Ba Người Bạn

CHƯƠNG 4



Tiết trời trở nên ấm và ẩm ướt, mưa tầm tã mấy ngày ròng. Rồi trời quang mây tạnh, bắt đầu hửng nắng. Sáng thứ Sáu, bước chân đến xưởng tôi thấy Matilda Stoss đang đứng ngoài sân, chổi cắp dưới nách, bộ mặt hà mã của mụ ra chiều xúc động.
“Cậu xem kìa, cậu Lohkamp, đẹp quá thể! Lần nào cũng như có phép tiên ấy thôi”.
Tôi đứng sững bàng hoàng. Cây mận già bên máy bơm xăng qua một đêm đã rộ hoa.
Suốt mùa đông, nó đứng đó cong queo và trơ trụi, chúng tôi đã ngoắc lên nó các lốp xe cũ, treo biđông đựng dầu lên cành cho ráo, nó không được xem là gì khác ngoài một cái giá treo tiện lợi cho tất tật mọi thứ: từ chiếc giẻ lau cho tới vỏ động cơ… mới trước đây ít ngày, trên cây còn phấp phới đám quần vải gai tím than vừa giặt của cả bọn, hôm qua đây thôi còn chưa ai thèm để mắt đến nó… thế mà bây giờ, bỗng chốc qua một đêm, nó đã biến đổi như có phép mầu, hóa thân thành một đám mây sắc trắng xen hồng, một đám mây hoa bừng sáng, tuồng như một đàn bươm bướm vừa lạc vào cái sân bẩn thỉu của chúng tôi.
“Mà ôi chao là thơm”, Matilda say sưa nói, mắt đảo lia lịa, “thơm tuyệt… đúng như mùi rum của cậu…”
Tôi chẳng ngửi thấy gì cả. Nhưng tôi lập tức hiểu ra. “Thơm mùi cognac dành thết khách hàng thì đúng hơn”, tôi quả quyết.
Mụ kịch liệt phản đối. “Cậu Lohkamp, cậu cảm lạnh mất rồi. Chưa chừng cậu cũng bị mọc u thịt trong mũi. Thời nay không mấy ai là không có u cả. Không, mụ Stoss già lão này mũi thính như chó săn ấy chứ, cậu cứ tin đi, đúng mùi rum mà… rum lâu năm..”
“Được rồi, Matilda…”
Tôi rót cho mụ một ly rum rồi lại bên máy bơm xăng. Jupp ngồi đó. Chú đã có trước mặt một lô nhành hoa mới cắt cắm trong hộp sắt gỉ. “Thế này là nghĩa làm sao?”, tôi ngạc nhiên hỏi.
“Dành cho các bà khác”, Jupp giải thích. “Bà nào đến đổ xăng tôi đều biếu không một nhành. Nhờ thế tôi đã bán được nhiều hơn mọi ngày chín chục lít. Cây này đáng giá ngàn vàng đó cậu Lohkamp ạ. Giả thử không có nó, khéo xưởng ta đến phải tự tạo một cây khác in hệt nó mất thôi”.
“May là một thằng choai giỏi buôn bán đấy!”
Chú cười ngoác miệng. Ánh nắng xuyên qua, khiến hai cái tai vểnh của chú trông như những ô cửa sổ nhà thờ màu hồng ngọc. “Tôi cũng từng được chụp ảnh tận hai lần”, chú phô. “Đứng trước cái cây nhá!”
“Nghe đây, mày sẽ còn trở thành ngôi sao màn bạc cơ đấy”, tôi nói, rồi đi sang chỗ cái hố, nơi Lenz vừa chui lên khỏi gầm chiếc Ford.
“Robby này”, cậu ta nói, “mình vừa sực nhớ ra. Tụi mình phải để tâm tới con bé của thằng cha Binding mới được”.
Tôi đăm đăm nhìn cậu ta. “Cậu muốn nói gì kia?”
“Thì đúng như mình vừa nói đấy. Nhưng cậu nhìn cái gì mà cứ chòng chọc thế?”
“Mình không nhìn chòng chọc…”.
“Thậm chí mắt còn ngây dại ra. Cô gái tên là gì ấy nhỉ? Pat, nhưng còn họ?”
“Mình không biết”, tôi đáp.
