Ba Người Bạn

CHƯƠNG 21



Giữa tháng Mười Jaffé cho mời tôi đến. Đã mười giờ sáng, nhưng tiết trời âm u đến nỗi trong bệnh viện vẫn để đèn. Ánh sáng điện hòa với sương mù mờ tối bên ngoài, tạo thành một thứ ánh sáng vàng vọt, bệnh hoạn.
Jaffé ngồi một mình trong phòng khám rộng thênh thang của ông. Khi tôi bước vào, ông ngẩng cái đầu hói bóng lên. Ông càu nhàu trỏ ra các tấm kính cửa sổ lớn đang bị mưa quất. “Anh nghĩ thế nào về cái thời tiết chết tiệt này?”
Tôi nhún vai. “Hy vọng nó sắp chấm dứt”.
“Nó sẽ không chấm dứt”.
Ông nhìn tôi im lặng. Đoạn ông nhặt một cái bút chì trên bàn, ngắm nghía, gõ gõ xuống mặt bàn, rồi lại đặt xuống bên cạnh.
“Tôi có thể đoán ra lý do ông cho gọi tôi”, tôi nói.
Jaffé lầm bầm gì đó. Tôi chờ một lát. Đoạn tôi hỏi: “Chắc Pat sắp phải đi?”
“Đúng…”
Jaffé bực tức nhìn đăm đăm về phía trước. “Tôi đã dự tính vào cuối tháng Mười. Nhưng với cái thời thiết chó má này…” Ông lại với tay tính nhặt chiếc bút chì anh ánh bạc.
Gió tạt những giọt mưa quất lanh canh vào kính cửa sổ. Nghe như tiếng súng liên thanh từ xa vọng về. “Theo ý ông, bao giờ cô ấy phải đi?”, tôi hỏi.
Ông chợt ngước nhìn tôi đầy cảm thông. “Mai”, ông nói.
Trong một giây, mặt đất như sụt dưới chân tôi. Không khí tưởng chừng cô lại, trắng xóa như bông, đóng keo trong lồng ngực tôi. Rồi cơn sốc qua đi, tôi gắng lấy hết bình tĩnh để hỏi, nhưng giọng tôi vẫn như của một người khác vọng từ xa lại: “Bệnh tình cô ấy tự dưng nặng lên nhanh đến thế sao?”
Jaffé lắc đầu quầy quậy và đứng lên. “Nếu bệnh tăng nhanh như anh nghĩ, thì cô ấy đi làm sao được”, ông lạnh lùng giải thích. “Đi chỉ có lợi cho cô ấy. Thời tiết này, ở thêm ngay nào nguy hiểm ngày ấy. Nhỡ cảm lạnh hoặc làm sao…”
Ông cầm mấy bức thư trên mặt bàn. “Tôi đã chuẩn bị chu đáo mọi thứ. Anh chỉ còn có việc đưa cô ấy đi. Bác sĩ trưởng của khu điều dưỡng là bạn học với tôi từ nhỏ. Ông hết sức mẫn cán. Tôi đã thông báo tỉ mỉ với ông”.
Ông trao xấp thư cho tôi. Tôi cầm, nhưng không cất chúng vào túi. Ông nhìn tôi, đoạn dừng bước trước mặt tôi, đặt tay lên cánh tay tôi. Bàn tay ông nhẹ như một cánh chim, khiến tôi hầu như không cảm thấy. “Khó đấy”, ông khẽ nói bằng giọng khác hẳn, “tôi biết. Chính vì vậy tôi đã cố nấn ná, thêm ngay nào hay ngày ấy”.
“Khó gì đâu…”, tôi đáp.
Ông giơ tay cản: “Thôi anh đừng…”
“Không”, tôi nói, “tôi cũng không có ý định biện bạch. Tôi chỉ muốn biết: cô ấy có trở lại hay không?”
Jaffé nín lặng một lát. Cặp mắt nhỏ sẫm màu của ông ánh lên trong ánh điện vàng đục. “Sao anh lại hỏi điều đó từ bây giờ?”
“Bởi nếu không, thà cô ấy đừng đi”, tôi nói.
Ông vội ngước mắt nhìn. “Anh nói cái gì?”
“Nếu không, chi bằng cô ấy cứ ở lại”.
Ông nhìn tôi chằm chằm. “Và anh cũng biết điều đó có nghĩa gì cho sự an toàn của cô ấy chứ?”, lát sau ông hỏi, giọng khẽ và gay gắt.
“Biết”, tôi đáp. “Có nghĩa cô ấy sẽ không phải chết cô độc. Và thế nào là chết cô độc, tôi cũng biết”.
Jaffé so vai như thể bị ớn lạnh. Đoạn ông chậm rãi đi lại cửa sổ và nhìn ra trời mưa. Khi quay lại, mặt ông như biến thành mặt nạ. Ông đứng sát trước mặt tôi. “Anh bao nhiêu tuổi rồi?”, ông hỏi.
“Ba mươi”, tôi đáp. Tôi không hiểu ông muốn gì.
