Tôi rời khỏi phòng bác sĩ trưởng, Koster đợi tôi ở gian đại sảnh. Thấy tôi, cậu ta đứng dậy. Chúng tôi ra ngoài, ngồi xuống một chiếc ghế băng đặt trước Viện điều dưỡng. “Trầm trọng lắm, Otto ạ”, tôi nói. “Còn trầm trọng hơn là mình e sợ”.
Một tốp trượt tuyết ầm ĩ kéo qua sát trước mặt chúng tôi. Trong đám ấy có vài ả đàn bà thoa dầu phơi nắng, gương mặt rám nâu, khỏe khoắn, miệng rộng phô hàm răng trắng đều. Họ gào lên rằng họ đang đói ngấu tựa bầy sói. Chúng tôi chờ họ đi qua. “Ngữ ấy đương nhiên cứ sống nhăn”, tôi nói. “Sống và khỏe từ tủy khỏe ra. Thật đáng lộn mửa!”
“Cậu đã nói chuyện với đích thân bác sĩ trưởng chứ?”, Koster hỏi tôi.
“Ừ. Ông ta đã giải thích cho mình tất cả một cách hết sức quanh co, dè dặt. Nhưng nói tóm lại bệnh nàng nặng lên. Tuy ông ta khẳng định như thế đã là tốt hơn rồi”.
“Mình chẳng hiểu gì cả”.
“Ông ta khẳng định rằng giả sử nàng cứ ở dưới xuôi thì mọi hy vọng đã tiêu tan từ lâu. Trên này căn bệnh tiến triển chậm hơn. Đấy, ông ta gọi thế là tốt hơn đấy”.
Koster đi gót giày trên tuyết cứng. Đoạn cậu ta ngẩng đầu lên. “Có nghĩa ông ta còn hy vọng?”
“Bác sĩ thì bao giờ chẳng hy vọng, cái nghề nó buộc như vậy. Nhưng mẹ kiếp, mình không còn tin tưởng mấy nỗi. Mình hỏi ông ta đã cho bơm khí vào phổi nàng chưa. Ông ta nói không làm thế được nữa. Cách đây ít năm nàng đã được bơm một lần. Bây giờ cả hai lá phổi đều mang bệnh. Khốn nạn quá. Otto ơi”.
Một mụ già dận đôi giày cao su mòn vẹt dừng lại trước ghế băng chúng tôi ngồi. Mặt mụ hốc hác, xanh lét, cặp mắt xám đen đục lờ nom như đã lòa. Cổ mụ quấn một chiếc khăn quàng lông cổ lỗ sĩ. Mụ chậm chạp giơ cái kính cầm tay lên nhòm chúng tôi. Đoạn mụ tiếp tục lê bước.
“Con ma ghê tởm!”
“Ông ta còn nói gì nữa?”, Koster hỏi.
“Ông ta giải thích cho mình nguyên nhân khả dĩ của căn bệnh. Ông ta từng có nhiều bệnh nhân cùng lứa tuổi Pat. Đó là những hậu quả của chiến tranh. Thiếu dinh dưỡng trong những năm đang trưởng thành. Nhưng thảy những điều đó thì liên quan gì tới mình chứ? Nàng phải lành bệnh”. Tôi nhìn Koster. “Cố nhiên ông ta còn bảo rằng ông ta từng chứng kiến khối điều kỳ diệu. Ngay căn bệnh này cũng có lúc đột nhiên ngưng lại, liền sẹo và khỏi hẳn, thậm chí trong những trường hợp tuyệt vọng. Jaffé cũng đã nói hệt thế. Nhưng mình thì mình không tin vào phép lạ”.
Koster không đáp. Hai thằng câm lặng ngồi bên nhau. Biết nói gì được? Chúng tôi đã cùng đồng cam cộng khổ nhiều đến nỗi không còn có thể an ủi nhau.
“Không được lộ cho cô ấy biết, Robby”, cuối cùng Koster bảo.
“Tất nhiên là không”, tôi đáp.
Chúng tôi ngồi cho đến lúc Pat ra. Tôi chẳng suy nghĩ gì; tôi chẳng hề tuyệt vọng, mà hoàn toàn đờ đẫn, u ám, như chết rồi.
