Biên niên ký Chim vặn dây cót

14 Ngôn ngữ cử chỉ kỳ lạ của Quế ♦ Món quà âm nhạc



– Quế vĩnh viễn ngừng nói ngay trước sinh nhật lần thứ sáu, – Nhục đậu khấu nói với tôi. – Lẽ ra năm ấy nó phải vào học tiểu học. Hoàn toàn đột ngột, vào tháng Hai năm ấy, nó ngừng nói. Cũng lạ, mãi đến tối vợ chồng tôi mới nhận ra rằng suốt cả ngày nó không nói một tiếng nào.

Thật ra nó vẫn là đứa ít lời, nhưng dù sao vẫn có nói năng. Khi nhận ra điều đó, tôi đã làm hết cách để cho nó nói. Tôi trò chuyện với nó, tôi lay nÓ song vô ích. Nó cứ im như đá. Tôi không biết đó là nó đột nhiên mất khả năng nói hay là nó tự quyết định sẽ không nói nữa. Đến giờ tôi vẫn không biết. Nhưng từ đó đến nay nó không hề nói thêm một tiếng nào, thậm chí không hề phát ra một âm thanh nào. Dù có đau nó cũng không kêu la, dù có bị cù nó cũng không cười.

Nhục đậu khấu đưa con đến nhiều bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, nhưng không ai xác định được nguyên nhân. Họ chỉ có thể nói đó không phải nguyên nhân về thể lý. Khả năng nghe của Quế vẫn tốt, nhưng nó không nói được. Tất cả bác sĩ đều kết luận, căn nguyên là ở tâm lý. Nhục đậu khấu liền đưa Quế đến một người bạn là bác sĩ tâm lý, nhưng ông này cũng không xác định được nguyên nhân tình trạng im lặng hoàn toàn của Quế. Ông ta làm kiểm tra IQ nhưng không thấy có vấn đề gì. Kết quả lại còn cho thấy Quế có chỉ số khả năng trí tuệ cao khác thường. Bác sĩ cũng không tìm được bằng chứng nào cho thấy có vấn đề về cảm xúc, “Cậu ấy có phải chịu cú sốc nào không? – bác sĩ hỏi Nhục đậu khấu, – Cố nghĩ xem. Liệu nó có chứng kiến một cái gì bất thường hay bị đánh đập ở nhà không?” Nhưng Nhục đậu khấu không nghĩ ra được gì. Mới ngày hôm trước mọi việc hoàn toàn bình thường: con trai bà ăn cơm bình thường, nói chuyện bình thường với bà, tới giờ ngủ thì lên giường ngủ ngon lành. Thế mà sáng hôm sau nó đã chìm sâu vào thế giới câm lặng. Ở nhà không có vấn đề gì, chú bé lớn lên với sự trông nom chu đáo của Nhục đậu khấu và bà ngoại, cả hai người chưa hề một lần nào giơ tay lên đét chú. Bác sĩ kết luận điều duy nhất họ có thể làm là quan sát chú, hy vọng rằng sẽ có thay đổi nào đó. Chừng nào còn chưa biết nguyên nhân thì không có cách gì điều trị được. Nhục đậu khấu cần đưa Quế đến bác sĩ mỗi tuần một lần, có thể theo thời gian sẽ khả dĩ lần ra được chuyện gì đã xảy ra. Có thể chú bé sẽ tự nhiên nói trở lại được, cũng như người nằm mơ thức dậy. Chỉ còn cách đợi mà thôi. Đúng là chú bé không nói, nhưng ngoài chuyện đó ra thì mọi thứ đều ổn.

Nhưng dù họ đợi bao lâu, Quế chẳng bao giờ còn nổi lên bề mặt cái đại dương im lặng sâu thẳm kia nữa.

° ° °

Đúng 9 giờ sáng, với tiếng u u nho nhỏ của động cơ chạy điện, cổng trước bắt đầu mở vào phía trong, chiếc Mercedes-Benz 500SEl của Quế chạy vào. Ăngten điện thoại của xe thòi lên từ cửa kính sau như một cái xúc tu mới đâm ra. Tôi quan sát từ khoảng hở giữa các bức rèm. Chiếc xe nom như một loài cá di trú khổng lồ không sợ một cái gì. Những lốp xe mới cáu màu đen im lìm vẽ một đường cong lên bề mặt bê tông rồi dừng lại đúng chỗ đã định. Sáng nào chúng cũng vẽ đúng một đường cong như thế và dừng lại đúng chỗ như thế, có xê xích thì cũng không quá năm phân.