“Ba mươi”, ông nhắc lại với một âm sắc kỳ lạ như thể ông tự nói với mình và không hề hiểu tôi nói gì. “Ba mươi, lạy Chúa!”. Ông đi lại bàn giấy của mình và dừng ở đó, bé nhỏ, như mất hồn, bên cạnh chiếc bàn gỗ đồ sộ bóng lộn. “Tôi đã gần sáu chục tuổi đầu”, ông nói, không nhìn tôi, “nhưng tôi không thể như anh. Tôi sẽ luôn luôn gắng thử mọi cách, lúc nào cũng gắng thử, dẫu tôi biết rõ việc ấy là vô ích chăng nữa”.
Tôi im lặng. Jaffé đứng đó, như quên hết mọi vật xung quanh. Đoạn ông khoát tay, nét mặt thay đổi. Ông mỉm cười. “Tôi tin chắc lên trên đó cô ấy sẽ qua mùa đông mạnh khỏe”.
“Chỉ mùa đông thôi à?”, tôi hỏi.
“Tôi hy vọng sang xuân cô ấy có thể trở lại”.
“Hy vọng”, tôi nói, “hy vọng là cái gì chứ?”
“Là tất cả”, Jaffé đáp. “Bao giờ cũng là tất cả. Lúc này tôi không thể nói gì hơn với anh. Còn có nhiều khả năng xảy ra. Còn phải xem xem ở đó thế nào. Nhưng tôi tin chắc cô ấy có thể trở lại vào mùa xuân”.
“Chắc chắn ư?”
“Phải” Ông đi quanh bàn giấy và đưa chân đập mạnh một ngăn kéo để mở, đến nỗi những cái ly rung lanh canh. “Mẹ kiếp, quỷ ạ, chính tôi cũng đau lòng vì cô ấy phải đi!”, ông lầm bầm.
Một bà y tá vào, Jaffé hất tay bảo đi ra. Nhưng bà ta vẫn đứng ì ra đấy, to béo phục phịch, dưới mái tóc hoa râm là bộ mặt lì lợm của loài chó bull.
“Để sau!” Jaffé gắt. “Lát nữa bà hãy trở lại!”
Bà y tá hầm hầm quay lưng. Khi đi ra, bà ta tắt phéng công tắc điện. Ánh sáng ngày màu xám ngà bỗng tràn ngập căn phòng rộng. Gương mặt Jaffé chợt trở nên vàng bủng. “Đồ phù thủy già!”, ông nói. “Từ hai chục năm nay tôi vẫn muốn tống cổ mụ đi. Chỉ được mỗi điểm hết sức tận tụy”. Đoạn ông quay sang tôi. “Thế nào?”
“Tối nay chúng tôi khởi hành”, tôi nói.
“Hôm nay ư?”
“Phải. Nếu đã bắt buộc như vậy, thì đi hôm nay vẫn tốt hơn để ngày mai. Tôi sẽ đưa cô ấy đi. Tôi có thể vắng mặt ở đây vài ngày”.
Ông gật đầu, chìa tay cho tôi.
Tôi đi. Từ đó ra tới cửa sao mà xa.
Ra tới ngoài, tôi dừng lại. Tôi nhận thấy mình vẫn cầm xấp thư ở tay. Mưa rơi lộp bộp vào các phong bì. Tôi lau khô chúng, rồi nhét vào túi ngực. Đoạn tôi nhìn ra xung quanh. Một chiếc xe buýt dừng ngay trước tòa nhà. Xe chật cứng, một dòng người chen chúc đổ ra. Mấy cô gái mặc áo mưa đen loang ướt toét miệng cười với tay soát vé. Anh chàng rất trẻ, hàm răng cười trắng lóa trên gương mặt rám nâu. Không có lẽ, tôi tự nhủ, không có lẽ thấy những thứ nay là có thực! Lẽ nào giữa bấy nhiêu sự sống, mà Pat lại phải ra đi!
Chiếc xe buýt bóp còi inh ỏi, chuyển bánh, làm nước bắn tung tóe lên vỉa hè. Tôi tiếp tục rảo bước để báo tin cho Koster và mua vé xe lửa.
Trưa tôi về nhà. Tôi đã lo xong mọi việc, kể cả việc đánh điện cho viện điều dưỡng. “Pat này”, vừa tới cửa, tôi nói, “Từ giờ đến tối, em sửa soạn xong tất cả hành lý chứ?”
“Em phải đi à?”
“Ừ” tôi nói. “Ừ, Pat ạ”.
“Một mình sao?”
“Không. Chúng mình cùng đi. Anh đưa em đến tận nơi mà”.
Mặt nàng hồng trở lại. “Bao giờ em phải xong?”
“Tàu khởi hành mười giờ tối nay”.
“Thế bây giờ anh lại đi đâu à?”
“Không. Anh ở nhà cho tới lúc chúng mình đi”.
Nàng thở phào. “Thế thì đơn giản lắm, Robby ạ”, nàng nói. “Chúng mình bắt tay vào sửa soạn ngay chứ?”
“Còn khối thời gian mà”.
“Em muốn làm ngay. Cho xong đi”.
“Cũng được”.
