Đã qua hai tuần, Pat đủ hồi phục để chúng tôi có thể trở về. Chúng tôi sửa soạn xong xuôi hành lý, đang chờ Gottfried Lenz. Cậu ta phải đến đánh xe về. Pat và tôi sẽ đáp xe lửa.
Đó là một ngày ấm áp, ngà màu sữa. Trên trời, mây đứng lặng như những cụm bông, hơi nóng run rẩy trên các đụn cát, và biển lặng như chì trong màn hơi sáng sáng, lung linh.
Gottfried đến sau bữa ăn trưa. Từ xa, tôi đã thấy mái tóc hoe vàng của cậu ta sáng rực trên bờ dậu. Phải tới lúc Gottfried rẽ vào con đường dẫn đến biệt thự của bà Muller, tôi mới nhận thấy cậu ta không chỉ đến một mình… xuất hiện cạnh cậu là một tay đua rởm nhỏ thó… Chiếc mũ carô to tướng đội ngược phù hiệu ra sau, đôi mắt kính ngăn bụi choán gần hết mặt, bộ áo liền quần trắng lốp, và cặp tai voi đỏ rực như hồng ngọc.
“Ôi trời, té ra thằng Jupp!”, tôi sửng sốt nói.
“Chính nó, thưa cậu Lohkamp!”, Jupp toét miệng cười.
“Lại còn diêm dúa chưa kia! Mày làm trò gì thế hả?”
“Thì cậu thấy đấy”, Lenz nói vẻ khoái trá và bắt tay tôi. “Cu cậu đang được đào tạo thành tay lái xe đua. Đã tám ngày nay mình kèm cặp nó. Hôm nay nó cứ van lạy mình cho đi theo. Một cơ hội tốt để cu cậu chạy chuyến đường trường đầu tiên”.
“Tôi sẽ thành tài, thưa cậu Lohkamp!”, Jupp hăng hái quả quyết.
“Và thành tài như thế nào chứ!”, Gottfried tủm tỉm cười. “Mình chưa từng thấy thằng khùng nào rượt xe điên cuồng như nó. Ngay ngày đầu to toe cầm lái, với chiếc tắcxi cà khổ của tụi mình, nó đã dám tìm cách vượt một chiếc Mercedes có máy nén khí. Thằng quỷ con đáng nguyền rủa!”.
Jupp tan ra trong hạnh phúc, nhìn Lenz bằng ánh mắt tôn thờ.
“Tôi ngõ đâu có thể nuốt chửng cái con chim huênh hoanh ấy, thưa cậu Lenz! Tôi những muốn chộp nó ở khúc quanh, giống cậu Koster”.
Tôi phì cười. “Mày mở đầu khá đấy, Jupp ạ”.
Gottfried nhìn xuống cậu học trò với vẻ hãnh diện của ông bố.
“Bây giờ trước hết mày hãy chộp lấy đống va-li và mang ra ga”.
“Một mình ạ?”. Jupp chực nổ tung vì hồi hộp. “Tôi được phép lái hoàn toàn một mình quãng đường từ đây ra ga chứ cậu Lenz?”
Gottfried gật, và Jupp phóng thẳng vào nhà.
Chúng tôi gửi hành lý. Đoạn quay lại đón Pat ra ga. Chúng tôi có mặt sớm mười lăm phút. Ngoài ke vắng tanh. Chỉ có vài bình sữa đứng vất vưởng.
“Các cậu đi đi thôi”, tôi nói, “kẻo về tới nhà quá muộn”.
Ngồi bên tay lái, Jupp nhìn tôi vẻ bất mãn.
“Mầy không thích nghe nói vậy, hả?”, Lenz hỏi nó.
Jupp ưỡn thẳng người. “Cậu Lohkamp”, nó nói giọng trách móc, “Tôi đã tính toán chính xác. Đúng tám giờ chúng tôi sẽ có mặt đàng hoàng ở xưởng”.
“Rất chuẩn!”. Lenz vỗ vai nó. “Thách cậu ấy cuộc đi, Jupp. Để lấy một chai nước suối”.
“Nước suối thì không”, Jupp đáp, “nhưng một bao thuốc lá thì tôi dám cược ngay”.
Nó nhìn tôi khiêu khích.
“Mày đã biết là đường khá tồi đấy chứ?”, tôi hỏi.
“Tính rả rồi, thưa cậu Lohkamp!”
“Và mày cũng nghĩ tới các khúc ngoặt rồi chăng?”
“Khúc ngoặt chẳng nghĩa lý gì đối với tôi. Tôi không biết sợ là gì”.
“Được, Jupp”, tôi nghiêm trang nói. “Vậy tao sẽ giữ lời cuộc. Nhưng dọc đường ông Lenz không được phép cầm lái đâu đấy”.
Jupp đặt bàn tay lên ngực. “Thề danh dự!”
“Được rồi, được rồi. Nhưng nói nghe thử, mày nắm khư khư trong tay cái gì vậy?”
“Đồng hồ bấm giờ của tôi. Tôi sẽ theo dõi thời gian dọc đường. Tôi muốn biết cái xe này sức chạy đến đâu”.
Lenz tủm tỉm cười. “Thấy chưa, các bạn, Jupp được trang bị hết nhẽ nhé. Mình tin là thoạt thấy nó, chiếc Citroen già nua, dũng mãnh đã run bắn mọi pistông lên rồi”.
Jupp không nghe thấy lời giễu cợt. Nó nóng nảy vày vò cái mũ của mình.
“Vậy ta đi chứ, cậu Lenz? Cuộc là cuộc mà!”.
“Cố nhiên! Đồ máy nén tí hon! Tạm biệt nhé, Pat! Chào, Robby!”. Gottfried leo lên ghế. “Nào, Jupp, giờ hãy cho quý cô đây thấy con người hào hoa phong nhã, nhà quán quân tương lai của thế giới, xuất phát ra sao”.
Jupp kéo sụp kính đưa xuống mắt, vẫy tay như một tay đua kỳ cựu và mau lẹ vào số một, băng con đường lát đá lao ra đường cái lớn.
Pat và tôi còn ngồi một lát trên chiếc ghế dài trước nhà ga. Mặt trời nóng rực, sáng chói, trải ánh nắng trên tấm vách gỗ ngăn trước ke. Mùi nhựa thông và vị muối mặn thoang thoảng. Pat ngả đầu ra sau, nhắm mắt lại. Nàng ngồi im không nhúc nhích, mặt hướng ra đón nắng.
“Em mệt không?”, tôi hỏi.
Nàng lắc đầu. “Không đâu, anh Robby”.
“Tàu đến kia rồi”, tôi nói.
Đầu máy ì ạch chạy tới, đen chũi, nhỏ thó và lạc lõng trước không gian mênh mông, lung linh nắng. Chúng tôi lên tàu. Tàu vắng khách. Nó phì phò khởi hành. Khói phả ra từ dầu máy đọng lại dầy đặc, đen kịt trên nền trời. Phong cảnh lần lượt diễu qua: làng mạc với những mái nhà tranh nâu xỉn, những đồng cỏ đầy bò ngựa, cánh rừng, và rồi, yên ả và say ngủ trong cái thung lũng nằm sau những đụn cát là ngôi nhà của bà Muller.