Tôi đang uống chỗ cà phê tự pha trước đấy ít phút. Mưa đã tạnh, nhưng mây xám phủ đầy trời, mặt đất vẫn còn đen, lạnh và ướt át. Lũ chim vừa bay tới bay lui tìm sâu trên mặt đất vừa cất tiếng kêu lanh lảnh. Một chút sau cửa xe phía người lái bật mở và Quế bước ra, đeo kính râm. Chăm chú nhình quanh một lượt xong, anh ta tháo kính nhét vào túi ngực rồi đóng cửa xe. Ở loại xe Mercedes cỡ lớn này, then cửa khi đóng lại phát ra một âm thanh khác với những cửa xe khác. Với tôi, âm thanh này đánh dấu một sự khởi đầu một ngày mới ở Dinh.

Suốt từ sáng tới giờ tôi nghĩ mãi về cuộc viếng thăm của Ushikawa đêm qua, tự hỏi không biết có nên cho Quế biết rằng Ushikawa được Wataya Noburo cử tới để yêu cầu tôi ngưng ngay mọi liên hệ với cái nhà này. Tuy nhiên, cuối cùng tôi quyết định không kể với Quế, ít nhất là tạm thời. Đây là chuyện riêng giữa tôi với Wataya Noburo, không cần người thứ ba dây vào.

Như mọi khi, Quế ăn mặc chải chuốt, vận com lê. Toàn bộ quần áo của Quế đều được may đo với chất lượng tuyệt hảo, vừa như in. Tuy có sự bảo thủ về kiểu dáng, nhưng khi áo quần đó ở trên người Quế thì lại trông thật trẻ trung, như có một phép màu biến chúng thành thứ thời trang mới nhất.

Anh ta đeo một chiếc cà vạt mới, dĩ nhiên, để hợp với bộ com lê ngày hôm đó. Sơ mi và giày của anh ta cũng khác. Mẹ anh, Nhục đậu khấu, đã chọn mua từng thứ một cho anh ta, cũng như mọi khi. Quần áo và đôi giày anh ta, cũng như chiếc Mercedes anh ta lái, tịnh không có một hạt bụi. Khi Quế xuất hiện vào mỗi sáng, anh ta luôn làm tôi thấy khâm phục, thậm chí có thể nói là cảm động. Bản thể nào có thể ẩn dưới cái vẻ bề ngoài hoàn hảo kia?

° ° °

Quế lấy hai túi giấy đựng đầy thức ăn và những thứ cần thiết khác ra khỏi thùng xe rồi xách bằng hai tay mà bước vào Dinh. Trong tay anh ta, ngay những vật tầm thường như túi xách bằng giấy từ siêu thị trong cũng lịch lãm và nghệ sĩ. Có thể là do anh ta xách chúng bằng một cách đặc biệt nào đó. Cũng có thể là bởi một cái gì sâu xa hơn thế. Cả khuôn mặt anh ta ngời sáng khi trông thấy tôi. Đó là một nụ cười tuyệt diệu, như thể anh ta vừa bước ra một vùng trống lộng đầy ánh sáng sau khi đi bộ một lúc dài trong cánh rừng sâu. “Xin chào”, tôi nói. “Xin chào”, anh ta không nói với tôi, mặc dù môi mấp máy. Anh ta lấy các thứ ra khỏi túi rồi sắp xếp đâu ra đấy vào tủ lạnh như một đứa trẻ thông minh đang nạp trí thức vừa học được vào trí nhớ. Những thứ còn lại anh ta xếp vào trong chạn. Rồi anh ta dùng một tách cà phê với tôi. Chúng tôi ngồi ở hai bên nhà bếp, như Kumiko và tôi vẫn ngồi ngày trước.

