Biên niên ký Chim vặn dây cót
3 Cái mũ của Malta Kano ♦ Màu kem quả, Allen Ginsberg và các hiệp sĩ Thập tự chinh
Tôi đang làm bữa trưa thì điện thoại reo. Tôi vừa cắt hai lát bánh mì, phết bơ và mù tạc, kẹp mấy lát cà chua và pho mát vào giữa, đặt cả lên thớt và đang sắp sửa dùng dao cắt làm đôi thì chuông điện thoại vang lên.
Tôi để điện thoại reo ba tiếng rồi mới cắt chiếc sandwich làm đôi. Sau đó tôi đặt hai nửa bánh vào đĩa, lau sạch dao, đặt vào ngăn để dao, rồi rót một cốc cà phê vừa mới đun.
Điện thoại vừa reo. Dễ đến mười lăm lần. Tôi chịu thua, đành ra nghe máy. Tôi chẳng thích trả lời, nhưng nhỡ người gọi là Kumiko thì sao.
– Alô, – ở đầu dây bên kia là giọng một phụ nữ mà tôi chưa hề nghe. Không phải giọng Kumiko, cũng không phải giọng người đàn bà lạ đã gọi tôi hôm nọ khi tôi đang nấu dở món spaghetti. – Chẳng hay có phải tôi đang nói chuyện với ông Toru Okada không ạ? – giọng kia nói, như thể chủ nhân của nó đang đọc thành tiếng một văn bản đã soạn sẵn.
– Đúng rồi, – tôi đáp.
– Ông là chồng của Okada Kumiko phải không ạ?
– Đúng, Okada Kumoko là vợ tôi.
– Và anh trai của bà Okada là Wataya Noburu?
– Lại đúng nữa, – tôi nói, tỏ ra tự chủ đến đáng khâm phục. – Wataya Noburu là anh trai của vợ tôi.
– Thưa ông, tôi tên là Kano.
Tôi đợi cô ta nói tiếp. Việc cô ta bất ngờ nhắc tới anh trai của Kumiko khiến tôi phải cảnh giác. Tôi lấy cái đầu cùn của cây bút chì đặt cạnh điện thoại mà gãi sau cổ. Năm giây hay hơn thế trôi qua, người đàn bà im lặng. Hoàn toàn không có âm thanh gì phát ra từ ống nghe, như thể người đàn bà kia đã lấy khăn tay bịt ống nói để nói chuyện với người bên cạnh.
– Alô, – tôi nói, giờ đã hơi bồn chồn
– Xin ông thứ lỗi, – giọng nói lại bật lên. – Trong trường hợp đó tôi xin phép được gọi lại ông sau.
– Này, đợi đã, – tôi nói. – Đây là…
Ngay khi đó cô ta gác máy. Tôi nhìn cái ống nghe, rồi lại áp vào tai. Chẳng nghi ngờ gì nữa: người đàn bà đã gác máy.
Cảm thấy bất mãn một cách mơ hồ, tôi trở lại bàn bếp uống cà phê, ăn bánh sandwich. Trước khi điện thoại reo tôi đang nghĩ về chuyện gì đó, nhưng giờ thì chịu không nhớ nỗi là chuyện gì. Ban nãy khi cầm dao sắp sửa cắt bánh làm đôi, nhất định là tôi đang nghĩ về một điều gì đó. Một điều rất quan trọng. Một điều mà đã bao lâu nay tôi cố nhớ nhưng hoài công. Nó đã nảy ra trong đầu tôi đúng vào khoảnh khắc tôi sắp cắt bánh làm đôi, nhưng giờ nó đã lại biến mất. Tôi vừa nhai sandwich vừa ra sức khơi lại điều đó, nhưng vô ích. Nó đã quay về vùng âm u trong ký ức tôi, nơi nó vẫn hằng nằm yên cho đến khoảnh khắc đó.
° ° °
Tôi vừa ăn xong và đang rửa bát thì điện thoại lại reo. Lần này tôi nhấc máy ngay.
Một lần nữa tôi lại nghe giọng nữ nói “Alô”, nhưng lần này là Kumiko.
– Anh sao rồi?, – nàng hỏi. – Ăn trưa chưa?
– Rồi. Em thì ăn gì?
– Chẳng ăn gì cả, – nàng đáp. – Bận túi bụi. Chắc em sẽ mua sandwich sau vậy. Anh ăn gì?
Tôi mô tả cái sandwich của mình.
– Hiểu rồi, – nàng nói, không một chút ghen tị. – À, tiện thể, có chuyện này suýt nữa em quên bảo anh sáng nay. Hôm nay sẽ có một cô Kano nào đó gọi điện cho anh.
