Đầu tháng Mười một, chúng tôi bán chiếc Citroen. Số tiền đủ để duy trì xưởng trong ít lâu, nhưng tình cảnh của chúng tôi mỗi tuần một khốn đốn hơn. Mùa đông thiên hạ gác xe lại để tiết kiệm xăng và tiền thuế, xe đưa đến sửa càng ngày càng thưa thớt. Đã đành chúng tôi xoay xở thêm bằng chiếc tắcxi, nhưng số tiền kiếm được quá eo hẹp cho ba miệng ăn, vì thế tôi lấy làm hớn hở khi được ông chủ tiệm Quốc tế mời trở lại chơi đàn tối tối cho tiệm ông kể từ tháng Chạp. Thời gian gần đây ông phất tợn; nghiệp đoàn lái gia súc chọn một phòng sau tiệm làm địa điểm hội họp hàng tuần, rồi nghiệp đoàn lái ngựa cũng theo gương, và sau rốt là hội những người khuyên khích việc hỏa táng vì lợi ích chung. Bằng cách ấy, tôi có thể dành chiếc tắcxi cho Lenz và Koster lái, hơn nữa công việc mới cũng rất hợp ý tôi… Chẳng gì tôi vẫn thường không biết xài sao cho hết những buổi tối.
Pat viết thư đều đặn cho tôi. Tôi mong đợi những lá thư của nàng, nhưng tôi không hình dung nổi nàng sống ra sao, và thỉnh thoảng, trong những tuần đầu tháng Chạp nhớp nhúa, u ám, ngay đến giữa trưa cũng không sáng sủa lên được, tôi ngỡ như nàng đã tuột khỏi tay tôi từ lâu và mọi sự đã chấm dứt. Tôi tưởng chừng ngày nàng ra đi đã xa xưa lắm lắm và không sao hình dung nổi nàng sẽ trở về. Rồi đến những buổi tối đầy nhớ nhung da diết, mãnh liệt, khi tôi không biết tìm khuây khỏa ở đâu ngoai việc ngồi nốc rượu thâu đêm suốt sáng với lũ điếm và bọn lái bò.
Ông chủ tiệm được phép mở tiệm Quốc Tế suốt đêm Nôen. Sẽ có một bữa tiệc lớn cho các chàng trai chưa vợ của tất cả các nghiệp đoàn. Chủ tịch nghiệp đoàn lái gia súc, bác lái lợn Stefan Grigoleit, hiến hai chú lợn sữa và một đống chân giò. Góa vợ từ hai năm nay, bản tính lại đa cảm, bác muốn vui Nôen cùng với mọi nguờì.
Ông chủ tiệm rước về một cây thông bạc cao bốn thước dựng ngay bên quầy rượu. Vốn thừa uy tín trong thảy những việc tạo nên không khí ấm cúng, tiện nghi, Rosa cảm nhận trang điểm cây Nôen. Marion và gã đồng cô Kiki – kẻ do xu hướng tự nhiên mà khá có óc thẩm mỹ – giúp ả. Đến trưa, cả ba bắt tay vào việc. Họ sử dụng không biết cơ man nào là hình cầu sặc sỡ, rồi nến, dây kim tuyến, nhưng bù lại, rốt cuộc trông cái cây cũng đẹp đáo để. Để tỏ ra đặc biệt quan tâm tới Grigoleit, người ta còn treo lên đó một lô những chú lợn xinh xinh bằng kẹo hạnh nhân bọc giấy hồng.
Buổi chiều, tôi lên giường nằm tranh thủ ngủ vài giờ. Khi tôi tỉnh giấc, trời đã tối. Tôi phải thừ người ra nghĩ một lát xem đang là tối hay sáng. Tôi nằm mơ hẳn hoi, nhưng chẳng nhớ mơ gì nữa. Tôi phiêu dạt ở đâu xa lắm, và ngỡ như còn nghe tiếng một cánh cửa đen sì sập lại sau lưng mình. Thế rồi tôi nhận thấy có ai gõ cửa.
“Ai đấy?”, tôi hỏi to.
“Tôi đây mà, anh Lohkamp”.
Tôi nhận ra giọng bà Zalewski xuất hiện giữa khung cửa, trên nền sáng vàng vọt trong hành lang. “Bà Hasse đã về”, bà thì thào. “Anh lại mau. Tôi không dám thuật lại với bà ta”.
Tôi không nhúc nhích. Tôi phải tự trấn tĩnh cái đã.
“Bà bảo bà ta đến cảnh sát”, đoạn tôi nói.
“Kìa, anh Lohkamp!”, bà Zalewski giơ hai tay lên van vỉ. “Nhà chẳng còn ai ngoài anh. Anh phải giúp tôi. Anh là người có đạo kia mà”.
Ba đứng đó như một bóng đen múa may trong khung cửa hình chữ nhật. “Bà thôi đi cho”, tôi cáu kỉnh nói. “Tôi ra đây”.
