Biên niên ký Chim vặn dây cót

11 Cái xẻng này có thực không? (Chuyện xảy ra trong đêm – Phần 2) ♦



Chú bé chìm sâu vào giấc ngủ và mơ một giấc mơ sống động như thật. Tuy nhiên, chú biết đây là mơ, điều đó khiến chú phần nào yên lòng. Mình biết đây là mơ, cho nên những gì xảy ra trước đó là thật. Những chuyện đó đã xảy ra, thật sự xảy ra. Mình có thể nói ngay cái này khác cái kia ở chỗ nào.

Trong giấc mơ, chú bé đi ra ngoài vườn. Lúc đó vẫn đang giữa đêm thâu, xung quanh không một bóng người. Chú bé nhặt xẻng và bắt đầu đào cái lỗ mà người đàn ông cao lớn vừa lấp lại. Y đã kê chiếc xẻng vào gốc cây. Đất vừa mới lấp nên đào lên lại không khó, nhưng với chú bé năm tuổi thì chỉ mới nhấc xẻng lên thôi cũng đã hụt hơi rồi. Đã vậy chú không đi giày. Hai gót chân chú sẽ tê cóng vì lạnh. Dù vậy, chú vẫn vừa thở hổn hển vừa đào, cho tới khi tìm thấy cái túi vải mà nguời đàn ông chôn mới thôi.

Con chim vặn dây cót không kêu nữa. Người đàn ông đã trèo lên cây không hề trở xuống. Đêm lặng ngắt đến nỗi nghe ong ong trong tai. Dường như người đàn ông chỉ vừa biến mất thôi. Nhưng nói gì thì nói, đây là mơ kia mà, chú bé nghĩ. Con chim vặn dây cót kêu và người đàn ông trông giống cha của chú trèo lên cây, mấy chuyện đó đâu phải mơ. Những chuyện ấy đã thực sự xảy ra. Vậy là không thể có mối liên kết nào giữa đằng này với đằng kia. Nhưng thật lạ: chú ở đây, trong giấc mơ, đang đào một cái lỗ thật trong thực tại. Vậy làm sao chú phân biệt cái gì là mơ cái gì không phải là mơ? Cái xẻng này có thực không? Hay là cái xẻng ở trong mơ?

Càng nghĩ, chú bé càng không hiểu ra sao. Thế là chú thôi không vắt óc nghĩ nữa mà hoàn toàn tập trung vào việc đào cái lỗ. Cuối cùng, xẻng bập vào túi vải.

Chú hết sức cẩn thận xới nốt chỗ đất bao quanh sao cho không động tới cái túi vải. Đoạn chú quỳ xuống nhấc cái túi ra khỏi hố. Trời không một gợn mây, không có chướng ngại vật nào ngăn làn ánh sáng ẩm ướt của vầng trăng tròn đổ lên mặt đất. Trong mơ, chú hoàn toàn không thấy sợ. Nỗi tò mò ghê gớm là cảm xúc duy nhất ngự trị trong tâm trí chú. Chú mở túi ra thì thấy trong đó một trái tim người. Chú nhận ra trái tim qua hình dáng và màu sắc đúng như bức tranh chú từng thấy trong cuốn bách khoa thư. Trái tim còn tươi rói, còn sống nguyên và cử động, như một đứa bé vừa bị cha mẹ bỏ rơi. Nó vẫn phập phồng đập mạnh dẫu không có dòng máu nào phụt ra từ những lỗ mạch máu bị cắt. Chú bé nghe tiếng đập thùm thụp inh cả tai, nhưng đó là tiếng đập của chính tim chú. Trái tim bị chôn và trái tim chú đập cùng một nhịp, như đang nói chuyện với nhau.

Chú bé cố thở đều mà tự nhủ một cách dứt khoát: “Chẳng có gì phải sợ! Chỉ là trái tim người thôi mà. Y như trong cuốn bách khoa. Ai cũng có một trái như vậy. Mình cũng có”. Tự trấn an mình rồi, chú lại gói trái tim vào tấm vải, cho xuống hố rồi lấp đất lại. Chú dùng đôi chân trần san đất cho phẳng để không ai biết là có người đã đào một cái hố ở đó, rồi chú tựa xẻng vào thân cây như trước. Trong đêm, đất lạnh như băng. Xong xuôi đâu đó, chú bé trèo qua bậu cửa sổ, trở về căn phòng ấm áp, quen thuộc của mình. Chú chải bùn đất dính ở chân vào sọt rác để khỏi làm bẩn chăn đệm rồi chui vào giường. Nhưng rồi cậu nhận ra rằng đã có người nằm đó rồi. Ai đó đang ngủ trên giường chú, vùi mình dưới chăn, ngay ở chỗ chú nằm.

