Ba Người Bạn

CHƯƠNG 19



Tôi đứng trên bãi đỗ xe và chờ đợi. Gustave lái xe tới, xếp hàng sau xe tôi. “Con cún cà tàng ấy ra sao, hở Robert?”, anh hỏi.
“Nó khỏe cực”, tôi nói.
“Còn cậu?”
Tôi chán ngán phẩy tay. “Tôi cũng khỏe cực nếu kiếm được khá tiền hơn. Anh hình dung xem, suốt hôm nay được độc hai chuyến khách năm chục xu”.
Anh gật đầu. “Càng ngày càng tệ. Cái gì cũng chỉ tệ đi. Chẳng biết rồi sẽ đến nước nào nữa!”
“Trong khi lẽ ra tôi nhất thiết phải kiếm ra tiền!”, tôi nói “Chính lúc này! Thật nhiều tiền”.
Gustave gãi gãi cằm. “Nhiều tiền!”. Đoạn anh nhìn tôi. “Cứ đứng đắn thì chẳng hớt đâu ra lắm chất màu, Robert ạ. Chỉ bằng cách đầu cơ. Hay ta thử góp vốn đánh cá xem sao? Hôm nay có cuộc đua. Mình biết một hộp đánh cá thượng hạng. Mới đầu mình vừa được cá cho con Aida, một ăn hai mươi tám”.
“Làm gì cũng được. Cơ bản là phải gặp may”.
“Cậu đã cá cược bao giờ chưa?”
“Chưa”.
“Thế thì tay cậu thiêng lắm. Có thể xoay xở được”. Anh xem đồng hồ. “Ta đi thôi chứ? Còn vừa kịp”.
“Thì đi!”. Kể từ vụ con chó, tôi đặc biệt tin tưởng Gustave.
Hộp cá cược là một gian phòng khá rộng. Bên phải ngăn một quầy bán xì gà, bên trái đặt chiếc máy cộng. Trong ô kính treo đầy các tờ báo thể thao xanh xanh đỏ đỏ và những tờ đánh máy thông báo tin tức các cuộc đua. Mé tường kê một quầy gỗ chạy dài với vài cái giá để viết. Sau quầy, ba người đàn ông đang tất bật. Một người mải gào vào ống nói điện thoại, một người khác lăng xăng hết dầu nọ sang đầu kia với những xấp phiếu trong tay, người thứ ba – chiếc mũ ống hất ra sau gáy, điếu xì gà Brasil to, đen, nát nhừ lăn đi lăn lại giữa hai hàm răng, không áo khoác ngoài tay áo xắn ngược – đứng sau quầy ghi các khoản đặt cược. Chiếc áo sơ-mi của gã màu tím gắt.
Sự tấp nập quá độ nơi đây khiến tôi sửng sốt. Phần đông thuộc giới bình dân, thợ thủ công, thợ thuyền, công chức nhỏ, vài ả điếm, mấy thằng ma cô. Một lão đi đôi ghệt xám bẩn thỉu, đội mũ ống xám, áo đuôi tôm rách tươm, giữ chúng tôi lại ngay từ cửa. “Von Bieling, cá chứ, các ông? Ăn chắc trăm phần trăm!”
“Lên trăng mà cá với cuội”, Gustave đáp, thoạt bước vào đây nét mặt anh đã đột nhiên hoàn toàn đổi khác.
“Năm mươi xu thôi mà”, Bieling nài nỉ. “Tôi quen thân với đám huấn luyện. Từ trước”, gã vội thêm khi bắt gặp ánh mắt tôi.
Gustave đã đang nghiên cứu danh sách ngựa đua. “Bao giờ con Auteuil ra trường đua?”, anh gọi với vào quầy.
“Năm giờ”, gã phụ việc càu nhàu.
“Philomene, cái con thổ tả trứ danh này”. Gustave lẩm bẩm. “Con ngựa cỡ quốc gia trên đường đua trũng” Anh xúc động đến vã mồ hôi. “Thế con tới là con nào?”
“Ruộng Hoa Bia”, ai đó nói bên cạnh anh.
Gustave lại nghiên cứu. “Mở đầu, mỗi đứa mình đặt hai xèng, cá con Tristan thắng”, anh bảo tôi.
“Anh biết đôi chút về khoản này chứ?”, tôi hỏi.
“Biết thôi à? Mình thuộc mông từng con ngựa một ấy chứ”.
“Thế mà lại đi cá cho con Tristan?”, ai đó nói bên tai chúng tôi. “Bé Liz Chăm Chỉ sẽ là vận may duy nhất đó, ông ơi! Tôi quen Johnny Burns mà”.
“Còn tôi”, Gustave độp lại, “tôi chính là ông chủ chuồng của con Liz Chăm Chỉ. Tôi còn biết rõ hơn ông”.
Anh réo số tiền đặt cược của chúng tôi với gã đàn ông bên quầy. Chúng tôi nhận một tấm phiếu và lên trước ngồi trong một khoảnh có kê dăm bộ bàn ghế. Bên tai chúng tôi vang lên đủ mọi thứ tên. Vài anh thợ bàn tán về bầy ngựa đua ở Nice, hai chú đưa thư nghiên cứu tin dự báo thời tiết Paris, và một bác xà ích khoe khoang cái thời bác ta đánh xe đua nước kiệu. Duy một gã đàn ông to béo, tóc dựng chân hương, là ngồi thản nhiên bên bàn, chén hết chiếc bánh mì con này sang chiếc bánh mì con khác. Hai người khác đứng dựa tường hau háu nhìn vào. Cả hai đều cầm phiếu trong tay, nhưng mặt mũi tiều tụy như thể đã phải nhịn đói mấy ngày ròng.
Chuông điện thoại réo. Ai nấy đều dỏng tai lên. Gã phụ việc xướng tên các chú ngựa đoạt giải. Chẳng thấy nhắc nhỏm gì đến con Tristan cả. “Mẹ kiếp”, Gustave đỏ mặt nói. “Con Solomon thắng. Ai mà ngờ được? Ông chắc?”, anh giận dữ hỏi cái gã đã cá cho con Liz Chăm Chỉ.