Tôi mặc quần áo rồi đi ra. Bà Zalewski chờ tôi ngoài hành lang. “Bà ta đã hay biết tí gì chưa?”, tôi hỏi.
Bà lắc đầu, áp chặt chiếc khăn tay vào mồm.
“Thế bà ta đâu rồi?”
“Trong phòng cũ ấy”.
Frida đã chực trước cửa bếp, mồ hôi túa ra vì hồi hộp. “Bà ta đội một chiếc mũ tuyền lông diệc nhá, lại cài trâm nạm kim cương trên áo nữa”, ả thì thầm.
“Bà canh chừng đừng để cái con ngốc rúc bếp chết dẫm này nó nghe lỏm”, tôi bảo bà Zalewski rồi vào phòng Hasse.
Bà Hasse đứng bên cửa sổ. Bà ta vội quay lại khi tôi bước vào. Rõ ràng bà ta chờ đợi ai khác. Thật ngu ngốc, nhưng tôi đã để mắt đến cái mũ và chiếc trâm trước tiên, mặc dù lòng không muốn thế. Frida nói đúng; cái mũ trông xa hoa lắm. Chiếc trâm khiêm nhường hơn. Cả người bà ta trang điểm khá lộng lẫy, như một kẻ muốn tỏ cho người khác thấy mình khá giả lắm đây. Nhìn tổng thể, bà ta chẳng đến nỗi nào; chẳng gì cũng hơn đứt cái năm bà ta còn ở đây.
“Dễ thường ông Hasse làm việc cả đêm Giáng Sinh, hả?”, bà ta hỏi giọng châm chọc.
“Không”, tôi nói.
“Vậy ông ta đâu? Đi nghỉ chắc”?
Bà ta đi lại tôi, hông đung đưa. Tôi ngửi thấy mùi nước hoa sực nức. “Bà còn muốn gì ở ông ấy?”, tôi hỏi.
“Thu xếp chuyện tôi. Thanh toán, chia chác. Rốt cuộc tôi phải có phần của tôi chứ”.
“Bà khỏi cần”, tôi nói. “Giờ đây tất cả là của bà”.
Bà ta nhìn tôi trân trối.
“Ông ấy chết rồi”, tôi nói.
Tôi rất muốn nói với bà ta cách khác. Cân nhắc hơn và từ từ hơn. Nhưng tôi không biết nên bắt đầu ra sao. Vả lại, đầu óc tôi vẫn con mụ mị sau giấc ngủ ban chiều; cái giấc ngủ những muốn xúi người ta tự sát khi tỉnh dậy.
Bà Hasse đứng giữa phòng; và thật kỳ quái, đúng lúc nói điều đó với bà ta, tôi nhìn thấy rất rõ là bà ta sẽ chẳng va vào đâu nếu bà ta té xỉu. Ngẫm ra mà lạ lùng, nhưng thật tình lúc ấy tôi không trông thấy gì khác, cũng chẳng nghĩ đến gì khác.
Nhưng bà ta không té xỉu. Bà ta vẫn đứng và nhìn tôi. “Ra thế”, bà ta nói, “ra thế…”. Chỉ những chiếc lông diệc trên mũ bà ta là run rẩy. Và thốt nhiên, không kịp hiểu cái gì diễn ra, tôi trông thấy người đàn bà chải chuốt xức nước hoa ấy già xọm đi trước mắt mình. Tưởng chừng thời gian vừa xối xuống bà ta một trận mưa giông, mỗi tích tắc là một năm qua đi… sự căng thẳng tan biến, vẻ đắc thắng tắt lịm, bộ mặt úa tàn. Những nếp nhăn như những con giun trườn vào mặt bà ta, và khi bà ta quơ tay sờ soạng tìm một lưng ghế vịn để ngồi xuống, tuồng như sợ làm đổ vỡ một cái gì, tưởng chừng đó là con người khác hẳn – trông bà ta phờ phạc, đờ đẫn, già nua.
“Ông ấy mắc bệnh gì?”, bà ta hỏi, môi không hề mấp máy.
“Ông ấy mất đột ngột”, tôi nói.
Bà ta không nghe, mà nhìn chăm chăm vào hai bàn tay mình. “Tôi làm gì bây gio?”, bà ta lẩm bẩm. “Tôi biết làm gì đây?”
Tôi nên đợi hồi lâu. Tôi cảm thấy ghê tởm. “Bà có người để tìm đến kia mà”, cuối cùng tôi nói. “Tốt nhất bà đừng ở lại đây. Bà từng không muốn ở lại đây là gì…”.
“Nhưng bây giờ mọi sự đã khác trước”, bà ta đáp, mắt không nhìn lên. “Tôi biết làm gì đây?”
