Biên niên ký Chim vặn dây cót

Chương 10 (part 02)



Tôi thọc tay vào túi quần thì đụng thấy khoản tiền thù lao mà công ty tóc giả đã trả cho tôi, vẫn còn nguyên trong phong bì. Có một việc nữa tôi đã không làm, đó là kể cho Kumiko về công việc này. Chẳng phải tôi muốn giấu nàng, đơn giản là tôi đã bỏ qua cơ hội để nhắc tới chuyện đó, mà cơ hội khác thì không có nữa. Càng lúc tôi càng cảm thấy khó nói về việc này hơn, chẳng hiểu tại sao. Tất cả những gì tôi có thể nói sẽ là: “Anh gặp cô bé mười sáu tuổi kỳ quặc này ở dưới phố và cùng cô ta đi làm điều tra cho một hãng làm tóc giả. Người ta trả công cũng hậu.” Và Kumiko có thể sẽ nói: “Thật à? Hay nhỉ”, rồi thôi. Nhưng cũng có thể không phải. Nàng có thể sẽ muốn biết nhiều hơn về Kasahara May. Nàng có thể sẽ bận tâm tới chuyện tôi đánh bạn với một cô bé mười sáu tuổi. Thế là tôi sẽ phải kể với nàng về Kasahara May, kể hết, nào gặp cô ta ở đâu, khi nào, bằng cách nào. Mà tôi thì chẳng giỏi gì trong việc giải thích cho ra đầu ra đũa những chuyện như thế.

Tôi rút tiền ra khỏi phong bì rồi cho vào ví. Phong bì thì tôi vò nát ném vào sọt rác. Bí mật bắt đầu như vậy đây, tôi nghĩ. Người ta dựng nên những điều bí mật từng tí một. Tôi đã không hề chủ ý giữ bí mật chuyện Kasahara May với Kumiko. Quan hệ giữa tôi với cô bé không phải là chuyện gì to tát, thành thử kể ra hay không cũng chả có gì hậu quả ghê gớm cả. Tuy nhiên, khi đã chảy qua một kênh vi tế nào đó, nó liền bị phú bức màn bí mật mời mờ ảo ảo, dù ý định ban đầu của tôi là thế nào đi nữa. Chuyện Kano Creta cũng vậy. Tôi đã kể với Kumiko rằng em gái của Kano Malta đã đến nhà, rằng tên cô ta là Creta, rằng cô ta ăn mặc theo mốt thập niên 1960, rằng cô ta đã lấy mẫu nước nơi vòi nước. Nhưng tôi không nói gì về chuyện sau đó bỗng dưng cô ta bắt đầu kể tuốt tuột những điều thầm kín nhất với tôi, rồi đang kể nửa chừng thì biến mất mà không nói một lời. Đến chuyện Kano Creta thì đã quá xa rồi: hẳn tôi sẽ không tài nào chuyển tải được hết mọi chi tiết tinh tế của nó cho Kumiko được, thành thử tôi không kể. Hoặc, Kumiko chắc hẳn sẽ khó mà thích thú nếu biết được rằng Kano Creta đã nán lại rất lâu sau khi xong việc mà thổ lộ với tôi bao nhiêu là tâm sự riêng tư.

Thế là chuyện đó lại trở thành một bí mật khác nữa của tôi. Có thể Kumiko cũng có những bí mật kiểu như vậy và cũng không cho tôi biết. Dĩ nhiên bản thân tôi cũng có những bí mật riêng, nên tôi không thể trách nàng được. Giữa hai chúng tôi, chắc chắn tôi là kẻ có nhiều bí mật hơn. Kumiko có khuynh hướng nghĩ gì nói nấy. Nàng thuộc loại người nói đến đâu nghĩ đến đấy. Tôi thì khác.

Cảm thấy bất an vì những suy nghĩ đó, tôi đi xuống buồng tắm. Cửa mở toang. Tôi đứng nơi cửa nhìn Kumiko từ phía sau. Nàng đã thay bộ pyjama xanh, đang đứng trước gương lau tóc bằng khăn tắm.

