Ba Người Bạn

CHƯƠNG 15



Mặt trời sáng chói, rực rỡ trên những trảng cỏ. Pat và tôi ngồi bên rìa một khoảng rừng thưa ăn điểm tâm. Tôi đã thu xếp nghỉ hai tuần và đang trên cuộc hành trình cùng Pat. Chúng tôi định ra biển.
Trên đường, trước mặt chúng tôi, là một chiếc Citroen nhỏ cũ kỹ. Chúng tôi đã mua lại nó bằng cách bán đi chiếc Ford của lão thợ bánh và Koster cho tôi quyền sử dụng nó trong thời gian đi nghỉ. Chiếc xe trông chẳng khác gì một chú lừa thồ nhẫn nại, trên lưng chất đầy va-li.
“Hy vọng rằng nó không sụm ở giữa đường”, tôi nói.
“Nó sẽ không sụm”, Pat đáp.
“Sao em biết được?”
“Biết chứ. Vì đang là kỳ nghỉ của chúng mình, anh Robby”.
“Có thể”, tôi nói. “Nhưng anh còn biết trục sau của nó nữa. Trông mà phát buồn. Nhất là khi chở nặng”.
“Nó là anh em với chiếc Karl. Nó sẽ trụ được”.
“Một người anh em mắc chúng còi xương nặng”.
“Thôi đừng phỉ báng nữa đi, anh Robby. Hiện thời nó là chiếc xe đẹp nhất mà em được biết”.
Chúng tôi nằm bên nhau trên thảm cỏ hồi lâu. Gió thổi ra từ rừng, ấm áp và êm dịu. Phảng phất mùi cỏ hoa và nhựa thông. “Nói xem, anh Robby”. Lát sau, Pat hỏi. “Những bông hoa ven suối đằng kia là hoa gì vậy?”
“Cỏ chân ngỗng”, tôi chẳng nhìn, đáp.
“Kìa anh! Đó đâu phải là cỏ chân ngỗng, loài ấy nhỏ hơn nhiều; thêm nữa chúng chỉ rộ hoa vào mùa xuân”.
“Ừ nhỉ”, tôi nói. “Hoa thủy thập đấy”.
Nàng lắc đầu. “Hoa thủy thập em biết. Trông khác hẳn”.
“Thế thì độc cần”.
“Kìa anh Robby! Hoa độc cần trắng, chứ không đỏ”.
“Vậy anh xin chịu. Xưa nay, hễ bị hỏi, anh toàn viện ra ba cái tên hoa ấy. Lúc nào người ta cũng tin một trong ba loài đó”.
Nàng cười. “Tiếc quá. Giá biết trước có phải em đã bằng lòng với cỏ chân ngỗng không”.
“Với hoa độc cần chứ”, tôi nói, “bao giờ anh cũng thành công nhất với hoa độc cần”.
Nàng nhỏm dậy. “Vui thật đấy! Anh thường xuyên bị hỏi như vậy à?”
“Không thường xuyên lắm. Và trong những hoàn cảnh hoàn toàn khác”.
Nàng chống hai tay xuống đất. “Thực quả đáng hổ thẹn khi ta lang thang trên trái đất mà gần như không biết chút gì về nó. Đến vài cái tên cũng không”.
“Em chớ buồn phiền”, tôi nói, “đáng hổ thẹn hơn nhiều là ta hầu như không biết vì lẽ gì ta lang thang trên trái đất. Cho nên thêm hay bớt vài cái tên cũng có nghĩa gì đâu”.
“Anh mà nói thế à! Nhưng em tin anh nói vậy chỉ vì lười”.
Tôi quay người lại. “Dĩ nhiên rồi. Nhưng còn lâu con người ta mới suy ngẫm đủ về sự lười. Lười là khởi nguồn của mọi hạnh phúc và kết thúc của mọi triết học. Nào, lại nằm xuống đây, đi em. Con người nằm quá ít. Cứ đứng và ngồi suốt thôi. Cái đó không có lợi cho sự thoải mái về thể xác. Chỉ khi nằm, người ta mới hoàn toàn thư giãn”.
Một chiếc xe hơi vù vù lao tới và vọt qua. “Mercedes cỡ nhỏ”, tôi nói, không hề nhỏm dậy. “Loại bốn xi lanh”.
“Một chiếc nữa đang đến”, Pat nói.
“Ừ, anh nghe thấy rồi. Xe Renault. Có phải mũi nó giống hệt mõm lợn không?”
“Vâng”.
“Thế thì đúng Renault rồi. Nhưng nghe kìa, giờ mới là loại búa bổ đấy! Một chiếc Lancia! Nó sẽ rượt kịp hai chiếc xe kia như con sói săn hai chú cừu non! Hãy nghe tiếng động cơ của nó thôi! Thật như tiếng đàn oóc”.
