Biên niên ký Chim vặn dây cót
Quyển ba: Kẻ bắt chim Tháng 10 đến tháng 12 năm 1984 – 1 Chim vặn dây cót trong mùa đông ♦
Từ đoạn cuối mùa hè kỳ lạ ấy cho tới mùa đông, cuộc sống của tôi không có gì thay đổi. Ngày nào cũng khởi đầu bình lặng, chấm dứt cũng bình lặng như khi nó khởi đầu. Tháng chín trời nhiều mưa. Tháng mười có vài ngày ấm sực đến toát cả mồ hôi. Ngoài khí hậu ra thì hầu như chẳng có gì phân biệt ngày này với ngày kia. Tôi cố gắng tập trung vào những gì thực tế và hữu ích. Ngày nào tôi cũng đi bơi thật lâu, đi dạo, tự nấu ăn ba bữa.
Nhưng dẫu vậy đi nữa, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy cô đơn đến nhói lòng. Ngay cả nước tôi uống, không khí tôi thở dường như cũng tua tủa những chiếc kim dài, bén ngót. Những trang sách trên tay tôi lấp lánh ánh kim loại đầy đe doạ như những lưỡi dao lam. Lúc 4 giờ sáng, chung quanh lặng tờ đến độ tôi như nghe thấy tiếng nỗi cô đơn đâm rễ vào thân tôi mỗi lúc một sâu.
° ° °
Thế nhưng vẫn có những người không chịu để tôi yên, đó là gia đình Kumiko. Họ viết thư cho tôi. Họ bảo Kumiko không thể tiếp tục cuộc hôn nhân với tôi nữa, rằng tôi nên đồng ý li dị ngay lập tức. Làm vậy sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Những bức thư đầu tìm cách gây sức ép với tôi bằng giọng văn lạnh lùng, sự vụ. Khi tôi không trả lời, họ chuyển sang đe doạ, sau rốt là cầu khẩn. Nhưng mục đích trước sau vẫn là một.
Cuối cùng cha của Kumiko gọi điện cho tôi.
– Con không nói rằng con cương quyết không ly dị, – tôi nói. – Nhưng trước hết con muốn gặp Kumiko nói chuyện tay đôi. Nếu Kumiko thuyết phục được con rằng quả thật cô ấy cần ly dị thì con sẽ cho ly dị. Không thì sẽ chẳng ly dị gì hết.
Tôi ngoái lại cửa sổ nhà bếp nhìn bầu trời xám xịt trĩu mưa trải dài tít đằng xa. Trời mưa đã bốn ngày dòng. Cả thế gian biến thành đen kịt, ướt sũng.
– Kumiko và con đã bàn bạc với nhau mọi chuyện trước khi quyết định cưới nhau, thành thử nếu chấm dứt cuộc hôn nhân đó thì con cũng muốn làm đúng như vậy.
Cha của Kumiko và tôi tiếp tục đối đáp qua lại một hồi mà chẳng đi tới đâu, ít nhất là chẳng đi tới kết quả tích cực nào.
° ° °
Một số câu hỏi vẫn chưa có lời đáp. Có thật Kumiko muốn ly dị tôi không? Có phải Kumiko đã nhờ cha mẹ cố thuyết phục tôi đồng ý ly dị? “Kumiko nói nó không muốn gặp cậu”, cha nàng bảo tôi vậy, hệt như anh trai nàng, Wataya Noboru đã nói. Có thể không phải họ hoàn toàn nói dối đâu. Cha mẹ Kumiko đúng là những kẻ luôn lý giải sự vật theo cách có lợi cho mình, nhưng theo tôi biết, họ không phải là loại người dựng chuyện từ không thành có. Dù tốt hay dù xấu, họ vẫn là người thực tế. Nếu điều cha của Kumiko nói là sự thật thì hiện giờ Kumiko đang được họ cho “nương náu” ở đâu đó chăng?
Nhưng điều đó tôi lại không tin được. Từ nhỏ Kumiko đã không có cái gọi là tình yêu thương đối với cha mẹ và anh. Đã bao năm nay nàng đấu tranh để không bị lệ thuộc vào họ. Rất có thể Kumiko bỏ tôi vì nàng có nhân tình. Cho dù tôi không sao chấp nhận được lời giải thích nàng đưa ra trong thư, nhưng tôi biết không thể loại trừ hoàn toàn khả năng đó. Song, điều tôi không thể chấp nhận là Kumiko bỏ tôi để đến thẳng nhà cha mẹ hay một chỗ nào đó họ đã chuẩn bị sẵn sàng cho nàng và thông qua họ mà giữ liên lạc với tôi.