Pat đứng cạnh tôi bên cửa sổ tàu nhìn ra. Con đường cua gần lại, có thể nhìn rõ cửa sổ phòng chúng tôi. Cửa mở toang, tấm nệm trắng được phơi một nửa ra nắng.
“Bà Muller kìa”, Pat nói.
“Ừ nhỉ”.
Ba đứng trước cửa nhà vẫy vẫy. Pat rút khăn tay của nàng ra, giơ nó bay phần phật trước cửa tàu.
“Bà ấy chẳng thấy được đâu”, tôi nói, “khăn nhỏ và mỏng quá. Đây, lấy khăn anh này”.
Nàng cầm lấy, vẫy. Ba Muller vẫy lại rối rít.
Con tàu dần dần ra giữa cánh đồng thoáng đãng. Ngôi nhà chìm đi, các đụn cát cũng biến mất. Phía sau cái vạch đen của rừng, hồi lâu nữa, thỉnh thoảng biển vẫn lóng lánh hiện ra. Lóng lánh như một con mắt uể oải, rình mò. Rồi cái màu xanh lá mạ dìu dịu của đồng ruộng, rồi sóng lúa trải tận chân trời, gợn lên trong gió nhẹ.
Pat đưa lại khăn tay cho tôi và ngồi vào một góc. Tôi kéo cửa sổ lên. Thế là qua! Tôi nghĩ, ơn Chúa, qua rồi! Chẳng là gì ngoài một giấc mộng! Cơn ác mộng đáng nguyền rủa!
Chúng tôi về tới thành phố trước sáu giờ. Tôi gọi một chiếc tắcxi, chất va-li lên. Đoạn chúng tôi về nhà Pat.
“Anh cùng lên chứ?”, nàng hỏi.
“Tất nhiên”.
Tôi đưa nàng lên, rồi trở xuống cùng tay tài xế chuyển hành lý. Khi quay lại, vẫn thấy Pat đứng ở tiền phòng. Nàng đang nói chuyện với ông trung tá von Hake và bà vợ ông ta.
Chúng tôi vào phòng nàng. Bên ngoài, màn chiều sáng sủa vừa buông. Trên bàn, cắm trong bình thủy tinh, là những đóa hồng phơn phớt đỏ. Pat đến bên cửa sổ, nhìn ra ngoài. Đoạn nàng quay người lại. “Chúng mình đã vắng mặt bao lâu, anh Robby nhỉ?”
“Đứng mười tám ngày”.
“Mười tám ngày. Em cảm thấy lâu hơn thế nhiều”.
“Anh cũng vậy. Bao giờ đi xa mà chẳng tưởng thế”.
Nàng lắc đầu. “Em nghĩ khác…”
Nàng mở cửa bước ra ban công. Ngoài ấy có một chiếc ghế xếp dài màu trắng tựa bên tường. Nàng kéo nó lại gần, lặng lẽ nhìn.
Khi quay vào, nét mặt nàng biến đổi, cặp mắt u tối.
“Em hãy trông những đóa hồng”, tôi nói. “Koster tặng đấy. Cậu ta để lại danh thiếp đây này”.
Nàng cầm tầm danh thiếp lên, rồi lại đặt xuống mặt bàn. Nàng nhìn bó hồng, nhưng tôi thấy nàng hầu như không nhận ra chúng. Tâm trí nàng còn luẩn quẩn bên chiếc ghế dài. Nàng đã tưởng thoát được nó, thế mà giờ này không khéo nó lại bám theo nàng suốt đời.
Tôi để nàng yên, không nói gì nữa. Lái ý nghĩ của nàng sang hướng khác cũng vô ích thôi. Nàng phải làm quen với hiện trạng mới, và tốt hơn là nàng ý thức được nó ngay từ bây giờ, khi có tôi bên nàng. Dù nói hay nói giỏi đến đâu cũng chỉ trì hoãn được ít lâu, nhưng rồi điều đó vẫn sẽ xảy ra, và không chừng khi ấy còn khó chịu dụng hơn nhiều.
Nàng đứng thế hồi lâu, mặt cúi xuống, tay chống lên bàn. Đoạn nàng ngẩng đầu nhìn tôi. Tôi không nói gì. Nàng thong thả đi vòng quanh bàn, đặt tay lên vai tôi.
“Bạn can trường của anh”, tôi nói.
Nàng nép mình vào tôi. Tôi ôm ghì lấy nàng. “Từ giờ chúng mình sẽ nhìn thẳng vào sự việc, nghe em?”
Nàng gật. Đoạn nàng vuốt tóc ra sau. “Phút yếu đuối thoảng qua thôi, anh Robby ạ”.
“Tất nhiên”.
Có tiếng gõ cửa. Cô hầu phòng đẩy bàn trà vào. “Hay lắm”, Pat nói.
“Em uống trà nhé?”, tôi hỏi.
“Không, cho em cà phê, cà phê ngon, pha đặc”.
Tôi ở lại thêm nửa giờ. Rồi nàng cảm thấy mệt. Nhìn mặt nàng thì biết. “Em nên ngủ một chút đi”, tôi khuyên nàng.
“Còn anh?”
“Anh cũng về nhà chớp mắt một lát. Hai giờ nữa, anh sẽ đến đưa em đi ăn”.
“Anh mệt ư?”, nàng ngờ vực hỏi.
“Ừ, hơi mệt. Trong tàu quá nóng. Anh còn phải rẽ qua xưởng một cái”.
Nàng không hỏi gì thêm. Nàng mệt rũ và cứ thế thỉu đi. Tôi bế nàng vào giường, đắp chăn cho nàng. Nàng lập tức thiếp ngủ. Tôi đem bình hoa đặt bên nàng, cài cả danh thiếp của Koster vào đó, để khi tỉnh giấc, nàng có ngay chút gì giải khuây. Rồi tôi ra về.
Dọc đường, tôi dừng lại trước một trạm điện thoại tự động. Tôi quyết định gọi ngay bây giờ cho giáo sư Jaffé. Gọi từ nhà sẽ gặp trở ngại. Vì phải tính sao cho cả nhà trọ khỏi nghe lỏm chuyện.
Tôi nhấc ống nghe, xin số máy của bệnh viện. Lát sau, ông Jaffé cầm máy. “Lohkamp đây ạ”, tôi vừa nói vừa hắng giọng. “Chúng tôi vừa về hôm nay. Có mặt cách đây một giờ”.
“Anh chị về bằng xe hơi ư?”, Jaffé hỏi hỏi.
“Không, bằng xe lửa”.
“Vây à, tình hình thế nào?”
“Tốt ạ”. Tôi đáp.
Ông suy nghĩ một giây. “Mai tôi sẽ đến thăm bệnh cho cô Hollmann. Mười một giờ trưa mai. Anh báo cho cô ấy được chứ?”
“Không”, tôi nói. “Tôi không muốn để cô ấy biết tôi đã gọi cho ông. Thế nào mai cô ấy cũng tự điện thoại đến ông. Có gì, ông bảo cô ấy luôn”.
“Được. Ta thỏa thuận như vậy. Tôi sẽ nói với cô ấy”.
Tôi máy móc gạt cuốn danh bạ điện thoại dày cộp, cáu bẩn sang bên. Trên chiếc bục gỗ nhỏ cuốn danh bạ dày dặc những số điện thoại ghi nguệch ngoạc bằng bút chì. “Chiều mai tôi ghé ông được không ạ?”
