Trời chuyển gió nồm. Luồng hơi nóng ẩm ướt ào qua thung lũng. Tuyết mềm ra. Nước nhỏ giọt từ các mái nhà. Các biểu đồ theo dõi thân nhiệt vọt lên. Pat phải nằm bẹp trên giường. Cứ vài giờ bác sĩ lại đến. Mặt ông mỗi lúc càng thêm lo lắng.
Trưa nọ, tôi đang dùng bữa thì Antoineio đến, ngồi xuống cạnh tôi, “Rita chết rồi”, anh nói.
“Rita? Anh muốn nói bác người Nga chết?”
“Không, Rita cơ, cô gái Tây Ban Nha”.
“Không thể có chuyện ấy được”, tôi nói, cảm thấy máu đông lại trong cơ thể. Rita bệnh nhẹ hơn Pat nhiều.
“Ở đây có thể xảy ra những chuyện ghê gớm hơn”, Antoineio rầu rầu đáp. “Cô ấy chết sáng nay. Bị viêm phổi”.
“Viêm phổi. Đó lại là vấn đề khác”, tôi nói nhẹ cả người.
“Mười tám tuổi. Kinh khủng. Và chết đau đớn đến thế”.
“Còn bác người Nga?”
“Ồ, xin anh đừng hỏi. Bác ta không muốn tin là cô ấy đã chết. Bác ta quả quyết cô ấy chỉ có vẻ như chết mà thôi. Bác ta ngồi lỳ bên giường cô ấy, không ai lôi nổi bác ta khỏi phòng”.
Antoineio bỏ đi. Tôi nhìn trân trân ra cửa sổ. Rita chết rồi; thế mà tôi cứ ngồi đây tâm niệm mỗi một điều: Đó không phải là Pat. Không phải là Pat.
Qua kính hành lang, tới thấy gã kéo vĩ cầm. Tôi chưa kịp đứng dậy, gã đã lại gần. Trông gã thật khủng khiếp.
“Anh làm điếu thuốc chứ?”, tôi hỏi cho có chuyện.
Gã phá lên cười. “Dĩ nhiên! Sao lại không? Vào lúc này? Giờ thì thế nào chẳng xong”.
Tôi nhún vai. “Hẳn anh thích chí lắm, đồ đạo đức giả kia?”, gã hỏi giọng nhạo báng.
“Anh điên rồi”, tôi nói.
“Điên à? Không, nhưng bị sa bẫy!”. Gã chổm người qua bàn, phà hơi cognac vào mặt tôi. “Tôi đã sa bẫy. Chúng giăng bẫy tôi. Lũ lợn ấy. Tất cả chỉ là đồ lợn. Cả anh, con lợn ra vẻ đạo đức”.
“Không nể anh ốm, tôi đã quẳng anh ra cửa sổ”, tôi nói.
“Ốm? Ôm?”, gã nhại lại. “Đầy mạnh khỏe, gần như mạnh khỏe, phải, đây đã gần như thoát bệnh! Một trường hợp liền sẹo nhanh đến lạ kỳ! Chuyện khôi hài, hả?”
“Hãy lấy làm mừng”, tôi nói. “Rời nơi đây, anh cũng sẽ quên luôn những nỗi phiền muộn của mình”.
“Thế hẳn”, gã đáp, “anh nghĩ thế đó hả? Đồ đầu óc thực dụng, cái mặt anh! Chúa gìn giữ cho anh cái tâm hồn bụ sữa ấy!”
Gã lảo đảo bỏ đi, nhưng lại quay lại. “Đi với tôi! Xin hãy ở bên tôi, uống rượu cùng tôi. Tôi sẽ chịu tiền tất. Tôi không thể ngồi một mình”.
“Tôi không rỗi”, tôi nói. “Anh đi mà tìm người khác”.
Tôi trở lên với Pat. Nàng nằm thở nặng nhọc, dưới lưng kê một lô gối. “Anh không muốn đi trượt tuyết à?”, nàng hỏi.