– Về công ăn việc làm của anh, anh cứ nghĩ mãi. Anh đã nhờ bạn bè tìm giúp, bản thân anh cũng đã thử vài nơi. Việc thì có đấy, nên anh có thể đi làm bất cứ lúc nào. Nếu đã quyết định, anh có thể đi làm ngay ngày mai. Nhưng chính cái việc quyết ấy mới khó. Anh không biết nữa. Anh không biết liệu có nên hễ có việc làm là chộp lấy ngay như vậy không.

– Chính vì vậy mà em không ngừng nhắc anh hãy làm những gì mình muốn, – nàng vừa nói vừa nhìn tôi trong gương. – Có ai bắt anh tìm việc ngay lập tức đâu nào. Nếu anh không yên tâm về mặt kinh tế thì cứ yên trí đi. Còn nếu anh không thoải mái vì không có việc làm, nếu anh cảm thấy để mình em đi làm trong khi anh ở nhà làm nội trợ là một gánh nặng thì anh cứ đi làm đi, việc gì cũng được, tạm thế đã. Với em sao cũng được.

– Dĩ nhiên, đằng nào thì anh rồi cũng phải tìm được việc làm. Anh biết chứ. Em cũng biết. Anh không thể lông bông thế này mãi được. Sớm hay muộn anh cũng sẽ tìm được việc làm. Chỉ có điều ngay bây giờ anh không biết mình nên chọn loại công việc nào. Sau khi nghỉ việc, có một thời gian anh cứ hình dung mình sẽ tìm một việc khác cũng liên quan đến ngành luật. Anh có nhiều quan hệ trong lĩnh vực đó mà. Nhưng bây giờ anh không còn tâm trạng đó nữa. Thời gian càng trôi, anh lại càng ít quan tâm đến luật. Càng ngày anh càng cảm thấy đơn giản là công việc đó không hợp với mình.

Kumiko nhìn tôi trong gương. Tôi nói tiếp:

– Song, mình không muốn làm gì thì mình biết, còn mình muốn làm gì thì vẫn chịu không biết được. Anh có thể làm bất cứ việc gì nếu có ai đó bảo anh làm. Nhưng anh không hình dung được đâu mới chính là cái việc mà “mình muốn làm đây”. Vấn đề của anh bây giờ là thế. Anh không hình dung được.

– Vậy thì, – Kumiko đặt khăn tắm xuống giường và quay lại nhìn tôi, – nếu anh đã chán luật rồi thì đừng làm luật nữa. Quên chuyện thi lấy bằng luật sư đi. Và đứng cuống lên về chuyện tìm việc nữa. Nếu anh chưa hình dung được thì hãy chờ đến khi nào hình dung được hẵng hay. Có sao đâu nào?

Tôi gật đầu.

– Anh chỉ muốn giải thích sao cho em hiểu đúng tâm trạng của anh thôi.

– Tốt, – nàng nói.

Tôi xuống bếp rửa cốc. Nàng từ buồng tắm bước vào, ngồi xuống bên bàn bếp.

– Anh thử đoán xem chiều nay ai gọi điện cho em, – nàng nói. – Ông anh em đấy.

– Thế à?!

– Anh ấy đang nghĩ đến việc ra tranh cử. Thật ra thì anh ấy đã quyết định làm như vậy rồi.

– Ra tranh cử á? – tôi sửng sốt đến nỗi cứng họng mất một lúc. – Ý em là tranh cử vào quốc hội à?

– Đúng vậy. Người ta yêu cầu anh ấy ra tranh cử chiếc ghế của ông bác em ở Niigata.

– Anh nghe nói ghế đó mặc nhiên sẽ thuộc về con trai của ông bác em kia mà 1?Anh ấy chả đang sắp từ chức khỏi ban giám đốc ở hãng Dentsu để quay về Niigata là gì?

Nàng bắt đầu dùng bông để ngoáy tai.

– Ban đầu định là vậy, nhưng ông anh họ em không muốn. Anh ấy có gia đình ở Tokyo, vả lại anh ấy hài lòng với công việc đang làm. Anh ấy không sẵn sàng từ bỏ một vị trí quan trọng đến thế ở công ty quảng cáo lớn nhất thế giới đặng quay về làm nghị sĩ ở chốn Niigata heo hút kia. Song lý do chính là vợ anh ấy phản đối. Chị ta không muốn anh hy sinh gia đình để theo nghiệp quan trường.

