Biên niên ký Chim vặn dây cót

Chương 13( part 02)



Trước tiên, Tiến sĩ Wataya không phản đối việc xem xét lại mối quan hệ giữa ông Okada và cô Kumiko. Nói cách khác, Tiến sĩ sẽ không chống lại nếu hai ông bà quyết định nối lại quan hệ vợ chồng. Hiện nay cô Kumiko không có ý định đó, nên chuyện đó sẽ không xảy ra ngày một ngày hai, nhưng nếu ông vẫn không chịu ly hôn mà sẵn sàng đợi bao lâu cũng được thì ông ấy cũng chấp nhận. Ông ấy sẽ không khăng khăng đòi ông phải ly dị như trước nữa, vì vậy nếu ông muốn liên lạc gì với cô Kumiko thì có thể thông qua tôi. Nói cách khác, sẽ không còn bế quan toả cảng nữa, quan hệ ngoại giao được phục hồi, có thể nói vậy. Đó là việc thứ nhất. Ông thấy thế nào, hở ông Okada?

Tôi ngồi thụp xuống sàn vuốt đầu con mèo, không nói gì. Ushikawa quan sát tôi và con mèo một lát rồi nói tiếp.

– Dĩ nhiên là chừng nào chưa nghe hết những gì tôi cần nói thì ông không thể nói gì cả. Vậy thì tôi sẽ nói cho đến hết. Việc thứ hai đây. Cái này thì e chừng phức tạp hơn một chút. Nó liên quan tới một bài báo có tựa đề “Căn nhà có dớp” đăng trên một trong các tuần báo. Tôi không biết ông Okada đã đọc chưa, bài báo rất hay. Viết giỏi lắm. “Một nơi xúi quẩy tại khu dân cư sang trọng ở Setagaya. Những năm qua đã có nhiều người chết bất đắc kỳ tử. Con người kỳ bí vừa mua khu đất ấy là ai? Cái gì đang diễn ra sau hàng rào cao đó? Bí ẩn lại chồng lên bí ẩn…”

Tiến sĩ Wataya đọc bài báo thì nhận ra rằng “căn nhà có dớp” nằm rất gần nhà của ông, ông Okada ạ. Ông ấy đâm ra có ý nghĩ này: biết đâu có mối liên hệ nào đó giữa căn nhà đó với ông Okada. Thế là ông ấy điều tra… ồ không, phải nói là tôi đây, gã Ushikawa hèn mọn đi trên đôi chân nhỏ ngắn tũn này, đã mạn phép tự lãnh phần điều tra vụ việc, và kia rồi: đúng như Tiến sĩ đã dự đoán, ông Okada đây ngày nào cũng theo cái ngõ đó đi đi về về giữa nhà mình với nhà kia và rõ là dính líu ra trò tới những gì có trời biết đang diễn ra trong đó. Chính tôi phải kinh ngạc khi trông thấy nhãn tiền cái trí thông minh mẫn tuệ đến kỳ tài của Tiến sĩ Wataya.

Cho tới giờ chỉ mới có một bài báo, chưa có bài nào tiếp theo, nhưng ai biết được? Than hồng sắp tắt vẫn có thể lại bùng lên bất cứ lúc nào. Chuyện thú vị đến thế kia mà! Vì vậy Tiến sĩ Wataya lo lắm. Nhỡ ra trong một vụ lôi thôi nào đó lại lôi ra tên cậu em rể ông ấy thì sao? Xì căng đan ra trò nhé! Nói gì thì nói, Tiến sĩ Wataya đang là nhân vật có tiếng tăm. Báo chí sẽ nhâu nhâu bám lấy như ruồi… Lại còn mối quan hệ rắc rối giữa ông và cô Kumiko nữa. Họ sẽ thổi phồng đến đâu ấy chứ. Ai lại chẳng có vài chuyện không muốn bị phô ra trước thiên hạ, phải không nào? Nhất là những chuyện riêng tư. Hiện nay đang là thời điểm hệ trọng trong sự nghiệp chính trị của Tiến sĩ Wataya. Ông ấy phải vượt qua cái vụ này một cách hết sức cẩn trọng thì mới cất lên được. Thành thử ông ấy đã nghĩ ra cách này cho ông. Nếu ông Okada cắt đứt mọi liên hệ với “căn nhà có dớp” thì ông ấy sẽ suy nghĩ nghiêm túc về việc tái hợp giữa ông và cô Kumiko. Chỉ có thế thôi. Ông thấy thế nào? Tôi nói đã đủ rõ chưa?