“Ông cũng ở cuối danh sách: mãi tít đằng sau…”
Von Bieling xuất hiện giữa chúng tôi. “Thưa các ông, giá các ông chịu nghe tôi… hẳn tôi đã khuyên các ông cá cho con Solomon! Chỉ con Solomon thôi! Các ông muốn cá cuộc sau không?”
Gustave chẳng thèm để tai nghe lão. Anh đã trở lại bình tĩnh và đang mải mê bàn chuyện ngựa với gã Liz Chăm Chỉ.
“Ông có hiểu gì về ngựa không?”, Bieling hỏi tới.
“Hoàn toàn mù tịt”, tôi nói.
“Vậy ông hãy cá đi! Cá đi ông! Nhưng chỉ hôm nay thôi”, lão thì thào thêm, “và không bao giờ nữa. Ông cứ nghe tôi. Ông hãy cá… con nào cũng được… con Vua Lia, hay con Mối Bạc… có lẽ cả con L’Heure Bleue[13] nữa. Tôi không định kiếm chác gì. Nếu ông thắng, chỉ xin ông một chút gọi là”. Cái máu cá cược khiến cằm lão run lên. Chơi pôker nhiều, tôi biết: những kẻ mới nhập cuộc thường thắng. “Được”, tôi nói, “con nào đây?”
“Xin tùy ông… tùy ông chọn…”
“L’Heure Bleue nghe chẳng đến nỗi dở”, tôi nói, “nào thì đặt mười mác cho con L’heure bleue”.
“Cậu điên đấy à?”, Gustave hỏi.
“Không”, tôi nói.
“Mười xèng cho cái con ngựa khổ mà lẽ ra phải mổ thịt làm xúc xích từ đời nào ấy ư?”
Gã Liz Chăm Chỉ vừa nãy còn bị Gustave chửi là quân lột da thú, giơ phồng má vào hùa với anh. “Lại thế nữa! Ai đời đi cá cho con Laura Blaue[14]! Đó là một con bò cái chứ đâu phải ngựa, thưa ông! Hễ muốn, con Giấc Mộng Tháng Năm chỉ cần chạy hai chân cũng đủ xơi tái nó! Cược thắng ư?”
Bieling nhìn tôi cầu khẩn và ra hiệu cho tôi.
“Thắng”, tôi nói.
“Chết mẹ anh đi”. Gã Liz Chăm Chỉ lẩm bầm vẻ khinh miệt.
“Quỷ ạ!”. Cả Gustave cũng nhìn tôi như thể tôi đã hóa thành một thằng mọi. “Cá cho Gypsy II, đến đứa hài nhi còn nằm trong bụng mẹ cũng biết thế”.
“Tôi nhất quyết trung thành với con L’heure bleue”, tôi tuyên bố. Bây giờ mà còn thay đổi thì thật là đi ngược lại mọi luật lệ huyền bí của những kẻ phiêu lưu mạo hiểm.
Người đàn ông mặc sơ-mi tím đưa phiếu cho tôi, Gustave và gã Liz Chăm Chỉ nhìn tôi như thể tôi mắc bệnh dịch hạch. Họ xa lánh tôi ra mặt, cùng xô lại quầy, để vừa bật ra những tràng cười mai mỉa, trong đó vẫn ẩn giấu sự lánh phục lẫn nhau giữa các nhà chuyên gia, vừa đặt cược cho con Gypsy II và con Giấc Mộng Tháng Năm.
Đúng lúc ấy có người té xỉu. Đó là một trong hai con người hom hem đứng bên bàn khi nãy. Anh ta truội dần dọc xuống tường và ngã cái huỵch. Hai chú đưa thư xốc anh ta dậy, đặt ngồi lên một chiếc ghế. Mặt anh ta xám xanh. Miệng há hốc.
“Ôi trời!”, một ả điếm kêu lên, ả người đẫy đà, tóc đen mượt, trán thấp, “Ai đi lấy hộ một cốc nước nào”.
Tôi lấy làm lạ vì chẳng mấy người quan tâm đến kẻ đang bất tỉnh ấy. Phần đông chỉ đưa mắt liếc qua, rồi lại chúi vào cá cược. “Chuyện ấy lúc nào chẳng có”, Gustave nói. “Những kẻ thất nghiệp. Đánh cá đến đồng xu cuối cùng. Bao giờ cũng rình rập một món tiền rõ to, mười ăn cả ngàn”.
Bác xà ích từ quầy xì gà đi ra với một cốc nước. Ả điếm tóc đen nhúng chiếc khăn tay của ả vào đó rồi lau trán, lau thái dương cho người đàn ông. Anh ta thở dài, và đột nhiên mở mắt. Có một cái gì hết sức ghê sợ khi đôi mắt bỗng lặng lẽ hiện về trên bộ mặt đã tắt ngắm sự sống… tuồng như một kẻ xa lạ nào khác đang tò mò và lạnh lùng nhìn ra hai kẽ nứt của một cái mặt nạ xám xanh, bất động.
Ả con gái cầm cốc nước cho người đàn ông uống. Ả nâng anh trong cánh tay như nâng một đứa trẻ. Đoạn ả với lấy một chiếc bánh mì con trên bàn của cái gã tóc rễ tre lúc này vẫn đang thản nhiên nhai nhồm nhoàm. “Nào ăn đi… nhưng từ từ thôi, từ từ thôi… khéo không, ngoạm đứt ngón tay tôi…; thế, bây giờ làm ngụm nước nữa…”
Gã đàn ông ngồi ở bàn liếc theo cái bánh của mình, nhưng không nói gì. Kẻ đói lả dần lấy lại thần sắc. Anh ta ăn thêm vài miếng rồi loạng choạng đứng lên. Ả điếm dìu anh ta ra tận cửa. Đoạn ả lén nhìn nhanh ra sau và mở ví. “Đây… giờ thì biến đi, kiếm cái mà chén thay vì cá cược…”.