Jaffé không đáp. “Tôi nóng lòng muốn biết tình trạng sức khỏe của cô ấy”.
“Mai tôi chưa thể nói gì với anh đâu”, Jaffé đáp. “Tôi phải theo dõi cô ấy ít nhất một tuần. Nhưng rồi tôi sẽ cho anh biết”.
“Cám ơn ông”. Tôi vẫn nhìn trân trân vào cái bục gỗ trước mặt. Có kẻ nào đã vẽ lên đó một cô ả béo hú đội mũ rơm rộng vành, dưới ghi “Ella, đồ dê cái!”
“Trong khi điều trị, cô ấy có phải làm gì đặc biệt nữa không ạ?” tôi hỏi.
“Để mai tôi còn xem. Nhưng tôi cho rằng ở đằng nhà, cô ấy được chăm sóc hết sức chu đáo”.
“Tôi không tệ. Nghe đâu tuần sau gia đình ông Hake sẽ đi du lịch. Như vậy chỉ còn mình cô ấy ở nhà với chị hầu phòng”.
“Vậy à? Được, mai tôi cũng sẽ bàn với cô ấy chuyện này”.
Tôi lại kéo cuốn danh bạ đè lên hình vẽ.
“Ông có cho rằng cô ấy… rằng một cơn như thế có thể tái phát không?”
Jaffé đắn đo một giây. “Tất nhiên là có thể”, đoạn ông nói. “Nhưng cũng không hẳn. Tôi chỉ có thể trả lời anh sau khi đã khám nghiệm kỹ càng cô ấy. Tôi sẽ điện thoại cho anh sau”.
“Vâng, cám ơn ông”.
Tôi móc ống nghe lên. Ra ngoài, tôi còn đứng thần một lúc trên đường phố. Không khí bụi bặm, oi bức. Rồi tôi đi về nhà.
Tôi chạm trán bà Zalewski ở cửa. Từ phòng bà Bender, bà vọt ra như một viên đạn đại bác. Thấy tôi, bà dừng lại. “Sao, đã về đấy à?”
“Thì bà thấy đấy. Có gì lạ không?”
“Với nhà, chẳng có gì cả. Thư từ cũng không. Nhưng bà Bender đã dọn đi”.
“Thế à? Sao vậy?”
Bà Zalewski hai tay chống nạnh. “Vì đâu đâu cũng đầy rẫy những quân đê tiện. Bà ấy vào viện tế bần Thiên Chúa giáo rồi. Với con mèo và vỏn vẹn hai mươi sáu mác giắt lưng”.
Bà kể rằng trại trẻ nơi bà Bender nuôi giữ trẻ đã bị phá sản. Lão giám đốc, một mục sư, thua lỗ trong vụ đầu cơ chứng khoán. Bà Bender bị sa thải, đã thế còn mất trắng hai tháng lương chưa kịp lĩnh.
“Bà ấy đã tìm được việc mới chưa?”, tôi hỏi không suy nghĩ.
Bà Zalewski chỉ nhìn tôi.
“Ừ, mà tất nhiên chưa”, tôi nói.
“Tôi đã bảo bà ấy yên tâm ở lại đây. Việc trả tiền nhà hẵng cứ thư thả, không vội gì. Nhưng bà ấy không nghe”.
“Hầu hết người nghèo đều khái tính”, tôi nói. “Giờ ai sẽ thuê phòng đó?”
“Vợ chồng Hasse. Phòng này rẻ hơn phòng họ hiện ở”.
“Thế còn phòng Hasse cũ?”
Bà ta nhún vai. “Để còn xem. Tôi cũng chẳng hy vọng gì có người đến thuê nó”.
“Bao giờ phòng ấy trống?”
“Mai. Vợ chồng Hasse đã đang rậm rịch dọn rồi”.
“Giá thuê căn phòng bao nhiêu?”, tôi hỏi, chợt nảy ra một ý.
“Bảy chục mác”.
“Đắt quá”, tôi nói, giờ đã hoàn toàn tỉnh táo.
“Kể cả cà phê sáng, hai bánh mì con với khá nhiều bơ cơ mà?”
“Được đấy. Nhưng bà phải cắt bớt suất cà phê sáng ả Frida pha đi. Năm chục mác, không thêm một xu”.
“Anh định thuê chắc?”, bà Zalewski hỏi.
“Có lẽ thế”.
Tôi vào buồng mình, trầm ngâm quan sát cánh cửa thông sang phòng Hasse, Pat sống trong nhà trọ Zalewski! Không, ý định này chẳng hay ho chút nào! Tuy vậy, lát sau tôi vẫn sang gõ cửa phòng họ.
Bà Hasse có nhà. Giữa gian phòng đã dọn quang một nửa, bà ngồi trước gương, đầu đội mũ, đang thoa phấn.
Tôi chào bà, mắt nhìn kỹ căn phòng. Phòng rộng hơn tôi tưởng. Giờ đây, khi một phần đồ gỗ đã được dọn đi rồi, mới có thể nhận rõ điều ấy. Giấy bồi tường một màu, sáng sủa và còn khá mới, cửa ra vào, cửa sổ vừa sơn lại, ban công rộng rãi, đẹp đẽ.
“Hẳn anh đã nghe nói giờ lão đòi tôi làm gì”, bà Hasse nói. “Tôi phải dọn vào ở trong căn buồng của con mụ ấy! Rõ nhục!”
“Nhục ư?”
“Phải, nhục!”, bà giận dữ tuôn ra. “Mụ ấy và tôi không chịu nổi nhau, anh còn lạ gì, ấy vậy mà giờ lão Hasse ép tôi phải dọn sang buồng mụ, không ban công, lại có độc một cửa sổ. Chỉ vì rẻ hơn! Anh thử nghĩ, ở trong viện tế bần, con mụ ấy nó sẽ đắc ý đến đâu!”
“Có gì mà đắc ý”.
“Có đấy, mụ đắc ý phải biết, cái con mụ coi trẻ giả nhân giả nghĩa, miệng nam mô bụng một bồ dao găm ấy! Đã thế lại thêm cái con điếm Erna Bonig ở sát nách! Sặc mùi mèo!”
Tôi sửng sốt ngước nhìn bà. Miệng nam mô bụng một bồ dao găm ư? Kể cũng lạ: khi chửi rủa, con người ta tìm những lối nói đến là giàu hình ảnh và mới mẻ. Cách bày tỏ của tình yêu sao lặp lại muôn thưở… trong khi những lời nguyền rủa cứ biến hóa trăm vẻ ngàn hình.
“Mèo là giống vật xinh đẹp và rất sạch sẽ”, tôi nói. “Thêm nữa, tôi vừa ở phòng ấy về. Có thấy mùi mèo miếc gì đâu”.
“Thế hả?”, bà Hasse đáp giọng thù địch và sửa lại mũ cho ngay ngắn, “có lẽ còn tùy mũi từng người. Nhưng tôi thì đừng hòng mong tôi mó tay vào dọn! Mặc xác lão tự vần giường tủ sang đây. Tôi đi chơi! Ít nhất tôi cũng muốn chơi bời một tí giữa cuộc sống chó má nay!”
