữa. Lẽ ra ban sáng tôi phải giữ rịt lấy lão. Lão hay thay đổi ý kiến quá lắm.
Còi của nhà máy sản xuất đệm giường bên kia đường vừa hú tan tầm, Gottfried đã lặng lẽ đặt lên bàn, trước mặt tôi, ba chai gin không nữa. Đoạn cậu ta tựa lưng vào bậu cửa sổ, nhìn tôi chằm chằm.
“Đây khát khô họng rồi”, lát sau cậu ta nói, cô nhấn giọng.
Đúng vào giây phút ấy, tôi nghe từ ngoài đường tiếng rù rì không thể nhầm lẫn được của một động cơ xe Ford, liền sau đó, chiếc Ford của lão thợ bánh quặt vào sân xưởng chúng tôi. “Cậu khát hở, Gottfried thân mến”, tôi đáp vẻ cao ngạo, “vậy hãy ba chân bốn cẳng chạy đi mua về đây cả hai chai rum mà mình đã được cuộc. Cho phép cậu làm một ngụm không mất tiền. Mở mắt ra mà nhìn lão thợ bánh ngoài sân kia! Tâm lý học là thế đó, con trai ta ạ! Còn bây giờ hãy dọn cho khuất mắt những chai gin không này đi! Sau đó cậu có thể đi chạy tắcxi là vừa. Đối với một vụ làm ăn tế nhị thế này, con hãy còn non lắm con ạ. Thôi chào con!”
Tôi đi ra và cho lão thợ bánh biết rằng có vẻ như chiếc xe sẽ về tay lão. Cố nhiên người bán đòi tận bảy ngàn rưởi mác, nhưng nếu thấy tiền mặt, ông ta sẽ hạ xuống bảy ngàn.
Lão thợ bánh nghe lơ đãng tới mức tôi phải sửng sốt. “Sáu giờ tôi sẽ gọi điện cho ông ấy lần nữa”, cuối cùng tôi nói. “Sáu giờ à?” Lão thợ bánh choàng tỉnh khỏi cơn đãng trí. “Sáu giờ tôi phải…” Lão đột ngột quay sang tôi. “Anh cùng đi với tôi chứ?”
“Đi đâu kia?” tôi ngạc nhiên hỏi.
“Đến chỗ bạn anh, ông họa sĩ ấy. Bức tranh vẽ xong rồi”.
“À, đến Ferdinand Grau…”
Lão gật. “Anh đi với tôi đi. Sau này chúng ta có thể bàn về chiếc xe”.
Có vẻ như lão hơi quan tâm tới việc sao cho khỏi phải đi một mình. Ngược lại, tôi rất quan tâm tới việc không để xổng lão lần nữa. “Được thôi”, vì vậy tôi nói, “đến đó khá xa đấy… tốt nhất là ta khởi hành ngay”.
Ferdinand Grau trông ốm yếu. Mặt anh xám ngoét, u ám và bung bủng. Anh đón chúng tôi bên cửa vào xưởng vẽ. Lão thợ bánh hầu như chẳng nhìn anh. Lão có vẻ bồn chồn, hoang mang khác thường.
“Nó đâu?” lão hỏi ngay.
Ferdinand trỏ tay về phía cửa sổ. Bức tranh ở đó, đặt trên một chiếc giá vẽ. Lão thợ bánh hấp tấp đi vào, đoạn dừng lại ngay trước bức tranh, đứng yên bất động. Lát sau lão bỏ mũ xuống. Vì quá vội vã lão quên khuấy mất nghi lễ ấy.
Ferdinand và tôi đứng lại bên của. “Sức khỏe anh ra sao, Ferdinand?” tôi hỏi.
Anh khoát tay mơ hồ.
“Có chuyện gì không?”
“Sao lại có chuyện gì được?”
“Trông anh không được khỏe…”
“Thế thôi à?”
“Ừ”, tôi nói, “thế thôi”.
Anh đặt bàn tay hộ pháp lên vai tôi và mỉm cười với gương mặt của lão thánh Bernard.
Chúng tôi đợi thêm lát nữa, đoạn lại gần lão thợ bánh. Thấy bức tranh, tôi ngạc nhiên. Mái đầu được vẽ rất đẹp. Dựa trên tấm ảnh cưới và tấm thứ hai chụp vội, rất mờ, Ferdinand vẽ nên một thiếu phụ hãy còn trẻ, với cặp mắt nghiêm nghị, hơi tuyệt vọng nhìn thẳng về phía trước.