Cậu ta đứng lên. “Cậu mà không biết? Cậu đã ghi địa chỉ của cô ta kia mà. Chính mình trông thấy hẳn hoi”.
“Mình đánh mất mảnh giấy rồi”.
“Đánh mất!” Cậu ta đưa cả hai tay lên vò mớ tóc rậm vàng rơm. “Mình đã nhọc công với thằng cha Binding cả tiếng đồng hồ ở ngoài trời để như thế này đấy hẳn! Đánh mất! Xem nào, không chừng Otto nó lại biết ấy chứ”. “Otto cũng chẳng biết đâu”.
Lenz nhìn tôi. “Đồ tài tử vứt đi! Còn tồi tệ hơn thế nữa! Cậu không biết rằng đó là một cô gái tuyệt vời hay sao? Lạy Chúa!” Cậu ta ngước mắt trông trời. “Rốt cuộc bọn mình đã gặp được của báu nhường ấy, thế mà cái đồ bù loong rầu rĩ này lại đánh mất địa chỉ!”
“Mình hoàn toàn chẳng thấy cô ta có gì ghê gớm đến thế”.
“Vì cậu là một con lừa”, Lenz đáp, “một thằng mặt nạc không biết chút gì vượt quá trình độ của lũ điếm ở tiệm Quốc Tế. Chính cậu ấy, ông nhạc công dương cầm ạ! Mình nhắc lần nữa cho mà biết: đó là một dịp may, dịp may hiếm có, cái cô thiếu nữ đó! Dĩ nhiên cậu thì biết cái cóc khô gì về chuyện này! Cậu có ngắm kỹ cặp mắt của nàng không nào? Dĩ nhiên không… cậu chỉ chiêm ngưỡng độc ly rượu của cậu thôi”.
“Câm mồm đi!” Tôi ngắt lời Lenz, khi nhắc tới ly rượu cậu ta đã vô tình khơi sâu vết thương còn há miệng.
“Và đôi tay nàng”, cậu ta tiếp tục, chẳng thèm đếm xỉa đến tôi, “đôi tay thon, dài như của một cô con lai da màu, cái này thì Gottfried khá sành, cậu có thể tin được. Đấng Moses[6] thiêng liêng! Rốt cuộc gặp được một cô gái đáng giá: xinh đẹp, tự nhiên và đây mới là điểm quan trọng bậc nhất, nàng gây được bầu không khí…” cậu ta ngừng lời… “cậu có hiểu thế nào là bầu không khí không đã?”
“Là hơi vẫn bơm vào lốp xe”, tôi gắt gỏng.
“Biết ngay mà”, cậu ta dai giọng vẻ thương hại và đầy khinh bỉ, “hơi, sao không biết! Không khí hào quang, sự tỏa sáng, ấm áp và bí ẩn… đó là thứ khiến cho sắc đẹp trở nên có hồn và sống động… nhưng nói mà làm gì… bầu không khí của cậu là hơi rum cơ…”
“Có câm đi không, tao lại đập vào sọ bây giờ”, tôi gầm gừ.
Nhưng Gottfried vẫn tiếp tục lải nhải và tôi chẳng làm gì cậu ta cả. Cậu ta hoàn toàn không biết những gì đã diễn ra, cũng chẳng ngờ mỗi lời mình nói đều như xát muối vào ruột tôi. Nhất là những lời đả động đến rượu. Tôi đã đào sâu chôn chặt, đã hoàn toàn khuây khỏa; thế mà giờ đây cậu ta lại khơi lên hết. Cậu ta tán tụng cô gái không tiếc lời, và tôi gần như cũng tin mình đã thật sự để buột khỏi tay một cái gì hết sức đặc biệt, không còn mong thấy lại.
Sáu giờ chiều, tôi đến tiệm cà phê Quốc Tế trong tâm trạng bực bội. Đây là chốn nương thân của tôi: Lenz cũng thừa nhận với tôi như vậy. Khi bước chân vào, tôi ngạc nhiên thấy tiệm có vẻ rộn rã hơn. Trên quầy bày bánh ngọt và những chiếc gatô to bự, anh chàng Alois chân bẹt đang chạy vào phòng trong với một khay đầy bộ uống cà phê kêu lanh canh. Tôi đứng sững. Cà phê đựng trong bình ư? Hẳn ở đây phải có một lũ người say bét nhè đang nằm la liệt dưới gầm bàn.