Tôi nhét vội mấy thứ định mang theo vào túi xách, nửa giờ sau đã đâu vào đấy. Rồi tôi sang phòng bà Zalewski báo để bà biết tối nay chúng tôi đi. Tôi thỏa thuận với bà là căn phòng sẽ bỏ trống từ nay đến mồng một tháng Mười một, nếu như tới lúc đó bà vẫn chưa tìm được khách trọ mới. Bà toan mở đầu một cuộc trò chuyện dài lê thê, nhưng tôi đã vội cáo lui.
Pat quỳ trước cái rương của nàng, xung quanh treo đầy váy áo, trên giường ngổn ngang đồ lót, nàng đang gói ghém đôi giày của mình. Tôi nhớ lại ngày dọn đến phòng này, nàng cũng quỳ như thế để dỡ đồ ra, và tôi cảm giác như ngày ấy đã lùi xa lắm, đồng thời lại vừa là hôm qua đây thôi. Nàng ngước mắt lên. “Em mang theo chiếc áo dài ngân tuyến nữa chứ?”, tôi hỏi.
Nàng gật. “Còn thảy những đồ đạc khác ta tính sao đây, anh Robby? Nhất là đồ gỗ?”
“Anh đã nói chuyện với bà Zalewski. Anh sẽ chuyển bớt đồ sang buồng anh, được chừng nào hay chừng ấy. Số còn lại, ta gửi một hãng vận chuyển đồ gỗ bảo quản. Khi nào em trở về, sẽ lấy lại”.
“Khi em trở về”, nàng nói.
“Phải”, tôi đáp, “đến mùa xuân, khi em trở về với nước da rám nắng”.
Tôi giúp nàng sắp đồ; buổi chiều, lúc trời xâm xẩm tối cũng là lúc chúng tôi xong. Thật kỳ quặc: mọi đồ đạc vẫn ở nguyên chỗ cũ, chỉ trong tủ và các ngăn kéo là trống, thế mà căn phòng bỗng nhiên trơ trụi, u buồn hẳn. Pat ngồi xuống giường, vẻ mệt mỏi. “Anh bật đèn nhé?”, tôi hỏi.
Nàng lắc đầu. “Để lát nữa”.
Tôi ngồi xuống cạnh nàng. “Em hút điếu thuốc?”
“Thôi, Robby ạ. Em chỉ muốn được ngồi thế này một chút”.
Tôi đứng dậy, ra đứng bên cửa sổ. Bên ngoài, những ngọn đèn đường sáng lấp lóa bồn chồn trong mưa. Gió lồng lộn giữa các tàn cây. Ả Rosa đang thong thả đi ngang dưới kia. Đôi bốt cao cổ bóng lộn, một cái gói kẹp nách, ả đi về phía tiệm Quốc Tế. Có lẽ ả tha len theo để đan đồ ấm cho con nhóc của ả. Theo sau ả là Fritzi và Marion, cả hai đều diện áo mưa mới trắng lốp bó sát người; và lát sau thấy Mimi, xơ xác, phờ phạc, lê bước theo họ.
Tôi quay lại. Lúc này trời tối mịt khiến tôi chẳng nhìn thấy Pat. Chỉ nghe tiếng nàng thở. Phía sau đám cây cối nghĩa trang, những bóng mờ của các biển đèn quảng cáo bắt đầu chậm rãi trườn lên cao. Hàng chữ đỏ rực quảng cáo thuốc lá kéo một vệt dài như dải băng huân chương trên các mái nhà, những vòng tròn xanh lam, xanh ngọc thạch của các hãng rượu vang bắt đầu nhấp nháy, và những hình vẽ rực rỡ quảng cáo đồ lót phụ nữ sáng bừng lên. Qua cửa sổ, đám đèn màu hắt vào tường và trần nhà một tia sáng mờ, nhạt nhòa. Tia sáng đó di động, và bỗng chốc căn phòng như một chiếc thùng thợ lặn nhỏ bị bỏ lại dưới đáy biển: xung quanh nó, cơn mưa rì rầm vỗ sóng, và từ mênh mông xa lắc đang rọi tới nó cái ánh phản quang yếu ớt của thế gian rực rỡ muôn màu.
Tám giờ tối. Ngoài đường vang lên tiếng còi của một chiếc Klaxon. “Gottfried đưa tắcxi đến”, tôi nói, “cậu ta đón chúng mình đi ăn”.
Tôi đứng dậy ra cửa sổ ới xuống là chúng tôi xuống ngay. Đoạn tôi bật ngọn đèn con trên bàn, đi về buồng mình. Căn buồng xa lạ đến gớm guốc. Tôi lấy ra chai rum, tọp vội một ly. Rồi tôi ngồi phịch xuống ghế bành, nhìn trân trân vào lớp giấy bồi tường. Được một lát, tôi lại đứng dậy đến bồn rửa mặt để chải tóc. Nhưng tôi quên biến ý định chải đầu vì bất chợt thấy mặt mình trong gương. Tôi tò mò, lạnh lùng ngắm nó. Tôi vén môi, xòe răng cười với nó. Căng thẳng, nhợt nhạt, nó nhăn nhở đáp lại. “Mày”, tôi thầm rủa. Đoạn quay sang phòng Pat.