“Phải”, lão thợ bánh nói, không hề quay người lại, “đúng là bà ấy” lão tự nói với mình hơn là với chúng tôi, tôi có cảm giác lão chẳng hề biết là lão vừa nói.
“Có đủ sáng không ạ?” Ferdinand hỏi.
Lão thợ bánh không đáp.
Ferdinand tiến đến, xoay chếch giá vẽ đi một chút. Đoạn anh lùi lại, gật đầu ra hiệu bảo tôi cùng vào căn buồng nhỏ cạnh xưởng vẽ. “Tôi thật không ngờ”, anh ngạc nhiên nói, “cái máy cò kè bớt một thêm hai này cũng biết đau đớn! Lão khóc…”
“Ai chẳng có lúc đau đớn”, tôi đáp. “Nhưng với lão đã quá muộn…”
“Quá muộn”, Ferdinand nói, “bao giờ cũng quá muộn. Đời là thế đấy, Robby ạ”.
Anh chậm rãi đi đi lại lại. “Để lão yên một lát. Trong khi đó ta có thể đánh một ván cờ”.
“Anh quả có một tấm lòng vàng”, tôi nói.
Anh dừng bước. “Sao kia? Rồi lão lại như không ngay ấy mà. Nếu lúc nào con người ta cũng nghĩ tới những việc đại loại thì không kẻ nào trên thế gian còn cười nổi lấy một lần, Robby ạ…”
“Anh lại có lý”, tôi nói, “vậy ta làm nhanh một ván cờ đi”.
Chúng tôi dàn quân và bắt đầu đánh. Ferdinand thắng khá dễ dàng. Chỉ với quân tháp và quân giám mục, anh đã dồn tôi vào nước bí, chẳng cần viện tới nữ hoàng. “Chúa sừng thật”, tôi nói, “trông anh như vừa thức trắng ba đêm, ấy thế mà đánh vẫn mả như cướp biển”.
“Bao giờ cũng thế, hễ buồn là tôi chơi hay”, Ferdinand đáp.
“Vì sao anh buồn?”
“Ồ, buồn vậy thôi. Vì trời đang sập tối. Người đứng đắn bao giờ cũng buồn khi tối đến. Chẳng vì nguyên cớ nào cả. Hoàn toàn vu vơ thế thôi…”
“Nhưng chỉ khi trơ trọi một mình”, tôi nói.
“Cố nhiên. Giờ của bóng tối. Giờ của cô đơn. Giờ nồng đượm nhất của cognac”.
Anh lấy ra một chai rượu và hai cái ly. “Chúng mình không trở vào với lão thợ bánh sao?” tôi hỏi.
“Ngay bây giờ đây”. Anh rót rượu. “Xin chúc mừng, Robby! Bởi bọn mình rồi ai cũng đến lúc phải ngoẻo!”
“Xin chúc mừng, Ferdinand! Bởi tạm thời cánh ta vẫn sống!”
“Chà”, anh nói, “tới lúc đó đôi khi cũng chẳng còn lâu la gì đâu. Ta hãy cạn một ly nữa mừng cái lẽ ấy!”
“Nào thì cạn”.
Chúng tôi trở vào xưởng vẽ. Trời đã tối hơn. Lão thợ bánh vẫn đứng so vai trước bức tranh. Trong gian phòng lớn trống trếnh trông lão cô đơn đến tội nghiệp, tôi cảm thấy dường như người lão nhỏ thó đi. “Tôi nên đóng gói bức tranh cho ông chăng?” Ferdinand hỏi.
Lão giật mình. “Không…”
“Vậy mai tôi sẽ gửi nó lại đằng nhà”.
“Không để nó ở đây được ư ông?” lão thợ bánh hỏi ngập ngừng.
“Tại sao cơ?” Ferdinand ngạc nhiên đáp và bước lại gần lão. “Ông không ưng bức tranh à?”
“Có chứ… nhưng tôi rất muốn để nó lại đây ít bữa nữa…”
“Tôi không hiểu…”
Lão thợ bánh nhìn tôi cầu cứu. Tôi hiểu rồi… lão sợ phải treo bức tranh ở nhà, trước mắt cô ả tóc đen. Hay lão hãi hình ảnh người vợ khuất núi bởi lẽ đã trót tha cô ả kia về nhà chưa chừng. “Kìa Ferdinand”, tôi nói, “thì cứ để bức tranh treo ở đây đã sao, miễn là ông ấy trả tiền…”
“Dĩ nhiên rồi…”
Lão thợ bánh nhẹ người, rút trong cặp ra cuốn séc. Hai người đến bên bàn. “Tôi còn thiếu ông cả thảy bốn trăm mác phải không?” Lão hỏi.
