Những ngày sau tuyết rơi không ngừng, Pat bị sốt, phải nằm. Nhiều người trong viện lên cơn sốt.
“Tại thời tiết”, Antoineio nói. “Oi bức, lại có gió nồm. Đúng là mùa sốt”.
“Anh yêu, đi chơi chút đi”, Pat nói. “Anh biết trượt tuyết không?”
“Không. Làm sao anh biết được? Anh chưa từng ở vùng núi mà”.
“Antoineio sẽ bay cho anh. Anh ta sẽ thích lắm đấy. Anh ta mến anh”.
“Anh muốn ngồi nhà hơn”.
Nàng nhỏm dậy trên giường. Chiếc áo ngủ trễ khỏi vai.
Đôi vai nàng gầy quá. Gáy cũng gầy đến tội nghiệp.
“Robby”, nàng nói, “chiều em một tí. Em không muốn anh cứ ngồi lì bên giường bệnh thế này. Hôm qua và hôm kia, thế đã là quá lắm rồi”.
“Anh thích ngồi đây”, tôi đáp. “Anh chẳng tha thiết gì ra ngoài trời tuyết”.
Nàng thở mạnh, và tôi nghe tiếng khò khè không đều trong hơi thở của nàng. “Trong chuyện này em nhiều kinh nghiệm hơn anh”, nàng nói, khuỷu tay chống xuống giường. “Như thế tốt hơn cho cả hai ta. Rồi anh sẽ thấy”. Nàng mỉm cười mệt nhọc. “Chiều nay, tối nay anh còn có thể ngồi đây tha hồ. Buổi sáng em thấy thắc thỏm thế nào ấy, anh yêu ạ. Cơn sốt buổi sáng khiến mặt mũi trông gớm ghiếc. Buổi tối lại khác hẳn. Em hời hợt và ngu ngốc… em không muốn xấu xí khi anh nhìn em”.
“Kìa Pat!” Tôi đứng dậy. “Thôi được, anh đi dạo với Antoineio một lát. Trưa anh trở lại. Hy vọng rằng anh không bị tan xương vì cái trò trượt tuyết khỉ nợ ấy”.
“Anh sẽ học nhanh thôi, anh yêu ạ”. Gương mặt nàng mất đi vẻ căng thẳng sợ hãi, “Chả mấy lúc anh đã trượt tuyết vù vù cho mà xem”.
“Và em đang muốn tống khứ anh vù khỏi đây cho nhanh chứ gì”, tôi nói và hôn nàng. Hai bàn tay nàng nóng hổi, dâm dấp mồ hôi, môi nàng khô, phồng rộp.
Antoineio sống ở tầng hai. Anh cho tôi mượn giày và thanh trượt. Giày vừa vặn, vì tôi và anh cao bằng nhau. Chúng tôi ra bãi tập nằm sau làng một quãng. Dọc đường, Antoineio nhìn tôi dò xét. “Sốt khiến người ta thắc thỏm”, anh nói. “Những ngày như thế này ở đây đôi khi vẫn xảy ra những chuyện kỳ quặc”. Anh đặt những thanh trượt xuống trước mặt, buộc nó vào chân. “Không gì tệ hại bằng phải chờ đợi trong trạng thái bất lực. Nó khiến người ốm phát điên và suy sụp”.
“Cả những người khỏe”, tôi đáp. “Phải đứng đó nhìn vào mà chịu bó tay”.
Anh gật đầu. “Một vài người trong bọn tôi làm việc”, anh tiếp, “một số đọc bằng hết sách trong thư viện. Nhưng cũng có nhiều người trở lại như trò nhỏ, họ trốn giờ phơi nắng như lẩn giờ thể dục trước kia, và sợ hãi lùi vào các cửa hiệu hay các tiệm bánh ngọt khi bác sĩ bất đồ đi ngang. Lén hút thuốc, lén uống rượu, vi phạm điều cấm hội hè bù khú trong phòng riêng, chuyện trò nhảm nhí, những cú chơi khăm ngu ngốc… cốt tự cứu mình thoát khỏi sự trống rỗng. Thoát khỏi sự thật. Một sự làm ngơ giả tạo, nhẹ dạ, nhưng cũng can đảm trước cái chết. Suy cho cùng, họ còn có cách nào khác đâu?” Phải, tôi nghĩ, suy cho cùng tất thảy chúng ta còn có cách nào khác nữa…
“Ta tập cái chứ?” Antoineio hỏi và dận đôi thanh trượt xuống tuyết.
“Ừ”.
Anh bày cho tôi cách buộc thanh trượt, cách giữ thăng bằng. Kể ra cũng chẳng khó. Tôi ngã xoành xoạch, nhưng rồi quen dần và đã trượt được quãng ngăn ngắn. Một giờ sau chúng tôi nghỉ. “Đủ rồi”, Antoineio nói. “Chỉ đến tối là anh đã thấy cơ bắp mỏi nhừ cho mà xem”.
Tôi tháo đôi thanh trượt và cảm giác máu cuồn cuộn chảy trong cơ thể. “Ta ra ngoài thế mà khỏe người, Antoineio ạ”, tôi nói.
Anh gật. “Ta có thể tập sáng sáng. Đầu óc cũng thảnh thơi hơn”.
“Vào đâu uống chút gì đi?”, tôi hỏi.
“Đồng ý. Đến quán Forster làm một ly Dubonnet thôi”.