Đùng đùng nổi giận, chú bé liền giật mạnh chăn. “Này, cút khỏi đây ngay! Đây là giường của tao!” – chú muốn hét lên như vậy, nhưng không thốt được thành lời, bởi kẻ đang ngủ trên giường kia là chính chú. Chú đang ngủ ngon lành, hít thở đều đặn ở trên giuờng. Chú bé ngây ra như hoá đá, không cất nổi một tiếng nào. Nếu mình đã ngủ ở đây rồi thì cái mình đây sẽ ngủ ở đâu? Lần đầu tiên chú thấy sợ, một nỗi sợ dường như thấu vào tận xương tuỷ chú. Chú bé muốn thét lên. Chú muốn thét càng to càng tốt để đánh thức cái tôi đang ngủ kia dậy, đánh thức tất cả mọi người trong nhà dậy. Nhưng giọng chú đã biến đâu mất. Chú vận hết sức bình sinh, nhưng không bật ra nổi một âm thanh nào. Thế là chú túm vai cái tôi đang ngủ kia mà lay thật lực. Nhưng chú bé đang ngủ kia không thức dậy.

Chú chẳng biết làm gì nữa. Chú cởi áo len ra ném giữa sàn. Đoạn chú ra sức đẩy cái người đang ngủ kia – mà cũng là chú – ra khỏi giường. Chú phải giữ lấy cho mình một chỗ ở đây. Bằng không, có thể chú sẽ bị đẩy bật ra khỏi cái thế giới quen thuộc bấy nay của chú. Nằm co quắp, thậm chí gối cũng chẳng có, nhưng vừa đặt lưng xuống là lập tức chú cảm thấy buồn ngủ lạ lùng. Chú không nghĩ gì được nữa. Chỉ một khoảnh khắc sau chú đã ngủ say như chết.

Sáng hôm sau thức dậy, chú bé đang nằm chính giữa giường, không có ai bên cạnh. Gối đang kê dưới đầu chú. Chú chậm rãi nhỏm dậy, nhìn quanh phòng. Thoạt trông, có vẻ chẳng có gì thay đổi. Vẫn cái bàn đó, cái tủ đó, vẫn cái đèn chân đế kia. Kim đồng hồ chỉ 6 giờ 20 sáng. Nhưng chú bé biết có một cái gì đó đã đổi khác. Mặc dù thoạt trông chẳng có gì thay đổi, nhưng chú bé biết đây không phải là căn phòng nơi chú đi ngủ đêm qua. Không khí, ánh sáng, âm thanh, mùi, tất cả đều khác trước một chút. Người khác có thể không nhận ra, song chú bé thì biết. Chú tung chăn rồi kiểm tra toàn thân mình. Chú giơ hai bàn tay lên rồi lần lượt động đậy từng ngón tay. Tay chú bình thường. Chân cũng ổn. Chú không đau, không ngứa gì. Chú ra khỏi giường rồi xuống phòng vệ sinh. Đi tiểu xong, chú đứng ở bồn rửa nhìn khuôn mặt mình trong gương. Chú cởi áo pijama, đứng lên một chiếc ghế, nhìn hình ảnh phản chiếu cái thân hình bé nhỏ trắng xanh của chú. Không thấy có gì bất thường.

Thế nhưng vẫn có cái gì đó khác. Chú cảm thấy như chính mình đã bị trút vào một cái vỏ chứa khác. Chú biết, chú vẫn chưa hoàn toàn quen với cái cơ thể mới này. Cái cơ thể mới này có gì đó không khớp với cái tôi nguyên thủy của chú. Đột nhiên chú cảm thấy mình thật bơ vơ, không ai giúp đỡ, chú cố gọi mẹ, nhưng cái từ ấy không bật ra khỏi cổ họng chú. Thanh đới của chú không làm rung động nổi không khí, như thể bản thân từ “mẹ” cũng đã biến mất khỏi thế gian. Nhưng chẳng mấy chốc chú nhận ra rằng cái đã biến mất không phải là từ “mẹ”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.