“Bốn trăm hai”, Ferdinand nói, “đã khấu phần giảm giá. Ông muốn có hóa đơn chứ?”
“Vâng”, lão thợ bánh đáp, “cho nó có quy củ”.
Hai người lặng lẽ điền vào tờ séc và hóa đơn. Tôi đứng lại bên cửa sổ, ngắm nhìn xung quanh. Trong ánh chiều chạng vạng, từ bốn bức tường lấp lánh những gương một trên những bức chân dung đóng trong khung thiếp vàng không được ai đến nhận và trả tiền. Trông chúng chẳng khác gì một bầy ma tụ họp về từ cõi âm, và dường như mọi cặp mắt bất động kia đều đổ dồn vào bức tranh bên cửa sổ, các thành viên giờ đây sẽ nhập bầy với chúng mà trên đầu nó ráng chiều đang trải cái bóng sáng cuối cùng của sự sống. Một cảnh sắc kỳ dị – hai dáng người khom xuống viết trên bàn, bóng tối và dãy chân dung lặng lẽ.
Lão thợ bánh quay lại bên cửa sổ. Đôi mắt đỏ ngầu của lão nom như hai hòn bi ve, miệng lão hơi há, môi dưới trễ xuống, để lộ những chiếc răng xám xỉn… trông lão đứng đó vừa ủ ê vừa nực cười. Ở tầng trên, thẳng xưởng vẽ lên, ai đó bắt đầu chơi dương cầm, một bài luyện tay nào đó, cứ lập mãi một giai điệu. Tiếng đàn thánh thót, nghe phiền lỗ tai. Ferdinand Grau nán lại bên bàn. Anh châm một điếu xì gà. Ánh lửa diêm rọi sáng gương mặt anh. Căn phòng lờ mờ tối như rộng thênh thang và xanh ngắt qua ánh lửa đỏ nhỏ nhoi ấy.
“Có thể sửa bức tranh đi một chút không ông?” Lão thợ bánh hỏi.
“Sửa gì kia?”
Ferdinand đến gần. Lão thợ bánh trỏ vào món trang sức. “Có thể xóa cái này đi không?”
Đó là chiếc trâm cài cổ áo bằng vàng to tướng mà bữa đặt hàng lão đòi thêm cho kỳ được. “Được là chắc”. Ferdinand nói, “thậm chí nó còn làm hỏng gương mặt. Bức tranh sẽ thành công nếu xóa nó đi”.
“Tôi cũng nghĩ vậy”. Lão cúi gằm mặt một lát. “Ông lấy công bao nhiêu?”
Ferdinand và tôi đưa mắt cho nhau. “Không xu công nào cả”, Ferdinand hiền hậu nói, “trái lại, lẽ ra ông còn được nhận lại chút ít. Vì trên bức tranh sẽ bớt đi một chi tiết mà”.
Lão thợ bánh ngạc nhiên ngẩng đầu lên. Trong khoảnh khác, dường như lão chực phụ họa. Nhưng rồi lão cương quyết bảo: “Ồ không, ông đừng làm thế… chẳng gì ông cũng đã phải vẽ nó…”
“Cũng đúng nốt…”
Chúng tôi ra về. Trên cầu thang, nhìn tấm lưng khom khom của lão thợ bánh trước mặt, tôi hơi xúc động về lão và về việc lương tâm lão đã cắn rứt trong chuyện lừa dối liên quan đến cái trâm. Tôi thật không muốn đề cập với lão chuyện chiếc Cadillac vào lúc này. Nhưng rồi tôi lại nghĩ: một phần nỗi thương tiếc hẳn là thực lòng của lão trước người vợ quá cố chắc chắn nảy sinh từ chỗ cô ả tóc đen ở nhà nhõng nhẽo quá lắm, thế là tôi lại hăng hái như cũ.
“Ta có thể bàn chuyện ấy ở nhà tôi”, ra đến ngoài đường, lão thợ bánh nói.
Tôi gật. Còn gì hay bằng. Lão thợ bánh ngỡ đâu giữa bốn bức tường nhà lão, lão sẽ mạnh hơn… trong khi tôi tính đến ả tóc đen như một sự hỗ trợ.