Chúng tôi uống Dubonnet, rồi trở lên Viện điều dưỡng. Ở văn phòng, cô thư ký nói với tôi rằng một người đưa thư tới tìm tôi; ông ta nhắn lại mời tôi ra trạm bưu điện. Có tiền gửi cho tôi. Tôi xem đồng hồ vẫn còn kịp, bèn quay lại làng. Ở trạm bưu điện, người ta trao cho tôi hai ngàn mác. Cả một bức thư của Koster. Cậu ta nói tôi đừng lo lắng gì; tiền vẫn còn. Chỉ cần tôi biên cho cậu ta vài chữ.
Tôi đăm đăm nhìn những tờ giấy bạc. Cậu ta kiếm ở đâu ra vậy? Mà lại chóng vánh đến thế? Tôi đâu lạ gì các nguồn sinh nhai của cả bọn. Và đột nhiên tôi vỡ lẽ. Tôi thấy trước mắt mình gã chủ xưởng may máu mê đua xe Bonvis, thấy gã thèm thuồng gõ quanh chiếc Karl và tuyên bố: “Lúc nào tôi cũng sẵn sàng mua chiếc xe”. Khốn nạn! Koster đã bán Karl! Tiền bỗng dưng ở đó mà ra! Chiếc Karl mà Koster từng nói cậu ta thà để chặt một bàn tay chứ quyết không nhượng cho ai. Karl không còn nữa. Giờ đây nó rơi vào đôi tay béo mẫm của tên chủ xưởng may, còn Otto, người mà tai có thể nhận ra Karl cách hàng cây số, sẽ nghe tiếng nó hú trên các nẻo đường như một con chó bị xua đuổi.
Tôi nhét bức thư của Koster và cái gói nhỏ bọc mấy ống moocphin vào túi. Tôi vẫn đứng trước quầy bưu điện, bối rối không biết nên xử sự thế nào. Tôi không muốn gì hơn là gửi ngay số tiền đó cho Koster, nhưng không được, chúng tôi cần tiền. Tôi vuốt phẳng xấp giấy bạc, cất vào túi. Đoạn đi ra. Mẹ kiếp, từ giờ trở đi có lẽ tôi phải tránh mặt bất kỳ chiếc xe hơi nào. Xe hơi vốn là bè bạn, nhưng Karl đối với chúng tôi còn hơn thế nhiều. Một chiến hữu! Karl, bóng ma trên đường nhựa. Chúng tôi từng sát cánh bên nhau, Karl với Koster, Karl với Lenz, Karl với Pat. Giận dữ và bất lực, tôi dậm chân rũ tuyết khỏi giày. Lenz chết rồi, Karl đã ra đi. Còn Pat? Với cặp mắt bị chói nắng, tôi đăm đăm ngước nhìn trời, cái bầu trời xám vô tận của một Đức Chúa điên rồ đã phát minh ra sự sống và cái chết làm trò tiêu khiển.
Chiều, gió đổi hướng, trời quang và lạnh hơn, tối đến Pat thấy khỏe ra. Sáng hôm sau nàng đã dậy được, thậm chí vài ngày sau, khi Roth, người vừa bình phục, xuất viện, nàng còn có thể ra tận ga tiễn.
Cả một đám đông đưa chân Roth. Thường bao giờ cũng vậy khi có người ra đi. Bản thân Roth chẳng hồ hởi gì lắm. Anh gặp rủi theo lối riêng của mình. Cách đây hai năm, trả lời câu hỏi của Roth liệu anh còn sống được bao lâu, một bác sĩ có tài nói rằng giỏi lắm chỉ hai năm nữa, nếu anh lo giữ sức khỏe chu đáo, cẩn thận, anh còn yêu cầu một bác sĩ nữa trả lời câu hỏi của mình đúng với sự thật và lương tâm ông ta. Bác sĩ này còn cho biết một thời hạn ngắn hơn. Roth bèn lấy hết của cải của mình chia đều cho hai năm và tiêu tống tiêu táng, chẳng thèm bận tâm gì đến bệnh tật. Cuối cùng, sau những trận thổ huyết nặng, anh bị tống vào Viện điều dưỡng. Và tại đây, thay vì chết đi, anh bắt đầu không ngừng hồi phục. Khi đến, anh cân nặng có bốn lăm cân. Giờ anh lên bảy lăm cân và khỏe tới mức có thể quay về dưới xuôi. Nhưng tiền thì đã rỗng túi.
“Tôi biết làm gì dưới ấy?”, anh hỏi tôi, tay gãi gãi cái đầu tóc đỏ “Anh vừa ở dưới ấy lên, tình hình thế nào?”
“Thay đổi nhiều lắm”. Tôi vừa đáp vừa quan sát gương mặt tròn xoay, phúng phính của anh với những hàng lông mi trắng hoe. Anh đã bình phục mặc dù từng quy phục thần chết, còn thì ở anh chẳng có điểm gì đáng để tôi lưu tâm.
“Tôi sẽ phải kiếm một chỗ làm”, anh nói. “Hiện giờ việc ấy thế nào anh?”
Tôi nhún vai. Nói với anh rằng nhiều phần anh sẽ công cốc thôi mà làm gì. Chẳng chóng thì chầy rồi anh khắc thấy.
“Anh quen biết nhiều không, hay có bạn bè chẳng hạn?”, tôi hỏi.
“Bạn bè… chà, anh biết đấy”. Anh cười mai mỉa. “Khi con người ta đột nhiên nhẵn túi, bạn bè lập tức nhảy bắn đi chẳng khác gì lũ bọ chét vội rời một con chó chết!”
“Thế thì sẽ gay đấy”.