“Thì bà hẳn có người đang chờ mình. Hãy đến với hắn và bàn bạc mọi nhẽ với hắn. Rồi sau lễ Nôen hãy lại tìm cảnh sát khu vực. Của nả gửi ở đó, cả những cuốn sổ tiết kiệm. Bà phải trình diện thì họ mới trao tiền cho bà”.
“Tiền, tiền”, bà ta thẫn thờ lẩm bẩm. “Tiền gì?”
“Khá nhiều, Khoảng ngàn hai mác”.
Bà ta ngẩng đầu. Cặp mắt bỗng lộ vẻ điên loạn. “Không!”, bà ta kêu thét lên, “điều đó không đúng!”
Tôi nín lặng không đáp. “Xin anh hãy nói là điều đó không đúng”, bà ta thì thào.
“Có thể không đúng. Nhưng cũng có thể ông ấy đã lén dành dụm phòng khi bất trắc”.
Bà ta đứng phắt dậy. Bỗng bà ta thay đổi hẳn. Cử động của bà ta có phần máy móc, giật cục. Bà ta ghé sát mặt vào mặt tôi. “Phải, đúng rồi”, bà ta rít lên, “tôi cảm thấy là đúng! Quân đểu! Ôi, quân đểu giả! Hắn đẩy tôi đến nông nỗi này, và rồi té ra thế! Nhưng tôi sẽ nhận món tiền ấy, và sẽ tung hê hết tần tật trong một tối, sẽ tung hê ra đường để không còn sót lại dù chỉ một xu! Không một xu nào!”
Tôi lặng thinh. Chán lắm rồi. Bà ta đã vượt qua bước đầu tiên, bà ta biết Hasse đã chết, giờ bà ta phải tự liệu lấy với lão kia. Rất có thể bà ta sẽ gục một lần nữa nếu được biết chồng mình thắt cổ tự tử, nhưng đó là việc riêng của bà ta. Người ta không thể vì bà ta mà dựng Hasse sống lại được.
Lúc này bà ta khóc. Nước mắt tuôn ra ràn rụa. Bà ta khóc to, tỉ tê như một đứa trẻ. Bà ta thổn thức hồi lâu. Giá được, tôi sẵn lòng đánh đổi nhiều thứ để hút một điếu thuốc. Tôi không chịu nổi cảnh khóc lóc.
Mãi rồi bà ta cũng nín. Bà ta lau khô mặt, máy móc lôi hộp phấn ra và thoa phấn, mắt chẳng nhìn vào gương. Đoạn bà ta lại nhét cái hộp anh ánh bạc ấy vào xắc tay, nhưng quên không cài xắc lại. “Tôi không biết tí gì nữa”, bà ta nói giọng thổn thức, “tôi không biết tí gì nữa. Hẳn ông ấy là người chồng tốt”.
“Đúng thế”.
Tôi còn cho bà ta địa chỉ đồn cảnh sát khu vực, bảo bà ta rằng chắc hôm nay đồn đã đóng cửa. Tôi thiết nghĩ bà ta chưa vội đến đó ngay thì hơn. Bà ta chịu đựng như thế kể cũng đã đủ cho hôm nay.
Khi bà ta đi rồi, ba Zalewski ló ra khỏi phòng khách. “Ngoài tôi ra, dễ thường không còn ai ở đây?”, tôi hỏi, điên tiết với chính mình.
“Chỉ có cậu Georgie. Thế bà ta bảo sao?”
“Chẳng bảo sao cả”.
“Càng hay”.
“Còn tùy. Đôi khi chẳng càng hay tí nào”.
“Tôi không thương hại bà ta”, bà Zalewski tuyên bố cương quyết. “Không một mảy may”.
“Thương hại là món hàng vô dụng nhất có trên thế gian”, tôi giận dữ nói. “Đó là mặt sau của sự khoái trá hiểm độc, bà nên biết cho như vậy. Bây giờ mấy giờ rồi?”
“Bảy giờ kém mười lăm”.
“Tôi muốn gọi điện cho cô Hollmann và lúc bảy giờ. Nhưng tôi không muốn ai nghe thấy cả. Liệu có được không?”
“Làm gì có ai ở đây, ngoài cậu Georgie. Frida thì tôi đã sai đi có việc rồi. Nếu muốn, anh vào bếp mà điện thoại cũng được. Dây vừa đủ dài đến đấy”.
“Được”.
Tôi gõ cửa phòng Georgie. Đã lâu tôi không sang chú.
Chú ngồi bên bàn viết, trông ốm yếu dễ sợ. Xung quanh chú là một đống giấy xé vụn. “Chào chú, Georgie”, tôi nói, “chú làm gì thế?”
“Kiểm kê”, chú đáp với nụ cười héo hắt. “Một việc làm hay ho vào dịp lễ Giáng Sinh”.
Tôi cúi xuống một trong những mảnh giấy rách vụn. Đó là những trang vở ghi các công thức hóa học. “Sao lại thế này?”, tôi hỏi.