Bà đứng dậy. Gương mặt bủng run lên vì giận dữ, tới mức long cả phấn. Tôi thấy môi bà son đỏ chót, và nhìn chung bà diện rất chóe. Khi bà sột soạt đi ra, người bà thơm sực nức như cả một tiệm nước hoa.
Tôi sững sờ nhìn theo bà. Đoạn tôi ngắm kỹ căn phòng lần nữa. Tôi suy tính xem nên sắp đặt giường tủ của Pat vào chỗ nào. Nhưng rồi tôi nhanh chóng nghĩ sang chuyện khác. Pat ở đây, luôn luôn ở đây, bên tôi… tôi không sao hình dung nổi! Giá thử nàng mạnh khỏe, có lẽ tôi đã chẳng bao giờ dám có ý nghĩ ấy. Nhưng như hiện giờ… tôi mở cửa, ước lượng bề rộng của ban công. Nhưng rồi tôi lắc đầu và bỏ về buồng mình.
***
Khi tôi bước vào phòng nàng, nàng vẫn ngủ. Tôi se sẽ ngồi xuống chiếc ghế bành đặt cạnh giường, nhưng nàng lập tức thức giấc.
“Tiếc là anh làm em tỉnh giấc”, tôi nói.
“Anh vẫn ngồi đây suốt đấy à?”, nàng hỏi.
“Không. Anh vừa quay lại xong”.
Nàng vươn vai, áp mặt vào tay tôi. “Thế thì hay. Em không thích có người nhìn em ngủ”.
“Anh hiểu. Anh cũng như em, không thích thế. Nhưng anh đâu chủ tâm nhìn em ngủ. Anh chỉ không muốn đánh thức em. Em không chợp mắt lấy một lát nữa sao?”
“Không, em ngủ đẫy giấc rồi. Em dậy ngay đây”.
Tôi đi sang phòng bên trong khi nàng mặc quần áo. Bên ngoài trời tối dần. Từ cửa sổ mở toang của nhà đối diện, một chiếc máy hát mở oang oang khúc quân hành Hohenfriedberg. Một gã hói đầu, bụng phệ phải mang dây đeo quần, đang vặn máy. Gã đi đi lại lại trong phòng và làm những động tác thể dục theo nhịp nhạc. Cái đầu hói bóng nhoáng của gã nổi lên giữa bóng tối chạng vạng như một vầng trăng hiếu động. Tôi hững hờ nhìn cảnh ấy. Tôi cảm thấy thẫn thờ và rầu rĩ.
Pat bước vào. Trông nàng xinh tuyệt, hết sức tươi tắn, chắng còn chút mệt mỏi. “Em đẹp quá”, tôi ngạc nhiên nói.
“Em cảm thấy khỏe nữa, anh Robby ạ. Như thể vừa được ngủ suốt đêm ấy. Con người em đổi khác nhanh lắm”.
“Phải, có Chúa chứng giám! Đôi khi nhanh tới mức người khác theo không kịp”.
Nàng tựa vào vai tôi, nhìn tôi. “Nhanh quá hả, anh Robby?”
“Không. Cùng lắm vì anh quá chậm. Anh thường hơi chậm chạp, Pat ạ”.
Nàng mỉm cười. “Chậm thì vững chãi. Mà vững chãi lại tốt”.
“Anh vững chãi như một cái nút bấc trên mặt nước vậy”, tôi nói.
Nàng lắc đầu. “Anh vững chãi hơn anh tưởng nhiều. Nói chung anh khác hẳn hình dung của anh về mình. Em hiếm thấy ai tự đánh giá bản thân lầm lẫn như anh”.
Tôi buông vai nàng.
“Phải, anh yêu”, nàng gật đầu nói, “quả đúng như vậy. Còn bây giờ ta đi ăn thôi”.
“Ta đi đâu bây giờ nhỉ?”, tôi hỏi.
“Đến quán bác Alphonse. Em phải thấy lại tất cả. Em có cảm tưởng mình đã vắng mặt hàng thế kỷ”.
“Hay lắm!”, tôi nói. “Nhưng em có thật đói không đã? Người ta chỉ có thể đến quán Alphonse với cái dạ dày lép. Nếu không, bác ta sẽ tống khứ”.
Nàng cười. “Em đói ngấu là đằng khác”.
“Vậy thì đi!”. Tôi bỗng hớn hở vô cùng.
Cuộc đón tiếp ở quán Alphonse thật nồng hậu. Bác mất hút ngay sau khi chào chúng tôi và trở lại với cổ cồn trắng bóc, thắt cà vạt chấm xanh lá cây. Giá hoàng đế Đức có đến bác cũng không trịnh trọng thế. Chính bác cũng hơi ngượng ngùng về cái dấu hiệu suy đồi chưa từng thấy này.
“Sao, bác Alphonse, có gì ngon nào?”, Pat hỏi, hai tay chống lên bàn.
Alphonse cười tủm tỉm, chúm môi, nheo mắt lại. “Cô may lắm nhé! Hôm nay có tôm!”
Bác lùi một bước để quan sát hiệu quả lời mình nói. Hiệu quả hết chê. “Lại thêm một ly vang Moselle mới”, bác say sưa thì thào và lùi thêm bước nữa. Bác nhận được tràng vỗ tay như vũ bão, mà lạ là cả từ cửa vọng vào. Ở đó, cùng với mớ tóc hoe vàng rối bù và cái mũi cháy nắng hiện ngay ra cái mặt nhăn nhở cười của kẻ lãng mạn cuối cùng.
“Gottfried ư?”, Alphonse reo lên, “Cậu hả? Chính cậu? Bố khỉ, ngày hôm nay mới thật là ngày chứ! Hãy ngả đầu vào ngực ta đây!”
“Bây giờ em sẽ được chứng kiến”, tôi bảo Pat.
Hai người lao bổ lại ôm chầm lấy nhau. Alphonse vỗ vỗ vào lưng Lenz, nghe cứ ngỡ như bên cạnh có kẻ đang quai búa rèn. “Hans”, đoạn bác gào lên với người bồi bàn, “mang rượu Napoleon ra đây!”.
Bác lôi Gottfried tới bên quầy rượu. Người bồi bàn cầm lại một chai lớn phủ đầy bụi. Alphonse rót đầy hai ly.
“Chúc cậu. Gottfried, đồ lợn quay khốn kiếp!”
“Chúc bác, Alphonse, kẻ tù tội già tốt bụng!”
Cả hai uống một hơi cạn ly.
“Tuyệt hảo!”, Gottfried nói. “Đúng là cognac cho các Đức Mẹ!”.
“Rượu này mà nốc ừng ực quả đáng xấu hổ”. Alphonse xác nhận.
“Nhưng làm sao uống chậm được khi người ta hoan hỉ. Nào, ta cạn thêm ly sữa!”
Bác rót rượu và nâng ly. “Đồ cà chua thối bạc bẽo!”
Lenz cười khì, “Bác Alphonse già yêu quý của tôi!”
Mắt bác Alphonse rưng rưng lệ. “Làm ly nữa Gottfried”, bác xúc động nói.
“Cứ việc rót!”, Lenz chìa ly ra. “Tôi chỉ từ chối loại cognac này một khi không còn ngóc nổi đầu khỏi mặt đất”.
“Nói thế mới là nói chứ!”, Alphonse rót ly thứ ba.
Lenz hơi hổn hển trở lại bàn chúng tôi. Cậu ta rút đồng hồ ra.