Anh nhăn trán. “Chẳng biết rồi sẽ ra sao. Tôi chỉ còn vài trăm mác. Lại chẳng học được nghề ngỗng gì ngoài nghề tiêu tiền. Ông giáo sư của tôi thế mà vẫn có lý, cho dù theo cách khác… chỉ hai năm nữa tôi ắt ngoẻo, cố nhiên vì một viên đạn”.
Trong tôi đột nhiên bùng lên một cơn giận vô lý trước thằng cha ba hoa xuẩn ngốc này. Lẽ nào hắn không biết cuộc sống đáng quý ngần nào? Trước mắt tôi, Antoineio và Pat đang đi cùng nhau, tôi thấy những cái gáy gầy guộc vì bệnh tật của họ, tôi biết nàng tha thiết được sống biết bao, và trong giây phút này, tôi sẵn sàng giết chết Roth nếu nhờ thế mà Pat lành bệnh.
Tàu khởi hành. Roth vẫy mũ chào. Những người ở lại đua nhau gọi với theo và cười. Một cô gái vừa chạy vừa vấp một quãng theo tầu, cô ta gào lên bằng cái giọng thanh the thé: “Tạm biệt! Tạm biệt!”, đoạn quay lại và òa khóc. Nhưng người khác sượng sùng ra mặt.
“Này!”, Antoineio gọi. “Ai khóc trên sân ga, phải nộp phạt! Đó là luật truyền thống của Viện! Hãy xì tiền cho cuộc liên hoan sắp tới đây!”
Anh điệu bộ chìa tay ra. Mọi người lại cười. Ngay cô gái cũng mỉm cười dưới làn nước mắt chảy trên gương mặt gầy yếu tội nghiệp, và móc túi áo măng-tô ra một cái ví đã sờn. Lòng tôi se thắt lại. Những gương mặt quanh tôi đây là những cái mặt nạ nhăn nhó; đó đâu phải nụ cười, mà là sự vui nhộn đầy đau đớn, quằn quại.
“Đi em”, tôi bảo Pat, ghì chặt nàng dưới cánh tay.
Chúng tôi lặng lẽ xuôi lối phố trong làng. Tới tiệm bánh kẹo đầu tiên, tôi dừng lại, vào mua một hộp kẹo. “Hạnh nhân rang đây”, tôi nói và chìa cái gói cho nàng. “Em thích ăn lắm mà, phải không?”
“Anh Robby”, Pat nói. Môi nàng run run.
“Gượm đã”, tôi đáp, chạy vội vào hàng hóa bên cạnh. Đã phần nào trấn tĩnh, tôi quay ra với bó hồng.
“Anh Robby”, Pat nói.
Tôi ngoẻn một nụ cười thiểu não. “Về già anh sẽ còn trở thành con người hào hoa, Pat ạ”.
Tôi không rõ cái gì bỗng đột nhập vào tâm trạng hai đứa. Có lẽ tại con tàu khốn kiếp vừa khởi hành ấy. Nó tựa một cái bóng nặng như chì, một luồng gió xám xịt bứt đi tất thảy những gì con người muốn ra sức níu giữ. Phải chăng hai chúng tôi thốt nhiên là hai đứa trẻ lạc không biết đường tiến lẫn đường lui, và rất muốn tỏ ra can đảm?
“Rảo chân tìm cái gì uống đi”, tôi nói.
Nàng gật. Chúng tôi vào tiệm cà phê gần đấy, ngồi vào một cái bàn trống cạnh cửa sổ. “Em muốn uống gì, Pat?”
“Rum”, nàng nói, mắt nhìn tôi.
“Rum”, tôi lặp lại, tìm nắm bàn tay nàng dưới gầm bàn. Nàng xiết chặt tay tôi.
Rum được mang ra. Loại Baccardi pha chanh. “Anh thân yêu của em”, nàng nói và nâng ly.
“Bạn quý tốt bụng của anh”, tôi đáp lại.
Chúng tôi ngồi thêm lát nữa. “Đôi khi kỳ cục sao ấy, anh nhỉ?”. Pat nói.
“Ừ. Cũng có lúc. Lại qua ngay thôi mà”.
Nàng gật. Hai đứa đi tiếp, nép sát vào nhau. Những con ngựa kéo xe trượt phả hơi phì phì chạy nước kiệu qua chúng tôi. Những người trượt tuyết mệt mỏi, rám nắng, một đội khúc côn cầu trên băng mặc đồng phục áo len trắng đỏ, cuộc sống nhộn nhạo.
“Em thấy trong người ra sao. Pat?”, tôi hỏi.
“Khỏe, Robby”.
“Chúng mình bất chấp tất cả, hả?”
“Phải, anh yêu”. Nàng ghì cánh tay tôi vào người nàng.
Phố trở nên vắng teo. Hoàng hôn như một tấm chăn hồng phủ trên những ngọn núi đầy tuyết. “Pat”, tôi nói, “em vẫn chưa hề biết chúng mình có cả đống tiền, Koster gửi”.
Nàng dừng chân. “Tuyệt lắm, Robby. Nếu thế, chúng mình có thể đi chơi ra trò”.
“Chứ sao”, tôi nói. “Đi bao nhiêu tùy thích”.
“Vậy thứ Bảy mình đến phòng khiêu vũ đi. Ở đây sẽ có dạ hội lớn cuối cùng trong năm”.
“Nhưng buổi tối em đâu được phép đi”.
“Phần đông có ai được phép, vậy mà họ vẫn cứ đi”.