“Ta đi chứ, bạn can trường của anh?”, tôi hỏi.
“Vâng”, nàng đáp, “nhưng em muốn sang buồng anh một cái”.
“Để làm gì?”, tôi hỏi. “Cái buồng khổ…”
“Anh cứ ở đây”, nàng nói. “Em trở lại ngay”.
Tôi chờ hồi lâu, rồi theo sang. Đang đứng giữa buồng, nàng giật mình khi nhìn thấy tôi. Tôi chưa từng thấy nàng như vậy. Nàng chết lặng đi. Trạng thái ấy chỉ kéo dài một giây, rồi nàng lại mỉm cười.
“Nào”, nàng nói. “Giờ ta đi thôi anh”.
Bà Zalewski chờ chúng tôi ở cạnh bếp. Những búp tóc hoa râm nhỏ xíu của bà rung rung, bà diện áo dài lụa đen, trên ngực cài cái trâm có hình ông Zalewski đã quá cố.
“Coi chừng!”, tôi thì thầm vào tai Pat, “bà ấy sẽ ôm chầm lấy em”.
Thoắt cái, Pat đã bị lút giữa bộ ngực đồ sộ. Bộ mặt to phè mếu máo trên đầu nàng, cảnh này chỉ kéo dài thêm vài giây nữa, Pat sẽ có cơ bị nhấn chìm một cách không sao lường trước được; mẹ Zalewski mà đã khóc thì nước mắt cứ là phun ra như vòi rồng.
“Xin lỗi bà”, tôi nói, “chúng tôi phải đi ngay. Sát giờ rồi!”
“Sát giờ à?”, bà Zalewski dò xét tôi với cái nhìn đầy khinh bỉ. “Còn hai tiếng nữa tàu mới chạy! Từ giờ đến lúc ấy, dễ thường anh định đổ rượu cho cô bé tội nghiệp này bằng say thì thôi, hở?”
Pat bật cười. “Không đâu, bà Zalewski. Chúng tôi còn phải chia tay với những người khác mà”.
Mẹ Zalewski lắc đầu ngờ vực. “Trong mắt cô, gã trai trẻ này là một cái xoong vàng, cô Hollmann ạ. Kỳ thực, giỏi lắm, hắn ta chỉ là một chai rượu đế”.
“Hình ảnh mới đẹp chứ”, tôi nói.
“Con của ta…”, bà Zalewski lại nổi cơn xúc động. “Chóng trở lại con nhé! Căn phòng ấy bao giờ cũng dành cho con! Dẫu Hoàng đế có đang ngự trong ấy đi nữa, ngài vẫn phải cuốn gói khi con trở về!”
“Cám ơn bà lắm, thưa bà Zalewski”. Pat nói. “Xin đa tạ bà về tất cả. Kể cả việc bà đã bói bài cho tôi. Tôi sẽ ghi nhớ không sót điều gì”.
“Được rồi. Gắng nghỉ ngơi cho tốt và chóng bình phục hoàn toàn, nghe cô Hollmann”.
“Vâng ạ”, Pat đáp, “tôi sẽ cố gắng. Xin tạm biệt bà, bà Zalewski. Chào cô nhé, Frida”.
Chúng tôi đi. Cửa hành lang sập lại sau lưng chúng tôi. Cầu thang tối lù mù, mấy cái bóng điện đã cháy sạch. Pat im lặng uể oải nhón bước xuống thang. Tôi có cảm tưởng như vừa hết một kỳ phép và giờ đây, trong buổi ban mai u ám, chúng tôi ra ga trở lại trận tuyến.
Lenz mở cửa tắcxi. “Cẩn thận nhé!”, cậu ta nói.
Trong xe đầy hoa hồng. Hai ôm tướng hồng bạch và hồng thắm chất ở ghế sau. Tôi biết ngay chúng từ đâu mà ra… từ vườn nhà thờ. “Những bông cuối cùng”. Lenz tuyên bố vẻ đắc ý. “Tốn công ra phết đấy. Phải tranh luận rõ lâu với một lão cha cố”.
“Cái ông có cặp mắt xanh trong như con nít chứ gì?”
“Ái chà chà, thì ra là cậu, người anh em!”, Gottfried đáp. “Ông ta đã than phiền về cậu. Ông ta cực kỳ vỡ mộng khi vỡ lẽ động cơ gì đẩy cậu đến cầu nguyện trong vườn Nhà chung. Ông ta cứ khấp khởi tưởng đâu lòng ngoan đạo trong giới đàn ông lại bắt đầu được nhen nhúm”.
“Thế ông ta để cậu cứ thế mang hoa đi à?”, tôi hỏi.
“Ông ta để mình thuyết phục ông ta. Cuối cùng, thậm chí Đức Cha còn giúp mình bẻ hoa”.
Pat cười. “Thật thế ư?”