– Chắc là rõ, – tôi nói.

– Vậy ông nghĩ sao? Về những gì tôi vừa nói ấy?

Tôi vừa vuốt cổ con mèo vừa ngẫm nghĩ một chút rồi nói:

– Tôi không hiểu. Tại sao Wataya Noboru lại cho rằng tôi có liên hệ này nọ với cái nhà đó được? Làm thế nào anh ta nghĩ ra được chuyện đó cơ chứ?

Ushikawa ngoác miệng cười, nụ cười làm mặt y méo xệch lại, nhưng mắt y vẫn lạnh như băng. Y rút một điếu thuốc ra khỏi hộp rồi quẹt diêm châm lửa.

– Chà chà, ông Okada, ông hỏi những câu hóc quá đi. Hãy nhớ, tôi chỉ là thằng đưa tin hèn mọn. Một bồ câu đưa thư đần độn, đem thư tới, mang thư hồi âm về, thế thôi. Chắc ông hiểu. Tuy nhiên, tôi có thể nói thế này: Tiến sĩ không phải là thằng ngốc. Ông ấy biết dùng cái đầu mình, ông ấy còn có kiểu giác quan thứ sáu, cái ấy thì người thường không có được. Ông cũng cho tôi nói điều này nữa, ông Okada ạ: ông ấy có quyền lực thực sự trong cái thế giới này, mà cái quyền lực ấy ngày càng mạnh. Đừng nhắm mắt làm ngơ, hãy thừa nhận nó thì hơn. Ông có lí do để không thích ông ấy – với tôi thì chuyện ấy không sao cả, không phải việc của tôi – nhưng vấn đề không còn ở chuyện thích hay không thích nữa mà đã đi xa hơn thế nhiều. Tôi muốn ông hiểu chuyện đó.

– Nếu Wataya Noboru đầy quyền lực như vậy, tại sao hắn ta không bắt tờ tạp chí kia thôi ngay, không được đăng nhưng bài kiểu đó nữa? Làm như vậy đơn giản hơn nhiều chứ.

Ushikawa mỉm cười. Rồi y rít một hơi thuốc dài.

– Ông Okada ơi là ông Okada! Ông đừng ăn nói hồ đồ vậy. Nói gì thì nói, ông với tôi đang sống ở Nhật Bản, một trong nhưng nước dân chủ đáng tin cậy nhất thế giới kia mà. Có đúng không? Đây nào phải một xứ độc tài xung quanh toàn đồn điền chuối với sân bóng đá chứ. Dù một chính sách có quyền lực đến cỡ nào ở xứ này đi nữa bóp chết một bài báo trong tạp chí không phải là chuyện dễ. Nguy hiểm cực kỳ. Ông có thể dập đám chóp bu của tờ báo dễ như trở bàn tay, nhưng rồi sẽ có người bất mãn. Đã có người bất mãn thì chỉ tổ khiến thiên hạ chú ý nhiều hơn. Với nhưng đề tài nóng như kiểu này thì không thể buộc thiên hạ nhất nhất theo mình được. Tin tôi đi. Còn chuyện này nữa, nói riêng giữa tôi với ông thôi: có thể còn một vài nhân vật ám muội dây vào vụ này nữa, nhưng nhân vật này ông không biết đâu, ông Okada ạ. Trong trường hợp đó thì rốt cuộc sẽ dính líu không chỉ tới Tiến sĩ. Đến khi đó thì cục diện sẽ hoàn toàn khác. Ta hãy so sánh chuyện này với đi nhổ răng. Cho đến giờ chúng ta mới đến giai đoạn chọc vào một chỗ mà thuốc tê vẫn có tác dụng. Chính vì vậy chăng ai kêu ca gì. Nhưng chẳng mấy chốc mũi khoan sẽ chạm tới dây thần kinh, khi đó sẽ có người nhảy dựng khỏi ghế. Ai đó sẽ đùng đùng nổi giận. Ông hiểu điều tôi nói chứ? Tôi không có ý dọa ông đâu, nhưng tôi, cái lão già Ushikawa này, tôi cảm thấy như ông đang từ từ dấn vào một lãnh địa nguy hiểm mà không biết.