Tôi tỏ ra đăm chiêu. “Robby”, Pat nói, “thời gian anh chưa lên đây em đã nhất nhất tuân theo mọi chỉ dẫn của bác sĩ. Em chỉ còn là một đơn thuốc sống đầy sợ hãi, không hơn. Chẳng ích gì. Bệnh em càng nặng lên. Đừng ngắt lời em, em biết trước điều anh định nói. Em cũng biết thế là liều lĩnh. Nhưng ngày nào em còn được sống, được bên anh… hãy để em làm những gì em muốn”.
Mặt nàng đỏ hồng trong ráng chiều. Gương mặt nghiêm trang, điềm tĩnh, tràn đầy tình âu yếm thiết tha. Chúng mình đang nói cái gì thế này? Tôi tự hỏi, miệng se lại, có lẽ nào chúng tôi đang đứng đây và lảm nhảm về cái điều không bao giữ có thể, cũng như được phép xảy đến? Thế mà chính Pat đã nói ra những lời đó, bình thản, gần như không chút buồn rầu, tuồng như không còn chút gì để cưỡng lại, kể cả những mảnh tơi tả của một niềm hy vọng dối lừa, chính Pat, người hầu như còn là một đứa trẻ cần được tôi che chở, Pat, người bỗng chốc rất xa cách tôi, đã gần gũi và cam chịu với cái vô danh ở phía bên kia.
“Em không được nói như vậy”, cuối cùng tôi khẽ lẩm bẩm. “Anh chỉ nghĩ có lẽ mình nên hỏi qua bác sĩ trước khi đi chơi”.
“Mình không hỏi ai nữa, không hỏi ai hết!”, nàng lắc mái đầu nhỏ xinh đẹp và nhìn tôi với cặp mắt mà tôi yêu dấu. “Em không muốn biết tí gì nữa cả. Em chỉ còn muốn được sung sướng”.
Tối, trong các hành lang của Viện điều đưỡng có tiếng xì xầm và tiếng bước chân đi lại. Antoineio chuyển một lời mời đến chúng tôi. Nội tối nay, người ta còn tổ chức một cuộc tụ họp bên phòng bác người Nga.
“Tôi đi cùng e có bất tiện không?”, tôi hỏi.
“Ở đây sao?”, Pat hỏi lại Antoineio.
“Ở đây người ta có thể làm nhiều chuyện đáng ra không được phép”, Antoineio mỉm cười đáp.
Bác người Nga là một người đàn ông đã đứng tuổi, da ngăm ngăm. Bác sống trong hai phòng trải đầy thảm. Những chai rượu đứng xếp hàng trên nóc một cái rương. Cả hai phòng đều tranh tối tranh sáng. Chỉ có những ngọn nến cháy. Trong đám khách khứa có một cô gái Tây Ban Nha tuyệt đẹp. Hôm nay là sinh nhật cô, cần phải uống mừng dịp này.
Không khí trong những gian phòng bập bùng ánh nến gọi nhớ đến căn hầm trú ẩn, cộng ánh sáng mờ ảo và tình gắn bó kỳ lạ giữa những con người cùng chung số phận nay có vẻ gì thật độc đáo.
“Anh muốh uống gì?”, bác người Nga hỏi tôi. Giọng bác trầm và ấm lạ.
“Thứ nào bác sẵn”.
Bác lấy ra một chai cognac và một bình vodka.
“Anh không ốm à?”, bác hỏi.
“Không ạ”, tôi đáp ngượng nghịu.
Bác mời tôi thuốc lá đầu lọc. Chúng tôi cạn ly. “Chắc ở đây có những cái anh cho là kỳ quặc, đúng chứ?”
“Làm gì tới mức ấy”, tôi đáp. “Tôi vốn không quen với bất kỳ cuộc sống bình thường nào!”
“Phải”, bác nói, ánh mắt rầu rĩ hướng về cô gái Tây Ban Nha, “trên này là một thế giới riêng biệt. Nó biến đổi con người”.
Tôi gật.
“Một căn bệnh lạ lùng”, bác trầm ngâm nói thêm. “Nó làm con người sôi nổi hẳn lên. Đôi khi tốt hơn. Căn bệnh thần bí. Nó tiêu tán các chất cặn bã”. Bác đứng dậy, gật đầu với tôi và đi sang cô gái Tây Ban Nha đang mỉm cười đón bác.
“Một diễn giả thống thiết cho thuyết tiêu tán, hả?” Ai đó hỏi sau lưng tôi.
Một bộ mặt không cằm. Cái trán giô. Cặp mắt lo âu, long lanh trong cơn sốt.
“Tôi là khách ở đây”, tôi nói. “Còn ông?”
“Hắn dùng mánh khóe đó câu đám đàn bà” tay kia nói tiếp, chẳng thèm để tai nghe tôi, “hắn câu họ như vậy đấy. Câu cả cô bé kia nữa”.
Tôi không đáp. “Ai thế em?”, tôi hỏi Pat khi gã đã đi khỏi.
“Một nhạc công. Chơi vĩ cầm. Anh ta mê cô gái Tây Ban Nha như điếu đổ. Mê như trên này người ta vẫn mê nhau. Nhưng cô ấy chẳng thèm để ý đến anh ta. Cô ấy yêu bác người Nga”.
“Giá anh là cô ta, anh cũng yêu”.
Pat cười.
“Anh thấy bác ta là một ngườì đàn ông đáng phải lòng đấy chứ” tôi nói. “Em không nghĩ thế à?”
“Không”, nàng đáp.
