Ba Người Bạn

CHƯƠNG 25



Tháng Hai, tôi ngồi với Koster lần cuối trong xưởng của chúng tôi. Chúng tôi đã buộc lòng bán xưởng, giờ đây hai thằng ngồi chờ viên phát mại đến bán đấu giá những trang thiết bị và chiếc tắcxi. Koster hy vọng sang xuân sẽ xin được chân lái xe đua cho một hãng xe hơi cỡ nhỏ. Tôi ở lại tiệm cà phê Quốc Tế, định cố gắng tìm một việc gì nữa làm ban ngày ngõ hầu kiếm thêm tiền.
Ngoài sân, một đám người dân tụ tập. Viên phát mãi đến. “Cậu ra chứ, Otto?” tôi hỏi.
“Để làm gì? Mọi thứ ở ngoài đó cả rồi, và ông ta đã biết rõ”.
Koster có vẻ mệt mỏi. Điều đó không dễ nhận thấy, nhưng ai hiểu rõ cậu ta sẽ biết ngay. Nét mặt Koster căng thẳng, nghiêm khắc hơn thường lệ. Hết tối này sang tối khác, cậu ta lang thang trên đường, lúc nào cũng đảo quanh một khu vục. Đã từ lâu cậu ta biết tên cái thằng bắn Gottfried, mỗi tội chưa tìm ra nó. Vì sợ cảnh sát, thằng ấy đã đổi chỗ ở và đang ẩn náu đâu đó. Alphonse đã dò ra tất cả. Bác cũng chờ cơ hội. Đương nhiên có thể tên giết người đã rời khỏi thành phố. Mà nó cũng chẳng biết Koster và Alphonse đang lùng mình. Hai người chờ thằng ấy trở lại một khi nó cảm thấy đã thoát nạn.
“Mình ra xem cái đây, Otto”, tôi bảo.
“Ừ”.
Tôi ra sân. Các bàn máy và những dụng cụ khác chất đống giữa sân. Chiếc tắcxi đậu bên phải, sát tường. Chúng tôi tắm rửa kỹ cho nó. Tôi ngắm nghía những chiếc ghế đệm và bốn bánh. “Con bò sữa can trường của tụi ta”, Gottfried luôn gọi nó như vậy. Phải chia tay với nó thật không đơn giản chút nào.
Có ai vỗ vào vai tôi. Ngạc nhiên, tôi quay lại. Một gã trai trẻ vẻ ngông nghênh đến khó chịu mặc măng-tô thắt đai đứng trước tôi. Gã nháy mắt, quay tít cây can trúc. “Xin chào! Biết nhau rồi mà!”.
Tôi chợt nhớ lại: “Guido Thiess hãng Augeka!”
“Thấy chưa!” cái thằng khỉ đột thắt đai ấy đắc ý nói. “Dạo ấy tụi ta gặp nhau cũng bên chiếc xe tàng này. Mà anh đi với một gã tính tình đến tởm. Thiếu tí nữa thì tôi cho hắn vài cái bạt tai”.
Tôi bất giác nhăn mặt khi nghĩ hắn suýt bạt tai Koster. Thiess tưởng đâu tôi mỉm cười nên cũng phô hàm răng nham nhở. “Thôi, cho qua, Guido này không biết để bụng! Anh đã trả cho lão khọm ấy một cái giá phi thường. Vậy có kiếm chác được gì với cái xe không?”
“Có chứ”, tôi nói. “Xe nghiêm lắm”.
Thiess cằn nhằn. “Giá nghe tôi, còn ăn đậm nữa. Mà tôi cũng có miếng. Thôi, cho qua! Quên đi, chẳng chấp làm gì! Nhưng hôm nay ta có thể gỡ lại. Bọn ta sẽ chỉ trả chiếc xe khổ ấy đến cái giá năm trăm mác. Có ma nào tranh trả với mình đâu. Xong không?”
Tôi vỡ lẽ. Thằng cha đinh ninh rằng chúng tôi đã đẩy chiếc xe lấy lãi ngay từ dạo ấy và không biết xưởng này là của chúng tôi. Trái lại, hắn yên chí chúng tôi rắp tâm ôm chiếc xe vào lần nữa.
“Chiếc xe bây giờ vẫn đáng giá ngàn rưỡi”, tôi nói. “Ấy là chưa tính giấy phép chạy tắcxi”.
“Thì thế”, Guido hăng hái nói. “Ta sẽ trả đến cái giá năm trăm là kịch, có nghĩa tôi trả. Hễ được xe, tôi sẽ đếm ngay vào tay anh ba trăm rưỡi tiền mặt”.
“Chịu thôi”, tôi nói. “Tôi đã có mối đẩy chiếc xe này”.
“Ít ra thì…” Hắn toan gạ cách khác.
“Vô ích…”. Tôi đi vào giữa sân. Hắn sẵn sàng trả đến ngàn hai, tôi biết.
Viên phát mãi bắt đầu chào mời các món hàng. Trước hết là các trang thiết bị. Chẳng được là bao. Đống đồ nghề cũng không hơn gì. Rồi đến chỉếc tắcxi. Giá được trả đầu tiên là ba trăm mác.
“Bốn trăm”, Guido nói.
“Bốn trăm rưỡi”, một người đàn ông mặc áo thợ trả sau hồi lâu lưỡng lự.
Guido trả lên năm trăm. Viên phát mãi hỏi xung quanh. Người mặc áo thợ im. Guido nháy mắt với tôi, giơ bốn ngón tay. “Sáu trăm”, tôi nói.
Guido lắc đầu, trả bảy trăm. Tôi tiếp tục nâng Lên. Guido tuyệt vọng trả theo. Đến một ngàn, hắn ra hiệu cho tôi, gần như van lơn, và xòe các ngón tay ý bảo sẽ thêm cho tôi trăm mác nữa; Hắn trả một ngàn lẻ mười. Thấy tôi trả ngàn mốt, mặt hắn đỏ gay, hằn học, dẫu vậy vẫn thét lên ngàn mốt một chục. Tôi trả ngàn một chín chục và chờ hắn thét ngàn hai. Tối đó, tôi sẽ bỏ cuộc.
Nhưng lúc này Guido điên tiết. Tức giận vì cho rằng tôi kèn cựa với hắn, hắn trả phắt lên ngàn ba. Tôi vội suy tính. Nếu vẫn thật sự muốn mua, dứt khoát hắn đã dừng ở ngàn hai. Bây giờ hắn muốn đưa võng giá lên chẳng qua để trả thù tôi. Sau câu chuyện với tôi, hắn yên trí tôi dám trả đến ngàn rưỡi, nên hắn việc gì phải sợ.
“Một ngàn ba trăm mười”, tôi nói.
“Một ngàn tư”, Guido vội trả.