“Đúng tám giờ kém mười tụi này về tới xưởng với chiếc Citroen. Các cậu thấy thế nào?”
“Một kỷ lục”, Pat đáp. “Jupp muôn năm! Tôi cũng xin trao tặng cậu ấy một bao thuốc lá”.
“Còn cậu sẽ được thưởng riêng một xuất tôm!” Alphonse, bấy giờ theo sát gót Gottfried, tuyên bố Đoạn bác đưa chúng tôi một thứ khăn na ná như khăn trải bàn. “Hãy cởi áo khoác ra mà quàng cái này vào! Cô đây cũng cho phép chứ ạ?”
“Tôi thấy cần là đằng khác”. Pat nói.
Alphonse sung sướng gật đầu. “Cô là một người phụ nữ biết điều, tôi biết thế. Ăn tôm là phải ăn thoải mái. Không sợ dây bẩn”. Bác tủm tỉm cười. “Bản thân cô dĩ nhiên sẽ nhận được thứ lịch sự hơn”.
Anh bồi bàn Hans mang đến một chiếc tạp dề trắng tinh. Alphonse giở ra và giúp nàng mặc vào. “Cô mặc hợp lắm”, bác khen.
“Cứng cựa thật, cứng cựa thật!”, nàng đáp và cười.
“Tôi mừng rằng cô đã nhớ cả lời ăn tiếng nói của tôi”, Alphonse khoan khoái nói: “Thật ấm cả ruột”.
“Bác Alphonse!”. Gottfried buộc hai mép khăn của cậu ta ở sau gáy, khiến chúng vểnh ngược lên. “Hiện thời tôi chỉ thấy như ngồi trong tiệm cắt tóc ấy”.
“Sẽ khác ngay đây. Nhưng thưởng thức chút nghệ thuật cái đã”.
Alphonse lại bên chiếc máy hát. Lập tức vang lên bài đồng ca trẩy hội trích trong vở Những ngôi nhà gỗ thông. Chúng tôi im lặng lắng nghe.
Âm thanh cuối cùng vừa lắng, cửa bếp đã mở, anh bồi Hans xuất hiện với một cái liễn to bằng cái chậu tắm trẻ con. Liễn bốc hơi nghi ngút và đầy hụ tôm. Anh bồi thở hổn hển đặt liễn xuống bàn. “Mang khăn ăn cho tao nữa”, Alphonse nói.
“Bác định ăn cùng chúng tôi sao, ông bạn vàng của tôi?”. Lenz kêu lên “Thật hân hạnh quá!”
“Nếu như cô đây không phản đối?”
“Trái lại, thưa bác Alphonse!”
Pat xích ghế sang bên, và bác ngồi xuống cạnh nàng.
“Tôi ngồi gần cô mà lại hay”, bác hơi lúng túng nói. “Chả là tôi khá thành thạo trong việc bóc tôm. Đối với một phụ nữ thì việc này lại chẳng thú vị gì”.
Bác thò tay vào liễn và bắt đầu gỡ một con tôm cho nàng, nhanh nhoay nhoáy. Hai bàn tay khổng lồ của bác gỡ khéo và đẹp mắt tới mức Pat chẳng có việc gì làm ngoài chén những miếng tôm thơm ngon đã găm sẵn ở nĩa.
“Ngon chứ cô?”
“Tuyệt vời!”. Nàng nâng ly. “Chúc sức khỏe bác, bác Alphonse!”
Alphonse trịnh trọng cụng ly với nàng và chậm rãi cạn ly. Tôi nhìn nàng. Tôi muốn giá nàng uống thứ gì không có hơi men thì hơn. Nàng cảm thấy ánh mắt tôi.
“Chúc anh, Robby!”, nàng nói.
Trông nàng tuyệt đẹp, hoàn toàn rạng rỡ và hớn hở. “Chúc em, Pat”, tôi nói và cạn ly của mình.
“Ở đây thú tuyệt, phải không?”, nàng hỏi, mắt vẫn nhìn tôi.
“Tuyệt vời!”, tôi lại rót rượu cho mình. “Chúc sức khỏe em, Pat!”
Một tia sáng thoáng hiện trên mặt nàng. “Chúc anh, Robby! Chúc anh, Gottfried!”. Chúng tôi uống. “Vang ngon đấy.”, Lenz nói.
“Loại Graacher Abtsberg cất từ năm ngoái” Alphonse bảo. “Tôi mừng thấy cậu biết thưởng thức”.
Bác lấy ở liễn con tôm thứ hai và chìa cho Pat cái càng đã lột vỏ.
Nàng từ chối. “Bác phải ăn con ấy đi, bác Alphonse. Nếu không, bác chẳng được gì vào bụng cả”.
“Để lát nữa. Gì chứ, khoản này tôi nhanh hơn mọi người nhiều”.
“Thế thì được”. Nắng cầm lấy cái càng tôm. Alphonse tươi rói vì hài lòng và tiếp tục chăm bẵm nàng. Trông bác chẳng khác gì một con cú già đồ sộ đang móm mồi cho một chú chim non trắng nhỏ xinh.
Cuối cùng, cả bọn cùng cạn một ly Napoleon nữa, rồi chia tay với bác Alphonse. Pat tỏ vẻ sung sướng. “Tuyệt vời!”, nàng nói. “Cám ơn bác nhiều lắm, bác Alphonse. Quả thật là tuyệt vời!”. Nàng chìa tay cho bác Alphonse lẩm bẩm gì đó và hôn tay nàng. Lenz kinh ngạc đến mức mắt chực rơi khỏi tròng. “Đến luôn nhé”, Alphonse nói. “Cả cậu nữa. Gottfried!”
Bên ngoài, chiếc Citroen đứng nhỏ thó và lạc lõng dưới ngọn đèn đường.
“Ồ”, Pat nói và đứng sững lại. Mặt nàng khẽ giật giật.
“Tôi đã đặt tên cho chiếc xe là Hercules sau thành tích hôm nay của cu cậu!”. Gottfried mở cửa xe. “Tôi đưa hai người về nhà nhé?”
“Không”, Pat nói.
“Tôi cũng nghĩ thế. Ta đi đâu bây giờ?”
“Tới tiệm rượu. Hay là thôi, anh Robby?”. Nàng quay lại tới.
“Tất nhiên”, tôi nói, “tất nhiên ta còn ghé tiệm rượu”.
Chúng tôi cho xe chạy rất chậm qua các phố. Trời ấm và trong. Trước các quán cà phê đầy người ngồi. Tiếng nhạc vẳng tái. Pat ngồi bên tôi. Bỗng tôi không thể tin rằng nàng thực sự đang ốm, cả người tôi nóng ran, nhưng trong giây lát tôi vẫn không sao nhìn nhận nổi điều đó.
Vào tiệm, chúng tôi gặp Ferdinand và Valentin. Ferdinand đang rất hớn hở. Anh đứng dậy chạy ra đón Pat.
“Nữ thần Diana”, anh nói, “từ những cánh rừng trở về…”
Nàng mỉm cười. Anh đưa tay quàng vai nàng. “Hỡi nữ thần săn bắn rám nâu và can đảm với cây cung bạc… ta uống gì đây?”