“Tích sự gì nữa đâu, anh Robby”.
Nước da chú xanh trong. Hai tai như làm bằng sáp. “Hôm nay chú ăn gì rồi?”, tôi hỏi.
Chú khoát tay gạt đi, “Ăn gì mà chẳng được. Vấn đề không phải ở đó. Không phải chuyện ăn. Nhưng đơn giản là tôi không thể tiếp tục. Tôi đành bỏ dở”.
“Đến mức ấy sao?”
“Vâng”, chú nói.
“Này Georgie”, tôi bình thản nói. “Chú hãy nhìn vào tôi đây. Chú không nghĩ rằng tôi cũng từng có lúc mơ ước làm một nghề gì khác hơn là ngồi gõ đàn thuê trong tiệm Quốc Tế, trong cái ổ điểm ấy sao?”
Chú vặn vẹo hai bàn tay. “Tôi biết, anh Robby. Nhưng điều đó chẳng giúp gì cho tôi. Tôi đã từng coi học hành là tất cả. Giờ đây tôi hiểu ra rằng có học cũng vô nghĩa. Rằng chẳng một cái gì có nghĩa cả. Người ta sống để làm gì chứ?”
Tôi phì cười, mặc dù trông chú ngồi đó thật thảm hại và với chú, chuyện này rất mực nghiêm trang. “Đồ lừa con”, tôi nói, “cứ làm như phát hiện ra cái gì ghê gớm lắm! Dễ chú tưởng chỉ mình chú biết cái triết minh vĩ đại ấy đấy? Dĩ nhiên là vô nghĩa rồi. Người ta cũng chẳng sống chỉ vì có được một mục đích. Đâu có chuyện đơn giản thế. Thôi, diện bộ vào. Chú theo tôi tới tiệm Quốc Tế. Tụi ta sẽ uống mừng chú trở thành người đàn ông. Lâu nay chú chỉ là một cậu học trò. Nửa giờ nữa tôi qua gọi chú”.
“Không”, chú nói.
Chú quá chán chường. “Có”, tôi nói. “Chú sẽ làm vui lòng tôi. Hôm nay tôi không muốn cô độc”.
Chú nhìn tôi ngờ vục. “Thôi đành”, đoạn chú chán ngán đáp. “Suy cho cùng, thế nào chẳng được”.
“Chú thấy chưa”, tôi nói. “Mở đầu mà chú đã đưa ra được một câu châm ngôn hay tuyệt”.
Đúng bảy giờ tôi xin số máy của Pat. Từ giờ này trở đi gọi điện được giảm nửa giá, thành thử tôi có thể nói chuyện với nàng lâu gấp đôi. Tôi ngồi lên chiếc bàn ngoài tiền phòng và chờ. Tôi không muốn vào bếp. Trong đó sặc mùi đậu xanh, mà tôi lại không muốn gắm Pat với cái mùi ấy trong khi gọi điện cho nàng tí nào. Mười lăm phút sau tôi được nối máy. Pat lên tiếng ngay. Khi cái giọng ấm áp, trầm đục, hơi ngập ngừng của nàng vang sát bên tai tôi, tôi cảm động gần không thốt nên lời. Toàn thân tôi dường như rung lên, run rẩy từ trong máu, cố đến mấy cũng chịu, không sao kiềm chế được.
“Lạy Chúa, Pat”, tôi nói, “có thật em đó không?”
Nàng cười. “Anh đang ở đâu đấy, Robby? Trong phòng giấy của xưởng à?”
“Không, anh đang vắt vẻo trên bàn ở nhà bà Zalewski. Em khỏe chú?”
“Khỏe, anh yêu ạ”.
“Em được dậy rồi đây à?”
“Vâng. Em ngồi trên bậu cửa sổ phòng em, mình bận áo khoác tắm màu trắng. Ngoài trời tuyết đang rơi”.
Đột nhiên nàng hiện lên rõ mồn một trước mắt tôi. Tôi thấy những bông tuyết quay cuồng, thấy mái đầu tóc sẫm xinh xinh, đôi bờ vai phẳng hơi nhô về phía trước, nước da ửng màu đồng.
“Trời ơi, Pat”, tôi nói, “đồng tiền chó chết! Giá có tiền, anh sẽ lên máy bay tức thì và đến với em chỉ nội tối nay”.
“Ôi, anh yêu…”.
Nàng im. Tôi lắng nghe tiếng lạo xạo, rì rì khe khẽ của đường dây. “Pat, em vẫn nghe đấy chứ?”
“Vâng, anh Robby. Nhưng anh đừng nói với em những chuyện như thế nữa cơ. Em nghe mà choáng váng qua”.
“Anh cũng đang chóng hết cả mặt mày lên đây”, tôi nói. “Kể anh nghe em làm gì trên ấy đi”.