Gottfried tủm tỉm. “Chứ sao nữa. Vô cùng ngoạn mục là cái cảnh một vị tu sĩ nhảy lên ngắt những cành hoa cao nhất trong bóng tối nhập nhoạng. Tinh thần thể dục lên cao đến thế là cùng. Ông ta kể thời học trò ông ta từng đá bóng nghệ lắm. Là trung phong cánh phải hay sao ấy”.
“Cậu đã lôi kéo một tu sĩ vào con đường trộm cắp”, tôi nói. “Tội ấy đáng đem đày địa ngục vài trăm năm. Nhưng Otto đâu?”
“Đang ở quán Alphonse rồi. Bọn ta lại quán Alphonse chén chứ?”
“Vâng, tất nhiên”, Pat nói.
“Thế thì đi!”
Alphonse thết cả bọn món thịt thỏ nhồi mỡ lợn rán, với bắp cải đỏ và táo hầm. Sau đó, để kết thúc, bác mở đĩa hát đồng ca của những người Cossack sông Đông. Đó là một bài hát êm dịu vô cùng, dàn đồng ca chỉ khẽ ngân nga như tiếng đàn oóc từ xa vọng lại, trong khi một giọng đơn trong trẻo vút lên. Tôi có cảm giác như cánh cửa vừa mở ra không tiếng động, và một người đàn ông mệt mỏi, già nua bước vào, lặng lẽ ngồi xuống cạnh bạn, lắng nghe bài hát thời trai trẻ của mình.
“Các con”, Alphonse nói khi dàn đồng ca cứ nhỏ dần, nhỏ dần, rốt cuộc lịm đi như một tiếng thở dài, “các con có biết hễ nghe bài này, ta không khỏi nhớ đến cái gì không? Đến Ypres năm 1917, Gottfried, cậu nhớ chứ, hồi ấy đang tháng Ba, cái buổi tối cùng Bertelsmann…”
“Phải”, Lenz nói, “tôi vẫn nhớ, bác Alphonse ạ. Cái buổi tối bên đám cây anh đào…”
Alphonse gật đầu.
Koster đứng lên. “Tôi chắc đến giờ rồi”. Cậu ta xem đồng hồ.
“Ừ nhỉ, ta phải đi thôi”.
“Làm ly cognac nữa”, Alphonse nói. “Cognac Napoleon chính cống! Tôi đem ra đãi riêng các cậu mà”.
Chúng tôi uống cognac, rồi đứng lên.
“Tạm biệt bác Alphonse”, Pat nới. “Lần nào đến đây tôi cũng rất thích”. Nàng chìa tay cho bác.
Alphonse đỏ mặt. Hai bàn tay to bè của bác giữ chặt bàn tay nàng. “Vậy, nếu cần gì… xin cứ cho biết”. Bác nhìn nàng vẻ bối rối hết sức. “Giờ cô đã là người của chúng tôi. Chưa khi nào tôi nghĩ có thể có một người đàn bà nhập bọn với chúng tôi”.
“Cám ơn bác”. Pat nói. “Cám ơn bác Alphonse. Không lời lẽ nào có thể khiến tôi sung sướng hơn thế. Xin tạm biệt và chúc bác mọi sự tốt lành!”
“Tạm biệt! Mong chóng gặp lại nhau!”
Koster và Lenz đưa chúng tôi ra ga. Xe ghé qua nhà một chốc để tôi chạy lên bắt con cún. Jupp đã chuyển hành lý ra tàu từ trước.
Chúng tôi đến vừa kịp giờ. Vừa leo lên thì tàu khởi hành. Lúc tàu xinh xịch chuyển bánh, Gottfried thọc tay vào túi, nhoai theo đưa cho tôi một cái chai bọc kín. “Cầm lấy, Robby. Dọc đường, lúc nào cậu cũng có thể dùng đến nó”.
“Cám ơn”, tôi nói, “các cậu giữ mà uống tối nay. Mình có đem theo đây rồi”.
“Cầm lấy”, Lenz đáp, “biết thế nào là đủ!” Cậu ta chạy theo tàu, ném cái chai lên cho tôi. “Tạm biệt, Pat!”, cậu ta kêu lên. “Nếu chúng tôi sập tiệm ở đây, cả bọn sẽ kéo nhau lên đó với cô. Otto sẽ là vận động viên trượt tuyết, tôi là vũ sư và Robby là nhà biểu diễn dương cầm. Chúng mình sẽ lập thành một hội kéo quân từ khách sạn này sang khách sạn kia!”
Tàu bắt đầu chạy nhanh hơn, Gottfried dừng lại. Pat nhoai người ra cửa sổ vẫy vẫy cho đến khi nhà ga khuất hẳn sau khúc quành. Đoạn nàng quay lại. Mặt nàng tái mét, mắt long lanh lệ. Tôi ôm lấy nàng. “Đi em”, tôi nói, “giờ ta uống chút gì nào. Em đã xử sự rất cừ”.
“Nhưng em lại cảm thấy yếu đuối”, nàng đáp và gượng mỉm cười.
“Anh cũng vậy”, tôi nói. “Bởi thế ta phải uống”.
Tôi mở nút chai và đưa nàng một cốc cognac. “Ngon chứ em?”, tôi hỏi.
