Biên niên ký Chim vặn dây cót
Chương 08( part 02)
Cô vơ lấy chiếc xắc sơn mài màu trắng rồi đứng dậy khỏi ghế sofa.
Việc này khiến tôi chưng hửng.
– Đợi chút đã, – tôi bối rối thốt lên. Tôi không muốn cô ta ngưng ngang câu chuyện như thế. – Nếu cô áy náy vì chiếm mất thời gian của cô thì xin cố chớ ngại. Tôi rảnh suốt chiều nay. Một khi cô đã kể cho tôi đến thế này rồi thì sao không kể cho rốt? Chuyện của cô còn dài, tôi tin chắc vậy.
– Dĩ nhiên là còn, – cô vừa nói vừa nhìn xuống tôi, cả hai bàn tay nắm chặt quai xắc. – nãy giờ tôi chỉ mới kể xong đoạn mở đầu thôi.
Tôi đề nghị cô chờ một chút rồi xuống bếp. Đứng trước bồn rửa bát, tôi dành chút thời gian để hít thở hai hơi dài. Sau đó tôi lấy hai chiếc cốc trong tủ, cho nước đá vào rồi rót đầy nước cam cất trong tủ lạnh. Tôi đặt hai chiếc cốc lên một cái khay con rồi bưng lên phòng khách. Tôi làm tất cả các động tác trên một cách cố tình chậm rãi, song khi lên đến nơi, tôi thấy cô ta vẫn đứng nguyên trong tư thế cũ. Tuy nhiên, khi tôi đặt hai cốc nước cam trên bàn, dường như cô đã nghĩ lại. Cô lại ngồi lên ghế sofa, đặt chiếc xắc sang một bên.
– Ông thực sự muốn tôi kể chuyện cho đến hết sao? – cô hỏi.
– Dĩ nhiên rồi.
Cô uống hết nửa cốc nước cam rồi kể tiếp.
– Dĩ nhiên là tôi đã tự sát nhưng không thành. Nếu không thì tôi đã chẳng ngồi đây uống nước cam với ông, thưa ông Okada. – Cô nhìn thẳng vào mắt tôi, và tôi khẽ mỉm cười tán thành. – Giá như tôi đã chết đúng theo kế hoạch thì mọi chuyện hẳn đã giải quyết xong rồi. Chết có nghĩa là ý thức không còn nữa, tôi sẽ không bao giờ phải chịu đau đớn nữa. Đó chính là điều tôi muốn. Thế nhưng, thật không may, tôi đã chọn sai cách chết.
Vào 9 giờ tối ngày 29 tháng Năm, tôi đến phòng anh tôi hỏi mượn xe. Đó là một chiếc Toyota MR2 mới toanh, nên anh ấy tỏ vẻ rất khổ sở nếu phải cho tôi mượn. Nhưng tôi chẳng bận tâm đến điều đó. Anh ấy không thể từ chối được, bởi chính tôi đã cho anh ấy mượn tiền mua chiếc xe này. Tôi lấy chìa khóa rồi lái loanh quanh khoảng nửa giờ. Chiếc xe chỉ mới chạy chưa đầy 1.800 cây số. Chỉ cần nhấn ga một chút mà nó vọt như tên bắn. Đó chính là chiếc xe lý tưởng cho mục đích của tôi. Tôi lái đến tận sông Tama ở ngoại ô thành phố, ở đó tôi gặp một bức tường đá mà tôi đã chú ý tìm từ trước. Đó là loại tường bao quanh một biệt thự lớn, nằm ở cuối một ngõ cụt. Tôi lùi lại rõ xa để lấy đà rồi nhất ga hết cỡ. Hẳn tôi đã cho xe đâm sầm vào bức tường với tốc độ 150 cây số một giờ, rối bất tỉnh.
Tuy nhiên, thật không may cho tôi, bức tường lại không rắn như tôi tưởng. Nhà thầu quá hà tiện nên đã không cố định bức tường cho tới nơi tới chốn. Bức tường sụp xuống, nửa trước xe bẹp dúm. Chỉ có thế. Bởi bức tường quá mềm nên hấp thụ hết lực va chạm. Thế chưa hết, trong cơn bấn loạn, tôi đã quên mở đai an toàn.
