Biên niên ký Chim vặn dây cót

26 Biên niên ký sự số 8 của Chim vặn dây cót (hay cuộc thảm sát vụng về thứ hai) ♦



Chưa tới 6 giờ sáng, viên bác sĩ thú y người Nhật đã thức giấc. Rửa mặt bằng nước lạnh xong, anh làm bữa điểm tâm. Mùa hè trời rạng sớm, hầu hết thú trong vườn thú Tân Kinh đã dậy rồi. Cửa sổ mở để lọt vào tiếng kêu của bầy thú, cùng với làn gió mang theo mùi của chúng, cái mùi giúp cho anh biết thời tiết mà không phải nhìn ra ngoài. Đó là một phần thủ tục hàng ngày của anh ở Mãn Châu: lắng nghe, sau đó hít bầu không khí buổi sáng, thế là anh đã sẵn sàng cho một ngày mới.

Tuy nhiên, hôm nay phải khác hẳn ngày hôm trước. Không thể không khác. Quá nhiều giọng, quá nhiều mùi đã không còn nữa! Hổ, báo, sói, gấu, tất cả đã bị thanh trừng bởi những người lính chiều hôm trước. Giờ đây, sau khi ngủ một đêm, viên bác sĩ thú y cảm thấy như những sự kiện đó là một phần của cơn ác mộng lờ đờ mà anh đã mơ từ lâu, lâu lắm. Nhưng anh biết, những sự kiện đó thực sự đã xảy ra. Tai anh vẫn còn đau âm ỉ vì tiếng gầm của những họng súng. Đó không thể là giấc mơ được. Giờ đang là tháng Tám năm 1945, và anh đang ở đây, thành phố Tân Kinh; quân đội Xô Viết đã tràn qua biên giới và mỗi giờ một áp sát hơn. Đây là thực tại – cũng thực như cái chậu và bàn chải răng mà anh đang thấy trước mặt mình.

Tiếng rống của lũ voi khiến anh thấy nhẹ lòng đôi chút. À vâng, lũ voi thì sống sót. May thay, viên trung úy trẻ đảm trách nhiệm vụ ngày hôm qua vẫn còn sự nhạy cảm thông thường của con người để loại lũ voi ra khỏi danh sách bị thanh trừng, bác sĩ thú y vừa rửa mặt vừa nghĩ. Từ khi tới Mãn Châu, anh đã gặp vô khối những tay sĩ quan trẻ kiêu ngạo và cuồng tín đến từ đất nước anh, và những cuộc gặp đó luôn luôn khiến anh sửng sốt. Hầu hết bọn họ là con nhà nông, tuổi niên thiếu của họ trôi qua trong thời kỳ suy thoái những năm 30, chìm trong thảm kịch đói nghèo, lại bị nhồi sọ bởi một chủ nghĩa dân tộc tự cao tự đại. Họ sẵn sàng tuân lệnh cấp trên mà không suy nghĩ, dù lệnh đó có kỳ quặc đến đâu. Nếu nhân danh Thiên Hoàng người ta ra lệnh cho họ đào một cái lỗ xuyên qua trái đất tới Brazil, họ sẽ chộp lấy xẻng đào ngay. Một số người gọi đây là “sự thuần khiết”, nhưng viên bác sĩ thú y có từ khác để gọi nó. Là con trai một bác sĩ ở thành thị, được giáo dục trong môi trường tương đối tự do của Nhật Bản trong thập niên 1920, viên bác sĩ thú y không bao giờ hiểu được những tay sĩ quan trẻ đó. Bắn chết dăm con voi lẽ ra còn dễ hơn nhiều so với đào hầm xuyên trái đất tới Brazil, nhưng gã trung úy ngày hôm qua, mặc dù nói năng hơi nhuốm giọng nhà quê, dường như là một kẻ mang nhiều tính người hơn so với những tay sĩ quan khác – có giáo dục hơn và biết suy xét hơn. Bác sĩ thú y cảm nhận được điều đó qua cách ăn nói và cư xử của người sĩ quan này.