Tôi lắc đầu. “Tuyết xấu lắm. Đâu đâu cũng thấy tuyết tan”.
“Thế anh không muốn chơi cờ với Antoineio sao?”
“Không”, tôi đáp. “Anh muốn ngồi đây với em”. “Tội nghiệp Robby!” Nàng gắng làm một cử chỉ “Ít nhất anh cững kiếm chút gì mà uống chứ”.
“Cái ấy thì được”.
Tôi về phòng mình lấy chai cognac và một cái ly. “Em muốn nhấp một chút không?”, tôi hỏi. “Em được phép em biết đấy”. Nàng uống một ngụm nhỏ, lát sau thêm ngụm nữa. Đoạn nàng trao ly lại cho tôi. Tôi rót đầy rồi cạn ly.
“Anh không nên uống chung một ly với em”. Pat nói.
“Càng hay chứ việc gì nhỉ”. Tôi lại rót đầy ly uống ực một hơi.
Nàng lắc đầu. “Anh không được làm thế, Robby. Anh cũng không được phép hôn em nữa. Nói chung anh không được ở bên em nhiều như thế nữa. Anh không được phép ốm”.
“Anh sẽ cứ hôn em, bất chấp cả quỷ sứ”, tôi đáp.
“Không, anh không được phép. Anh cũng không được ngủ trên giường em nữa”.
“Được, đã thế em sang ngủ với anh ở giường anh”.
Nàng mấp máy môi phản đối. “Thôi nào, Robby. Anh còn phải sống muôn tuổi. Em muốn anh mạnh khỏe, muốn anh có vợ, có con cái”.
“Ngoài em ra, anh chẳng thiết vợ, cũng chẳng thiết con. Em là con anh, vợ anh”.
Nàng nằm yên một lát. “Giá được, em ước có một đứa con với anh”, nàng nói, áp mặt vào vai tôi. “Trước kia không bao giờ em muốn điều ấy. Em không sao hình dung nổi mình lại sinh con. Nhưng giờ đây em hay nghĩ đến nó. Thật sung sướng khi ta để lại một cái gì. Thỉnh thoảng con chúng ta sẽ nhìn anh và anh sẽ nhớ tới em. Như thế, dường như em vẫn tồn tại cùng với con”.
“Chúng mình sẽ còn sinh con”, tôi nói. “Khi nào em bình phục. Anh rất muốn em sinh cho anh một đứa con, Pat ạ. Nhưng nó phải là con gái, cũng tên là Pat”.
Nàng lấy cái ly ở tay tôi, uống một ngụm.
“Có lẽ chúng mình không có con mà lại hơn, anh yêu ạ. Anh chẳng nên giữ lại chút gì. Anh cần quên em. Mỗi khi nhớ tới em, anh chỉ cần nghĩ rằng chuyện giữa hai đứa mình thật đẹp… ngoài ra không cần gì nữa. Dẫu vậy chúng mình sẽ chẳng bao giờ tin nổi là chuyện ấy đã qua rồi. Anh không được buồn”.
“Anh buồn khi nghe em nói như vậy”.
Nàng nhìn tôi hồi lâu. “Khi phải nằm thế này, người ta thường nghĩ ngợi linh tinh. Nhiều điều lúc thường em không mảy may chú ý, giờ bỗng lại thấy kỳ quặc làm sao. Anh biết lúc này em không hiểu nổi điều gì không? Rằng dẫu yêu nhau tha thiết như hai ta, một người vẫn phải chết”.
“Im nào”, tôi nói. “Ở đời, bao giờ một người chẳng phải đi trước. Nhưng còn lâu mới đến lượt chúng mình”.
“Người ta chỉ có quyền chết khi cô độc. Hoặc khi thù ghét nhau… nhưng không phải khi yêu nhau”.
