Biên niên ký Chim vặn dây cót
4 Ân sủng đánh mất ♦ Điếm tinh thần
Về đến nhà, tôi thấy trong thùng thư có một bức thư dày. Đó là thư của Trung úy Mamiya. Họ tên và địa chỉ của tôi được viết ngoài phong bì bằng thứ Hán tự đậm nét, chân phương quen thuộc. Thay đồ, rửa mặt xong, tôi xuống bếp uống hai cốc nước lạnh. Nghỉ một chút lấy lại hơi, tôi mới rọc phong bì.
Trung úy Mamiya dùng bút lông viết kín đặc mười trang giấy mỏng bằng thứ chữ li ti. Tôi lật qua các trang giấy rồi nhét lại vào phong bì. Tôi mệt quá không đọc nổi một bức thư dài như vậy. Tôi không có sức đâu để tập trung vào lúc đó. Lướt mắt qua những hàng chữ viết tay, tôi thấy chúng như một bầy lúc nhúc những con bọ kỳ dị màu xanh nước biển. Bên cạnh đó, giọng của Wataya Noboru vẫn còn văng vẳng trong trí tôi.
Tôi nằm dài trên ghế sofa, nhắm mắt hồi lâu, không nghĩ gì cả. Với tâm trạng của tôi lúc này thì không nghĩ gì cả chẳng phải là việc khó. Để không nghĩ gì cả, tôi chỉ việc nghĩ về nhiều chuyện, mỗi chuyện một tí: nghĩ về cái gì đó một chút rồi lại quẳng ngay ra khỏi đầu.
Mãi gần 5 giờ chiều tôi mới quyết định đọc thư của Trung úy Mamiya. Tôi ra ngoài hiên, ngồi tựa lưng vào một cây cột rồi rút các trang giấy ra khỏi phong bì.
Trang đầu toàn những câu giao đãi theo nghi thức: chào hỏi dông dài, cám ơn tôi đã mời ông đến nhà hôm nọ, và vô cùng xin lỗi đã làm tôi chán ngấy với những câu chuyện dài lê thê của ông. Trung úy Mamiya nhất định là người rất am hiểu lễ nghi giao tiếp. Ông là một kẻ còn sống sót từ thời những lễ nghi đó chiếm một phần quan trọng trong đời sống hàng ngày. Tôi lướt nhanh qua những dòng đó rồi giở sang trang thứ hai.
Xin ông thứ lỗi cho tôi đã mào đầu một cách dài dòng đến vậy. Mục đích duy nhất của tôi khi viết như vậy – dẫu biết khi mạo muội làm vậy là tôi đang buộc ông phải gánh một nhiệm vụ không mong muốn – là để thông báo với ông rằng những sự kiện tôi kể với ông hôm trước hoàn toàn không phải do tôi bịa đặt ra, cũng chẳng phải là những hồi ức đáng ngờ của một lão già, mà là một sự thật hoàn toàn, trọng đại, sự thật đến từng chi tiết nhỏ. Như ông cũng biết, chiến tranh đã chấm dứt từ rất lâu rồi, hiển nhiên là ký ức thoái hoá dần cùng với thời gian. Ký ức và ý nghĩ cũng già đi như con người ta già đi vậy. Nhưng một số ý nghĩ không bao giờ có thể già đi, một số ký ức không bao giờ có thể già đi.
Mãi đến ngày hôm nay tôi vẫn chưa bao giờ kể những chuyện này với bất cứ ai ngoại trừ ông. Đối với hầu hết mọi người, những câu chuyện đó của tôi nghe như toàn bịa đặt không thể tin được. Phần đông thiên hạ coi những gì nằm ngoài phạm vi hiểu biết của họ là vớ vẩn, không đáng bận tâm. Ngay chính tôi cũng chỉ ước ao rằng những câu chuyện của mình quả thật không là gì khác ngoài bịa đặt. Tôi đã sống qua ngần ấy năm trời chỉ bám víu vào niềm hy vọng mong manh rằng những ký ức đó của tôi chẳng qua chỉ là giấc mộng hoặc cơn mê sảng. Tôi đã ra sức thuyết phục chính mình rằng những chuyện đó chưa hề xảy ra. Nhưng mỗi khi tôi cố đẩy chúng vào bóng tối, những ký ức đó lại quay về, càng mãnh liệt hơn, càng sống động hơn bao giờ hết. Như tế bào ung thư, những ký ức đó đã cắm rễ trong tâm trí tôi, ăn dần vào trong thể xác tôi.