Dù thế nào đi nữa, lũ voi đã không bị giết, và bác sĩ thú y tự nhủ, có lẽ anh cần phải biết ơn về điều ấy. Cả những người lính ắt cũng vui vì khỏi phải làm việc đó. Các công nhân Trung Hoa thì hẳn là tiếc hùi hụi vì lũ voi đã được tha mạng, không thì họ đã có thể tha hồ xẻ thịt và lấy ngà voi.

Bác sĩ thú y đun nước, thấm ướt râu bằng một cái khăn nóng rồi cạo râu. Sau đó anh ăn điểm tâm một mình: trà, bánh mì và bơ. Suất ăn ở Mãn Châu còn lâu mới đủ no, nhưng so với những nơi khác thì vẫn còn hậu hĩ lắm. Đây là tin tốt lành cho cả anh lẫn lũ thú. Bọn thú tỏ ra phẫn nộ khi phần ăn của chúng bị cắt giảm, nhưng tình hình ở đây còn tốt chán so với các sở thú ở quê nhà Nhật Bản, nơi nguồn thức ăn đã cạn kiệt đến mức không thể nào cạn kiệt hơn. Không ai tiên đoán được tương lai, nhưng ít nhất là hiện giờ, cả vật lẫn người đều chưa đến nỗi quá đói ăn.

Anh tự hỏi giờ này vợ và con gái đang làm gì. Họ đã trở về Nhật từ mấy hôm trước, nếu xuôi chèo mát mái thì giờ này chuyến tàu chở họ hẳn đã đến bờ biển Triều Tiên. Sau đó họ sẽ lên tàu biển về Nhật. Bác sĩ thèm được nhìn thấy họ như anh vẫn thấy mỗi buổi sáng khi thức dậy. Anh thèm được nghe giọng nói liến thoắng của hai mẹ con khi họ chuẩn bị bữa điểm tâm. Một sự im lặng trống rỗng ngự trị căn nhà. Đây không còn là căn nhà mà anh từng yêu thương, nơi chốn mà anh từng là một phần của nó. Thế mà hiện giờ anh lại không thể không cảm thấy một niềm vui kỳ lạ khi được ở lại một mình trong cái chốn cư ngụ chính thức trống trơ này, giờ đây anh có thể cảm nhận được trong chính xương thịt mình cái sức mạnh bất khả cưỡng của số mệnh.

Số mệnh ở đây là căn bệnh chết người của chính viên bác sĩ thú y. Từ khi còn trẻ, anh đã có một nhận thức minh bạch kỳ lạ rằng “ta, với tư cách cá nhân, đang sống dưới sự kiểm soát của một thế lực ở bên ngoài ta”. Đây hẳn là vì vết bầm màu xanh dương sống động trên má phải của anh. Từ nhỏ, anh đã căm ghét vết bầm, cái dấu ấn này chỉ mình anh chứ không ai khác phải mang trên da thịt. Mỗi khi những đứa trẻ khác chòng ghẹo anh hay người lạ nhìn chằm chặp vào anh, anh chỉ muốn chết quách cho xong. Giá như có thể lấy dao cắt phăng phần cơ thể đó của mình đi thì tốt biết mấy! Nhưng khi trưởng thành, anh dần lặng lẽ chấp nhận vết bầm trên mặt mình, rằng “nó sẽ chẳng bao giờ biến đi cả”. Đây có thể là một nhân tố giúp anh hình thành nên một thái độ điềm tĩnh trước tất cả những gì liên quan đến số mệnh.

Hầu như bất cứ lúc nào, uy lực của số mệnh cứ dai dẳng như một bè đệm êm ả và đơn điệu chỉ tô thêm sắc màu cho những đường viền của cuộc đời anh. Hiếm khi anh nhớ tới sự tồn tại của nó. Nhưng cứ từng lúc, đột ngột, thế cân bằng thay đổi (mà cái gì điều khiển thế cân bằng đó thì anh không hề biết: anh không phát hiện được sự đều đặn lặp lại nào trong sự thay đổi đó); cái lực đó thường tăng lên, nhấn anh vào một trạng thái cam chịu gần như tê liệt. Những lúc đó, anh không có cách nào khác ngoài từ bỏ tất cả và phó mặc mình cho dòng chảy. Bằng kinh nghiệm anh biết, anh không thể làm hay nghĩ ra bất cứ cái gì để thay đổi tình thế. Số mệnh sẽ đòi phần của nó, và chừng nào chưa nhận được phần mình, nó sẽ không đi đâu cả. Anh tin chắc điều đó.