Tôi gượng mỉm cứời. “Đúng vậy, Pat”, tôi nói, cầm lấy bàn tay nóng hổi của nàng, “nếu chúng mình tạo ra thế giới, nó sẽ tốt đẹp hơn, phải không em?
Nàng gật. “Vâng, anh yêu. Chúng mình sẽ không để những chuyện vô lý nhường ấy xảy ra. Giá biết được đằng sau chúng ta là cái gì. Anh có tin cuộc đời sẽ tiếp tục như vậy không, sau này ấy?”
“Anh tin”, tôi đáp. “Thế giới được nặn ra quá ư tồi tệ, đến nỗi không bao giờ chấm dứt nổi sự vô lý”.
Nàng mỉm cười. “Cũng là một nguyên cớ. Nhưng anh bảo sao, phải chăng thứ này cũng được nặn ra quá ư tồi tệ?”, nàng trỏ bó hồng vàng bên giường nàng.
“Vấn đề chính là ở đó”, tôi đáp. “Những cá thể tuyệt vời, nhưng tổng thể thì vô nghĩa. Dường như nó được tạo ra bởi một bàn tay quan tâm đến sự đa dạng tuyệt vời của cuộc sống không ngoài mục đích gì khác là lại hủy diệt nó”.
“Và tạo dựng lại từ đầu”, Pat nói.
“Dù vậy, anh vẫn thấy vô nghĩa”, tôi đáp. “Cho đến ngày nay cuộc đời chẳng vì thế mà tốt đẹp hơn”.
“Có đấy, anh yêu”, Pat nói “với chúng mình, bàn tay đó đã sắp đặt tuyệt vời. Không thể tốt đẹp hơn thế nữa. Mỗi tội quá ngắn ngủi. Ngắn ngủi quá sức”.
Vài ngày sau tôi thấy nhoi nhói trong ngực và ho. Khi đi qua hành lang, bác sĩ trưởng nghe tiếng thúng thắng, bèn ngó đầu vào phòng tôi. “Mời anh đi với tôi sang phòng khám”.
“Có gì đâu ạ”, tôi nói.
“Mặc”, ông đáp. “Ho hắng như thế, anh không được phép ngồi ở phòng cô Hollmann. Mời anh theo tôi ngay”.
Vào phòng khám, tôi cởi áo sơ-mi với tâm trạng thỏa mãn kỳ lạ. Trên này, sức khỏe bị coi như một lợi thế không chính đáng; ta có cảm giác như mình là một kẻ đầu cơ, một thằng biển lận.
Bác sĩ trưởng nhìn tôi một cách kỳ dị. “Xem ra anh còn lấy làm thích chí”, ông nhăn trán nói.
Đoạn ông khám cho tôi thật kỹ lưỡng. Vừa nhìn những dụng cụ sáng loáng treo trên tường, tôi vừa thở ra hít vào lúc sâu, chậm, lúc nông, nhanh, tùy theo yêu cầu của ông. Khi thở, thấy lại nhoi nhói trong ngực, tôi lấy làm hài lòng vì giờ đây thời gian Pat “đi” trước tôi sẽ được rút ngắn lại.
“Anh bị cảm”, bác sĩ trưởng nói. “Anh hãy nằm nghỉ một, hai ngày, hay chí ít cũng quanh quẩn trong phòng anh. Anh không được phép vào phòng cô Hollmann. Không phải vì anh… mà để giữ gìn cho cô Hollmann”.
“Tôi chuyện trò với cô ấy qua cửa được chứ?”, tôi hỏi. “Hoặc qua ban công?”
“Qua ban công thì được, nhưng chỉ vài ba phút, còn qua cửa, theo tôi cũng được, nếu anh chịu khó gân cổ lên. Ngoài bị cảm ra, anh còn bị viêm họng vì khói thuốc lá”.
“Thế còn phổi?”. Tôi vẫn phập phòng hy vọng ít nhất ở phổi cũng có chút gì không ổn. Tôi sẽ cảm thấy thoải mái hơn trước Pat.
