Chủ nhật. Ngày đua xe. Suốt tuần vừa rồi, ngày nào Koster cũng tập dượt. Tối tối, chúng tôi lại chỉnh chiếc Karl, kiểm tra và bôi dầu mỡ chu đáo, không bỏ sót lấy một cái ốc nhỏ. Lúc này cả bọn đang ngồi trong kho phụ tùng chờ Koster từ bãi xuất phát về. Chúng tôi đủ mặt: Grau, Valentin, Lenz, Patrice Hollmann, nhất là Jupp. Chú chàng vận bộ áo liền quần, trang bị kính đua, mũ đua. Chú được phụ xe cho Koster vì nhẹ cân nhất. Tất nhiên Lenz có ý lo ngại. Cậu ta quả quyết rằng cặp tai voi của Jupp sẽ cản gió ghê gớm, nếu chiếc xe không vì thế mà giảm tốc độ đi hai mươi kilômét giờ, thì cũng biến thành tàu lượn sớm.
“Sao cô lại mang cái tên Anh thế?” Gottfried hỏi. Patrice Hollmann bây giờ ngồi bên cậu ta.
“Mẹ tôi là người Anh, bà cũng tên như vậy, Pat”.
“Ồ, Pat à, thế thì lại khác. Dễ gọi hơn nhiều”. Cậu ta lôi ra cái ly và chai rượu. “Nào, chúc tình bạn tốt đẹp giữa chúng ta, Pat! Tôi là Gottfried!”
Tôi nhìn cậu ta chòng chọc. Trong khi tôi còn đang phân vân không biết nên chuyển cách xưng hô với nàng sao đây thì cậu ta đã trơ tráo nói toẹt ra! Thế mà nàng lại cười hưởng ứng, và quả nhiên cũng thân mật gọi cậu ta là Gottfried.
Nhưng như thế cũng chưa thấm vào đâu so với Ferdinand Grau. Anh chàng đã trở nên hoàn toàn mất trí, mắt không rời Patrice Hollmann. Anh ngâm những vần thơ thánh thót và tuyên bố thế nào cũng phải vẽ nàng. Quả nhiên anh ngồi lên một chiếc hòm và bắt đầu vẽ.
“Nghe đây, Ferdinand, đồ chim lợn già khú kia”, tôi vừa nói vừa giật khỏi tay anh tập giấy vẽ, “đừng có động đến những con người đang sống. Đi mà để mắt tới đống xác chết của anh. Và hãy nói những chuyện chung chung thì hơn. Chớ bàn về cô gái nữa mà đây điên tiết lên đấy”.
“Thế sau này các cậu sẽ cùng mình nhậu nốt cáí xác bà dì lão khách hàng của mình chứ?”
“Nốt cả cái xác hay không chưa biết. Nhưng chắc chắn là hết một chân”.
“Được, nếu thế mình sẽ nương nhẹ cậu, chú bé ạ”.
Tiếng động cơ xe nổ giòn như tiếng súng máy râm ran quanh đường đua. Mùi dầu, xăng và thầu dầu khét lẹt. Cái mùi tuyệt diệu, kích động cũng như tiếng nổ giòn giã tuyệt diệu đầy kích động của các động cơ xe đua.
Bên cạnh, đám thợ máy đang làm nhộn nhạo trên những khoảnh đất riêng chất không thiếu thứ gì của họ. Bản thân chúng tôi được trang bị hết sức nghèo nàn. Một ít dụng cụ, mấy chiếc bugi, vài bánh xe với săm lốp dự trù mà một nhà máy cho không chúng tôi, dăm thứ phụ tùng lặt vặt… tất cả chỉ có thế. Koster đâu có chạy đua cho một hãng xe nào. Chúng tôi phải tự chi phí lấy hết. Nên chỉ sơ sài vậy thôi.
Otto đến. Sau lưng cậu ta là Braumuller đã mặc sẵn đồ đua.
“Này, Otto” Braumuller nói, “hôm nay bugi của mình mà đừng giở quẻ thì toi đời cậu! Nhưng chúng sẽ giở quẻ mất!”
“Để rồi xem!” Otto đáp.
Braumuller quay sang đe chiếc Karl. “Giờ hồn trước cỗ máy nghiền của tao!”
“Cỗ máy nghiền” là một chiếc xe mới hết sức đồ sộ mà Braumuller lái. Nó được xem như kẻ sẽ đoạt giải đầu trong cuộc đua.
“Karl sẽ dồn cho cậu tóe phở đấy, Théo!” Lenz gọi chõ sang.
Braumuller toan giở giọng lính tráng bốp chát thưở trước ra, nhưng vội kìm lại khi thấy Patrice Hollmann trong đám chúng tôi, anh ta trừng mắt, cười khẩy vào khoảng trống trước mặt rồi phóng đi.
“Thắng tuyệt đối”, Lenz hể hả nói.
Tiếng những chiếc xe máy sủa nhặng trên đường đua. Koster phải mặc quần áo đua. Karl được đăng ký vào nhóm xe thể thao.
“Bọn mình không thể giúp cậu được nhiều, Otto ạ”, tôi nói, mắt nhìn đống dụng cụ.
Cậu ta phẩy tay. “Cũng chẳng cần thiết. Karl mà đã sụm thì đến cả một xưởng sửa chữa cũng không cứu vãn nổi”.
“Bọn mình có cần giơ biển ra để cậu biết chừng không?”
Koster lắc đầu. “Bãi xuất phát đông nghịt người. Mình nhìn được. Thêm nữa Jupp sẽ chú ý”.
Jupp hăng hái gật đầu. Chú run người vì hồi hộp, miệng không ngừng nhá sô-cô-la. Nhưng chỉ lúc này thôi. Tiếng súng xuất phát vừa nổ, chú lập tức bình tĩnh như rùa. “Nào đi… đi cho may mắn!”. Chúng tôi đẩy Karl lên phía trước. “Chớ có chựng lại khi xuất phát đấy, cái xác thú yêu dấu của bọn ta”, Lenz nói, tay vuốt ve bộ tản nhiệt. “Đừng bắt cha già của mày vỡ mộng, nghe Karl!”
Karl rồ đi. Chúng tôi nhìn theo. “Xem kìa, cái đồ đồng nát gì kỳ cục thế kia”, một kẻ nào đó bỗng lên tiếng bên cạnh chúng tôi. “Bố khỉ, đuôi thì vểnh ngược như đít đà điểu!”
Lenz ưỡn thẳng người. “Anh nói chiếc xe trắng phải không?” cậu tả hỏi, mặt đỏ gay, nhưng vẫn giữ được bình tĩnh.
