Biên niên ký Chim vặn dây cót

10 Giờ đến vấn đề kế tiếp (Quan điểm của Kasahara May, Phần 2) ♦



Chào Chim vặn dây cót!

Cuối thư trước em có bảo anh thử nghĩ xem em đang làm gì, ở đâu, vậy anh đã nghĩ chưa? Anh có nghĩ ra được gì không nào?

Thôi thì cứ coi như anh không nghĩ ra được cái gì sất – cái đó thì chắc rồi. Em đành tự kể từ đầu vậy.

Em đang làm việc ở một… nói sao nhỉ… một nhà máy. Một nhà máy to. Nó nằm ở một thị trấn tỉnh lẻ, đúng hơn là trên vùng núi ở ngoại ô một thị trấn tỉnh lẻ nhìn ra biển Nhật Bản. Nhưng anh đừng nghe chữ “nhà máy” mà tưởng tượng ra một nơi toàn những cỗ máy to đùng hiện đại suốt ngày nghiến ầm ầm, băng chuyền chạy liên tục, ống khói thì ùn ùn nhả khói. To thì to thật, nhưng diện tích trải ra trên một vùng rộng thênh thang, sáng sủa và yên tĩnh. Không hề có khói. Em chưa bao giờ hình dung nổi có cái nhà máy nào rộng mênh mông như vậy. Trước đây em chỉ đặt chân đến nhà máy một lần duy nhất, ấy là hồi học tiểu học, lớp em đi dã ngoại và đến thăm một nhà máy kẹo ở Tokyo. Em chỉ còn nhớ mỗi chuyện ở đó ồn ơi là ồn, chật ních những người, ai cũng hì hục làm việc, mặt thì cứ khó đăm đăm. Thành thử đối với em, cái từ “nhà máy” luôn gợi nhớ tới hình minh họa cho “Cách mạng công nghiệp” thấy trong sách giáo khoa ấy.

Làm ở đây hầu như toàn con gái. Gần đó có một tòa nhà, phòng thí nghiệm, ở đó có các ông mặc áo choàng trắng phụ trách mảng phát triển sản phẩm, vẻ lúc nào cũng nghiêm trọng, nhưng họ chỉ chiếm một phần rất nhỏ mà thôi. Còn lại toàn là con gái chưa đầy hai mươi tuổi hoặc lớn hơn một chút, trong đó chắc phải tới bảy mươi phần trăm sống ở các ký túc xá trong khuôn viên nhà máy như em vậy. Ngày nào cũng đi đi về về bằng xe buýt hay ô tô từ thị trấn tới đây thì mệt chết, mà ký túc xá thì lại rất được. Nhà mới xây, phòng toàn phòng đơn, đồ ăn ngon, muốn ăn gì có nấy, tiện nghi thật tuyệt, tiền ăn lại rẻ. Có hồ bơi nước nóng, thư viện, nếu thích thì còn có thể làm những thứ như trà đạo hay cắm hoa (nhưng em thì không thích); nếu thích nữa thì có thể ghi danh vào các nhóm thể thao, thành thử nhiều đứa ban đầu còn đi đi về về, sau chuyển hẳn vào ở ký túc xá. Hầu như đứa nào cũng cuối tuần lại về nhà ăn cơm với gia đình, đi xem phim hoặc đi chơi với bạn trai hay đại loại thế, cho nên tới thử Bảy thì chỗ này vắng tanh vắng ngắt. Hầu như chả có đứa nào như em, cuối tuần chẳng có gia đình nào mà về. Nhưng như em đã nói trước đây, em thích cái cảm giác mênh mông, trống trải của nơi này vào mỗi cuối tuần. Cả ngày em tha hồ đọc sách, nghe nhạc vặn hết cỡ, đi bộ lên đồi chơi, hay ngồi viết thư cho Chim vặn dây cót như lúc này chẳng hạn.

