Biên niên ký Chim vặn dây cót

Chương 06( part 02)



Bà ta không trả lời, chỉ rút một điếu Virginia Slims đưa lên môi. Một gã bồi bàn cao lớn có đường nét cân đối bỗng dưng hiện ra như từ dưới đất chui lên, châm lửa cho bà ta bằng một động tác thuần thục. Hắn quẹt diêm làm phát ra một âm thanh rõ ràng, khô khốc, cái loại âm thanh có khả năng kích thích ăn ngon miệng. Xong việc đó rồi, y chìa cho chúng tôi xem thực đơn. Tuy nhiên, bà ta chẳng buồn xem mà nói ngay rằng chúng tôi không quan tâm đến các món đặc biệt trong ngày.

– Cho tôi món Salad và một ổ bánh mì, và một món cá nào đó thịt trắng. Món salad chỉ cần nhỏ vài giọt xốt dầu giấm thôi, thêm một tí tiêu. Và một cốc nước khoáng không đá.

Tôi chẳng thú gì chuyện vùi đầu vào thực đơn.

– Tôi cũng vậy, – tôi nói.

Tay bồi cúi chào, đoạn rút lui. Dường như thực tại của tôi vẫn chưa sao tìm lại được tôi.

– Tôi hỏi chỉ vì tò mò thôi, chứ không có ý gì, – tôi nói, cố thử lần nữa hòng moi được của bà ta một lời giải thích. – Bà đã mua ngần ấy thứ cho tôi, tôi không dám phê phán gì, nhưng liệu có đáng cho bà bỏ ra ngần ấy thời gian, công sức và tiền bạc không?

Bà ta lại không trả lời.

– Tôi chỉ tò mò thôi, – tôi lại nói.

Lại không trả lời. Bà ta quá bận ngắm bức tranh sơn dầu trên tường, chẳng hơi đâu bận tâm đến chuyện trả lời tôi. Bức tranh hẳn là vẽ phong cảnh nước Ý, với một cây thông được cắt tỉa công phu, vài nếp nhà thôn quê tường sơn màu đỏ hung rải rác trên những ngọn đồi. Những căn nhà nhỏ xíu nhưng thật đáng yêu. Tôi tự hỏi loại người nào có thể sống trong những căn nhà đó: hẳn là những người bình thường, sống một cuộc sống bình dị. Chẳng ai trong số họ bỗng dưng gặp một người đàn bà bí hiểm chả biết từ đâu chui ra mua cho họ hết com lê đến giày rồi lại đồng hồ. Chẳng ai trong số họ phải tính tính toán toán số tiền khổng lồ họ phải kiếm cho ra đặng có thể mua một cái giếng cạn khô. Tôi cảm thấy ghen tị đến nhức nhối với những kẻ sống trong một thế giới bình thường như vậy. Tôi vốn không phải người hay ghen tị, nhưng quang cảnh trong bức tranh kia khơi dậy cảm giác đó trong tôi một cách lạ lùng. Giá như tôi có thể bước vào bức tranh đó ngay bây giờ, ngay ở đó! Giá như tôi có thể bước vào một trong những căn nhà thôn quê đó, thưởng thức một ly vang, rồi chui vào một góc nhà mà đánh một giấc ngon lành tịnh không nghĩ ngợi gì!

Gã bồi quay lại rất nhanh, đặt một cốc nước khoáng trước mặt người đàn bà và tôi. Bà ta dụi thuốc vào gạt tàn.

– Sao cậu không hỏi tôi chuyện gì khác? – bà ta nói.

Trong khi tôi ngẫm nghĩ xem có thể hỏi bà ta chuyện gì khác, bà ta nhấp một ngụm nước khoáng.

– Anh thanh niên ở trong văn phòng ở Akasaka là con trai bà phải không? – tôi hỏi.

– Dĩ nhiên, – bà ta đáp không do dự.

– Anh ấy không nói được à?

Người đàn bà gật đầu.

– Từ khi mới sinh nó đã nói rất ít, nhưng năm lên sáu tuổi đột nhiên nó ngừng nói hẳn. Dù thế nào thì thế, nó thôi dùng giọng của mình.

– Tại sao vậy? Có lý do nào không?

Bà ta lờ đi câu hỏi của tôi. Tôi cố nghĩ đến một điều khác.

– Nếu anh ấy không nói được thì làm sao có thể điều hành công việc?

Bà ta chỉ hơi nhíu mày một chút. Không phải bà ta lờ đi câu hỏi của tôi, nhưng rõ ràng bà ta không có ý định trả lời.

– Tôi cuộc rằng anh ta mặc hay mang gì cũng đều là do bà chọn, từ đầu tới chân. Như với tôi vậy thôi.

– Tôi không ưa thấy người ta ăn mặc lôi thôi. Chỉ có thế. Gì chứ chuyện ấy thì tôi không chịu được. Tôi muốn ít nhất là những người quanh tôi ăn mặc càng đàng hoàng càng tốt. Tôi muốn cái gì ở họ cũng phải đâu ra đó, dù người ngoài có nhìn thấy hay không.

– Vậy chắc hẳn bà không thích khúc ruột thừa của tôi rồi, – tôi cố nói đùa.

– Cậu có vấn đề về hình dạng của khúc ruột thừa à? – bà ta hỏi, nhìn thẳng vào tôi với vẻ hoàn toàn nghiêm túc.

Tôi lấy làm tiếc đã đùa như vậy.

– À không, tạm thời thì ổn, – tôi nói. – Tôi chỉ nói thế thôi, không có ý gì. Kiểu như “ví dụ” thôi mà.

Bà ta vẫn nhìn tôi soi mói hồi lâu – hẳn bà ta đang nghĩ tới khúc ruột thừa của tôi.