“Chính thế”, thằng cha thợ máy hộ pháp ở phần đất bên cạnh ngoảnh đầu đáp qua vai một cách khinh bỉ, tay trao cho thằng bạn đứng bên một chai bia. Lenz bắt đầu líu lưỡi vì quá tức giận, toan leo qua bức rào thấp ngăn giữa hai bên. Ơn Chúa, cậu ta chưa kịp tuôn ra những lời thóa mạ. Tôi ngăn cậu ta lại. “Thôi ngay cái trò ngu ngốc này đi”, tôi rủa, “bọn mình cần cậu ở đây. Cớ gì lại cứ muốn bị càng sớm vào nhà thương cơ chứ!”
Ương bướng như lừa, cậu ta giằng ra bằng được. Cậu ta không thể chịu nổi khi thấy Karl bị xúc phạm.
“Cô nhìn thử”, tôi nói với Patrice Hollmann, “cái thằng dê đực điên khùng này mà lại dám vỗ ngực ta đây là con người lãng mạn cuối cùng cơ đấy! Cô có thể tin nổi cu cậu đã từng sáng tác cả thơ nữa không?”
Hiệu nghiệm tức thì. Tôi đã nhằm đúng vào điểm yếu của Gottfried. “Lâu rồi, trước chiến tranh nhiều”, cậu ta nói vẻ biết lỗi. “Vả lại, chú bé ạ, hóa rồ trong một cuộc đua có gì là nhục. Phải thế không, Pat?”
“Nói chung điên rồ không phải là điều ô nhục”.
Gottfried nghiêng mình. “Một lời cực hay!”
Tiếng động cơ như sấm rền át mọi âm thanh khác. Không khí rung bần bật. Đất chuyển trời rung. Cả đám xe vụt qua.
“Gần bét tĩ!” Lenz gầm gừ. “Cái con vật gớm ghiếc ấy lại ríu cẳng lúc khởi hành rồi”.
“Không sao”, tôi nói. “Khởi hành vốn là nhược điểm của Karl. Bao giờ nó cũng xuất phát từ từ, nhưng rồi sẽ không biết ngừng là gì nữa”.
Tiếng loa vang lên trong tiếng gầm gào lắng dần. Chúng tôi ngỡ như nghe nhầm: Burger, một đối thủ đáng gờm, lại ì ra tại điểm xuất phát.
Đám xe rù rù tiến lại. Tít đằng xa, nom chúng rung bần bật như những con cào cào trên đường đua, rồi chúng hiện ra to dần và vèo qua trước mặt chúng tôi, lướt qua các khán đài, ngoặt vào cua đường rộng. Còn sáu chiếc. Koster vẫn áp chót. Chúng tôi tư thế sẵn sàng! Kể từ khúc ngoặt, tiếng rền vang dội lại khi to khi nhỏ. Rồi cả đoàn xe vọt đến. Chiếc đầu, bám sát sau nó là chiếc thứ hai, thứ ba, rồi Koster. Vượt lên ở khúc ngoặt, giờ đây anh ở vị trí thứ tư.
Mặt trời nhô ra khỏi những đám mây. Những vệt rộng màu trắng và xám tràn ngang con đường đua giờ đây đột nhiên vằn vện như da cọp bởi ánh sáng và bóng râm. Bóng mây lướt trên những đám đông trên các khán đài. Tiếng gầm rú của động cơ xe dội thẳng vào mạch máu của hết thảy chúng tôi như một thứ âm nhạc phi thường. Lenz nhấp nha nhấp nhổm, tôi nhai nát một điếu thuốc lá, còn Patrice Hollmann thì cứ nghếch mũi lên trời chẳng khác gì một chú ngựa con chào đón bình minh. Chỉ có Valentin và Grau là ngồi bình thản tận hưởng ánh nắng mặt trời.
Tiếng đập vang rền của con tim vĩ đại của đoàn xe lại dội gần lại, lướt qua các khán đài. Chúng tôi ngó đăm đăm vào Koster. Cậu ta lắc đầu; cậu ta không muốn thay lốp. Khi trở lại, cậu ta đã nhoai lên được một chút, bám sát bánh sau chiếc thứ ba. Cả hai vụt vào con đường thẳng tắp dài hun hút.
“Mẹ kiếp!” Lenz dốc chai tu ực một ngụm.
“Cậu ta đã tập luyện như vậy”, tôi bảo Patrice Hollmann. “Vượt lên trong lúc quành là biệt tài của Koster”.
“Cũng làm một ngụm từ cái hũ này chứ, Pat?” Lenz hỏi.
Tôi giận dữ nhìn Lenz. Cậu ta thản nhiên chịu đựng cái nhìn của tôi.
“Giá có một cái ly thì hơn”, nàng nói. “Tôi chưa học cách tu chai”.
“Biết ngay mà!” Lenz với tay nhón cái ly. “Đó là những sai lầm của nền giáo dục tân tiến”.
Trong những vòng sau, các tay đua tiếp tục bỏ xa nhau. Braumuller dẫn đầu. Dần dần, bốn chiếc tiên phong bỏ xa những chiếc còn lại tới ba trăm mét. Koster và chiếc thứ ba sóng đôi biến sau khán đài. Đoàn xe lại rầm rầm kéo đến. Chúng tôi nhảy dựng lên. Chiếc thứ ba đâu rồi? Chỉ còn mỗi Otto bám theo hai chiếc kia. Kìa… rốt cuộc chiếc thứ ba cũng rù rì tiến lại với hai lốp sau tơi tả. Lenz ngoác miệng cười khoái trá, chiếc xe dừng lại trước khoảnh đất bên cạnh. Tay thợ máy hộ pháp chửi thề. Một phút sau nó lại lao vun vút trên bộ lốp mới.
Thứ hạng vẫn giữ nguyên trong mấy vòng tiếp theo. Lenz đặt chiếc đồng hồ bấm giây xuống bên cạnh và tính toán. “Karl còn dư sức để tăng tốc nữa”, cậu ta tuyên bố.
“Mình e rằng tụi kia cũng thế”, tôi nói.
“Đồ thối chí!” Cậu ta ném cho tôi một cái nhìn đầy khinh bỉ và phẫn nộ.
Đến vòng áp chót rồi mà Koster vẫn lắc đầu. Cậu ta muốn thử liều không thay lốp xem sao. Cũng chưa nóng tới mức chúng không chịu đựng nổi.