Chiếc xe luốt vèo qua. “Về khoản này hẳn anh không chỉ biết ba cái tên, chứ gì?” Pat hỏi.
“Cố nhiên. Thậm chí còn đúng phắp”.
Nàng cười. “Vậy hỏi có đáng buồn hay không?”
“Chả có gì đáng buồn cả. Tự nhiên thôi. Đôi khi với anh, một chiếc xe hơi tốt còn thú vị hơn hai chục bãi cỏ đầy hoa”.
“Đồ con ngoan cố của thế kỷ hai mươi! Dễ thường anh chẳng chút rung cảm…”
“Có chứ, anh vừa nói đây, với xe hơi”.
Nàng nhìn tôi. “Em cũng vậy”, nàng nói.
Một con chim cu cất tiếng gáy trong rừng thông. Pat bắt đầu đếm.
“Em làm thế làm gì?” tôi hỏi.
“Anh không biết à? Nó kêu bao nhiêu tiếng, ta sẽ còn sống bây nhiêu năm”.
“À ừ, phải. Nhưng còn điều này nữa. Khi nghe cu gáy, phải xóc túi tiền lên. Tiền sẽ sinh sôi”. Tôi moi số tiền lẻ trong túi ra và xóc thật lực giữa hai bàn tay.
“Anh thế đây”, Pat nói và cười. “Em muốn sống, còn anh muốn tiền”.
“Để mà sống”, tôi đáp. “Một kẻ duy tâm thực thụ cũng khát khao đồng tiền. Tiền là tự do được đúc thành tiền. Và tự do là cuộc sống”.
“Mười bốn”, Pat đếm. “Anh đã từng nói khác về điều này”.
“Đó là trong thời kỳ đen tối của anh. Chẳng nên mở miệng miệt thị đồng tiền. Tiền thậm chí khiến khối ả đàn bà si tình. Và ngược lại, tình khiến khối gã đàn ông si tiền. Như vậy tiền khuyến khích các lý tưởng, – và tình, trái lại, khuyên khích chủ nghĩa duy vật”.
“Hôm nay anh hùng biện gớm”, Pat đáp. “Ba mươi”.
“Người đàn ông”, tôi tiếp tục giải thích, “chỉ đâm ham tiền vì những ham muốn của đàn bà. Giả sử không có đàn bà, cũng sẽ chẳng có tiền, và đàn ông sẽ là một giống anh hùng. Trong các chiến hào không có đàn bà – bởi vậy ở đây tài sản của mỗi người cũng chẳng đóng vai trò gì, duy một điều đáng kể: ông ta là người thế nào. Nói thế không có nghĩa ủng hộ chiến hào… mà chỉ để làm sáng tỏ tình yêu. Nó đánh thức những bản năng xấu xa trong người đàn ông… sự thèm khát của cải, quyền thế, lợi lộc, an nhàn. Chẳng phải vô cớ mà những kẻ độc tài ưa thấy các cộng sự của mình đã thành gia thất… như thế họ sẽ bớt đáng gờm. Và chẳng phải vô cớ mà các thầy tu Thiên Chúa giáo không lấy vợ… nếu lấy, họ đã chẳng bao giờ trở thành những nhà truyền đạo dũng cảm nhường ấy”.
“Hôm nay anh ăn nói thậm chí hay tuyệt”, Pat công nhận. “Năm mươi hai”.
Tôi nhét lại tiền vào túi và châm một điếu thuốc lá. “Em vẫn cứ chưa muốn ngừng đếm hay sao?” tôi hỏi. “Em đã vượt quá cái tuổi bảy chục khi xa rồi đấy”.
“Một trăm cơ, anh Robby! Một trăm là con số đẹp. Em muốn đạt tới đó”.
“Phục em, can đảm ghê! Nhưng em định làm gì với ngần ấy năm?”
Mắt nàng lướt nhanh trên người tôi. “Rồi sẽ hay. Về vấn đề này em có những cách nhìn nhận khác anh”.
“Chắc chắn thế. Hơn nữa chỉ bảy chục năm đầu là chông gai nhất. Còn từ đó về sau sẽ bằng phẳng hơn”.
“Một trăm!” Pat công bố, và chúng tôi tiếp tục lên đường.
Biển tiến dần lại chúng tôi như một cánh buồm bạc khổng lồ. Suốt từ nãy chúng tôi đã cảm thấy hơi thở mằn mặn của biển – chân trời mỗi lúc một bao la hơn, sáng sủa hơn, và đột ngột trải ra trước chúng tôi, sôi động, mãnh liệt và vô tận.
Con đường lượn vòng đến sát biển. Rồi một cánh rừng xuất hiện, sau nó là một ngôi làng. Chúng tôi hỏi đường tới ngôi nhà mà mình sẽ trọ. Nó nằm cách làng một quãng, Koster đã cho chúng tôi địa chỉ ấy. Sau chiến tranh, cậu ta từng ở đó một năm.