Càng nghĩ, tôi càng không hiểu. Có một khả năng là Kumiko bị suy sụp thần kinh và không sao qua được cơn chấn động đó. Một khả năng khác là nàng đang bị ai đó dùng vũ lực giam giữ. Suốt mấy ngày tôi xếp lui xếp tới trong đầu chuỗi sự kiện, lời nói và ký ức, để rồi rốt cuộc đành chịu thua không nghĩ nữa. Đoán già đoán non chẳng đi tới đâu.
° ° °
Thu sắp tàn, trong không khí đã nghe hơi hướng của mùa đông. Cũng như mọi năm, cứ tới độ này là tôi lại hót lá rụng trong vườn rồi nhét vào túi nhựa. Tôi dựa thang vào mái nhà rồi dọn sạch lá rụng trong ống máng. Khu vườn nhỏ nhà tôi ở không có cây, nhưng gió cứ vặt lá những cây cối sum suê ở mấy khu vườn cả hai bên mà dồn đống vào đây. Tôi làm việc này chẳng nề hà gì. Tôi lơ đãng ngắm những chiếc lá úa rơi trong nắng chiều mà quên cả thì giờ. Một cái cây lớn ở vườn hàng xóm bên phải ra những quả đỏ mọng tươi. Hàng đàn chim đậu trên đó, kêu inh ỏi như đang thi với nhau. Lũ chim có bộ lông màu sáng, tiếng kêu ngắt quãng, chói lọi như thọc vào không khí.
Tôi tự hỏi nên cất giữ quần áo mùa hè của Kumiko bằng cách nào hay nhất. Tôi có thể làm như nàng đã viết trong thư là tống khứ chúng đi. Nhưng tôi nhớ lại, nàng đã từng chăm chút nâng niu từng thứ một đến thế nào. Mà đâu phải tôi không có chỗ nào để giữ. Thế nên tôi quyết định tạm thời quần áo đang treo đâu thì cứ để nguyên ở đấy.
Dẫu vậy, mỗi khi mở tủ, tôi lại va phải sự vắng mặt của Kumiko. Những bộ áo váy treo kia là cái vỏ còn lại của một cái gì không còn tồn tại nữa. Tôi biết rõ nàng trông ra sao khi mặc những bộ đồ đó, một số cái còn gắn liền với những kỷ niệm cụ thể. Nhiều khi tôi cứ ngồi thừ trên mép giường, nhìn đăm đăm những dãy áo dài, áo cánh hoặc váy kia. Tôi không biết mình ngồi đó bao lâu. Có thể mười phút, cũng có thể một tiếng.
Đôi khi, ngắm một bộ áo váy, tôi lại hình dung một người đàn ông mà tôi không quen biết đang giúp Kumiko cởi nó ra. Bàn tay hắn trút áo váy khỏi người nàng, rồi cởi nốt đồ lót bên trong. Bàn tay hắn ve vuốt cặp vú nàng, banh háng nàng ra. Tôi thấy rõ đôi vú và cặp đùi mềm mại trắng nõn của nàng, thấy hai bàn tay gã đàn ông kia đang sờ mó chúng. Tôi không muốn nghĩ về những chuyện như vậy, nhưng không thể nào không nghĩ. Có lẽ những chuyện đó đã diễn ra trong thực tế. Tôi phải cố quen với những hình ảnh đó. Tôi không thể gạt phắt thực tại như thế được.
Thi thoảng tôi lại nhớ đến cái đêm ngủ với Kano Creta, song ký ức về nó khá mơ hồ. Đêm đó tôi ôm cô ta trong vòng tay, nhập thân thể mình vào thân thể cô không biết mấy lần, đó là một sự kiện không thể phủ nhận. Nhưng tuần nối tuần qua, cảm giác chắc chắn kia dần dần biến mất. Tôi không còn phục hồi lại được hình ảnh rõ nét về thân thể cô ta, hay cách mà thân thể đó đã hoà làm một với thân tôi. Có chăng là ký ức về những gì tôi đã làm với cô ta từ trước nữa, trong tâm khảm tôi – trong cõi phi thực – còn sống động hơn nhiều so với ký ức về cái đêm đó. Hình ảnh cô ta chồng chất lên tôi, mặc chiếc áo váy màu xanh biển của Kumiko, trong căn phòng khách sạn xa lạ, trở đi trở lại mãi với tôi, rõ ràng đến kinh ngạc.
° ° °
Vào đầu tháng mười, ông bác của Wataya Noboru làm dân biểu Hạ viện tỉnh Niigata qua đời. Ông ta bị lên cơn đau tim ngay sau nửa đêm trên giường bệnh ở Niigata; dù bác sĩ đã hết sức cứu chữa song đến sáng ông vẫn ra đi. Dĩ nhiên, cái chết của ông đã được người ta tiên liệu từ lâu, kỳ tổng tuyển cử thì sắp đến, cho nên những người ủng hộ ông bác liền mau mắn thực hiện kế hoạch đã có từ trước là để Wataya Noboru thừa kế chức dân biểu này. Bộ máy vận động phiếu bầu của vị dân biểu quá cố vốn có cơ sở rất vững chắc và rất ư bảo thủ. Hoạ chăng có một sự kiện lớn bất ngờ nào đó, nếu không thì việc Wataya Noboru được bầu là chắc như đinh đóng cột.