Sự căng thẳng như một con vật trong vắt nằm phục trên quảng trường rộng và các khán đài, khi giờ đây những chiếc xe lao vào phân tranh thắng bại. “Cả bọn hãy nắm lấy gỗ”, tôi nói, tay nắm chặt một cán búa. Lenz túm lấy đầu tôi. Tôi xô cậu ta ra. Cậu ta cười khì, đặt tay lên chiếc gióng gỗ.
Tiếng rền phình lên thành tiếng rú, tiếng rú thành tiếng rống, tiếng rống thành tiếng gầm, tiếng hú huýt chói tai của những chiếc xe chạy hết tốc lực. Braumuller bay lên trên cua đường, bám sát theo là chiếc thứ hai với hai bánh sau xoáy tít, tung bụi mù mịt, nó lạng sâu vào giữa, hình như toan thử từ đó vọt lên. “Hỏng”, Lenz gào.
Koster vừa vặn nhào đến, chiếc xe vù vù leo lên tận rìa vòng đua, chúng tôi đứng chết trân trong tích tắc, nhìn Karl mà tưởng chừng nó sẽ văng ra ngoài, đoạn động cơ rú lên và chiếc xe vọt về phía trước.
“Cậu ta nhấn hết ga!” tôi kêu.
Lenz gật. “Điên rồ!”
Chúng tôi nhoài người qua gióng chắn, phát sốt vì hồi hộp, thành công hay không đây. Tôi nhấc Patrice Hollmann đứng lên thùng dụng cụ.
“Để cô nhìn rõ hơn! Vịn vào vai tôi đây! Chú ý, cậu ta sẽ chộp cả hắn ở khúc ngoặt này”.
“Đuổi kịp rồi!” nàng reo. “Anh ấy đã vượt qua!”
“Cậu ta đang rượt theo Braumuller! Trời đất ơi! Lạy đấng Moses thiêng liêng!” Lenz gào lên, “đúng là cậu ta đã vượt qua và đang rượt theo Braumuller!”
Từ trong đám mây bụi bão tố, ba chiếc xe vọt ra lao về phía chúng tôi, chúng tôi la hét như điên dại, giờ đây thì Valentin và cái giọng ồm ồm kỳ lạ của Grau cũng cùng hòa theo… Sự điên rồ đã mang lại thành công cho Koster, từ trên rìa cao của cua đường nhào xuống, cậu ta đã vượt chiếc thứ hai vì anh cu này không lượng đúng sức mình, để mất đà trong vòng cua quá hẹp. Giờ đây như một con chim kền kền, Koster lao vào Braumuller lúc này bỗng nhiên chỉ còn chạy trước cậu ta hai mươi mét và hình như đang bị trục trặc về điện.
“Chộp lấy, Otto! Chộp lấy nó! Nhai sống cái máy nghiền đi!”, chúng tôi gầm, tay vung tít.
Hai chiếc xe biến vào khúc ngoặt cuối cùng. Lenz lớn tiếng cầu xin tất cả các thần linh ở châu Á và Nam Mỹ phù hộ độ trì cho chúng tôi, tay cậu ta vung vẩy tấm bùa. Tôi cũng moi tấm bùa của mình ra. Patrice Hollmann tựa vào vai tôi, mặt vươn hẳn lên phía trước để quan sát, trông chẳng khác gì gương mặt một pho tượng gắn ở mũi tàu.
Họ đây rồi! Động cơ xe của Braumuller vẫn không thôi khục khặc, khục khặc liên tục. Tôi nhắm nghiền mắt lại; Lenz quay đi, lưng xây lại đường đua… chúng tôi muốn hối lộ định mệnh. Một tiếng thét giật chúng tôi choàng dậy. Chúng tôi còn kịp trông thấy Koster lướt qua đích, về trước Braumuller hai mét.
Lenz điên lên vì sung sướng. Quăng đồ nghề xuống đất, cậu ta trồng cây chuối trên những chiếc lốp.
“Ban nãy anh nói gì hả?” vừa đứng thẳng người dậy, cậu ta đã hét chõ sang tay thợ máy khổng lồ, “đồ đồng nát à?”
“Thôi đi, đồ nỡm, đừng có lảm nhảm rách việc”, tay thợ máy đáp bực bõ.
Và lần đầu tiên kể từ khi tôi biết cậu ta, con người lãng mạn cuối cùng không đùng đùng nổi giận vì bị xúc phạm, mà lại phá lên cười sằng sặc, người co giật như mắc chứng động kinh.
Chúng tôi chờ Otto. Cậu ta còn mắc bận với ban tổ chúc cuộc đua.
“Gottfried”, bỗng một giọng khê nồng gọi sau lưng chúng tôi. Một núi thịt đứng lù lù, bó cứng trong chiếc quần sọc quá chật, chiếc áo khoác xám chấm trắng quá chật, trên chụp chiếc mũ ống màu đen.
“Alphonse!” Patrice Hollman reo.
“Chính hắn”, bác ta xác nhận.
“Chúng tôi thắng rồi, Alphonse ơi!” nàng kêu lên.
“Cứng cựa thật, cứng cựa thật. Có lẽ tôi đến khí muộn, hả?”
“Bác bao giờ cũng đến đúng lúc, Alphonse ạ”, Lenz nói.
“Kỳ thực cốt mang chút gì cho các cậu chén chơi. Thịt lợn rán để nguội và sườn muối đã chặt miếng”.
“Đưa đây và ngồi xuống đi, ông bạn vàng ngọc ơi”, Gottfried reo lên, “chúng mình chén liền đi thôi”.
Cậu ta giở cái gói ra. “Lạy Chúa”, Patrice Hollmann nói, “đủ cho một trung đoàn”.
“Cứ ăn xong đi đã rồi hãy nói”. Alphonse bảo. “Ngoài ra… còn có chút rượu mùi ướp đá đây”.
Bác ta rút ra hai chai “Đã mở nút sẵn”
“Cứng cựa thật, cứng cựa thật”. Patrice Hollmann nói. Alphonse thân thiện nháy mắt với nàng.
Karl rú rú đến. Kostere và Jupp nhảy ra khỏi xe. Trông Jupp như Napoleon thời trẻ. Cặp tai voi của chú hừng sáng như kính màu cửa sổ nhà thờ. Chú ôm trong tay một chiếc cúp bạc to tướng, xấu ghê hồn. “Chiếc thứ sáu”. Koster cười nói. “Họ không bao giờ nghĩ ra được thứ gì khác”.
“Chỉ được độc cái bình sữa ấy thôi à?” Alphonse hỏi, lúc nào cũng thực tế, “Không có tiền mặt sao?”