“Phổi của anh có thể thay cho ba buồng phổi”, bác sĩ trưởng tuyên bố. “Lâu lắm mới thấy một người khỏe đến như anh. Có điều gan anh khá cứng. Hình như anh uống quá nhiều rượu?”
Ông kê đơn cho tôi, rồi tôi trở lại phòng.
“Robby”, Pat hỏi vọng từ phòng nàng, “ông ấy bảo sao?”
“Tạm thời anh không được sang phòng em” tôi đứng sau cửa đáp. “Cấm ngặt. Nguy cơ lây bệnh”.
“Thấy chưa?”, nàng hoảng sợ nói, “em đã không muốn thế từ trước mà”.
“Nguy cơ lây bệnh cho em, Pat. Chứ không phải cho anh”.
“Thôi đừng đùa vớ vẩn nữa anh”, nàng nói. “Kể rõ cho em chuyện gì xảy ra đi”.
“Đúng thật mà. Này chị y tá”, – tôi vẫy chị ý tá trực vừa lúc chị ta mang thuốc lại cho tôi – “chị hãy bảo cô Hollmann biết ai trong hai chúng tôi là người nguy hiểm hơn”.
“Ông Lohkamp”, chị y tá nói. “Ông ấy không được phép ra khỏi phòng để khỏi truyền bệnh cho cô”.
Pat nghi hoặc hết nhìn chị y tá lại nhìn tôi. Tôi chìa qua cửa cho nàng thấy thuốc men của mình. Nàng hiểu đó là sự thật và phá lên cười, mỗi lúc một ngặt nghẻo, nàng cười đến chảy nước mắt và bắt đầu họ rũ rượi, đến nỗi chị y tá phải chạy vào đỡ nàng “Lạy Chúa, anh yêu”, nàng thì thào, “buồn cười quá đi mất. Trông anh mới hãnh diện chưa kìa”. Suốt tối nàng vui vẻ. Dĩ nhiên tôi không bỏ mặc nàng một mình, mà đánh chiếc măng-tô thật dày, cổ quấn khăn, ra ngồi ngoài ban-công đến tận nửa đêm, tay kẹp điếu thuốc, tay cầm ly rượu, chai cognac để dưới chăn; tôi kể nàng nghe những mẩu chuyện trong đời mình luôn luôn bị ngắt quãng và được khích lệ bởi tiếng cười khe khẽ khúc khích như tiếng chim của nàng, tôi khoác lác ra đủ thứ chuyện cốt được nhìn thấy nụ cười lướt trên gương mặt nàng, tôi sung sướng về những cơn ho sù sụ của mình, nốc sạch chai rượu, và sáng ra, lại khỏe như thường.
Gió nồm trở lại. Gió lay các cánh cửa sổ, mây nặng trĩu; tuyết dồn lại thành đống, gào thét đêm đêm, và những người ốm vừa nằm thao thức trong trạng thái bị kích thích, quằn quại, vừa nghe ngóng bên ngoài. Trên những triền núi tuyết phủ, hoa nghệ tây bắt đầu đơm bông; dưới phố, giữa đám xe trượt, xuất hiện những chiếc xe hơi cao bánh đầu tiên.
Pat mỗi lúc một đuối sức. Nàng không trở dậy được nữa. Đêm đến nàng hay bị những cơn ngạt. Thế là nàng tái xám đi vì sợ chết. Tôi nắm đôi bàn tay rũ lả, đẫm mồ hôi của nàng. “Miễn sao qua được giờ khắc này!”, nàng thở hổn hển, “chỉ giờ khắc này nữa thôi, Robby. Ở đây họ chết…”
Nàng sợ cái giờ khắc cuối cùng chuyển từ đêm sang ngày. Nàng tin lúc đêm tàn cũng là lúc luồng sinh khí thần bí yếu đi, gần như tắt lịm… và chỉ giờ khắc ấy mới khiến nàng kinh hãi, sợ bị bỏ lại một mình. Những lúc khác nàng can đảm tới mức tôi thường xuyên phải nghiến răng vì thương nàng.