Nhưng ông chủ quán giải thích cho tôi. Hôm nay người ta liên hoan chia tay với Lilly, cô bạn gái của Rosa ở phòng trong. Tôi vỗ trán, ừ nhỉ, tôi chả được mời đến dự là gì! Thậm chí tôi còn là người đàn ông độc nhất, như Rosa đã nói đầy ngụ ý… vì kể làm gì cái thằng Kiki đồng tình luyến ái cũng sẽ có mặt. Tôi vội vã quay ra, đi mua một bó hoa, một trái dứa, một cái mõ đồ chơi trẻ con và một thanh sô-cô-la.
Rosa chào đón tôi với nụ cười của một mệnh phụ. Ả diện áo dài đen khoét rộng cổ và ngự ở đầu bàn. Những chiếc răng vàng của ả lóe sáng. Tôi hỏi thăm con nhóc của ả, gửi ả cầm về cho con bé chiếc mõ bằng nhựa và thanh sô-cô-la. Mặt ả sáng rỡ lên.
Tôi quay sang trao cho Lilly trái dứa và bó hoa. “Xin chúc cô hạnh phúc!” “Anh ấy bao giờ cũng là một con người hào hoa, phong nhã!”, Rosa nói. “Giờ thì lại đây, anh Robby, ngồi giữa hai chúng em đây này”.
Lilly là bạn thân nhất của Rosa. Ả đã qua một thời oanh liệt. Ả từng là nỗi thèm khát không bao giờ đạt được của mỗi ả điếm hạng xoàng: một gái chơi nơi khách sạn. Một gái chơi khách sạn không khi nào đứng đường… ả ở trong khách sạn và tiếp khách cũng tại đó. Hầu hết các ả điếm không làm được như thế… họ không có đủ váy áo và cũng chẳng đủ tiền để có thể chờ đợi lâu lâu mới có khách chơi. Tuy chỉ hành nghề trong những khách sạn tỉnh lẻ, nhưng suốt từng ấy năm, Lilly đã dành dụm ngót nghét bốn ngàn mác. Bây giờ ả muốn lấy chồng. Gã chồng tương lai của ả là chủ một cửa hiệu nhỏ chuyên nhận bắc các loại ống dẫn. Biết tỏng quá khứ của ả, nhưng gã mặc kệ. Trong tương lai gã có thể yên tâm được; điếm mà lấy chồng lại đáng tin cậy. Các ả nếm mùi đời và đã chán ngấy. Các ả sẽ thủy chung.
Lilly sẽ cưới vào thứ Hai tới. Hôm nay Rosa đãi một tiệc cà phê chia tay cô bạn thân. Các ả đến đông đủ để ngồi với Lilly lần chót. Sau lễ cưới, ả chẳng thể đặt chân đến chốn này.
Rosa rót cho tôi một tách cà phê. Alois nhón chân đi vào với một chiếc bánh gatô bự có rắc nho khô, hạnh nhân và vỏ chanh xanh tẩm đường. Rosa xắt vào đĩa cho tôi một miếng rõ to. Tôi hiểu mình phải làm gì. Vẻ sành sõi, tôi nếm một miếng và làm bộ mặt sửng sốt cực độ. “Cha mẹ ơi, thứ này chắc chắn không thể mua ở tiệm…”
“Bánh em tự làm đấy”. Rosa sung sướng khoe. Ả là một tay nấu nướng cừ khôi và rất thích được khen. Đặc biệt món thịt kho và bánh gatô ả làm thì đố ai bì kịp. Con gái Bohemia có khác.