Một trong những thằng ma cô nãy giờ xây lưng lại ả, quay người lại. Hắn có bộ mặt của loài ác điểu, tai vểnh, diện giầy da sơn, mũ vải thể thao.
“Mày cho nó cái gì hả?”, hắn hỏi.
“Vài xu ranh”.
Hắn thúc cùi tay vào ngực ả. “Hẳn nhiều hơn thế! Lần sau phải hỏi tao!”
“Thôi đừng sinh sự nữa, Ede”, một tay khác ngăn. Ả điếm lôi hộp phấn ra, ả tô lại môi. “Tao nói không sai”, Ede đáp.
Ả điếm chẳng nói chẳng rằng.
Điện thoại réo chuông. Mải quan sát Ede, tôi không để ý. “Thế mới gọi là vớ bở lợn béo chứ!” bỗng tôi nghe Gustave nói oang oang. “Thưa quý vị, còn hơn lợn béo nữa, hắn ta vớ được một ổ lợn khổng lồ với hai chục chú éc con!”. Anh vỗ vai tôi. “Cậu đã xoáy được một trăm tám chục xèng, mẹ kiếp! Con nghẽo có cái tên nực cười của cậu đã lập nên công trạng!”
“Sao, thật không?”, tôi hỏi.
Cái tay ngậm xì gà diện chiếc sơ-mi sặc sỡ gật đầu cay cú, rồi cầm lấy tấm phiếu của tôi. “Ai gà cho ông vậy?”
“Tôi ạ”, Bieling vội nói với một nụ cười đầy trông đợi, khúm núm đến dễ sợ, đoạn lão len vào cúi mình chào. “Chính tôi, nếu ông cho phép… do chỗ tôi giao du…”
“Thôi đi, đồ khỉ…”. Tay chủ sòng không buồn nhìn lão, đếm tiền trả tôi. Cả gian phòng bỗng lặng lờ trong giây lát. Ai nấy đều nhìn. Thậm chí cái kẻ nhá bánh điềm nhiên kia cũng ngẩng đầu lên.
Tôi nhét những tờ giấy bạc vào túi. “Gượm đã!”, Bieling lào thào. “Gượm đã nào!”. Mặt lão nổi lên những vết đo đỏ. Tôi dúi vào tay lão mười mác. Gustave cười điệu, thụi sườn tôi, “Thấy chưa, đã bảo mà! Chỉ cần chịu nghe Gustave này là hái ra tiền!”
Tôi tránh không nhắc chàng binh nhất quân y thưở nào về con Gypsy II. Hẳn liền đó tự anh chợt nhớ. “Ta đi thôi”, anh nói, “hôm nay chẳng phải ngày lành cho các bậc sành sõi”.
Có kẻ chộp lấy tay áo tôi bên ngưỡng cửa. Thì ra là gã Liz Chăm Chỉ. “Ông sẽ cá cho con nào trong cuộc đua tưởng nhớ Maslowski sắp tới?”, gã hỏi vẻ kính cẩn, thèm thuồng.
“Cho con trời ơi đất hỡi”, tôi đáp và cùng Gustave sang quán rượu gần đó để cụng một ly mừng sức khỏe con L’Heure Bleue.
Một giờ sau, tôi đã lại thua ngóm mất ba chục mác. Không sao dừng được. Nhưng rồi tôi cũng thôi cá cược. Khi tôi đi ra, Bieling dúi cho tôi một mảnh giấy. “Phòng khi ông cần gì! Hoặc người quen của ông cần gì. Chả là tôi đại diện cho họ”. Đó là một tờ quảng cáo máy chiếu phim cỡ nhỏ dùng trong gia đình. “Tôi làm trung gian cho một hãng buôn quần áo cũ nữa đấy”, lão còn cố gọi với theo. “Trả tiền mặt!”
Bảy giờ, tôi quay xe về xưởng. Karl đứng trên sân, xả khói phành phạch. “Hay quá cậu đây rồi”, Koster reo, “tụi mình vừa định xuất hành, luyện thử chiếc Karl! Lên xe thôi”.
Cả hội đã tư thế sẵn sàng, khấp kha khấp khởi. Otto vừa tu sửa và thay đổi vài chi tiết cho chiếc Karl, chả là hai tuần nữa cậu ta sẽ cùng nó tham dự một cuộc đua đường núi. Đây sẽ là chuyến chạy thử đầu tiên.
Chúng tôi lên xe. Jupp ngồi chỉnh chện cạnh Koster, cặp kính đua to bự choán gần hết mặt. Không được đi theo chuyến này, khéo chú chàng vỡ tim mất. Lenz và tôi ngồi vào ghế sau.
Karl vọt đi, tung bụi mù mịt. Chúng tôi ra tới con đường ngoại ô dài, và chạy với tốc độ một trăm bốn mươi cây số giờ. Lenz và tôi rạp sát người xuống lưng hai ghế trước; gió mạnh tới mức tưởng như thổi bay cả đầu. Bạch dương hai bên đường lướt qua vun vút, bánh xe rít lên và tiếng động cơ tuyệt vời tựa tiếng thét mãnh liệt của tự do truyền vào khắp xương tủy chúng tôi. Mười lăm phút sau, trước mặt chúng tôi xuất hiện một chấm đen to lên rất nhanh. Đó là một chiếc xe hơi khá ì ạch, chạy với tốc độ khoảng từ tám chục đến một trăm cây số giờ. Nó chạy không lấy gì làm nghiêm, cứ lạng hết sang phải lại sang trái. Con đường thì hẹp. Vì thế Koster phải giảm tốc độ. Khi tốc độ xuống một trăm cây số giờ và chúng tôi toan bấm coi xin đường, trên con đường nhánh bên phải chợt xuất hiện một tay đi mô-tô đang tiến lại gần, và liền đó biến vào sau một hàng rào cây con trước ngã tư. “Thổ tả! Có chuyện rồi!”, Lenz kêu.