Ông bác của Kumiko đã qua bốn, năm nhiệm kỳ đại biểu hạ viện ở khu vực bầu cử đó tại Niigata. Tuy không hẳn là một chính trị gia nặng ký, ông cũng đã có một sự nghiệp khá rạng rỡ, thậm chí có lúc còn leo lên tới một chức vụ nhỏ trong nội các. Tuy nhiên, nay do tuổi già sức yếu, lại thêm bị bệnh tim nên ông không thể ra tranh cử trong kỳ bầu cử tới, nghĩa là một ai đó sẽ phải thay thế ông. Ông bác này có hai con trai, nhưng người con trưởng không bao giờ có ý định làm chính trị, cho nên hiển nhiên chỉ còn lại người con thứ.

– Giờ thì dân vùng đó nằng nặc đòi ông anh em về đó cho bằng được. Họ muốn có một người vừa trẻ vừa thông minh, năng nổ. Người nào có thể làm dân biểu nhiều nhiệm kỳ và có tài để trở thành nhân vật có vai vế trong chính phủ trung ương. Ông anh em có tên tuổi, anh ấy sẽ thu hút phiếu bầu của giới trẻ: thật chẳng chê vào đâu được. Dĩ nhiên, để cơm lành canh ngọt với chính quyền địa phương thì cũng không dễ, nhưng tổ chức ủng hộ anh ấy mạnh lắm, họ sẽ lo chuyện đó. Thêm nữa, nếu muốn thì anh ấy vẫn cứ sống ở Tokyo, chẳng có vấn đề gì. Anh ấy chỉ có mỗi một việc là đến kỳ bầu cử thì có mặt ở khu vực đó mà thôi.

Tôi khó hình dung được cảnh Wataya Noboru làm dân biểu Hạ viện.

– Em nghĩ sao về chuyện này? – tôi hỏi.

– Việc của anh ấy chẳng có liên quan gì đến em hết. Anh ấy muốn làm dân biểu Hạ viện hay muốn làm phi hành gia thì cứ việc làm, em chả quan tâm.

– Nhưng nếu vậy thì anh ấy bàn với em để làm gì?

– Anh nói buồn cười thật, – nàng nói bằng giọng khô khan. – Anh ấy chẳng bàn bạc gì với em hết. Anh ấy chẳng bao giờ bàn bạc với em bất cứ chuyện gì, anh biết mà. Anh ấy chỉ muốn báo cho em biết thôi. Dù gì cũng là người nhà.

– Anh hiểu. Có điều nếu ra ứng cử dân biểu thì chuyện anh ta đã ly dị và đang độc thân liệu có gây khó khăn gì không?

– Em cũng chả biết, – Kumiko nói. – Em chẳng biết gì về chính trị, bầu cử hay gì gì đó cả. Đơn giản là em không quan tâm. Nhưng đằng nào thì em cũng biết chắc anh ấy sẽ không bao giờ lấy vợ nữa. Sẽ không bao giờ lấy ai. Trước hết là lẽ ra anh ấy đừng bao giờ lấy vợ. Anh ta có cần chuyện đó đâu. Anh ta cần cái khác cơ. Anh ta theo đuổi một cái gì khác, cái gì đó hoàn toàn khác với những gì em hay anh cần. Điều đó thì em biết chắc.

– Thật à?

Nàng gói hai chiếc bông ngoáy tai dùng xong vào một tấm khăn giấy rồi ném vào sọt rác. Đoạn nàng ngẩng lên nhìn thẳng vào tôi.

– Có lần em thấy anh ta thủ dâm. Em vừa mở cửa bước vào thì thấy anh ta ở đó.

– Thì đã sao? Ai mà chẳng thủ dâm, – tôi nói.

– Không, anh không hiểu, – nàng nói. Rồi nàng thở dài. – Chuyện đó xảy ra đâu như khoảng hai năm sau khi chị em qua đời. Hồi đó ông anh em hình như đang học trung học, em thì khoảng tám tuổi. Sau khi chị của em mất, mẹ em cứ phân vân mãi giữa một đằng là vứt hết quần áo của chị gái em còn một đằng là giữ lại, cuối cùng mẹ quyết định giữ, may ra có vài thứ em có thể mặc được khi em lớn. Mẹ cất hết chỗ quần áo đó trong một chiếc hộp để trong tủ. Anh trai em đã lôi hết quần áo của chị gái ra, vừa hít lấy hít để vừa thủ dâm.