Chẳng phải vì anh là kẻ thụ động, thật ra, anh là người quyết đoán hơn hầu hết kẻ khác, anh luôn luôn thông suốt trong quyết định của mình. Trong nghề nghiệp cũng vậy, anh là người xuất chúng: một bác sĩ thú y có kỹ năng tuyệt vời, một nhà giáo dục không mệt mỏi. Có thể anh thiếu chút gì đó sáng tạo, nhưng hồi còn đi học anh luôn giành điểm cao và thường được chọn là học sinh đầu lớp. Ở nơi làm việc cũng vậy, ai cũng nhìn nhận rằng anh là người vượt trội, những người dưới đều ngưỡng mộ anh. Nhất định anh không phải là người theo thuyết định mệnh theo nghĩa người ta thường nghĩ. Thế nhưng, chưa bao giờ anh được nếm trải niềm xác tín vững chãi rằng chính anh chứ không phải ai khác là người quyết định mọi việc. Anh luôn luôn có cảm giác rằng chính số mệnh đã buộc anh phải quyết định việc này việc kia miễn sao lợi cho nó. Thảng hoặc, sau phút chốc hài lòng rằng mình đã quyết định điều gì đó bằng ý chí tự do, anh mới nhận ra rằng mọi việc đã được định đoạt từ trước bằng một thế lực ngoại tại nguỵ trang một cách khôn ngoan thành ý chí tự do, ấy chỉ là miếng mồi ném ra trước mặt anh để nhử cho anh hành xử như thể đó là do ý của chính anh. Những việc duy nhất anh đã tự mình quyết định một cách hoàn toàn độc lập thảy đều là những chuyện vặt vãnh mà nếu xét kỹ sẽ thấy thật ra chẳng cần phải quyết định gì hết. Anh thấy mình như một quốc vương trên danh nghĩa, chẳng biết làm gì khác ngoài việc ấn con triện hoàng gia lên các văn kiện theo lệnh một quan nhiếp chính, kẻ thật sự thao túng quyền lực trong vương quốc – khác nào vị hoàng đế của cái đế quốc bù nhìn Mãn Châu này.

Bác sĩ yêu vợ và con gái. Có vợ con là điều tuyệt diệu nhất từng xảy đến với anh, đặc biệt là con gái, người mà anh yêu đến gần như mê muội. Vì họ, anh có thể vui lòng hy sinh tính mạng mình. Mà thật, anh vẫn thường tưởng tượng như vậy, và trong tâm trí anh, những cái chết mà anh đã hứng chịu vì vợ con dường như là những cái chết ngọt ngào nhất người ta có thể tưởng tượng ra. Thế nhưng, mỗi khi đi làm về, nhìn thấy hai mẹ con, anh lại tự nhủ: Nói cho cùng, những kẻ này là những con người riêng biệt, mỗi người một cõi, ta không có mối liên hệ nào với họ hết. Họ là một cái gì đó khác mà anh không thực sự hiểu, tồn tại ở nơi nào đó rất xa bên ngoài anh. Và mỗi khi cảm thấy như vậy, anh lại thoáng qua ý nghĩ rằng thực ra anh đã không hề tự chọn lấy người này hay người nọ cho bản thân; tuy nhiên, điều đó không ngăn anh yêu thương họ vô điều kiện, quên mình. Đối với viên bác sĩ, đây là một nghịch lý lớn, một mâu thuẫn không thể giải quyết được, là cái bẫy khổng lồ giăng sẵn cho suốt cuộc đời anh.

Tuy nhiên, khi còn trơ lại một mình ở căn nhà trong vườn thú, anh cảm thấy cái thế giới mà mình thuộc về đã trở nên đơn giản hơn, dễ hiểu hơn nhiều. Giờ anh chỉ còn mỗi việc chăm nom lũ thú. Vợ con đã đi rồi. Không cần nghĩ về họ nữa. Viên bác sĩ có thể ở một mình cùng định mệnh.