– Cô ta gọi rồi, – tôi nói. – Vừa gọi xong. Cô ta chỉ toàn kể tên nhà mình – tên anh, tên em, tên ông anh trai em. Chẳng nói cô ta muốn gì. Thế là thế nào vậy?
– Cô ta gác máy à?
– Bảo là sẽ gọi lại.
– Nghe này! Khi nào cô ta gọi lại, em muốn anh làm tất cả những gì cô ta bảo. Điều này thật sự quan trọng đấy. Em nghĩ là anh sẽ phải đi gặp cô ta.
– Khi nào? Hôm nay à?
– Thì đã sao? Anh đã có kế hoạch làm gì đó à? Anh sắp phải gặp ai sao?
– Không. Chẳng có kế họach nào hết. – Hôm qua không, hôm nay không, ngày mai không; hoàn toàn không có kế hoạch gì. – Nhưng cái nhà cô Kano này là ai? Cô ta muốn gì ở anh chứ? Anh muốn biết đôi điều trước khi cô ta gọi lại. Nhưng nếu đây là chuyện việc làm của anh mà lại dính dáng tới ông anh của em thì quên đi. Anh không muốn dây và anh ta. Em biết mà.
– Không, ở đây chẳng liên quan gì đến việc làm cả, – nàng nói, thoáng chút bực bội. – Là về con mèo.
– Con mèo?
– Xin lỗi, em phải chạy đi đây. Có người đang đợi em. Lẽ ra em không nên gọi điện cho anh vào giờ này. Em đã nói mà: thậm chí chẳng có lúc nào mà ăn nữa. Khi nào rỗi em sẽ gọi lại ngay cho anh.
– Khoan đã nào, anh biết em rất bận, nhưng em phải giải thích một chút chứ, đừng làm anh rối tung lên chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì cả. Mèo là thế nào? Cái cô Kano này là…
– Cô ta bảo anh làm gì thì anh cứ làm, nhé? Hiểu không nào? Chuyện này hệ trọng đấy. Anh cứ ở nhà đợi cô ta gọi. Thôi em đi đây.
Nàng gác máy.
° ° °
Khi điện thoại reo lúc 2 giờ rưỡi, tôi đang ngủ trên sofa. Thoạt tiên tôi nghĩ là đồng hồ báo thức. Tôi với tay bấm nút tắt, nhưng đồng hồ không có đó. Tôi không nằm trên giường mà trên sofa, và bây giờ không phải buổi sáng mà là xế trưa. Tôi dậy đi ra chỗ điện thoại.
– Alô? – tôi nói.
– Alô, – một giọng nữ nói. Đó là người đã gọi lúc sáng. – Ông Okada Toru phải không ạ?
– Vâng, tôi đây, Okada Toru.
– Thưa ông, tên tôi là Kano, – cô ta nói.
– Cô vừa mới gọi đây phải không?
– Vâng. Tôi e rằng mình đã quá ư thất lễ. Nhưng thưa ông Okada, xin ông cho biết liệu chiều nay ông có rãnh không?
– Chắc là rảnh.
– Nếu vậy, tôi biết thế này quả thật là đường đột, nhưng liệu chúng ta có thể gặp nhau không?
– Khi nào? Hôm nay? Ngay bây giờ sao?
– Vâng.
Tôi nhìn đồng hồ. Thực ra thì chẳng cần nhìn – cách đây nửa phút tôi vừa nhìn đồng hồ xong – mà chỉ để cho chắc. Vẫn đang 2 giờ rưỡi.
– Có lâu không?
– Chắc không lâu lắm đâu. Tuy nhiên tôi có thể lầm. Ngay lúc này tôi không thể nói hoàn toàn chính xác được. Xin ông thứ lỗi cho.
Dù là thế nào đi nữa, tôi cũng không có cách nào khác. Kumiko đã bảo tôi phải làm theo lời người đàn bà này, bởi chuyện rất hệ trọng. Một khi nàng đã nói là hệ trọng thì đúng là hệ trọng, và tốt nhất là tôi nên làm theo.
– Tôi hiểu, – tôi đáp. – Ta nên gặp nhau ở đâu?
– Chẳng hay ông có biết khách sạn Pacific bên cạnh ga Shinagawa không?
– Có.
– Có một tiệm cà phê ở tầng một. Tôi sẽ đợi ông ở đó lúc 4 giờ. Thế có tiện cho ông không ạ?
– Được, – tôi nói.
– Tôi ba mươi mốt tuổi, tôi sẽ đội mũ bằng vải vinyl màu đỏ.
Thật lạ lùng. Có cái gì đó kì quặc trong cách nói năng của người đàn bà này, nó khiến tôi bối rối một lát. Nhưng tôi không thể lý giải có gì khác thường trong lời lẽ của cô ta. Cũng chẳng có luật nào cấm phụ nữ ba mươi mốt tuổi đội nón vinyl màu đỏ cả.