Gottfried hất tay Ferdinand ra. “Những kẻ vô thần không biết tế nhị là gì”, cậu ta nói. “Cô đây có hai người đàn ông tháp tùng rồi, anh không nhận thấy sao, hở đồ bò rừng ương ngạnh?”
“Những kẻ lãng mạn chỉ lẽo đẽo theo sau… chứ có bao giờ được tháp tùng”. Grau không nao núng vặc lại.
Lenz toét miệng cười, rồi quay sang Pat. “Bây giờ tôi sẽ pha cho chị một thứ đồ uống đặc biệt. Cocktail Kolibri. Đặc sản của Brasil”.
Cậu ta đến quầy rượu, pha trộn đủ thứ linh tinh, rồi bưng loại cocktail ấy lại.
“Thế nào?”. Cậu ta hỏi.
“Hơi nhẹ, mặc dù là của Brasil”, Pat đáp. Gottfried cười. “Thế mà nặng lắm đấy. Pha từ vodka và rum, chứ chơi đâu”.
Thoáng nhìn tôi cũng biết là trong ấy chẳng có cả vodka lẫn rum… – Đó là nước quả ép, nước chanh, cà chua và có lẽ thêm một giọt men rượu. Một thứ cocktail không rượu. Nhưng đội ơn Chúa. Pat chẳng nhận ra.
Nàng uống liền ba ly lớn Kolibri, và tôi thấy nàng khoan khoái vì không bị cư xử như một người ốm. Nửa giờ sau, cả bọn ra về, trừ Valentin ngồi lại. Lenz đã sắp đặt như vậy. Cậu ta ấn Ferdinand vào chiếc Citroen rồi rồ máy chạy. Như thế sẽ tạo cảm tưởng Pat và tôi không về sớm hơn những kẻ khác. Tất cả thật đáng xúc động, nhưng dẫu sao, trong giây lát, tôi cảm thấy sao mà khốn khổ.
Pat khoác tay tôi. Nàng bước đi duyên dáng, uyển chuyển bên tôi, tôi cảm nhận hơi ấm của bàn tay nàng, thấy ánh đèn đường lướt trên gương mặt linh hoạt của nàng… Không, tôi không sao hiểu được là nàng ốm, tôi có thể hiểu điều đó suốt ngày dài, nhưng tối đến thì không, khi cuộc sống êm dịu hơn, ấm áp hơn và chứa chan hứa hẹn…
“Ta ghé lại nhà anh chơi chút nhé?”, tôi hỏi.
Nàng gật đầu.
Hành lang nhà trọ để đèn. “Quái quỷ”, tôi nói. “chuyện gì thế không biết? Đợi anh một lát”.
Tôi mở cửa ngó vào. Hành lang trơ trọi được chiếu sáng như một con đường nhỏ ven đó. Cửa buồng bà Bender mở toang, trong đó cũng sáng đèn. Như một con kiến đen nhỏ, ông Hasse dò dẫm ở cuối hành lang, ông gò lưng vác một cây đèn đứng có chụp bằng lụa hồng, ông đang dọn phòng.
“Chào bác”, tôi nói. “Bác dọn muộn thế?”
Ông ngẩng bộ mặt xanh xao có hàng ria mép mềm thẫm màu. “Tôi vừa ở sở về cách đây một giờ. Mà chỉ tối đến tôi mới có thời gian rảnh để dọn”.
“Thế bác gái không có nhà sao?”
Ông lắc đầu. “Ba ấy đi thăm một bà bạn. Thật may phúc mà giờ bà ấy có một bà bạn để quấn quýt”.
Ông mỉm một nụ cười chất phác, hài lòng và tiếp tục lê bước.
Tôi đón Pat vào. “Theo anh, tốt hơn là chúng mình đừng bật đèn, ý em thế nào?” vào buồng rồi, tôi hỏi.
“Bật chứ, anh yêu. Một tẹo thôi, rồi anh lại tắt cũng được”.
“Em là một kẻ tham lam vô độ”, tôi nói, đành để bộ ghế nhung đỏ lòe loẹt hiện nhanh dưới ánh đèn sáng trưng, rồi vội tắt ngay.
Cửa sổ mở, từ đám cây cối ngoài kia không khí tươi mát ban đêm phà vào như lùa về từ rừng.
“Thích ghê”, Pat nói và ngồi lên góc bậu cửa sổ.
“Em thích nơi đây thật à?”
“Vâng, anh Robby. Như ở giữa một công viên mênh mông trong mùa hạ. Đẹp tuyệt”.
“Ban nãy đi ngang em có nhìn thử gian phòng bên không?”
“Không, sao cơ?”.
“Đấy, bên trái, cái ban công rộng, tráng lệ kia thuộc phòng ấy đấy. Nó hoàn toàn thoáng đãng, không có vật chắn trước mặt. Nếu giờ em ở đây, em sẽ chẳng bao giờ cần đến bộ áo tắm để tắm nắng”.
“Vâng, nếu em ở đây…”
“Em có thể ở đây”, tôi nói nhẹ nhàng. “Em đã thấy là vài ngày tới gian phòng ấy sẽ trống”.
Nàng nhìn tôi, mỉm cười. “Anh cho rằng như vậy sẽ hay cho hai ta sao? Lúc nào cũng kè kè bên nhau?”
“Chúng mình sẽ chẳng kè kè bên nhau chút nào”, tôi đáp. “Cả ngày anh hầu như không có nhà. Buổi tối cũng thường vắng mặt. Nhưng nếu chúng mình đã ở bên nhau, chúng mình không cần phải ngồi la cà ở các tiệm hay lúc nào cũng vội vội vàng vàng chia tay, cứ như chỉ đến để thăm nhau vậy”.
Nàng hơi cựa mình trong góc cửa. “Nghe thì tưởng như anh đã cân nhắc kỹ lưỡng lắm, anh yêu ạ”.
“Mà đúng thế”, tôi nói. “Anh đã nghĩ suốt buổi tối”.
Nàng đứng thẳng dậy. “Anh nói thật sự nghiêm chỉnh đấy chứ, anh Robby?”
“Trời đất ơi, thật mà”, tôi nói, “em vẫn cứ chưa nhận ra sao?”
Nàng nín lặng một lát. “Robby”, đoạn nàng lên tiếng, giọng nàng còn trầm hơn trước, “sao anh lại nảy ý nghĩ đó vào chính lúc này?”
“Anh nảy ý đó”, tôi đáp, hăng hái hơn là tôi muốn, vì tôi bỗng cảm thấy đây là giây phút quyết định nhiều thứ lắm chứ không chỉ chuyện gian phòng, “anh nảy ý đó, vì mấy tuần qua anh đã thấy: được hoàn toàn bên nhau tuyệt diệu biết bao! Anh không chịu đựng nổi những cuộc gặp gỡ chớp nhoáng nữa! Anh muốn ở em nhiều hơn thế! Anh muốn lúc nào em cũng bên anh, anh đã mất hứng chơi cái trò hú tim tinh khôn của tình yêu, anh chán ghét nó, anh cần gì nó, anh chỉ muốn có em thôi, lúc nào cũng em, em không bao giờ là đủ với anh, và anh không muốn để mất một phút nào bên em”.
Tôi nghe tiếng nàng thở. Nàng ngồi trong góc cửa sổ, hai tay bó gối, và lặng im. Ánh sáng đỏ từ những tấm biển đèn quảng cáo đằng sau đám cây phía đối diện dần lập lòe lên cao, hắt ánh phản chiếu mờ mờ lên đôi giầy sáng màu của nàng. Đoạn nó lướt trên váy và đôi tay nàng. “Em cứ việc cười nhạo anh”, tôi nói.