Tôi đưa mắt nhìn quanh. Họ ngồi đó vây quanh bàn, những cô thợ trong vườn nho của Chúa, những kẻ sành người đời nhưng không biết dối lừa, những người lính của tình yêu;… Wally, Người Đẹp, mới đây vừa bị đánh cắp mất con chó trắng trên một chuyến xe đêm… Lina, bất chấp cái chân gỗ vẫn tìm được người tình: Fritzi, ả điếm si mê chàng Alois chân bẹt, dẫu rằng nếu muốn, ả đã có thể sở hữu một căn hộ riêng lẫn tay nhân tình vẫn bao ả;… Margot với đôi má đỏ hây hây bao giờ cũng lượn lờ trong bộ cánh nàng hầu, nhờ đó chuyên vớ được khách sộp;… Marion, cô em trẻ nhất, rạng rỡ và vô tư lự;… Kiki, kẻ không được coi là đàn ông, bởi hắn mặc váy đàn bà và tô son điểm phấn;… Mimi, con vật tội nghiệp, đi đứng lúc nào cùng khó khăn do cái tuổi bốn mươi lăm và chứng giãn tĩnh mạch;… vài cô nàng bán bar và hầu bàn mà tôi không quen;… cuối cùng là Muttchen, khách mời danh dự thứ hai, nhỏ thó, xám xịt, và nhăn nheo như một trái táo héo mùa đông, ai cũng tin cậy mụ, mụ là niềm an ủi, là chỗ dựa của những cô gái ăn sương, Muttchen với cái nồi xúc xích đến từ góc phố Nikolai là quán ăn điểm tâm biết bay, là công sở lưu động về đêm, ngoài những chiếc xúc xích Frankfort con con, mụ con bán vụng thuốc lá, kẹo cao su, và có thể còn bố thí.
Tôi biết cần xử sự ra sao. Không một lời đả động tới chuyện làm ăn, không một ám chỉ khiếm nhã vào tối nay… quên đi thành tích tuyệt vời của Rosa đã khoác cho ả cái biệt danh “con ngựa sắt”, quên đi những dan díu tình ái của Fritzi với lão buôn gia súc Stefan Grigoleit;… quên đi những điệu nhảy uốn éo của Kiki xung quanh giỏ bánh muối vào lúc tảng sáng. Cuộc trò chuyện này chỉ có thể làm danh giá cho đám các bà các cô.
“Cô chuẩn bị xong cả rồi chứ, Lilly?”, tôi hỏi.
Ả gật đầu. “Em đã có sẵn của hồi môn từ lâu rồi”.
“Món hồi môn tuyệt vời”, Rosa nói. “Không thiếu từ cái khăn đăngten trở đi”.
“Người ta cần khăn đăngten để làm gì?”, tôi hỏi.
“Kìa anh Robby!” Rosa nhìn tôi đầy trách móc, khiến tôi vội vã nói rằng tôi nhớ ra rồi. Những cái khăn đăngten… rồi chiếc thuyền buồm nhỏ bằng gỗ, dĩ nhiên rồi, chúng là biểu tượng cho sự phong lưu trưởng giả, biểu tượng thiêng liêng của hôn nhân, của thiên đường đã mất. Phải, tất cả bọn họ đâu có bản tính đĩ điếm, họ là những kẻ thất cơ lỡ vận do cuộc sống tư sản đưa lại. Mơ ước thầm kín của họ là chiếc giường cuối: chứ đầu phải lối sống trác táng. Nhưng họ không đời nào để lộ ra.
Tôi ngồi vào đàn dương cầm. Rosa chỉ mong có thế. Cũng như thảy các cô gái này, ả yêu âm nhạc.
Để chia tay, tôi chơi lại một lần nữa tất cả các bài mà Lilly và các cô bạn của ả ưa thích. Mở đầu là bài Lời cầu nguyện của nàng trinh nữ. Tuy cái nhan đề không hoàn toàn thích hợp với bối cảnh nhưng đây cũng chỉ là một khúc hát đòi hỏi kỹ thuật cao, nhiều luyến láy. Tiếp đến bầy chim nhỏ, Ráng hồng trên đỉnh Alpes, Khi tình yêu chết, Bạc triệu của chú hề, và cuối cùng: Tôi muốn trở lại quê hương, bài ca mà Rosa đặc biệt yêu thích. Gái điếm là những kẻ chai sạn nhất, đồng thời lại cũng đa cảm nhất. Thảy các ả đều hát theo. Anh chàng Kiki đồng cô một mình một giọng.
Lilly ra về. Ả phải đi đón vị hôn phu của ả. Rosa nồng nhiệt ôm hôn bạn. “Tốt đẹp cả nhé, Lilly! Đừng để bị bắt nạt nhé!”