“Một ngàn tư một chục”, tôi do dự đáp. Tôi sợ hắn bỏ lửng thì khốn.
“Một ngàn tư chín chục”. Guido ném sang tôi cái nhìn đắc thắng, mỉa mai. Hắn hí hửng tưởng đã chơi được cả bát muối vào xoong súp cao lương của tôi.
Tôi chịu đựng cái nhìn của hắn và im lặng. Viên phát mãi hỏi một lần, hai lần, đoạn giơ búa lên. Ngay lúc ông ta gõ búa quyết định chiếc xe về tay Guido, vẻ mặt của hắn đang ngạo nghễ chuyển sang sững sờ, tuyệt vọng. Đờ đẫn, hắn đến bên tôi. “Tôi cứ tưởng anh muốn…”
“Không”, tôi nói.
Hắn ngẩng lên, gãi gãi đầu. “Chết cha không! Biết ăn nói làm sao cho hãng của tôi nó thuận mua chứ. Tưởng anh sẽ trả đến ngàn rưỡi. Chẳng gì… lần này tôi đã nẫng tay trên của anh!”
“Tôi cũng chỉ mong có thế”, tôi nói.
Guido ngớ người không hiểu. Mãi lúc thấy Koster lại gần, hắn mới ngã ngửa, giơ tay vò đầu bứt tai. “Ôi trời, thì ra là xe của anh? Sao tôi ngu thế, ngu thậm ngu tệ! Mắc lởm rồi! Sa ngay vào bẫy! Mẹ kiếp, Guido, đáng đời mày lắm! Đi đâm đầu vào cái mẹo cũ nhàm ơi là nhàm! Thôi, cho qua! Những chàng trai tinh khôn nhất bao giờ cũng vướng ngay vào những mưu mô xoàng xĩnh nhất! Lần sau sẽ biết tay nhau”.
Hắn ngồi vào tay lái, phóng đi. Chúng tôi nhìn theo chiếc xe, chẳng vui vẻ gì cho lắm.
Buổi chiều mụ Mathilda Stoss mò đến. Chúng tôi còn phải thanh toán với mụ tiền công tháng trước. Koster đưa tiền cho mụ, hứa sẽ gắng xin ông chủ xưởng mới để mụ tiếp tục cái chân lao công. Chúng tôi cũng đã gửi gấm Jupp cho ông ta. Nhưng Matilda lắc đầu. “Thôi, cậu Koster, tôi nghỉ thôi. Xương cốt cứng quá mất rồi”.
“Vậy bà định làm gì sống?” tôi hỏi.
“Đến ở với con gái. Nó lấy chồng đâu tận Bunzlau. Cậu biết Bunzlau chứ cậu?”
“Không, Mathilda ạ”.
“Nhưng cậu Koster thì biết, hở?”
“Tôi cũng không biết, bà Stoss ạ”.
“Quái”, Matilda nói, “chả ai biết Bunzlau cả. Đã hỏi vô khối người ra rồi, ấy thế mà con bé nhà tôi lấy chồng ở đó đã mười hai năm nay cơ đấy. Lấy một ông lục sự”.
“Thế thì cũng sẽ có Bunzlau. Bà cứ tin chắc như vậy. Một khi ông lục sự đã ở đây”.
“Đành là thế. Nhưng lạ một nỗi chẳng ai biết đấy là đâu chứ lị”.
Chúng tôi cũng thấy kỳ. “Sao từ bấy đến nay bà không tới đó thăm họ?”
Matilda tủm tỉm cười. “Có phải dễ mà đi được đâu. Nhưng giờ phải đến với lũ cháu thôi. Bốn đứa rồi. Thằng Edward cũng cùng đi”.
“Tôi chắc quanh vùng Bunzlau rượu ngon phải biết”, tôi nói. “Rượu mận chẳng hạn…”
Matilda phẩy tay. “Ấy, chính vì thế mà trước tôi có dám đến à. Chả con rể tôi nó bài rượu. Có những kẻ cả đời không nhấp lấy một giọt rượu”.
Koster lấy chai rượu cuối cùng trên cái giá rỗng xuống. “Nào, bà Stoss, ta phải làm một ly chia tay chứ”.
“Còn gì bằng”, mụ Matilda nói.
Koster bày ly lên bần và rót rượu. Matilda dốc một ly rum vào mồm, nhanh như thể rum lọt xuống sàn. Môi trên mụ giật lia lịa, ria mép rung rung.
“Làm ly nữa chứ?” tôi hỏi.
“Tôi không từ chối”.
Mụ cạn một ly đầy nữa, rồi cáo từ.
“Chúc mọi may mắn ở Bunzlau!”, tôi nói.
“Vâng, cám ơn cậu lắm lắm. Nhưng lạ một nỗi chẳng ai biết đấy là đâu cả nhỉ?”
Mụ lắc lư đi ra. Chúng tôi còn đứng quanh quẩn một lúc trong cái xưởng trống rỗng. “Ta cũng đi được rồi đấy”, Koster bảo.
— “Ừ”, tôi đáp. “Chả còn việc gì làm ở đây”.
Chúng tôi khóa cửa, đi ra. Rồi chúng tôi đi lấy chiếc Karl hiện gửi ở một gara gần đây, nó đã không bị đem bán. Chúng tôi đến nhà băng, rồi lại nhà bưu điện. Koster vào trả tiền cho Sở quản lý tài sản vỡ nợ. “Mình về ngủ đây”, cậu ta nói khi quay ra. “Lát nữa cậu rảnh chứ?”
“Mình đã xin nghỉ cả tối nay”.
“Được, khoảng tám giờ mình lại cậu”.
Chúng tôi ăn tối trong một quán nhỏ ngoại ô, rồi trở vào thành phố. Xe vừa vào dãy phố đầu tiên thì nó nổ một lốp trước. Chúng tôi thay lốp. Đã lâu Kari chẳng được cọ rửa gì cả, nên thay lốp xong tôi khá lấm lem. “Mình phải rửa qua cái tay, Otto ạ”, tôi nói.
Gần đó có một tiệm cà phê khá lớn. Chúng tôi vào ngồi một bàn gần cửa. Hai thằng ngạc nhiên thấy tiệm gần kín chỗ. Một ban nhạc nữ đang chơi, không khí náo nhiệt. Ban nhạc đội mũ giấy sặc sỡ, rất đông khách mặc đồ giả trang, những băng giấy màu nhoằng từ bàn này sang bàn kia, bóng bay bay lên lơ lửng mấy anh bồi lăng xăng khắp ngả với những khay chất đầy tú hụ, cả gian phòng nhốn nháo, vang tiếng cười nói.
“Họ bày trò gì ở đây thế nhỉ?” Koster hỏi.