Đó là một biệt thự xinh xắn đứng biệt lập. Sau khi cho chiếc Citroen lượn một vòng tao nhã, tôi bấm còi. Một gương mặt to bè ló ra từ ô cửa sổ, trố mắt ngây ra một lát rồi biến mất. “Hy vọng đó không phải là cô Muller”, tôi nói.
“Cô ta xấu hay đẹp thì can hệ gì”, Pat đáp.
Cánh cửa mở. Ơn Chúa, đó chẳng phải cô Muller, mà là người ở gái. Cô Muller, nữ chủ nhân của tòa nhà, xuất hiện sau đó một phút. Một bà gái già duyên dáng tóc đã hoa râm. Bà mặc áo dài đen kín ngực, trâm cài áo là cây thập tự bằng vàng.
“Pat, để dè chừng, hãy kéo cao lại tất đi em”, tôi thì thầm sau khi nhìn cái trâm và xuống xe.
“Tôi nghĩ chắc ông Koster đã báo trước cho bà”, tôi nói.
“Vâng, ông ấy có đánh điện cho tôi rằng ông bà sẽ tới”. Bà nhìn tôi xét nét. “Ông Koster độ này thế nào?”
“Ồ, hoàn toàn tốt… nếu có thể nói như vậy trong thời buổi này”.
Bà gật đầu, tiếp tục quan sát tôi. “Ông quen ông ấy lâu chưa?” Sẽ là một bài sát hạch đây, tôi bụng bảo dạ và khai với bà tôi quen biết Otto từ thưở nào. Bà có vẻ hài lòng. Pat lại gần. Nàng đã kéo cao bít tất lên. Ánh mắt cô Muller dịu hẳn. Hình như Pat được lòng bà hơn tôi. “Bà còn phòng nào trống cho chúng tôi không ạ?”, tôi hỏi.
“Một khi ông Koster đã đánh điện, nhất định ông bà nhận được một phòng”, bà Muller nói và nhìn tôi có phần coi thường. “Thậm chí tôi dành cho ông bà căn phòng đẹp nhất”, bà bảo Pat.
Pat mỉm cười. Bà Muller cũng mỉm cười. “Để tôi chỉ nó cho ông bà”, bà nói.
Hai người sóng vai nhau đi theo con đường hẹp chạy qua một mảnh vườn nhỏ. Tôi lẽo đẽo theo sau và cảm thấy mình là người khá thừa, bởi bà Muller chỉ chuyện trò với Pat.
Căn phòng bà chỉ cho chúng tôi nằm ở tầng dưới. Có một lối hẹp chạy từ vườn vào. Tôi rất lấy làm thích. Căn phòng khá rộng, sáng sủa và vui mắt. Ở một bên, tựa như trong hốc tường, đặt hai cái giường.
“Thế nào?” bà Muller hỏi.
“Đẹp lắm”, Pat nói. “Lộng lẫy là đằng khác”, tôi nói, cố làm vẻ dễ mến. “Thế căn phòng khác ở đâu ạ?”
Bà Muller từ tốn quay lại nhìn tôi. “Căn phòng khác? Phòng khác nào? Ông muốn một phòng khác sao? Ông không thích phòng này à?”
“Đá banh là tuyệt rồi”, tôi đáp, “nhưng…”
“Nhưng sao?” bà Mnynler nói có phần mỉa mai – “tiếc rằng tôi không có căn nào khá hơn”.
Tôi toan giải thích cho bà rằng chúng tôi cần hai buồng riêng, thì bà đã nói thêm: “Bà nhà chẳng rất hài lòng đấy thôi”.
Bà nhà – tôi cảm giác như mình vừa giật lùi một bước. Nhưng tôi đâu nhúc nhích khỏi chỗ. Tôi thận trọng lén nhìn Pat, nàng tựa lưng vào cửa sổ và cố nén cười khi thấy tôi đứng đực ra đây. “Vợ tôi, hẳn rồi…”, tôi nói, mắt dán chặt vào cây thập tự bằng vàng dính trên cổ áo bà Muller. Chịu thôi, tôi không được phép thú thực với bà. Bà sẽ rú lên và ngã vật ra bất tỉnh mất. “Có điều chúng tôi quen ngủ trong hai phòng”, tôi nói. “Ý tôi là mỗi người một phòng”.
Bà Muller lắc đầu ra vẻ không tán thành. “Hai phòng ngủ khi đã là vợ chồng… những cái mốt thời thượng…”
“Đâu phải”, tôi nói trước khi bà kịp nghi ngờ. “Vợ tôi vốn rất tỉnh ngủ. Và tôi, đáng tiếc, lại ngáy khá to”.
“À, ra ông ngáy!” bà Muller đáp, cứ như đáng lẽ bà đã có thể nghĩ ra điều ấy từ lâu.