Mãi đến giờ tôi vẫn nhớ như in từng chi tiết nhỏ nhất một cách rõ ràng đến đáng sợ. Tôi nhớ như thể những sự kiện đó chỉ mới xảy ra hôm qua. Tôi có thể vốc cát và cầm ngọn cỏ trong tay, thậm chí nghe được mùi của chúng. Tôi thấy rõ hình dáng những đám mây trên bầu trời. Tôi cảm thấy ngọn gió khô lẫn đầy cát thốc vào hai má tôi. So ra thì chính những sự kiện sau này trong đời tôi mới có vẻ là ảo ảnh trên đường ranh giữa mộng mị và thực tại.
Cội rễ cuộc đời tôi – những gì tôi có thể nói rằng từng có lúc thực sự là chính bản thân tôi – đã bị chết cóng hay thiêu rụi ở đó, giữa thảo nguyên Ngoại Mông nơi mà xa ngút mắt cũng không có một cái gì cản trở tầm nhìn. Sau đó tôi mất một bàn tay trong trận kịch chiến với đơn vị xe tăng Xô Viết tấn công qua biên giới; tôi đã nếm mùi khổ ải không thể hình dung nổi nơi trại lao động Siberia trong cái lạnh chết người của mùa đông; tôi được hồi hương, làm thầy dạy môn xã hội ở một trường trung học vùng quê suốt ba mươi năm trời yên ả, rồi từ đó tới giờ tôi sống đơn độc, canh tác trên mảnh đất của mình. Thế nhưng từng ấy năm tháng về sau trong đời mình tôi thấy chỉ như là ảo ảnh. Dường như chưa hề có những năm tháng đó vậy. Chỉ trong khoảnh khắc, ký ức tôi đã nhảy qua cái vỏ rỗng thời gian đó mà về lại thảo nguyên Hulunbuir hoang vu.
Cuộc đời tôi mai một như thế đó, bị biến thành vỏ rỗng như thế đó hẳn là do một cái gì kia trong làn ánh sáng tôi đã nhìn thấy nơi đáy giếng, làn ánh sáng mặt trời mãnh liệt xuyên thấu vào đáy giếng chỉ trong vòng mười đến hai mươi lăm giây. Nó ập xuống bất ngờ và biến đi cũng đột ngột như vậy. Nhưng trong làn ánh sáng kéo dài ngắn ngủi kia tôi đã thấy một cái gì đó – cái gì đó mà suốt đời tôi sẽ không bao giờ thấy lại được nữa. Và một khi đã thấy rồi, tôi không còn là con người như xưa nữa.
Điều gì đã xảy ra dưới đó? Có ý nghĩa gì? Mãi đến giờ, hơn bốn mươi năm sau, tôi vẫn không trả lời được chính xác những câu hỏi đó. Chính vì vậy những gì tôi sắp nói sau đây chỉ là một giả thuyết, không hơn, một cách giải thích tạm thời tôi nghĩ ra cho chính mình mà không dựa trên một cơ sở logic nào. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng trong lúc này giả thuyết của tôi là gần gũi nhất với ý nghĩa đích thực của những gì tôi đã trải qua.