Mà trên tất cả, chính định mệnh, cái uy lực to lớn của định mệnh, chính nó mới là cái cầm chịch nơi đây, chứ không phải đội quân Quan Đông, không phải quân đội Xô Viết, không phải quân của Đảng cộng sản Trung Quốc hay của Quốc dân đảng. Ai cũng có thể thấy rằng chính định mệnh là chúa tể nơi đây, còn ý chí cá nhân chẳng là cái quái gì. Hôm trước, chính định mệnh đã tha mạng cho lũ voi nhưng chôn vùi lũ hổ, báo, sói và gấu. Còn hôm nay nó sẽ chôn vùi ai, và sẽ tha mạng cho ai? Đó là những câu hỏi không người nào có thể trả lời.

Viên bác sĩ thú y rời nhà để chuẩn bị cho bầy thú ăn sáng. Cứ đinh ninh sẽ chẳng ma nào tới làm việc nữa, nhưng anh lại gặp hai thằng bé Trung Hoa đang đợi anh ở văn phòng. Anh không biết chúng. Hai đứa trạc mười ba, mười bốn tuổi, gày gò, da đen xỉn, cặp mắt thú láo liên. “Người ta bảo tụi cháu giúp ông”, một đứa nói. Viên bác sĩ gật đầu. Anh hỏi tên chúng, nhưng hai đứa không trả lời. Gương mặt chúng vô cảm, như không hề nghe thấy câu hỏi. Hiển nhiên là hai đứa trẻ này do mấy người Trung Hoa vẫn còn làm việc ở đây cho tới ngày hôm qua cử đến. Có lẽ giờ đây những người đó đã chấm dứt mọi tiếp xúc với người Nhật để chờ chế độ mới, nhưng họ cho rằng trẻ con thì chắc sẽ không bị người ta hạch tội. Bọn trẻ được cử tới như một cử chỉ thiện chí. Các công nhân biết rằng bác sĩ sẽ không thể một mình xoay xở cho lũ thú ăn.

Viên bác sĩ cho mỗi đứa trẻ hai cái bánh quy, rồi cắt đặt công việc để chúng giúp anh cho lũ thú ăn. Họ dắt một chiếc xe la kéo từ chuồng này qua chuồng nọ, cho từng con thú ăn thức ăn dành riêng cho chúng và thay nước. Lau rửa chuồng thì họ không làm. Giỏi lắm họ chỉ có thể lấy vòi phun qua loa cho sạch phân. Nói gì thì nói, vườn thú đang đóng cửa nên dù có khăm khẳm một chút thì cũng chẳng ai than phiền.

Hoá ra nhờ không còn hổ, báo, gấu và sói mà công việc lại nhẹ đi rất nhiều. Chăm sóc lũ thú ăn thịt cỡ lớn vừa rất vất vả lại vừa nguy hiểm. Dù viên bác sĩ cảm thấy bứt rứt đến đâu khi bước ngang qua dãy chuồng của chúng nay trống rỗng, anh vẫn không nén được cảm giác nhẹ nhõm do không còn phải làm cái công việc kia.

Họ bắt đầu làm từ tám giờ và kết thúc lúc mười giờ hơn. Sau đó bọn trẻ biến mất mà không nói một lời. Bác sĩ cảm thấy kiệt sức vì làm việc vất vả. Anh quay lại văn phòng để báo cáo với giám đốc vườn thú rằng bọn thú đã được cho ăn.

° ° °

Ngay trước buổi trưa, viên trung uý quay lại vườn thú cùng với chính tám người lính mà y đã mang tới hôm qua. Cũng lại võ trang đầy mình, họ đi đến đâu là súng ống va leng keng đến đấy, người chưa xuất hiện mà từ xa đã nghe thấy tiếng. Áo họ lại cũng đen nhẻm vì mồ hôi. Ve sầu cũng kêu râm ran trên cây giống hôm qua. Tuy nhiên, hôm nay toán lính tới đây không phải để giết thú. Viên trung uý giơ tay chào giám đốc vườn thú rồi nói: “Chúng tôi cần biết tình hình vườn thú hiện nay còn bao nhiêu xe kéo và vật kéo có thể sử dụng được”. Giám đốc cho y hay, vườn thú có đúng một con la và một cái xe. “Hai tuần trước chúng tôi đã đóng góp cho quân đội chiếc xe tải duy nhất cùng hai con ngựa”, ông ta lưu ý. Viên trung uý gật đầu và thông báo rằng y sẽ trưng dụng ngay con la cùng chiếc xe, theo lệnh của Bộ Tư lệnh đội quân Quan Đông.