° ° °

Quế chưa hề đi học ở trường, – Nhục đậu khấu nói. – Trường học bình thường thì không nhận một đứa trẻ không nói được, còn gửi nó tới trường toàn trẻ khuyết tật thì tôi cảm thấy không đúng. Tôi biết, nguyên nhân khiến nó không thể nói – dẫu là gì đi nữa – khác với nguyên nhân của những trẻ khác. Ngoài ra, nó lại còn chưa bao giờ tỏ ra thích đi học. Dường như nó chỉ thích nhất là được tự do thoải mái ở nhà, đọc sách, nghe nhạc cổ điển hay chơi ngoài vườn với con chó nhà chúng tôi nuôi hồi đó. Thỉnh thoảng nó cũng ra ngoài phố chơi, nhưng nó không tỏ ra hào hứng lắm, bởi nó không thích giao du với những trẻ khác cùng tuổi.

Nhục đậu khấu học ngôn ngữ dấu hiệu dành cho người câm điếc để nói chuyện với Quế. Khi nào ngôn ngữ dấu hiệu không đủ thì họ dùng bút đàm. Tuy nhiên, một ngày kia Nhục đậu khấu nhận ra rằng bà và con trai có thể truyền đạt cảm xúc của mình cho nhau một cách hoàn hảo mà không phải viện tới những phương pháp gián tiếp đó. Chỉ cần một cử chỉ nhỏ hay một thay đổi trên nét mặt là bà biết đích xác Quế đang nghĩ gì, cần gì. Từ đó trở đi bà không còn bận tâm về chuyện Quế không nói được. Rõ ràng điều đó không cản trở đến việc trao đổi tâm linh giữa hai mẹ con. Dĩ nhiên, việc không thể trò chuyện với nhau bằng ngôn ngữ nói đôi khi cũng khiến bà cảm thấy bất tiện về mặt vật lý, nhưng chẳng qua chỉ là bất tiện thôi, không hơn, và theo nghĩa nào đó, chính sự bất tiện này đã làm sự giao tiếp giữa hai người được nâng lên một cấp độ mới.

Những lúc nghỉ việc, Nhục đậu khấu thường dạy cho Quế đọc, viết và học số học. Nhưng ngoài cái đó ra, bà không có gì phải dạy nhiều. Cậu yêu sách và thường thu nhận được từ sách những gì muốn biết. Bà là nguời chọn sách cho cậu thì đúng hơn là thầy dạy cậu. Cậu yêu âm nhạc và muốn chơi dương cầm, nhưng sau vài tháng học chạy ngón ở cấp căn bản với một thầy dạy dương cầm chuyên nghiệp, cậu chỉ cần mua sách giáo khoa và băng nhạc rồi cứ thế tự trau dồi chi đến khi đạt tới trình độ kỹ thuật rất cao so với lứa tuổi. Cậu thích chơi Bach và Mozart, nói chung là chỉ chơi nhạc của các nhạc sĩ thuộc trường phái Lãng mạn, ngoài ra thì cậu không quan tâm, trừ Poulenc và Bartok. Suốt sáu năm liền cậu tập trung vào âm nhạc và đọc sách, song từ khi đến độ tuổi mà như người khác là vào trung học, cậu lại chuyển sang học các thứ ngôn ngữ, bắt đầu từ tiếng Anh rồi tiếng Pháp. Cả tiếng này lẫn tiếng kia cậu đều tự học, thế mà chỉ cần sáu tháng là đã có thể đọc những cuốn sách đơn giản. Dĩ nhiên cậu không có ý định học để đàm thoại; cậu chỉ cần học để đọc được sách. Một việc khác cậu cũng thích là tẩn mẩn mày mò những cỗ máy phức tạp. Cậu mua cả mộ bộ dụng cụ chuyên dùng rồi tự chế ra máy thu thanh lẫn loa phóng âm, lại thích tháo rời đồng hồ ra rồi lắp lại.