Thế là tôi thoát khỏi cái chết. Thậm chị tôi hầu như không bị thương. Và, điều lạ nhất là tôi hầu như không thấy đau đớn gì hết. Đó là điều kỳ quái nhất. Người ta đưa tôi vào bệnh viện để băng cái xương duy nhất bị gãy. Cảnh sát đến điều tra, nhưng tôi bảo họ tôi chẳng nhớ gì sất. Tôi bảo chắc là do tôi định nhấn phanh song lại nhằm sang nhấn ga. Và họ tin lời tôi. Tôi chỉ mới hai mươi tuổi, mới lấy bằng lái được sáu tháng. Ngoài ra, trông tôi chẳng giống loại người toan tự tử. Ai đời tự tử mà vẫn thắt đai an toàn chứ?
Khi xuất viện tôi phải đương đầu với vài chuyện rắc rối. Trước hết tôi phải trả hết chỗ nợ còn lại cho chiếc MR2 mà tôi đã biến thành đống kim loại vụn. Thật xui xẻo, khi làm hồ sơ với công ty bảo hiểm lại xảy ra một nhầm lẫn nào đó, thế là người ta không chịu trả tiền bảo hiểm cho chiếc xe.
Để tự sát, đáng lẽ tôi phải thuê một chiếc xe có bảo hiểm, song bây giờ hiểu ra điều đó thì quá muộn rồi. Dĩ nhiên vào lúc đó tôi chẳng còn tâm trí đâu để nghĩ tới chuyện bảo hiểm này kia. Tôi không hề nghĩ rằng xe của anh trai tôi sẽ không được bảo hiểm hay việc tự sát của tôi sẽ không thành. Tôi đã đâm xe vào một bức tường đá với tốc độ 150 cây số một giờ mà vẫn sống, thật không tin được.
Ít lâu sau tôi nhận được một hóa đơn của hiệp hội quản lý nhà đòi bồi thường cho bức tường đá. Họ đòi 1.364.294 yên. Trả ngay lập tức. bằng tiền mặt. Tôi không còn cách nào khác ngoài mượn của cha tôi. Ông sẵn sàng cho tôi vay, nhưng yêu cầu tôi phải hoàn lại cho ông. Ông là người rất chi li về tiền bạc. Ông bảo rằng tôi phải chịu trách nhiệm về sự cố này, nên ông muốn tôi hoàn tiền lại cho ông đúng hạn, không thiếu một yên. Thật ra lúc đó tiền nong ông cũng chẳng dư dả gì. Ông đang mở rộng bệnh viện, nên bản thân ông cũng đang đau đầu về việc huy động tiền cho dự án.
Tôi lại nghĩ đến chuyện tự sát. Lần này tôi sẽ chọn cách chắc ăn nhất. Tôi sẽ nhảy từ tầng thứ mười lăm tòa nhà hành chính của trường đại học. Lần này thì không thể phạm sai lầm nữa. Tôi thử nhiều lần. Tôi chọn cái cửa sổ thích hợp nhất. Tôi đã sắp sửa nhảy xuống.
Nhưng có cái gì đó níu tôi lại. Có một cái gì đó là lạ, một cái gì đó lấn cấn ở trong tôi. Đúng vào giây cuối cùng, “cái gì đó” ấy gần như đã lôi ngược tôi lại từ trên thành cửa sổ. Tuy nhiên, phải một thời gian khá lâu sau tôi mới hiểu ra “cái gì đó” là gì.
Tôi không còn đau gì nữa.
Tôi hầu như không còn đau gì nữa từ sau sự cố nọ. Xảy ra dồn dập hết chuyện này đến chuyện khác, tôi hầu như không còn tâm trí để nhận ra rằng cái đau đã biến mất khỏi cơ thể tôi. Không còn đau ruột, không còn đau khi hành kinh, không còn nhức đầu, không còn đau dạ dày. Thậm chí khi cái xương sườn gãy cũng hầu như không đau. Tôi không biết tại sao điều đó lại xảy ra được. Nhưng thực tế là: cái đau đã hoàn toàn biến mất.
Tôi quyết định tạm thời hẵng cứ tiếp tục sống. Tôi chợt muốn biết, dù chỉ một chút thôi, rằng thế nào là sống mà không phải đau đớn gì. Rồi nếu muốn chết thì lúc nào mà chẳng được.
