Sáng thứ Ba, chúng tôi ngồi trong sân trước xưởng ăn điểm tâm. Chiếc Cadillac đã sửa xong. Lenz cầm trong tay một tờ giấy và nhìn chúng tôi vẻ hí hửng. Là trùm quảng cáo của chúng tôi, Lenz vừa đọc cho Koster và tôi nghe một lời rao hàng mà cậu ta mới thảo ra để bán chiếc xe. Lời rao mở đầu bằng câu: “Kỳ nghỉ bên bờ biển phương Nam trong một chiếc xe lộng lẫy”, một thứ hổ lốn nửa thi ca nửa tụng ca.
Koster và tôi lặng im một lát. Chúng tôi còn phải tỉnh trí lại sau cái cơn lũ tưởng tượng đầy hoa mỹ ấy. Lenz ngỡ đâu chúng tôi đã bị chinh phục. “Đầy thi hứng, hả?”, cậu ta hãnh diện hỏi. “Vào thời đại thực dụng phải biết tỏ ra lãng mạn, đó là mánh khóe. Những sự trái ngược thu hút nhau mà lại”.
“Nhưng không phải vào lúc làm tiền”, tôi đáp.
“Không ai mua động cơ xe hơi để đầu tư, chú em hiểu chưa”, Gottfried lên lớp vẻ bài bác. “Người ta mua chúng để mà tiêu tiền; và chính đây là điểm khởi đầu của chủ nghĩa lãng mạn, chí ít cũng dưới con mắt một nhà kinh doanh. Còn đối với phần lớn thiên hạ, thì đó thậm chí là điểm kết thúc của họ. Cậu nghĩ sao, Otto?”
“Cậu biết không…”, Koster thận trọng mở đầu.
“Dài lời mà làm gì”, tôi ngắt lời Otto. “Đó là bài quảng cáo cho một khu nghỉ hoặc một loại kem trang điểm, nhưng không phải cho xe hơi”.
Lenz chực mở miệng.
“Thong thả đã nào”, tôi tiếp. “Hẳn cậu phải cho tụi mình là định kiến, Gottfried ạ. Vì thế mình đề nghị cậu: chúng ta hãy hỏi thử Jupp. Đó là tiếng nói của nhân dân”.
Jupp là người làm công độc nhất của chúng tôi, một thiếu niên mười lăm tuổi, vừa giúp việc vừa học nghề ở xưởng. Chú đảm nhiệm máy bơm xăng, sửa soạn bữa điểm tâm và dọn dẹp buổi chiều. Chú có vóc người nhỏ nhắn, gương mặt đầy tàn nhang, và đôi tai vểnh nhất mà tôi từng biết. Koster nói rằng ngộ Jupp có rơi khỏi máy bay thì chú cũng chẳng việc gì. Với đôi tai ấy chú sẽ hạ xuống đất êm ru.
Chúng tôi gọi chú lại gần. Lenz đọc chú nghe bài quảng cáo. “Mày sẽ quan tâm đến một chiếc xe như vậy chứ, Jupp?” Koster hỏi.
“Một chiếc xe ư?” Jupp hỏi lại.
Tôi cười. “Tất nhiên là một chiếc xe”. Gottfried càu nhàu. “Dễ mày tưởng một con cào cào chắc?”
“Nó có trục cam điều khiển từ trên, và phanh thủy lực không đã?”, Jupp vẫn thản nhiên hỏi.
“Ngu như bò, nó chính là chiếc Cadillac của bọn tao”, Lenz gầm lên.
“Vô lý” Jupp cười, miệng ngoác đến tận mang tai.
“Thấy chưa, Gottfried!” Koster nói, “chủ nghĩa lãng mạn thời nay là thế đấy”.
“Xéo về máy bơm của mày đi, Jupp, thứ con đẻ chết tiệt của thế kỷ hai mươi”.
Lenz bất mãn biến vào cái văn phòng khổ để thêm vào bài quảng cáo chút nội dung kỹ thuật mà vẫn giữ được nguyên vẹn thi tứ của nó.