Mọi người quanh cậu – ý là cha mẹ và bà ngoại cậu – trở nên quen với việc cậu không bao giờ nói và không còn nghĩ đó là chuyện bất thường hay phi tự nhiên. Sau vài năm, Nhục đậu khấu thôi không đưa cậu đến bác sĩ tâm lý nữa. Những cuộc gặp bác sĩ hàng tuần chẳng giúp được gì cho các “triệu chứng” của Quế, và đúng như các bác sĩ đã nói từ đầu, ngoài chuyện không nói được ra thì mọi thứ ở cậu đều ổn. Trên thực tế, cậu gần như là một đứa bé hoàn hảo. Nhục đậu khấu thậm chí không nhớ nổi đã có lần nào phải bắt buộc cậu làm việc gì hoặc la rầy cậu vì một việc nào đó lẽ ra cậu không nên làm. Cậu luôn tự quyết định mình phải làm gì và hễ đã quyết định là làm tới nơi tới chốn, không chê vào đâu được, theo cách của riêng mình. Cậu khác biệt với những trẻ khác – những trẻ bình thường đến nỗi so sánh cậu với chúng là vô nghĩa. Năm cậu mười hai tuổi thì bà ngoại mất (vì sự kiện này cậu đã câm lặng khóc suốt mấy ngày liền), sau đó cậu tự đảm nhận việc nấu nướng, giặt giũ và lau chùi nhà cửa khi mẹ đi làm. Sau khi mẹ mất, Nhục đậu khấu muốn thuê người giúp việc, nhưng Quế khăng khăng từ chối. Cậu không muốn cho người lạ vào phá hỏng nền nếp trong nhà. Từ đó trở đi chính Quế là người cáng đáng phần lớn việc nhà; cậu làm việc đó với sự chính xác và kỷ luật cao độ.

° ° °

Quế nói chuyện với tôi bằng hai bàn tay. Anh thừa hưởng của mẹ những ngón tay thanh mảnh, hình dáng đẹp, dài, nhưng không dài quá. Anh đưa tay lên gần mặt, di động các ngón tay không chút ngập ngừng, và như những sinh vật sống đầy nhạy cảm, chúng truyền đạt những điều anh cần nói với tôi.

– Lúc 2 giờ chiều nay sẽ có một vị khách tới. Hôm nay chỉ có thế. Từ giờ tới khi bà ta đến anh không phải làm gì cả. Tôi sẽ ở đây làm nốt việc trong khoảng một tiếng nữa, sau đó tôi sẽ về, đến 2 giờ sẽ đi đón bà ta đưa về đây. Dự báo thời tiết nói cả ngày hôm nay trời nhiều mây. Anh có thể xuống giếng trong khi ngoài trời còn sáng, vậy sẽ đỡ hại mắt.

Như Nhục đậu khấu đã nói, tôi hiểu được dễ dàng những lời mà các ngón tay của Quế truyền đạt. Tôi chẳng biết gì về ngôn ngữ dấu hiệu, nhưng tôi dễ dàng theo sát những cử động phức tạp và uyển chuyển của anh ta. Có thể chính nhờ kỹ năng điêu luyện của Quế nên ý nghĩa điều anh muốn nói tự nhiên trở thành sáng rõ, cũng như một vở kịch diễn bằng tiếng nuớc ngoài vẫn có thể truyền cảm được. Mà cũng có thể tôi chỉ có cảm tuởng mình đang quan sát các ngón tay Quế di động, kỳ thực thì không phải. Các ngón tay chuyển động có thể chỉ là cái mặt tiền trang trí bên ngoài, còn thực chất, tôi đang quan sát một mặt nào đó của toà nhà ở đằng sau, có điều tự tôi không biết. Mỗi sáng, khi ngồi trò chuyện bên bàn bếp, tôi cố nhìn cho ra ranh giới giữa mặt tiền với cái đằng sau nó song chẳng bao giờ thấy được, bởi đường phân tuyến đánh dấu cái ranh giới kia không ngừng chuyển động và thay hình đổi dạng.

Sau cuộc trò chuyện ngắn – hay cuộc trao đổi ngắn – với tôi, Quế thường cởi com lê treo lên giá, dém cà vạt vào bên trong sơ mi rồi bắt tay quét dọn hay nấu nướng. Trong khi làm việc, anh thường mở máy stereo nghe nhạc. Tuần này anh chẳng nghe gì khác ngoài nhạc thánh lễ của Rossini, tuần sau anh chỉ nghe các bản concerto dành cho nhạc cụ hơi của Vivaldi, nghe đi nghe lại nhiều lần đến nỗi rốt cuộc tôi thuộc lòng hết các giai điệu.