Tôi cho chuyển giường mình sang phòng nàng, ngồi xuống bên Pat mỗi khi nàng thức giấc hoặc mắt nàng lộ vẻ van lơn tuyệt vọng. Tôi luôn nghĩ đến những ống moócphin cất trong va-li, giả thử nàng không tỏ ra biết ơn nhường ấy trước mỗi ngày mới, tôi đã chẳng đắn đo gì mà không tiêm chúng cho nàng.
Tôi ngồi bên giường nàng, kể cho nàng những gì chợt đến trong đầu. Nàng không được phép nói nhiều, nàng thích nghe tôi kể tất cả những chuyện đã xảy ra trong đời tôi. Nàng yêu nhất là những mẩu chuyện thời học trò của tôi; thỉnh thoảng, vừa qua cơn tức thở, vẫn còn nhợt nhạt, rũ lả trên chồng gối, nàng đã lại đòi tôi diễn lại điệu bộ của mấy ông thầy cũ nào đó. Cử chỉ nóng nảy, thở phì phò, mặt quệt bộ râu quai nón tưởng tượng đỏ lòe, tôi vừa đi đi lại lại khắp phòng, vừa oang oang thuyết giáo những điều tự bịa ra. Mỗi ngày tôi nghĩ thêm trò mới, dần dần Pat thuộc vanh vách những thằng bạn tếu táo hay trêu chọc trong lớp tôi, những kẻ luôn luôn khiến các ông giáo nổi điên. Có lần, nghe cái giọng ồm ồm như lệnh vỡ của ông hiệu trưởng trường chúng tôi, nữ y tá trực đêm vội chạy đến, phải mất khá lâu tôi mới giải thích cho chị ta tin nổi rằng tôi chỉ muốn mua vui cho Pat chứ không phải tôi đã hóa rồ, chẳng là đang dêm hôm tôi lại trùm áo choàng không tay, đội mũ cụp vành, vừa nhảy choi choi quanh phòng, vừa mắng té tát một trò Karl Ossage nào đó, vì tội nó đã xảo quyệt cưa đứt bục giảng.
Ánh sáng ban mai từ từ tia qua cửa sổ. Những lưng núi trở thành những cái bóng màu đen hằn rõ. Đằng sau chúng, bầu trời bắt đầu lùi lại, lạnh lẽo và nhợt nhạt. Ngọn đèn ngủ ngả màu vàng nhờ. Pat dụi gương mặt ướt đầm vào hai bàn tay tôi. “Thoát rồi, Robby. Giờ em lại được sống thêm một ngày”.
Antoineio mang cho tôi mượn chiếc radiô của anh. Tôi mắc nó vào hệ thống dây điện đèn và ống sưởi. Tối đến, tôi bật thử cho Pat nghe. Nó ọ ẹ, kêu rèn rẹt, rồi từ tiếng lạo xạo đó bỗng bay ra một khúc nhạc trong trẻo, êm dịu.
“Cái gì thế, anh yêu?”, Pat hỏi.
Antoineio cho tôi mượn cả một tạp chí chương trình radiô. Tôi lật ra xem. “Hình như đài Rome”.
Vừa lức đó, cái giọng kim trầm trầm của nữ phát thanh viên vang lên. “Radiô Rome – Napoli – Firenze…”[17].
Tôi tiếp tục xoay núm. Một bản độc tấu pianô. “Cái này chẳng cần tra anh cũng biết”, tôi nói. “Đây là bản Waldstein Sonata của Beethoven. Anh từng chơi được nó vào cái thời anh còn tin rằng sẽ có lúc mình trở thành giảng viên đại học, giáo sư hoặc nhạc sĩ. Giờ thì anh chịu lâu rồi. Tốt hơn là ta vặn tiếp. Những ký ức chẳng hay ho gì”.