Tôi đọc được tin đó trong tờ báo ở thư viện, và ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu tôi là: từ nay trở đi nhà Wataya Noboru sẽ vô cùng bận rộn, chẳng hơi đâu bận tâm đến chuyện ly hôn của Kumiko nữa.
° ° °
Vết bầm xanh đen trên mặt tôi không lớn lên cũng chẳng teo đi. Nó không nóng cũng chẳng đau. Dần dà, thậm chí tôi quên mất rằng mình có nó. Tôi thôi tìm cách giấu đi vết bầm bằng cách đeo kính râm hay đội mũ che sùm sụp. Thi thoảng tôi vẫn phải nhớ tới nó, đó là những khi tôi đi mua sắm, người ta nhìn chằm chằm vào tôi hoặc ngoảnh đi chỗ khác, nhưng rồi chẳng mấy chốc ngay những phản ứng đó cũng chẳng làm tôi bận tâm nữa. Có vết bầm trên mặt thì tôi cũng chẳng làm hại ai. Mỗi sáng, khi cạo râu rửa mặt, tôi đều kiểm tra vết bầm, nhưng không thấy có gì thay đổi. Kích thước, mầu sắc và hình dáng của nó vẫn vậy.
Có cả thảy bốn người lên tiếng bày tỏ mối quan tâm đối với vết bầm tự dưng xuất hiện trên má tôi: chủ hiệu giặt là gần nhà ga, tay thợ cắt tóc, gã thanh niên ở quán rượu Omura, và chị thủ thư ngồi ở quầy thư viện địa phương. Mỗi lần bị hỏi, tôi đều tỏ vẻ bực bội và nói một câu gì đó mơ hồ đại loại như “tôi bị một tai nạn nhỏ”. Thế là họ lẩm bẩm “Ồ, ồ, à, à” hay “Xui cho anh quá”, như thể xin lỗi vì đã nhắc tới nó.
Càng ngày dường như tôi lại càng xa cách chính mình hơn. Mỗi khi ngắm bàn tay mình hồi lâu, tôi bắt đầu cảm thấy mình đang nhìn xuyên qua nó. Hầu như tôi không nói chuyện với ai. Chẳng ai viết thư hay gọi điện cho tôi. Trong hòm thư tôi chỉ thấy rặt những hoá đơn và thư quảng cáo linh tinh, hầu hết là các catalogue thiết kế và thời trang gửi cho Kumiko, đầy những ảnh màu các kiểu áo váy xuân. Mùa đông năm nay lạnh, nhưng thỉnh thoảng tôi lại quên bật lò sưởi, vì không chắc đấy là lạnh thật hay là lạnh ở bên trong mình. Tôi thường chỉ bật công tắc lò sưởi sau khi đã nhìn nhiệt kế mà tự nhủ “Ờ, lạnh thật”, nhưng ngay cả khi đó, cái lạnh mà tôi cảm thấy vẫn không hề giảm bớt.
° ° °
Tôi viết thư cho Trung uý Mamiya mô tả khái quát những gì đang diễn ra với tôi. Nhận được thư này có lẽ ông ta sẽ bối rối hơn là vui vẻ, song tôi chẳng nghĩ ra được ai khác để viết thư cả. Tôi mào đầu bằng chính lý do đó. Rồi tôi báo cho ông Mamiya biết chuyện Kumiko đã bỏ tôi đúng vào cái ngày ông đến chơi nhà tôi, rằng nàng ngủ với người khác đã hàng mấy tháng trời, rằng tôi đã trải qua ba ngày dưới đáy giếng mà suy tư, rằng hiện nay tôi sống một mình, và rằng món quà ông Honda để lại chỉ là một hộp đựng whisky rỗng.
Một tuần sau Trung uý Mamiya gửi thư phúc đáp cho tôi.
Nói thật, từ khi ta gặp nhau lần trước ông luôn luôn hiện diện một cách lạ lùng trong suy nghĩ của tôi. Tôi rời khỏi nhà ông mà cảm thấy thực ra hai ta cần phải tiếp tục trò chuyện, phải “rút gan rút ruột” cho nhau, có thể nói vậy, và tôi vô cùng ân hận rằng hai ta đã không làm vậy. Thế nhưng, thật không may, tôi có việc đột xuất phải quay về Hiroshima ngay đêm đó. Vì vậy, theo nghĩa nào đó, tôi rất vui khi nhận được thư ông. Tôi tự hỏi phải chăng tất cả là do ông Honda đã có ý định đưa hai ta đến với nhau. Có lẽ ông ấy tin rằng nếu tôi gặp ông và ông gặp tôi thì sẽ rất tốt. Việc trao di vật chỉ là một cái cớ để tôi đến thăm ông. Có thể vì vậy mà món di vật nọ chỉ là một cái hộp rỗng. Bản thân việc tôi đến thăm ông mới là món quà mà ông Honda để lại cho ông.