Quế làm mọi việc cực kỳ khéo léo, không một động tác thừa. Ban đầu tôi hay đề nghị giúp một tay, nhưng anh chỉ mỉm cười lắc đầu.

Quan sát anh làm việc này việc nọ, tôi dần dần đi tới kết luận rằng muốn mọi việc được trơn tru thì tốt nhất cứ để một mình Quế làm hết. sau đó tôi đâm có thói quen tránh làm phiền anh ta. Trong khi anh ta làm các việc vặt buổi sáng, tôi thường ngồi ở ghế sofa trong phòng “chỉnh lý” mà đọc sách.

Gọi là Dinh song thật ra căn nhà không rộng, đồ đạc rất ít, chỉ những thứ cần thiết nhất. Không có ai thường xuyên sống ở đây, nên căn nhà chẳng bao giờ bẩn hay bừa bộn lắm. Thế nhưng ngày nào Quế cũng hút bụi từng xăngtimét một, lau bụi bàn ghế, kệ sách, chùi khung cửa sổ, dùng sáp đánh bóng chiếc bàn, phủi bụi các ngọn đèn, cất vật này vật nọ về chỗ cũ. Anh thường sắp lại bát đĩa trong tủ đựng đồ sứ cho ngay ngắn, xếp các bình, lọ… theo kích thước, kéo lại cho ngay mép khăn trải bàn và khăn mặt, chỉnh sao cho tay cầm tất cả các tách cà phê xoay về cùng một phía, sửa lại vị trí bánh xà phòng trong buồng tắm, thay khăn mặt mới dù những tấm khăn cũ chưa ai dùng. Rồi anh ta tập trung toàn bộ rác vào một túi duy nhất, buộc lại mang ra ngoài. Anh thuờng chỉnh giờ trên đồng hồ treo tường theo đúng đồng hồ đeo tay của mình (cái đồng hồ mà tôi dám cá không bao giờ sai quá ba giây). Nếu trong khi lau chùi Quế bắt gặp bất cứ vật gì nằm sai chỗ dù chỉ một tí, anh ta đều trả nó về chỗ cũ với những động tác chính xác và thanh lịch. Có lần tôi thử kéo một chiếc đồng hồ trên giá lệch chừng một phân về bên trái, thế là y như rằng sáng hôm sau anh ta chỉnh nó về bên phải đúng một phân.

Mọi hành vi đó của Quế không hề cho ta ấn tượng anh là người bị lệch lạc về thần kinh. Dường như anh ta chỉ đang làm những việc rất tự nhiên và “đúng đắn”. Có lẽ trong đầu Quế có một hình dung sống động về việc thế giới này – hay ít nhất là cái thế giới nho nhỏ ở đây – cần phải như thế nào, và đối với anh ta, việc duy trì thế giới trong tình trạng ở đó cũng tự nhiên như việc hít thở vậy. Có lẽ anh ta tự thấy mình chỉ đang góp một bàn tay nhỏ nhoi khi vạn vật đều mang một khát vọng nội tại mãnh liệt nhằm trở về hình dáng ban đầu.

Quế nấu nướng thức ăn rồi cất vào tủ lạnh, sau đó chỉ cho tôi biết bữa trưa sẽ ăn những gì. Tôi cảm ơn anh ta. Sau đó anh ta đứng trước gương, kéo thẳng cà vạt, kiểm tra sơ mi của mình rồi mặc com lê vào. Cuối cùng, miệng khẽ mỉm cuời, anh ta mấp máy môi để nói “Tạm biệt”, nhìn quanh một lần nữa rồi đi ra ngoài qua cửa trước. Ngồi sau tay lái chiếc Mercedes-Benz, anh ta cho một băng nhạc cổ điển vào máy cát xét trên xe, ấn nút điều khiển từ xa để mở cổng trước rồi lái xe đi, lại vẽ đúng cái vòng cung mà anh ta đã vẽ khi đến. Xe vừa qua, cổng liền đóng lại. Cũng như trước, tôi quan sát qua khe hở nơi rèm cửa, tay cầm cốc cà phê. Lũ chim không còn lắm mồm như khi Quế đến. Tôi thấy mây đen đã tản mác và bị gió đẩy đi, nhưng bên trên chúng lại còn một tầng mây khác dày hơn nữa.