Một giọng nữ trầm ấm áp, hết sức khẽ khàng, mơn trớn: “Parlez moi d’amour”[18].
“Paris đây, Pat”.
Một bài thuyết trình về việc diệt trừ bọ nho. Tôi vặn tiếp. Những mẩu quảng cáo. Một bản tứ tấu. “Cái gì thế anh?”, Pat hỏi.
“Praha. Tứ tấu đàn dây, tác phẩm 59, hai, Beethoven”, tôi đọc.
Chờ khúc nhạc lắng xuống, tôi lại vặn tiếp, bỗng nghe réo rắt tiếng vĩ cầm, tiếng vĩ cầm tuyệt vời. “Đúng là Budapest rồi, Pat ơi. Nhạc digan”.
Tôi chỉnh kim thật chính xác. Giờ đây, trên giàn nhạc đệm với đàn ximba, vĩ cầm và sáo mục đồng, giai điệu ấy bay bổng êm ái, tràn ngập.
Nàng nín lặng. Tôi quay lại. Nàng khóc, nước mắt trào ra từ cặp mắt mở to. Tôi vội tắt rađiô. “Em sao thế, Pat?”. Tôi ôm lấy đôi vai gầy của nàng.
“Không sao cả, Robby. Lỗi tại em ngu ngốc. Chỉ vì em nghe: Paris, Rome, Budapest… lạy Chúa, trong khi em đủ sung sướng xiết bao giá em có thể xuống làng lần nữa”.
“Kìa Pat”.
Tôi dùng mọi lời lẽ để an ủi nàng, giúp nàng quên đi. Nhưng nàng một mực lắc đầu. “Em không buồn, anh yêu ạ. Anh không được nghĩ như thế. Khi khóc, em đâu có buồn. Chắc cũng có lúc em buồn, nhưng chỉ thoáng qua. Bù vào đó, em suy nghĩ rất lung”.
“Em nghĩ về cái gì vậy?”, tôi vừa hỏi vừa hôn tóc nàng.
“Về điều duy nhất em còn có thể suy nghĩ, về sự sống và cái chết. Sau đó, khi em trở nên buồn bã và không hiểu chút gì nữa, em tự nhủ: thà chết lúc vẫn tha thiết sống, còn hơn chết lúc chỉ mong được chết. Anh nghĩ sao?”
“Anh không biết”.
“Có đấy!”, nàng ngả đầu vào vai tôi. “Khi còn tha thiết sống, người ta còn có cái mà người ta yêu. Nó làm cho cái chết nặng nề hơn, nhưng cũng dễ dàng hơn. Hãy nhìn em đây, em sẽ phải chết, nhưng giờ đây em cám ơn trời đất vì em đã có anh. Em cũng có thể phải cô đơn và bất hạnh lắm chứ. Nếu thế, em chỉ mong chết. Lúc này phải chết thật đau đớn, nhưng bù lại em cũng ngập tràn tình yêu, như một con ong mang đầy mật ngọt về lúc ban chiều. Nếu phải lựa chọn… giữa hai số kiếp, bao giờ em cũng chọn lại số kiếp này”.
Nàng nhìn tôi, “Pat”, tôi nói, “còn khả nảng thứ ba nữa… khi hết gió nồm, sức khỏe em sẽ khá lên và chúng mình sẽ rời nơi đây”.
Nàng tiếp tục nhìn tôi dò xét. “Em lo sợ cho anh, Robby. Anh sẽ khổ sở hơn em nhiều lắm”.
“Thôi ta không nói chuyện này nữa”, tôi bảo.
“Em đã nói cốt để anh đừng nghĩ là em buồn”, nàng đáp.
“Anh cũng có nghĩ là em buồn đâu”.