Đám con gái làm chỗ này đều là dân địa phương, toàn con cái nhà nông. Có thể không phải đứa nào cũng vậy, nhưng hầu hết đều vui vẻ, khỏe mạnh, lạc quan yêu đời, siêng năng làm lụng. Vùng này không có nhiều ngành công nghiệp, thành thử trước đây đám con gái hễ tốt nghiệp trung học xong là toàn lên thành phố tìm việc làm. Đám trai ở lại trong thị trấn chẳng có ai để lấy làm vợ, lại khiến cho dân số ngày càng giảm. Thế là chính quyền thành phố quyết định cắt một mảnh đất to rồi mời các doanh nghiệp xây nhà máy, để con gái vùng này không phải bỏ đi nữa. Em thấy ý tưởng đó thật là hay. Ý em là thậm chí là bây giờ có người ở vùng khác lặn lội về đây, như em chẳng hạn. Nay thì, khi tốt nghiệp trung học xong (hoặc sau khi bỏ học, như em vậy), đám con gái thảy đều đi làm ở nhà máy, dành dụm tiền để khi đến tuổi thì lấy chồng và nghỉ việc, sinh vài ba đứa con rồi phì lũ ra như cá heo, đứa nào đứa nấy giống nhau y đúc. Dĩ nhiên, cũng có vài người lấy chồng xong vẫn tiếp tục làm việc, nhưng hầu hết đều thôi.

Đến đây thì anh chắc đã hình dung được khá rõ chỗ này là thế nào rồi chứ?

Vậy giờ câu hỏi kế tiếp cho anh là: ở nhà máy này người ta sản xuất cái gì?

Gợi ý: Anh với em có lần làm một việc có liên quan đến nhà máy này. Anh em mình đến khu Ginza làm điều tra.

Nào nào, Chim vặn dây cót! Giờ thì ắt hẳn anh phải đoán ra rồi chứ?

Chính thế! Em đang làm việc ở một nhà máy làm tóc giả! Ngạc nhiên chưa?

Trước em có kể với anh về chuyện em đã bỏ cái chỗ khách sạn cao cấp kiêm nhà tù kiêm trường học thượng lưu chỉ sau sáu tháng rồi chỉ nằm khoèo ở nhà, như con chó bị gãy chân. Thế rồi, đột nhiên trong đầu em nảy ra ý nghĩ về cái nhà máy làm tóc giả. Em nhớ ông chủ công ty đó có lần nói nửa đùa nửa thật rằng nhà máy chẳng bao giờ đủ người làm cả, và bất cứ lúc nào, nếu em muốn thì họ sẽ thuê em ngay. Thậm chí ông ấy còn cho em xem tờ quảng cáo về nhà máy đó, em rất thích, cảm thấy nhà máy này hay thật, làm ở đây cũng tốt chứ sao. Sếp em bảo đảm con gái ở đó chỉ làm việc bằng tay thôi, cắm từng sợi tóc lên nền tóc giả ấy mà. Làm tóc giả là việc rất tinh vi, chứ đâu phải là cái nồi nhôm, gõ một cái, gõ hai cái, gõ ba cái là xong đâu. Phải trồng từng túm tóc một, tóc thật ấy, hết sức, hết sức cẩn thận, từng túm nhỏ, thì mới nên bộ tóc giả có chất lượng được. Nghe đã chóng mặt chưa nào? Ý em là, theo anh trên đầu người ta có bao nhiêu sợi tóc? Có đến hàng trăm ngàn! Mà để làm bộ tóc giả thì phải cắm toàn bộ ngần ấy sợi tóc bằng tay, như người ta cấy mạ ngoài đồng ấy. Thế nhưng bọn con gái chẳng đứa nào kêu ca. Đó là bởi vùng này là “Xứ tuyết”, mùa đông rất dài, từ lâu đàn bà con gái nhà quê đã có tập quán làm hàng thủ công đặng có cái ăn trong mùa đông. Chắc cũng vì vậy mà công ty chọn chỗ này để đặt nhà máy.

Nói thật với anh, em cũng chẳng nề hà gì khi làm công việc chân tay kiểu này. Nhìn qua thì không biết đâu, nhưng chính ra em đan giỏi lắm đấy. Thầy cô ở trường cứ khen em luôn. Anh vẫn không tin em sao? Thật đấy mà! Chính vì vậy mà em đã nảy ra ý nghĩ: hay mình lên nhà máy ở trên núi làm việc đi, để hai tay mình bận rộn từ sáng đến tối và không nghĩ tới bất cứ chuyện gì cho nặng đầu, có khi vậy cũng hay đấy. Em chán trường học, nhưng em cũng chả ưa gì nếu cứ lông bông và bắt cha mẹ phải lo cho mình mãi (mà em tin chắc là ba mẹ cũng nghĩ thế), nhưng em lại chẳng hề thiết làm bất cứ việc gì, thành thử, càng nghĩ lui nghĩ tới, em càng thấy việc duy nhất em làm được là vào nhà máy này thôi.