“Có chứ”. Otto làm bác ta yên lòng, “cả tiền mặt nữa”.
“Thế thì cánh ta gần như ngụp lặn trong tiền”, Grau nói.
“Có vẻ như sắp được một tối xôm ra trò”.
“Đằng tôi chứ?” Alphonse hỏi.
“Rất vinh hạnh”, Lenz đáp.
“Súp đậu với thịt dọi, mông giò và tai lợn”, Alphonse nói, ngay cả Patrice Hollmann cũng giữ vẻ mặt hết sức kính cẩn. “Đãi không, dĩ nhiên!” bác ta nói thêm.
Braumuller lại gần, miệng rủa cái vận rủi của mình, tay đầy những chiếc bugi nhoen dầu mỡ.
“Yên tâm đi, Oscar ơi”, Lenz réo. “Lần đua xe con nít sắp tới, cậu đoạt giải nhất là cái chắc”.
“Các cậu cho mình cơ hội rửa thù bằng thi nốc cognac chứ?” Braumuller hỏi.
“Thậm chí uống bằng cốc vại hẳn hoi”, Grau đáp.
“Vận may không đến với các ông đâu, ông Braumuller”. Alphonse tuyên bố vẻ sành sõi. “Tôi chưa thấy Koster say bao giờ”.
“Tôi cũng chưa thấy Karl vượt trước xe tôi bao giờ”. Braumuller đáp. “Ngoại trừ hôm nay”.
“Hãy chịu đựng cho có phẩm giá”, Grau nói. “Ly của cậu đây. Ta uống mừng sự suy đồi của nền văn hóa thông qua máy móc”.
Khi ra về, chúng tôi toan mang theo số thức ăn thừa. Hẳn còn đủ cho vài miệng ăn. Nhưng chỉ thấy còn trơ tờ giấy gói. “Quái quỷ…” Lenz lầm bầm. “A ha!” Cậu ta trỏ vào chú chàng Jupp đang toét miệng cười ngượng nghịu với hai tay nắm đầy đồ ăn, bụng căng tròn như cái trống. “Âu cũng là một kỷ lục!”
Tôí có cảm tưởng sau bữa ăn khao ở tiệm của Alphonse, Patrice Hollmann được hâm mộ tợn. Tôi bắt chợt Grau lại xin vẽ chân dung của nàng. Nàng cười, nói rằng ngồi mẫu lâu lắm, chụp ảnh tiện lợi hơn.
“Xem ra như thế lại hợp sở trường của anh ta hơn đấy”, tôi châm chọc. “Có lẽ anh ta sẽ truyền thần cô từ một tấm ảnh”.
“Im nào, Robby”. Ferdinand thản nhiên đáp và ngắm nhìn Pat với cặp mắt xanh thơ ngây. “Rượu vào, cậu đâm ra ác… còn mình thành nhân hậu. Đó là sự khác biệt giữa hai thế hệ chúng mình”.
“Anh ta hơn tôi chừng mười tuổi chứ mấy”, tôi nhận xét.
“Ngày nay, mười năm đã là cả một sự khác biệt về thế hệ”, Ferdinand tiếp. “Khác biệt một đời. Khác biệt ngàn năm. Bọn trai trẻ các cậu thì biết gì về đời chứ! Các cậu sợ hãi trước những tình cảm của chính mình. Các cậu không viết thư bao giờ… chỉ biết có điện thoại; các cậu không còn mơ mộng gì… chỉ khỏe rủ nhau đi du hí cuối tuần: các cậu giàu lý trí trong tình ái, nhưng lại không chút lý trí trong chuyện chính trị… một thế hệ đáng thương xót!”
Tôi chỉ để một tai vào đó, tai kia còn mãi hóng sang Braumuller. Anh ta đang ngập ngừng nói với Patrice Hollmannn rằng nàng nhất thiết phải học lái xe với anh ta. Anh ta sẽ truyền cho nàng đủ mọi ngón.
Khi có dịp, tôi bảo riêng anh ta. “Theo mày, con nhà thể thao mà quá để tâm đến phụ nữ rất bất lợi cho sức khỏe”.
“Với mình thì không”, Braumuller nói, “mình có một thể chất tuyệt vời”.
“Được lắm. Thế thì đây báo cho mà biết cái điều chắc hẳn cũng có lợi cho sức khỏe của cậu: giờ hồn có lúc được ăn cái chai này vào đầu”.
Anh ta cười khi, “Tra gươm vào vỏ đi, chú em. Chú em có biết người ta nhận ra con người hào hoa phong nhã ở điểm nào không? Đó là cư xử đứng đắn lịch thiệp ngay cả khi đã say. Và chú em có biết anh đây là gì không?”
“Một thằng huênh hoang!”
Tôi không sợ một trong hai thằng bạn thật sự toan tính tán tỉnh Pat; chuyện đó không thể có giữa chúng tôi. Nhưng tôi không biết đích xác cô gái nghĩ gì… dễ lắm, chưa chừng một thằng lại lọt mắt xanh của nàng. Chúng tôi biết nhau còn quá ít để tôi có thể tin tưởng. Mà nói chung có bao giờ người ta dám tin?
“Chúng ta lẳng lặng chuồn nhé”, tôi rủ nàng.
Nàng gật.
Chúng tôi lang thang qua các lối phố. Trời trở nên ẩm ướt. Sương mù từ từ buông trên thành phố, thứ sương mù xanh, anh ánh bạc. Tôi cầm bàn tay Pat, ủ vào túi áo măng-tô của tôi. Chúng tôi đi như thế khá lâu.
“Mệt chưa?” tôi hỏi.
Nàng lắc đầu, mỉm cười.
Tôi chỉ vào tiệm cà phê mà chúng tôi đi ngang qua.
“Ta vào đâu đó tí chăng?”
“Thôi, khoan đã”.
Chúng tôi đi tiếp, rồi đến bên nghĩa trang. Nghĩa trang tựa một hòn đảo chơi vơi giữa làn sóng nhà bằng đá. Cây cối rì rào. Không còn nhìn thấy ngọn. Chúng tôi tìm một chiếc ghế băng trống, và ngồi xuống.