Nàng đặt tay lên cánh tay tôi, “Anh không muốn vặn lại bản nhạc của những người digan à?”
“Em muốn nghe sao?”
“Vâng, anh yêu”.
Tôi lại bật đài, tiếng vĩ cầm cùng tiếng sáo và tiếng búng ximba trầm trầm vang lên, thoạt đầu khe khẽ, sau mỗi lúc một tràn ngập căn phòng.
“Hay quá!”, Pat nói. “Như một ngọn gió. Một ngọn gió cuốn ta đi mất”.
Đó là một buổi hòa nhạc chiều hôm trong một khách sạn ngoài vườn ở Budapest. Thỉnh thoảng nghe loáng thoáng tiếng trò chuyện của khách khứa xen giữa tiếng thầm thì của âm nhạc, đôi lúc còn nghe rõ một tiếng reo vui lảnh lót. Có thể hình dung giờ đây trên đảo Margarethen, những cây dẻ đã nảy lộc đầu tiên, những chiếc lá non anh ánh bạc dưới ánh trăng, khẽ rập rờn như bị lay động bởi tiếng vĩ cầm. Có thể bên đó đã là chiều ấm, thiên hạ ngồi ngoài trời, trước mặt là những ly vang Hung vàng óng, những tay bồi bàn chạy đi chạy lại trong những chiếc áo vét trắng, đám nghệ sĩ digan chơi đàn, sau đó mọi người mệt mỏi đi xuyên hoàng hôn mùa xuân về nhà; còn Pat, nàng nằm đó, mỉm cười, không bao giờ còn rời khỏi căn phòng này”, không bao giờ còn gượng dậy khỏi cái giường này.
Thế rồi, đột nhiên mọi sự diễn ra hết sức nhanh chóng. Mặt nàng hóp lại. Hai gò má nhô cao, xương trán dô ra ở hai bên thái dương. Cánh tay nàng mỏng mảnh như tay trẻ nhỏ, xương sườn trồi lên dưới làn da, và các cơn sốt cứ liên tục thiêu đốt thân thể gầy guộc của nàng. Chị y tá mang những bình ôxy lại, bác sĩ xem bệnh từng giờ.
Một chiều nọ, cơn sốt bỗng hạ nhanh một cách không sao giải thích nổi. Pat tỉnh giấc, nhìn tôi hồi lâu. “Cho em xin một cái gương”, đoạn nàng thì thào.
“Em cần gương làm gì?”, tôi nói. “Hãy nghỉ cho lại sức, Pat. Anh tin giờ đây em đã qua khỏi. Em đã dứt sốt”.
“Không”, nàng thì thào với cái giọng khê, khản đặc của mình, “đưa gương cho em đi”.
Tôi vòng qua giường, cầm chiếc gương và buông rơi xuống đất. Gương vỡ. “Xin lỗi em”, tôi nói. “Anh hậu đậu thế thì thôi. Nó tuột khỏi tay anh và lập tức tan thành nghìn mảnh còn đâu”.
“Trong xắc tay của em có một chiếc nữa đây, Robby”.
Đó là một chiếc gương nhỏ bằng kền mạ crôm. Tôi xoa tay lên đó cho nó mờ bớt, rồi đưa Pat. Nàng mệt nhọc lau sạch mặt gương, đoạn gắng sức nhìn vào đó. “Anh phải đi khỏi đây, anh yêu”, cuối cùng nàng thì thào.
“Tại sao? Em không còn thiết đến anh nữa à?”
“Anh chẳng nên nhìn em nữa. Đây không còn là em”.
Tôi giật chiếc gương khỏi tay nàng. “Những mảnh kim loại vô tích sự ấy mà, Pat. Thì hãy xem, mặt anh soi vào trông thế nào nào. Xanh xao, gầy gò. Trong khi rõ ràng anh vừa đỏ đắn, vừa vâm váp. Cái của khỉ này hoàn toàn méo mó ấy mà”.