Quân Mông Cổ đã ném tôi xuống một cái giếng sâu đen kịt giữa thảo nguyên, chân và vai tôi bị gãy, tôi chẳng có đồ ăn lẫn nước uống, chỉ còn chờ chết. Trước đó tôi đã thấy một người bị lột da sống. Tôi cho rằng trong hoàn cảnh đặc biệt đó, ý thức của tôi đã đạt tới sự tập trung đậm đặc đến mức khi làn ánh sáng cường liệt đó rọi xuống trong vài giây ngắn ngủi kia, tôi đã xuống được đến nơi có thể gọi là phần cốt lõi của ý thức tôi. Dù thế nào đi nữa, tôi đã thấy hình dáng của một cái gì đó. Ông cứ tưởng tượng xem. Mọi vật quanh tôi đều tắm trong ánh sáng. Tôi đang ở ngay chính giữa một dòng thác ánh sáng. Mắt tôi chẳng nhìn thấy gì. Đơn giản là tôi được bọc trong ánh sáng. Nhưng rồi có cái gì đó bắt đầu xuất hiện. Trong lòng sự mù lòa thoáng chốc của tôi, một cái gì đó đang cố gắng thành hình. Một vật gì đó. Một vật gì đó có sự sống. Như cái bóng nhật thực, nó bắt đầu trỗi dậy, màu đen, trong ánh sáng. Nhưng tôi không thể nào nhận rõ hình thù của nó. Nó đang cố đến với tôi, đang cố ban cho tôi một cái gì đó như là ân sủng của trời. Tôi run rẩy chờ nó. Nhưng rồi, hoặc vì nó đã đổi ý hoặc vì không đủ thời gian, nó chẳng bao giờ đến với tôi. Chỉ một khoảnh khắc trước khi thành hình trọn vẹn, nó đã lại tan biến đi và hòa lẫn vào ánh sáng. Thế rồi bản thân ánh sáng cũng tắt. Thời hạn cho ánh sáng đó chiếu vào đáy giếng đã hết.
Điều đó xảy ra cứ hai ngày một lần. Cũng chính một điều đó. Một cái gì đó khởi sự hình thành trong làn ánh sáng tràn trề, rồi chưa kịp nên hình thù trọn vẹn thì đã biến mất. Dưới đáy giếng, tôi đói khát đến khủng khiếp. Nhưng rốt cuộc thì đó không phải là vấn đề quan trọng nhất. Điều khiến tôi khổ sở nhất khi còn ở dưới giếng là nỗi giày vò vì không sao nhìn rõ được hình dạng cái vật gì đó kia trong ánh sáng: đói vì không thể nhìn thấy cái cần phải thấy, khát vì không thể biết cái cần phải biết. Giá như nhìn rõ được nó thì dù có chết ngay ở đó tôi cũng cam lòng. Tôi thật sự cảm thấy vậy đó! Tôi sẵn sàng hy sinh bất cứ cái gì để nhìn trọn vẹn được hình dạng của nó.
Nhưng rồi rốt cuộc cái hình thể đó vuột khỏi tôi mãi mãi. Ân sủng chưa được ban cho tôi thì đã hết rồi. Và như tôi đã nói, từ khi thoát được cái hố kia mà leo lên mặt đất, cuộc đời tôi chỉ còn là một cái vỏ rỗng, trống hơ trống hoác. Chính vì vậy mà khi quân đội Xô Viết xâm chiếm Mãn Châu ngay trước khi chiến tranh kết thúc, tôi đã tình nguyện lên tuyến đầu. Trong trại lao động ở Siberia cũng vậy, tôi cố tình làm sao cho người ta đưa tôi đến những nơi khắc nghiệt nhất. Thế nhưng, dẫu có làm gì đi nữa, tôi vẫn không chết. Đúng như hạ sĩ Honda đã tiên đoán đêm ấy, số tôi là quay về Nhật để sống một cuộc đời dài đến lạ lùng. Tôi nhớ lần đầu tiên nghe lời tiên đoán đó tôi đã sung sướng biết bao. Nhưng lời tiên đoán đó hoá ra là một lời nguyền. Không phải tôi không chết, mà là tôi không thể chết. Hạ sĩ Honda nói đúng cả về điều đó nữa: lẽ ra tôi đừng biết thì hơn.