“Ở đây em chưa từng phải lòng ai sao?”
“Vừa phải thôi”.
“Giá có, anh cũng mặc”, tôi nói.
“Những lời thú nhận đến là đẹp”. Pat đứng lên. “Thế nhưng anh hoàn toàn chẳng mặc tí nào”.
“Ý anh không phải vậy. Anh không tài nào giải thích cho em hiểu đúng ý anh. Anh không diễn đạt nổi bởi anh vẫn cứ chưa biết em tìm thấy điều gì hay ho ở anh”.
“Đó là việc của em”, nàng đáp.
“Vậy em biết chứ?”
“Lơ mơ thôi”, nàng mỉm cười. “Nếu không, đâu còn là tình yêu”.
Bác người Nga để cái chai lại trên bàn. Tôi rót cho mình một ly và uống sạch. Không khí trong gian phòng đè nặng lên tôi. Tôi không thích thấy Pat giữa cả đám người bệnh tật này.
“Anh không ưng ở đây à?”, nàng hỏi.
“Không ưng lắm. Anh phải làm quen dần”.
“Anh tội nghiệp của em…” nàng vuốt ve bàn tay tôi.
“Có em, anh chẳng tội nghiệp tí nào”, tôi nói.
“Rita chẳng rất đẹp đó sao?”
“Không”, tôi đáp, “em đẹp hơn”.
Cô gái trẻ Tây Ban Nha kê chiếc ghita trên đầu gối. Cô búng vài dây, đoạn cất tiếng hát, giọng hát như một cánh chim u buồn chao lượn khắp gian phòng. Cô hát những bài ca Tây Ban Nha, giọng khe khẽ… cái giọng khàn khàn, dễ gẫy của người mắc bệnh phổi. Tôi không biết: vì những giai điệu lạ tai, ảo não, vì cái giọng hát ban chiều lay động lòng người của cô thiếu nữ, vì những cái bóng của lũ người ốm o ngồi thu lu trên ghế bành, co ro dưới sàn, hay vì khuôn mặt thô ngăm ngăm cúi xuống của bác người Nga, mà bỗng nhiên tôi cảm giác như tất cả chỉ là một lời khẩn nài câm lặng, nức nở, trước cái định mệnh đang đứng rình rập ngoài kia, đằng sau những ô cửa buông rèm, một lời cầu xin, một tiếng thét và nỗi sợ hãi, sợ hãi trước cảnh phải một mình đương đầu với cái hư vô đang lặng lẽ ăn tươi nuốt sống mình.
Sáng hôm sau, Pat hớn hở, vui tươi. Nàng mải bận rộn với những chiếc áo dài của nàng. “Rộng hẳn ra, rộng quá”, nàng lẩm bẩm ngắm nghía trước gương. Đoạn nàng quay sang tôi.
“Anh có mang theo bộ smoking không đấy, anh yêu?”
“Không”, tôi nói. “Anh biết đâu lên đây lại cần”.
“Vậy anh chạy sang Antoineio. Anh ta sẽ cho anh mượn một bộ. Các anh cùng cỡ người mà”.
“Bản thân anh ta cũng cần chứ”.
“Anh ta diện áo đuôi én”. Nàng ghim một nếp áo lại cho vừa người. “Rồi anh đi trượt tuyết đi. Giờ em phải ngồi đây sửa áo. Nhưng có mặt anh, em lóng ngóng không làm nổi”.
“Chà, Antoineio”, tôi nói, “anh hành anh ta đủ đường. Bọn mình sẽ xoay xở ra sao nếu không có anh ta”.
“Một chàng trai tốt bụng, anh nhỉ?”
“Ừ”, tôi đáp, “đó đúng là từ dành cho anh ta. Một chàng trai tốt bụng”.
“Em không biết em đã làm gì nếu không có Antoineio ở đây, hồi em chỉ có một mình ấy!”
“Thôi ta đừng nghĩ đến hồi ấy nữa”, tôi nói. “Qua từ lâu rồi”.
“Vâng”. Nàng hôn tôi. “Nào anh đi trượt tuyết đi”.
Antoineio đang chờ tôi rồi. “Tôi đã nghĩ bụng chắc anh không mang smoking theo”, anh nói. “Anh thử chiếc áo xem”.
Áo hơi hẹp, nhưng vẫn vừa chán. Antoineio vui thích huýt sáo và treo bộ smoking ra ngoài. “Mai tha hồ vui”, anh nói. “May làm sao cô nàng thư ký bé nhỏ lại có giờ trực tôi ở văn phòng. Phải tay mụ Rexroth thì đừng hòng ra với mụ. Về lý thì tất cả các trò này đều bị cấm. Nhưng xét về tình, cố nhiên bọn ta đâu còn là trẻ con”.
Chúng tôi đi trượt tuyết. Tôi tiếp thu nhanh hết chê, nên chúng tôi không cần phải mò ra tận bãi tập nữa. Dọc đường, chúng tôi gặp một gã đàn ông tay đeo đầy nhẫn kim cương, diện quần kẻ carô, thắt chiếc cà vạt bay phấp phới như cà vạt nghệ sĩ. “Ở đây có những bộ dạng lố bịch gớm”, tôi nói.
Antoineio cười. “Nhân vật quan trọng đây! Một người tháp tùng xác chết”.
“Cái gì?”, tôi sửng sốt hỏi.