“Anh cần giữ một ký ức khác về em”, nàng thì thào. “Rời khỏi đây đi, anh yêu. Một mình em rồi cũng xong”.
Tôi dỗ dành để nàng bình tâm lại. Nàng lại đổi chiếc gương và xắc tay của nàng. Rồi nàng bắt đầu thoa phấn, gương mặt hốc hác tội nghiệp, đôi môi nứt nẻ và hai quầng màu nặng nề dưới mắt. “Tô điểm một chút gọi là, anh yêu”, nàng nói, gượng mỉm cười, “không được để anh thấy em xấu xí”.
“Em muốn làm gì tùy ý”, tôi nói, “em sẽ chẳng bao giờ xấu xí. Với anh, em là người phụ nữ đẹp nhất anh từng thấy”.
Tôi cất chiếc gương và hộp phấn đi, nhẹ nhàng đặt tay lên đầu nàng. Lát sau, nàng trở nên bồn chồn.
“Gì thế, Pat?”
“Tiếng tích tắc to quá”, nàng thì thào.
“Cái gì? Đồng hồ phải không?”
Nàng gật. “Váng cả óc…”
Tôi tháo chiếc đồng hồ khỏi cổ tay.
Nàng sợ hãi nhìn vào kim chỉ giây. “Cất nó đi…”
Tôi nhặt chiếc đồng hồ, ném thẳng vào tường. “Thế, giờ thì nó thôi tích tắc. Giờ thời gian đã dừng lại. Chúng mình đã xé toạc thời gian. Chỉ còn đôi ta trên đời, riêng mình đôi ta, em và anh, không một ai khác nữa”.
Nàng nhìn tôi. Hai mắt mở rất to. “Anh yêu…”, nàng thì thào.
Tôi không chịu nổi cái nhìn của nàng. Nó đến từ rất xa, xuyên qua tôi, dõi về đâu đó. “Bạn can trường”, tôi lẩm bẩm bản, “bạn can trường, quả cảm, yêu dấu của anh”.
Nàng tắt thở vào giờ tận cùng của đêm, trước khi trời rạng. Nàng chết vật vã, quằn quại, không ai có thể giúp được nàng. Nàng nắm chặt bàn tay tôi, nhưng nàng không còn biết có tôi bên nàng. Rồi đến một lúc, ai đó bảo: “Cô ấy chết rồi..”
“Không”, tôi đáp, “cô ấy chưa chết. Cô ấy còn nắm chặt tay tôi…”
Ánh đèn. Ánh đèn chói gắt, không sao chịu nổi. Người. Bác sĩ. Tôi từ từ xòe bàn tay mình ra. Bàn tay Pat thõng xuống. Máu. Gương mặt méo mó của người chết ngạt. Cặp mắt ngây dại, đau đớn. Mái tóc nâu óng như tơ.
“Pat”, tôi gọi. “Pat em!”
Và lần đầu tiên nàng không đáp lời tôi.
“Tôi muốn được một mình”, tôi nói.
“Nên chăng trước hết…?”, ai đó hỏi.
“Không”, tôi đáp. “Đi ra. Chớ có động vào”.
Rồi tôi rửa sạch máu cho nàng. Người tôi như làm bằng gỗ, không còn chút cảm giác. Tôi chải tóc cho nàng. Thân thể nàng trở nên giá lạnh. Tôi đặt nàng nằm lên giường tôi, rồi đắp chăn cho nàng. Tôi ngồi bên nàng và không suy nghĩ nổi bất kỳ điều gì. Tôi ngồi trên ghế, mắt nhìn nàng trân trối. Con chó chạy vào, nằm xuống cạnh tôi. Tôi chứng kiến gương mặt nàng dần thay đổi ra sao. Tôi không làm nổi việc gì ngoài việc ngồi đó mà nhìn nàng với tâm hồn trống rỗng. Rồi mặt trời lên, và kia không còn là nàng nữa.