Nàng bắt đầu kể, nhưng chả mấy chốc tôi không để ý nàng nói gì nữa. Tôi chỉ còn nghe giọng của nàng, và giữa lúc ngồi trong gian tiền phòng tối om ấy, bên này cái đầu lợn lòi, bên kia là căn bếp chỉ rặt đậu xanh, tôi tưởng như cánh cửa mở ra, và một làn sóng ấm áp, lấp lóa tràn vào, mơn trớn, rực rỡ, đầy mộng mơ, khát vọng, tuổi trẻ. Tôi co chân lên bàn, tựa đầu vào lòng bàn tay, tôi nhìn cái đầu lợn lòi, cánh cửa bếp cũ mục, nhưng không sao thoát khỏi cơn mơ màng… mùa hè bỗng hiện về, làn gió, chiều buông trên những đồng lúa và ánh sáng xanh biếc trên những con đường rừng. Giọng nói im bặt. Tôi hít một hơi thật sâu. “Nói chuyện với em, anh rất sung sướng. Pat ạ. Thế tối nay em làm gì?”
“Tối nay có một cuộc liên hoan nhỏ. Tám giờ bắt đầu. Em đi thay quần áo bây giờ đây”.
“Em sẽ mặc cái gì nào? Chiếc áo dài ngân tuyến chăng?”
“Đúng đấy, Robby. Chiếc áo ngân tuyến em mặc hôm anh bế em lẻn vào hành lang ấy”.
“Thế em đi với ai?”
“Chẳng với ai cả. Đây là viện điều dưỡng mà anh. Ngay dưới đại sảnh thôi. Biết nhau hết còn gì”.
“Chắc em khó lòng chung thủy với anh”, tôi nói. “Một khi em diện chiếc áo dài ngân tuyến ấy”.
Nàng cười. “Mặc nó, em càng không đời nào lừa dối anh. Nó nhắc em biết bao kỷ niệm”.
“Anh cũng vậy. Anh đã thấy em quyến rũ nhường nào trong chiếc áo ấy. Nhưng anh cũng chẳng muốn biết rõ làm gì. Em có thể lừa dối anh, miễn là anh không biết. Sau này, khi trở về, em sẽ coi mọi chuyện như một giấc mơ, quên đi, và thế là xong”.
“Ôi, anh Robby”, nàng nói chậm, giọng trầm hẳn. “Em không thể lừa dối anh được. Em nghĩ đến anh quá nhiều. Anh không hiểu ở đây như thế nào đâu. Một nhà tù sáng sủa, đẹp đẽ. Người ta cố giải khuây càng nhiều càng hay, tất cả chỉ có vậy. Nhớ đến căn buồng của anh, đôi khi em không biết nên làm gì, thế rồi em đến bên nhà ga và nhìn những đoàn tàu ngược từ dưới ấy lên, em tưởng như sẽ được gần anh hơn nếu em trèo vào một toa tàu hoặc làm ra vẻ chờ đón ai”.
Tôi mím chặt môi. Tôi chưa hề nghe nàng nói như vậy. Bao giờ nàng cũng e lệ, và nàng thường thể hiện niềm mến yêu của mình trong cử chỉ và trong khóe mắt nhiều hơn trong lời nói.
“Anh sẽ liệu sao để lên thăm em một lần, Pat ạ”, tôi nói.
“Thật không, Robby?”
“Thật, có lẽ cuối tháng Giêng”.
Tôi biết điều ấy khó lòng thực hiện nổi, vì từ tháng Hai trở đi chúng tôi còn phải lo xoay tiền trả viện điều dưỡng. Nhưng tôi nói thế cốt để nàng có niềm vui mà nghĩ tới. Sau này cứ trì hoãn dần cho đến ngày nàng quay về cũng chẳng khó khăn gì.
“Tạm biệt, Pat”, tôi nói. “Gắng giữ gìn sức khỏe, nghe em. Hãy vui lên thì anh cũng vui. Tối nay vui nhé!”
“Vâng, Robby, hôm nay em sung sướng lắm”.
Tôi sang rủ Georgie, cùng chú đến tiệm cà phê Quốc Tế. Không sao nhận ra cái hang cũ kỹ ám khói ấy nữa. Cây Nôen được thắp sáng, ánh sáng ấm áp của nó lấp lánh trên khắp các chai, các ly và lớp kền, đồng ốp trên quầy rượu. Các ả điếm, diện áo dài dạ hội và đeo đồ trang sức giả, ngồi quanh bàn vẻ háo hức.