Đúng khoảnh khắc đó, chúng tôi lại thấy tay đi mô-tô xuất hiện trên đường, trước chiếc xe kia hai chục mét. Hình như anh ta coi nhẹ tốc độ của chiếc xe hơi, nên cố cua vòng vượt trước mũi nó. Chiếc xe hơi giật mạnh sang trái để tránh, nhưng chiếc mô-tô cũng trượt vút sang trái. Chiếc xe hơi lại nhoằng sang phải, chắn bùn quệt vào chiếc mô-tô, hất nhào nó. Tay lái mô-tô văng xuống mặt đường phía trước. Chiếc xe hơi trật ngang, không làm chủ được nữa, nó lao đổ mũi tên chỉ đường, húc gẫy cột đèn và đâm sầm vào một gốc cây.
Tất cả diễn ra trong tích tắc. Khoảnh khắc tiếp đó, chúng tôi đã lao tới gần với tốc độ còn khá cao, bánh xe kêu ken két. Koster phi chiếc Karl như một con ngựa vọt lên giữa người lái mô-tô, chiếc mô-tô và chiếc xe hơi mù khói nằm ngang đường, bánh xe bên trái suýt chẹt lên tay kẻ ngã mô-tô bên phải lướt sạt đuôi chiếc xe hơi, đoạn động cơ xe rú lên, Karl lại chạy theo đường thắng, tiếng phanh rít, tất cả trở nên im ắng. “Giỏi lắm, Otto”, Lenz nói.
Chúng tôi chạy trở lại, giật cửa xe ra. Động cơ vẫn nổ. Koster thò tay vào bảng đồng hồ, rút chìa khóa. Tiếng máy đang khò khè tắt lịm, tiếng người rên rỉ nổi lên.
Toàn bộ cửa kính của chiếc Limousine nặng nề đã vỡ vụn. Trong khoang xe tối lờ mờ, chúng tôi thấy một gương mặt đàn bà máu me lênh láng. Cạnh bà ta, một người đàn ông nằm kẹt giữa tay lái và ghế ngồi. Trước hết, chúng tôi xốc người đàn bà ra, đặt nằm trên mặt đường. Mặt bà ta đầy vết toạc, vài mảnh thủy tinh còn găm nguyên trên đó, nhưng máu vẫn tuôn ra đều đều. Tệ hơn nữa là cánh tay phải. Ống tay áo khoác trắng của bà ta giờ đỏ thắm, máu giỏ xuống thành giọt. Lenz cắt phanh ống tay áo. Một dòng máu trào ra, rồi lại giỏ đều đều. Mạch máu bị cứa đứt. Lenz xoắn chiếc khăn tay của mình thành một cái gạc. “Lôi người đàn ông ra đi, mặc mình xoay xở ở đây”, cậu ta nói. “Tụi mình phải nhanh chóng đến nhà thương gần nhất”.
Để lôi được người đàn ông ra, chúng tôi phải vặn rời lưng ghế xe. May mà chúng tôi mang theo đủ dụng cụ và tháo khá chóng vánh. Ông này cũng bị chảy máu, hình như còn bị gẫy vài cái xương sườn. Khi chúng tới dìu ông ta ra, ông ta rú lên một tiếng và đổ gục xuống. Đầu gối ông ta cũng bị chấn thương sao đó. Nhưng lúc này chúng tôi không thể làm gì hơn được.
Koster cho Karl lùi lại sát nơi xảy ra tai nạn. Người đàn bà rú lên khiếp đảm khi thấy chiếc xe đến gần, mặc dù nó lùi rất từ từ. Chúng tôi ngả lưng một chiếc ghế trước ra để có thể đặt người đàn ông nằm. Còn người đàn bà đặt ngồi ở ghế sau. Tôi ngồi cạnh bà ta, trên bậc lên ô-tô; phía bên kia, Lenz cũng ngồi như vậy giữ chặt người đàn ông. “Mày ở lại đây trông chiếc xe, nghe không Jupp”, Lenz nói.
“Quái, tay lái mô-tô biến đâu ấy nhỉ?”, tôi hỏi.
“Chuồn rồi, trong lúc tụi ta còn mải bận bịu”, Jupp giải thích.
Chúng tôi cho xe chạy chầm chậm, ở gần làng kế đó có một viện điều dưỡng nhỏ mà chúng tôi thường thấy khi đi ngang. Tòa nhà trăng trắng, thâm thấp trên một quả đồi. Theo chúng tôi biết, đó là một dạng viện điều đưỡng người điên của tư nhân dành cho đám bệnh nhân chớm bệnh, giàu có… nhưng thế nào ở đó chẳng sẵn một bác sĩ và một phòng băng bổ cấp cứu.
Chúng tôi trườn xe lên đồi và bấm chuông. Một cô y tá rất xinh đẹp đi ra. Trông thấy máu, cô ta tái mét mặt, ù té chạy vào. Liền đó, một cô khác, cứng tuổi hơn hẳn, ra tiếp. “Tôi rất tiếc”, cô này nói ngay, “chúng tôi không có các thiết bị cứu chữa những trường hợp tai nạn. Các ông phải đến nhà thương Virchow. Không xa đây lắm đâu”.
“Đến đó dễ phải mất gần một giờ đồng hồ”, Koster đáp.
Cô y tá nhìn cậu ta vẻ khước từ. “Chúng tôi hoàn toàn không có phương tiện. Mà cũng chẳng có bác sĩ nào ở đây…” “Như vậy là các chị vi phạm pháp luật”, Lenz nói. “Viện điều dưỡng tư kiểu của các chị đây phải có một bác sĩ trực thường xuyên. Chị vui lòng cho phép tôi sử dụng cuốn danh bạ điện thoại của chị chứ? Tôi muốn gọi điện tới ban giám đốc ty cảnh sát và ban biên tập tờ báo hàng ngày”.