“Cô ấy kia” Koster nói.
“Ừ” tôi đáp và đứng dậy.
“Chào!” Pat vừa đi lại vừa vẫy tay. Nàng hơi lảo đảo và cười.
“Em hơi say một tẹo. Say nắng. Bao giờ cũng vậy, hễ phơi nắng xong là em đi đứng chuệnh choạng như một lão phù thủy già”.
Tôi nhìn nàng, và thốt nhiên tất cả biến đổi hẳn. Tôi không còn tin ông bác sĩ; tôi tin vào điều kỳ diệu. Nàng đây kia; nàng sống; nàng đứng đó tươi cười… thảy những thứ khác đều tan biến trước sự hiện diện của nàng.
“Mặt mũi các anh sao trông lạ thế?”, nàng hỏi.
“Chả là những bộ mặt thành thị không thích hợp với chốn này”, Koster đáp.
“Bọn anh chưa quen được với ánh nắng”.
Nàng cười. “Hôm nay em gặp may. Không sốt. Em được phép đi chơi. Chúng mình vào làng uống một ly Aperitif chứ?”
“Còn phải hỏi”.
“Vậy thì đi thôi!”
“Ta gọi một cỗ xe trượt chẳng hơn à?”, Koster gọi ý.
“Em chán xe trượt lắm rồi”.
“Tôi biết”, Koster nói. “Nhưng tôi chưa hề được đi thứ ấy. Muốn thử một lần xem sao”.
Chúng tôi vẫy một bác xà ích và ngồi trên xe trượt đi xuống làng. Đến trước một quán cà phê có cái sân hiên nhỏ ngập nắng, chúng tôi dừng lại xuống xe. Ở đây đông người ngồi, tôi nhận ra một số bệnh nhân của Viện điều dưỡng. Anh chàng người Ý hôm trước thấy ngồi tiệm rượu cũng có mặt. Người ta gọi anh là Antoineio. Antoineio lại bàn chào Pat. Anh kể rằng đêm qua mấy ông tướng hay đùa đã đẩy giường của một bệnh nhân đang ngủ say từ phòng anh ta sang phòng một bà giáo già khú đế.
“Sao họ đùa lạ thế?”, tôi hỏi.
“Chả là anh ta đã khỏi bệnh, vài ngày nữa xuất viện rồi”, Antoineio đáp. “Những trò nghịch tinh ấy ở đây không thiếu”.
“Đó là cái lối hài hước nhẫn tâm rất quen thuộc của những kẻ ở lại, anh yêu ạ”, Pat nói.
“Ở trên này người ta đâm hóa trẻ con”, Antoineio giải thích vẻ lượng thứ.
Khỏi bệnh, tôi nghĩ, có người khỏi bệnh và ra về đấy thôi.
“Em muốn uống gì, Pat?”, tôi hỏi.
“Một ly Martini. Martini chua”.
Một chiếc rađiô bắt đầu phát nhạc. Điệu Valse thành Vienne. Những âm thanh rung ngân trong không trung ấm áp ngập nắng, tựa những lá cờ tươi màu, nhẹ bay phấp phới. Người bồi bàn mang Martini lại. Những ly rượu lạnh buốt, vẫn còn sủi tăm dưới ánh nắng.
“Ngồi thế này thích chứ, anh nhỉ?”, Pat hỏi.
“Tuyệt!”, tôi đáp.
“Ấy vậy mà đôi lúc chịu không nổi”, nàng nói.
Chúng tôi ở lại làng dùng bữa. Pat chỉ mơ có thế. Thời gian qua nàng bị giam hãm suốt trong Viện điều dưỡng, đây là chuyến đi chơi đầu tiên của nàng; nàng bảo rằng chỉ cần được ăn trong làng một lần, nàng sẽ cảm thấy khỏe lên gấp đôi, Antoineio cùng ăn với bọn tôi. Sau đó cả bọn trở lên Viện điều dưỡng và Pat về phòng, vì nàng phải năm nghỉ hai tiếng, Koster và tôi đánh chiếc Karl ra khỏi gara xem xét lại. Phải thay hai lưỡi nhíp bị gãy. Chủ gara có sẵn dụng cụ, thế là hai thằng xắn tay lên sửa luôn. Rồi chúng tôi tra thêm dầu và bôi mỡ lại khung gầm xe. Xong xuôi đâu đấy, chúng tôi đẩy Karl ra sân. Nó đứng giữa tuyết, tai cụp, mình bám đầy bùn đất.