Tôi sợ giờ đây bà sẽ tìm cho tôi một phòng trên tầng hai, nhưng hình như bà coi hôn nhân là cái gì thật thiêng liêng. Bà mở một cánh cửa thông sang căn buồng nhỏ bên cạnh, trong đặt độc một cái giường.
“Tuyệt vời”, tôi nói “hoàn toàn đủ. Nhưng tôi sẽ không làm phiền ai khác chứ?” Tôi muốn biết liệu chúng tôi có được hoàn toàn làm chủ dưới này không.
“Ông bà chẳng làm phiền ai cả”, bà Muller đáp, và vẻ cao ngạo nơi bà đột nhiên biến mất. “Ngoài ông bà ra ở đây không có ai. Mọi phòng khác đều trống” Bà đứng thừ giây lát, đoạn sửa soạn đi ra. “Ông bà muốn dùng bữa tại phòng hay trong buồng ăn đây?”
“Tại phòng ạ”.
Bà gật đầu, bỏ đi.
“Thế nào, bà Lohkamp”, tôi bảo Pat. “Giờ thì hai ta bị giam trong này rồi nhé. Nhưng anh không ngờ cái con quỷ già ấy lại sùng đạo đến thế cơ đấy. Hình như anh cũng chẳng được lòng gì mụ. Kỳ cục, bình thường anh luôn gặp may với các bà già mà”.
“Đó không phải là bà già, anh Robby, mà là một cô gái già rất dễ thương”.
“Dễ thương ấy à”, tôi nhún vai “Nhưng dẫu sao bà ta cũng cư xử phải phép gớm. Trong nhà chẳng có ma nào mà cứ làm bộ kiêu kỳ!”
“Bà ấy không kiêu kỳ chút nào”.
“Với em thì không”.
Pat cười. “Em thấy ưa bà ấy. Nhưng bây giờ chúng mình hãy đi lấy va-li và dỡ quần áo bơi ra đã”.
Sau khi bơi một giờ. Tôi nằm phơi nắng trên bãi cát. Pat vẫn ở dưới biển. Cái mũ bơi trắng của nàng lúc ẩn lúc hiện giữa những cơn sóng xanh nhấp nhô. Vài con hải âu chao liệng. Xa tít chân trời một con tàu lướt qua, kéo theo một vệt khói trắng phấp phới tựa đuôi cờ.
Mặt trời cháy rực, nung mọi sự kháng cự tan chảy thành sự buông thả không suy tư tới mức buồn ngủ. Tôi nhắm mắt, duỗi dài chân tay. Cát bỏng kêu lách tách. Không khí bị hun nóng dội vào tai tôi o o. Nó gợi tôi nhớ lại một kỷ niệm, nhớ lại cái ngày tôi cũng nằm hệt như thế…
Chuyện xảy ra vào mùa hè năm 1917. Hồi đó đại đội chúng tới đang đóng tại Flandern, và chúng tôi bất ngờ được hưởng vài ngày phép vì miền đông, cả tụi có: Meyer, Holthoff, Bryer, Lutgens, tôi và vài cậu nữa. Phần đông bọn tôi chưa hề ra biển lần nào, và số ngày ít ỏi ấy – quãng ngừng nghỉ hầu như không tin nổi giữa chết chóc và chết chóc – đã biến thành một cuộc dâng hiến điên cuồng cho mặt trời, cát trắng và biển cả. Chúng tôi ở lỳ suốt ngày ngoài bãi, duỗi dài tấm thân trần của mình dưới năng – bởi nguyên sự trần truồng, không bị bó thân trong quân phục và súng ống đã có nghĩa ngang với hòa bình – chúng tôi nô đùa huyên náo khắp bãi, rồi lại ào xuống biển, chúng tôi cảm nhận chân tay của mình, hơi thở của mình, cử động của mình với toàn bộ sức lực, sự sống lúc này tiềm ẩn trong chúng, và những giờ phút ấy chúng tôi quên hết thảy, vả chăng chúng tôi cũng muốn quên đi hết thảy. Nhưng chiều về, trong ánh hoàng hôn, khi vầng dương đã lặn và những cái bóng xám xịt từ chân trời giăng qua mặt biển dần tái nhợt, thì trong tiếng vo vo của khí nóng từ từ xen vào một âm thanh lạ, âm thanh ấy to dần và cuối cùng lấn át như một lời hăm dọa trầm đục: tiếng đại bác gầm ngoài mặt trận. Kế đó là sự câm lặng trống rỗng cắt ngang câu chuyện, những cái đầu nghển lên nghe ngóng, từ những gương mặt hoan hỉ của các chú bé vừa đùa nghịch đến mệt lử thoắt lại hiện lên bộ mặt của người lính, gợi bao xúc động, trên đó, trong khoảnh khắc, còn thoáng lướt một sự ngạc nhiên, một nỗi buồn chứa đựng tất cả những gì không bao giờ được nói ra: lòng can đảm, nỗi đắng cay và lòng ham sống, ý thức nghĩa vụ, nỗi tuyệt vọng, niềm hy vọng và nỗi phiền muộn khó hiểu của những anh lính sớm được khen thưởng. Ít ngày sau bắt đầu cuộc tấn công lớn, và đến ngày mồng 3 tháng Bảy đại đội chỉ còn sót lại ba mươi hai mống, Meyer, Holthoff và Lutgens đều đã chết.