– Đợi một chút, – viên bác sĩ thú y cắt ngang. – Chúng tôi cần cái xe với con la để cho thú ăn hai lần một ngày. Đám công nhân người địa phương của chúng tôi đi cả rồi. Không có con la với cái xe thì bọn thú sẽ chết đói. Dù có đi nữa thì chúng tôi cũng đã khó lòng trụ được rồi.

– Tất cả chúng ta đều khó lòng trụ được, thưa ông, – trung uý nói, cặp mắt đỏ ngầu, mặt lởm chởm râu ria. – Ưu tiên hàng đầu của chúng ta là bảo vệ thành phố. Ông có thể thả bọn thú ra khỏi chuồng bất cứ lúc nào nếu cần. Chúng tôi đã thanh toán xong đám thú ăn thịt nguy hiểm. Lũ còn lại thì chẳng gây hại cho ai. Đây là quân lệnh, thưa ông. Ông phải tự xoay xở lấy thôi.

Viên trung uý cắt ngang cuộc trò chuyện và ra lệnh cho binh lính đi lấy con la và chiếc xe. Khi họ đã đi khỏi, bác sĩ thú y và giám đốc vườn thú nhìn nhau. Giám đốc nhấp trà, lắc đầu, không nói gì.

Bốn tiếng đồng hồ sau, đám lính quay lại dẫn theo con la và chiếc xe goòng, trong xe có chất cái gì đó lù lù trồi lên, phủ kín bằng một tấm vải bạt dày. Con la thở hổn hển, sùi bọt mép vì cái nắng chang chang và phải kéo quá sức. Tám người lính dùng lưỡi lê điệu bốn người Trung Quốc đi đằng trước – đó là những người rất trẻ, hẳn chỉ độ hai mươi tuổi, mặc đồng phục bóng chày, tay trói quặt sau lưng. Những vết bầm tím trên mặt cho thấy rõ họ đã bị đánh tơi bời. Mắt phải của một người sưng húp đến nỗi hầu như nhắm tịt lại, người khác môi còn rỉ máu loang đỏ ối cả chiếc áo bóng chày màu sáng. Ngực áo họ không ghi chữ nào, nhưng có những hình chữ nhật nhỏ nơi mà bảng tên đã bị giật ra. Con số trên lưng họ là 1, 4, 7 và 9. Viên bác sĩ thú y không thể nào hình dung vì sao, tại đúng thời điểm nước sôi lửa bỏng này, bốn gã trai Trung Quốc kia lại mặc đồng phục bóng chày, hoặc vì sao họ bị đánh tơi bời và bị toán lính Nhật điệu tới đây. Quang cảnh có vẻ như không thuộc về thế giới này, mà là tranh vẽ của một bệnh nhân tâm thần.

Viên trung uý hỏi mượn giám đốc vườn thú vài cái cuốc, xẻng. Trông y còn xanh xao phờ phạc hơn trước. Bác sĩ dẫn y cùng đám lính tới chỗ giá để dụng cụ ở phía sau văn phòng. Viên trung uý chọn hai cái cuốc và hai cái xẻng cho toán lính. Rồi y bảo bác sĩ đi cùng y. Sau đó, bỏ đám lính lại, y đi về phía một bụi cây phía bên kia đường. Viên bác sĩ thú y theo sau. Viên trung uý đi tới đâu, những con châu chấu to đùng túa ra tán loạn tới đó. Mùi cỏ mùa hè thoảng trong không khí. Lẫn trong tiếng ve sầu kêu đinh tai, tiếng rống the thé của lũ voi từng chặp vẳng tới như một lời cảnh báo xa xăm.

Viên trung uý lẳng lặng đi giữa những hàng cây, cho đến khi tìm thấy một khoảng đất trống giữa khu rừng. Khu vực này đã được lát đá để xây một quảng trường dành riêng nuôi những con thú nhỏ cho trẻ con chơi. Tuy nhiên kế hoạch đó đã bị hoãn vô thời hạn do tình hình chiến sự ngày càng tồi tệ khiến vật liệu xây dựng trở nên khan hiếm. Cây cối đã bị dọn quang tạo thành một khoảnh đất tròn trơ trụi, mặt trời rọi sáng cái khoảnh đất này trong khu rừng như ánh đèn sân khấu. Viên trung uý đứng ngay giữa vòng tròn đó mà đưa mắt nhìn quanh. Rồi y sục sục gót giày xuống đất.