Nhưng nếu tiếp tục sống thì tôi phải trả nợ cho cha. Tổng công, tôi nợ đến hơn ba triệu yên. Để trả được nợ, tôi đi làm điếm.
– Làm điếm?!
– Đúng vậy, – Kano Creta nói, như thể điều đó chẳng có gì ghê gớm cả. – Tôi cần phải có tiền trong một thời gian ngắn. Tôi muốn trả nợ càng sớm càng tốt, mà tôi thì chẳng biết cách nào khác để kiếm tiền ngoài cách đó. Tôi quyết định làm việc đó không chút do dự. Vấn đề là tôi đã quyết chí chết, và tôi vẫn đang nuôi ý định chết, không sớm thì muộn. Chẳng qua vì tò mò muốn biết sống mà không phải đau đớn gì là thế nào nên tôi mới tiếp tục sống thôi, nhưng hoàn toàn chỉ là tạm thời. So với chết thì chuyện bán mình kia có sá gì.
– Tôi hiểu ý cô, – tôi nói.
Đá trong cốc nước cam của cô ta đã tan, Kano Creta chậm rãi dùng ống hút khuấy rồi nhấp một ngụm.
– Tôi hỏi cô một câu được không? – tôi hỏi.
– Vâng, xin ông cứ hỏi.
– Cô có hỏi ý kiến chị về việc này không?
– Lúc ấy chị ấy đang tu tập ở đảo Malta. Trong thời gian tu tập, chị ấy không chịu cho tôi biết địa chỉ. Chị ấy không muốn tôi làm chị ấy mất tập trung. Trong suốt ba năm chị ấy sống ở Malta, thực sự là tôi không thể nào viết thư cho chị ấy.
– Tôi hiểu, – tôi nói. – Cô dùng thêm ít cà phê nhé?
– Vâng, – Kano Creta nói.
Tôi xuống bếp đun lại cà phê. Trong khi chời đợi, tôi vừa nhìn đăm đăm vào cánh quạt thông gió vừa hít thở sâu vào mấy cái. Khi cà phê đã nóng, tôi rót vào hai chiếc tách mới, cho vào khay kèm theo một đĩa bánh quy sôcôla rồi bưng lên phòng khách. Chúng tôi ăn uống một hồi.
– Lần cô thử tự sát là khi nào vậy? – tôi hỏi.
– Lúc đó tôi hai mươi tuổi. Đó là sáu năm trước đây vào tháng Năm 1978.
Tháng Năm 1978 là tháng mà Kumiko và tôi kết hôn. Vậy là, đúng vào tháng hai vợ chồng tôi làm đám cưới, Kano Creta đã toan tự sát còn Kano Malta thì đang tu tập ở đảo Malta.
– Tôi đến khu lân cận có nhiều quán bar, lại gần người đàn ông đầu tiên có vẻ đường được một chút mà tôi thấy, ngả giá, rồi đến khách sạn ngủ với ông ta. – Kano Creta nói. – Việc làm tình không còn làm tôi đau đớn về thể xác nữa. Nhưng cũng không có khoái lạc. Chỉ đơn thuần là vận động cơ thể. Tôi cũng chẳng thấy tội lỗi gì ở chuyện làm tình để kiếm tiền. Tôi bị vây bọc trong sự tê liệt về cảm xúc, một sự vô cảm sâu hun hút đến mức nhìn không thấy đáy đâu.
Tôi kiếm được bộn tiền bằng cách đó, chỉ trong một tháng đầu đã được gần một triệu yên. Với tốc độ đó tôi có thể trả hết nợ chỉ trong vòng ba, bốn tháng. Ngày nào cũng vậy, học ở trường xong là tôi về nhà, tối đến lại ra khỏi nhà, rồi về nhà muộn nhất là mười giờ đêm. Tôi bảo cha mẹ rằng tôi làm hầu bàn, chẳng ai nghi ngờ gì cả. Dĩ nhiên, họ sẽ thắc mắc nếu tôi hoàn tiền lại qua nhiều tiền như vậy cùng một lúc, vì vậy tôi quyết định mỗi tháng chỉ hoàn lại ông 10.000 yên, chỗ còn lại gửi ngân hàng.