Cô y tá đâm phân vân. “Tôi nghĩ chị có thể yên tâm”, Koster lạnh lùng nói. “Các chị sẽ được trả công rất hậu. Chúng tôi cần trước hết một cái cáng. Còn bác sĩ thì thế nào chị cũng tìm ra”. Cô ta vẫn cứ do dự. “Một cái cáng”, Lenz nói, “cũng được quy định trong luật, giống như một lượng bông băng đủ dùng…”
“Vâng được”, cô ta vội vã đáp, hình như đã bị đè bẹp bởi bấy nhiêu kiến thức của Lenz, “có ngay đây, để tôi phái người…”
Cô ta biến mất. “Rách việc”, tôi nói.
“Ngay trong bệnh viện thành phố cũng vậy thôi”.
Gottfried thản nhiên đáp. “Tiền trước nhất, rồi tệ quan liêu, sau nữa mới đến chạy chữa”.
Chúng tôi trở lại xe dìu người đàn bà ra. Bà ta không nói một lời, chỉ chăm chăm nhìn vào hai bàn tay mình. Chúng tôi đưa bà ta vào một phòng kê đơn nhỏ ở tầng dưới cùng. Rồi chiếc cáng được đưa tới để khiêng người đàn ông. Chúng tôi nâng cáng lên. Ông ta cất tiếng rên. “Gượm đã…”
Chúng tôi nhìn ông ta. Ông ta nhắm mắt lại. “Tôi muốn không ai biết chút gì về việc này…”, ông ta khó nhọc nói.
“Ông hoàn toàn không có lỗi”, Koster đáp. “Chúng tôi trông thấy rất rõ diễn biến tai nạn và sẵn sàng làm chứng cho ông”.
“Không phải chuyện ấy”, người đàn ông nói. “Vì lý do, tôi muốn việc này không bị lộ ra. Các anh hiểu cho…” Ông ta nhìn về phía cửa mà người đàn bà vừa đi vào.
“Nếu vậy đây chính là nơi ông cần”, Lenz giải thích. “Bệnh viện tư mà. Việc duy nhất còn vướng là chiếc xe của ông phải biến trước khi cảnh sát trông thấy nó”.
Người đàn ông chống tay gượng nhỏm dậy. “Các anh vui lòng giúp nốt tôi việc đó được không? Gọi điện cho một xưởng chữa xe chẳng hạn? Và xin cho tôi địa chỉ của các anh! Tôi muốn… tôi chịu ơn các anh…”
Koster khoát tay khước từ. “Xin cứ cho tôi địa chỉ”, người đàn ông nói, “tôi rất muốn biết…”
“Hoàn toàn đơn giản”, Lenz đáp. “Chính chúng tới cũng có một xưởng sửa chữa và chuyên sửa loại xe như xe của ông. Chúng tôi sẽ lập tức móc theo chiếc xe về xưởng, nếu ông đồng ý, và tu sửa nó nguyên vẹn. Như thế sẽ được việc cho ông, mà chúng tôi hẳn cũng có lợi”.
“Còn gì bằng”, người đàn ông nói. “Các anh hãy cầm địa chỉ của tôi… tôi sẽ đích thân tới lấy xe về. Hoặc phái người đến”.
Koster đút tấm danh thiếp vào túi, rồi chúng tôi khiêng ông ta vào. Bác sĩ, một người đàn ông trẻ, đã tới từ lúc nào. Ông ta rửa máu trên mặt người đàn bà, lúc này có thể thấy các vết rạch sâu hoắm. Người đàn bà chống cánh tay lành lặn nhổm dậy, nhìn trân trân vào lớp kền sáng loáng của một cái chậu trên bàn bông băng. “Ôi trời”, bà ta khẽ kêu lên và nằm phịch xuống với cặp mắt thất đảm.
Chúng tôi phóng xe vào làng hỏi tìm một xưởng thợ. Ở đó, chúng tới thuê của một bác phó rèn các móc sắt và sợi dây cáp, hứa sẽ trả hai chục mác. Thế nhưng bác ta vẫn ngờ vục, muốn thấy tận mắt chiếc xe hỏng. Chúng tôi đành đưa bác ta đi xem rồi sẽ quay trở lại.
Jupp đứng giữa đường vẫy tay rối rít. Nhưng không có chú, chúng tôi cũng đã biết chuyện gì xảy ra. Một chiếc Mercedes cũ, cao thành, đỗ ở vệ đường, bốn người đang kéo chiếc xe hỏng.
“Chúng mình đến vừa kịp”, Koster nói.
“Anh em Vogt đấy”, bác phó rèn bảo. “Lũ ấy khiếp lắm. Sống ở mạn kia kìa. Chúng đã vớ được gì thì đừng hòng chịu nhả ra nữa”.
“Để rồi xem”.
“Tôi đã trình bày hết nhẽ với họ, thưa cậu Koster”, Jupp thì thào. “Tranh chấp rõ đốn mạt. Họ định xí chiếc xe cho xưởng riêng của họ mà cậu”.
“Được rồi, Jupp. Mày cứ ở lại đây đã”.
Koster đến gặp tên to con nhất trong bốn đứa và nói chuyện với hắn. Cậu ta giải thích cho hắn xe này là của chúng tôi. “Cậu có cái gì cưng cứng trong người không?” tôi hỏi Lenz.
“Có mỗi chùm chìa khóa, nhưng chính mình sẽ cần đến nó. Lấy một cái mỏ lết nhỏ ấy”.
“Chịu thôi”, tôi nói, “sẽ gây trọng thương mất. Tiếc là đôi giày mình đang đi khí nhẹ. Nếu không, đá và đạp bao giờ cũng lợi hại hơn cả”.
“Bác cũng tham chiến chứ?”, Lenz hỏi bác phó rèn. “Cánh ta sẽ bốn chọi bốn”.
“Tôi phải lo cho thân tôi! Để mai chúng ghè nát xưởng của tôi ra à. Tôi giữ trung lập triệt để”.
“Cũng phải thôi”, Gottfried nói.
“Tôi góp một tay”, Jupp tuyên bố.
“Mày liều đấy!”, tôi bảo. “Mày canh chừng ngộ có ai đến, chỉ có vậy thôi”.