Vài phút sau, chánh thanh tra Barsig đột ngột xuất hiện ở cổng sân. Chúng tôi tiếp đón ông đặc biệt trân trọng. Ông là kỹ sư và giám định viên của công ty bảo hiểm xe hơi “Phượng Hoàng”, một nhân vật quan trọng có thể đưa lại cho chúng tôi nhiều mối sửa xe. Chúng tôi hết sức ăn ý với ông. Là kỹ sư, ông sắc sảo như quỷ Satăng, không để lọt một chút gì thật đấy, nhưng là chuyên gia sưu tầm bươm bướm thì ông lại mềm như bún. Ông có một bộ sưu tập lớn, và lần nọ chúng tôi đã đem tặng ông một con bướm to bự lạc vào xưởng chúng tôi hồi đêm. Barsig tái mặt đi và trịnh trọng hẳn lên khi chúng tôi trao con bướm cho ông. Đó là con bưóm Đầu Lâu, một loài cực hiếm mà bộ sưu tập của ông còn thiếu. Ông không bao giờ quên ơn chúng tôi, và kể từ đấy, hễ ở đâu có xe hỏng ông lại mách cho chúng tôi. Để bù lại, gặp con bướm nào chúng tôi cũng bắt đem nộp ông. “Làm một ly vermouth nhé, ông Barsig?”, Lenz mời, đã tươi tỉnh trở lại. “Không uống rượu chừng nào chưa tối”, Barsig đáp. “Đó là nguyên tắc triệt để của tôi”.
“Cũng phải phá vỡ những nguyên tắc, nếu không chúng đâu đưa lại niềm vui”, Gottfried miệng nói tay rót rượu ra ly. “Chúc cho tương lai của loài bướm đêm xám đỏ, loài bướm ngày óng ánh xà cừ và loài bướm sắc đuôi công!”
Bardich do dự giây lát. “Anh đã có lòng với tôi như vậy, tôi đâu thể từ chối”, ông nói và cầm ly rượu. “Nhưng rồi ta sẽ cụng ly mừng những con bướm mắt bò nhỏ xinh nữa”. Ông mỉm cười ngượng nghịu tuồng như ông hé ra ít nhiều ngụ ý về một người đàn bà, cốt để mua vui. “Tôi vừa phát hiện được một loài bướm mới. Với những chiếc vòi lông”.
“Trời đất!”, Lenz thốt lên, “hết lòng bái phục ông! Vậy ra ông là một nhà tiên phong, và tên tuổi của ông sẽ đi vào lịch sử tự nhiên!”.
Cả bọn cạn một ly nữa mừng những chiếc vòi lông. Barsig quệt ria mép. “Tôi mang tin mừng lại cho mấy anh. Các anh có thể lấy chiếc xe Ford về. Ban giám đốc đã chấp thuận để các anh sửa”.
“Tuyệt”, Koster nói. “Nó sẽ có ích cho chúng tôi. Còn phần dự trù mà chúng tôi đã nêu thì sao?”
“Cũng chấp thuận”.
“Không bớt?”
Barsig nháy mắt. “Thoạt đầu mấy ông còn chưa chịu. Nhưng rốt cuộc…” “Một ly đầy mừng công ty bảo hiểm Phượng Hoàng!”, Lenz nói và lại rót rượu.
Barsig đứng lên cáo từ. “Các anh hình dung được không”, ông nói khi đã cất bước, “cái bà cùng ngồi trong chiếc Ford thế mà đã chết cách đây mấy ngày. Bà ta chỉ bị cứa rách da thịt. Hình như mất quá nhiều máu”.
“Bà ta bao nhiêu tuổi?” Koster hỏi.
“Ba mươi tư”, Barsig đáp. “Có mang bốn tháng. Bảo hiểm hai vạn mác”.
Chúng tôi lập tức phóng đi lấy chiếc xe về. Chủ nhân là một chủ hiệu bánh. Đêm nọ, ngà ngà say, lão đã lái xe đâm xầm vào một bức tường. Chỉ vợ lão bị thương, còn bản thân lão chỉ bị xây xước qua gọi là.
Trong lúc móc chiếc xe để kéo đi, chúng tôi gặp lão trong gara. Lão lặng lẽ quan sát chúng tôi hồi lâu, co ro với tấm lưng mập ú và cái cổ ngắn, đầu hơi chúi về phía trước. Với sắc mặt bệnh tật, mai mái như thảy các thợ làm bánh, trong bóng tối mờ mờ trông lão chẳng khác gì một con sâu bột kếch xù, ủ ê. Lão chậm chạp tiến lại gần chúng tôi.
“Bao giờ thì xe sửa xong?”, lão hỏi.