Đúng tám giờ, hội ca xướng của Liên hiệp các đại lý kinh doanh gia súc rầm rập tiến vào. Họ giàn hàng theo chất giọng, bên phải là giọng cao thứ nhất, bên trái giọng trầm thứ hai. Stefan Grigoleit, bác lái lợn góa vợ, lôi ra một chiếc thanh mẫu, chia cung bậc, rồi bốn giọng ca cất lên:
“Đêm thánh ôi xin Người hãy rót
Vào trái tim con chút thanh bình
Ban cho kẻ hành hương khốn khổ
Sự nghỉ ngơi, xoa dịu điêu linh
Những vì sao rạng ngời lấp lánh.
Từ mênh mông xanh thắm ân tình
Sao muốn vẫy con về với Người
hướng về trời…”
“Cảm động quá”, Rosa vừa nói vừa chùi mắt.
Đoạn hai lắng xuống. Tiếng vỗ tay vang như sấm dậy. Các ca sĩ cúi mình tạ ơn. Stefan Grigoleit lau mồ hôi trán. “Beethoven mãi mãi vẫn là Beethoven”, ông tuyên bố.
Không ai cãi lại. Stefan nhét khăn muxoa vào túi, “Nào bây giờ chiến đấu đi thôi!”.
Bàn tiệc được bày biện trong phòng họp lớn. Giữa bàn, trên hai chiếc khay bạc đặt trên hai bếp cồn nhỏ là hai chú lợn sữa vàng ươm, quay giòn. Mõm mỗi chú ngậm một quả chanh, lưng đội cây thông nhỏ tháp sáng, chẳng còn gì khả dĩ khiến chúng ngạc nhiên được nữa.
Alois xuất hiện trong chiếc áo đuôi én vừa nhuộm lại, quà tặng của ông chủ tiệm. Gã khuân ra sáu bình đá đựng rượu gin Steinhager, bắt đầu rót. Vào cùng với gã là Potter, thành viên hội hỏa táng, vừa đi chỉ đạo một lễ hỏa táng về.
“Hòa bình cho trái đất!”, lão trịnh trọng nói, chìa tay cho Rosa, rồi ngồi xuống cạnh ả. Stefan Gregoleit, vừa nãy đã lập tức mời Georgie vào bàn, đứng lên phát biểu vài lời ngắn nhất và hay nhất trong đời ông. Nâng cao ly rượu gin lóng lánh, ông rạng rỡ nhìn ra xung quanh và kêu to: “Xin chúc mừng!”.
Đoạn ông ngồi xuống, và Alois lễ mễ bưng ra nào chân giò, nào bắp cải muối, khoai tây luộc. Ông chủ tiệm ra với những ly thủy tinh cao sóng sánh bia Pilsener óng vàng.
“Chén từ từ chứ, Georgie”, tôi nói. “Dạ dày của chú cần làm quen dần với các món ăn béo bổ”.
“Chính tôi cũng phải làm quen dần”, chú đáp và nhìn tôi.
“Nhanh thôi”, tôi nói. “Cái chính là đừng có so sánh. Thế là lúc nào cũng xuôi”.
Chú gật đầu và lại chúi xuống đĩa của mình. Potter nói the thé. Lão muốn cụng ly với bác bán xì gà Busch, một khách mời, nhưng Busch khước từ với lý do không uống để ăn được nhiều hơn.
“Rõ ngớ ngẩn chửa”, Potter chửi. “Đã ăn thì phải uống chứ! Thậm chí uống vào càng chén đẫy”.
“Câm đi!”, Busch gắt. Đó là một con người gầy gò, mũi tẹt, đeo kính gọng sừng.
Potter nhảy dựng lên “Câm? Mày ăn nói với tao thế đấy hở, đồ cú thuốc lào?”
“Trật tự nào!”, Stefan Gregoleit hét to. “Cấm cãi vã vào đêm Giáng Sinh!” Ông hỏi đầu đuôi câu chuyện, đoạn phán quyết như thần Solomon. Cuộc cãi vã phải được thử nghiệm hẳn hoi. Người ta đặt trước mỗi đối thủ nhiều đĩa lớn đều nhau bày đủ thịt, khoai tây và bắp cải muối. Những xuất ăn khổng lồ. Potter được phép uống thoải mái, Busch chỉ ăn không uống. Để cuộc thách đấu thêm phần hấp dẫn, người ta cá tiền xem bên nào thắng. Grigoleit đứng ra làm chủ cá.
Potter quây các ly bia quanh lão, xen vào đó là những ly gin Steinhager nhỏ lóng lánh như kim cương. Người ta cá cho lão, ba ăn một. Đoạn Gregoleit phát lệnh khởi sự.
Busch nhai nhồm nhoàm, đầu chúi xuống đĩa. Potter thi đấu với một thái độ thành thật, cởi mở. Cứ uống một hớp, lão lại một lần hoan hỉ chúc tụng Busch trong khi bác này đáp lại bằng những cái nhìn hằn học.
“Tôi thấy khó ở”, Georgie bảo tôi.
“Theo tôi”.
Tôi dẫn chú vào buồng rửa mặt, đoạn ra phòng ngoài ngồi chờ.