Nhưng rồi một đêm nọ, khi tôi đang mồi chài khách gần nhà ga, có hai người đàn ông túm lấy tôi từ đằng sau lưng. Đầu tiên tôi ngỡ đó là cảnh sát, nhưng rồi tôi nhận ra chúng là bọn xã hội đen. Chúng lôi tôi vào một hẻm vắng, hăm doạ tôi bằng một món gì đó giống như con dao, rồi đưa tôi về sào huyệt của chúng. Chúng đẩy tôi vào một căn phòng mãi phía sau, lột hết áo quần tôi, trói chặt cổ tay tôi lại rồi thay nhau hãm hiếp tôi trước ống kính máy quay video. Suốt thời gian đó tôi nhắm mắt, cố không nghĩ gì cả. Việc đó với tôi không khó, bởi tôi chẳng cảm thấy gì hết – đau đớn không, khoái lạc cũng không.
Sau đó chúng cho tôi xem cuộn băng và bảo tôi rằng nếu không muốn bất cứ ai nhìn thấy thì tôi phải nhập hội với chúng và làm việc cho chúng. Chúng tịch thu thẻ sinh viên trong ví tôi. Chúng bảo nếu tôi từ chối làm theo ý chúng, chúng sẽ gửi một bản sao cuộn băng cho cha mẹ tôi để tống tiền. Tôi không còn cách nào khác. Tôi bảo chúng rằng tôi sẽ làm như chúng bảo, rằng với tôi chuyện đó chẳng quan trọng gì. Mà thật, lúc đó không có bất cứ cái gì là quan trọng đối với tôi. Chúng nói rõ rằng nếu tôi nhập hội với chúng, thu nhập của tôi sẽ giảm vì chúng sẽ thu bảy mươi phần trăm, song bù lại tôi sẽ không phải mất công tự tìm khách hàng, cũng không còn phải nơm nớp sợ cảnh sát. Chúng sẽ tìm cho tôi những vị khách sộp. Song nếu tôi vẫn tiếp tục tự kiếm khách hàng thì sẽ đến lúc người ta bắt gặp tôi bị bóp cổ đến chết trong một căn phòng khách sạn nào đó.
Từ đó trở đi tôi không phải đứng đường nữa. Tôi chỉ việc mỗi tối đến “văn phòng” của chúng, ở đó chúng sẽ bảo tôi đến khách sạn nào. Chúng gửi đến tôi những khách hàng sộp thật, đúng như chúng hứa. Tôi không biết tại sao, nhưng tôi được chúng biệt đãi. Có thể là vì tôi trông quá ngây thơ. Tôi có cái vẻ con nhà lành mà các cô gái khác không có. Hẳn là nhiều khách hàng thích loại gái “không có vẻ chuyên nghiệp lắm” này. Các cô khác phải tiếp ba hay bốn khách mỗi ngày, nhưng tôi thì chỉ cần một khách là đủ, nhiều lắm là hai. Các cô khác phải mang theo máy nhắn tin, bất cứ khi nào “văn phòng” gọi là tất tả phải đến khách sạn hạng xoàng nào đó để ngủ với những người đàn ông không rõ nhân thân. Tôi thì lại luôn luôn được hẹn ở một khách sạn hạng sang, thậm chí đôi khi ở một biệt thự. Khách hàng của tôi thường là người lớn tuổi, hiếm khi gặp người trẻ.
“Văn phòng” trả tiền tôi mỗi tuần một lần, không nhiều như lúc tôi còn làm ăn một mình, nhưng cộng thêm tiền boa của khác hàng thì cũng khá. Dĩ nhiên, một số khách hàng có những ý thích kỳ quái, nhưng tôi chẳng nề gì. Yêu cầu của khách càng quái gở thì tiền boa lại càng cao. Tôi bắt đầu có một số khách quen, cũng chính họ thường là những người boa rất rộng tay. Tôi mở mấy tài khoản để giữ tiền. Nhưng tới khi đó tiền không còn làm tôi bận tâm. Chỉ là những dãy số thôi. Tôi sống chỉ vì một điều duy nhất, ấy là kiểm chứng xem có thật tôi đã hoàn toàn mất cảm giác không.