Tôi sửng sốt khi được biết ông đã chui xuống giếng, bới chính tôi cũng luôn luôn cảm thấy mình bị những cái giếng lôi cuốn mãnh liệt. Một khi đã biết trường hợp cận kề cái chết của tôi, người ta sẽ cho rằng tôi hẳn sẽ không bao giờ muốn thấy một cái giếng nào nữa, nhưng không, hoàn toàn ngược lại: cho tới tận giờ đây, bất cứ khi nào thấy một cái giếng, tôi không thể không dòm xuống. Và nếu hoá ra đó là giếng cạn, tôi cảm thấy nôn nao muốn trèo xuống. Có lẽ vì tôi vẫn nuôi hy vọng gặp một cái gì đó dưới kia, rằng nếu trèo xuống dưới rồi cứ đợi, có thể tôi sẽ gặp một cái gì đó. Chẳng phải vì tôi trông đợi nó sẽ phục hồi cuộc đời cho tôi đâu. Tôi già rồi, không còn ở cái tuổi trông mong những điều như vậy. Cái mà tôi hy vọng tìm thấy được là ý nghĩa của cuộc sống mà tôi đã đánh mất. Cái gì đã tước nó khỏi tôi? Vì sao? Tôi muốn biết lời đáp tuyệt đối chắc chắn cho những câu hỏi đó. Thậm chí tôi có thể nói rằng, nếu như biết được những lời đáp đó, tôi sẽ chẳng kể gì cho dẫu còn đánh mất chính mình một cách sâu xa hơn cả bây giờ. Tôi sẽ vui lòng chấp nhận cái gánh nặng đó dù đời tôi còn lại bao năm đi nữa.
Thực lòng tôi rất lấy làm tiếc khi hay tin bà nhà đã bỏ ông, nhưng về việc này tôi không thể khuyên nhủ gì ông được. Tôi đã sống quá lâu mà không hề biết tới tình yêu thương hay mái ấm gia đình nên không có tư cách gì để nói về những chuyện đó. Tuy nhiên, tôi tin rằng nếu ông có dù chỉ chút lòng mong muốn đợi thêm ít lâu may ra bà ấy quay về thì hẳn ông cứ đợi như ông đang đợi. Đó là ý kiến của tôi, nếu như ý kiến của tôi có chút giá trị gì. Tôi hiểu lắm, phải sống mãi một mình ở nơi mà có kẻ đã bỏ rơi mình thì khó đến nhường nào, song trên đời này chẳng có gì tàn nhẫn bằng không còn gì để hy vọng nữa.
Nếu có thể, tôi muốn đến Tokyo nay mai để gặp lại ông, nhưng thật không may, tôi đang bị đau một bên chân, phải mất ít lâu mới chữa lành. Xin ông bảo trọng.
Đôi khi tôi trèo qua bức tường sau vườn rồi đi dọc cái ngõ quanh co đến nơi từng toạ lạc căn nhà bỏ trống của gia đình Miyawaki. Mặc áo khoác dài đến giữa đùi, khăn quàng quấn kỹ dưới cằm, tôi giẫm lên lớp lá rụng mùa đông trên con ngõ. Gió mùa đông lạnh buốt giật từng cơn, rít qua những hàng dây điện ở trên đầu. Căn nhà đã bị đập bỏ hoàn toàn, mảnh sân giờ đây bị quấn kín bởi một hàng rào cao bằng ván. Tôi có thể nhìn vào trong qua khe hở giữa những tấm ván, nhưng chẳng có gì để nhìn – không còn nhà, không còn những hòn đá lát lối đi, không giếng, không cây, không ăng-ten, không bức tượng chim; chỉ là một khoảnh đất bằng phẳng, đen đúa trông lạnh lẽo, chằng chịt vết xe ủi đất, dăm ba cụm cỏ dại lơ thơ. Thật khó tin rằng từng có một cái giếng sâu trong khoảnh sân này và tôi đã từng chui xuống đáy giếng đó.
Tôi tựa vào hàng rào, nhìn lên ngôi nhà của Kasahara May, nơi từng có căn phòng của cô, trên tầng hai. Nhưng cô không còn ở đó. Cô sẽ không còn bước ra mà nói: “Chào Chim vặn dây cót”.
° ° °
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.