Những ngọn đèn đường bên rìa phô trước mặt tỏa những quầng sáng run rẩy màu da cam. Trong lớp sương mù mỗi lúc một dày đặc, ánh sáng trở nên huyền ảo như một chuyện thần tiên. Từ những tán cây bồ đề, lũ bọ da say sưa chuếnh choáng bay ra, chúng lượn quanh những ngọn đèn và va mạnh vào các tấm kính ẩm sương. Sương mù biến đổi hết thảy, nâng mọi vật lên và hòa tan chúng, tòa khách sạn đối diện như một con tàu vượt đại dương với những buồng tàu thắp sáng bơi trên mặt gương đen nhoáng của đường nhựa, cái bóng xám xỉn của ngôi nhà thờ sau nó biến thành chiếc thuyền buồm ma quái với những cột buồm cao vống mất hút trong ánh sáng xám đỏ, và giờ đây những dãy nhà như những con phà cũng bắt đầu trôi, dập dềnh cuốn đi…
Chúng tôi ngồi bên nhau câm lặng. Sương mù biến mọi vật thành hư ảo… kể cả chúng tôi. Tôi nhìn cô gái… ánh sáng đèn đường lóng lánh trong cặp mắt mở to của nàng. “Nhích lại gần đây”, tôi nói “nép sát vào anh… kẻo sương mù cuốn em đi mất…”
Nàng quay mặt về phía tôi. Nàng mỉm cười, miệng hé mở, hàm răng trắng nuột, cặp mắt mở to hướng vào tôi… nhưng tôi cảm giác như chúng chẳng hề nhìn tôi… tưởng chừng lướt qua tôi, nàng gửi nụ cười vào cái dòng chảy màu xám anh ánh bạc, tưởng chừng ngọn gió trên các ngọn cây và những dòng nước ẩm ướt ri rỉ dọc các gốc cây đang thì thầm với nàng một cách ma quái, tưởng chừng nàng đang lắng tai nghe tiếng gọi trầm đục, không thể nghe thấy, vẳng từ sau các thân cây, từ sau thế giới, tưởng chừng nàng phải lập tức đứng dậy và ra đi, xuyên sương mù, tin tưởng, không mục đích, đi theo tiếng gọi trầm đục, đầy bí ẩn của trái đất và cuộc sống.
Sẽ chẳng bao giờ tôi quên nổi gương mặt ấy… Chẳng bao giờ tôi quên gương mặt ngã về phía tôi, nét biểu lộ của nó, vẻ âu yếm dịu dàng lặng lẽ ngập tràn với một sự yên tĩnh tỏa ngời, tựa hồ gương mặt ấy bừng nở… sẽ chẳng bao giờ tôi quên đôi môi nàng đưa lại gần tôi và nhìn tôi: dò hỏi, nghiêm trang, mở to, lóng lánh… rồi từ từ khép lại, như thể hàng phục…
Sương mù vẫn giăng đều. Những cây thập tự trên bia mộ bợt bạc nhô khỏi đám hơi mờ. Tôi lấy áo khoác của mình trùm cho cả hai đứa. Thành phố chìm nghỉm. Thời gian đã chết…
Chúng tôi ngồi thật lâu như thế. Gió bắt đầu dần thổi mạnh lên, những bóng người chao đảo xuyên qua khoảng không xám mờ trước mặt chúng tôi, Tôi nghe những bước chân lạo xạo xen tiếng lầm rầm khe khẽ. Rồi tiếng ghita thoảng rung. Tôi ngẩng đầu lên. Những cái bóng tiến gần lại, hiện ra những dáng người tối thẫm, dồn thành một đám. Im lặng. Và đột nhiên vang lên lời hát: “Jesus, Jesus tìm cả ngươi…”
Tôi giật mình nhổm phắt dậy nghe ngóng. Cái gì vậy? Chúng tôi đang ở trên cung trăng chăng? Một bài hợp xướng đích thực… hợp xướng hai bè nữ…
“Kẻ tội lỗi, kẻ tội lỗi đứng lên mau…” tiếng hát vang trên nghĩa trang trong nhịp quân hành…
Tôi đăm đăm ngó Pat. “Không tài nào hiểu nổi”, tôi nói.
“Hãy sám hối đến quỳ rửa tội…” bài ca tiếp tục, lúc này đã nhanh hơn.
Tôi bỗng hiểu ra. “Trời đất! Té ra đội quân Cứu rỗi!”
“Chớ tiếp tục con đường lầm lỗi”, những cái bóng nhắc nhở trong giai điệu du dương mỗi lúc một bổng lên.
Trong đôi mắt nâu của Pat lấp lánh những tia sáng. Môi nàng khẽ giật giật, vai rung rung.
Giờ đây tiếng hát tiếp tục mãnh liệt không gì cản nổi:
“Lửa địa ngục và đọa đày.
Cái giá đáng sợ cho tội lỗi.
Jesus vời trước ngươi: Tới đây
Đứa con lầm lạc, mau sám hối!”
“Im đi đồ quỷ tha ma bắt!” Bỗng một giọng giận dữ gầm lên đâu đó trong sương mù.
Một phút yên lặng ngỡ ngàng. Nhưng đội quân Cứu rỗi đã quen với sự phiền muộn. Ban hợp xướng lập tức tiếp tục gào to hơn nữa:
“Ngươi muốn gì trên cõi đời đơn độc…”
“Muốn hôn hít, mẹ kiếp!” cái giọng giận dữ gầm lên.
“Ở đây cũng không được yên tai hay sao?”
“Nơi ngươi bị quỷ Satăng phỉnh phờ cám dỗ..” tiếng hát cao vống lên hùng hồn đáp lại.
“Ngữ nạ dòng lập dị già khú các người từ lâu đã không hòng cám dỗ nổi ta!” câu trả lời vọt nhanh từ trong sương mù.
Tôi phá lên cười sằng sặc. Pat cũng không nhìn nổi nữa. Chúng tôi cười rung cả người trước cuộc đấu khẩu trên nghĩa trang. Đội quân Cứu rỗi biết rằng những chiếc ghế dài ở đây là nơi nương náu của các cặp tình nhân chẳng còn biết tìm đâu ra giữa cái thành phố náo nhiệt này một chốn yên tĩnh để ngồi riêng với nhau. Vì vậy nó đã quyết định vung một chưởng mạnh. Nó tổ chúc cuộc bố ráp ngày Chủ nhật để cứu vót những linh hồn. Ngoan đạo, sùng tín, những giọng hát không được rèn giũa rống rõ to lời ca của mình. Các cây đàn ghita phừng phừng họa theo.