Lilly đi khỏi với hai tay ôm đầy quà tặng. Có quỷ thần chứng giám, gương mặt ả đổi khác hoàn toàn so với trước đây. Những nét trơ trẽn vốn hằn trên tất thảy những kẻ nào dính dáng đến thói đê tiện của con người giờ đã bị xóa sạch, gương mặt trở nên mềm dịu hơn và thật sự phảng phất chút gì đó của một nàng trinh nữ mới lớn.
Chúng tôi ra trước cửa vẫy theo Lilly. Đột nhiên Mimi òa khóc. Chính ả cũng từng có chồng. Trong chiến tranh, chồng ả chết vì lao phổi. Giá như anh ta tử trận thì ả đã được lĩnh một món tiền tuất nho nhỏ và không phải ra đứng đường. Rosa vỗ về lưng ả. “Thôi nào, Mimi, đừng sướt mướt thế đi! Vào đây, bọn ta làm thêm một ngụm cà phê nữa!”
Cả đám kéo nhau trở vào cái tiệm Quốc Tế tối tăm chẳng khác gì một bầy gà lên chuồng. Thế nhưng không khí không được như trước. “Để kết thúc, hãy chơi thêm một bài nữa đi, anh Robby!”, Rosa nói “Cho chúng em tươi tỉnh lên tí!”
“Được”, tôi đáp. “Chúng ta hát bài Hành khúc anh em chiến hữu cũ nhé”.
Sau đó tôi cũng cáo biệt. Rosa còn dúi cho tôi một gói bánh ngọt nữa. Tôi tặng gói bánh cho thằng con của Muttchen lúc ấy vừa bắc xong chảo xúc xích buổi tối ở ngoài phố.
Tôi ngẫm nghĩ xem nên làm gì bây giờ. Đến quán rượu thì tôi không muốn một chút nào, cũng chẳng thiết vào rạp chiếu bóng; hay về xưởng vậy? Tôi phân vân ngó đồng hồ. Tám giờ tối. Lúc này Koster hẳn đã quay về. Có mặt cậu ta, Lenz sẽ không thể lải nhải hàng giờ về cô gái nữa. Tôi bèn về xưởng.
Trong phòng sáng đèn. Không riêng trong phòng… mà khắp sân đều sáng choang. Có một mình Koster ở đấy. “Làm trò gì ở đây thế, Otto?”, tôi hỏi. “Hay là cậu bán được chiếc Cadillac rồi?”
Koster cười. “Đâu có, Gottfried nó chỉ rọi đèn một chút cho vui”.
Cả hai đèn pha của chiếc Cadillac đều sáng rực. Chiếc xe được đẩy vào vị trí sao cho luồng đèn xuyên qua cửa sổ chiếu ra sân, xói vào giữa cây mận nở đầy hoa trắng. Cái cây đứng đó trắng xóa như phấn, trông thật đẹp. Bóng tối ở hai bên chẳng khác gì biển đen rì rầm vỗ sóng.
“Tuyệt vời”, tôi nói. “Thế cậu ấy đâu rồi?”
“Đi kiếm chút gì về ăn”.
“Một ý xuất chúng đấy. Mình cảm thấy người hơi lung liêng. Nhưng có thể chỉ vì đói”.
Koster gật đầu. “Ăn bao giờ cũng tốt. Đó là nguyên tắc cơ bản của thảy các chiến binh cũ. Chiều nay mình cũng làm một việc có chiều lung liêng. Mình đã đăng ký cho chiếc Karl đua đấy”.
“Thật sao?”, tôi hỏi. “Đua lần thứ sáu?”. Cậu ta gật đầu.
“Nhưng mẹ kiếp, Otto, toàn những chiếc xe cự phách cả”.
Cậu ta lại gật. “Braumuller trong chiếc xe thể thao thượng hạng”.
Tôi xắn tay áo lên. “Thế thì bắt tay vào việc thôi, Otto! Ta sẽ lau dầu kỹ lưỡng cho cái xe thân yêu nhất của cả bọn”.
