Biên niên ký Chim vặn dây cót

27 Những mắt xích còn thiếu của Quế ♦ Đến đây là hết “Biên niên ký sự của Chim vặn dây cót số 8” ♦



Tôi thoát khỏi tài liệu rồi quay về trình đơn ban đầu và nhấp vào “Biên niên ký sự của Chim vặn dây cót số 9”. Tôi muốn đọc phần tiếp theo câu chuyện. Nhưng thay vì một tài liệu mới, tôi lại thấy thông điệp:

Không được phép truy cập “Biên niên ký sự của Chim vặn dây cót số 9” dựa trên Mã R24.

Hãy chọn một tài liệu khác.

Tôi chọn số 10, nhưng kết quả cũng như vậy.

Không được phép truy cập “Biên niên ký sự của Chim vặn dây cót số 10” dựa trên Mã R24.

Hãy chọn một tài liệu khác.

Kết quả cũng không khác khi tôi chọn số 11 và tất cả các tài liệu còn lại, kể cả số 8. Tôi chẳng biết Mã R24 là gì, nhưng giờ thì nó đã phong tỏa không cho tôi truy cập gì nữa. Chắc là khi mở “Biên niên ký sự của Chim vặn dây cót số 8” thì tôi đã có thể truy cập bất cứ tài liệu nào, nhưng một khi tôi đã mở Số 8 và đóng lại thì bây giờ lối vào tất cả các tài liệu đó đã bị khóa. Có lẽ chương trình này chỉ cho phép truy cập mỗi lần một tài liệu mà thôi.

Tôi ngồi trước máy vi tính, tự hỏi phải làm tiếp cái gì. Nhưng tôi không thể làm tiếp cái gì cả. Đây là một thế giới được tổ chức một cách chuẩn xác, hình thành trong trí óc Quế và vận hành dựa trên các nguyên tắc của anh ta. Tôi không biết luật chơi. Tôi đành thôi không cố nữa và tắt máy.

° ° °

Không nghi ngờ gì nữa, “Biên niên ký sự của Chim vặn dây cót số 8” là một truyện do Quế viết. Anh ta đã nhập mười sáu truyện vào máy tính dưới nhan đề “Biên niên ký sự của Chim vặn dây cót”, và tôi đọc Số 8 chỉ là do ngẫu nhiên. Xét theo độ dài của một truyện thì cả mười sáu truyện nếu in ra sẽ thành một cuốn sách khá dày.

“Số 8” có thể có ý nghĩa gì? Xét theo từ “biên niên ký” trong nhan đề thì các truyện này được sắp xếp theo thứ tự thời gian. Số 8 tiếp theo Số 7, Số 9 tiếp theo Số 8, vân vân. Đó là một giả định hợp lý, tuy không nhất thiết đúng. Các truyện này cũng có thể được sắp xếp theo một thứ tự khác. Tỉ như theo chiều ngược lại, từ hiện tại về quá khứ. Hoặc táo bạo hơn nữa, đó có thể là mười sáu dị bản khác nhau của cùng một truyện được kể song song. Dù thế nào đi nữa, câu chuyện tôi đọc là phần tiếp theo câu chuyện mà Nhục đậu khấu, mẹ của Quế đã kể về những người lính giết thú trong vườn thú Tân Kinh vào tháng Tám năm 1945. Chuyện xảy ra trong bối cảnh cùng một sở thú đó, vào ngày hôm sau, và nhân vật chính vẫn là viên bác sĩ thú y vô danh, cha của Nhục đậu khấu, ông ngoại của Quế.

Khó mà biết được bao nhiêu phần của câu chuyện là thật. Phải chăng Quế hư cấu ra từ đầu đến cuối, hay nhiều phần là dựa trên những sự kiện có thật? Nhục đậu khấu có bảo tôi rằng sau khi chia tay cha lần cuối, bà hoàn toàn không biết tin tức gì về ông nữa. Vậy có nghĩa, không thể toàn bộ câu chuyện này đều là thật. Tuy nhiên, cũng có thể một số chi tiết là dựa trên sự thực lịch sử. Trong thời kỳ hỗn loạn ấy, có thể một số học viên trường sĩ quan Mãn Châu quốc đã bị hành hình và chôn vào một cái hố trong vườn thú Tân Kinh. Rằng viên sĩ quan Nhật chịu trách nhiệm trong vụ hành hình đó đã bị xử tử sau chiến tranh. Các vụ đào ngũ và nổi loạn trong quân đội Mãn Châu quốc không phải là chuyện hiếm vào lúc đó, và chuyện các học viên người Trung Hoa bị giết khi đang mặc đồng phục bóng chày tuy nghe hơi lạ nhưng cũng có thể xảy ra lắm. Biết các sự kiện có thật đó, Quế có thể đã kết hợp chúng với hình dung của anh về ông ngoại để làm nên câu chuyện của mình.