Nàng gật đầu, ngả vào vai tôi. “Ôi, anh yêu, mọi sự rồi sẽ ra sao đây?”
“Đừng khóc, em”, tôi nói. “Anh rất tự hào vì cả ngày hôm nay em đã không khóc”.
“Em có khóc đâu”, nàng đáp và lắc đầu, nước mắt ràn rụa trên gương mặt thanh tú của nàng.
“Nào, uống thêm chút nữa đi em”, tôi ôm ghì lấy nàng. “Lúc đầu bao giờ chả thế, rồi sẽ qua”.
Nàng gật đầu. “Đúng thế, Robby ạ. Anh cũng đừng bận tâm làm gì. Sẽ qua ngay ấy mà. Tốt hơn là anh đừng nhìn em. Hãy để em ngồi đây một mình vài phút thôi, em sẽ bình tâm trở lại”.
“Việc gì phải thế? Em đã can đảm suốt từ sáng tới giờ, lúc này em có quyền khóc bằng thỏa thì thôi”.
“Em chẳng can đảm chút nào. Anh không nhận thấy thì có”.
“Có thể”, tôi nói, “nhưng đó chính là vì em can đảm”.
Nàng gượng mỉm cười. “Sao lại thế, anh Robby?”
“Vì em không đầu hàng”. Tôi vuốt tóc nàng. “Chừng nào không đầu hàng, con người ta còn mạnh hơn định mệnh”.
“Em làm thế không phải vì can đảm, anh yêu ạ”, nàng lẩm bẩm, “mà đơn giản chỉ vì sợ. Nỗi sợ hãi thảm hại trước nỗi sợ hãi lớn lao cuối cùng”.
“Tất cả vẫn là can đảm, Pat ạ”.
Nàng ngả người vào tôi. “Ôi, Robby, anh không biết thế nào là sợ cả”.
“Biết chứ”, tôi nói.
Cửa mở. Người soát vé hỏi xem vé. Tôi đưa cho ông ta. “Vé toa nằm là của cô đây phải không”, ông ta hỏi.
Tôi gật.
“Vậy cô phải sang toa nằm”, ông ta bảo Pat. “Vé này không có giá trị cho các toa khác”.
“Vâng”.
“Còn con chó phải đưa sang toa hàng”, ông ta giải thích. “Khoang dành cho chó nằm trong toa hàng”.
“Được”, tôi nói. “Vậy toa nằm ở đâu?”
“Toa thứ ba bên phải. Toa hàng tít phía trên”.
Ông ta đi. Một chiếc đèn bấm nhỏ lủng lẳng trước ngực. Nhìn mà ngỡ như ông ta đang đi xuyên các con đường hầm dưới mỏ.
“Vậy ta chuyển chỗ thôi, Fat”, tới nói. “Anh sẽ đưa lậu con Billy vào khoang của em. Nó chẳng tội gì phải ở toa hàng”.
Tôi không lấy vé toa nằm cho mình. Đối với tôi, ngủ vật vờ một đêm trong góc khoang ngồi là chuyện bình thường. Lại đỡ tốn tiền.
Jupp đã đưa hành lý của Pat vào toa nằm. Khoang của nàng là một căn buồng nhỏ xinh xắn ốp gỗ dái ngựa. Pat nằm giường dưới. Tôi hỏi người soát vé giường trên có người không.
“Có”, ông ta đáp, “kể từ ga Frankfurt”.
“Mấy giờ tàu đến Frankfurt?”
“Hai rưỡi sáng”.
Tôi cho ông ta tiền puôcboa, rồi ông ta quay về chỗ của mình ở góc toa.
“Nửa giờ nữa anh sẽ trở lại cùng con cún”, tôi bảo Pat.
“Nhưng không được đâu, ông soát vé ở lại trong toa đấy”.
“Được mà. Chỉ cần em đừng khóa cửa”.
Quay về toa mình, tôi đi qua ông soát vé, ông ta nhìn tôi. Tới ga sau, tôi ôm con cún xuống tàu, theo ke đi dọc toa nằm, đến toa tiếp theo. Tôi đứng đó chờ ông soát vé nhảy xuống chuyện trò hàn huyên với tay sếp ga. Bây giờ tôi mới lại leo lên, xuyên hành lang, đến tận toa nằm của Pat mà chẳng bị ai trông thấy. Pat cực kỳ xinh đẹp trong chiếc áo choàng mềm màu trắng. Mắt nàng long lanh sáng. “Bây giờ em đã hoàn toàn thư thái, anh Robby ạ”, nàng nói.
“Hay lắm. Nhưng em không muốn ngả lưng sao? ở đây chật hẹp quá. Anh sẽ ngồi xuống cạnh em”.
“Vâng, nhưng…”, nàng ngần ngại trở lên giường trên. “Nhỡ Bà Nhất đột ngột xuất hiện ở ngưỡng cửa…”
“Còn lâu mới đến Frankfurt”, tôi nói. “Anh sẽ dè chừng. Anh không ngủ thiếp đi đâu mà sợ”.