Khi sự khải thị và ân sủng đó đã mất thì cuộc đời tôi cũng mất. Những gì trước kia từng sống ở trong tôi, những gì chính vì vậy mà có giá trị gì đó, nay đều đã chết. Không còn lại gì nữa cả. Tất cả đã bị thiêu cháy thành tro trong luồng sáng khốc liệt kia rồi. Sức nóng tỏa ra từ sự khải thị hay ân sủng đó đã đốt rụi vào tận trong cốt lõi cái sinh mệnh của kẻ vốn là tôi. Hiển nhiên tôi không đủ sức cưỡng lại sức nóng đó. Thế nên tôi không hề sợ chết. Có chăng thì cái chết của thể xác sẽ là một dạng cứu thoát cho tôi. Nó sẽ vĩnh viễn giải thoát tôi khỏi cái nhà tù vô vọng này, khỏi cái nỗi đau khi tôi phải là tôi.
Một lần nữa tôi lại làm ông phát chán vì câu chuyện dài lê thê này. Tôi xin ông thứ lỗi. Nhưng điều tôi muốn nói với ông là thế này, ông Okada ạ: tôi đã lỡ đánh mất cuộc đời mình vào một thời điểm nhất định, từ đó trở đi tôi sống thêm hơn bốn mươi năm nhưng cuộc đời thì đã mất. Là kẻ ở trong địa vị đó, tôi đâm ra nghĩ rằng sự sống của ta hạn hẹp hơn nhiều so với những ai đang rơi vào vòng xoáy của đời vẫn tưởng. Ánh sáng chỉ rọi vào hành vi sự sống trong một khoảnh khắc tột cùng ngắn ngủi, có lẽ chỉ vài giây. Một khi ánh sáng đã ra đi mà ta chưa ngộ được điều khải thị nó mang lại cho ta thì sẽ không còn cơ hội thứ hai nữa. Có khi kẻ đó sẽ phải sống nốt quãng đời còn lại trong nỗi cô đơn và sám hối sâu thẳm và vô vọng. Trong cái thế giới xế chiều đó, ta không thể trông mong bất cứ điều gì nữa. Tất cả những gì kẻ đó nắm trong tay chỉ là cái xác khô còn lại của cái lẽ ra đã có.
Dù có thế nào, tôi cũng lấy làm vui đã có cơ duyên gặp ông Okada và kể cho ông nghe câu chuyện của tôi. Liệu nó có giúp ích gì được cho ông, tôi không biết. Nhưng kể ra với ông rồi, tôi như được giải thoát. Dẫu mong manh yếu ớt đi chăng nữa, sự giải thoát nào đối với tôi cũng quý báu vô cùng. Tôi cũng không thể không cảm thấy trong việc ông Honda đã dẫn lối tôi đến việc này có những mối dây vi tế nào đó của số phận. Xin ông hãy nhớ, nơi đây có người cầu chúc cho ông sống một cuộc đời hạnh phúc mai sau.
Tôi đọc lại bức thư một lần nữa, đọc cẩn thận, rồi nhét lại vào phong bì.
Thư của Trung úy Mamiya lay động tâm hồn tôi đến kỳ lạ, nhưng với trí óc tôi, nó chỉ mang lại những hình ảnh mơ hồ xa xăm. Trung úy Mamiya là người tôi có thể tin cậy và chấp nhận, và tôi cũng có thể chấp nhận là sự thật những gì ông tuyên bố là sự thật. Song bản thân khái niệm sự thật hay thực tại không còn đủ sức thuyết phục tôi nữa. Điều khiến tôi xúc động nhất là nỗi ấm ức trong từng lời của viên trung úy: ấm ức vì không bao giờ có thể miêu tả hay lý giải một điều gì cho hoàn toàn ưng ý được.
Tôi xuống bếp uống cốc nước. Rồi tôi đi lòng vòng quanh nhà. Trong phòng ngủ, tôi ngồi trên giường nhìn những bộ áo váy của Kumiko xếp hàng trong tủ. Và tôi nghĩ: mục đích của đời tôi cho đến giờ là gì? Giờ thì tôi hiểu những gì Wataya Noboru nói. Phản ứng đầu tiên của tôi trước lời lẽ của hắn là giận dữ, nhưng tôi phải nhận rằng hắn nói đúng. “Cậu đã cưới em tôi được sáu năm, trong suốt thời gian đó cậu làm được cái gì? Không gì hết, đúng không? Suốt sáu năm qua cậu chỉ làm được mỗi một việc là bỏ việc và hủy hoại cuộc đời Kumiko. Nay cậu đang thất nghiệp và chả có dự định nào cho tương lai hết. Trong cái đầu cậu chả có gì khác ngoài cục đá và rác rưởi”. Tôi chỉ còn cách thừa nhận rằng hắn nhận xét chính xác. Khách quan mà nói, tôi đã chẳng làm được cái gì ra hồn trong sáu năm qua, và những gì có trong đầu tôi quả thật rất giống rác rưởi và đá cục. Tôi là con số không. Đúng như hắn nói.