“Cười nhạo gì?”, nàng đáp.
“Thế đấy, vì lúc nào anh cũng nói: anh muốn suy cho cùng, em phải có ý muốn của em chứ”.
Nàng ngước nhìn. “Anh có biết là anh đã thay đổi rồi không, anh Robby?”
“Không”.
“Có đấy. Tự anh chả nói ra là gì. Anh muốn. Anh không hỏi làm gì nữa. Anh muốn, có vậy thôi”.
“Đó chưa phải sự thay đổi gì ghê gớm. Em vẫn có thể bảo rằng không, dù anh có muốn đến đâu”.
Nàng bỗng cúi mình về phía tôi. “Tại sao em lại phải bảo rằng không, hở Robby”, nàng nói giọng hết sức dịu dàng, ấm áp, “em cũng muốn mà…”
Tôi ngạc nhiên ôm lấy vai nàng. Tóc nàng mơn trớn trên mặt tôi. “Thật không, Pat?”
“Thật chứ, anh yêu”.
“Trời đất”, tôi nói, “thế mà anh cứ hình dung phải khó hơn nhiều”.
Nàng lắc đầu “Cái đó chỉ tùy ở anh, anh Robby…”
“Anh cũng gần tin như vậy”, tôi sửng sốt nói.
Nàng choàng tay lên gáy tôi. “Đôi khi không phải suy nghĩ gì mà lại hay. Không cần làm lấy mọi việc. Có thể dựa dẫm. Ôi, anh yêu, thực ra tất cả đều hết sức dễ dàng; chỉ có điều ta đừng tự làm khổ mình”.
Tôi phải nghiến răng một lát. Chính nàng lại nói với tôi điều đó! “Đúng vậy”, đoạn tôi bảo, “đúng vậy, Pat à”. Điều nàng nói chẳng đúng tí nào.
Chúng tôi còn đứng hồi lâu bên cửa sổ. “Ta sẽ chuyển toàn bộ đồ đạc của em về đây”, tôi nói “Ở đây em sẽ không thiếu thứ gì. Thậm chí chúng mình sẽ sắm một bàn trà có bánh xe. Frida sẽ làm quen với nó”.
“Chúng mình có rồi thôi, anh yêu. Bàn đó là của em”.
“Thế càng hay. Ngay ngày mai anh sẽ tập cho Frida đẩy”.
Nàng tựa đầu vào vai tôi. Tôi nhận thấy nàng mệt. “Anh nên đưa em về nhà bây giờ chăng?”, tôi hỏi.
“Vâng, ngay bây giờ. Em chỉ ngả lưng thêm lát nữa”.
Nàng nằm yên trên giường, không nói, tuồng như đã ngủ. Nhưng nàng mở mắt, trong đó thỉnh thoảng in ánh phản chiếu của đèn quảng cáo, tỏa những quầng sáng phương bắc sặc sỡ lặng lẽ lướt trên tường, trên trần nhà. Bên ngoài đã im ắng. Chốc chốc vẳng sang tiếng Hasse hì hụi với những gì còn sót lại từ bao niềm hy vọng, từ cuộc sống gia đình, và có lẽ từ cả cuộc đời của ông.
“Em nên ở lại luôn”, tôi nói.
Nàng nhỏm dậy. “Hôm nay thì không, anh yêu…”
“Anh ước gì em ở lại…”
“Mai…”
Nàng đứng dậy và khe khẽ bước qua căn buồng tôi. Tôi nhớ lại cái ngay nàng ở lại với tôi lần đầu, trong cảnh tờ mờ sáng, nàng cũng lặng lẽ đi qua căn buồng như thế, để mặc quần áo. Tôi không biết đó là cái gì, nhưng bước đi ấy chứa đựng một chút gì đương nhiên tới mức cảm động, một chút gì gần khiến ta bàng hoàng, nó như dáng điệu của những thời đã bị chôn vùi, hết sức xa xưa, như sự tuân theo một lời răn không ai còn biết tới. Từ trong bóng tối, nàng trở lại với tôi, đưa tay ôm lấy mặt tôi. “Vừa rồi ở bên anh em sung sướng lắm. Rất sung sướng. Em hạnh phúc vì có anh”.
Tôi không đáp. Tôi không sao đáp lời nàng được.
Tôi đưa nàng về nhà rồi trở lại tiệm rượu. Koster có đấy. “Ngồi xuống đây”, cậu ta bảo. “cậu khỏe chứ?”
“Cũng thường thường, Otto ạ”.
“Cậu uống chút gì nhé?”
“Mình đã uống thì phải uống rất nhiều. Mà mình không muốn thế. Cũng phải có lúc biết nhịn. Nhưng mình nghĩ ra việc khác để làm rồi. Gottfried đang chạy tắcxi đấy a?”
“Không”
“Hay. Nếu thế mình sẽ chạy vài giờ”.
“Mình xuống nhà xe với cậu”, Koster nói.
Tôi đánh xe ra và từ biệt Koster. Đoạn tôi chạy đến bến. Trước mặt tôi, hai xe đã đậu sẵn. Sau đó thêm Gustave và Tommy, anh chàng diễn viên. Rồi cả hai xe kia rời bến, và chỉ lát sau tôi cũng có khách. Một thiếu nữ trẻ muốn đến tiệm Vineta.
Vineta là một tiệm nhảy bình dân với máy điện thoại đặt trên bàn, với trạm chuyển bưu phẩm chạy bằng khí và những thứ đại loại thu hút dân tỉnh lẻ. Tiệm nằm hơi cách biệt với các tiệm khác, trong một đường phố tối tăm.
Chúng tôi dừng xe. Cô thiếu nữ lục lọi trong cái sắc nhỏ của mình và chìa cho tôi một tờ năm chục mác. Tôi nhún vai: “Tiếc là tôi không đổi ra tiền lẻ được”.
Tay gác cổng đến gần. “Bao nhiêu cả thảy?” thiếu nữ hỏi.
“Một mác bảy”.
Cô ta quay sang tay gác cổng. “Anh trả giùm tôi được không? Đi nào, tôi sẽ đưa tiền cho anh ở quầy”.
Tay gác cổng mở cổng, rồi theo cô thiếu nữ vào quầy. Lát sau hắn quay ra “Đây…”
Tôi đếm lại “Sao chỉ có mác rưỡi…”
“Đừng có nói nhảm, hay đằng ấy còn quá hơn hả? Hai chục xu thuế cho gác cổng. Thôi cút!”
Có những nơi người ta cho tiền gác cổng. Nhưng chỉ cho trong trường hợp hắn ta kiếm khách hộ, đằng này mình chở khách đến. “Đây không non đến thế đâu”, tôi nói, “đây phải nhận đủ một mác bảy mươi”.
“Tao thì thoi cho vỡ mõm bây giờ”, hắn gầm lên “Của nợ, khôn hồn cuốn xéo mau, ở chốn này tao dày mặt hơn mày nhiều”.
Tôi không tiếc gì hai chục xu. Có điều tôi không thích để mình bị mắc lỡm. “Đừng già mồm, đưa nốt tiền đầy”, tôi nói.