Mùi thơm ngọt ngào của nến hòa trong tiếng lách tách và mùi lá thông cháy. Đột nhiên tôi tưởng nghe như tiếng bước chân nhẹ nhàng, yêu dấu, như cảm giác hởi thở ấm nóng và như trông thấy hai con mắt kề sát mặt mình…
“Mẹ kiếp!”, tôi chửi thề và đứng lên. “Mình làm sao thế này?”
Đúng lúc đó tôi nghe tiếng rú lộng óc “Potter! Hoan hô, Aloysius!”. Phe hỏa táng đã thắng.
Ở phòng trong mù mịt khói xì gà, rượu cognac được rót ra liên tục. Tôi vẫn ngồi bên quầy rượu. Các ả điếm chạy lên trước và thì thầm ra chiều sôi nổi tợn.
“Chúng tôi cũng có quà tặng Nôen của mình chứ tưởng”, Marion nói.
“Té ra vậy”. Tôi tựa đầu vào quầy, tự hỏi Pat đang làm gì lúc này. Tôi hình dung gian đại sảnh của viện điều dưỡng, lò sưởi cháy rừng rực, còn Pat ngồi bên một trong những chiếc bàn kê cạnh cửa sổ với Helga Guttmann và vài người nữa. Tất cả đã lùi xa kinh khủng. Đôi khi, tôi nghĩ buổi sáng nào đó có thể ta choàng tỉnh dậy, và tất cả những gì trước đây đều đã qua hẳn, bị lãng quên, chìm đắm, mãi mãi nằm yên dưới đáy nước. Không có cái gì vững chắc hết… Kỷ niệm lại càng không.
Chuông kêu leng keng. Các ả xô nhau ù té sang buồng chơi bi-a chẳng khác gì bầy gà mái hốt hoảng. Rosa đứng bên đó, tay rung chuông. Ả vẫy tôi cùng sang. Trên bàn bi-a, dưới một cây thông nhỏ là cả lô đĩa phủ giấy lụa. Trên mỗi đĩa có một mảnh giấy đề tên người nhận, dưới lớp giấy lụa là những gói quà xinh xinh mà các ả tặng lẫn nhau. Rosa bày đặt mọi chuyện. Người nào cũng nộp cho ả món quà gói sẵn của mình, rồi ả sắp lên các đĩa.
Hân hoan, các ả vừa liến thoắng vừa chạy loạn xị, tíu tít như trẻ con để biết cho nhanh mình nhận được gì. “Anh không muốn nhận đĩa của anh chắc?” Rosa hỏi.
“Đĩa nào?”
“Đĩa của anh. Anh cũng được tặng quà cơ mà”.
Có thế thật, tên tôi kia, viết bằng hai màu đỏ và đen, kiểu chữ in hẳn hoi. Nào táo, nào hạt dẻ, nào cam… tôi nhận quà tặng của Rosa một chiếc áo len chui đan lấy, của bà chủ tiệm một chiếc ca vạt xanh lá mạ, của gã đồng cô Kiki đôi bít tất hồng bằng lụa nilông chính hiệu, của Wally – Người Đẹp một chiếc thắt lưng da, của anh bồi Alois nửa chai rum, của Marion. Lina và Mimi một nửa tá muxoa và của ông chủ tiệm hai chai cognac.
“Chà các bạn”, tôi nói, “các bạn ơi, tôi hoàn toàn bị bất ngờ”.
“Ngạc nhiên hả?”. Rosa reo lên.
“Cực!”
Tôi đứng đó mắc cỡ, và mẹ khỉ, tôi xúc động run tận xương tủy. “Các bạn”, tôi nói, “các bạn có biết lần cuối cùng tôi được tặng quà Nỗen là hồi nào không? Tôi hoàn toàn không nhớ nữa. Hẳn phải từ trước chiến tranh kia. Nhưng bây giờ tôi chẳng có gì tặng lại các bạn cả”.
Mọi người ồ lên vui sướng vì thấy tôi bị đánh úp một cú đẹp quá. “Bởi anh luôn chơi đàn cho chúng tôi nghe”, Lina đỏ mặt nói.
“Phải đấy, anh chơi bài gì đi, đó là quà tặng của anh”, Rosa tuyên bố.
“Bài nào các bạn muốn”, tôi nói. “Tất cả những bài các bạn muốn”.
“Bài Tuổi Hoa đi”, Marion reo.
“Thôi, bài nào vui nhộn ấy”, Kiki phản đối.
Gã bị át đi. Là kẻ luyến ái đồng tính, dẫu sao gã cũng chẳng được coi là người hoàn toàn minh mẫn. Tôi ngồi vào đàn và bắt đầu chơi. Tất cả cùng hát.
“Đã qua rồi tuổi hoa.