Nhưng có đúng là tôi đã hủy hoại đời Kumiko không?
Mãi một hồi lâu tôi ngồi nhìn những áo váy, áo cánh và váy của Kumiko. Chúng là những cái bóng mà Kumiko để lại. Vắng chủ, những cái bóng đó chỉ còn có thể treo nguyên đó, vật vờ ẻo lả. Tôi xuống buồng tắm lấy chai nước hoa Christian Dior ai đó đã tặng Kumiko. Tôi mở chai ra ngửi. Nó là cái mùi hương tôi ngửi thấy sau tai Kumiko vào cái buổi sáng nàng bỏ nhà đi. Tôi chầm chậm đổ hết nước hoa trong chai xuống bồn rửa mặt. Trong khi chỗ nước hoa kia trôi xuống ống thải, một mùi hoa nồng gắt (tên là hoa gì tôi cố nhớ nhưng không được) xộc lên trong bồn, khuấy động ký ức một cách tàn nhẫn. Giữa cái mùi hương mãnh liệt ấy, tôi rửa mặt, đánh răng. Sau đó tôi quyết định sang nhà Kasahara May.
° ° °
Cũng như mọi khi, tôi đứng nơi ngõ chỗ phía sau nhà Miyawaki, đợi Kasahara May xuất hiện, nhưng lần này đợi mãi không thấy. Tôi tựa vào hàng rào, mút kẹo chanh, ngắm bức tượng chim và miên man nghĩ đến bức thư của Trung úy Mamiya. Tuy nhiên, chỉ lát sau trời bắt đầu sẩm tối. Đợi được gần nửa tiếng đồng hồ, tôi đành chịu thua. Kasahara May chắc đang ở ngoài, không có nhà.
Tôi đi dọc theo con ngõ đến phía sau nhà mình qua rồi trèo qua tường. Trong nhà, tôi nhìn thấy bóng nhá nhem thanh tĩnh của buổi tối mùa hè. Và Kano Creta đang ở trong nhà. Trong một khoảnh khắc như ảo giác, tôi ngỡ mình đang mơ. Nhưng không, đây vẫn là thực tại đang tiếp diễn. Chút mùi nước hoa mà tôi đã đổ đi vẫn còn vương vất trong không khí. Kano Creta ngồi trên ghế sofa, hai tay đặt trên đầu gối. Tôi lại gần cô, song như thể chính thời gian đã ngưng lại trong cô, cô không hề cử động. Tôi bật đèn rồi ngồi xuống ghế trước mặt cô.
– Cửa không khóa nên tôi tự vào, – rốt cuộc cô nói.
– Không sao, mỗi khi ra ngoài tôi đều để cửa không khóa mà, – tôi nói.
Cô mặc áo cánh trắng thêu ren, váy bồng màu hoa cà, đeo một cặp hoa tai lớn. Trên cổ tay trái cô đeo một cặp vòng to. Nhìn thấy cặp vòng, tôi như giật nảy mình. Chúng giống in hệt cặp vòng tôi đã thấy cô đeo trong giấc mơ của tôi. Đầu tóc và cách trang điểm của cô đều theo phong cách quen thuộc. Cũng như mọi lần, keo xịt giữ cho tóc ở nguyên vị trí, như thể Kano Creta vừa từ thẩm mỹ viện ra là đến thẳng đây.
– Không có nhiều thì giờ đâu, – Kano Creta nói. – Tôi cần phải về nhà ngay. Nhưng nhất định tôi cần nói chuyện với ông, thưa ông Okada. Hôm nay hình như ông đã gặp chị tôi và ông Wataya thì phải.