Bác phó rèn lảng xa chúng tôi một quãng nhằm tỏ thái độ triệt để trung lập của mình.
“Thôi đừng lảm nhảm nữa!”, liền đó tôi nghe tên to con nhất trong đám anh em nhà Vogt gầm lên với Koster. “Ai đến trước, xơi trước! Xong! Giờ thì xéo đi!”
Koster giải thích lần nữa rằng chiếc xe đó thuộc về bọn tôi. Cậu ta mời hắn cùng về viện điều dưỡng để hắn có thể hỏi rõ chuyện. Tên này cười gằn khinh bỉ. Lenz và tôi lại gần. “Chúng mày hẳn cũng muốn vào nhà thương, hả?”, Vogt hỏi. Koster không đáp, lẳng lặng đến gần chiếc xe. Ba thằng Vogt kia đứng thẳng dậy. Giờ đây chúng đứng sát bên nhau. “Đưa cáp kéo xe đây”, Koster bảo chúng tôi. “Ê lỏi”, thằng Vogt cả đe nẹt. Hắn cao hơn Koster một đầu, “Tôi lấy làm tiếc”, Koster nói, “nhưng chúng tôi phải kéo chiếc xe về”. Hai tay thọc túi quần, Lenz và tôi túc tắc tiến lại gần hơn nữa. Koster khom mình cúi xuống chiếc xe. Đúng lúc đó, Vogt vung chân toan đạp cậu ta sang bên. Koster đã lường trước, trong nháy mắt, cậu ta tóm lấy cẳng tên này, giật hắn ngã lăn cu chiêng. Đoạn cậu ta chồm lên quại vào dạ dày thằng anh em tiếp theo giữa lúc thằng này vớ lấy cái đòn bẫy xe, khiến hắn loạng choạng rồi cũng đổ phịch xuống đất. Liền sau đó, Lenz và tôi nhảy xổ vào hai thằng còn lại. Tôi nhận ngay một cú trúng mặt. Cú đấm không mạnh lắm, nhưng máu mũi tôi bắt đầu đổ ra, tôi quai hụt quả tiếp theo, tay trượt qua cái cằm nhẫy mỡ của thằng kia, và nhận một cú nữa giữa mắt, té nhào một cách đến là bất hạnh, vồ ngay phải cái thằng Vogt vừa nãy bị Koêste cho đo ván bằng cú móc vào dạ dày đang nằm sóng soài dưới đất. Thằng này bèn đè nghiến tôi xuống mặt đường nhựa, tay bóp cổ tôi. Tôi lên hết cơ bắp để hắn khỏi bóp chết mình, đồng thời cố co mình lật người lại đạp hắn ra hoặc thúc chân vào bụng hắn. Nhưng Lenz và thằng Vogt địch thủ của cậu ta đang đè lên cả hai cẳng tôi mà vật lộn, thành thử tôi không thoát ra nổi. Tôi thở khó nhọc mặc dù đã căng hết cơ cổ, bởi mũi tôi đang đổ máu không hít hơi được. Dần dần, mọi vật xung quanh tôi nhòa đi, bộ mặt thằng Vogt chập chờn trước mắt như một tảng thịt nấu đông, và tôi cảm giác sau đầu mình xuất hiện những bóng đen. Cảnh cuối cùng tôi nhìn thấy là Jupp đột nhiên ở bên tôi… chú quỳ dưới cái rãnh ven đường, lặng lẽ chăm chú theo dõi tôi quằn quại, và đúng vào giây phút yên ắng mà chú thấy thuận lợi nhất, chú vung búa nện vào cổ tay Vogt. Bị cú búa nữa, Vogt buông tôi ra, giận dữ nhoai từ dưới đất lên định túm Jupp, nhưng chú chàng đã nhảy lùi lại nửa mét, hết sức bình tĩnh giáng cú búa đã đời thứ ba lên các ngón tay đối thủ, rồi một cú nữa vào đầu. Tôi nhổm phắt dậy, nằm đè lên Vogt và bắt đầu xiết cổ hắn. Đúng lúc đó vang lên một tiếng rống như của loài thú, rồi tiếng rên rỉ: “Buông ra, buông ra!”
Đó là thằng Vogt cả. Koster vặn một cánh tay hắn ra sau, giật ngược theo sống lưng. Thằng cha ngã chúi đầu xuống đất, giờ đây Koster, cưỡi trên lưng hắn, tiếp tục vặn cánh tay hắn, đồng thời dùng đầu gối thúc cánh tay ngược dần lên gáy thằng cha. Vogt rống lên, nhưng Koster hiểu rằng phải trị hắn đến nơi đến chốn thì chúng tôi mới hòng yên được. Cậu ta giật mạnh cho trật khớp tay Vogt trước khi buông tha hắn. Vogt nằm đờ hồi lâu dưới đất. Tôi nhìn lên. Một trong mấy thằng em vẫn đang đứng, nhưng tiếng rống của thằng anh hình như đã làm hắn tê liệt.
“Thôi xéo đi, kẻo lại được xơi trận nữa”, Koster bảo.
Để tạm biệt, tôi rập đầu thằng Vogt của mình xuống mặt đường lần nữa rồi buông hắn. Lenz đã đứng cạnh Koster. Áo khoác cậu ta rách toạc. Mép chảy máu. Cuộc vật lộn hình như bất phân thắng bại, bởi tuy thằng Vogt của cậu ta cũng chảy máu, hắn đứng vững chẳng kém gì cậu ta. Thất bại của thằng anh cả quyết đinh hết thảy. Không thằng nào dám hó hé. Chúng đỡ thằng anh dậy và mò về xe của chúng. Thằng lành lặn còn quay lại lần nữa nhặt đòn bẫy xe. Hắn lấm lét nhìn Koster cứ như cậu ta là quỷ sứ không bằng. Rồi chiếc Mercedes rù rì lăn bánh.