Cô ả đã chực sẵn bên cửa đón chúng tôi. “Thành tâm chúc mừng”, tôi nói trước khi lão thợ bánh kịp mở miệng.
“Về cái gì?” ả vội hỏi, cặp mắt nhìn linh lợi.
“Về chiếc Cadillac của ông bà…” tôi đáp trơ tráo.
“Anh yêu!” Ả reo lên, thoắt đu mình trên cổ lão thợ bánh.
“Nhưng nào đã ngã ngũ gì đâu…” Lão tìm cách gỡ mình ra khỏi vòng tay ả, phân trần với ả. Nhưng ả cứ ôm rịt lấy lão, nhảy nhót kéo lão xoa tít, cốt để lão không sao nói được. Tôi thấy trên đôi vai lão cái bộ mặt sâu bột đầy trách cứ, phản kháng một cách bất lực.
Cuối cùng lão cũng thoát được. “Chúng ta hoàn toàn chưa đi đến thỏa thuận gì”, lão thở hổn hển.
“Có đấy”, tôi nói, vẻ hết sức nhiệt thành, “ta đã thỏa thuận! Tôi xin giơ đầu ra hứng trách nhiệm, bớt cho ông năm trăm mác cuối cùng. Ông trả chiếc Cadillac đúng bảy ngàn mác, không thêm một xu! Đồng ý chứ?”
“Tất nhiên!” ả tóc đen nhanh nhẩu nói. “Cái giá quả thực rẻ thế kia mà, anh yêu…”
“Gượm nào!” Lão thợ bánh giơ tay lên.
“Nhưng mình lại giở chứng gì vậy?” ả dồn lão, “đầu tiên bảo sẽ mua chiếc xe, giờ lại đứng đực ra đấy và không muốn mua nữa”.
“Muốn chứ”, tôi xen vào, “chúng tôi bàn bạc mọi nhẽ…”
“Chà, thế ư… anh yêu… còn chờ gì nữa…” Ả áp sát mình vào lão. Lão tìm cách né đi, nhưng ả đã tì cặp vú tròn thay lẩy của ả vào cánh tay lão. Lão làm mặt giận dữ, song sức phản kháng của lão yếu hẳn.
“Chiếc Ford…” lão nói.
“Đương nhiên sẽ được mua lại”.
“Bốn ngàn mác”.
“Ông đã mua nó với cái giá ấy hay sao?” tôi vui vẻ hỏi.
“Nó phải được mua lại với giá bốn ngàn”, lão thợ bánh tuyên bố dứt khoát. Giờ đây lão đã tìm được điểm phản công sau khi bị đánh phủ đầu. “Chiếc xe quả tốt như mới…”
“Mới…” tôi nói, “sau cuộc đại tu…”
“Sáng nay chính anh đã thừa nhận như vậy…”
“Sáng nay khác. Nguyên trong từ ‘mới’ đã chứa cả một sự khác biệt, tùy theo người ta mua hay rao bán. Để được bốn ngàn mác, dễ thường chiếc Ford của ông có bộ bađờsốc bằng vàng!”
“Bốn ngàn mác, không thì thôi”, lão thợ bánh bướng bỉnh nói. Giờ đây lão đã hoàn toàn trở lại là con người cũ, và hình như muốn sửa chữa mọi sự mềm yếu ban này.
“Vậy thì xin chào!” tôi nói và quay sang ả tóc đen. “Tôi lấy làm tiếc, thưa quý bà… nhưng tôi không thể cứ làm ăn thua lỗ. Chúng tôi đã chẳng ăn lời xu nào với chiếc Cadillac thì chớ… làm sao chúng tôi còn có thể cõng thêm chiếc Ford cũ rích với một giá cắt cổ. Xin tạm biệt bà..”
Ả níu tôi lại. Mặt ả sáng lóe, và bây giờ ả nói té tát lão thợ bánh khiến lão ù tai hoa mắt. “Chính ông từng kêu tới hàng trăm lần rằng chiếc Ford chẳng còn giá trị quái gì cả”, cuối cùng ả rít lên, mắt đẫm lệ.
“Hai ngàn mác”, tôi nói, “hai ngàn, cho dù chấp nhận cái giá ấy cũng đã quá bằng tự sát”.
Lão thợ bánh nín thinh.