Bài ca còn vẳng lại
Ôi sao mãi lìa xa
Cái từng là của ta…”
Bà chủ tắt hết đèn điện đi. Chỉ còn ánh sáng dịu của những ngọn nến. Tiếng vòi bia chảy róc rách như tiếng một nguồn nước xa tít trong rừng, và gã Alois chân bẹt cứ lảng vảng phía sau như một bóng ma. Tôi chơi sang đoạn hai. Mắt long lanh, nét mặt hiền dịu như những thiếu nữ con nhà gia giáo, các ả điếm vây quanh chiếc đàn dương cầm… nhưng kìa, ai khóc sụt sịt thế kia? Kiki, thằng Kiki sinh ra ở vùng Luckenwalde.
Cửa phòng lớn khẽ mở. Miệng ư ử du dương, hội ca xướng nối đuôi nhau vào và đứng lại sau lưng các ả. Grigoleit dẫn đầu, miệng ngậm điếu xì gà Brasil màu đen.
“Buổi cất bước ra đi
Đời sầm uất là thế
Khi đặt gót trở về
Thế gian, ôi quạnh quẽ…”
Giàn hợp xướng từ từ lắng giọng. “Hay”, Lina trầm trồ.
Rosa châm pháo dây. Chúng cháy xoèn xoẹt, tóe ra những tia lửa nhỏ. “Thế, giờ làm một bài vui nhộn nào!”, ả kêu lên. “Cho Kiki tươi lên chứ”.
“Cả tôi nữa”, Stefan Grigoleit nói.
Mười một giờ thì Koster và Lenz đến. Chúng tôi cùng chú chàng Georgie xanh xao ngồi vào một bàn cạnh quầy rượu. Người ta cho chú vài khoanh bánh mì sấy ăn cho hồi lại. Chả mấy chốc Lenz đã biến vào giữa đám dân buôn gia súc huyên náo. Mười lăm phút sau chúng tôi thấy cậu ta cùng Grigoleit xuất hiện bên quầy rượu. Hai người ngoặc tay vào nhau uống mừng tình huynh đệ.
“Stefan!”, Grigoleit nói.
“Gottfried!” Lenz đáp lại, cả hai dốc cạn ly cognac.
“Mai tôi gửi cho chú một gói dồi và xúc xích gan nghe, Gottfried. Được không?”
“Được quá chứ lại!”, Lenz vỗ vai ông. “Ôi, Stefan, bạn già tốt bụng”.
Stefan mặt mày sáng rỡ. “Chú cười mới sảng khoái làm sao”, ông hân hoan nói. “Tôi thích kẻ nào biết cười vô tư. Tôi rất dễ buồn, đó là nhược điểm của tôi”.
“Của tôi nữa”. Lenz đáp. “chính vì thế mà tôi cười. Lại đây, Robby, cùng bọn này cạn một ly chúc cho chuỗi cười vô tận của nhân gian!”
Tôi lại bên họ. “Thằng nhỏ kia làm sao vậy?”, Stefan chỉ Georgie hỏi, “trông nó cũng buồn gớm lên được”.
“Làm nó vui lên dễ thôi”, tôi nói. “Nó chỉ cần chút việc làm”.
“Khó đấy”, Stefan đáp. “Thời buổi này!”
“Nó làm gì cũng được”.
“Thời buổi này ai chả sẵn sàng thế”, Stefan đã tỉnh táo hơn.
“Chú ấy chỉ cần bảy mươi lăm mác mỗi tháng”.
“Nói khoác. Ngần ấy thì sống sao nổi”.
“Thế mà nó sống nổi đấy”, Lenz nói.
“Này Gottfried”. Grigoleit đáp, “tôi là thằng già bợm rượu. Đúng vậy. Nhưng việc làm là thứ hết sức nghiêm chỉnh. Không thể hôm nay cho người ta việc làm, mai lại cướp đi. Như thế còn khốn nạn hơn là cưới vợ cho một người để rồi đến mai cuỗm lại cô dâu. Nhưng nếu thằng nhỏ ấy trung thực và chỉ cần bảy mươi lăm mác thì nó gặp may đấy. Bảo nó tám giờ sáng thứ Ba lại đằng tôi. Tôi đang cần một chân loong toong để giao dịch với nghiệp đoàn và sai vặt này khác. Thỉnh thoảng cho thêm một gói thịt. Xem ra cu cậu cần được vỗ béo đôi chút”.
“Nói nghiêm chỉnh đấy chứ?”, Lenz hỏi.
“Đó là lời nói của Stefan Grigoleit”.
“Georgie”, tôi gọi, “lại đây”.
Chú run lên khi biết chuyện. Tôi trở lại với Koster. “Otto này”, tôi nói, “nếu như cậu có thể sống lại từ đầu cuộc đời cậu, cậu muốn hay không?”
“Hệt như cũ ấy à?”
“Ừ”.
“Không”, Koster đáp.
“Mình cũng vậy”, tôi nói.