Tôi im lặng.

– Hồi đó em còn bé. Em chẳng biết gì về sex hết. Em thực sự không thể hiểu đích xác anh ấy đang làm gì, nhưng em vẫn hiểu rằng đó là một cái gì rất đồi bại, một cái gì đáng lẽ em không nên thấy, một cái gì sâu xa hơn nhiều so với vẻ về ngoài, – Kumiko lắc đầu.

– Wataya Noboru có biết là em thấy anh ta không?

– Dĩ nhiên. Anh ta và em nhìn thẳng vào mắt nhau.

Tôi gật đầu.

– Còn quần áo của chỉ em thì sao? Khi em lớn em có mặc không?

– Không đời nào, – nàng đáp.

– Thế em cho rằng anh ta phải lòng chị gái em?

– Em không biết. Thậm chí em không chắc anh ta có ham muốn tính dục đối với chị ấy không, nhưng chắc chắn là anh ta có một cái gì đó, và em ngờ rằng cho đến giờ anh ta vẫn không sao dứt bỏ được. Vì vậy em mới nói lẽ ra anh ta đừng bao giờ lấy vợ.

Kumiko lặng thinh. Hai chúng tôi không nói gì một hồi lâu. Rồi nàng nói:

– Theo nghĩa đó em nghĩ rằng anh ấy có một vài vấn đề nghiêm trọng về tâm lý. Dĩ nhiên trong chừng mực nào đó thì chúng ta ai mà chẳng có vấn đề về tâm lý, không nhiều thì ít, nhưng vấn đề của anh ta khác với của anh hay của em, mà nặng hơn. Chúng sâu sắc hơn và dai dẳng hơn nhiều. Mà anh ta thì chẳng đời nào muốn để những vết sẹo hay điểm yếu hay gì gì đó của mình cho bất cứ ai khác nhìn thấy. Không đời nào, anh có hiểu không? Mà lại bầu cử tới nơi rồi… Em lo lắm.

– Lo? Lo gì mới được chứ?

– Em không biết. Cứ lo lo thế thôi, – nàng nói. – Mà thôi, em mệt lắm rồi. Hôm nay không thể nghĩ thêm gì nữa. Đi ngủ thôi.

Trong khi đánh răng, tôi săm soi khuôn mặt mình trong gương. Đã hai tháng nay, kể từ khi thôi việc, tôi hiếm khi bước ra “thế giới bên ngoài”. Tôi chỉ đi đi về về giữa nhà mình với mấy cửa hiệu ở gần, hồ bơi. Nếu không kể lần đến khu Ginza và cái khách sạn ở Shinagawa kia thì chỗ xa nhất mà tôi đến trong suốt thời gian qua hầu như là hiệu giặt là gần nhà ga. Và suốt cả thời gian đó tôi hầu như không gặp bất kỳ ai. Ngoài Kumiko, người duy nhất tôi có thể nói là đã “gặp” trong hai tháng qua là chị em Kano Malta, Kano Creta, và Kasahara May. Thật là một thế giới chật hẹp, một thế giới đứng yên, bất động. Nhưng nó càng chật hẹp càng tĩnh tại thì hình như lại càng đầy ắp những sự vật và con người chỉ có thể gọi là kỳ lạ. Dường như từng ấy vật và người luôn rình sẵn trong bóng tối, đợi đến khi tôi dừng lại. Và mỗi lần con Chim vặn dây cót đậu trong sân nhà tôi mà vặn dây cót thì thế giới càng đắm sâu và hỗn loạn hơn.

Tôi súc miệng rồi tiếp tục nhìn mặt mình thêm một lúc lâu nữa.

Tôi không có ý niệm gì, tôi tự nhủ. Tôi đã ba mươi tuổi, tôi đang đứng yên, thế mà tôi vẫn không có ý niệm gì.

Khi tôi từ buồng tắm vào phòng ngủ. Kumiko đã ngủ rồi.

——————————–

1 Một hiện tượng phổ biến ở chính trường Nhật, đó là khi một chính khách cao tuổi sắp về hưu, ông ta thường “thu xếp” cho một người con hoặc cháu mình được ứng cử tại khu vực bỏ phiếu của “nhà mình” – BTN.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.