“Nào, nói đi, nói gì đi chứ! Sao ông cứ đứng đực ra đấy và chẳng buồn há mồm ra thế?” ả tóc đen chu chéo.
“Thưa ông bà”, tôi nói, “bây giờ tôi xin phép đi lấy chiếc Cadillac về. Có lẽ trong khi đó ông bà bàn tính thêm với nhau”.
Tôi cảm thấy mình không thể làm gì hay hơn là biến khỏi nơi đây. Đã có ả tóc đen lo hộ nốt công việc.
Một giờ sau, tôi lại có mặt cùng chiếc Cadillac. Tôi lập tức nhận thấy cuộc tranh cãi đã được ngã ngũ theo cách giản dị nhất. Quần áo lão thợ bánh trông nhàu nhĩ, một chiếc lông đệm giường còn vương trên người… ả tóc đen, trái lại, mắt sáng long lanh, ả lắc lư cặp vú, nở một nụ cười thỏa mãn và phản trắc. Ả đã thay quần áo, đang mặc trên mình một chiếc váy lụa mỏng, bó sát người. Thừa lúc lão không để ý, ả nháy một mắt với tôi và gật đầu, ra hiệu ổn cả. Chúng tôi chạy thử một vòng. Ả tóc đen ngồi ngả ngớn trên chiếc ghế rộng và nói huyên thuyên không dứt. Tôi chỉ ước được ném ả qua cửa sổ xe, nhưng tôi còn cần đến ả. Lão thợ bánh ngồi bên tôi, khá là buồn rầu. Lão khóc thương trước cho tiền của lão… và đây mới chính là nỗi tiếc thương chân thành nhất có ở trên đời.
Chúng tôi về tới trước nhà lão và lại vào nhà. Lão thợ bánh rời phòng đi lấy tiền. Giờ đây trông lão chẳng khác gì một ông cụ, và tôi nhận thấy lão nhuộm tóc. Ả tóc đen vuốt nếp váy.
“Cánh mình phối hợp hết ý, hả?”
“Ừ”, tôi miễn cưỡng đáp.
“Phải chi cho đây một trăm mác đấy…”
“Ra thế…” tôi nói.
“Lão dê già kiệt xỉ”, ả tin cậy thì thầm và ghé lại gần tôi, “tiền nhiều như rác! Nhưng đừng hòng moi của lão một xu! Chúc thư lão còn chẳng muốn viết. Sau nay cố nhiên tất cả đều về tay lũ con lão, còn ngữ như chúng mình cứ là trơ mõm! Sung sương nỗi gì đâu với cái lão keo bẩn ấy…”. Ả xán lại gần nữa, lắc lư cặp vú. “Vậy mai tôi sẽ sang để lấy một trăm mác. Lúc nào thì anh có ở đấy? Hay anh muốn tạt lại đây?” Ả cười khúc khích. “Chiều mai tôi chỉ có một mình…”
“Tôi sẽ gởi đến cho cô…”, tôi nói.
Ả vẫn khúc khích cười. “Anh hãy đích thân mang lại. Hay anh sợ?” Hình như ả cho rằng tôi nhút nhát và toan nói trắng ra cho tôi hiểu ả muốn gì. “Không sợ”, tôi nói, “nhưng không có thời gian. Đúng ngày mai tôi phải tới bác sĩ. Bệnh giang mai cũ tái phát, cô biết đấy! Mắc vào thật khổ một đời…”
Ả lùi nhanh một bước, vội tới mức suýt nhào vào chiếc ghế bành bọc nhung. Đúng lúc ấy lão thợ bánh trở lại. Lão ngờ vực liếc nhìn ả tóc đen. Đoạn lão đếm tiền lên bàn trả tôi. Lão đếm thong thả, ngập ngừng. Bóng lão đung đưa trên nền giấy bồi tường in đầy hoa hồng và như cùng đếm. Trong khi viết hóa đơn, tôi sực nhớ hôm nay đã diễn ra một sự kiện giống hệt thế này… có điều Ferdinand Grau ở vào vị trí của tôi. Mặc dù điều đó chẳng có nghĩa lý gì, tôi vẫn thấy lạ lùng.
Tôi hoan hỉ khi ra tới ngoài đường. Khí trời êm dịu và ấm áp. Chiếc Cadillac bóng lộn bên vệ đường. “Nào, xin đa tạ bố già”, tôi nói, tay gõ lên mũi xe. “Chóng trở lại đánh những quả mới, nghe bố!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.