Xem chừng rốt cuộc Ushikawa đã nói hết những gì cần nói.

– Ý ông là tôi nên rút lui trước khi bươu đầu mẻ trán? – tôi hỏi.

Ushikawa gật đầu.

– Đây chẳng khác gì chơi bóng ngay giữa đường cao tốc vậy. Nguy hiểm cực kỳ. Với lại, chuyện này sẽ gây cho Wataya Noboru lắm phiền toái.

– Thành thử nếu tôi rút lui thì anh ta sẽ cho tôi liên lạc với Kumiko?

Ushikawa lại gật

– Nói chung là vậy.

Tôi nhấp một ngụm bia. Rồi tôi nói:

– Trước hết, để tôi nói với ông thế này. Tôi sẽ đưa Kumiko về, nhưng việc ấy tự tôi sẽ làm, không cần Wataya Noboru giúp. Tôi không cần hắn giúp. Có một điều ông nói đúng: tôi không ưa Wataya Noboru. Dù vậy, như ông nói, đây không phải là chuyện ưa hay không ưa. Vấn đề còn hơn thế. Tôi không chỉ không ưa Wataya Noboru, tôi còn không thể chấp nhận ngay chính sự tồn tại của hắn. Vì vậy sẽ không có chuyện dàn xếp gì với hắn hết. Ông làm ơn truyền đạt lại với hắn như thế. Và đừng bao giờ trở lại căn nhà này mà không xin phép một lần nữa. Đây là nhà của tôi, chứ không phải tiền sảnh khách sạn hay ga tàu điện.

Ushikawa nheo nheo mắt nhìn tôi từ dưới cặp kính. Mắt của y vẫn bất động. Cũng như trước, chúng hoàn toàn vô cảm. Không phải chúng hoàn toàn không biểu hiện cảm xúc gì. Nhưng ở đó chẳng có gì khác ngoài một cái gì đó tạm thời được nặn ra dành riêng cho tình huống này. Ushikawa giơ lòng bàn tay phải to một cách mất cân đối lên như để kiểm tra xem có mưa không.

– Tôi hoàn toàn hiểu. – Y nói. – Ngay từ đầu tôi đã biết là không dễ mà, nên tôi không ngạc nhiên trước câu trả lời của ông. Ngoài ra, tôi khó mà ngạc nhiên vì chuyện gì lắm. Tôi hiểu ông, và tôi thấy vui rằng mọi chuyện được nói ra một cách thẳng thắn thế này, không “rằng thì là mà” gì hết, chỉ một tiếng “có” hoặc “không”, đơn giản. Vậy dễ cho mọi người. Loại bồ câu đưa thư đần độn như tôi sợ nhất là những câu trả lời vòng vo tam quốc, chẳng biết là đen hay trắng nữa! Trên đời thiếu gì khối những trường hợp như vậy! Chả phải tôi than phiền đâu, nhưng ngày nào tôi cũng gặp toàn những vị trả lời cứ như đánh đố nhau. Làm thứ việc này tổn thọ lắm, phải nói với ông thế. Ông có hiểu ý tôi không hở ông Okada? Ông lúc nào cũng hoài nghi, lúc nào cũng cố lần ra những động cơ thầm kín của người ta, chẳng bao giờ dám tin vào những gì rõ ràng, đơn giản. Kinh khủng lắm, ông Okada ạ, thật đấy.