Sắp tới Frankfurt, tôi trở lại khoang của mình. Tôi ngồi lui vào góc ghế cạnh cửa sổ định cố làm một giấc. Nhưng tại ga Frankfurt, một gã có bộ ria chó biển lên khoang tôi, gã lập tức giở va-li ra và bắt đầu chén. Gã nhai nhồm nhoàm đến mức tôi không sao ngủ được. Bữa ăn kéo dài gần một giờ. Rồi con chó biển ấy quệt ria, nằm dài ra và bắt đầu một tiết mục hòa nhạc mà tôi chưa từng được nghe. Đó đâu phải tiếng ngáy bình thường, mà là tiếng thở dài nức nở bị ngắt quãng bởi những tiếng rên giật cục và những tiếng rền rĩ. Nó giàu tiết tấu và giai điệu đến độ tôi không sao nắm bắt được quy luật. May phúc mà gã xuống tàu lúc năm rưỡi.
Khi tôi thức giấc, bên ngoài mọi vật trắng xóa. Tuyết rơi những bông to tướng, và khoang tàu chìm trong cảnh tranh tối tranh sáng hư ảo hiếm thấy. Chúng tôi đã xuyên qua núi. Sắp chín giờ. Tôi vươn vai, đi rửa mặt, cạo râu. Khi trở lại tôi thấy Pat đứng trong khoang. Trông nàng tươi tắn.
“Em ngủ ngon chứ?”, tôi hỏi. Nàng gật.
“Thế mụ già theo chủ nghĩa duy linh ở khoang em ra sao?”
“Trẻ và đẹp. Cô ấy tên là Helga Guttmann, cũng đến cùng viện điều dưỡng của em”.
“Thật à?”
“Thật, Robby ạ. Nhưng anh thiếu ngủ, nhìn cũng biết. Anh phải ăn sáng cho tử tế vào”.
“Cà phê”, tôi nói. “Uống cà phê và chút rượu anh đào”.
Chúng tôi sang toa ăn. Tự nhiên tôi cảm thấy phấn chấn. Mọi sự không đến nỗi tồi tệ như tối hôm qua nữa.
Helga Guttmann đã ngồi ở đây. Cô là một thiếu nữ mảnh dẻ, sôi nổi, mẫu người phương Nam. “Kỳ lạ thật”, tôi nói, “ngẫu nhiên mà các cô lại cùng đến một viện điều dưỡng”.
“Có gì là kỳ lạ đâu”, cô đáp.
Tôi nhìn cô. Cô cười. “Vào thời gian này các đàn chim lại lũ lượt trở về. Kia kìa…”, cô trỏ vào góc toa ăn, “cả hội ngồi ở bàn kia cũng đến đó”.
“Sao cô biết?”, tôi hỏi.
“Tôi quen tất cả bọn họ hồi năm ngoái. Trên ấy ai mà chả biết nhau”.
Người bồi bàn bưng cà phê lại. “Cho tôi xin thêm một ly lớn rượu anh đào”, tôi nói. Tôi muốn uống một chút. Mọi sự bỗng chốc trở nên giản dị. Những con người ngồi đó đang trên đường đến viện điều dưỡng, thậm chí đến lần thứ hai, và xem ra họ coi đây chẳng khác gì một cuộc dạo chơi. Thật ngu ngốc lại đi sợ hãi đến thế. Pat sẽ trở lại, như tất cả những con người này từng trở lại. Tôi không nghĩ đến chuyện thảy bọn họ giờ đây cũng lại phải đi tới đó – chỉ cần biết nàng sẽ trở lại và có cả một năm trước mặt. Trong một năm, biết bao điều có thể xảy ra. Quá khứ đã dạy chúng tôi chỉ nghĩ đến trước mắt.
Chiều muộn, chúng tôi đến nơi. Không khí trở nên hết sức trong trẻo, mặt trời trải ánh vàng rực rỡ lên những cánh đồng tuyết phủ, hàng tuần nay chúng tôi mới lại được thấy bầu trời xanh đến thế. Trên sân ga lố nhố người ra đón. Họ chào, vẫy rối rít; những người mới đến ló ra cửa tàu vẫy lại. Helga Guttmann được một phụ nữ tóc vàng tươi cười và hai người đàn ông mặc quần chẽn gối màu sáng ra đón. Cô hết sức xúc động, rối ra rối rít như thể lâu lắm mới trở về nhà. “Tạm biệt, hẹn gặp lai, trên kia!”, cô kêu lên với chúng tôi, rồi cùng đám bạn ngồi lên cỗ xe trượt.
Đám người tản đi nhanh chóng, vài phút sau chỉ còn mình hai đứa tôi đứng trên ke. Một người phu khuân vác lại gần.
“Khách sạn nào đây?”, bác ta hỏi.
“Viện điều dưỡng Waldfrieden”, tôi đáp.
Bác ta gật đầu, vẫy một tay xà ích. Hai người chất các va-li lên một cỗ xe trượt màu lơ sáng thắng hai con ngựa bạch. Trên đầu hai con ngựa ngất ngưởng nhưng túm lông sặc sỡ, hơi thở của chúng quyện quanh mồm như những đám mây màu ngọc trai.