Một ả tóc vàng ngồi cạnh tung vào chúng tôi một đám mây confetti. “Các anh chui từ đâu ra vậy?” ả cười. “Không biết hôm nay là ngày mở đầu hội hóa trang hay sao?”
“Ừ nhỉ”, tôi nói. “Chà, thế thì phải đi rửa tay cái đã”.
Tôi phải len qua cả gian phòng nhốn nháo ấy mới tới được phòng rửa mặt. Tôi bị cản lại một lát bởi mấy anh chàng say rượu cứ cố bế một cô ả lên bàn bắt cô ta hát. Cô ả vừa giãy giụa vừa la thét khiến cái bàn đổ kềnh lôi theo cả bọn. Tôi chờ họ dẹp ra để đi… nhưng bỗng tôi như bị điện giật. Tôi đứng ngây như hóa đá, gian phòng chìm đi, cả tiếng ồn, cả âm nhạc, thảy đều tan biến, chỉ còn những cái bóng mờ ảo lướt qua, nhưng rõ rệt, sáng sủa và sắc nét đến khủng khiếp là một cái bàn, cái bàn duy nhất, nơi một gã trai trẻ với chiếc mũ hề đội lệch đang quàng tay ôm một cô ả ngủ say, cặp mắt hắn ngu muội, đờ đẫn, môi mỏng quẹt, dưới bàn thò ra đôi ghệt da bảnh chọe màu vàng nhạt, đánh si bóng lộn…
Một anh bồi xô tôi. Như người say, tôi chếnh choáng bước lên vài bước rồi đứng lại. Người tôi nóng hừng hực, nhưng lại run rẩy toàn thân. Hai bàn tay ướt đẫm. Giờ tôi thấy cả những kẻ khác bên bàn. Tôi nghe chúng đồng thanh hát bài gì đó, vẻ mặt thách thức, tay gõ nhịp ly bia xuống bàn. Ai đó lại đẩy tôi. “Đừng đứng chắn giữa đường thế đi”, ông ta càu nhàu. Tôi bước như máy, tìm thấy phòng rửa và cứ thế rửa tay; tôi chỉ sực tỉnh khi nước đã bắn tóe gần khắp người. Rồi tôi trở lại bàn.
“Cậu sao thế?”, Koster hỏi.
Tôi không sao đáp nổi. “Cậu ốm à?”
Tôi lắc đầu, đưa mắt sang bàn bên, nơi ả tóc vàng đang ngồi liếc chúng tôi. Koster bỗng tái mặt. Mắt nhíu lại, cậu ta cúi về phía tôi.
“Nó?”, cậu ta hỏi rất khẽ.
“Ừ”, tôi đáp.
“Đâu?”
Tôi đưa mắt chỉ hướng.
Koster từ từ đứng dậy. Chẳng khác gì một con rắn đang ngỏng cổ lên. “Cẩn thận”, tôi thì thào. “Đừng ở đây, Otto”
Cậu ta khoát tay gạt đi và thong thả bước về phía ấy. Tôi sẵn sàng tư thế theo Koster vào trận. Một cô ả chụp chiếc mũ giấy xanh đỏ lên đầu Koster và đeo lấy cậu ta. Ả ngã xuống, mặc dù Koster chẳng động một ngón tay út vào ả, và trố mắt nhìn theo Koster. Cậu ta lượn một vòng quanh phòng rồi trở lại.
“Biến rồi”, cậu ta nói.
Tôi đứng dậy, nhìn khắp phòng. Koster nói đúng.
“Cậu bảo nó có nhận ra mình không?”
Koster nhún vai. Mãi bây giờ cậu ra mới nhận thấy chiếc mũ giấy trên đầu, bèn hẩy đi. “Mình không hiểu nổi đấy”, tôi nói. “Mình ở trong phòng rửa mặt nhiều lắm chỉ độ một, hai phút”.
“Cậu vắng mặt hơn mười lăm phứt”.
“Hả?”. Tôi nhìn lại chiếc bàn lần nữa. “Những dứa khác cũng đã biến. Trong bọn còn có một ả, ả cũng mất tăm. Nếu nhận ra mình, nhất định nó chỉ chìm một mình thôi chứ”.
Koster vẫy anh bồi. “Ở đây còn lối ra nào không?”
“Có, đằng kia, phía đối diện, thông qua phố Hardenberg”.
Koster móc túi lấy một đồng tiền cho anh bồi. “Đi thôi”, cậu ta nói.
“Đáng tiếc”, ả tóc vàng bàn bên mỉm cười. “Những chàng công tử quá ư nghiêm nghị”.
Ra đường, gió tạt vào mặt chúng tôi. Gió có vẻ lạnh tợn so với hơi khói thuốc nóng sực trong tiệm cà phê. “Cậu về nhà đi”, Koster bảo.
“Chúng có cả bọn”, tôi đáp và lên xe với cậu ta.
Xe lao đi. Chúng tôi sục sạo khắp các phố quanh tiệm cà phê, sục sạo mãi, nhưng chẳng thấy gì. Cuối cùng Koster bảo dừng xe. “Xổng mất rồi”, cậu ta nói. “Nhưng không sao. Giờ sẽ có lúc ta chộp được nó”.
“Otto”, tôi bảo, “nên thôi đi thì hơn”.
Cậu ta nhìn tôi. “Gottfried chết rồi”. Tôi nói, ngạc nhiên trước chính điều mình nói ra. “Cậu ấy không nhờ thế mà sống lại được”.
Koster vẫn nhìn tôi. “Robby ạ”, cậu ta từ tốn đáp, “mình không còn nhớ mình đã giết bao nhiêu mạng người. Nhưng mình nhớ mình đã bắn một thằng người Anh trẻ tuổi ra sao. Súng bị hóc đạn nên nó đành bó tay. Mình cầm liên thanh đứng sau nó vài thước, thấy rõ mồn một bộ mặt non choẹt kinh hoàng, ánh mắt hãi hùng của nó, đấy là lần đầu nó xung trận, sau này tụi mình mới biết, nó vừa tròn mười tám, và mình đã nã đạn vào bộ mặt măng tơ xinh xắn, tuyệt vọng, khiếp đảm ấy, khiến sọ nó vỡ toang như một quả trứng gà. Mình không biết thằng nhãi, nó cũng chẳng làm gì mình. Khác mọi lần, lần này mãi mình vẫn chưa khuây được, cho tới khi mình bắt lương tâm ngậm miệng bằng cái luận điệu khốn nạn: “Chiến tranh là chiến tranh”. Nhưng nói để cậu biết, nếu mình không giết cả cái thằng đã giết Gottfried, đã vô cớ bắn gục cậu ấy như một con chó, thì cái việc mình hạ thằng người Anh ấy là một tội ác ghê tởm, cậu hiểu chứ?”
“Hiểu”, tôi nói.