“Hẵng khoan!”, con người lãng mạn cuối cùng vừa về đến nơi bèn kêu lên “Ních no bụng cái đã!” Cậu ta giở đồ ăn tối ra… pho mát, bánh mì, xúc xích hun khói rắn như đá, và cá trích. Vừa ăn chúng tôi vừa uống bia ướp lạnh. Ba thằng ăn lấy ăn để như cánh thợ đập lúa đói rã vẫn ăn. Rồi cả bọn đến bên chiếc Karl. Hai giờ liền chúng tôi loay hoay với nó, kiểm tra và bôi dầu từng bộ phận một. Sau đó Lenz và tôi lại chén thêm lần nữa. Bây giờ Lenz bật luôn cả đèn của chiếc Ford. Ngẫu nhiên mà một đèn pha của nó vẫn lành lặn sau cú đấm đêm nào. Từ cái khung xe quằn vênh, cái đèn trân trân ngó xéo lên trời. Lenz hài lòng quay người lại. “Thế đấy, Robby, giờ hãy lôi lũ chai ra đây. Bọn ta sẽ uống mừng hội cây trổ hoa”.
Tôi đặt lên bàn chai cognac, chai gin và hai cái ly.
“Thế ly của cậu đâu?”, Gottfried hỏi.
“Mình không uống”.
“Cái gì? Tại sao không?”
“Vì mình đã chán ngấy cái trò nhậu nhẹt khốn kiếp này”.
Lenz quan sát tôi một lát. Đoạn cậu ta bảo Koster: “Thằng bé của tụi mình quá chén mất rồi, Otto ơi”.
“Cậu ta đã không muốn uống, thì mặc cậu ta”.
Lenz rót cho mình một ly đầy. “Ít bữa nay chú chàng có hơi điên điên”.
“Điên thôi đã may”, tôi đáp.
Phía sau mái nhà của xí nghiệp đối diện nhô lên vầng trăng to và đỏ ối. Chúng tôi ngồi im hồi lâu. “Nói thử xem, Gottfried”, tôi mở đầu, “cậu là một chuyên gia trong tình yêu, đúng chứ?”
“Chuyên gia thôi ư? Mình là bậc thầy già đời trong tình yêu”, Lenz khiêm tốn đáp.
“Hay lắm. Cụ thể mình muốn biết có thật khi yêu con người ta bao giờ cũng xử sự ngớ ngẩn không”.
“Sao lại ngớ ngẩn?”
“À như thể bị ngà say ấy. Lảm nhảm, tán nhăng tán cuội và bịp bợm”.
Lenz phá lên cười. “Nhưng bé yêu ơi! Toàn bộ trò yêu đương chẳng qua cũng chỉ là trò bịp bợm. Thói bịp bợm do Bà Mẹ Thiên Nhiên sinh ra. Hãy nhìn cây mận kia xem! Nó cũng đang bịp bợm đấy. Nó tự tô điểm đẹp hơn bản thân nó. Thật là quái dị nếu tình yêu lại dính dáng đến sự thật, ơn Chúa, những nhà luân lý chết tiệt dẫu sao cũng chưa trấn áp được hết thảy”.
Tôi nhỏm dậy. “Cậu cho rằng không thể có tình yêu mà không có chút bịp bợm sao?”
“Hầu như không, bé ạ”.
“Nhưng dẫu sao con người vẫn có thể tự biến mình thành lố bịch một cách đáng nguyền rủa”.
Lenz cười nhăn nhở. “Hãy nhớ lấy một điều, chú em: không, không và không bao giờ ta có thể biến bản thân ta thành lố bịch trước người đàn bà, một khi ta làm chút gì đó vì nàng. Ngay cả trong những vai kịch đóng tồi nhất. Xin cứ làm những gì cậu muốn… trồng cây chuối, ba hoa những điều thậm ngu ngốc, phô trương như một con công, hoặc nghêu ngao hát trước cửa sổ nhà nàng, chỉ một điều xin chớ: ấy là chớ thực tế! Chớ nghiêm chỉnh!”
Tôi trở nên hoạt bát. “Ý kiến cậu thế nào, Otto?”
Koster cười. “Chắc cũng thế thôi”.
Cậu ta đứng dậy và mở nắp máy chiếc Karl. Tôi đi lấy chai rum và một cái ly, đặt trên bàn. Otto cho xe khởi động. Tiếng máy nổ rất trầm và ấm. Lenz gác cả hai chân lên bậu cửa sổ, mắt trân trân nhìn ra ngoài. Tôi ngồi xuống bên cậu ta. “Đã bao giờ cậu say rượu khi cùng ngồi với một phụ nữ chưa?”