“Anh Robby!” Pat gọi.
Tôi mở mắt. Tôi phải suy nghĩ một lúc xem mình đang ở đâu. Bao giờ cũng vậy, hễ những hồi ức chiến tranh kéo về, hồn tôi lập tức phiêu diêu tận đâu xa lắm. Những kẻ khác không thế.
Tôi nhỏm dậy. Pat lên khỏi mặt nước. Nàng đi ngay trước luồng nắng rọi xuống biển, một vầng sáng rộng loang chảy trên vai nàng, ánh sáng bao bọc quanh nàng khiến thân hình nàng như thẫm lại. Càng lên gần bãi cát, nàng càng nhô cao hơn trong ánh nắng chói lọi, cho tới khi vầng dương xế chiều lơ lửng sau đầu nàng như một vầng hào quang.
Tôi nhảy phắt dậy, chính vào lúc này hiển hiện trước mắt tôi cái quang cảnh tưởng như không có thực, tưởng như từ một thế giới khác – bầu trời xanh mênh mông, những lớp bọt biển trắng xóa, và nổi bật phía trước là cái thân hình mảnh mai, kiều diễm của Pat tưởng như chỉ mình tôi tồn tại trên thế gian này, và đó, từ dưới nước đang đi lên người đàn bà đầu tiên. Trong một khoảnh khắc, tôi cảm nhận mãnh lực thầm lặng, vĩ đại của cái đẹp, tôi cảm giác nó mạnh hơn, mọi dĩ vãng đẫm máu, rằng nó phải mạnh hơn, rằng nếu không thế giới sẽ sụp đổ, sẽ chết nghẹt trong sự hỗn độn khủng khiếp của chính nó. Mạnh hơn thế nữa, tôi còn cảm giác rằng tôi đang tồn tại, đơn giản là đang tồn tại, và rằng Pat đang tồn tại, rằng tôi sống, tôi đã thoát khỏi cảnh tàn khốc, rằng tôi có cặp mắt, đôi bàn tay và những suy nghĩ, có dòng máu nóng hổi cuồn cuộn trong huyết quản, và rằng tất thảy những cái đó là một điều kỳ diệu không sao hiểu nổi.
“Anh Robby!”, Pat lại gọi và vẫy tôi.
Tôi nhặt chiếc áo khoác tắm của nàng ở bãi cát lên và đi nhanh lại phía nàng. “Em dầm nước quá lâu đấy”, tôi nói.
“Em hoàn toàn ấm mà”, nàng đáp, thở không ra hơi.
Tôi hôn hai bờ vai trơn ướt của nàng. “Buổi đầu em cần đúng mực hơn một chút mới phải”.
Nàng lắc dầu, nhìn tôi rạng rỡ. “Em giữ đúng mực như thế đủ lâu rồi”.
“Thế à?”
“Chứ sao. Quá lâu! Rốt cuộc em muốn xả láng lấy một lần”. Nàng cười, áp má vào mặt tôi. “Chúng mình muốn xả láng thử, anh Robby! Không nghĩ tới gì hết, hầu như không nghĩ tới gì hết, chỉ nghĩ đến hai đứa mình, đến mặt trời, kỳ nghỉ và biển cả!”
“Đồng ý”, tôi nói và nhặt chiếc khăn bông “Trước hết anh muốn lau khô cho em đã. Nhờ đâu mà em có sẵn nước da rám nắng thế này?”
Nàng mặc áo khoác tắm vào. “Nó còn lại từ cái năm sống điều độ của em đấy. Hồi đó, ngày nào em cũng phải phơi nắng một giờ trên ban công. Và đúng tám giờ tối lên giường. Tối nay thì tám giờ em lại đi bơi lần nữa”.
“Để còn xem”, tôi nói. “Con người bao giờ cũng vĩ đại trong dự định. Nhưng trong thực hiện thì không. Vì thế mà con người đầy sức quyến rũ”.
Cuộc tắm biển tối không thành. Sau khi hai đứa đi tản bộ vào làng và đang lượn chiếc Citroen trong buổi hoàng hôn thì Pat đột nhiên mệt xỉu, đòi về nhà. Đã nhiều lần tôi chứng kiến nàng đang linh hoạt rạng rỡ thoắt sụm xuống, mệt mỏi. Nàng chẳng khỏe khoắn gì, lại không dư thừa sức lực… nhưng vẻ ngoài của nàng không bộc lộ điều đó. Bao giờ nàng cũng tiêu thụ bằng hết sức sống trong mình, nhìn vào cứ ngỡ nàng không khi nào có thể kiệt sức với tuổi trẻ dẻo dai của nàng… nhưng rồi cái khoảnh khắc ấy chợt đến: mặt nàng tái nhợt đi, cặp mắt u tối… và thế là hết. Nàng không mệt từ từ mà xỉu trong nháy mắt.