“Quãng ba tuần”, Koster đáp.
Lão trỏ vào mui xe. “Kể cả cái này, phải vậy không?”
“Sao kia?” Otto hỏi. “Nó còn nguyên vẹn mà”.
Lão chủ hiệu bánh phác một cử chỉ nóng nảy. “Tất nhiên rồi. Nhưng tiện thể thêm một cái mui mới vẫn hơn chứ. Đây quả là một món khá bở cho các anh mà. Chúng mình thông cảm lẫn nhau, hả?”.
“Không được”, Koster đáp.
Cậu ta biết tỏng bụng dạ lão già. Lão muốn ăn không một cái mui mới mà lẽ ra hãng bảo hiểm không phải chịu bằng cách nhập nhằng vào khoản sửa xe. Hai bên cãi vã một hồi. Lão già dọa hủy bỏ hợp đồng, dọa nhờ một xưởng xe biết điều hơn tính lại giá thành. Rốt cuộc Koster đành nhượng bộ. Giá như chúng tôi không cần việc làm thì đời nào cậu ta chịu.
“Thấy chưa, sao không bằng lòng ngay cho rồi”, lão chủ hiệu bánh nói với nụ cười nhếch mép. “Mấy ngày tới tôi sẽ đến để lựa chất liệu. Mầu be tôi nghĩ vậy. Những màu dịu ấy”.
Chúng tôi kéo chiếc xe đi. Ra ngoài rồi, Lenz chỉ vào nệm chiếc Ford. Trên đó loang lổ những vết đen lớn. “Máu bà vợ vừa chết của lão. Lại còn nì nèo cho được một cái mui lớn. Màu be. Những màu dịu. Phục thật. Mình tin rằng lão dám vòi số tiền bảo hiểm cho cả hai mạng người lắm. Vợ lão đang có mang mà lại”.
Koster nhún vai. “Có lẽ lão tự nhủ hai chuyện chẳng liên quan gì với nhau”.
“Dám lắm”, Lenz nói. “Thì cũng có những kẻ xem luôn đó là cái may trong cái rủi của họ. Còn bọn mình thì vì thế thiệt béng năm chục mác tiền lời”.
Buổi chiều, tôi viện cớ có việc phải về nhà. Tôi hẹn gặp Patrice Hollmann vào lúc năm giờ, nhưng không hé chút gì ở xưởng. Không phải vì tôi muốn giấu diếm; nhưng tôi bỗng cảm thấy khó lòng tin nổi chuyện ấy. Nàng hẹn gặp tôi tại một tiệm cà phê. Tôi chưa hề đến tiệm này; chỉ biết đó là một tiệm nhỏ và lịch sự. Hoàn toàn mù mịt, tôi tới nơi hẹn. Nhưng vừa bước chân vào, tôi đã hốt hoảng giật lùi. Căn phòng rặt bọn đàn bà mồm mép liến thoắng. Tôi đã sa vào một tiệm bánh ngọt điển hình dành cho các bà. Phải gắng lắm tôi mới chộp nổi một bàn vừa được bỏ trống. Tôi khó chịu nhìn quanh. Ngoài tôi ra, trong tiệm chỉ có hai người đàn ông, cả hai trông đều dễ ghét.
“Cà phê, trà, hay sô-cô-la?”, gã bồi vừa hỏi vừa dùng khăn phủi vô số vụn bánh trên mặt bàn vào quần áo tôi.
“Cho một ly lớn cognac”, tôi đáp.
Gã ta mang ly rượu lại. Nhưng đồng thời gã kéo theo một nhóm khách quen đang tìm chỗ, cầm đầu là một bà hộ pháp đã đứng tuổi đội mũ lông đà điểu.
“Bốn chỗ, xin mời!”, gã nói, tay chỉ vào bàn tôi ngồi.
“Khoan”, tôi đáp, “bàn này không trống. Tôi chờ một người mà”.
“Không được đâu, thưa ông”, gã bồi nói. “Vào giờ này không có chỗ nào được dành trước cả”.
Tôi nhìn gã. Đoạn tôi nhìn cái bà hộ pháp lúc này đã đứng sát bàn tay nắm chặt thành ghế. Tôi ngó mặt bà ta và từ bỏ mọi ý định chống cự. Có dùng đến cả đại bác cũng không hòng lay chuyển quyết tâm của con người này, ấy là chiếm cho được bàn của tôi.