Nghĩa trang trở nên nhộn nhạo. Từ trong sương mù vọng ra tiếng cười khúc khích, tiếng gọi nhau. Hình như mọi chiếc ghế dài đều có người ngồi. Kẻ phiến loạn đơn độc của tình yêu nhận được sự ủng hộ vô hình mạnh mẽ từ những kẻ cùng tâm trạng. Một dàn hợp xướng chống đối được hình thành. Hẳn trong đó có các chàng cựu chiến binh bị thứ nhạc hành khúc làm cho hãng máu… vì chỉ loáng sau đã gầm vang bài ca muôn thưở:
“Em đã đi Hamburg
Thấy cuộc đời nở hoa…”
“Ồ chớ ngoan cố lâu hơn nữa”, dàn hợp xướng của những kẻ khổ hạnh the thé gào thêm lần chót, vì đội quân Cứu rỗi với những chiếc mũ đàn bà cong vành gật gù kia đang hoảng loạn cực độ.
Nhưng chiến thắng vẫn về cánh nhà binh quái ác. “Tên em, em chẳng dám xưng”, tiếng hát ồ lên manh mẽ từ những cuống họng khàn đặc.
“Vì em là gái lấm lưng kiếm tiền”.
“Ta đi là vừa”, tôi bảo Pat. “Anh biết bài hát này. Có nhiều đoạn, càng về sau càng ghê. Rời khỏi đây thôi!”
Thành phố lại hiện ra với tiếng còi xe ầm ĩ và tiếng bánh xe lăn. Nhưng nó vẫn bị biến dạng bởi phép mầu. Qua làn sương mù, những chiếc xe buýt trông như những con thú hoang đường khổng lồ, đoàn xe hơi tựa một lũ mèo sáng rực đang trườn đi, còn các ô kính trưng bày hàng chẳng khác nào các hang động kỳ ảo muôn màu sắc.
Chúng tôi đi dọc con đường bên nghĩa trang, rồi tạt ngang quảng trường Chợ. Những chiếc đu quay nhô lên không trung mù mịt như những ngọn tháp âm nhạc lộng lẫy đang quay vù vù, bánh xe quỷ chói lọi trong sắc đỏ sẫm, sắc vàng và tiếng cười, còn mê cung thì lập lòe những ngọn lửa xanh.
“Mê cung được chúc phúc!” tôi nói.
“Vì sao?” Pat hỏi.
“Chúng mình từng cùng vào đó mà”.
Nàng gật.
“Em có cảm giác chuyện đó diễn ra từ thưở nào rồi”.
“Chúng mình lại vào đó nhé?” nàng hỏi.
“Không”, tôi nói. “Giờ thì thôi. Em muốn uống chút gì chăng?”
Nàng lắc đầu. Trông nàng tuyệt vời. Sương mù như một làn hương mỏng khiến nàng càng rạng rỡ hơn.
“Em cũng không mệt chứ?”, tôi hỏi.
“Không, chưa mệt”.
Chúng tôi đến bên những ngôi lều có những chiếc vòng treo trên móc. Trước lều lủng lẳng những chiếc đèn với ngọn lửa trắng cháy, phùn phụt bằng khí cacbua. Pat nhìn tôi. “Không”, tôi nói, “hôm nay anh không ném đâu. Một vòng duy nhất cũng không. Dù có được cả hầm rượu vang của Alaxandre Đại đế”. Chúng tôi bước tiếp, băng qua quảng trường, xuyên những vườn cây thành phố.
“Hẳn cây hoa thụy hương phải quanh quẩn đâu đây”, Pat nói.
“Ừ nghe hương của nó từ xa đưa lại, bay qua thảm cỏ. Thơm lắm. Phải không?”
Nàng nhìn tôi. “Có thế thật”, nàng nói.
“Hẳn nó đã nở rộ. Giờ thì hẳn cả thành phố ngửi thấy”. Tôi thận trọng đưa mắt tìm hai bên xem có còn ở đâu một ghế băng trống. Nhưng chắc do cây hoa thụy hương, do ngày Chủ nhật, hoặc do chính chúng tôi, mà tôi chẳng kiếm được chiếc ghế thừa nào. Mọi ghế đều có người ngồi. Tôi nhìn đồng hồ. Đã quá nửa đêm. “Đi em”, tôi nói, “lại đằng anh… chúng mình sẽ được ngồi riêng với nhau”.
Nàng không đáp, nhưng chúng tôi quay trở lại. Khi đi ngang nghĩa trang, chúng tôi bắt gặp một chuyện không ngờ. Đội quân Cúu rỗi đã kéo viện binh đến. Dàn hợp xướng giờ đây phình ra những bốn hàng. Không chỉ có các bà xơ mà thêm hai hàng nam, mặc đồng phục. Bài ca không chỉ cất lên the thé với hai bè nữ mà tận bốn bè, vang như một cây đàn oóc. Tiếng hát oang oang trên những tấm bia mộ trong nhịp valse. “Jesusdalem thánh dịa…”
Không còn nghe phe hát đối lập lên tiếng. Các ông tướng đã bị quét bay khỏi đó.
“Kiên nhẫn”, ngài Himmelemann, hiệu trưởng trường đại học của tôi trước kia vẫn luôn nói, “kiên nhẫn và siêng năng còn hơn là thiên tài mà buông thả…”
Tôi mở cửa, do dự giây lát. Rồi tôi bật đèn. Hành lang như một đường ống há hoác ra, vàng vọt và ghê tởm. “Nhắm mắt lại em”, tôi khẽ bảo Pat, “cảnh tượng này chỉ thích hợp với những hệ thần kinh chai cứng”.
Bế bổng nàng lên, tôi thong thả bước những bước bình thường, như thể không hề có nàng trên tay, qua đống hòm xiểng và bếp cồn, đến tận buồng mình.
“Kinh quá phải không?” tôi ngượng ngùng nói, mắt dán vào bộ ghế nhung chềnh ềnh trước mắt chúng tôi. Phải, giờ đây tôi thiếu đứt đôi ghế bành bọc gấm của bà Zalewski… tấm thảm, chiếc đèn bàn của Hasse… “Chẳng có gì kinh cả”, Pat nói.
“Có đấy, có đấy”, tôi đáp, và lại bên cửa sổ. “May mà còn cảnh đẹp bên ngoài. Có lẽ ta kéo ghế ra đây chăng”.
Pat đi đi lại lại trong buồng. “Chẳng đến nỗi nào. Nhất là lại ấm tuyệt”.
“Em lạnh à?”
“Em ưa trời ấm”, nàng nói, hơi so vai lên. “Em không thích lạnh và mưa. Em cũng không chịu nổi chúng”.
“Trời… vậy mà chúng mình ngồi phơi sương suốt buổi”.
“Như thế lúc này ngồi đây càng dễ chịu hơn…”
Nàng vươn vai, dạo bước trong phòng với dáng đi tuyệt đẹp của nàng. Hết sức rụt rè, tôi đưa mắt ngó quanh, ơn Chúa, không đến nỗi bừa bãi lắm. Tôi xoay bàn chân gạt đôi giày vải rách vào gầm giường.