“Rửa xe chứ?”, tôi hỏi.
“Thôi, không rửa lúc đi đường đâu”, Koster nói. “Karl nó sẽ cáu”.
Pat ra. Trông nàng ấm áp, tươi tỉnh sau giấc ngủ đầy. Con cún nhảy nhót quanh chân nàng. “Billy!”. Tôi gọi. Nó sững lại, nhưng chẳng tỏ vẻ vồ vập gì lắm. Nó không nhận ra tôi, bối rối ra trò khi Pat nhắc nó nhớ đến tôi. “Thế đấy”, tôi nói. “Nhờ trời, con người có một trí nhớ tốt hơn. Hôm qua nó ở đâu vậy?”
Pat cười. “Suốt thời gian có mặt anh, nó lầm lì dưới gầm giường. Hễ em có khách là nó ghen, rồi cáu kỉnh lủi đi”.
“Trông em tươi lắm”, tôi nói.
Nàng nhìn tôi sung sướng. Đoạn nàng lại gần chiếc Karl. “Em muốn lại được ngồi vào xe đi một quãng ngắn”.
“Xong ngay”, tôi nói, “thế nào, Otto?”
“Đương nhiên được. Cô đang mặc sẵn chiếc măng-tô dày dặn, trong xe lại đủ khăn quàng và chăn”.
Pat ngồi ghế trước, sau tấm kính chắn gió, cạnh Koster. Karl rú máy. Ống xả phụt khói trắng xanh vào không trung lạnh lẽo. Động cơ vẫn chưa nóng lên. Dần dần, những lốp xe bọc xích nghiến trên tuyết những đường ngoằn ngoèo. Karl trườn xuống làng trong tiếng máy rít, nổ bình bịch, gầm gừ, nó chạy xuôi phố chính như một con sói rúm mình giữa đám vó ngựa phi nước kiệu và tiếng chuông leng keng của các cỗ xe trượt.
Chúng tôi ra khỏi làng. Chiều muộn, những cánh đồng tuyết lóng lánh sắc đỏ, bốc hơi mờ dưới vầng mặt trời đang lặn. Vài đống rơm bên dốc gần như vùi mình trong tuyết trắng. Những người trượt tuyết cuối cùng đang chao liệng xuống thung lũng, trông xa tựa những dấu phẩy thanh thanh. Họ lướt qua vầng dương đỏ rực nhô lên lần nữa phía sau dốc: to tướng, tựa một trái bóng lửa ảm đạm.
“Hôm qua các anh có qua đây không?”, Pat hỏi.
“Có”.
Xe lên đến đỉnh đèo thứ nhất, Koster dừng lại. Từ trên này nhìn xuống, phong cảnh thật hùng vĩ. Hôm trước, cùng chiếc Karl dò dẫm xuyên qua màn chiều tím trong suốt, chúng tôi không hề nhận thấy điều này. Hai thằng chỉ chăm chú vào con đường.
Những triền dốc trập trùng mở ra một thung lũng muôn hình vẻ. Những viền núi xa xa hằn lên sắc nét, sáng rõ trên nền trời xanh lá mạ, tỏa ánh vàng chói. Trên các cánh đồng tuyết bên triền núi cũng trải muôn vệt sáng vàng chói như bụi vàng tải khắp. Từng giây một, các triền dốc mỗi lúc một đắm mình vào ráng chiều rực rỡ phơn phớt đỏ, và những bóng núi mỗi lúc một tím ngắt. Mặt trời lọt vào kẽ hở giữa hai đỉnh núi óng ánh; và với trập trùng đỉnh núi, triền dốc của mình, thung lũng mênh mông trông tựa một cuộc diễu binh hùng hậu, lặng lẽ, sáng ngời trước một vị bá chủ đang chìm dần. Con đường màu violet uốn quanh đỉnh đèo, mất hút, lại hiện lên, thẫm lại ở các khúc ngoặt, chạy qua các ngôi làng, đoạn tiến thẳng đến con đèo xen giữa hai đỉnh núi phía chân trời.