“Về nhà thôi, anh Robby”, nàng giục. Giọng nói vốn đã trầm của nàng giờ còn trầm đục hơn.
“Về nhà? Về với mụ gái Eníriđơ Muller đeo thánh giá vàng trên ngực ấy à? Có trời biết nãy giờ con quỷ ấy đã lại nghĩ ra những cái của khỉ gì nữa”.
“Về nhà đi, anh Robby”. Pat mệt mỏi ngả vào vai tôi. “Nơi ấy là nhà của chúng mình mà”.
Tôi buông một tay khỏi vô lăng, ôm lấy vai nàng. Cứ thế chúng tôi chầm chậm xuyên qua hoàng hôn tím biếc đầy sương mù: khi rốt cuộc nhìn thấy những ô cửa sổ sáng đèn của ngôi nhà nhỏ tựa một con thú sẫm màu, nép mình trong hõm thung lũng bằng phẳng, chúng tôi thực sự cảm thấy như về tới nhà mình.
Bà Muller chờ sẵn chúng tôi. Bà đã thay xống áo và giờ đây thay cho chiếc váy len đen, bà mặc một chiếc áo dài đen bằng lụa, cũng vẫn kiểu cắt khổ hạnh ấy. Thêm vào đó, thế chỗ cây thánh giá, là một biểu tượng mang hình trái tim, mỏ neo và cây thánh giá – tượng trưng của nhà thờ cho đức tin, hy vọng và tình yêu.
Bà niềm nở hơn hẳn hồi chiều, hỏi chúng tôi có ưng bữa ăn chiều mà bà đã chuẩn bị với trứng, thịt nguội và cá hun khói hay chàng.
“Được thôi”, tôi nói.
“Ống không thích sao? Toàn là cá thờn bơn vừa mới hun mà”.
“Đã hẳn”, tôi đáp lạnh nhạt.
“Cá thờn bơn mới hun chắc ngon phải biết”, Pat nói và đưa mắt nhìn tôi đầy trách móc. “Một bữa ăn tối ra trò mà người ta chỉ có thể mơ ước vào ngày đầu tiên nghỉ bên biển, thưa cô Muller. Giá được thêm trà nóng nữa thì…”
“Có, có đấy! Trà nóng nguyên! Rất sẵn lòng! Tôi gọi mang tất cả lên ngay đây”. Bà Muller nhẹ cả người, vội vã sột soạt đi ra trong chiếc áo dài lụa.
“Anh không thích ăn cá thật à?” Pat hỏi.
“Còn phải nói! Thờn bơn chứ đùa đâu! Anh mơ tới món ấy từ bao ngày nay”.
“Thế mà anh cứ làm bộ mãi? Anh thật quá đáng!”
“Anh phải trả đũa bà ta về cuộc tiếp đón chiều nay chứ”.
“Ôi trời đất ơi!” Pat cười. “Anh chẳng bỏ qua bất cứ điều gì. Em đã quên chuyện đó từ lâu rồi”.
“Anh thì không”, tôi nói. “Anh không dễ quên đến thế đâu”.
“Nhưng anh nên quên”.
Chị ở gái bưng khay vào. Những con cá thờn bơn da như hoàng ngọc, thơm nức mùi biển và khói. Bên cạnh còn có những chú tôm tươi.
“Anh bắt đầu quên đây”. Tôi hân hoan nói. “Ngoài ra anh nhận thấy anh đói kinh khủng”.
“Em cũng vậy. Nhưng rót nhanh cho em chút trà nóng đã đi. Kỳ quặc thật, nhưng quả là em đang run. Trong khi ngoài trời ấm thế cơ mà”.
Tôi nhìn nàng. Trông nàng tái xanh, mặc dù nàng mỉm cười. “Giờ không nói về việc bơi quá lâu nữa”, tôi nói, đoạn hỏi chị ở gái: “Chị có tí rum nào không?”
“Cái gì cơ?”
“Rum. Một thứ đồ uống đóng chai ấy”.
“Rum à?”
“Phải”.
“Không có đâu”.
Chị ta giương mắt nhìn không chút biểu cảm, với bộ mặt tròn như cái dĩa nặn từ bột bánh. “Không có”.
“Được”. tôi đáp. “Cũng không hề gì. Chào chị. Chúa phù hộ cho chị!”
Chị ta biến mất. “Pat ơi, may phúc bảy mươi đời là chúng mình có những người bạn biết lo xa”, tôi nói. “Ban sáng, khi xe sắp chuyển bánh, Lenz còn ấn nhanh vào thùng xe cho anh một bọc khá nặng. Ta xem thử có cái gì trong ấy”.