“Một người tháp tùng xác chết” Antoineio nhắc lại. “Chả là ở đây có những người bệnh đến từ khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt nhiều người từ Nam Mỹ. Thế đấy, và phần đông các gia đình muốn chôn cất thân nhân của họ tại quê hương. Vậy là một người tháp tùng xác chết đi theo để giữ cái xác khỏi những tổn hại thường xuyên đe dọa, đưa cái xác về bản quán trong áo quan bằng kẽm. Bằng cách đó, đám người này trở nên khá giả và tha hồ vớ bẫm. Thì anh thấy đấy thần chết đã biến thằng cha vừa rồi thành một gã công tử thời thượng”.
Chúng tôi tiếp tục lên cao hồi lâu nữa, rồi chúng tôi buộc thanh trượt vào chân và trượt xuống. Những vách núi trắng xóa tròng trành. Rượt sau chúng tôi là Billy, sủa ăng ẳng, đôi khi đầu rũ xuống tận ngực, hệt một quả bóng màu hung. Nó đã lại quen hơi bén tiếng tôi, cho dù nó thường xuyên lộn lại giữa đường và lập tức co cẳng phi về Viện điều dưỡng với đôi tai dựng trong gió.
Tôi cầu Chúa, và lần nào cũng vậy, hễ trượt xuống dốc, hay chuẩn bị một cú nhảy, hay buông mình bay vút theo đà, tôi đều tự nhủ: nếu mình thành công, không ngã, Pat sẽ khỏi bệnh. Gió quất vào mặt tôi, tuyết nặng và dính, nhưng tôi luôn bắt đầu lại từ trên cao, luôn tìm những triền núi dốc đứng hơn, những địa thế hiểm nghèo hơn, và khi thấy mình thành công liên tiếp, tôi khấp khởi: thoát rồi! Tôi biết họa có rồ dại mới tin vào chuyện ấy, tuy vậy đã lâu lắm tôi mới hoan hỉ đến thế.
Tối thứ Bảy, cuộc khởi hành rầm rộ diễn ra trong bí mật. Antoineio đã hẹn các cỗ xe trượt đến đón tại một điểm cách xa Viện điều dưỡng, tít mé dưới. Bản thân anh dùng xe trượt, chân dận giầy da sơn, măng-tô mở phanh, để lộ ngực áo sơ-mi trắng lóa, lên đến đỉnh đèo, anh hồ hởi hô xuống.
“Anh ta hóa rồ rồi”, tôi nói.
“Antoineio vẫn thế luôn”, Pat đáp. “Anh ta cực kỳ nông nổi. Có thế mới chịu được cảnh sống nơi đây. Nếu không, làm sao lúc nào anh ta cũng tươi tỉnh được như vậy”.
“Bù vào đó, chúng mình càng ủ ấm cho em”.
Tôi quấn vào nàng tất cả chăn và khăn quàng chúng tôi có. Các cỗ xe trượt bắt đầu xuống dốc. Một hàng dài nối đuôi nhau. Ai còn đủ sức đều đi cả. Người ta dễ lầm tưởng một đám rước dâu đang kéo xuống thung lũng; những túm lông sặc sỡ tô điểm trên đầu các chú ngựa lúc lắc đến là trọng thể dưới ánh trăng; tiếng cười nói râm ran, tiếng gọi nhau í ới từ cỗ xe này sang cỗ xe kia.
Phòng dạ hội được trang hoàng xa xỉ. Khi chúng tôi đến, người ta đang khiêu vũ. Khách khứa đến từ Viện điểu dưỡng được dành riêng một góc phòng, nơi gió từ cửa sổ không lùa tới. Trong phòng ấm áp, sực nức mùi hoa, nước hoa và rượu vang.
Một đám người quây quanh bàn chúng tôi – bác người Nga, Rita, tay kéo vĩ cầm, một mụ già, một cái đầu lâu trát đầy phấn son, một thằng ma cô, Antoineio và còn một số người nữa.
“Nào, Robby”, Pat bảo, “chúng mình thử khiêu vũ một lần xem sao”.
Sàn nhảy từ từ xoay quanh hai đứa. Tiếng vĩ cầm và tiếng xentô trỗi lên thành một giai điệu êm dịu trên cả giàn nhạc đang thầm thì. Những đôi chân của các cặp khiêu vũ lướt nhẹ trên sàn nhảy.
“Anh yêu dấu của em, bỗng dưng anh nhảy tuyệt quá kìa”, Pat sửng sốt nói.
“Dào, tuyệt gì…”
“Thật mà. Anh học ở đâu vậy?”
“Gottfried đã bày cho anh”, tôi đáp.
“Trong xưởng của các anh ấy à?”
“Ừ… trong tiệm cà phê Quốc Tế nữa. Bọn anh cũng cần bạn nhảy nữ chứ. Rosa, Marion và Wally hoàn thiện cho anh những bước nhảy cuối cùng. Anh chỉ ngại vì thế mà anh nhảy không được thanh lịch lắm”.
“Sao không!” Mắt nàng sáng rỡ. “Lần đầu tiên chúng mình khiêu vũ cùng nhau thế này, Robby!”
Cạnh chúng tôi, bác người Nga nhảy với cô gái Tây Ban Nha. Bác mỉm cười, gật đầu với hai đứa. Cô gái Tây Ban Nha trông quá xanh xao. Ôm lấy vầng trán cô là mái tóc huyền bóng láng như cánh quạ. Cô khiêu vũ với gương mặt nghiêm trang, bất động, cổ tay cô đeo một chiếc vòng có những viên ngọc lục bảo lớn hình chữ nhật. Cô tròn mười tám tuổi. Ngồi bên bàn, tay kéo vĩ cầm dõi theo cô với cặp mắt thèm khát.