“Em chưa bao giờ được rời khỏi làng xa thế này”, Pat nói. “Đây là đường về nhà bọn mình phải không?”
“Phải”.
Nàng im lặng, nhìn xuống. Đoạn nàng ra khỏi xe, đưa tay che mắt nhìn. Cứ thế, nàng đăm dăm dõi về phương bắc, tuồng như nàng có thể nhìn thấy những đỉnh tháp của thành phố.
“Từ đây về đó bao xa?”, nàng hỏi.
“Quãng ngàn cây số. Tháng Năm chúng mình sẽ xuôi. Otto lên đón”.
“Tháng Năm”, nàng lặp lại. “Lạy Chúa, tháng Năm”.
Mặt trời dần lặn. Thung lũng sống động hẳn lên; những cái bóng nãy giờ vẫn nằm lỳ trong các nếp đất bắt đầu lặng lẽ nhỏm dậy, trườn lên cao như những con nhện khổng lồ màu tím. “Ta phải quay về thôi, Pat”, tôi nói.
Nàng ngước nhìn, thốt nhiên gương mặt nàng như tiều tụy vì đau đớn. Tôi chợt hiểu nàng biết tất cả. Nàng biết mình sẽ chẳng bao giờ còn vượt qua dãy núi không chút khoan dung đằng chân trời kia, nàng biết và nàng muốn giấu, cũng như chúng tôi muốn giấu nàng, nhưng trong một giây nàng để mất tự chủ và thấy nỗi bi đát trên thế gian này hiện lên trong khóe mắt nàng. “Ta đi xuống một đoạn nữa đi”, nàng nói. “Chỉ thêm một đoạn rất ngắn nữa thôi”.
“Đi nào”, tôi đáp sau khi đã đưa mắt cho Koster. Pat lên ghế sau ngồi cạnh tôi, tôi choàng tay ôm nàng, kéo chăn phủ cho cả hai. Xe từ từ lăn bánh xuống dốc, xuống thung lũng, đi vào những bóng núi.
“Robby, anh yêu”, Pat thì thầm trên vai tôi, “giờ em có cảm tưởng như chúng mình đang trên đường về nhà, trở lại với cuộc sống của chúng mình…”
“Ừ”, tôi nói, kéo chăn lên sát tóc nàng.
Chúng tôi xuống càng thấp, trời sập tối càng nhanh. Pat nằm thu mình dưới tấm chăn. Nàng luồn tay vào ngực tôi, dưới lần áo sơ-mi: tôi cảm thấy bàn tay nàng trên da thit mình, rồi hơi thở của nàng, làn môi nàng, và cuối cùng là những giọt nước mắt.
Đến quảng trường chợ làng kế đó, Koster thận trọng cua một vòng rộng để Pat không nhận thấy xe quay lại, rồi cho xe chạy chầm chậm về Viện điều đưỡng.
Khi chúng tôi lên đến đỉnh đèo, mặt trời lặn hẳn, phía đông, vầng trăng sáng nhợt nhạt đã lơ lửng giữa các đám mây đang dần lên cao. Chúng tôi trở về, lưới xích xe miết xuống đường những tiếng lạo xạo buồn tẻ, xung quanh sao mà im ắng, tôi ngồi yên không động đậy, cảm thấy những giọt nước mắt của Pat trên trái tìm mình, dường như nơi đó một vết thương đang ứa máu.
Một giờ sau tôi ngồi trong đại sảnh. Pat đã về phòng nàng, còn Koster đến Nha Khí tượng hỏi xem liệu tuyết có rơi không. Bên ngoài, không gian trở nên hư ảo, giờ đây vầng trăng đã loang một quầng rộng, màn chiều buông trước các ô cửa sổ như một tấm rèm nhung xám mềm mại. Lát sau Antoineio vào, ngồi xuống cạnh tôi. Cách đó vài bàn, một lão mập tròn như viên đạn đại bác ngồi thù lù, lão vận bộ complê vải thô dệt bằng sợi se ở nhà, cái quần chẽn gối ngắn cũn cỡn. Một gương mặt trẻ sơ sinh với đôi môi dày trề ra và cặp mắt lạnh lẽo, cái sọ tròn đỏ tía không tóc, bóng loằng như một viên bi-a. Cạnh lão, một thiếu phụ gầy gò mắt thâm quầng, vẻ mặt đầy phiền muộn, van lơn. Viên đạn đại bác đang phởn chí tệ, cái đầu lúc lắc liên tục, hai bàn tay hộ pháp đỏ đắn cứ hoa lên.