Tôi lôi cái bọc ra khỏi xe. Đó là một thùng nhỏ trong đựng hai chai rum, một chai cognac và một chai vang Bồ Đào Nha. Tôi giơ cao chúng lên. “Rum Thánh James hẳn hoi! Có thể tin tưởng ở lũ con trai ấy!”
Tôi bật nút chai và rót kha khá vào trà cho Pat.
Khi rót tôi nhận thấy bàn tay nàng hơi run. “Em lạnh đến thế cơ à?” tôi hỏi.
“Chỉ một lát thôi. Giờ khá hơn rồi. Rum ngon đấy. Nhưng em sửa soạn đi nằm đây”.
“Em nằm ngay đi, Pat”, tôi nói. “chúng mình sẽ đẩy bàn lại sát giường và ăn ở đây”.
Nàng ưng thuận. Tôi lấy thêm cho nàng một cái chăn từ bên giường tôi và kê lại bàn. “Hay em có muốn một ly Grog chính cống không, Pat? Cái đó còn tác dụng hơn. Anh có thể pha một ly”.
Nàng lắc đầu. Trông nàng quả đã khá hơn. Mắt nàng lại tỏa sáng, đôi môi đỏ thắm, và làn da hơi anh ánh. “Tuyệt vời, sao chóng vánh thế”, tôi nói. “Hẳn là nhờ rượu rum”.
Nàng mỉm cười. “Nhờ cả chiếc giường nữa chứ, anh Robby. Giường là chỗ nghỉ ngơi tốt nhất cho em. Nơi trú ẩn của em đấy”.
“Kỳ quặc. Nếu phải lên giường sớm thế khéo anh phát điên lên mất. Ý anh là nếu phải lên giường một mình ấy”.
Nàng cười. “Đối với một người đàn bà, điều đó lại khác”.
“Chớ có nói dối với một người đàn bà. Em không phải là đàn bà”.
“Vậy em là cái gì?”
“Anh không biết. Nhưng không phải đàn bà. Giả sử em là một người đàn bà bình thường, chính cống, anh đã chẳng thể nào yêu em”.
Nàng nhìn tôi. “Nói chung anh có thể yêu chăng?”
“Thôi nào”, tôi nói, “một câu hỏi chưa từng thấy trong bữa ăn chiều. Em còn nhiều câu hỏi tương tự nữa không?”
“Có lẽ còn. Nhưng anh trả lời câu này thế nào đã?”
Tôi rót cho mình một ly rum. “Chúc mừng em, Pat!
Có thể em có lý. Có thể tất thảy chúng mình đều không biết yêu. Như trước kia, anh nghĩ thế. Nhưng không phải vì vậy mà chúng mình yêu tồi tệ hơn. Chỉ khác thôi. Người ta có nhìn nhận như vậy cho đâu”.
Có tiếng gõ cửa. Bà Muller bước vào. Bà cầm trên tay một chiếc bình thủy tình xinh xinh, trong đó sóng sánh một ít chất lỏng. “Tôi mang rum lại cho ông bà đây”.
“Cám ơn”, tôi nói và cảm động ngắm nghía cái bình nhỏ xíu như cái đê khâu ấy.
“Bà lo cho thế này thật quý hóa quá, nhưng chúng tôi đã tự xoay xở được rồi”.
“Chúa ơi!” Bà kinh hãi nhìn bốn cái chai trên bàn. “Ông bà uống nhiều đến thế ư?”
“Như là thuốc thôi mà”, tôi dịu dàng đáp và tránh không nhìn Pat. “Theo đơn của bác sĩ đấy. Tôi có lá gan quá khô, thưa cô Muller. Nhưng bà không muốn cho chúng tôi cái vinh dự được cùng bà cạn một ly sao?”
Tôi mở chai vang Bồ Đào Nha. “Chúc sức khỏe bà! Chúc cho nhà bà sắp tới đầy khách trọ”.
“Xin đa tạ!” Bà thở dài, khẽ cúi mình và nhắp nhắp như một con chim. “Chúc ông bà kỳ nghỉ tốt đẹp!” Đoạn bà ranh mãnh mỉm cười với tôi. “Nhưng thứ này mạnh đấy. Và ngon”.
Sự thay đổi ấy khiến tôi kinh ngạc suýt buông rơi cái ly trong tay. Má bà Muller bắt đầu ửng đỏ, hai mắt long lanh, và bà bắt đầu huyên huyên đủ thứ chuyện chẳng liên quan gì tới chúng tôi. Pat chịu dựng bà với một sự kiên nhẫn thiên thần. Cuối cùng bà quay sang tôi. “Ông Koster bình an chứ?”
Tôi gật đầu.