– Vậy đó, tôi muốn những người chung quanh tôi trông phải đàng hoàng đâu ra đó, dù tôi có phải tự trả tiền về việc đó đi nữa. Chỉ có thế thôi. Đừng bận tâm làm gì. Tôi làm tất cả các chuyện này hoàn toàn là để cho tôi. Bản thân tôi luôn thấy tởm lợm – hầu như một cách sinh lý – mỗi khi nhìn thấy quần áo lôi thôi lếch thếch.

– Kiểu như nhạc sĩ thì không chịu nổi khi nghe thấy âm nhạc bị chơi lạc điệu phải không?

– Đại loại thế.

– Lúc nào bà cũng mua quần áo cho tất cả những người chung quanh mình như thế này à?

– Ừ. Thật ra quanh tôi đâu có nhiều người lắm. Tôi thì có thể không thích cách ăn mặc của người ta, nhưng tôi đâu thể mua quần áo cho tất cả thiên hạ trên đời, đúng không?

– Cái gì cũng có giới hạn, – tôi nói.

– Chính thế.

° ° °

Lát sau món salad được dọn lên, chúng tôi ăn. Đúng như người đàn bà đã dặn, mỗi suất salad chỉ được nhỏ vài giọt xốt dầu giấm, ít đến nỗi có thể đếm trên một bàn tay.

– Cậu có gì muốn hỏi tôi nữa không? – bà ta hỏi.

– Tôi muốn biết tên bà, – tôi nói. – Để cho tiện dùng thôi.

Bà ta im lặng giây lát, miệng nhai một miếng củ cải. Thế rồi giữa hai mí mắt bà ta hình thành một nếp nhăn sâu, như thể bà vừa nhai phải một cái gì đó đắng ngắt trong mồm.

– Sao cậu lại cần phải dùng tên tôi chứ? Viết thư cho tôi thì chắc là không rồi. Tên với tuổi, nếu có chăng thì cũng quan trọng gì đâu.

– Nhỡ ra tôi phải gọi bà khi bà đang quay lưng lại chẳng hạn? Không biết tên thì gọi bằng gì?

Bà ta đặt nĩa xuống đĩa rồi dùng khăn lau miệng.

– Tôi hiểu ý cậu rồi. Chuyện ấy tôi hoàn toàn không nghĩ đến. Cậu nói đúng, gặp tình huống như vậy thì cậu cần tên tôi thật.

Bà ta ngồi ngẫm nghĩ hồi lâu. Trong khi bà ta nghĩ, tôi ăn món salad.

– Xem nào, cậu cần một cái tên thích hợp những khi cần gọi tôi từ sau lưng chẳng hạn, đúng không nào?

– Nói chung là thế.

– Vậy đó không nhất thiết là tên thật của tôi, đúng không?

Tôi gật.

– Tên, tên… kiểu tên nào là hay nhất nhỉ?

– Chắc là một cái tên đơn giản, dễ gọi. Nếu có thể thì một cái gì đó cụ thể, một vật nào đó sờ mó được, nhìn thấy được. Kiểu vậy thì dễ nhớ.

– Chẳng hạn?

– Chẳng hạn như tôi gọi con mèo của tôi là Cá thu. Tôi mới đặt tên cho nó hôm qua.

– Cá thu, – bà ta gọi to lên, như để xác nhận âm thanh của từ đó.

Đoạn bà ta đăm đăm nhìn một lát vào cái giá đựng muối tiêu trên bàn, rồi ngẩng đầu lên nhìn tôi mà nói:

– Nhục đậu khấu.

– Nhục đậu khấu?

– Ừ… Tự nhiên nảy ra trong đầu tôi thế… Cậu có thể gọi tôi vậy, được chứ?

– Dĩ nhiên là được. Thế còn con trai bà thì gọi sao đây?

– Quế.

– Rau mùi, xô thơm, hương thảo, húng tây, – tôi nói, ý muốn nhắc lại một giai điệu 1.

– Akasaka Nhục đậu khấu và Akasaka Quế. Không dở phải không?

Akasaka Nhục đậu khấu và Akasaka Quế: liệu Kasahara May có bị sốc chăng nếu cô bé biết tôi đã làm quen với những người như vậy! “Chim vặn dây cót ơi là Chim vặn dây cót! Anh không thể làm quen với người nào khác bình thường hơn một chút sao?”. Ừ, tại sao không thể, hở Kasahara May? Câu hỏi đó tôi không trả lời được.

– Thử nghĩ mà xem, – tôi nói. – Năm ngoái tôi gặp hai người đàn bà tên là Kano Malta và Kano Creta. Kết quả là xảy ra với tôi chẳng còn thiếu chuyện gì. Tuy nhiên, giờ thì họ không ở đây nữa.

Nhục đậu khấu khẽ gật đầu để trả lời, nhưng không góp ý gì.

– Họ biến đi đâu đó thôi, – tôi khẽ khàng nói thêm. – Như hạt sương lúc sáng hè vậy. Hoặc tan đi như ngôi sao lúc bình minh.

Bà ta lấy nĩa ghim một thứ gì đó như là lá diếp xoăn cho vào miệng. Rồi, như thể đột nhiên nhớ lại một lời hứa từ lâu trước đây, bà ta với tay lấy cốc nước uống một ngụm.

– Chắc cậu muốn biết về số tiền kia đúng không? Số tiền cậu nhận được ngày hôm kia ấy? Tôi nói đúng không nào?

– Vâng, bà nói đúng. Tôi rất muốn biết điều đó.

– Kể cho cậu thì cũng được, nhưng chuyện có thể rất dài đấy.

– Liệu có thể kể hết trước khi tới món tráng miệng không?

– Chắc là không, – Akasaka Nhục đậu khấu nói.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.