“Tuyệt vời, ở trên này sướng hết chỗ nói! Quang cảnh này, không khí này, sự chăm sóc này! Quả là thuận lợi cho mình…”
“Kìa Bernard”, thiếu phụ khẽ nói.
“Thật đấy, tôi những muốn được như mình, được chăm bẵm, nâng niu!”. Cười ngọt xớt. “Cha, tôi ghen với mình…”
“Ồ Bernard”, thiếu phụ buồn rầu nói.
“Sao nào, sao nào”, viên đạn đại bác hí hởn nói ồ ồ như lệnh vỡ, “không đâu hơn đây được nữa! Mình ở đây có khác nào sống trong thiên đường! Dễ mình tưởng dưới xuôi sướng lắm đấy hẳn! Mai tôi lại phải dấn thân vào cái cuộc sống hỗn tạp ấy. Hãy mừng là mình không phải biết tí gì về nó. Chà, được thấy mình yên ấm ở đây mà tôi mát ruột”.
“Bernard, tôi nào sung sướng nỗi gì”, thiếu phụ nói.
“Kìa mình”, Bernard quát tháo, “không eo sèo gì nữa! Những người đồng cảnh với bọn ta đây sẽ nói thế nào hả! Lúc nào cũng đầu tắt mặt tối, đâu đâu cũng thấy vỡ nợ, rồi thuế má… hừ, người ta thích thế lắm đấy”.
Thiếu phụ nín lặng.
“Cái thằng khỏe như trâu”, tôi bảo Antoineio.
“Còn phải nói!”, anh đáp. “Lão đến từ hôm kia và lúc nào cũng tìm cách át vợ bằng cái câu: “Mình ở đây sướng quá còn gì?” Lão không muốn thấy gì cả, anh biết chứ… không muốn thấy nỗi lo sợ của bà ấy bệnh tình của bà ấy, sự cô đơn của bà ấy. Hình như lâu nay lão đã sống với một viên đạn đại bác khác ở Berlin, và cứ nửa năm một lần lão lại lên đây thăm vợ cho phải đạo, hai tay xoa vào nhau, vui vẻ hồ hởi, mải nghĩ đến sự sung sướng của bản thân. Mỗi tội không thèm để tai tới điều gì! Chuyện đó ở đây diễn ra xoành xoạch”.
“Bà ấy tới đây bao lâu rồi?”
“Quãng hai năm”.
Một tốp thanh niên vừa đi qua gian đại sảnh, vừa cười khúc khích. Antoineio cười.
“Từ trạm bưu điện về đấy. Họ vừa đánh cho Roth một bức điện”.
“Roth là ai?”
“Cái anh chàng sắp xuất viện ấy mà. Họ đánh điện cho anh ta rằng vì dưới quê đang có dịch cúm, anh ta chưa được về vội, hẵng cứ ở lại Viện đã. Những trò đùa thông thường. Chả là bản thân họ phải ở lại đây, anh hiểu chứ?”
Qua cửa sổ, tôi nhìn dãy núi nhấp nhô mịn như nhung xám. Tất cả đều không có thực, tôi tự nhủ, phải, tất thảy đều không phải là thực tại, không thể thế được. Đây chỉ là một sân khấu, trên đó được diễn một chút chết chóc. Nếu người ta chết thật, thì đó phải là một cái gì nghiêm trang kinh khủng. Giá như tôi có thể chạy theo đám thanh niên đó, vỗ vai họ và nói rằng: “Có phải đây chỉ là một cái chết nơi buồng trò, và các người chỉ là những tài tử hấp hối vui nhộn? Có phải rồi đây các người sẽ lại đứng dậy cúi chào? Với cơn sốt nhẹ và tiếng thở thô, người ta đâu đã chết được, chỉ những phát đạn và những vết thương mới gây nổi cái chết, tôi biết lắm chứ…”
“Anh cũng ốm à?”, tôi hỏi Antoineio.