“Hồi trước ông ấy lúc nào cũng lặng lẽ”, bà nói. “Lắm khi mấy ngày liền ông ấy không nói lấy một lời. Bây giờ ông ấy vẫn thế sao?”
“Chà, bây giờ thi thoảng ông ấy cũng đã mở miệng”.
“Ông ấy ở đây gần một năm. Lúc nào cũng một mình…”
“Vâng”, tôi nói. “Vì vậy người ta càng ít nói đi”.
Bà nghiêm trang gật đầu và nhìn sang Pat. “Hẳn ông bà đã mệt”.
“Hơi hơi ạ”.
“Rất mệt”, tôi bổ sung.
“Vậy tôi xin đi đây”, bà hoảng sợ nói. “Chúc ông bà một đêm tốt đẹp! Ông bà ngủ ngon nhé!”
Bà đi ra vẻ tần ngần.
“Anh tin rằng bà ta còn muốn nán lại nữa”, tôi nói. “Nực cười, bỗng chốc thay đổi hẳn, hả?”
“Con người đáng thương”, Pat đáp “Hẳn tối nào bà ấy cũng ngồi thui thủi một mình trong buồng riêng và có nhiều lo nghĩ”.
“À, ừ, có thể…” tôi nói. “Nhưng anh thiết tưởng dẫu sao nãy giờ anh cũng đã cư xử với bà ta hết sức niềm nở đấy chứ”.
“Anh xử sự đúng”. Nàng vuốt ve bàn tay tôi. “Mở cửa ra một chút đi, anh Robby”.
Tôi đi ra mở cửa. Bên ngoài, trời sáng hơn, một vệt ánh trăng đổ dài trên đường len vào tận trong phòng. Dường như cả khu vườn chỉ chừ có cánh cửa mở… hương đêm của các loài hoa lập tức ùa vào. Căn phòng tràn ngập hương thơm ngọt ngào của hoa quế trúc, hoa mộc tê và hoa hồng.
“Nhìn kìa, em”, tôi nói, tay chỉ ra ngoài.
Trong ánh trăng mỗi lúc một vằng vặc, có thể nhìn rõ suốt con đường trong vườn. Những nhành hoa uốn mình bên lề đường, lá cây mang màu bạc gỉ, và những bông hoa ban ngày rực rỡ khoe sắc giờ đây anh ánh trong những tông phấn màu phơn phớt, trông huyền ảo và êm dịu. Ánh trăng và đêm tối đã tước đi sức mạnh màu sắc của chúng… nhưng bù vào đó, hương thơm lại nồng nàn hơn, ngọt ngào hơn bất cứ lúc nào trong ngày.
Tôi quay nhìn Pat. Dịu dàng, thon thả và mỏng mảnh, nàng nằm đó mái tóc sẫm xõa trên gối trắng. Nàng không có mấy sức lực… nhưng ngay cả nàng nữa cũng chứa trong mình cái bí ẩn của sự mỏng mảnh, cái bí ẩn của những đóa hoa trong bóng hoàng hôn và trong ánh trăng hư ảo.
Nàng hơi nhỏm dậy. “Quả tình em rất mệt, anh Robby ạ. Có sao không anh?”
Tôi ngồi xuống bên giường với nàng. “Không hề gì. Em sẽ ngủ ngon giấc”.
“Nhưng anh lại chưa muốn ngủ”.
“Thì anh sẽ đi dạo một lát trên bãi biển”.
Nàng gật đầu, nằm xuống. Tôi nán ngồi chút nữa. “Cứ để ngỏ cửa cả đêm, anh nhé”, nàng nói giọng buồn ngủ. “Như thế sẽ tưởng như mình được ngủ ngoài vườn…”
Nàng bắt đầu thở sâu, tôi nhẹ nhàng đứng dậy và đi ra vườn. Đến bên hàng rào gỗ, tôi dừng lại hút một điếu thuốc. Từ đây tôi có thể nhìn vào căn phòng. Chiếc áo khoác tắm của Pat vắt trên ghế, váy áo và vài thứ đồ lót quẳng chồng lên trên, và dưới sàn nhà, ngay trước ghế, là đôi giày của nàng. Một chiếc nằm chỏng gót lên. Nhìn cảnh ấy, trong tôi chỗi dậy một cảm giác kỳ lạ về tổ ấm, tôi thầm nghĩ có một người ở đó và sẽ còn ở đó, chỉ cần ta bước vài bước là nhìn thấy người ấy, kề bên người ấy, hôm nay, ngay mai và có lẽ lâu dài…
Có lẽ, tôi nghĩ, có lẽ, bao giờ cũng vẫn cái từ ấy, không sao thoát ra được! Đó là sự chắc chắn mà tôi thiếu… đó là sự chắc chắn mà thảy mọi người đều thiếu.
Tôi đi ra bãi cát, ra với biển và với gió, với tiếng sóng ì ầm như tiếng đại bác từ xa dội về.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.