Bác thợ rèn bỗng chốc thò mặt đến. “Đáng đời chúng”, bác ta nói. “Lâu lắm chúng chưa được nếm mùi. Thằng cả từng ngồi tù vì tội đá chết người đấy”.
Không ai đáp lời bác ta. Koster chợt rùng mình “Thật kinh tởm”, cậu ta nói, đoạn quay người đi. “Bắt đầu thôi!”
“Có tôi”, Jupp vừa nói vừa lôi cuộn dây cáp đến.
“Lại đây”, tôi bảo. “Kể từ hôm nay chú mày là hạ sĩ quan và được quyền phì pheo thuốc lá”.
Chúng tôi công chiếc xe lên, buộc chặt vào sau chiếc Karl bằng sợi cáp thép. “Cậu tin sẽ không hại gì chiếc Karl chứ?” tôi hỏi Koster, “Suy cho cùng Karl là một ngựa đua chứ đâu phải một con lừa thồ”.
Koster lắc đầu. “Có xa xôi gì, Đường lại êm”. Lenz chui lên chiếc xe hồng, xe chúng tôi từ từ lăn bánh. Ấp khăn tay vào mũi, tôi ngắm nhìn những cánh đồng về chiều và mặt trời đang lăn. Sự thanh bình đến phi thường không khuấy đảo nổi ở đây cho ta cảm giác thiên nhiên hoàn toàn dửng dưng trước những gì mà bầy kiến nhung nhúc ác độc được gọi là loài người này xô đẩy trên thế gian. Điều quan trọng là giờ đây những đám mây đang dần chuyển thành những núi vàng nhấp nhô, những cái bóng tím biếc của hoàng hôn từ chân trời lặng lẽ tràn về, những chú chim sơn ca từ trong ngút ngàn trời mây trở lại các luống cày, và màn đêm dần buông xuống.
Chúng tôi cho xe chạy vào sân xưởng. Lenz chui khỏi chiếc xe hỏng, trịnh trọng ngã mũ trước nó. “Xin chào mi, hỡi kẻ được chúc phúc! Một chuyện đáng buồn đã run rủi mi tới chốn này, nhưng con mắt chan chứa yêu thương của ta chỉ thoáng nhìn cũng đoán biết mi mang theo về đây từ ba đến ba ngàn rưỡi mác. Giờ hãy cho mình một cốc vại rượu anh đào và một bánh xà phòng… mình cần gột rửa sạch khỏi người cái lò nhà Vogt ấy!”
Cả bọn ai cũng cạn một ly, đoạn bắt tay ngay vào việc dỡ tung chiếc xe, càng rời càng tốt. Là vì không phải bao giờ một mình chủ xe đặt sửa đã đủ… thường thì sau đó công ty bảo hiểm còn đến để điều chiếc xe hỏng cho một trong những xưởng sửa chữa có quan hệ hợp đồng với công ty. Bởi vậy, tháo rời được nhiều chi tiết bao nhiêu, hay bấy nhiêu.
Tiền công lắp ráp sẽ cao tới mức thà cứ để chúng tôi sửa lại hóa rẻ hơn. Khi cả bọn ngừng tay, trời đã tối. “Tối nay cậu chạy tắcxi chứ?”. Tôi hỏi Lenz.
“Đời nào”, Gottfried đáp. “Chớ bao giờ ham kiếm tiền thái quá. Với mình, đống sắt vụn kia đủ rồi”.
“Mình thì chưa”, tôi nói, “Cậu không đi thì để mình săn chở hết đám khách quanh các hộp đêm từ mười một giờ tới hai giờ sáng cho”.
“Thôi xin cậu”, Gottfried cười tủm. “Hãy thử ngó vào gương tí đã. Gần đây cậu đến là rủi ro với cái mũi của cậu đấy. Thấy cái củ cải ấy thì ma nào thèm lên xe cậu! Liệu về nhà mà chườm đi cho được việc”.
Gottfried nói phải. Mũi miếc thế này thì làm ăn quái gì. Bởi thế tôi sớm chia tay ra về. Dọc đường gặp Hasse, tôi cùng đi nốt quãng đường cuối. Trông ông bụi bậm và thiểu não. “Bác gầy đi đấy”, tôi bảo.
Ông gật và than phiền rằng tối tối ông chẳng còn được ăn cho ra bữa. Hầu như ngày nào bà vợ cũng la cà với đám người bà mới quen và thường xuyên về nhà muộn. Ông mừng thấy vợ tìm được thú giải trí, nhưng chiều về ông không còn thiết nấu nướng cho mình mình ăn. Ông cũng chẳng đói lắm; ông quá mệt mỏi.
Tôi liếc nhìn ông sóng vai đi bên tôi. Có thể ông thực bụng tin những điều ông vừa nói, nhưng nghe mà đau lòng. Chỉ vì thiếu một chút bảo đảm, một ít tiền, mà cuộc hôn nhân này, đời người khiêm nhường, hiền khô này tan vỡ. Tôi nghĩ đến hàng triệu người cùng thân phận như họ, luôn luôn chỉ vì thiếu một chút bảo đảm, một ít tiền. Cuộc sống đã bị co lại một cách khủng khiếp, trở thành cuộc vật lộn tầm thường cho sự tồn tại trần trụi. Tôi nghĩ đến cuộc ẩu đả hồi chiều, nghĩ đến những gì mình đã chứng kiến trong các tuần qua, nghĩ đến tất cả những gì mình đã làm, rồi tôi nghĩ đến Pat và thốt nhiên có cảm giác như các sự kiện không sao hòa nhập nổi với nhau. Khoảng cách quá lớn, cuộc sống đã trở nên quá bẩn thỉu đối với hạnh phúc, hạnh phúc không thể kéo dài, người ta đã hết tin vào hạnh phúc – cái quãng thời gian hoãn án tử hình, không nơi ẩn náu.
Chúng tôi cùng lên cầu thang, mở khóa cửa. Hasse dừng chân nơi tiền phòng. “Thôi, chào anh…”
“Hôm nay bác gắng ăn chút gì đi”, tôi nói.