– Tôi hiểu, tôi sẽ nhận ra cô.
– Thưa ông Okada, ông có thể vui lòng cho tôi biết ông có những nét bề ngoài nào nổi bật dễ nhận diện không?
Tôi cố nghĩ xem mình có thể có những “nét bề ngoài nổi bật” nào. Mình có không nhỉ?
– Tôi ba mươi tuổi. Tôi cao 1,72 mét, nặng 63 cân, tóc cắt ngắn, không đeo kính. – Trong khi liệt kê mấy nét trên, tôi nhận ra rằng vị tất đó là những đặc điểm bề ngoài dễ nhận diện. Có thể có tới năm chục người đàn ông như vậy trong quán cà phê ở khách sạn Pacific. Tôi từng tới đó rồi, quán cà phê rộng mênh mông. Phải là nét gì nổi bật hơn thì cô ta mới nhận ra được. Nhưng tôi chẳng nghĩ được gì cả. Nói thế không có nghĩa là tôi chả có nét gì nổi bật. Tôi có một bản Sketchy of Spain của Mils Davis có chữ ký của tác giả. Tôi có nhịp tim rất chậm: bình thường bốn mươi bảy, khi nào lên cơn sốt cũng không quá bảy mươi. Tôi vừa thất nghiệp. Tôi thuộc tên tất thảy các anh em nhà Karamazov. Nhưng chẳng có nét nào trong số đó là nét bên ngoài cả.
– Ông sẽ ăn mặc thế nào? – cô ta hỏi.
– Tôi không biết. Tôi chưa quyết định. Chuyện này đột ngột quá.
– Thế thì xin ông hãy mang cà vạt chấm hạt đỗ, – cô ta nói với vẻ quyết đoán. – Liệu ông có chiếc cà vạt chấm hạt đỗ nào không?
– Chắc là có, – tôi nói. Tôi có một cái cà vạt xanh kiểu lính thuỷ có những hạt đỗ li ti màu kem. Đó là quà sinh nhật của Kumiko tặng tôi vài năm trước.
– Vậy xin ông hãy mang cái cà vạt ấy, – cô ta nói. – cám ơn ông đã đồng ý gặp tôi lúc 4 giờ. – Rồi cô ta gác máy.
° ° °
Tôi mở tủ tìm cái cà vạt chấm hạt đỗ. Không thấy trên giá treo cà vạt. Tôi lục tất cả các hộc. Tôi tìm trong mấy cái hộp đựng quần áo. Cái cà vạt chấm hạt đỗ chẳng thấy đâu. Không thể có chuyện cái cà vạt vẫn đang ở trong nhà mà tôi không thể tìm ra. Kumiko là người rất kỹ tính, với nàng quần áo trong tủ luôn phải ngăn nắp đâu ra đó, nên cái cà vạt không thể ở đâu khác ngoài nơi từ trước đến nay vẫn dùng để cất nó. Thực vậy, tôi thấy mọi thứ – cả quần áo của nàng và của tôi – đều rất chỉn chu. Các sơ mi của tôi xếp gọn trong hộp dành cho chúng. Các áo len của tôi nằm trong mấy cái hộp lèn chặt băng phiến đến nỗi vừa mở nắp ra là mắt tôi đã cay xè. Một hộp đựng các thứ quần áo nàng mặc hồi còn đi học: một bộ đồng phục kiểu lính thuỷ, một bộ váy áo mini kẻ hoa, những bức ảnh ưa thích trong một album cũ. Giữ lại những thứ này để làm gì chứ? Có lẽ nàng vẫn mang chúng theo chỉ vì chưa tìm được cơ hội để tống khứ đi. Hoặc có thể nàng định gửi chúng sang Bangladesh hoặc một ngày nào đó sẽ đem bán như là vật phẩm văn hóa. Nói gì thì nói, chẳng kiếm đâu ra cái cà vạt chấm hạt đỗ của tôi.
Tì tay lên cửa tủ, tôi cố nhớ lại lần cuối cùng mình đeo cái cà vạt là khi nào. Nó là một cái cà vạt khá sành điệu, rất có gu, chỉ có điều mang đi làm thì hơi điệu quá. Nếu tôi mang nó tới cơ quan thì ắt hẳn trong bữa ăn trưa sẽ có người lại gần trầm trồ nào màu sắc tuyệt đẹp, nào hình dáng tinh tế. Mà đấy chính là một kiểu cảnh cáo. Ở công ty tôi làm trước đây, được khen về cà vạt mình đeo thì chẳng hay ho gì. Vì vậy tôi chẳng bao giờ đeo cái cà vạt chấm hạt đỗ đi làm cả. Tôi chỉ đeo nó trong những dịp riêng tư và tương đối trang trọng, chẳng hạn nghe hòa nhạc hoặc ăn tối trong một nhà hàng có hạng, nghĩa là những hôm nào Kumiko bảo “Hôm nay em muốn vợ chồng mình ăn mặc lịch sự” (thật ra những dịp như thế không có nhiều). Cái cà vạt ấy đi với chiếc áo sơ mi màu xanh thẫm của tôi rất hợp, và Kumiko rất thích. Thế nhưng tôi vẫn không nhớ nổi lần cuối mình đeo nó là khi nào.