“Bây giờ thì về nhà đi. Mình phải lo dứt điểm vụ này. Nó như một bức tường. Mình không thể đi tiếp nếu chưa đạp đổ nó”.
“Mình không về đâu, Otto. Đã thế ta cùng ở lại”.
“Dớ dẩn”, cậu ta nóng nảy nói. “Mình không cần đến cậu”. Cậu ta giơ tay cản khi thấy tôi chực mở miệng, “mình sẽ dè chừng! Sẽ đương đầu với một mình nó không có bọn kia, chỉ một mình nó thôi! Đừng sợ!”
Koster sốt ruột đẩy tôi xuống và lập tức vọt lên xe đi. Tôi biết cậu ta không thể chịu đựng lâu hơn. Tôi cũng biết tại sao cậu ta không cho tôi theo. Vì nghĩ đến Pat. Giá tôi là Gottfried, cậu ta đã cho theo.
Tôi tìm đến Alphonse. Bác là người duy nhất tôi có thể tâm sự. Tôi định bàn với bác xem có cách nào chăng. Nhưng Alphonse không có nhà. Một chị ở ngái ngủ bảo tôi bác đã đi họp cách đây một tiếng. Tôi ngồi vào bàn đợi bác.
Quán vắng tanh. Mỗi một bóng đèn nhỏ bật sáng trên quầy. Chị ở đã lại ngồi xuống và ngủ tiếp. Tôi nghĩ đến Otto, nghĩ đến Gottfried, tôi nhìn qua cửa sổ ra lối phố được chiếu sáng bởi trăng rằm lúc này đang từ từ nhô lên khỏi các mái nhà, tôi nghĩ đến nấm mộ có cây thập tự gỗ màu đen trên chụp chiếc mũ sắt, và đột nhiên tôi nhận thấy mình khóc. Tôi chùi nước mắt. Lát sau, tôi nghe tiếng bước chân khe khẽ, vội vã trong nhà. Cửa ra sân bỗng mở, Alphonse bước vào. Mặt bóng nhẫy mồ hôi.
“Tôi đây mà, bác Alphonse”, tôi nói.
“Lại đây, mau!”
Tôi theo bác vào buồng bên phải sau quầy rượu. Alphonse đến tủ lấy ra hai cuộn băng cứu thương cũ từ thời chiến tranh. “Cậu băng cho tôi”, bác nói và cởi quần, không gây tiếng động.
Bác bị một đường toạc ở đùi. “Trông như vết đạn sượt qua”, tôi bảo.
“Thì đúng thế”, Alphonse lầu bầu. “Thôi, băng đi!”
“Bác Alphonse”, tôi thẳng người lên nói. “Otto đâu?”
“Tôi làm sao biết Otto ở đâu”, bác càu nhàu, tay nặn máu ở vết thương ra.
“Các người không cùng đi sao?”
“Không”.
“Bác không gặp cậu ấy?”
“Không hề. Tháo cuộn băng thứ hai ra và đặt lên đây. Xước qua loa ấy mà”.
Bác vừa lẩm bẩm vừa lúi húi với vết thương của mình.
“Bác Alphonse”, tôi nói, “bọn tôi thấy thằng ấy… bác biết rồi, vụ Gottfried… bọn tôi thấy nó tối nay, và Otto đang săn nó”.
“Gì? Otto à?” Bác lập tức chú ý. “Cậu ấy đâu rồi? Săn làm gì nữa cho nhọc công! Bảo cậu ấy tránh xa ra!”
“Otto không chiu tránh xa”.
Alphonse quăng chiếc kéo sang bên. “Đến đó ngay! Cậu biết cậu ấy ở đâu không? Cậu ấy phải biến đi! Bảo cậu ấy vụ Gottfried xong rồi. Đây còn biết trước các cậu. Cậu thấy đấy! Nó bắn, nhưng tôi đã chặt tay nó. Rồi bòm luôn. Otto đâu?”
“Quanh quẩn đâu đó ở phố Monker”.
“Ơn Chúa! Nó thôi ở đấy từ lâu rồi. Nhưng cứ gọi Otto về đi”.
Tôi đến máy điện thoại gọi ra bến tắcxi nơi Gustave thường chờ khách. Anh có đấy. “Gustave”, tôi bảo, “anh đến góc phố Wiesen và quảng trường Bellevue được không? Thật nhanh? Tôi chờ ở đó”.
“Xong. Mười phút nữa mình có mặt”.
Tôi móc ống nghe, quay lại chỗ Alphonse. Bác xỏ một cái quần khác. “Tôi đâu ngờ các cậu lại lang thang ngoài đường”, bác nói. Mặt bác vẫn ướt mồ hôi.
“Giá ban nãy các cậu ngồi đâu đó có phải hay hơn không. Để có bằng chứng ngoại tại. Không chừng họ sẽ tra hỏi các cậu. Biết đâu đấy…”
“Hãy lo thân bác đi thì hơn”, tôi bảo.
“Ôi dào!” Bác liến thoắng hẳn so với bình thường. “Mình tôi với nó. Tôi đợi nó trong buồng. Trong một nhà vườn. Xung quanh không hàng xóm láng giềng. Âu tôi cũng tự vệ nữa. Vừa bước vào, nó bắn ngay. Đây chẳng cần bằng chúng ngoại tại. Nếu muốn, có ngay cả tá”. Bác nhìn tôi. Bác ngồi trên ghế, bộ mặt to bè nhớp nháp quay về tôi, tóc bết mồ hôi, cái miệng rộng mếu xệch, và tôi gần như không chịu nổi đôi mắt bác, trong đó bỗng hiện lên, trần trụi và tuyệt vọng, biết bao dày vò, đau đớn, yêu thương. “Bây giờ Gottfried sẽ ngủ yên”, bác nói khẽ giọng khàn đặc. “Tôi có cảm giác trước đây cậu ấy không sao yên giấc”.
Tôi đứng câm lặng trước mặt bác. “Thôi đi đi”, bác bảo.
Tôi đi qua gian quán ra ngoài. Chị ở vẫn ngủ khò khò. Bên ngoài trăng đã lên cao, sáng vằng vặc. Tôi ra quảng trường Bellevue. Các ô kính cửa sổ lấp loáng dưới ánh trăng tựa những tấm gương bạc. Gió đã lặng. Cảnh vật hết sức im ắng.
Gustave đến sau đó vài phút. “Chuyện gì thế? Robert?”, anh ta hỏi.
“Xe của bọn tôi bị đánh cắp lúc chập tối. Tôi vừa nghe nói có người trông thấy nó đâu quanh phố Monker. Ta tới đó được không?”