“Ít nhất anh cũng có thể đem thêm cho tôi một ly cognac chứ?”, tôi gắt gã bồi.
“Được ạ, thưa ông. Lại một ly lớn ạ”?
“Phải”.
“Xin có ngay!”, gã cúi mình. “Đây là bàn dành cho những sáu người cơ đấy, thưa ông”, gã nói vẻ xin lỗi.
Cái bà hộ pháp hình như cũng tham gia hội bài rượu. Bà ta nhìn chằm chằm vào ly rượu mạnh của tôi, cứ như nó là một con cá ươn không bằng. Để chọc tức bà ta, tôi gọi thêm một ly nữa và giương mắt ngó trả. Bỗng tôi cảm thấy toàn bộ những việc mình sắp làm thật nực cười. Tôi muốn gì ở đây? Và tôi muốn gì ở cô gái? Thậm chí tôi không hề biết liệu mình có nhận nổi nàng giữa đám người hỗn độn và ồn ào này hay không. Tôi bực mình uống ực một hơi hết ly cognac.
“Xin chào!” Có ai nói sau lưng tôi.
Tôi đứng phắt dậy. Nàng đứng đó, và cười. “Anh bắt đầu kịp thời đấy nhỉ!” Tôi đặt chiếc ly mà tôi vẫn cầm trên tay xuống mặt bàn và bỗng nhiên luống cuống. Trông cô gái hoàn toàn khác với hình ảnh tôi lưu trong trí nhớ. Giữa cái đám đàn bà phốp pháp đang nhồm nhoàm bánh ngọt kia, nàng như một nữ kỵ sĩ trẻ trung, thanh mảnh, điềm tĩnh, tự tin đến rạng rỡ và xa vời. “Giữa nàng và ta không bao giờ nên chuyện gì được”, tôi tự nhủ và hỏi nàng: “Cô vào lối nào mà như ma hiện vậy? Nãy giờ tôi không rời mắt khỏi cửa mà”.
Nàng chỉ sang phải. “Ở đằng ấy có một lối vào. Nhưng tôi đến muộn, anh chờ có lâu không?”
“Lâu gì đâu. Hai, ba phút là cùng. Tôi cũng vừa đến tức thì”.
Đám các bà ngồi cùng bàn lặng hẳn đi. Tôi cảm thấy sau gáy ánh mắt khinh thị của bốn bà mẹ khôn ngoan.
“Chúng ta định ngồi lại đây chăng?”, tôi hỏi.
Cô gái lướt mắt nhìn nhanh chiếc bàn. Nàng khẽ nhếch miệng. Nàng tinh nghịch nhìn tôi. “Tôi e rằng ở tiệm cà phê nào cũng thế cả thôi”.
Tôi lắc đầu. “Miễn vắng hơn. Tiệm này là cái tổ quỷ, ngồi đây đâm mặc cảm đầy người. Tốt nhất chúng ta hãy tới một quán rượu”.
“Quán rượu ấy à? Có những quán rượu mở cửa giữa ban ngày ban mặt sao?”.
“Tôi biết một quán”, tôi nói. “Tất nhiên ở đây rất yên tĩnh. Nếu như cô muốn…”.
“Ừ thì, cũng có lúc…”.
Tôi ngước nhìn. Trong khoảnh khắc tôi không hiểu nổi ý nàng. Tôi chẳng hề phản đối sự mai mỉa, với điều kiện nó không chĩa vào tôi; nhưng lương tâm tôi áy náy.
“Nào ta đi”, nàng nói.
Tôi vẫy gã bồi. “Ba ly lớn cognac”, gã trai bất hạnh gầm gừ với cái giọng như thể gã muốn thanh toán với một khách hàng ở dưới mồ. “Ba mác ba mươi xu!”
Cô gái quay lại. “Ba ly cognac trong ba phút sao? Một tốc độ mới tuyệt chứ!”
“Trong đó có hai ly từ hôm qua kia”.
“Rõ đồ dối trá”. Bà hộ pháp ngồi bên bàn rít lên sau lưng tôi. Bà nín lặng như thể là quá lắm rồi.
Tôi quay lại cúi mình. “Chúc một lễ giảng sinh vui vẻ, thưa các quý bà!”. Rồi nhanh chóng bỏ đi.