“Thường xuyên”, cậu ta đáp, không hề nhúc nhích.
“Rồi sao?”
Cậu ta hiếng mắt nhìn tôi. “Ý cậu muốn hỏi là sau khi mình lỡ thất thố ấy à? Không bao giờ xin lỗi, bé yêu ạ. Không nhiều lời. Hãy gửi hoa. Không thư từ gì sốt. Chỉ có hoa mà thôi. Hoa sẽ phủ kín tất tật. Thậm chí cả những nấm mồ”.
Tôi nhìn Lenz. Cậu ta không động đậy. Cặp mắt cậu ta lóng lánh phản chiếu ánh sáng trắng bên ngoài. Động cơ ô-tô vẫn nổ, khẽ rù rì, tuồng như mặt đất đang rung rung dưới chân chúng tôi.
“Giờ đây mình có thể thực sự bình tâm uống tí chút”, tôi nói và mở chai rượu.
Koster tắt máy, đoạn quay sang Lenz. “Bây giờ trăng đủ sáng để có thể nhìn thấy ly rượu rồi đấy, Gottfried. Tắt đèn xe đi. Đặc biệt là chiếc Ford. Với cái đèn pha hắt ngược lên, của nợ ấy khiến mình liên tưởng đến chiến tranh. Hay ho gì đâu khi đêm đêm đèn cứ rọi lên trời rình máy bay…”.
Lenz gật đầu. “Nó nhắc mình nhớ tới… chà, thôi mặc!” Cậu ta đứng lên và tắt các ngọn đèn pha.
Trăng đã lên khỏi mái xí nghiệp. Mỗi lúc một tỏ. Và lúc này lơ lửng như một chiếc đèn lồng vàng treo trên cành mận. Những cành lá khẽ đung đưa trong gió thoảng. “Quái lạ thật”, Lenz nói sau một lát im lặng, “Cả sao thiên hạ dựng tượng đài cho đủ loại người… mà không một lần tạc một vầng trăng hoặc một cái cây đang đâm hoa?”
Tôi về nhà sớm. Khi mở cửa hành lang, tôi nghe có tiếng nhạc. Lại chiếc máy quay đĩa của cái cô thư ký Erna Bonig. Một giọng nữ trong trẻo và khẽ khàng. Rồi dồn dập tiếng vĩ cầm trầm đục, tiếng búng bănggiô. Và giọng hát lại cất lên, thiết tha, êm ái, như ngập tràn hạnh phúc. Tôi lắng tai nghe cho rõ lời. Cái giọng nữ hát lên khe khẽ trong khoang hành lang tối tăm này, giữa chiếc máy khâu của bà Bender và hòm xiểng của gia đình Hasse, nghe sao xúc động lạ lùng. Tôi nhìn chiếc đầu lợn lòi nhồi treo trên cửa bếp. Tôi nghe ả người ở xủng xoảng với đống bát đĩa. “Làm sao em có thể sống thiếu anh”, tiếng hát vẳng lại từ sau cánh cửa cách tôi vài bước chân.
Tôi nhún vai, bỏ vào buồng mình.
Ở phòng bên có tiếng cãi vã giận dữ. vài phút sau có người gõ cửa, Hasse bước vào.
“Tôi có làm phiền anh không?” ông hỏi, vẻ mệt mỏi.
“Không phiền gì đâu ạ”, tôi nói. “Bác uống chút gì nhé?”
“Tốt hơn là đừng. Tôi ngồi nhờ một lát thôi”.
Ông đờ đẫn nhìn ra trước mặt. “Anh thế mà lại sướng”, ông nói, “anh độc thân…”
“Ồ, chuyện vớ vẩn”, tôi đáp. “Lúc nào cũng ngồi thu lu một mình thế này cũng chẳng ra sao… Bác cứ tin tôi đi…”
Ông ngồi ủ rũ trong chiếc ghế bành. Mắt ông đục lờ trong ánh sáng mờ ảo mà những ngọn đèn đường ngoài kia hắt vào. Đôi vai trễ, gầy guộc… “Tôi đã hình dung cuộc đời hoàn toàn khác”, ông nói sau một lát im lặng. “Chúng ta ai cũng thế cả”, tôi nói.