“Được quá đi chứ!”. Gustave sốt sắng hẳn lên. “Thời buổi này có gì là chúng tha không xoáy. Ngày nào cũng bốc hơi dăm bảy chiếc xe. Nhưng phần nhiều chúng chỉ xài tới lúc cạn xăng là quăng”.
“Ừ, xe của bọn tôi chắc cũng rơi vào trường hợp ấy”.
Gustave kể anh định sắp tới sẽ cưới vợ. Chả là người ta chót đèo bòng với anh, không cưới không được. Chúng tôi đi hết phố Monker, rồi chạy theo các phố nằm ngang. “Kia rồi!”, chợt Gustave reo lên. Chiếc xe đỗ trong một con hẻm tối tăm, khuất nẻo. Tôi xuống xe, lấy chìa khóa mở khóa điện. “Ổn cả, Gustave ạ”, tôi nói. “Rất cảm ơn anh đã đưa tôi đến đây”.
“Ta không ghé đâu làm ly rượu đã à?” anh hỏi.
“Thôi, hôm nay không được. Để mai. Tôi có việc vội đi ngay”.
Tôi thò tay vào túi lấy tiền trả chuyến tắcxi. “Cậu điên à?”, anh hỏi.
“Vậy cám ơn anh, Gustave”. Tôi không dám giữ anh lâu. “Tạm biệt”.
“Cậu có muốn ta rình bắt sống cái thằng trộm xe không?”
“Không, thôi, chắc nó tẩu từ đời nào rồi”. Bỗng tôi sốt ruột điên lên được. “Tạm biệt, Gustave”.
“Cậu cũng còn đủ xăng đấy chứ?”
“Ừ, đủ. Xem lại rồi. Thôi, ngủ ngon nhé!”
Anh phóng đi, Tôi nghe ngóng một lát, đoạn cũng cho xe chạy theo: đến phố Monker, tôi cài số ba đi chầm chậm dọc phố. Khi ngược xe trở lại, đã thấy Koster đứng ở góc phố. “Thế này là nghĩa làm sao?”
“Lên xe đi”, tôi nói nhanh. “Cậu đứng đấy làm gì nữa vô ích. Alphonse cũng đã biết. Bác ta… bác ta chạm trán hắn rồi”.
“Và đã?”
“Phải”, tôi nói.
Koster lặng lẽ lên xe. Cậu ta không ngồi vào tay lái. Cậu ta ngồi bên tôi, hơi thu mình lại, tôi lái xe đi.
“Ta về nhà mình nhé?” tôi hỏi.
Cậu ta gật. Tôi tăng ga, cho xe chạy dọc con kênh. Mặt nước như một dải bạc duy nhất trải rộng. Bờ bên kia, dãy nhà kho đen ngồm chìm trong bóng tối, nhưng những con đường lại loang loáng một màu lơ nhợt nhạt, trên đó các bánh xe lướt đi như trên mặt tuyết vô hình. Những ngọn tháp nhà thờ đồ sộ xây theo lối Baroque vươn lên sau các dãy mái lô xô. Chúng tỏa màu xanh, anh ánh bạc trên nền trời lân tinh đang lùi tít về xa, trên đó vầng trăng lơ lửng như một viên bi khổng lồ rực sáng.
“Mình mừng vì sự việc xoay ra thế, Otto ạ”, tôi nói.
“Mình lại không”, cậu ta đáp.
Phòng bà Zalewski vẫn sáng đèn. Khi tôi mở khóa cửa, bà chạy từ phòng khách ra. “Có bức điện cho anh đấy”, bà nói.
“Điện ư?”, tôi sửng sốt hỏi. Ý nghĩ của tôi vẫn quanh quẩn bên sự cố ban tối. Rồi, tôi chợt hiểu, lao về buồng. Bức điện nằm giữa bàn, trắng lóa dưới ánh đèn sáng trưng. Tôi xé phong bì, ngực thắt lại, những chữ cái nhòa đi, biến mất, lại hiện lên, tôi thở phào, tất cả như ngừng lại, đoạn tôi trao bức điện cho Koster. “Đội ơn Chúa! Mình đã tưởng…”
Bức điện vỏn vẹn ba chữ: “Robby, đến ngay…”
Tôi cầm lấy tờ giấy. Sự nhẹ nhõm biến mất. Nỗi sợ hãi trở lại. “Liệu có chuyện gì được, Otto? Chúa ơi, sao nàng không gọi điện thoại nữa? Nhất định có chuyện gì rồi?”
Koster đặt bức điện lên bàn. “Cậu nghe tin cô ấy lần cuối cùng vào hồi nào?”
“Cách đây một tuần. Không, trước nữa”.
“Xin nói chuyện điện thoại đi. Nếu có chuyện gì, ta sẽ khởi hành ngay. Đi bằng xe. Cậu có cuốn giờ tàu không?”
Tôi xin số máy của Viện điều dưỡng, đoạn sang phòng khách của bà Zalewski lấy cuốn giờ tàu. Trong khi chúng tôi chờ điện, Koster giở giờ tàu ra tra. “Chuyến tàu thích hợp sớm nhất cũng phải trưa mai mới khởi hành”, cậu ta nói. “Tốt hơn là ta đi xe hơi, được đến đâu hay đến đó. Nếu trục trặc gì vẫn có thể nhảy tàu cơ mà. Chắc chắn sẽ tiết kiệm được vài giờ. Cậu nghĩ sao?”
“Đồng ý, tất nhiên”. Tôi không hình dung nổi làm sao mình có thể chịu đựng được những giờ ngồi không trên tàu.
Chuông điện thoại réo. Koster cầm cuốn giờ tàu đi vào buồng tôi. Viện điều dưỡng trả lời điện thoại. Tôi xin nói chuyên với Pat. Một phút sau, nữ y tá trực bảo tôi rằng Pat không nên gọi điện thoại thì hơn. “Cô ấy bị làm sao?”, tôi gào lên.
“Thổ ít huyết cách đây vài ngày. Hôm nay hơi sốt”.
“Bà nói với cô ấy tôi đến ngay! Với Koster và Karl. Chúng tôi khởi hành bây giờ. Bà nghe rõ chứ?”
“Với Koster và Karl”, cái giọng đầu dây bên kia nhắc lại.
“Phải. Nhưng xin bà nói luôn cho. Chúng tôi đi đây”.
“Tôi sẽ nói ngay”.
Tôi quay vào buồng. Hai chân nhẹ bổng. Koster ngồi bên bàn ghi giờ các chuyến tàu.
“Sửa soạn va-li đi”, cậu ta bảo. “Mình cũng về nhà lấy va-li của mình. Nửa giờ nữa mình quay lại”.