“Anh vừa cãi nhau với họ đấy à?”, cô gái hỏi khi chúng tôi ra đến ngoài đường.
“Chẳng có gì đặc biệt. Tôi chỉ không được lòng mấy bà nội trợ trong các gia đình nề nếp”.
“Tôi cũng vậy”, nàng đáp.
Tôi nhìn nàng. Với tôi, nàng như xuất hiện từ một thế giới khác. Tôi tuyệt đối không hình dung nổi nàng là ai và sống ra sao.
Quán rượu là mảnh đất vững chắc của tôi. Fred, gã bồi rượu, đứng sau quầy và đang lau chùi những chiếc ly lớn dành cho cognac khi chúng tôi bước vào. Gã chào tôi như thể trông thấy tôi lần này là lần đầu, như thể trước đây mới hai hôm chẳng phải chính gã đã phải dìu tôi về nhà. Gã từng trải nhiều, rất lịch lãm và đầy kinh nghiệm.
Quán rượu gần như trống trơn trừ một bàn. Hầu như bao giờ cũng vậy. Valentin Hauser ngồi đó. Tôi biết anh từ thời chiến tranh; chúng tôi ở cùng đại đội. Một lần, anh ta băng qua hàng rào trọng pháo mang lên tuyến trước cho tôi một phong thư mà anh tưởng của mẹ tôi gửi. Anh biết tôi mong tin mẹ vì bà vừa mổ xong. Nhưng anh đã lầm… đó chỉ là một tờ quảng cáo mũ bảo vệ bằng vải gai. Trên đường trở lại, anh bị một viên đạn găm vào đùi.
Sau chiến tranh ít lâu, Valentin được thừa hưởng một gia tài. Kể từ đó anh dốc nó vào rượu. Anh khẳng định phải uống mừng vì đã may mắn sống sót. Dẫu đã bao năm trôi qua cũng thế thôi. Anh lý giải rằng con người ta uống không biết thế nào là đủ để mừng cho đáng cái vận may ấy. Anh là một trong những người đeo đẳng một ký ức ghê sợ về chiến tranh. Chúng tôi, những kẻ khác, đã quên nhiều điều, nhưng anh thì anh nhớ như in từng ngày từng giờ.
Tôi thấy anh đã nốc khá nhiều rượu. Anh ngồi rũ gục và đờ đẫn trong cái xó của anh. Tôi giơ tay lên “Chào cậu, Valentin!”
Anh ngước nhìn và gật đầu. “Chào cậu, Robby!”
Chúng tôi ngồi vào một góc. Gã bồi rượu đến bên. “Cô muốn dùng gì?”, tôi hỏi cô gái.
“Có lẽ một ly Martini”, nàng đáp. “Một ly Martini chua”.
“Về khoản này thì Fred rất nghệ”.
Fred cho phép mình mỉm một nụ cười. “Cho tôi như thương lệ”, tôi nói. Trong tiệm mát mẻ, mờ mờ tối. Nồng nặc mùi rượu gin và cognac bị tràn ra. Hương thơm thoang thoảng như hương đỗ tùng và bánh mì. Trên trần treo lủng lẳng một chiếc tàu buồm nhỏ bằng gỗ. Phần tường phía sau quầy ốp đồng. Ánh sáng dịu của một ngọn đèn hắt ra những tia sáng đỏ, như thể đang phản chiếu một ngọn lửa ngầm dưới lòng đất. Trong số trụ đèn nhỏ rèn bằng sắt gắn trên tường chỉ cháy sáng có hai, một chỗ Valentin ngồi, một chỗ chúng tôi. Những cái chụp đèn được làm bằng giấy da thuộc vàng khè cắt ra từ một tấm bản đồ cũ kỹ trông chẳng khác gì những mảnh địa cầu bé xíu tỏa sáng.
Tôi hơi bối rối, không biết nên bắt chuyện cách nào. Có thể nói tôi hầu như không quen biết cô gái, và càng nhìn nàng lâu bao nhiêu, tôi càng cảm giác nàng, xa lạ với mình bấy nhiêu. Đã lâu lắm tôi không ngồi với ai như thế này; tôi đã mất thói quen ấy. Tôi thạo chuyện trò với cánh đàn ông hơn. Ban nãy ở tiệm cà phê tôi thấy quá ồn ào, còn lúc này, với tôi quán rượu thốt nhiên lại quá im ắng. Im ắng tới mức mỗi lời đều hóa ra quan trọng, khiến khó mà nói năng được tự nhiên. Tôi hầu như ước ao được trở lại tiệm cà phê.