– Chúng tôi sẽ đóng quân ở đây một thời gian. – y vừa nói vừa quỳ gối xuống lấy tay vốc một nắm đất.

Bác sĩ thú y gật đầu để trả lời. Anh không hiểu nổi vì sao người ta lại phải đóng quân trong vườn thú, nhưng anh quyết định không hỏi. Ở Tân Kinh này, kinh nghiệm đã dạy anh chớ bao giờ đặt câu hỏi với đám quân nhân. Những câu hỏi chỉ tổ làm họ nổi giận, và trong bất cứ trường hợp nào họ cũng không bao giờ trả lời thẳng vào câu hỏi.

“Đầu tiên chúng tôi đào một cái lỗ to ở đây”, viên trung uý nói như với chính mình. Y đứng dậy rút một gói thuốc lá từ trong ngực áo. Vừa cho một điếu lên mồm, y vừa mời viên bác sĩ thú y một điếu, sau đó y đánh diêm châm lửa cho cả hai. Hai người tập trung hút để lấp đầy sự im lặng. Viên trung uý lại lấy giày sục xuống mặt đất. Y vẽ một hình gì đó trên mặt đất rồi xoá đi. Cuối cùng, y hỏi viên bác sĩ thú y: “Anh sinh ở đâu?”.

– Ở Kanawaga, – Bác sĩ nói. – Tại một thị trấn gọi là Ofuna, gần biển, cách Tokyo chừng một hai giờ xe.

Viên trung uý gật đầu.

– Còn anh sinh ở đâu? – Bác sĩ thú y hỏi.

Thay vì trả lời, viên trung uý nheo mắt nhìn sợi khói bay lên từ giữa những ngón tay y. Không, đặt câu hỏi cho một quân nhân thì chẳng bao giờ được gì hết, bác sĩ thú y tự nhủ một lần nữa. Họ thích đặt câu hỏi nhưng họ sẽ không bao giờ trả lời anh. Có hỏi họ bây giờ là mấy giờ họ cũng không trả lời, thật sự là vậy.

– Ở đó có một xưởng phim, – viên trung uý nói.

Phải mất mấy giây bác sĩ thú y mới hiểu ra rằng tay trung uý đang nói về Ofuna. “Đúng vậy, một xưởng phim lớn. Nhưng tôi chưa vào đó bao giờ”.

Viên trung uý thả điếu thuốc hút dở xuống mặt đất rồi dí chân lên.

– Tôi hy vọng anh sẽ có thể quay về đó, – y nói. – Dĩ nhiên, từ đây về Nhật Bản còn phải băng qua một đại dương. Có lẽ tất cả chúng ta sẽ chết ở đây. – Y vừa nói vừa nhìn đăm đăm xuống đất. – Nói tôi nghe, bác sĩ, anh có sợ chết không?

– Tôi cho rằng còn tuỳ anh chết theo cách nào, – viên bác sĩ thú y nói sau một thoáng suy nghĩ.

Trung uý ngước mắt lên nhìn viên bác sĩ như thể bị khơi gợi trí tò mò. Rõ ràng là y chờ đợi một câu trả lời khác. – Anh nói đúng, – y nói. – Điều đó còn tuỳ anh chết theo cách nào.

Hai người im lặng một lát. Nom bộ dạng viên trung uý, y có thể đứng nguyên vậy mà ngủ gục tới nơi. Rõ ràng y đã sức cùng lực kiệt. Một con châu chấu to lạ lùng đập cánh vù vù bay qua trên đầu họ như một con chim rồi biến mất trong một bụi cỏ đằng xa. Trung uý liếc đồng hồ.

– Tới giờ rồi, – y nói mà không rõ là với ai. Rồi y bảo với viên bác sĩ thú y. – Tôi muốn anh ở lại đây một lát. Có thể tôi sẽ nhờ anh làm một việc.

Viên bác sĩ thú y gật đầu.

° ° °


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.