Chúng tôi trở lại bàn. “Giờ em muốn hút một điếu thuốc”, Pat nói.
“Có lẽ em không nên hút thì hơn”, tôi thận trọng đáp.
“Vài hơi thôi mà, Robby. Đã lâu em không hút”.
Nàng châm một điếu thuốc, nhưng chỉ được một tí đã quẳng sang bên. “Chẳng ngon gì cả, Robby. Em không thấy ngon nữa, thế thôi…”
Tôi cười, “Bao giờ chả vậy, lâu ngày không động đến ắt thấy chán”.
“Cũng như em với anh chứ gì?”
“Anh đang nói các chất độc cơ”, tôi đáp. “Điều ấy chỉ đúng với rượu và thuốc lá thôi”.
“Con người là một độc tố nguy hại hơn cả thuốc và rượu, anh yêu ạ”.
Tôi cười. “Em là một đứa trẻ thông minh, Pat”.
Nàng chống tay lên bàn, nhìn tôi. “Anh không bao giờ coi em là thật sự nghiêm chỉnh cả, đúng vậy?”
“Ngay bản thân mình anh cũng có coi là thật sự nghiêm chỉnh bao giờ đâu”, tôi đáp.
“Cả em cũng không nói nốt chứ gì? Nói thật xem nào”.
“Anh không rõ. Nhưng hai ta gộp lại thì lúc nào anh cũng xem là chuyện vô cùng nghiêm chỉnh, cái đó anh biết chắc”.
Nàng mỉm cười. Antoineio mời nàng. Hai người ra sàn nhảy. Tôi ngắm nàng trong lúc nàng khiêu vũ. Lần nào lướt qua, nàng cũng mỉm cười với tôi. Đôi giày kim tuyến của nàng hầu như không bén sàn. Nàng có dáng diệu của một con linh dương. Bác người Nga lại khiêu vũ với cô gái Tây Ban Nha. Cả hai đều im lặng. Gương mặt to ngăm ngăm của bác chan chứa một tình âu yếm sầu bi. Gã kéo vĩ cầm đã thử mời cô Tây Ban Nha, nhưng cô chỉ lắc đầu, rồi cô cùng bác người Nga ra sàn nhảy.
Gã kéo vĩ cầm vò nát một điếu thuốc lá trong những ngón tay xương xẩu dài ngoẵng của gã. Bỗng tôi thấy thương gã. Tôi mời gã hút thuốc. Gã từ chối. “Tôi phải giữ gìn sức khỏe”, gã nói với cái giọng nhát gừng của gã.
Tôi gật đầu. “Lão kia ấy à”, gã cười khẩy nói tiếp, tay trỏ bác người Nga, “mỗi ngày lão ấy hút có đến năm chục điếu”.
“Mỗi người mỗi cách sống”, tôi đáp.
“Dù bây giờ cô ấy không muốn nhảy với tôi, tôi sẽ vẫn đoạt được cô ấy”.
“Ai kia?”
“Rita”.
Gã ghé sát lại. “Tôi và cô ấy từng quan hệ tốt với nhau. Chúng tôi từng cùng nhau giải trí. Thế rồi lão người Nga đến, và với những tràng đả kích, lão nẫng mất cô ấy của tôi. Nhưng tôi sẽ đoạt lại cô ấy”.
“Nhưng anh sẽ phải nhọc sức đấy”, tôi nói. Tôi không ưa gã.
Gã phá lên cười dè bỉu. “Nhọc sức ư? Ôi chao là anh, thiên thần ngây thơ! Tôi chỉ có mỗi việc là chờ đợi”.
“Vậy anh cứ chờ”, tôi đáp.
“Năm chục điếu”, gã thì thầm, “hàng ngày nhá. Hôm qua tôi đã xem tấm phim chụp hình phổi của lão. Đầy những hốc là hốc. Đi đời rồi”. Gã lại cười. “Thoạt đầu lão và tôi bệnh ngang nhau. Dễ lẫn phim. Giờ nhìn vào, đến anh cũng phải nhận ra sự khác biệt! Mà tôi lại lên một cân cơ chứ. Không, anh bạn ơi, tôi chỉ việc chờ đợi và giữ gìn sức khỏe. Chưa gì tôi đã khấp khởi chờ kỳ chụp phim sắp tới. Lần nào cô y tá cũng cho tôi xem các tấm phim. Hễ lão ngoẻo, sẽ đến lượt tôi”.
“Cũng là một cách”, tôi nói.
“Cũng là một cách”, gã nhại lại, “cách duy nhất đấy, anh bạn non nớt ơi! Nếu tôi tìm cách phá lão, cầm bằng như tôi bị tiêu hủy những cơ may của mình sau này trong quan hệ với cô ấy. Không, chàng lính mới ạ… hòa nhã, bình thản… chờ đợi…”
Không khí trở nên đậm đặc, ngột ngạt. Pat ho. Nhận thấy nàng lo sợ lén đưa mắt nhìn mình, tôi bèn làm ra vẻ như không nghe thấy gì. Mụ già đeo các chuỗi ngọc ngồi lặng lẽ, trầm tư. Thỉnh thoảng mụ ré lên cười, rồi lại lập tức im bặt và ngồi ngây như phỗng. Cái đầu lâu cãi nhau với thằng ma cô. Bác người Nga rít hết điếu thuốc này sang điếu thuốc khác. Gã kéo vĩ cầm đánh lửa cho bác. Một cô gái bỗng nấc lên khùng khục, cô đưa khăn tay lên chùi miệng, nhìn vào đó và tái nhợt người đi.