Fred mang rượu ra. Chúng tôi uống. Rượu rum mạnh và thơm mát, mang hương vị mặt trời. Đây là thứ có thể uống không sợ say. Tôi uống cạn và trao ngay chiếc ly cho Fred.
“Cô thích quán này chứ?”, tôi hỏi.
Cô gái gật đầu.
“Thích hơn tiệm bánh ngọt đằng kia chứ?”
“Tôi căm ghét các tiệm bánh ngọt”, nàng đáp.
“Thế tại sao cô lại chọn chính nơi đó làm chỗ hẹn”, tôi sửng sốt hỏi.
“Tôi chẳng biết nữa”. Nàng bỏ mũ xuống. “Chỉ vì tôi không nảy ra được địa điểm nào khác”.
“Như vậy việc cô thích nơi đây lại càng hay. Chúng tôi thường lui tới quán này. Tối tối chúng tôi xem đây gần như nhà mình”.
Nàng cười. “Điều đó thật ra không đáng buồn sao?”
“Không”, tôi nói, “nó thích hợp với thời buổi này”.
Fred mang cho tôi ly thứ hai. Gã đặt thêm một chai Havanna màu xanh lá cây lên bàn. “Của ông Hauser gửi anh”.
Từ cái xó của anh, Valentin vẫy sang và nâng ly “31 tháng bảy năm 17, Robby!”, anh gọi, giọng nặng nề.
Tôi gật đầu với anh và cũng nâng ly.
Lúc nào anh cũng phải uống vì cái gì mới xong; tôi từng bắt gặp anh tối tối uống trong một quán dân quê, khi mừng vầng trăng, lúc lại mừng một bụi tử đinh hương. Rồi anh nhớ tới cái ngày anh chui ra khỏi hầm trú ẩn, nơi chiến trận diễn ra đặc biệt khốc liệt, và lại tạ ơn số phận đã cho mình sống sót và còn được ngồi đây.
“Bạn tôi đấy”, tôi bảo cô gái. “Một đồng đội thời chiến tranh. Anh ta là người duy nhất tôi biết đã lẩy ra từ một tai họa khổng lồ chút may mắn cỏn con. Anh ta không còn biết bắt đầu ra sao với cuộc đời mình… bởi vậy anh ta sung sướng chỉ vì mình còn sống”.
Nàng trầm ngâm nhìn tôi. Một tia sáng rọi chếch xuống trán và miệng nàng. “Tôi có thể hiểu được lắm”.
Tôi ngước nhìn. “Nhưng xin cô chớ hiểu làm gì. Cô còn quá trẻ để hiểu điều đó”.
Nàng mỉm cười. Một nụ cười nhẹ, thoảng qua, chỉ hiện trên khóe mắt. Gương mặt nàng hầu như không thay đổi, nó chỉ sáng lên, sáng từ bên trong. “Quá trẻ ư”, nàng nói, “đó chỉ là một từ ngữ vậy thôi. Theo tôi con người ta không bao giờ quá trẻ cả. Chỉ luôn luôn quá già”.
Tôi im lặng một khoảnh khắc. “Để bác lại điều cô nói, có thể viện ra vô số lý lẽ”, sau đó tôi đáp và ra hiệu Fred mang thêm chút gì cho tôi. Cô gái mới tự tin và thoải mái làm sao; còn tôi, trái lại, cảm thấy mình cứng vụng như thanh gỗ. Tôi những muốn đưa đẩy một cuộc chuyện trò nhẹ nhàng, vui nhộn, một cuộc chuyện trò thực sự, để sau đó, như thông thường, khi còn lại một mình người ta còn nhớ đến nó. Lenz có cái tài đó, nhưng với tôi thì câu chuyên bao giờ cũng xoay ra vụng về, nặng nề. Lenz không phải là không có lý khi khẳng định rằng về tài nói chuyện, tôi chỉ đáng đánh đổ đồng với một thằng thư ký bưu điện.
May mà Fred biết điều. Thay vì mang cho tôi cái ly bé xíu như cái đế khâu, gã bưng ngay đến một cốc vang rõ lịch sự, đầy phè. Như vậy gã đỡ mất công chạy đi chạy lại, mà người ta lại không thể biết tôi nốc bao nhiêu. Tôi phải uống; tôi chẳng còn cách nào khác khả dĩ thoát khỏi tình trạng nặng nề trì đọng này.