° ° °

Tôi ngồi bên bàn bếp, đặt cốc xuống rồi nhìn lại căn phòng nơi bàn tay của Quế đã để lại một cảm giác thật đẹp đẽ về trật tự. Nó trông như một bức tranh tĩnh vật lớn ba chiều, sự tĩnh lặng của nó chỉ bị quấy rầy bởi tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ. Kim đồng hồ chỉ 10 giờ 20. Nhìn chiếc ghế mà Quế ngồi lúc nãy, tôi lại tự hỏi liệu tôi không kể với họ về cuộc viếng thăm của Ushikawa đêm qua thì liệu có đúng không. Liệu việc đó có phương hại đến cái gần như là lòng tin cậy đang có giữa Quế và tôi hay Nhục đậu khấu và tôi?

Dù sao, tôi vẫn muốn đợi thêm ít lâu để xem mọi chuyện sẽ tiến triển ra sao. Trong những việc tôi làm có cái gì khiến Wataya Noboru lo ngay ngáy đến vậy? Tôi đang giẫm lên cái đuôi nào của hắn? Hắn đang định dùng tới những biện pháp đối phó nào? Nếu tìm được lời đáp cho những câu hỏi đó, tôi sẽ có thể nhích gần hơn một chút đến bí mật của hắn. Và hệ quả là tôi sẽ có thể tiến gần đến chỗ biết Kumiko đang ở đâu.

Khi kim đồng hồ sắp chuyển sang 11 giờ (cái đồng hồ mà Quế đã dịch sang phải chừng một phân về chỗ cũ), tôi ra ngoài vườn để chui xuống giếng.

° ° °

– Từ khi Quế còn nhỏ tôi đã kể cho nó nghe chuyện chiếc tàu ngầm và vườn thú – về những gì tôi đã thấy từ trên boong chiếc tàu vận tải vào tháng Tám năm 1945, và về chuyện lính Nhật đã bắn các con thú trong vườn thú của cha tôi cùng lúc khi chiếc tàu ngầm Mỹ đang nhắm đại bác vào chúng tôi và sắp sửa đánh đắm tàu chúng tôi. Đã lâu lắm rồi tôi không kể với ai về chuyện ấy, chỉ giữ cho mình. Tôi đã im lìm lang thang qua cái mê cung tranh tối tranh sáng giữa ảo tưởng và thực tại. Tuy nhiên, khi Quế ra đời, tôi chợt hiểu nó là người duy nhất mà tôi có thể kể chuyện của mình. Thế là ngay từ khi nó chưa hiểu được lời nói, tôi đã bắt đầu kể cho nó, kể đi kể lại, gần như thì thầm, về tất cả những gì tôi còn nhớ, và trong khi tôi kể, những cảnh tượng đó lại trỗi dậy trước mắt tôi, bằng những sắc màu sống động, như thể tôi vừa giở một cái nắp cho chúng bật tuôn ra.

Khi Quế bắt đầu hiểu ngôn ngữ, nó cứ đòi tôi kể lại chuyện ấy mãi. Tôi phải kể cho nó hàng một trăm, hai trăm, năm trăm lần, nhưng không phải lần nào cũng lặp đi lặp lại từng ấy thứ. Mỗi lần tôi kể cho Quế nghe, nó lại đòi tôi kể một câu chuyện nhỏ khác nằm trong câu chuyện chính. Nó muốn biết từng cảnh một trên cùng một cái cây. Tôi thường đi theo nhành mà nó yêu cầu, kể cho nó câu chuyện nằm trên nhành đó. Và thế là câu chuyện cứ lớn lên mãi, trưởng thành lên mãi…