Pat đứng trước tủ quần áo, ngước mắt nhìn lên. Trên nóc tủ là chiếc va-li cũ Lenz cho tôi, dán chi chít những nhãn màu ghi dấu những chặng đường phiêu lưu của cậu ta.
“Rio de Janeiro…” nàng đọc. “Manaos… Santiago… Buenos Aires… La Palmas…”
Nàng đẩy chiếc va-li về chỗ cũ, bước lại gần tôi. “Vậy ra anh đã chu du khắp nẻo?”
Tôi lẩm bẩm câu gì đó. Nàng nắm lấy cánh tay tôi. “Nào anh, kể cho em nghe đi, kể em nghe về tất cả những thành phố đó, đi xa như thế hẳn thú vị tuyệt vời…”
Còn tôi thì sao? Tôi thấy nàng trước tôi, xinh đẹp, tươi trẻ, đầy mong đợi, một cánh bướm mà sự tình cờ may mắn đã xua lạc vào căn buồng cũ nát, tồi tàn của tôi, vào cuộc đời vô nghĩa, mờ nhạt của tôi, sát bên tôi mà lại chẳng gần tôi, chỉ một hơi thở, nó có thể vỗ cánh bay lên và lại mất hút… xin quở trách tôi, nguyền rủa tôi, tôi không thể, không thể bảo rằng không, không thể nói tôi chưa hề đặt chân đến những chốn ấy, bây giờ thì không thể…
Chúng tôi đứng bên cửa sổ, sương mù tụ lại, chảy trên những ô kính… và tôi cảm thấy: phía sau sương mù lại rình rập cái điều giấu diếm và che đậy di, dĩ vãng, những ngày ghê rợn ướt át, sự buồn tẻ, sự bẩn thỉu, những mảnh đời thối rữa, sự bất lực, sức người lầm lạc của một cuộc đời vèo trôi vô mục đích… nhưng ở đây, trong bóng tối trước tôi, làm cho tôi gần như bối rối, là cái hơi thở nhè nhẹ, thực tại khó hiểu, sự ấm áp, cuộc đời trong sáng… tôi phải giữ nó bằng được, chiếm đoạt bằng được…
“Rio..” tôi nói… “Rio de Janeiro… một bến cảng thần tiên. Biển vỗ sóng bảy lớp xung quanh vịnh, trên đó nhô lên thành phố trắng toát, nhấp nháy…” Tôi bắt đầu kể về những thành phố oi bức, những đồng bằng trải tít tắp chân trời, những con sóng dâng triều vàng khè chở nặng phù sa, những hòn đảo óng ánh với lũ cá sấu, những khu rừng nuốt chửng các con đường, và tiếng gầm về đêm của bầy báo đốm châu Mỹ, khi con tàu đường sông chạy bằng hơi nước xuyên qua làn không khí ngột ngạt, đượm hương hoa phong lan, sặc mùi mục rữa và thơm mùi vani, xuyên qua bóng tối; Lenz đã kể tôi nghe tất cả những cái đó, nhưng giờ đây tôi tưởng chính mình đã như trải qua chúng, sự hồi tưởng và nỗi khao khát chúng hòa lẫn một cách kỳ lạ với ý muốn thêm thắt tô điểm cho mớ bòng bong tăm tối, tồi tệ của đời tôi, cốt sao không để buột mất cái gương mặt xinh đẹp lạ lùng trước mắt tôi kia, niềm hy vọng đột ngột kia, sự bừng nở đem lại hạnh phúc kia, mà đứng trước nó riêng tôi sao thật nhỏ nhoi. Sau này có thể sẽ có lúc tôi phân trần mọi lẽ, sau này, khi tôi đã khá hơn, khi mọi sự đã bớt mong manh, nhưng bây giờ tôi không thể… “Manaos”, tôi nói, “Buenos Aires”, và mỗi một lời là một lời cầu khẩn, một sự van xin.
Đêm. Ngoài trời bắt đầu mưa. Những giọt mưa rơi dịu dàng, êm ái. Chúng không còn lộp độp như một tháng trở về trước, khi chúng chỉ gặp rặt những cành bồ đề… giờ đây mưa rơi nhè nhẹ trên những chiếc lá non mềm mại, tụ lại rồi chảy xuống, một ngày hội huyền diệu, một dòng chảy bí ẩn về gốc rễ, để rồi từ đó lại dâng lên, nhú những chồi non chờ đón mưa rơi trong các đêm xuân.
Không gian trở nên im ắng. Tiếng ồn ào ngoài phố đã tắt lặng… một ngọn đèn đường trơ trọi đung đưa trên vỉa hè. Những chiếc lá non mỏng manh được rọi sáng từ dưới nom trắng nga, gần như trong suốt và những ngọn cây là những cánh buồm sáng, lấp lánh.
“Nghe tiếng mưa kìa, Pat…”
“Vâng…”
Nàng nằm bên tôi. Mái tóc xõa đen trên đôi gối trắng. Bóng tối của mái tóc khiến gương mặt có vẻ trắng bệch. Một bên vai nàng nhô cao, ánh lên như đồng mờ dưới thứ ánh sáng nào đó, và một vệt sáng mảnh mai đậu trên cánh tay nàng. “Anh nhìn này”, nàng nói, đưa hai bàn tay ra hứng lấy tia sáng.
“Chắc ngọn đèn đường ngoài kia hắt vào”, tới bảo.
Nàng nhỏm dậy. Giờ đây cả gương mặt nàng cũng được rọi sáng, vệt sáng chạy từ vai xuống ngực nàng, vàng như ánh nến, nó thay đổi, hòa làm một, chuyển sang màu da cam, rồi những vòng sáng màu xanh lung linh lướt qua, và đột nhiên xuất hiện phía sau nàng một quầng sáng đỏ rực như hào quang, lên cao dần, đoạn thong thả di động trên trần nhà.
“Đó là bảng điện quảng cáo thuốc lá bên kia đường”.
“Anh thấy chưa, buồng của anh đẹp đấy chứ”.
“Nó đẹp vì có em. Từ bây giờ căn buồng cũng sẽ chẳng còn là nó trước kia… vì em đã đến đây”.
Nàng quỳ trên giường, tắm mình trong ánh sáng xanh lơ. “Nhưng…”, nàng nói, “em sẽ còn đến đây thường xuyên mà… thường xuyên”.