Sáng nào thức dậy tôi cũng nằm đó, nghiệm xem có đúng là cơ thể mình không cảm thấy bất cứ cái gì có thể gọi là đau. Tôi mở mắt, chằm chặp tập trung tư tưởng, thế rồi tôi bắt đầu kiểm tra cảm giác trong cơ thể mình từ đầu xuống chân, từng cơ quan một. Tôi hoàn toàn không đau gì cả. Liệu quả thật là không có gì đau, hay là có đau đấy nhưng tôi không cảm thấy? Tôi chẳng biết. Dù thế nào đi nữa, cái đau đã biến mất. Nhưng không chỉ cái đau: trên thực tế, tôi không còn cảm giác gì nữa. làm viêc đó xong, tôi ra khỏi giường, vào phòng tắm đánh răng. Rồi tôi cởi đồ ngủ và tắm bằng vòi hoa sen nóng. Thân thể tôi nhẹ bỗng một cách đáng sợ. Nó nhẹ tênh, như không khí, như không còn là thân xác tôi nữa. Tôi cảm thấy như linh hồn mình đã nhập vào một cơ thể không phải của tôi. Tôi nhìn thân thể mình trong gương, nhưng giữa tôi với cái thân thể tôi trong gương kia là một khoảng cách xa vời vợi và khủng khiếp.
Cuộc sống không biết thế nào là đau đớn: nó chính là điều tôi từng mơ ước ngần ấy năm ròng, nhưng giờ đây có nó, tôi lại không thấy có chỗ cho mình trong đó. Giữa cuộc sống đó với tôi có một sự cách ngăn rạch ròi, điều đó khiến tôi bối rối vô cùng. Tôi cảm thấy như mình không gắn liền với thế giới – cái thế giới mà tôi từng căm ghét và vẫn đang căm ghét tận đáy lòng, cái thế giới mà tôi nguyền rủa vì sự bất công của nó, song nó là cái thế giới nơi ít nhất tôi còn biết mình là ai. Giờ đây thế giới ấy không còn là thế giới, tôi cũng không còn là tôi nữa.
Tôi bắt đầu khóc rất nhiều. Buổi chiều tôi hay dến công viên – Vườn Hoàng gia Shinjuku hay công viên Yoyogi-, ngồi trên bãi cỏ mà khóc. Tôi thường khóc suốt một, hai tiếng đồng hồ, nức nở rất to. Người qua kẻ lại nhìn tôi, nhưng tôi chẳng màng. Tôi ước gì lần ấy, đêm 29 tháng Năm, giá như tôi chết đi thì tốt biết bao! Nhưng bây giờ thậm chí chết cũng không chết được. Trong nỗi vô cảm này, thậm chí tôi không đủ sức tự giết mình. Tôi không cảm thấy gì hết: đau đớn không, niềm vui không. Mọi cảm giác và cảm xúc đã ra đi. Và tôi thậm chí không còn là tôi nữa.
Kano Creta hít một hơi dài rồi nén lại một lát. Sau đó cô cầm tách cà phê lên, nhìn nó đăm đăm một hồi, khẽ lắc đầu rồi lại đặt tách xuống đĩa.
– Chính trong khoảng thời gian đó tôi gặp Wataya Noburu.
– Wataya Noburu? Hắn là khách của cô sao?
Kano Creta im lặng gật đầu.
– Nhưng mà… – tôi đã toan nói, nhưng dừng lại để lựa lời. – Tôi không hiểu lắm ở chỗ này. Hôm trước chị cô có kể với tôi rằng Wataya Noburu đã hãm hiếp cô. Phải chăng chuyện đó không liên quan gì với những gì cô đang kể với tôi lúc này?
Kano Creta nhặt chiếc khăn tay đang đặt trên đùi mà lau miệng lần nữa. Rồi cô nhìn thẳng vào tôi. Trong mắt cô có cái gì đó khiến tôi bất an.
– Xin lỗi lại làm phiền ông, tôi có thể xin ông thêm một tách cà phê không? – cô hỏi.
– Dĩ nhiên, – tôi nói. Tôi đặt tách của cô lên khay rồi mang xuống bếp. Trong khi đợi cà phê sôi, tôi tựa mình vào giá phơi bát đĩa, hai tay thọc vào túi quần. Khi tôi mang cà phê trở lại phòng khách, Kano Creta không còn trên ghế sofa. Chiếc xắc, chiếc khăn tay, mọi dấu hiệu hữu hình của cô đã biến mất. Tôi ra ngoài phòng đợi, đôi giày cô ta cũng không còn ở đó nữa.
Ái chà chà, tôi nghĩ.
——————————–
1 Khoảng gần 11.000 đô la Mỹ – BTN
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.