“Tất nhiên”, anh mỉm cười đáp.
“Cà phê quả thực tuyệt vời”, viên đạn đại bác nói bô bô bên cạnh, “ở dưới xuôi làm gì ra có thứ này. Thật là chốn địa tiên chính cống!”
Koster từ Nha Khí tượng trở về. “Mình phải đi thôi, Robby”, cậu ta nói. “Phong vũ biểu tụt xuống, hình như đêm nay tuyết đổ. Nếu thế mai mình bị nghẽn đường mất. Đi tối nay còn kịp”.
“Được. Nhưng ta cùng ăn tôi đã chứ?”
“Ừ. Giờ mình đi sửa soạn hành lý thật nhanh”.
Hai thằng đóng gói đồ của Koster, xách xuống gara. Rồi chúng tôi quay lại đón Pat.
“Có chuyện gì cứ điện thoại cho mình, Robby” Otto nói.
Tôi gật.
“Vài ngày nữa cậu sẽ nhận được tiền. Đủ cho ít lâu. Hãy làm tất cả những gì cần thiết”.
“Ừ, Otto”. Tôi lưỡng lự. “Chúng mình còn vài ống moocphin ở nhà. Cậu gửi cho mình được không?”
Cậu ta nhìn tôi. “Cậu cần làm gì?”
“Mình không biết sự thể ở đây sẽ diễn ra thế nào. Có khi cũng chẳng cần dùng đến chúng. Bất chấp tất cả, mình vẫn cứ nuôi một chút hy vọng. Hễ nhìn thấy nàng là lại hy vọng. Khi có một mình, thì không. Nhưng mình không muốn nàng phải chịu đựng. Otto ạ. Mình không muốn nàng nằm đó, không còn gì khác ngoài những đau đớn dày vò. Có thể y tế ở đây cũng sẽ cho nàng thứ ấy. Nhưng mình cảm thấy yên tâm khi biết có thể giúp được nàng”.
“Chỉ thế thôi à, Robby?”, Koster hỏi.
“Thế thôi, Otto. Chắc chắn đây. Nếu không mình đã chẳng nói với cậu”.
Cậu ta gật đầu. “Chúng mình chỉ còn hai đứa”, cậu ta chậm rãi nói.
“Phải”.
“Được rồi, Robby”.
Chúng tôi đi vào gian đại sảnh, tôi lên đón Pat xuống. Rồi chúng tôi ăn thật nhanh, vì trời mỗi lúc một mù mịt Koster lái chiếc Karl từ gara ra cổng. “May mắn nhé, Robby”, cậu ta nói.
“Cậu nữa, Otto”.
“Tạm biệt, Pat”. Cậu ta chìa tay cho Pat và nhìn nàng. “Sang xuân tôi sẽ lên đón chị”.
“Tạm biệt anh, Koster”. Pat nắm chặt tay cậu ta. “Tôi sung sướng vì còn được gặp anh. Anh chào cả Gottfried, Lenz giùm tôi”.
“Vâng”, Koster nói.
Nàng vẫn nắm tay Koster. Môi nàng run run. Đột nhiên nàng tiến lên một bước và hôn cậu ta. “Tạm biệt anh”, nàng nghẹn ngào lẩm bẩm.
Mặt Koster thoáng đỏ bừng lên. Cậu ta còn muốn nói điều gì đó, nhưng đã vội quay đi, lên xe, rồ máy, lượn xuống những khúc đường ngoằn ngoèo mà chẳng hề ngoái lại. Chúng tôi nhìn theo Koster. Chiếc xe rầm rầm lao dọc phố chính, rồi leo lên những cua dốc như một con đom đóm đơn độc, phía trước là quầng sáng đèn pha nhợt nhạt rọi trên nền tuyết xám. Đến đỉnh đèo, Karl dừng lại, và Koster vẫy chào. Bóng cậu ta đen thẫm trước ánh đèn pha. Rồi cậu ta biến mất. Chúng tôi còn nghe tiếng rì rì nhỏ dần của động cơ xe thêm hồi lâu nữa.
Pat đứng, khom mình về phía trước, lắng nghe, chừng nào tiếng Karl vẫn còn vẳng đến. Đoạn nàng quay lại tôi. “Giờ thì con tàu cuối cùng đã nhổ neo, anh Robby ạ”.