– Tôi có gặp. Phải nói ngay, cuộc gặp chẳng vui vẻ gì lắm.
– Ông không có gì để hỏi tôi liên quan đến cuộc gặp đó hay sao? – cô hỏi.
Ai đến gặp tôi cũng đều chất vấn tôi đủ điều thế này sao!
– Tôi muốn biết thêm về Wataya Noboru, – tôi nói. – Tôi không khỏi nghĩ rằng tôi cần phải biết nhiều hơn về hắn.
Cô gật đầu.
– Chính tôi cũng muốn biết nhiều hơn về Wataya Noboru. Tôi tin rằng chị tôi đã cho ông biết hắn từng làm nhục tôi, từ rất lâu rồi. Hôm nay tôi không có thì giờ kể sâu về chuyện đó, nhưng vào một dịp nào đó sau này tôi sẽ kể. Trong mọi trường hợp, việc đó đã xảy ra ngoài ý muốn của tôi. Đầu tiên, người ta thu xếp cho tôi quan hệ với hắn. Chính vì vậy nên đây không phải là hãm hiếp theo nghĩa thường của từ này. Nhưng hắn đã làm nhục tôi, và điều đó đã làm con người tôi thay đổi rất nhiều. Rốt cuộc tôi cũng đã phục hồi được sau sự cố đó. Thật ra, nó đã giúp tôi (dĩ nhiên còn nhờ chị Kano Malta giúp nữa) tự nâng mình lên một tầm mới, cao hơn. Song dù hệ quả thế nào đi nữa, sự thật vẫn là khi đó Wataya Noboru đã cưỡng dâm và làm nhục tôi ngoài ý muốn của tôi. Việc hắn làm với tôi là sai quấy và nguy hiểm. Lẽ ra tôi còn có thể mất đi mãi mãi nữa kia. Ông hiểu ý tôi chứ?
Tôi thật không hiểu ý cô ta.
– Dĩ nhiên, tôi cũng đã quan hệ với ông Okada, nhưng chúng ta đã làm việc đó một cách đúng đắn, với mục đích đúng đắn. Làm như vậy thì tôi không thể nào bị làm nhục cả.
Tôi nhìn thẳng vào cô trong mấy giây, như nhìn một bức tường lốm đốm nhiều màu.
– Cô đã quan hệ với tôi à?
– Vâng, – cô nói. – Lần đầu tôi chỉ dùng miệng, nhưng lần thứ hai chúng ta đã quan hệ với nhau. Cả hai lần đều trong cùng một căn phòng. Hẳn ông nhớ chứ? Lần đầu chúng ta có rất ít thời gian nên cứ phải vội vã. Nhưng đến lần thứ hai ta có nhiều thì giờ hơn.
Tôi chịu không biết trả lời ra sao nữa.
– Lần thứ hai thì tôi mặc áo váy của vợ ông. Chiếc màu xanh dương ấy mà. Tay trái tôi thì đeo vòng như thế này. Có đúng không? – Cô chìa cổ tay trái mang cặp vòng ra trước mặt tôi.
Tôi gật đầu.
– Dĩ nhiên chúng ta đã không quan hệ với nhau trong thực tại, – Kano Creta nói. – Khi ông xuất tinh, đấy không phải xuất tinh vào tôi theo nghĩa vật chất mà là vào ý thức của ông. Ông có hiểu không? Đó là một ý thức được tạo tác. Tuy nhiên, hai chúng ta cùng chung ý thức rằng mình đã quan hệ với nhau.
– Làm như vậy là để làm gì?
– Để biết, – cô nói. – Để biết nhiều hơn, biết sâu hơn.
Tôi thở dài. Điên quá đi mất. Nhưng cô ta đã mô tả tuyệt đối chính xác khung cảnh trong giấc mơ của tôi. Tôi xoa xoa ngón tay quanh mồm, nhìn trân trân vào cặp vòng trên cổ tay trái cô.