Tên gác cổng ra đòn nhanh tới mức tôi không kịp đỡ. Mà tránh cũng không thể được vì tôi đang ngồi trong xe. Đầu tôi va vào tay lái. Choáng váng, tôi gượng ngồi dậy. Tai ù như khua trống, máu mũi giỏ ra. Tên gác cổng đứng án trước tôi.
“Thêm cú nữa chứ, đồ xác ướp?”
Trong tích tắc, tôi cân nhắc thời cơ của mình. Không thể làm gì được. Thằng cha khỏe hơn tôi: Muốn hạ hắn, phải chơi đòn bất ngờ. Từ trong xe đánh ra thì không ăn thua, làm gì có đá. Còn chờ tới lúc tôi bò được khỏi xe thì hắn đủ cho tôi đo ván ba lần. Tôi nhìn hắn. Hắn phà hơi bia vào mặt tôi. “Tao chỉ trở tay lần nữa, vợ mày thành gái góa”.
Tôi nhìn hắn. Tôi không nhúc nhích. Tôi ngó trân trân vào bộ mặt khỏe mạnh, to bè ấy. Tôi nhìn như muốn nuốt tươi nó. Tôi biết phải đánh vào đâu, tôi tức đến bầm gan tím ruột. Nhưng tôi vẫn ngồi im. Tôi thấy bộ mặt ấy quá gần, quá rõ, như qua một lớp kính phóng đại, to tướng, rõ từng sợi râu rễ tre, lớp da thô giãn chân lông, đỏ tía…
Một chiếc mũ cảnh sát lóe sáng. “Chuyện gì thế này?”
Tên gác cổng làm bộ mặt khúm núm. “Chuyện gì đâu, thưa ngài hạ sĩ”.
Viên cảnh sát nhìn tôi. “Không có chuyện gì” tôi nói.
Ông ta đưa mắt từ tên gác cổng sang tôi. “Anh chảy máu mà”.
“Tôi bị va đầu”.
Tên gác cổng lùi lại một bước. Một nụ cười khoái trá ánh lên trong mắt hắn. Hắn ngỡ tôi không tố cáo hắn vì sợ.
“Thôi, cho xe đi đi”, viên cảnh sát bảo.
Tôi nhấn ga, trở lại bến.
“Quỷ ạ, trông cậu sao lạ thế?”,Gustave nói.
“Chả là tại cái mũi”, tôi đáp, đoạn thuật lại câu chuyện.
“Theo tớ vào quán”. Gustave bảo. “Tớ từng là cai quân y viện chứ đùa đâu. Quân chó má, ai lại đánh người đang ngồi”.
Anh lôi tôi vào bếp nha quán, hỏi xin nước đá và loay hoay với tôi suốt nửa tiếng “Cậu sẽ không bị một vết bầm nào”, anh tuyên bố.
Mãi rồi anh cũng xong. “Sao, còn cái đầu thế nào? Không hề gì, hả? Giờ tụi ta sẽ không bỏ phí thời gian”.
Tommy vào “Thằng gác cổng hộ pháp của tiệm vineta chứ gì? Thằng ấy hay đánh người có tiếng. Tiếc rằng nó chưa từng bị xơi cú ù tai, hoa mắt nào”.
“Giờ nó sẽ được nếm mùi”, Gustave nói.
“Đúng, nhưng bởi tay tôi”, tôi đáp.
Gustave nhìn tôi vẻ không hài lòng. “Chờ tới lúc cậu chui ra khỏi xe thì…”
“Tôi đã nghĩ được một kế. Nếu không thành, anh vẫn có thể xáp vô cơ mà”.
Tôi chụp mũ của Gustave lên đầu, chúng tôi lấy cả xe của anh, để tên gác cổng không đánh hơi ngay thấy con mồi. Đằng nào hắn cùng chẳng thể trông rõ, phố ấy tối lắm.
Chúng tôi tới nơi. Phố vắng không một bóng người Gustave nhảy xuống xe, tay cầm tờ hai chục mác.
“Mẹ kiếp, không có tiền lẻ! Này gác cổng, anh đổi được không? Một mác bảy à? Anh trả giùm cho bác tài nhé”.
Gustave làm như đang đi về phía quầy. Tên gác cổng vừa ho, vừa lại gần, dúi cho tôi một mác rưỡi. Tôi vẫn cứ chìa tay ra.
“Xéo đi…” hắn gầm.
“Nôn ngay tiền thừa ra, đồ chó ghẻ!” tôi thét.
Một tích tắc, hắn đứng như hóa đá “Thằng khốn”, đoạn hắn nói khẽ và thè lưỡi liếm môi, “mày sẽ còn hối hàng tháng ròng!” Hắn lấy đà. Cú ấy mà trúng, khéo tôi lăn quay bất tỉnh. Nhưng tôi đã thủ thế, tôi xoay người, chúi xuống, quả đấm cực mạnh giáng trúng cái vuốt thép sắc nhọn của cái tay quay mà tay trái tôi ngắm giơ ra đón sẵn. Tên gác cổng rú lên, nhảy lùi lại, vẫy tay lia lịa. Hắn đau đớn xuýt xoa như một cái máy phì hơi và đứng trơ ra đó, không chút thủ thế.
Tôi vọt khỏi xe. “Mày nhận ra tao chứ?”, tôi thét, thoi cho hắn một cú vào dạ dày.
Hắn ngã lăn chiêng. “Một”, Gustave từ quầy vé quay ra, bắt đầu đếm. “Hai… ba…”
Đến năm, tên gác cổng đờ đẫn gượng đứng dậy. Tôi lại thấy trước mắt bộ mặt của hắn, y hệt lần trước, hoàn toàn rõ ràng, cái bộ mặt khỏe mạnh, to bè, đần độn, đê tiện này, cái thằng cha lành lặn, lực lưỡng, vai u thịt bắp này, cái con lợn chắc chẳng bao giờ mắc chúng lao phổi này, và đột nhiên tôi thấy máu bốc lên đầu, lên mắt, tôi lao tới, nện như băm như bổ, trút tất cả những gì tích tụ trong tôi suốt những ngày qua, suốt những tuần qua, lên cái bộ mặt sung sức, to bè, kêu be be ấy, cho tới lúc tôi bị lôi ra…
“Khỉ ạ, khéo cậu đành chết hắn…”, Gustave kêu.
Tôi nhìn xung quanh. Tên gác cổng tựa lưng vào tường, máu me đầm đìa. Hắn quỵ người, đã sụm xuống, và bắt đầu chậm chạp bò về phía cửa như một con sâu khổng lồ, lấp lánh trong bộ đồng phục.
“Hắn sẽ chừa thói hay gây gổ”, Gustave nói. “Nhưng phải chuồn cho mau trước khi có người tới! Tội đánh người trọng thương chứ đùa đâu”.
Chúng tôi quăng tiền xuống vệ đường, lên xe phóng đi.
“Tôi cũng chảy máu à?”, tôi hỏi, “hay là máu tên gác cổng?”
“Lại cái mũi của cậu đấy”, Gustave đáp. “Hắn đã giáng xuống đó một cú trái rất đẹp mắt”.
“Tôi không hề nhận thấy”.
Gustave cười.
“Anh biết không”, tôi nói, “giờ tôi cảm thấy nhẹ hẳn người”.