Chúng tôi lên xe. “Ông bà muốn lên đó bằng đường cáp hay xe trượt đây?”, người xà ích hỏi.
“Đi xe trượt mất bao lâu?”
“Nửa giờ”.
“Thế thì bằng xe trượt”.
Người xà ích tắc lưỡi, chúng tôi đi. Xe ra khỏi làng, rồi theo đường vòng leo dẫn lên. Viện điều dưỡng nằm trên một ngọn đồi phía trên làng. Đó là một tòa nhà trắng, chạy dài với những dãy cửa sổ kéo suốt mặt tiền. Trước mỗi cửa sổ là một ban công. Trên mái nhà, một lá cờ khẽ bay trong làn gió nhẹ. Tôi cứ hình dung nó được xây dựng na ná một bệnh viện; ấy thế mà, ít nhất là ở tầng trệt, nó giống một khách sạn hơn. Trong gian đại sảnh có đốt lò sưởi, xung quanh kê nhiều bàn trà nhỏ bày biện tinh tươm.
Chúng tôi trình diện trong văn phòng. Một người phục vụ khuân hành lý của chúng tôi vào. Một bà đứng tuổi cho biết Pat sẽ ở phòng số 79. Tôi hỏi luôn liệu bà có thể dành cho tôi cả một phòng trong vài ngày không. Bà lắc đầu. “Trong viện không được. Nhưng bên nhà phụ thì dĩ nhiên”.
“Nhà phụ ở đâu?”
“Ngay bên cạnh”.
“Được”, tôi nói, “vậy bà cho tôi một phòng bên ấy và cho đưa hành lý của tôi sang đó luôn thể”.
Chúng tôi lên tầng hai trong một thang máy chạy êm ru, không tiếng động, cố nhiên ở trên trông giống bệnh viện hơn. Thậm chí giống một bệnh viện hết sức tiện nghi, nhưng dẫu sao vẫn là bệnh viện. Hành lang trắng, cửa trắng, đâu đâu cũng thấy sáng loáng kính; kền; mọi vật được lau chùi bóng lộn. Một bà y tá trưởng tiếp đón chúng tôi.
“Cô là cô Hollmann?”
“Vâng”, Pat nói, “phòng 79 phải không ạ?”
Bà y tá trưởng gật đầu, đi lên trước, và mở một cánh cửa.
“Phòng của cô đây”.
Đó là một gian phòng sáng sủa, rộng vừa phải, mặt trời buổi chiều rọi vào qua ô cửa sổ lớn. Trên bàn đặt một bó cúc vàng xen đỏ. Ngoài kia, những cánh đồng tuyết phủ lấp lóa, ngôi làng như một tấm chăn mềm vĩ đại lượn ôm lấy chúng.
“Em thích chứ?”
Nàng nhìn tôi giây lát. “Vâng”, đoạn nàng đáp.
Người hầu khuân va-li lên. “Bao giờ tôi phải đi khám bệnh?”. Pat hỏi bà y tá.
“Sáng mai. Tốt nhất tối nay cô nên đi ngủ sớm để lấy lại sức”.
Pat cởi áo măng-tô đặt lên chiếc giường trắng tinh, trên đầu giường đã thấy treo một bản theo dõi nhiệt độ mới. “Trong phòng không có máy điện thoại sao?”, tôi hỏi.
“Có ổ cắm đây”, ba y tá nói. “Có thể đặt một máy vào phòng”.
“Tôi còn phải làm gì nữa không?”, Pat hỏi.
Bà y tá lắc đầu. “Hôm nay thì không. Phải đợi sau buổi khám sáng mai tất cả mới được lập thành lịch sinh hoạt. Khám lúc mười giờ. Tôi sẽ đưa cô đi”.
“Cám ơn bà”, Pat nói.
Bà y tá đi. Người hầu vẫn đợi bên cửa. Tôi cho anh ta tiền puôcboa, anh ta cũng biến luôn. Thốt nhiên căn phòng trở nên vô cùng lặng lẽ. Pat đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Mái đầu nàng đen thẫm trên cái nền sáng chói ngoài kia.
“Em mệt à?”, tôi hỏi.
Nàng quay lại. “Không”.
“Trông em có vẻ mệt”, tôi nói.
“Em mệt vì lẽ khác, Robby ạ. Nhưng em còn khối thời gian để mệt như thế”.
“Em muốn thay quần áo chưa?”, tôi hỏi. “Hay chúng mình xuống dưới kia dạo chơi độ một tiếng nữa? Anh nghĩ tốt hơn nên xuống”.
“Phải”, nàng nói. “Nên xuống thì hơn”.
Chúng tôi theo thang máy êm ru xuống nhà, và ngồi vào một trong những chiếc bàn nhỏ trong gian đại sảnh. Lát sau, Helga Guttmann và đám bạn cô kéo đến. Họ ngồi vào hội với chúng tôi. Helga Guttmann nhắng nha nhắng nhít, có phần vui đùa quá trớn, nhưng tôi mừng vì có cô ở đây, vì Pat đã bắt quen được với vài người. Ngày đầu tiên bao giờ cũng khó vượt qua.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.