Nửa giờ sau ông lại về phòng bên để dàn hòa với vợ. Tôi đưa ông vài tờ báo và nửa chai Curasao sót lại không biết từ đời thưở nào trên nóc tủ – một thứ rượu ngọt, vị khó chịu, nhưng lại rất tốt cho ông. Thì ông có hiểu quái gì về rượu đâu.
Nhẹ nhàng, gần như không tiếng động, ông đi ra, một cái bóng chìm trong bóng tối, tuồng như ông đã tắt ngâm. Tôi đóng cửa lại sau lưng ông. Từ hành lang lại bay vào cái thứ âm nhạc giẻ rách tựa một chiếc khăn lụa màu – tiếng vĩ cầm, tiếng bănggiô trầm đục – “Làm sao em có thể sống thiếu anh…”
Tôi ra ngồi bên cửa số. Ngoài kia, nghĩa trang đắm mình trong ánh trăng lơ. Những khối vuông sặc sỡ của các biển đèn quảng cáo nhảy nhót trên những ngọn cây, và những tấm bia đá sáng lấp lánh. Chúng câm lặng, không chút sợ hãi. Xe hơi lao vèo vèo sát chúng, ánh đèn pha quét loang loáng trên những dòng chữ nhòa nhạt bởi phong sương.
Tôi ngồi như thế khá lâu, nghĩ tới đủ thứ chuyện. Nhớ cả ngày nào chúng tôi từ mặt trận trở về, trẻ trung, mất lòng tin, như những người thợ mỏ được lôi lên khỏi một đường hầm bị sập. Chúng tôi muốn tuần hành chống lại thói dối trá, thói vị kỷ, lòng tham và sự nhẫn tâm, những thứ đã gây nên cái thảm họa mà chúng tôi đã phải trải qua… chúng tôi đã từng tàn ác, từng không có sự tin cậy nào khác ngoài sự tin cậy thằng bạn kề bên mình, và một niềm tin nữa chưa hề biết phản bội: đó là tin vào bầu trời, thuốc lá, cỏ cây, bánh mì và mặt đất… nhưng chúng tôi đã đạt được gì chứ? Tất cả đều bị sụp đố, bị ngụy tạo, bị quên lãng, và kẻ nào không quên nối, kẻ đó chỉ còn sống trong bất lực, tuyệt vọng, lãnh đạm và rượu mạnh, cáo chung rồi cái thời đại của những ước mơ trượng phu vĩ đại. Những kẻ siêng năng hể hả. Tham nhũng. Lầm than.
“Anh thế mà lại sướng, anh độc thân” Hasse đã nói như vậy. Kể cũng hay thật… kẻ nào độc thân, kẻ đó không sợ bị bỏ rơi. Nhưng thỉnh thoảng tối đến, tòa nhà giả tạo sụp đổ, cuộc sống biến thành một giai điệu nức nở, dai dẳng, một con lốc của khát vọng điên cuồng, của thèm muốn, sầu muộn, và niềm hy vọng được thoát khỏi trạng thái tê liệt vô nghĩa này, thoát khỏi cái điệp khúc vô nghĩa của chiếc đàn oóc quay tay muôn thưở này, rồi muốn đến đâu thì đến. Chao, cái nhu cầu ít ỏi được một chút tình người – nó không thể là hai bàn tay và một gương mặt cúi xuống với ta sao? Hay nó cũng chỉ là lừa gạt, từ bỏ và trốn tránh? còn cái gì khác hơn là sự cô đơn?
Tôi đóng cửa số lại. Không, không còn gì khác cả. Mảnh đất dưới chân ta đây quá hẹp, không đủ chỗ cho những thứ khác.
Nhưng sáng hôm sau tôi ra khỏi nhà từ rất sớm, tôi gõ cửa một hiệu hoa nhỏ trước khi đến xưởng. Tôi chọn một bó hồng và nhờ chủ hiệu gửi đi tức khắc. Tôi có cảm giác kỳ lạ khi thong thả ghi lên tấm thiếp cái địa chỉ: Patrice Hollmann.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.