“Gần cuối thôi”, tôi đáp. “Con tàu cuối cùng là anh. Này, em biết anh đự định gì không? Anh muốn tìm cho mình một chỗ thả neo khác. Anh chán căn buồng bên nhà phụ rồi. Anh không hiểu tại sao chúng mình lại không thể ở bên nhau. Anh thử kiếm một phòng cạnh phòng em mới được”.
Nàng mỉm cười. “Đời nào! Ai cho anh! Anh định xoay xở cách gì chứ?”
“Nếu anh xin được, em có vui không?”
“Anh hỏi gì mà lạ! Còn gì tuyệt bằng, anh yêu. Gần như hồi ở nhà mẹ Zalewski!”
“Được, vậy hãy để anh đi công cán nửa giờ”.
“Hay lắm, trong lúc chờ đợi, em chơi cờ với Antoineio. Em đã học chơi ở đây đấy”.
Tôi vào văn phòng, trình bày rằng mình còn ở lại đây lâu và muốn thuê một phòng cùng tầng với Pat. Một bà đứng tuổi ngực phẳng lỳ nhìn tôi vẻ phẫn nộ và viện nội quy nhà điều dưỡng ra bác thẳng thừng nguyện vọng của tôi.
“Ai đề ra nội quy ấy?”, tôi hỏi.
“Ban giám đốc”, bà ta đáp, tay vuốt phẳng các nếp váy.
Cuối cùng, khá là miễn cưỡng, bà ta cho tôi biết bác sĩ trưởng có quyền quyết định những trường hợp ngoại lệ.
“Nhưng ông ta không còn ở đây”, bà ta thêm. “Mà buổi tối chỉ được quấy rầy ông ta ở nhà riêng khi công việc bắt buộc”.
“Tốt”, tôi nói, “vậy tôi sẽ quấy rầy ông ta vì lý do công việc. Vấn đề nội quy của Viện”.
Bác sĩ trưởng sống trong một ngôi nhà nhỏ cạnh Viện điều dưỡng. Ông ra tiếp tới ngay, và lập tức cho phép tôi.
“Sau cú mở đầu, tôi không ngờ lại dễ dàng đến thế”, tôi nói.
Ông cười. “A ha, mụ già Rexroth hẳn đã gây khó dễ cho anh? Thôi được, tôi sẽ điện thoại ngay cho họ”.
Tôi trở lại văn phòng. Mụ Rexroth già lủi mất một cách đáng kính khi trông thấy vẻ mặt khiêu khích của tôi. Tôi làm mọi thủ tục với cô thư ký, đoạn sai người phục vụ mang hành lý của tôi sang đây và kiếm cho tôi mấy chai rượu uống chơi. Xong đâu đấy, tôi vào gian đại sảnh tìm Pat.
“Được rồi chứ anh?”, nàng hỏi.
“Chưa, nhưng vài ngày nữa anh sẽ lo xong”.
“Chán thế!” Nàng gạt đổ những quân cờ và đứng dậy.
“Ta làm gì bây giờ?”, tôi hỏi. “Lại tiệm rượu chăng?”
“Buổi tối chúng tôi thường chơi bài”, Antoineio nói. “Đang có gió nồm đấy, tôi cảm thấy thế. Vậy chơi bài dễ chịu hơn cả”.
“Chơi bài? Pat ấy à?”, tôi ngạc nhiên hỏi. “Em biết chơi bài gì nào? Peter đen và Patience chứ gì?”
“Pôker, anh yêu ạ”, Pat giải thích.
Tôi cười. “Thật đấy, cô ấy chơi được”, Antoineio nói. “Mỗi tội cô ấy liều lĩnh đến là dại dột, và tháu cáy giỏi kinh khủng”.
“Tôi cũng vậy”, tôi đáp. “Ta phải thử vài ván xem sao”. Chúng tôi ngồi vào một góc và bắt đầu chơi. Pat đánh poker mả ra phết. Nàng lừa thật sự, khiến đối phương tơi tả. Một giờ sau, Antoineio chỉ ra quang cảnh ngoài cửa sổ. Tuyết rơi. Từ tốn, dường như còn lưỡng lự, những bông tuyết to tướng gần như rơi thẳng xuống đất.