“Cô dùng thêm một ly Martini nữa nhé?” Tôi hỏi cô gái.
“Anh đang uống gì vậy?”
“Rum đây”.
Nàng ngắm ly rượu của tôi. “Anh vừa mới uống thứ đó xong kia mà!” “Phải”, tôi đáp, “tôi nghiện thứ này nhất”.
Nàng lắc đầu: “Tôi không hình dung nổi là nó lại ngon”.
“Tôi hoàn toàn không biết nó có ngon hay không nữa”.
Nàng nhìn tôi. “Thế tại sao anh lại uống?”
“Rum ấy à”, tôi nói, phấn khởi vì đã vớ được một đề tài khả dĩ tán được ít nhiều. “Rum không liên quan gì lắm đến sự ngon miệng. Nó không đơn giản là một thứ đồ uống… mà đúng hơn là một người bạn. Một người bạn làm vợi đi mọi điều. Thay đổi cả thế gian. Và vì thế mà người ta uống…” Tôi đẩy chiếc ly sang bên.
“Nhưng để tôi gọi thêm cho cô một ly Martini nữa nhé?”
“Một ly rum thì hơn. Tôi cũng muốn nếm thử xem sao”.
“Hay lắm”, tôi đáp, “nhưng đừng uống loại này. Nó quá nặng với những ai mới thử lần đầu. Cho một chai cocktail Bacardi đây”, tôi gọi với sang Fred. Fred mang ly lại. Gã còn bưng ra thêm một bát hạnh nhân muối và hạt cà phê rang. “Để luôn cả chai đây cho tôi”, tôi bảo gã.
Dần dà câu chuyên trở nên trôi chảy và khéo léo. Nỗi hoài nghi biến mất, những lời lẽ tự tìm đến, và tôi cũng chẳng còn chú ý mình nói gì. Tôi tiếp tục uống, cảm thấy những làn sóng lớn êm ái xô tới trùm lên người, cảm thấy cái giờ khắc trống rỗng của hoàng hôn đang tự lấp đầy bằng những hình ảnh, và các giấc mơ lặng lẽ nối đuôi nhau tái hiện một cách phi thường trên những vùng u ám và hờ hững của sự sống. Những bức tường quán vươn dài ra, và nơi đây bỗng nhiên không còn là quán rượu nữa… mà là một xó xỉnh của thế giới, một góc nương thân, một gian hầm trú ẩn tối mờ bị vây giữa chiến trận hỗn mang muôn đời khốc liệt, trong đó chúng tôi ngồi náu mình và được xô đẩy đến gần nhau một cách khó hiểu xuyên qua bóng tối nhờ nhờ của thời gian. Cô gái thu mình trên ghế, xa lạ và bí ẩn, cứ như từ bờ bên kia của cuộc sống trôi giạt lại. Tôi nghe mình nói, nhưng tuồng như không phải tôi là một kẻ khác đang nói, có lẽ tôi đã từng mong ước được như gã. Những lời lẽ không còn đúng nữa, chúng biến đổi, xô đẩy nhau vào những lĩnh vực khác hơn, nhiều màu sắc hơn là bản thân chúng khi phản ánh lại những biến cố nhỏ nhặt của đời tôi… tôi biết chúng không còn trung thành với sự thật, rằng chúng trở nên khoác lác và dối trá, nhưng, thây kệ… sự thật bi đát và nhạt nhẽo, chỉ tình cảm và ánh phản chiếu những ước mơ mới là cuộc sống…
Ánh đèn lấp lánh trong bồn rửa bằng đồng của quán rượu. Thỉnh thoảng Valentin lại nâng ly và lầm bầm một ngày tháng nào đó. Ngoài kia, dòng người và xe cộ cuồn cuộn xuôi ngược trong tiếng còi xe hơi ầm ĩ tựa tiếng kêu của loài ác điểu. Hễ có ai mở cửa tiệm phố xá lại chõ vào chỗ chúng tôi mà rít róng. Rít róng như một mụ già độc mồm độc miệng khỏe đố kỵ. Khi tôi tiễn Patrice Hollmann về nhà, trời đã tối. Chậm rãi, tôi quay trở lại. Chợt tôi cảm thấy cô đơn và trống rỗng. Mưa lâm thâm. Tôi dừng chân trước một ô kính nhà hàng. Lúc này tôi nhận thấy mình đã uống quá nhiều. Không, tôi không lảo đảo… nhưng dầu sao tôi vẫn nhận rõ là mình trót quá chén.