Tôi nhìn suốt gian phòng. Kia là dãy bàn của những nhà thể thao, dãy bàn của những công dân mạnh khỏe, họ ngồi đó: những người Pháp, người Anh, người Hà Lan với những âm vần sảng khoái trong thứ ngôn ngữ mang đầy âm sắc đồng cỏ và biển cả… và xen giữa họ, là một thuộc địa của bệnh tật, chết chóc: hầm hập sốt, xinh đẹp và tuyệt vọng. Đồng cỏ và biển cả… tôi nhìn Pat… đồng cỏ và biển cả… bọt biển, bờ cát, bơi lội… ôi em, tôi thầm nghĩ, vầng trán nhỏ yêu dấu! Đôi bàn tay yêu dấu! Em, cuộc đời yêu dấu mà người ta chỉ có thể yêu chứ không thể cứu.
Tôi đứng dậy, đi ra ngoài. Người tôi nóng ran vì khổ sở và bất lực. Tôi thong thả lần theo con đường. Khí lạnh khiến tôi rùng mình, gió từ sau các ngôi nhà lùa đến làm tôi sởn gai ốc. Tôi xiết chặt nắm đấm, mắt trân trân hồi lâu vào rặng núi trắng khắc nghiệt trong tâm trạng lẫn lộn, rối bời bởi dao động, giận dữ và đau đớn.
Một cỗ xe trượt rung chuông leng keng lướt qua con phố dưới kia. Tôi quay lại. Pat chạy ra đón tôi. “Anh ở đâu về đây?”
“Ra ngoài kia một lát”.
“Anh buồn ư?”
“Đâu có”.
“Anh yêu, vui lên anh! Hãy vui ngày hôm nay! Vì em! Có trời biết đến bao giờ em mới lại được dự một dạ hội”.
“Còn vô khối dịp”.
Nàng ngả đầu vào vai tôi. “Anh đã nói, chắc phải đúng. Nào, chúng mình khiêu vũ đi anh”.
Chúng tôi khiêu vũ, ánh đèn ấm áp, êm ái thật nhân từ; nó át đi mọi quầng thâm mà đêm đi qua đã in dấu trên các gương mặt.
“Em thấy trong người thế nào?”, tôi hỏi.
“Khỏe, Robby ạ!”
“Em đẹp biết bao, Pat”.
Mắt nàng ngời lên. “Em sung sướng được nghe anh nói thế”.
Tôi cảm thấy làn môi khô ấm của nàng gắn lên má mình.
Rất muộn, chúng tôi mới về đến Viện điều dưỡng. “Xem thần sắc lão ấy kìa”, gã kéo vĩ cầm cười khẩy, lén trỏ bác người Nga.
“Trông anh thì có hơn gì”, tôi bực tức vặc lại.
Gã nhìn tôi chưng hửng. “Ái chà, hợm ta đây mạnh khỏe”, gã hằn học nói.
Tôi bắt tay bác người Nga. Bác gật đầu chào tôi, rồi dịu dàng, gượng nhẹ, bác đỡ cô gái Tây Ban Nha lên cầu thang. Trước ánh sáng nhờ nhờ của đêm tối, tưởng như gánh nặng của cả nhân gian đang đè lên tấm lưng to bè khom xuống của bác và đôi vai gầy của cô gái. Cái đầu lâu lôi xềnh xệch thằng ma cô nỏ mồm trong hành lang. Antoineio chúc chúng tôi ngủ ngon. Toàn bộ cuộc chia tay thầm thì hầu như không tiếng động này có vẻ gì hơi quái đản.
Pat cởi áo dài qua đầu. Nàng cúi xuống, kéo hai vai áo. Lớp gấm rách toạc. Nàng xem vết rách.
“Chắc nó bục sẵn”, tôi nói.
“Không hề gì”, Pat bảo, “đằng nào em cũng chẳng cần dùng đến nó nữa”.
Nàng thong thả gập cái áo lại, không treo vào tủ nữa. Nàng xếp nó vào va-li. Gương mặt nàng thoáng mệt mỏi.
“Xem anh có cái gì đây”, tôi vội nói, rút từ túi áo măng-tô một chai sâmbanh. “Giờ đến chầu tiệc nhỏ của riêng chúng mình”.
Tôi lấy ly ra rót rượu. Nàng mỉm cười trở lại và nâng ly.
“Chúc cho đôi ta, Pat”.
“Vâng, anh yêu, chúc cho cuộc sống đẹp đẽ của chúng mình”.
Tất cả sao mà lạ lùng: căn phòng này, sự lặng lẽ và nỗi buồn của chúng tôi. Phải chăng đằng sau cánh cửa kia không phải là cuộc sống: vô tận, với những cánh rừng, những con sông và hơi thở mãnh liệt, cuộc sống rộ nở, sôi động? Phải chăng bên kia dãy núi trắng xóa tuyết, tháng Ba không đang bồn chồn gõ vào trái đất dần thức dậy?
“Đêm nay anh ở lại với em chứ, Robby?”
“Ừ, ta đi nằm thôi. Chúng mình sẽ kề sát bên nhau như con người có thể gần gũi với con người, sẽ đặt ly rượu lên tấm chăn phủ giường và nâng ly”.
Rượu. Làn da nâu óng như đồng. Chờ đợi. Thao thức. Im lặng và tiếng khò khè khe khẽ trong lồng ngực người yêu.