Nhưng sao Quế lại viết những câu chuyện đó? Sao cứ phải là truyện mà không phải thể loại khác? Và sao lại phải dùng từ “biên niên ký” trong nhan đề? Tôi ngồi trên sofa trong phòng chỉnh lý, vừa xoay xoay một cây bút chì màu vẽ kiểu trong tay vừa miên man nghĩ về điều đó.

Muốn tìm lời đáp cho những câu hỏi ấy hẳn tôi phải đọc tất cả mười sáu truyện, nhưng dù chỉ mới đọc truyện Số 8, tôi cũng đã có một ý niệm tuy mờ nhạt về việc Quế đang theo đuổi cái gì khi viết. Anh đang cố tìm kiếm ý nghĩa sự tồn tại của mình. Và anh hy vọng có thể thấy được bằng cách tìm vào những sự kiện đã xảy ra trước khi anh chào đời.

Để làm vậy, Quế phải điền vào những chỗ trống trong quá khứ mà anh không thể với tay tới được. Bằng cách dùng đôi tay đó của mình để viết nên một câu chuyện, anh cố mang lại những mắt xích còn thiếu kia. Từ những câu chuyện được nghe mẹ kể hàng bao nhiêu lần, anh rút ra những câu chuyện khác, hòng tái tạo hình ảnh bí ẩn của ông ngoại mình trong một bối cảnh mới. Anh thừa hưởng từ những câu chuyện của mẹ cái phong cách cơ bản mà anh dùng một cách nguyên vẹn, không thay đổi trong truyện của mình; cụ thể là cái phong cách thực tế có thể không phải là sự thật, và sự thật không nhất thiết là cái xảy ra trong thực tế. Đối với Quế, việc trong truyện của anh phần nào là chuyện thực, phần nào không chẳng lấy gì làm quan trọng lắm. Điều quan trọng không phải là ông ngoại anh đã làm gì mà là ông ngoại anh có thể đã làm gì. Ngay khi kể xong câu chuyện thì anh cũng biết được lời giải đáp cho câu hỏi đó.

Các truyện của anh dùng “Chim vặn dây cót” như một cụm từ khóa và hầu như chắc chắn là anh đưa câu chuyện về tận ngày hôm nay dưới dạng biên niên ký (mà cũng có thể không phải dưới dạng biên niên ký). Nhưng Chim vặn dây cót không phải là một cụm từ do Quế nghĩ ra. Trước đó, trong một bữa ăn cùng tôi tại nhà hàng ở Aoyama, mẹ của anh là Nhục đậu khấu đã nhắc tới cụm từ này trong khi kể một câu chuyện. Hầu như chắc chắn khi đó Nhục đậu khấu không biết tôi đã được đặt cho cái biệt danh “Ông Chim vặn dây cót”. Nghĩa là bằng sự kết hợp nhiều điều ngẫu nhiên, tôi lại có liên quan đến câu chuyện của họ.

Tuy vậy, tôi cũng không thể tin chắc vào điều đó. Cũng có thể khi đó Nhục đậu khấu đã biết cái biệt danh này của tôi. Hẳn mấy chữ đó đã tác động đến câu chuyện của bà (đúng hơn là của hai mẹ con), có thể đã ăn sâu vào câu chuyện ở tầng vô thức. Câu chuyện chung này của hai mẹ con có thể không tồn tại dưới một dạng cố định duy nhất mà vẫn tiếp tục thay hình đổi dạng và lớn lên như thường thấy ở các câu chuyện truyền khẩu.

Dù có phải do tình cờ hay không, “Chim vặn dây cót” có một sức mạnh lớn lao trong truyện của Quế. Tiếng kêu của nó chỉ một vài người nghe được, mà hễ đã nghe là cầm chắc cái chết không tránh khỏi. Ý chí con người chẳng là cái quái gì vào lúc đó, theo cảm nhận của viên bác sĩ thú y. Con người ta chẳng gì hơn là những con búp bê trên mặt bàn, lò xo quấn chặt sau lưng, búp bê chỉ có thể chuyển động theo những cách không phải do nó chọn, đi về những hướng không phải do nó chọn. Hầu như tất cả những ai nằm trong tầm tiếng kêu của con Chim vặn dây cót đều gặp tai ương, đều bị hủy diệt. Hầu hết là chết, do rơi khỏi mép bàn.