Tôi lặng lẽ ngắm nàng. Tôi nhìn tất cả như qua một giấc ngủ êm ái sáng sủa: sảng khoái, nhẹ nhõm, thư thái và vô cùng hạnh phúc. “Em đẹp lắm, Pat ạ! Đẹp hơn là khi em mặc bất kể loại váy áo nào”.
Nàng mỉm cười, cúi xuống tôi, “Anh phải yêu em hết lòng, anh Robby. Em không biết thiếu tình yêu em sẽ ra sao!”
Mắt nàng nhìn tôi đăm đăm. Gương mặt nàng ghé sát xuống gương mặt tôi, xúc động, hoàn toàn cởi mở, nồng nàn. “Anh phải giữ chặt lấy em”, nàng thì thầm, “em cần có ai đó giữ chặt lấy mình. Không thì em gục mất. Em sợ”.
“Trông em chẳng có vẻ gì là đang sợ sệt cả”, tôi đáp.
“Có đấy. Em chỉ làm ra vẻ thế thôi. Em thường xuyên sợ hãi”.
“Anh sẽ giữ em thật chặt”, tôi nói, vẫn chìm đắm trong trạng thái tỉnh mà mơ hư ảo ấy, trong giấc ngủ mơ màng trong sáng ấy. “Anh sẽ giữ em rõ chặt, Pat ạ. Em sẽ ngạc nhiên cho mà xem”. Nàng đưa tay ôm lấy gương mặt tôi. “Thật không anh?”
Tôi gật. Bờ vai nàng ánh lên biêng biếc như từ dưới nước sâu. Tôi nắm tay nàng, kéo nàng xuống với tôi… một làn sóng, cơn sóng cồn sáng ngời, hổn hển, mềm mại dâng lên, xóa tan hết thảy.
Nàng ngủ trong cánh tay tôi. Chốc chốc tôi lại thức giấc ngắm nhìn nàng. Tôi ngỡ như đêm nay dài vô tận. Chúng tôi đang ở đâu đó bên ngoài thời gian. Tất cả diễn ra quá nhanh chóng, tôi vẫn chưa hiểu nổi. Tôi chưa hiểu nổi một người nào đó có thể yêu tôi. Tôi rất biết, đối với một người đàn ông, tôi có thể là người bạn cực tốt; nhưng tôi không sao hình dung được vì lẽ gì một người phụ nữ lại yêu tôi. Tôi nghĩ đến điều đó chỉ tồn tại trong đêm nay, và tin rằng nó sẽ tan biến khi sáng ra thức dậy.
Bóng đêm trở nên xám nhờ. Tôi nằm thật im. Cánh tay tôi đặt dưới đầu Pat đã tê dại, không còn cảm giác được nữa. Nhưng tôi không động cựa. Mãi tới lúc nàng trở mình trong giấc ngủ và vùi đầu vào chiếc gối, tôi mới rụt tay lại được. Tôi ra khỏi giường hết sức nhẹ nhàng, không gây ra một tiếng động nhỏ trong lúc đánh răng, rồi cạo râu. Tôi còn lấy chút nước hoa xoa lên tóc và sau gáy. Một cảm giác là lạ khi ta lặng lẽ ở trong căn buồng mờ tối với những ý nghĩ và những bóng cây đen sẫm ngoài kia. Khi quay người lại, tôi thấy Pat đã mở mắt và đang quan sát tôi. Tôi nín thở. “Lại đây anh”, nàng nói.
Tôi đến bên nàng, ngồi xuống giường. “Mọi sự vẫn là thật chứ em?” tôi hỏi.
“Sao anh hỏi thế?”
“Anh không biết. Có lẽ vì sáng rồi chăng?”
Trời rạng hơn. “Giờ hãy cho em xin quần áo của em” nàng nói. Tôi nhặt chiếc áo lụa mỏng nằm trên sàn nhà. Nó nhẹ bổng và có chút xíu. Tôi giữ chiếc áo trong tay. Riêng cái này đã hoàn toàn khác, tôi nghĩ. Người nào mặc nó, lại càng khác lạ với mình quá. Sẽ không bao giờ mình hiểu nổi, không bao giờ.
Tôi đưa quần áo cho nàng. Nàng quàng tay lên gáy tôi và hôn tôi.
Rồi tôi đưa nàng về nhà. Chúng tôi chỉ trao đổi đôi ba câu. Chúng tôi sóng vai đi trong bình minh anh ánh bạc. Những chiếc xe chở sữa chạy rầm rầm trên con đường lát đá, những tờ báo được đem đi phân phát. Một ông lão ngồi ngủ trước ngôi nhà, cái cằm run rẩy như sắp long ra. Những chiếc xe đạp thồ bánh mì con lướt qua. Mùi bánh nóng mới ra lò thơm nức phố. Cao tít trên đầu chúng tôi, một chiếc máy bay vụt ngang nền trời xanh.
“Hôm nay sao?” tôi hỏi Pat khi về tới trước cửa nhà nàng.
Nàng mỉm cười. “Bảy giờ nhé?” tôi hỏi.
Trông nàng không chút mệt mỏi. Nàng tươi tỉnh như thể vừa được ngủ đẫy giấc. Nàng hôn tạm biệt tôi. Tôi nán lại trước tòa nhà cho tới lúc thấy đèn phòng nàng bật sáng.
Đoạn tôi quay gót. Trên đường về, đầu óc tôi nảy ra bao điều mà lẽ ra tôi có thể nói cùng nàng, bao lời đẹp đẽ. Tôi lang thang qua các phố và nghĩ đến điều lẽ ra tôi đã nói ra và đã làm giá như tôi chẳng phải là tôi bây giờ. Rồi tôi đi đến các gian hàng chợ. Những chiếc xe chở rau, thịt và hoa đã có đó. Tôi biết ở đây hoa rẻ gấp ba lần so với trong cửa hàng. Có bao nhiêu tiền trong người, tôi dốc sạch ra mua hoa tulip. Những bông hoa rực rỡ tươi nguyên, với những giọt nước đọng lại nơi nhụy. Tôi nhận được cả một ôm đầy. Cô hàng hoa hứa sẽ gửi hoa đến Pat lúc mười một giờ. Cô ta cười với tôi khi hứa như vậy, đoạn gài thêm một túm dày hoa viôlet.
“Chúng sẽ làm vui lòng quý cô ít nhất là mười lăm ngày”, cô ta nói. “Chỉ cần thỉnh thoảng bỏ vào nước cắm một viên pyramidon”.
Tôi gật đầu, trao tiền cho cô ta. Đoạn tôi thong thả đi về nhà.