Em nhờ bố mẹ làm người đỡ đầu, sếp của em thì làm người giới thiệu (họ thích bảng điều tra của em lắm), em qua cuộc phỏng vấn ở văn phòng công ty, và ngay tuần kế tiếp em đã gói ghém đồ đạc xong (mà đâu phải em chỉ mang theo mỗi quần áo và máy nghe nhạc thôi không). Em một mình lên tàu tốc hành, sau đó chuyển sang một tuyến xe điện nhỏ dễ thương chạy lên miền đồi núi, cứ thế đến thẳng cái thị trấn đèo heo hút gió này. Ấy thế mà em có cảm giác như mình đã đến đầu bên kia thế giới vậy! Em quả thật là bị choáng khi bước ra khỏi xe! Lúc ấy em nghĩ: mình đã phạm sai lầm khủng khiếp. Nhưng rốt cuộc thì không phải: em ở đây đã sáu tháng nay, chẳng có chuyện gì không ưng ý, em cũng đã quen dần với chỗ này rồi.

Chẳng biết tại sao mà từ xưa tới nay em luôn quan tâm đến tóc giả. Không, nói thế chưa đúng. Có khi cần phải nói là những bộ tóc giả luôn có sức “lôi cuốn” em, kiểu như một số cậu trai bị xe mô-tô lôi cuốn vậy. Anh biết đấy, trước kia thì em chưa thực sự biết đâu, nhưng từ khi em đi làm nghiên cứu thị trường và có cơ hội thấy bao nhiêu là người hói (hay gọi theo cách của công ty là những “người có vấn đề về rụng tóc”), em mới thật sự vỡ ra rằng có quá nhiều người như vậy ở trên đời! Chẳng phải vì em có cảm tình riêng theo cách này hay cách khác với những người hói (hay có vấn đề về rụng tóc) đâu. Em chẳng “thích” cũng chẳng phải “không thích” họ. Như anh Chim vặn dây cót chẳng hạn. Dù tóc của anh có rụng nhiều hơn bây giờ đi nữa (chuyện ấy có còn lâu nữa đâu), thì tình cảm của em đối với anh vẫn hoàn toàn không thay đổi. Cái cảm xúc mạnh mẽ trong em mỗi khi gặp một người đang bị rụng tóc, ấy là cái cảm xúc mà chắc em đã có lần nói với anh, ấy là đời mình đang tàn dần. Nay thì đó mới là cái em thật sự bận tâm!

Có lần em nghe nói người ta đạt mức tăng trưởng cao nhất ở một độ tuổi nào đó (mười chín hay hai mươi gì đó, em quên rồi), sau đó thì cơ thể bắt đầu hao mòn dần. Nếu đúng vậy thì chuyện tóc rụng dần và ngày càng thưa đi chẳng qua chỉ là một phần của quá trình cơ thể “hao mòn đi” mà thôi. Có gì lạ đâu. Rất bình thường và tự nhiên. Có lạ chăng là thế này: một số người bị hói từ khi còn trẻ, trong khi người khác dù có già đi nữa cũng chẳng bao giờ hói. Em biết rằng nếu em bị hói, hẳn em sẽ cho rằng thật không công bằng. Ý em là đầu bị hói thì bàn dân thiên hạ nhìn vào, chả giấu đi đâu được! Dù em hiểu cảm giác của họ thế nào, nhưng chuyện rụng tóc không liên quan gì tới em.

Trong hầu hết trường hợp, người bị mất tóc chẳng có tội tình gì trong chuyện anh ta bị rụng nhiều hay ít hơn người khác. Hồi em còn làm bán thời gian, sếp em bảo gen di truyền quyết định tới chín mươi phần trăm việc người ta có bị hói hay không. Người nào thừa hưởng gen rụng tóc từ ông và cha thì sớm muộn gì cũng sẽ hói, dù anh ta có làm gì để ngăn chặn thì cũng bằng thừa. Cái câu “Nhân định thắng thiên” không áp dụng được ở đây. Nếu khi đã đến lúc cái gen ấy đứng dậy nói: “Nào, tiến hành đi thôi nhỉ?” (đó là nếu như các gen có thể đứng dậy mà nói được) thì tóc sẽ cứ thế rụng thôi, không còn cách nào khác. Chẳng lẽ thế là công bằng sao? Em thì em biết, không công bằng chút nào hết.

Vậy là giờ anh đã biết em đang ở rất xa anh, đang làm việc ở nhà máy này, làm cật lực ngày này qua ngày khác. Và anh đã biết em có mối quan tâm riêng, quan tâm sâu sắc, đối với tóc giả và nghề làm tóc giả. Thư sau em sẽ kể chi tiết hơn về cuộc sống và công việc của em ở đây.

Thôi nhé. Tạm biệt.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.