Tôi lấy va-li trên nóc tủ xuống. Chiếc va-li Lenz cho, dán chi chít đủ loại nhãn khách sạn sặc sỡ. Tôi sắp xếp thật nhanh, đoạn báo cho bà Zalewski và ông chủ hiệu Quốc tế biết. Sau đó tôi về buồng mình, ngồi xuống cạnh cửa sổ. Im lặng như tờ. Nghĩ đến chuyện tối mai được ở gần Pat, đột nhiên một niềm hy vọng mãnh liệt, nóng bỏng, xâm chiếm tôi, làm lu mờ hết thảy: sợ hãi, lo âu, đau thương, tuyệt vọng. Tối mai tôi sẽ được ở bên nàng. Niềm hạnh phúc không sao tưởng tượng nổi mà tôi hầu như chẳng dám mơ. Đã bao nhiêu thứ mất đi từ thưở ấy.
Tôi xách va-li xuống nhà. Mọi vật bỗng trở nên thân thương và ấm áp: cầu thang, mùi cũ mốc trong hành lang, màu xám cao su lạnh lẽo bóng loáng của mặt đường nhựa mà trên đó Karl vừa lướt tới.
“Mình có mang theo vài tấm chăn”. Koster nói. “Sẽ lạnh đấy. Cậu quấn chăn cho kín vào”.
“Ta sẽ thay nhau lái chứ, hả?”, tôi hỏi.
“Ừ. Nhưng tạm thời để mình lái. Ngủ suốt chiều rồi”.
Nửa giờ sau, chúng tôi ra khỏi thành phố, sự im lặng mênh mông của đêm trăng vằng vặc đón chúng tôi vào lòng. Con đường trắng lóa trước mặt trải dài mãi tận chân trời. Trăng sáng tới mức xe đi không cần bật đèn pha. Tiếng động cơ tựa tiếng đàn oóc trầm trầm; nó không phá vỡ sự yên lặng, mà còn khiến ta cảm thấy rõ hơn sự yên lặng.
“Cậu chợp mắt tí đi”, Koster bảo.
Tôi lắc đầu. “Mình không thể, Otto ạ”.
“Thế thì chí ít cũng ngả lưng một chút để sớm mai cho tươi tỉnh. Phải chạy xuyên suốt nước Đức cơ đấy”.
“Ngồi thế này cũng là nghỉ rồi”.
Tôi cứ ngồi bên Koster. Vầng trăng từ từ lên cao. Những cánh đồng sáng óng ánh như xà cừ. Chốc chốc, những ngôi làng lại lướt qua; đôi khi một thành phố say ngủ, vắng tanh; các hẻm phố xen giữa các dãy nhà tràn ngập ánh trăng ma quái, phi vật chất, cái ánh trăng đã biến đêm tối thành một cuốn phim hư ảo.
Gần sáng, trời trở lạnh. Những thảm cỏ bỗng anh ánh màu sương muối, cây cối đứng trơ như đúc bằng thép trước nền trời dần hửng, trong rừng bắt đầu nổi gió, khói lác đác bay lên từ các ống khói nhà dân. Tôi thay Koster, lái đến mười giờ. Đoạn hai thằng điểm tâm qua loa trong một quán ăn ven đường, rồi tôi lái tiếp đến mười hai giờ. Từ đó trở đi Koster cầm lái. Để cậu ta lái nhanh hơn.
Chiều, chúng tôi đến chân núi khi hoàng hôn bắt đầu buông. Chúng tôi có đem theo lưới xích xe chạy đường tuyết và xẻng. Chúng tôi hỏi thăm liệu có thể đi tiếp đến đâu.
“Các anh cứ thử chạy bằng lưới xích”, tay thư ký câu lạc bộ xe hơi nói. “Năm nay tuyết rơi rất ít. Có điều tôi không thật rõ những cây số cuối ra sao. Các anh sẽ bị nghẽn đường ở đó cũng nên”.
Chúng tôi đã vượt xa tàu hỏa và quyết định cố lên tận nơi bằng xe hơi. Trời lạnh, vả lại sương mù chẳng đến nỗi đáng sợ. Chiếc xe nhích dần trên các cua đường ngoằn ngoèo, chậm tựa kim đồng hồ. Đến lưng chừng núi, chúng tôi chằng lưới xích vào lốp. Đường đã được cạo tuyết đi, nhưng nhiều chỗ đóng băng thành thử xe cứ bị đảo và trượt bánh. Thỉnh thoảng hai thằng lại phải xuống đẩy. Hai lần xe bị lún trong tuyết, phải dùng xẻng xúc tuyết lôi lên. Đến làng cuối cùng, chúng tôi xin một xô cát, vì lúc này chúng tôi đã lên rất cao, e rằng khi xuống dốc sẽ gặp những cua đường đóng băng. Trời đã tối mịt, những gờ núi dựng đứng, trơ trụi trên đầu chúng tôi chạy hun hút xuống vực, hẻm núi thu nhỏ lại, động cơ xe rú lên ở số một, và các khúc quành nối nhau xuống dần. Chợt ánh đèn pha trượt khỏi những con dốc, rọi vào khoảng không, hẻm núi mở ra, và trước mặt chúng tôi hiện ra cái lưới đen nhấp nháy của một ngôi làng.
Chiếc xe rầm rầm lao qua những hiệu sặc sỡ nằm hai bên phố chính. Người đi bộ nhảy bắn vào lề đường, hết hồn trước cảnh tượng kỳ quái, bầy ngựa hoảng sợ, một cỗ xe trượt đổ kềnh, chiếc xe ngốn nốt những quãng đường cuối dẫn đến Viện điều dưỡng và đỗ lại trước cổng Viện.
Tôi nhảy khỏi xe; như qua một tấm voan, tôi thấy những gương mặt tò mò, đám người, văn phòng, cầu thang máy, rồi tôi chạy xuyên qua dãy hành lang trắng tinh, giựt tung cửa và nhìn thấy Pat như tôi đã hàng trăm lần thấy nàng trong mơ và trong thương nhớ, nàng chạy lại tôi, tôi ôm lấy nàng như ôm cả cuộc sống, và còn hơn cuộc sống nữa.
“Ơn Chúa!”, tôi nói khi đã trấn tĩnh lại. “Anh cứ tưởng em đang phải nằm liệt giường”.
Nàng lắc đầu trên vai tôi. Đoạn nàng đứng thẳng dậy, đưa hai tay ôm mặt tôi và nhìn tôi. “Anh đã đến”, nàng lẩm bẩm. “Ôi, anh đã đến!”
Nàng hôn tôi, thận trọng, nghiêm trang và nương nhẹ, như một cái gì mà người ta không muốn đánh vỡ. Tôi run lên khi cảm thấy làn môi nàng. Mọi sự diễn ra quá nhanh chóng, đến bây giờ tôi vẫn chưa hoàn toàn hiểu nổi. Hồn tôi vẫn chưa thật sự ở đây, tôi vẫn còn bị xâm chiếm bởi chuyến đi, bởi tiếng động cơ gầm rú và con đường. Tôi có cảm giác như một kẻ vừa từ băng giá và đêm tối bước vào gian phòng ấm… anh ta vẫn chưa ấm người lên. “Bọn anh phóng nhanh ghê gớm”, tôi nói.