Ông lắc đầu với nụ cười yếu ớt như thể xin lỗi, rồi đi vào căn buồng tối om trống rỗng của mình. Tôi nhìn theo ông đoạn tiếp tục bước trong ống hành lang. Bỗng tôi nghe tiếng hát khe khẽ. Tôi dừng lại, lắng tai. Không phải chiếc máy hát của Erna Bonig phát ra như thoạt đầu tôi lầm tưởng, đó là giọng Pat. Nàng ở một mình trong phòng và đang hát. Tôi đưa mắt về phía cánh cửa nơi Hasse vừa khuất dạng, rồi lại nghiêng mình nghe ngóng, thốt nhiên tôi xiết chặt hai nắm tay… Mẹ kiếp, cả ngàn lần, đó cứ việc là khoảnh khắc hoãn án tử hình không nơi ẩn náu, cả ngàn lần mọi sự cứ việc tách rời nhau xa tới mức không sao tin nổi… chính vì ta không sao tin nổi, chính vì thế, mà hạnh phúc bao giờ và bao giờ cũng đầy sức chinh phục, mới mẻ đến ngỡ ngàng.
Pat không nghe bước chân tôi. Ngồi dưới sàn nhà, trước tấm gương, nàng đang ướm thử chiếc mũ vải đen xinh xinh. Chiếc đèn bàn đặt bên nàng, trên thảm. Cả căn phòng ngập trong bóng tối mờ ảo màu nâu vàng ấm áp, duy gương mặt nàng được ánh đèn rọi sáng. Nàng lôi một chiếc ghế lại gần mình, từ thành ghế thõng xuống vài dải lụa, một cái kéo nằm lấp lóa trên mặt ghế.
Tôi đứng bên ngưỡng cửa lặng lẽ ngắm nàng cặm cụi với chiếc mũ. Nàng thích ngồi dưới sàn; thỉnh thoảng, tối về tôi vẫn bắt gặp nàng ngủ thiếp dưới sàn, trong một góc phòng, bên cạnh là một cuốn sách và con chó.
Lúc này con chó cũng đang phủ phục cạnh nàng, nó cất tiếng sủa, Pat ngước lên, thấy bóng tôi trong gương. Nàng mỉm cười, với tôi, mọi vật trên thế gian như bừng sáng qua nụ cười của nàng. Tôi đi vào phòng, quỳ xuống sau lưng nàng, và, sau tất cả những chuyện rác rưởi trong ngày, tôi đặt môi lên làn da mềm mại, ấm áp trên gáy nàng.
Nàng giơ cao chiếc mũ vải đen. “Em vừa sửa lại đây nay, anh yêu. Anh thấy có đẹp không?”
“Một chiếc mũ xinh tuyệt”, tôi nói.
“Nào anh có chịu nhìn đâu cơ chứ! Em đã tháo vành sau ra khâu lên trước dấy”.
“Anh nhìn rất kỹ đằng khác”, tôi dụi mặt vào tóc nàng nói. “nó là một cái mũ mà giá trông thấy, đám thợ may Paris đến tái người vì ghen”.
“Thôi đi, Robby!” Nàng cười đẩy tôi ra. “Anh mù tịt chuyện này mà. Có bao giờ anh để ý em mặc đồ gì không nhỉ?”
“Không sót một chi tiết”, tôi tuyên bố, và ngồi xổm sát bên nàng trên sàn nhà, hơi lui vào bóng tối để giấu cái mũi.
“Vậy ư? Thế tối qua em mặc gì nào?”
“Tối qua á?”. Tôi ngẫm nghĩ. Tôi không biết thật.
“Em đoán ngay mà, anh yêu. Hầu như anh chẳng biết tí gì về em cả”.
“Đúng”, tôi nói, “nhưng cái hay là ở đó. Biết nhiều về nhau chỉ tổ khỏe hiểu lầm. Hiểu nhau càng kỹ, càng đâm xa lạ. Xem vợ chồng Hasse đấy… họ nhìn thấu ruột gan nhau và ghét nhau hơn cả những người xa lạ nhất”.
Nàng đội chiếc mũ vải đen xinh xắn lên đầu, ngắm nghía trước gương. “Điều anh vừa nói chỉ đúng một nửa, Robby ạ”.
“Mọi chân lý đều vậy cả”, tôi đáp. “Không bao giờ chúng ta mong đạt được hơn. Thì thế chúng ta mới là những con người. Chúng ta đã làm quá đủ trò ngu ngốc với những chân lý nửa vời của mình. Với những chân lý tuyệt đối, chúng ta làm sao sống nổi”.
Nàng bỏ mũ xuống, đặt sang bên. Đoạn nàng quay người lại, đúng lúc đó nàng nhìn thấy mũi tôi. “Anh làm sao thế này?” nàng hoảng sợ hỏi.
“Chẳng có gì nghiêm trọng. Trông thế thôi. Anh đang sửa chữa dưới gầm xe thì bị một vật rơi trúng mũi”.
Nàng nhìn tôi ngờ vực. “Ai biết được anh đã ở những đâu. Không bao giờ anh chịu kể em nghe chuyện gì. Em biết về anh cũng ít như anh biết về em”.
“Thế càng hay chứ sao”, tôi nói.
Nàng đi lấy một chậu nước và một cái khăn, đoạn gập khăn nhúng ướt chườm cho tôi. Nàng quan sát tôi lần nữa. “Trông anh cứ như bị đánh ấy. Cổ cũng xây xướt đây này. Chắc anh vừa trải qua một cuộc phiêu lưu gì đó chứ gì, anh yêu”.
“Cuộc phiêu lưu thú vị nhất của anh sẽ còn diễn ra nội nhật hôm nay”, tôi nói.
Nàng ngạc nhiên ngước nhìn. “Vào lúc muộn thế này ư, anh Robby? Anh còn định làm gì nữa thế?”
“Anh ở lại đây!”, tôi đáp, quẳng béng chiếc khăn chườm đi và ôm lấy nàng. “Anh ở lại đây cùng em suốt tối nay”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.