– Có thể tôi không được sáng dạ lắm, – tôi nói, giọng khô khan, – nhưng tôi thật không dám bảo là đã hiểu tất cả những gì cô nói.
– Trong giấc mơ thứ hai của ông, khi tôi đang quan hệ với ông, một người đàn bà khác đã thế chỗ tôi. Có đúng không? Tôi không biết cô ta là ai. Nhưng có lẽ sự kiện đó là nhằm gợi lên một điều gì đó với ông, ông Okada ạ. Đó là điều tôi muốn nói với ông.
Tôi không nói gì.
– Ông không nên cảm thấy mình có lỗi về chuyện đã quan hệ với tôi, – Kano Creta nói. – Ông Okada biết tôi là gái điếm cơ mà. Tôi từng là điếm về xác thịt, nhưng nay tôi là điếm tinh thần. Mọi sự đều đi qua tôi.
Nói đến đây Kano Creta rời chỗ ngồi quỳ xuống cạnh tôi, ấp tay tôi trong hai bàn tay cô. Bàn tay cô ấm, mềm, thật nhỏ bé.
– Ôm tôi đi, ông Okada. Ngay ở đây, ngay bây giờ.
Chúng tôi đứng dậy, tôi vòng tay ôm quanh người cô. Tôi thật tình không biết mình có nên làm vậy không. Nhưng hình như ôm lấy Kano Creta ngay khi đó, ngay ở đó không phải là một sai lầm. Tôi không giải thích được, chỉ cảm thấy như vậy thôi. Tôi choàng tay qua tấm thân mảnh dẻ của cô như thể đang học bài đầu tiên trong lớp dạy khiêu vũ. Cô là một phụ nữ nhỏ nhắn. Đỉnh đầu cô chỉ quá chót cằm tôi một chút. Cặp vú cô ép vào dạ dày tôi. Cô áp má vào ngực tôi. Và mặc dù suốt khoảng thời gian đó cô không phát ra tiếng nào, nhưng cô khóc. Tôi cảm thấy những giọt nước mắt âm ấm qua lần áo phông. Tôi nhìn xuống thấy mái tóc làm khéo không chê vào đâu được của cô đang rung rung. Tôi thấy như mình đang mơ một giấc mơ thực sự. Nhưng đây không phải là mơ.
Sau khi chúng tôi giữ nguyên tư thế đó một hồi rất lâu không động đậy, cô ngãng ra khỏi tôi như vừa sực nhớ điều gì. Duy trì một khoảng cách, cô nhìn tôi.
– Cám ơn ông Okada rất nhiều, – cô nói. – Giờ tôi sẽ về nhà. – Cô vừa mới khóc ràn rụa, thế nhưng son phấn của cô hầu như không bị hề hấn gì. Cảm giác thực tại giờ lại biến mất một cách kỳ lạ.
– Có khi nào cô sẽ lại đến trong giấc mơ của tôi không? – tôi hỏi.
– Tôi không biết, – cô vừa nói vừa khẽ lắc đầu. – Chính tôi cũng không biết nữa. Nhưng xin ông hãy tin tôi. Dù gì xảy ra đi nữa, xin đừng sợ tôi hay đừng cảm thấy cần phải cảnh giác về tôi. Ông Okada hứa với tôi như thế chứ?
Tôi gật đầu để trả lời.
Ngay sau đó Kano Creta về nhà.
Bóng đêm càng dày đặc hơn bao giờ hết. Mặt trước áo phông của tôi ướt đẫm. Tôi thức đến tận bình minh, không ngủ được. Một phần tôi không buồn ngủ, mặt khác tôi sợ ngủ. Tôi có cảm giác rằng nếu đi ngủ, tôi sẽ bị bao bọc trong một dòng cát chảy đưa tôi đến một thế giới khác mà từ đó tôi sẽ không bao giờ trở về được nữa. Tôi ngồi nơi sofa cho đến sáng, vừa uống brandy vừa nghĩ về câu chuyện của Kano Creta. Thậm chí khi trời đã sáng, cái thần khí của Kano Creta cùng mùi nước hoa Christian Dior vẫn còn vương vất trong nhà như những cái bóng bị cầm tù.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.