Bằng cách đó hai mẹ con tôi tạo ra một hệ thần thoại riêng của mình. Anh có hiểu ý tôi không? Ngày nào mẹ con tôi cũng kể cho nhau nghe câu chuyện, cứ như là bị ám. Mẹ con tôi nói với nhau hàng giờ về tên các con vật trong vườn thú, về bộ lông ónh ánh của chúng hay màu mắt chúng, về đủ thứ mùi lơ lửng trong không khí, về tên tuổi và khuôn mặt từng người lính, họ chào đời ra sao, thời thơ ấu thế nào, họ có những khẩu súng gì, phải vác đạn nặng ra sao, về những nỗi sợ và cơn khát của họ, về hình dáng những đám mây trên bầu trời…

Tôi nhìn thấy hết sức rõ ràng tất cả những màu sắc và hình dáng đó khi kể câu chuyện cho Quế, tôi có thể chuyển những gì tôi thấy thành ngôn từ – những từ chính xác nhất tôi cần – và truyền đạt cho nó. Cứ thế mãi không ngừng. Luôn luôn có những chi tiết mới có thể đưa vào thêm, câu chuyện cứ ngày càng sâu hơn, ngày càng rộng ra mãi…

Nhục đậu khấu mỉm cười khi nói về những ngày xa xưa đó. Trước đây tôi chưa hề thấy một nụ cười tự nhiên đến vậy trên gương mặt bà.

– Nhưng rồi một ngày kia mọi chuyện chấm dứt, – bà nói. – Buổi sáng tháng Hai đó, khi Quế ngừng nói, nó cũng thôi chia sẻ những câu chuyện với tôi.

Nhục đậu khấu ngừng lời để châm một điếu thuốc.

– Nay thì tôi biết điều gì đã xảy ra. Lời lẽ của nó đã mất hút trong cái mê cung đó, bị nuốt chửng bởi cái thế giới những câu chuyện đó. Một cái gì đó từ những câu chuyện bước ra đã giật mất lưỡi nó. Và mấy năm sau, cũng cái đó đã giết chết chồng tôi.

° ° °

Gió chuyển mạnh hơn hồi sáng, đùn từng đám mây xám nặng nề về phía đông. Những đám mây trông như những khách lữ hành câm lặng lên đường đến chỗ tận cùng thế giới. Giữa những cành cây trụi lá ngoài vườn, gió thi thoảng lại cất tiếng rền rĩ ngắn, không lời. Tôi đứng bên cái giếng nhìn lên bầu trời. Ở nơi nào đó hẳn Kumiko cũng đang nhìn lên những đám mây. Ý nghĩ đó tự dưng nảy ra trong đầu tôi, chẳng vì cớ gì. Đó chỉ là cảm giác của tôi thôi.

Tôi trèo thang xuống dưới đáy giếng rồi kéo dây thừng đậy nắp giếng lại. Tôi hít thở sâu hai ba lần, siết chặt gậy trong tay rồi nhẹ nhàng ngồi xuống trong bóng tối. Bóng tối hoàn toàn. Phải, đó là cái quan trọng nhất. Cái bóng tối tinh tuyền này chính là mấu chốt. Nó như một chương trình dạy nấu ăn trên truyền hình: ” Mọi người hiểu rồi chứ? Bí quyết của công thức này là bóng tối hoàn toàn. Nhớ phải dùng thứ càng dày càng tốt.” Và cả cây gậy chắc khỏe nhất mà ta có thể nắm trong tay, tôi nghĩ và mỉm cười một thoáng trong bóng tối.

Tôi cảm thấy vết hầm trên má bắt đầu ấm lên. Nó cho tôi biết rằng tôi đang nhích gần hơn một chút đến cốt lõi của sự vật. Tôi nhắm mắt lại. Trong tai tôi vẫn còn văng vẳng những điệu nhạc mà Quế đã nghe đi nghe lại sáng nay trong khi làm việc. Đó là Món quà âm nhạc của Bach, vẫn vang vang trong đầu tôi như tiếng rì rầm không dứt của đám đông trong một thính phòng có trần cao. Nhưng rồi im lặng trùm xuống và bắt đầu đào vào trong những nếp gấp của não tôi, từng nếp một, như con côn trùng đẻ trứng. Tôi mở mắt rồi lại nhắm. Bóng tối bên trong và bên ngoài nhập vào nhau, và tôi bắt đầu rời khỏi chính mình, rời khỏi cái vỏ ngoài vốn chứa đựng tôi.

Cũng như mọi khi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.