Đột nhiên tôi nóng ran cả người. Tôi cởi cúc áo măng-tô, hai mũ ra sau. Mẹ kiếp, một lần nữa tôi lại bị bắt quả tang! Vừa rồi tôi đã lảm nhảm những gì vậy? Tôi không dám ngẫm lại cho chính xác. Mà tôi cũng chẳng còn nhớ tí gì, đó là điều tệ nhất. Một mình nơi đây, trên đường phố lạnh lẽo rầm rầm tiếng xe buýt, dưới con mắt tôi, mọi sự hoàn toàn khác trong cảnh mờ tối nơi tiệm rượu. Tôi thầm rủa mình. Cô gái hẳn có một ấn tượng rõ đẹp về tôi! Chắc chắn nàng đã để ý. Bản thân nàng hầu như có uống gì đâu. Khi chia tay, nàng chẳng nhìn tôi một cách lạ lùng là gì.
Chúa ơi! Tôi quay lại, và đụng ngay phải một lão thấp béo. “Rõ thật”, tôi giận dữ nói.
“Mở to mắt ra mà nhìn, đồ chổi cùn!”, lão béo rủa.
Tôi nhìn lão trân trân.
“Không mấy khi được thấy người hay sao, hả”, lão tiếp tục sủa nhặng lên. Lão nói vừa trúng ý tôi. “Người thì có”, tôi nói, “nhưng những thùng bia đi tản bộ thì chưa”.
Lão béo không cần suy nghĩ lấy một giây. Lão dừng ngay lại, phồng mang trợn mắt. “Anh biết tôi khuyên anh gì không?”, lão rít lên: “Đi mà vào sở thú! Những con chuột túi mơ mộng không có gì để tìm kiếm trên đường phố cả”.
Tôi hiểu mình đụng phải một tay chửi bới có hạng. Dù chán ngán đến đâu cũng phải bảo tồn danh dự thôi.
“Xéo đường nào thì xéo, cái ngữ đẻ non thần kinh chập!”, tôi nói và giơ cao bàn tay như để ban phước.
Lão chẳng thèm đếm xỉa đến lời tôi đe. “Về xịt bê-tông vào sọ mày ấy, đồ óc chó khô!”, lão chửi.
Tôi chửi giả, gọi lão là quân chân bẹt đồi trụy, lão rủa tôi là đồ vẹt Kakađu đang kỳ thay lông; tôi rủa lão quân rửa xác chết thất nghiệp. Đáp lại, trong lòng đã hơi kính nể, lão mệnh danh tôi là đồ đầu bò ung thư. Để kết thúc, tôi tặng lão cái tên nghĩa trang bít-tết, lưu động. Gương mặt lão đột nhiên rạng rỡ “Nghĩa trang bít-tết, hay!”, lão nói. “Đây chưa biết từ này. Sẽ được ghi vào cẩm nang! Hẹn gặp lại…” lão huơ huơ chiếc mũ và chúng tôi chia tay nhau, người nọ phục người kia sát đất.
Cuộc đọ tài đã giải nhiệt cho tôi. Nhưng nỗi tức giận vẫn còn. Thậm chí nó càng tăng lên khi tôi tỉnh táo hơn. Tôi cảm giác mình như chiếc khăn tay sũng nước bị vắt kiệt. Nhưng dần dà, tôi không chỉ còn tức giận mình… tôi tức giận với hết thảy… kể cả cô gái. Cô ta chính là nguyên cớ khiến tôi say. Tôi dựng cổ áo lên. Thôi thây kệ, cô ta muốn nghĩ sao thì nghĩ… chí ít cô ta cũng được biết ngay từ đầu là cô ta đánh bạn với hạng người nào. Cầu cho quỷ tha ma bắt cả câu chuyện vừa rồi đi… cái gì đã xảy ra là đã xảy ra, không hòng cứu vãn được nữa. Có lẽ như thế mà lại hay cơ đấy… Tôi trở lại quán rượu và bây giờ mới thật sự nốc đến say bí tỉ.