Tôi kiểm lại lần nữa tất cả mọi thứ trong tủ quần áo rồi chịu thua. Vì lý do nào đó, cái cà vạt chấm hạt đỗ đã không cánh mà bay. Thôi vậy. Đành phải mặc bộ comple xanh thẫm, sơ mi trắng, đeo cà vạt kẻ sọc. Chẳng sao cả. Cô ta có thể không nhận ra tôi, nhưng tôi thì chỉ cần tìm người đàn bà nào trạc ba mươi tuổi đội mũ bằng vải vinyl màu đỏ.
Vận quần áo đâu đấy xong, tôi ngồi lên ghế sofa nhìn chăm chăm vào tường. Lần cuối tôi vận bộ comple đã lâu lắm rồi. Bình thường ra, mùa này mà mặc bộ comple xanh thẫm này có thể là quá nặng, nhưng hôm ấy trời lất phất mưa, lại còn se lạnh nữa. Đó chính là bộ comple tôi đã mặc vào hôm cuối cùng đi làm (dạo tháng Tư). Chợt tôi nhận ra có cái gì đó ở một trong các túi. Trong túi ngực tôi tìm thấy một cái biên lai đề ngày từ mùa thu trước. Nó là một cái biên lai taxi, loại mà trước kia tôi hay mang về cơ quan làm thủ tục thanh toán lại. Giờ thì muộn quá rồi. Tôi vò mảnh biên lai vứt vào sọt rác.
Từ lúc thôi việc cách đây hai tháng, tôi chưa lần nào mặc lại bộ com lê này. Giờ đây, sau ngần ấy thời gian mới mặc lại, tôi cảm như thân thể mình biến thành một chất liệu khác. Nó nặng trịch, thô cứng, dường như không khớp với đường viền thân thể tôi. Tôi đứng dậy đi tới đi lui trong phòng, đứng lại trước gương, kéo thẳng tay áo và vạt áo để bộ com-lê ôm khít người hơn. Tôi duỗi thẳng hai tay, hít mộ hơi dài rồi gập người xuống ngang thắt lưng đặng kiểm tra xem dáng người tôi có thay đổi không trong hai tháng vừa qua. Tôi lại ngồi xuống sofa, nhưng vẫn thấy bứt rứt bất an như trước.
Mãi đến mùa xuân vừa rồi, ngày nào tôi cũng mặc com-lê đi làm mà không hề cảm thấy nó là cái gì lạ lẫm. Công ty tôi có quy định tương đối khắt khe về chuyện ăn mặc, họ yêu cầu ngay cả những nhân viên hạng tép riu như tôi cũng phải mặc com-lê. Tôi chẳng nghĩ ngợi gì về điều đó cả.
Tuy nhiên, lúc này đây, mặc bộ com lê mà ngồi trên sofa, tôi có cảm giác mình đang thực hiện một hành vi vô đạo, kiểu như làm sơ yếu lý lịch giả hay cải trang thành phụ nữ. Có cái gì đó rất gần với mặc cảm có tội tràn ngập trong lòng khiến tôi càng lúc càng khó thở.
Tôi bước ra phòng ngoài, lấy đôi giày màu nâu ra khỏi giá, dùng cái bót đi giày để xỏ chân vào. Bề mặt đôi giày phủ một lớp bụi mỏng.
° ° °
Hóa ra tôi không phải tìm người đàn bà nọ mà chính cô ta nhận ra tôi. Bước vào tiệm cà phê, tôi nhìn quanh một lượt tìm chiếc mũ đỏ. Chẳng có người đàn bà nào đội mũ đỏ cả. Đồng hồ của tôi chỉ 4 giờ kém mười. Tôi tìm chỗ ngồi, uống cốc nước người ta mang tới rồi gọi một cốc cà phê. Ngay khi hầu bàn vừa đi khỏi, tôi nghe giọng một phụ nữ vang lên sau lưng: “Chắc hẳn ông là Okada Toru?”. Tôi ngạc nhiên ngoái đầu lại. Từ khi tôi nhìn quanh phòng rồi ngồi xuống gọi cà phê đến giờ mới chưa đến ba phút.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.