Thế thì được, ông Okada à, tôi sẽ cho Tiến sĩ biết ông đã có một câu trả lời rõ ràng, dứt khoát. Nhưng ông đừng mong mọi chuyện tới đây là xong. Ông có thể muốn chấm dứt chuyện này đi, nhưng không đơn giản vậy đâu. Chắc hẳn tôi sẽ còn phải tới gặp ông nữa. Tôi lấy làm tiếc buộc ông phải dây dưa với một thằng lùn xấu xí nhếch nhác thế này, nhưng xin ông hãy cố làm quen ít nhất là với sự hiện hữu của tôi. Tôi không có ác cảm cá nhân nào với ông cả, ông Okada ạ. Thật đấy. Nhưng tạm thời, dù ông có muốn hay không, ông sẽ không dễ dàng gạt bỏ tôi đâu. Nói thế nghe hơi lạ, nhưng ông hãy cố nghĩ về tôi như thế. Tuy nhiên, tôi có thể hứa với ông một điều. Tôi sẽ không tự tiện vào nhà ông như vậy nữa. Ông nói đúng lắm: cư xử như vậy không nên. Ôi cha, lẽ ra tôi phải quỳ xuống xin ông cho vào mới phải chứ. Lần này tôi không có cách nào khác, xin ông hiểu cho. Đâu phải khi nào tôi cũng trơ tráo như vậy. Ngược lại với bề ngoài, tôi là một người bình thường. Từ đây trở đi, tôi sẽ làm như mọi người là gọi điện thoại trước. Thế là ổn chứ, phải không? Tôi sẽ gọi một lần, gác máy rồi lại gọi nữa. Bằng cách đó thì ông sẽ biết đó là tôi gọi đấy, và ông có thể tự nhủ: “Ồ, lại cái thằng đần Ushikawa đây mà” khi nhấc máy. Nhưng xin ông hãy nhấc máy. Bằng không, tôi sẽ lại chẳng có cách nào khác hơn là tự tiện vào. Cá nhân tôi đâu muốn làm vậy, nhưng đã ăn lương thì phải vẫy đuôi thôi, thành thử khi sếp bảo “Làm đi!” thì tôi phải cố làm cho bằng được. Ông hiểu mà.

Tôi chẳng nói gì. Ushikawa dụi mẫu thuốc còn lại vào đáy cái vỏ hộp thức ăn mèo, đoạn liếc đồng hồ đeo tay như thể chợt nhớ ra chuyện gì.

– Ôi cha mẹ ơi, muộn quá rồi! Trước là xông bừa vào nhà, sau đó nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển với ông, rồi lại uống bia của ông nữa. Ông thứ lỗi cho nhé. Như tôi đã nói trước đây, ở nhà chẳng có ai đợi tôi về cả, thành thử mỗi khi gặp người cùng nói chuyện được thì tôi có thể cà kê tới sáng. Buồn quá phải không ông? Tôi phải nói điều này, ông Okada ạ, sống một thân một mình thì không lâu được đâu. Thiên hạ nói thế nào ấy nhỉ? “Không ai là một hòn đảo cả” 4. Hay là “Nhàn cư vi bất thiện”.

Ushikawa phủi phủi vài hạt bụi tưởng tượng bám trên đùi rồi đứng dậy.

– Không cần tiễn tôi đâu, – y nói. – Tôi đã tự vào đây thì cũng có thế một mình ra về được. Tôi sẽ nhớ khóa cửa. Tuy nhiên, xin có lời cuối khuyên ông, ông Okada ạ, mặc dù có thể ông không muốn nghe. Trên đời này có những chuyện tốt nhất là không nên biết. Dĩ nhiên, đó cũng chính là những chuyện người ta muốn biết hơn cả. Lạ thật! Dĩ nhiên, tôi chỉ nói chung chung thế thôi… Không biết khi nào chúng ta sẽ gặp lại nhau? Mong rằng tới khi đó mọi chuyện sẽ ổn hơn. Thôi nhé, chúc ngủ ngon.

° ° °

Mưa vẫn rơi lâm thâm suốt cả đêm, mãi gần rạng sáng mới ngớt, nhưng cái bóng dáng nhớp nháp của gã đàn ông bé nhỏ kỳ quặc cùng với mùi thuốc lá không lọc của y cứ nhằng nhẵng trong nhà như hơi ẩm mãi không sao hết được.

——————————–

1 Anh em Osmond: một ban nhạc lừng danh của Mỹ, khởi nghiệp vào đầu thập niên 1969 – ND.
2 Ushikawa, viết bằng Hán tự (Kanji) là Ngưu Hà – ND.
3 Okada, viết bằng Hán tự (Kanji) là Cương Điền – ND.
4 “No man is a island,” một câu trong bài thơ nổi tiếng của thi sĩ – nhà truyền học người Anh John Donne (1572-1631), hàm ý không một người nào có thể sống hoàn toàn tách biệt với những người khác. Mỗi người là một mảnh đất của lục địa, mỗi người đều có những mối liên kết với những người khác, số phận của anh ta luôn gắn liền với số phận của cái toàn thể – ND.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.