Nàng không đáp. Nàng vẫn lặng lẽ nhìn tôi. Gương mặt nghiêm trang của nàng toát lên cái vẻ khiến ta xúc động, mắt nàng kề ngay trước mặt tôi, dường như nàng muốn tìm kiếm, muốn thấy lại một cái gì hết sức quan trọng. Tôi đâm bối rối. Tôi đặt tay lên vai nàng, mắt nhìn xuống.
“Giờ anh ở lại đây chứ?”, nàng hỏi.
Tôi gật.
“Nói luôn với em đi. Hãy nói liệu anh có bỏ đi nữa không, để em còn biết ngay”.
Tôi muốn trả lời nàng rằng tôi còn chưa biết, có lẽ vài ngày nữa tôi phải ra về vì tôi không có tiền để ở lại đây. Nhưng tôi không sao nói được. Tôi không thể nói trong khi nàng nhìn tôi như thế. “Ừ”, tôi đáp. “Anh ở lại. Cho tới ngay chúng mình cùng về”.
Gương mặt nàng không động đậy, nhưng thốt nhiên sáng rỡ, như tỏa sáng từ bên trong. “Ô”, nàng lẩm bẩm, “nếu không em cũng không sao chịu đựng nổi”.
Qua vai nàng, tôi thử nhìn tấm biểu đồ nhiệt độ treo ở đầu giường. Nàng nhận thấy, vội giật tờ giấy khỏi giá đỡ, vo viên ném vào gầm giường.
“Giờ nó chẳng là gì nữa cả”, nàng nói.
Tôi đưa mắt xem cục giấy nằm ở đâu, quyết định lát nữa thừa lúc nàng không để ý sẽ thủ nó vào túi. “Em ốm phải không?”, tôi hỏi.
“Sơ sơ. Nhưng giờ thì qua rồi”.
“Thế bác sĩ bảo sao?”
Nàng cười. “Giờ anh đừng hỏi đến bác sĩ. Không hỏi gì nữa hết. Ảnh ở đây, thế là đủ!”
Bỗng nhiên nàng đổi khác. Tôi không biết phải chăng vì đã lâu tôi không thấy nàng nhưng rõ ràng tôi có cảm giác nàng khác trước. Các cử động của nàng uyển chuyển hơn, làn da ấm áp hơn, cái cách nàng đến với tôi cũng khác, nàng không chỉ là một cô thiếu nữ trẻ đẹp cần được che chở không thôi, mà còn là một cái gì đó hơn thế, và nếu trước kia tôi thường xuyên tự hỏi không hiểu nàng có yêu mình không thì bây giờ tôi cảm giác được tình yêu của nàng, nàng không che giấu gì nữa, nàng say đắm và gần gũi tôi hơn bất kỳ lúc nào, say đắm hơn, gần gũi hơn, đẹp hơn, khiến tôi ngây ngất hơn, nhưng kỳ lạ là cũng làm tôi băn khoăn, lo lắng hơn.
“Pat”, tôi nói. “Anh phải xuống nhanh dưới kia. Koster đợi. Bọn anh phải tìm chỗ trọ đã”.
“Koster à? Thế Lenz đâu?”
“Lenz ư?”, tôi nói, “Lenz ở nhà”.
Nàng không nhận thấy gì. “Em có được phép xuống không, chốc nữa ấy?”, tôi hỏi. “Hay để bọn anh lên đây?”
“Em được phép tất. Giờ em muốn làm gì chả được. Chúng mình xuống nhà, uống chút ít. Em sẽ xem các anh uống rượu ra sao”.
“Được. Vậy bọn anh sẽ chờ em dưới gian đại sảnh”.
Nàng lại tủ lấy áo dài. Tôi lợi dụng cơ hội nhặt tấm biểu đồ nhiệt độ vừa bị vo viên, nhét vào túi.
“Tí nữa gặp lại nhé, Pat!”
“Anh Robby!”
Nàng chạy theo tôi, quàng tay ôm cổ tôi. “Thật ra em còn muốn nói với anh nhiều điều lắm”.
“Anh cũng thế, Pat ạ. Nhưng từ nay hai chúng mình còn khối thời gian mà. Chúng mình sẽ tâm sự với nhau suốt ngày. Để mai. Mới gặp nhau làm sao đã nói hết ngay được, em”.
Nàng gật. “Vâng, chúng mình sẽ kể với nhau bằng hết. Lúc đó, toàn bộ thời gian chúng mình phải sống cô đơn sẽ không còn là thời gian nữa, cái thời gian đã phân cách chúng mình. Chúng mình sẽ biết hết về nhau, và sẽ tưởng như hai đứa vẫn luôn ở bên nhau”.
“Thì chúng mình chẳng luôn ở bên nhau đấy ư”, tôi nói.
Nàng mỉm cười. “Em khác. Em không giàu nghị lực như anh. Với em, tưởng tượng như thế còn khốn khổ hơn. Khi cô đơn, em không thể đem các ý nghĩ ra an ủi mình. Em chỉ biết mỗi một điều, rằng mình cô đơn. Không có tình yêu, sống cô đơn dễ dàng hơn”. Nàng vẫn mỉm cười. Một nụ cười trong suốt, dù nàng cố giữ nó, người ta vẫn nhìn thấu.
“Pat”, tôi nói. “Bạn can trường, quả cảm của anh”.
“Đã lâu em không được nghe câu ấy”, nàng nói, và mắt nàng đẫm lệ.
Tôi xuống với Koster. Va-li đã dỡ khỏi xe. Người ta cho chúng tôi thuê hai buồng kề nhau ở dãy nhà phụ.
“Cậu xem này”, tôi nói và chìa cho Koster xem tấm biểu đồ nhiệt độ của Pat. “Nhiệt độ lên xuống thất thường quá”.
Chúng tôi dẫm trên tuyết lạo xạo, lên gác. “Mai thử hỏi bác sĩ”, Koster nói. “Xem nhiệt độ không thôi làm sao thấy gì được”.
“Mình thấy hết”, tôi đáp, vo tờ giấy và lại nhét vào túi.
Chúng tôi đi rửa ráy. Rồi Koster sang buồng tôi. Trông cậu ta cứ như vừa ngủ dậy. “Đánh bộ vào thôi chứ. Robby”, cậu ta nói.
“Ừ”. Tôi choàng tỉnh khỏi những suy nghĩ tản mạn, dỡ va-li ra. Hai thằng trở lại Viện điều dưỡng Karl vẫn đứng ngoài trời. Koster phủ lên mũi nó một tấm bạt.