“Ắng gió quá”, Antoineio nói. “Nhiều tuyết ghê”.
“Koster giờ ở đâu nhỉ?”, Pat hỏi.
“Cậu ấy đã vượt con đèo chính”, tôi đáp. Trong khoảnh khắc, Karl hiện lên rõ mồn một trước mắt tôi, tôi thấy nó cùng Koster xuyên màn đêm trắng xóa, và thốt nhiên mọi sự đối với tôi như một cái gì không có thực… rằng tôi ngồi đây, rằng Koster đang ở giữa dặm trường và Pat ngồi đó. Nàng mỉm cười sung sướng cùng tôi, bàn tay cầm bài chống trên bàn. “Đến lượt anh, Robby!”
Viên đạn đại bác băng qua gian đại sảnh, dừng lại sau bàn chúng tôi và bắt đầu xem chúng tôi đánh bài với vẻ thân thiện. Hình như bà vợ đã ngủ, còn lão đi tìm giải trí. Tôi đặt bài xuống, hằn học nhìn lão kỳ tới lúc lão phải cút.
“Anh không niềm nở chút nào”. Pat thích thú nhận xét.
“Không”, tôi đáp. “Mà anh cũng không muốn tỏ ra niềm nở”.
Chúng tôi còn đến tiệm rượu uống vài ly đặc biệt. Rồi Pat phải về phòng ngủ. Tôi chia tay với nàng ở gian đại sảnh. Nàng bước chầm chậm lên cầu thang, ngoái lại và dừng chân trước khi rẽ vào hành lang. Tôi chờ một lát, đoạn vào văn phòng lấy chìa khóa phòng mình. Cô thư ký nhỏ nhắn mỉm cười.
“Phòng số 78”, cô ta nói.
Đó là phòng sát phòng Pat. “Theo gợi ý của cô Rexroth chăng?”, tôi hỏi.
“Không, cô Rexroth ở bên Nhà chung”, cô ta đáp.
“Các Nhà chung đôi khi là một phúc lành”, tôi nói, rồi vội vã lên gác. Hành lý của tôi đã được dỡ ra. Nửa giờ sau, tôi gõ cánh cửa thông sang phòng Pat. “Ai đó?”, Pat hỏi to.
“Cảnh sát thuần phong mỹ tục”, tôi đáp.
Tiếng chìa khóa vặn lạch xạch, cánh cửa bật mở.
“Anh? Robby?”. Pat sững sờ ấp úng.
“Anh đây!”, tôi nói. “Kẻ chiến thắng cô Rexroth! Kẻ sở hữu rượu cognac và Porto – Roncos!”. Tôi lấy mấy chai rượu ra khỏi túi áo choàng tắm của mình. “Còn bây giờ, khai ngay với anh, đã có bao nhiêu đàn ông lọt vào đây”.
“Chẳng có ai, ngoài câu lạc bộ bóng đá và giàn hòa tấu được tăng cường”, Pat cười đáp. “Ôi, anh yêu, thời xưa cũ đã trở lại!”
Nàng ngủ thiếp đi trên vai tôi. Tôi còn thao thức hồi lâu. Một ngọn đèn nhỏ thắp trong góc phòng. Những bông tuyết khẽ chạm vào kính cửa sổ, và thời gian như ngừng trôi trong cái bóng tối nâu vàng mờ ảo này. Trong phòng rất ấm. Thỉnh thoảng ống sưởi lại kêu đánh rắc. Pat cựa mình trong giấc ngủ; từ từ, mấy cái chăn tụt nhẹ xuống sàn. Ô, tôi nghĩ làn da anh ánh, óng như đồng này! Đầu gối thanh tú kỳ diệu này! Sự bí ẩn dịu êm của đôi vú này! Tôi cảm thấy tóc nàng mơn man trên vai mình, mạch tay nàng đập dưới môi mình. Em mà phải chết sao, tôi thầm nhủ. Em không thể chết. Em là hạnh phúc.
Tôi khẽ khàng kéo chăn lên. Pat lẩm bẩm điều gì đó, lại im bặt, và, vẫn ngủ, nàng từ từ quờ tay ôm cổ tôi.