° ° °

Rất có thể Quế đã giám sát cuộc trò chuyện giữa tôi và Kumiko. Hẳn là anh ta biết tất cả những gì diễn ra trong chiếc máy vi tính này. Anh ta đã đợi đến khi tôi xong đâu đấy mới bày cho tôi xem “Biên niên ký sự của Chim vặn dây cót số 8”. Điều này xảy ra không phải do tình cờ hay một thoáng bốc đồng. Quế đã lập trình máy với một mục đích rất rõ ràng và cho tôi xem chỉ một truyện. Tuy nhiên, anh ta lại cũng gợi ý cho tôi rằng có thể còn cả một loạt truyện như thế nữa.

Tôi nằm xuống sofa, nhìn lên trần “phòng chỉnh lý” đang tranh tối tranh sáng. Đêm sâu thẳm, nặng trĩu, xung quanh lặng ngắt đến đau đớn. Trần nhà trắng lốp như một mũ băng dày chụp lên căn phòng.

Ông ngoại của Quế, viên bác sĩ thú y vô danh và tôi có nhiều cái chung đến kỳ lạ: một vết bầm trên mặt, cây gậy bóng chày, tiếng kêu của con chim vặn dây cót. Lại còn viên trung úy xuất hiện trong câu chuyện của Quế: y làm tôi nhớ tới Trung úy Mamiya. Trung úy Mamiya cũng được giao nhiệm vụ ở Bộ tham mưu đội quân Quan Đông tại Tân Kinh vào thời kỳ đó. Tuy nhiên, trong thực tế không phải là sĩ quan phát lương mà chỉ phục vụ trong tiểu ban vẽ bản đồ, và sau chiến tranh ông không bị treo cổ (số mệnh từ chối không cho ông chết) mà chỉ mất bàn tay trái trong chiến trận và quay về Nhật Bản. Dẫu vậy tôi vẫn không rũ được cái cảm giác rằng trên thực tế chính Trung úy Mamiya này đã chỉ huy cuộc hành hình các học viên sĩ quan Trung Hoa. Chí ít, nếu như đó quả thật là Trung úy Mamiya thì cũng hoàn toàn chẳng có gì lạ.

Rồi lại còn chuyện những cây gậy bóng chày. Quế biết tôi đang cất một cây gậy như vậy ở dưới đáy giếng. Nghĩa là hình ảnh cây gậy ắt đã ăn sâu bén rễ vào câu chuyện, cũng như mấy từ “Chim vặn dây cót”. Tuy nhiên, cứ cho là vậy đi nữa thì trong chuyện gậy bóng chày vẫn có đôi điều không dễ giải thích: gã trai mang thùng đàn ghi-ta đã dùng gậy bóng chày tấn công tôi ở tiền sảnh căn nhà cho thuê bỏ hoang. Đó chính là người đã diễn trò dùng lửa nến đốt lòng bàn tay mình trong một quán bar ở Sapporo và sau đó dùng gậy đánh tôi chỉ để rồi chính tôi dùng gậy đánh anh ta. Anh ta chính là người đã nộp cây gậy cho tôi.

Còn nữa. Vì sao tôi lại có vết bầm cùng kích thước, cùng màu với vết bầm của ông ngoại Quế? Có phải đó cũng lại là do sự hiện diện của tôi đã hằn sâu vào câu chuyện của anh ta? Liệu trên thực tế viên bác sĩ thú y có vết bầm trên mặt không? Chắc chắn là Nhục đậu khấu chẳng việc gì phải thêu dệt chi tiết đó khi mô tả với tôi về cha mình. Chính vì vết bầm này, giống hệt như của cha bà, mà bà mới “tìm thấy” tôi ở khu Shinjuku. Mọi cái đều xoắn xuýt vào nhau, phức tạp như một câu đố ba chiều, một câu đố mà trong đó sự thật không nhất thiết là sự kiện có thực và sự kiện có thực không nhất thiết là sự thật.

° ° °

Tôi đứng dậy khỏi sofa, sang phòng làm việc của Quế lần nữa. Tôi ngồi ở bàn, tì cùi chỏ lên mặt bàn, nhìn chòng chọc vào màn hình máy tính. Ắt hẳn Quế đang ở trong kia. Trong đó những lời câm lặng của anh sống động và hít thở như những câu chuyện. Chúng biết suy nghĩ, biết tìm kiếm, chúng có thể trưởng thành, có thể tỏa ra hơi nóng. Nhưng màn hình trước mắt tôi vẫn sâu hun hút, chết cứng như mặt trăng, giấu kín những lời của Quế trong rừng rậm mê cung. Chiếc màn hình lẫn bản thân Quế đằng sau nó, không bên nào kể gì với tôi hơn nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.