“Bao giờ mình quay về, Otto?”, tôi hỏi.
Cậu ta dừng lại. “Mình định tối mai hoặc sớm ngày kia về. Còn cậu ở lại đây…”
“Mình ở lại sao được”, tôi tuyệt vọng đáp. “Tiền của mình giỏi lắm chỉ đủ cho mười ngày nữa. Mà tiền trả Viện điều dưỡng cho Pat cũng chỉ mới đến ngày mười lăm. Mình phải về, phải kiếm tiền. Hình như ở đây họ không cần một kẻ chơi dương cầm dở như mình”.
Koster cúi xuống bộ tản nhiệt của Karl, nhấc tấm bạt phủ lên. “Mình sẽ lo tiền cho cậu”, cậu ta nói và đứng thắng người dậy. “Vì vậy cậu cứ yên tâm ở lại”.
“Otto”, tôi nói, “mình biết cậu còn cả thảy bao nhiêu sau cuộc bán đấu giá lắm chứ. Chưa đầy ba trăm mác”.
“Mình không nói số tiền ấy. Sẽ kiếm được khoản khác. Cậu chớ lo lắng chỉ vì thế. Tám ngày nữa cậu sẽ nhận đủ”.
“Cậu thừa hưởng gia tài chăng?”, tôi buồn rầu mai mỉa.
“Gần như vậy. Cứ tin ở mình mà. Đằng nào bây giờ cậu cũng chẳng thể bỏ đi”.
“Đúng vậy”, tôi nói. “Mình sẽ không biết ăn nói với nàng thế nào”.
Koster lại phủ tấm bạt lên mũi chiếc Karl. Cậu ta khẽ vuốt ve nó. Đoạn hai thằng đi vào gian đại sảnh, ngồi cạnh lò sưởi.
“Mấy giờ rồi cậu?”, tôi hỏi.
Koster xem đồng hồ. “Sáu rưỡi”.
“Lạ nhỉ”, tôi nói. “Mình cứ tưởng muộn hơn nhiều”.
Pat xuống cầu thang. Nàng mặc chiếc áo vét lông rảo bước qua gian đại sảnh để chào Koster. Mãi bây giờ tôi mới nhận thấy nước da nàng rám nắng ghê gớm, như đồng đỏ; trông nàng tựa một thiếu nữ Ấn Độ có màu da sáng. Nhưng mặt nàng tọp đi, cặp mắt lại quá long lanh.
“Em sốt đây à?”, tôi hỏi.
“Hơi hơi”, nàng trả lời nhanh, lảng tránh. “Buổi chiều, ở đây ai mà chẳng sốt. Các anh đến, em mừng quá hóa ra thế. Các anh có mệt không?”
“Làm gì đâu mà mệt?”
“Vậy chúng mình đến tiệm rượu, nhé? Lần đầu tiên em được đón khách lên đây thăm mà”.
“Trên này cũng có một tiệm rượu cơ à?”
“Vâng, tiệm nhỏ. Hay chí ít cũng một cái góc na ná tiệm rượu. Nó là một trong những phương pháp điều trị. Người ta tránh tất thảy những gì mang dáng dấp nhà thương. Nhưng nếu không được phép, vẫn chẳng được uống lấy một giọt rượu”.
Tiệm rượu chật cứng. Pat chào một vài người. Tôi nhận thấy có một anh chàng người Ý. Chúng tôi ngồi vào cái bàn vừa trống chỗ.
“Em muốn uống gì nào?”, tôi hỏi.
“Một cocktail pha từ rum. Giống như bọn mình từng hay uống ở tiệm ấy. Anh biết công thức pha không?”
“Đơn giản thôi”, tôi bảo cô gái hầu bàn. “Cho vang Bồ Đào Nha pha lẫn rum Jamaica nhé”.
“Hai ly loại ấy!”, Pat gọi. “Và một ly đặc biệt!”
Cô hầu bàn mang đến hai ly Porto – Roncos và một ly đựng thứ nước màu hồng hồng.
“Dành cho em đấy”, Pat nói. Nàng đẩy hai ly rum về phía bọn tôi. “Xin chúc mừng!”
Nàng đặt ly của mình xuống mà chưa hề nhấp môi, nhìn quanh, đoạn cầm vội ly của tôi uống cạn. “Ồ”, nàng nói, “ngon tuyệt trần!”
“Em gọi cái của gì thế nay?”, tôi hỏi và nếm thử thứ nước hồng hồng khả nghi nọ. Nó có vị dâu pha chanh. Chẳng một giọt rượu nào trong đó. “Được đấy chứ”, tôi nói.
Pat nhìn tôi. “Để giải khát”, tôi thêm.
Nàng cười. “Anh gọi thêm một ly Porto – Roncos đi. Nhưng gọi cho anh. Em không được uống đâu”.
Tôi vẫy cô hầu bàn. “Một Porto – Roncos và một ly đặc biệt”, tôi nói. Tôi thấy ở các bàn khác có khá nhiều người uống loại nước đặc biệt nay.
“Anh Robby, hôm nay em được phép uống, phải không anh?”. Pat nói, “chỉ hôm nay thôi! Giống như trước kia. Được không, anh Koster?”
“Thứ đặc biệt này ngon ra phết”, tôi đáp và cạn luôn ly thứ hai.
“Em căm ghét nó! Robby tội nghiệp, đáng ra anh phải uống thứ gì cho ngon vào!”
“Nếu chúng mình gọi kịp thì anh còn được hưởng quyền lợi của mình”, tôi nói.
Pat cười. “Lát nữa dùng bữa, em sẽ được phép uống tí chút. Vang đỏ”.
Chúng tôi gọi thêm vài ly Porto – Roncos, đoạn đi vào phòng ăn. Trông Pat tuyệt vời xinh đẹp. Gương mặt nàng rạng rỡ. Chúng tôi ngồi xuống một trong những chiếc bàn nhỏ phủ khăn trắng kê canh các cửa sổ. Trời ấm; dưới kia, ngôi làng nằm trong tuyết với những phố xá sáng ánh đèn.
“Cô Helga Guttmann đâu ấy nhỉ?”, tôi hỏi.
“Đi rồi”, Pat nói sau một lát im lặng.
“Đi rồi? Sớm thế ư?”
“Vâng”, Pat đáp, và tôi chợt hiểu nàng nói gì.
Cô hầu bàn mang đến một chai vang màu đỏ sẫm Koster rót đầy các ly. Lúc này các bàn đều đã kín người. Đâu đâu cũng thấy người ngồi gẫu chuyện. Tôi cảm giác bàn tay Pat trên tay mình. “Anh yêu”, nàng nói rất khẽ và dịu dàng. “Em không chịu đựng hơn được nữa”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.