Cổ Phiếu Thường Lợi Nhuận Phi Thường

2. Học hỏi từ kinh nghiệm



Khi còn làm việc ở ngân hàng, tôi đã chú ý khá nhiều tới mẩu thông tin về hai công ty ở gần San Jose vốn khơi gợi trong tôi rất nhiều hứng thú suốt quãng đời sinh viên ở trường kinh doanh Stanford (khi tham quan cùng Giáo sư Boris Emmett). Năm 1928, nhà máy John Bean Manufacturing Co. và nhà máy Anderson- Barngrover Manufacturing Co. đã sáp nhập với Sprague Sells Corporation, hãng sản xuất rau đóng hộp hàng đầu của Hoopeston, ở Illinois thành tập đoàn Food Machinery Corporation.

Trong các thời kỳ đầu cơ ồ ạt, nước Mỹ đã chứng kiến hàng loạt cơn điên loạn về hoạt động mua cổ phiếu đến mức cổ phiếu của Food Machinery Corporation phải tăng giá bán để có thể cân bằng với lượng cầu khổng lồ. Cũng trong năm 1928, ít nhất là 20 công ty khác đã phát hành cổ phiếu mới, do các thành viên của Sở Giao dịch Chứng khoán San Francisco bán cho những người mua háo hức ở khu vực vùng Vịnh. Những lần phát hành không có cơ sở bền vững này chẳng khác gì một sự kiện kinh hoàng. Một nhân viên của hãng giao dịch chứng khoán đã bán nhiều cổ phần của một công ty bán nước đóng chai từ Thái Bình Dương nói với tôi rằng các cổ phần này được bán mà không hề có một bộ báo cáo tài chính hoàn chỉnh nào của những người bảo lãnh phát hành, họ chỉ nắm giữ một bức ảnh về nơi khai thác nguồn nước và một vài địa chỉ liên lạc cá nhân của các cổ đông bán! Trong suy nghĩ của mọi người, cổ phiếu của Food Machinery Corporation chỉ là một trong những lời chào bán mới khá hấp dẫn của năm đó, không thua kém bao nhiêu so với phần còn lại. Nó chào bán ở mức giá 21,50 đô-la.

Trong những khoảng thời gian đó, các quỹ vốn chung nắm giữ cổ phần là hoàn toàn hợp pháp. Một nhóm các nhà đầu tư địa phương với kinh nghiệm ít ỏi về hoạt động điều hành quỹ vốn chung, song được một người rất nhiệt tình với Food Machinery Corporation lãnh đạo, đã quyết định “điều hành một hoạt động giao dịch” về cổ phần của công ty. Phương thức hoạt động của tất cả quỹ vốn chung này về cơ bản là giống nhau. Các thành viên sẽ bán cổ phiếu qua lại cho nhau tại mức giá tăng lên dần dần. Hoạt động trong dây chuyền mua cổ phiếu này đã thu hút sự quan tâm của những người mà sau đó bắt đầu mua và tìm mọi cách sở hữu các cổ phần của quỹ vốn chung ở mức giá cao hơn nữa. Những người thao túng thị trường chứng khoán khôn khéo vốn có kinh nghiệm hoạt động cũng như trình độ trong lĩnh vực này luôn khiến mọi người hoài nghi, một số đã kiếm được hàng triệu đô-la và từng đề nghị tôi làm đối tác cấp dưới. Tuy nhiên, thao túng thị trường không phải là mục tiêu của những người điều hành quỹ vốn chung Food Machinery. Đầu mùa thu năm 1929, khi cổ phiếu phải đối mặt với nguy cơ trượt dốc, quỹ vốn chung mua vào hầu hết các cổ phần đã phát hành ra công chúng. Mức báo giá của cổ phần Food Machinery cao ở mức 50, và kết quả là không có một cổ phiếu nào rơi vào tay công chúng.

Những năm tiếp theo, hoạt động kinh doanh nhìn chung càng ngày càng tồi tệ, mọi người đều có thể nhận rõ những gì xảy ra với cổ phiếu của các công ty nhỏ khi phát hành ra công chúng vào năm 1928. Lần lượt các công ty này bị phá sản, còn hầu hết các công ty đang bám trụ đều thông báo lỗ. Thị trường của các cổ phần này phần lớn đều ngừng hoạt động.

Trong nhóm này, có một hoặc hai công ty trụ vững và có sức thu hút. Tuy nhiên, nhìn chung công chúng không nhận thấy sự khác biệt, họ cho rằng tất cả các công ty đó chỉ là khoản đầu cơ nhỏ nhặt. Khi thị trường đạt mức đáy cuối cùng vào năm 1932 và giữ mức đó khi toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ đóng cửa trùng với thời điểm Tổng thống Franklin D. Roosevelt nhậm chức vào ngày 4 tháng 3 năm 1933, cổ phần của Food Machinery xuống tới mức giá 4-5 đôla, thậm chí có 100 cổ phần được giao dịch với mức giá thấp nhất từ trước đến nay, mức 3,75 đô-la.

Food Machinery – cơ hội đầu tư

Năm 1931, tôi xoay xở mọi cách để tìm kiếm cơ hội cho doanh nghiệp mới của mình. Tôi quan sát tình hình của Food Machinery với sự hứng thú ngày càng gia tăng. Nhận thấy những hậu quả phải gánh chịu khi không đối mặt với vấn đề và đánh giá bộ máy quản lý của hai công ty địa phương mà tôi từng mất phần lớn khoản đầu tư của mình cách đấy vài năm, tôi quyết định không bao giờ được lặp lại những sai lầm này. Càng tiếp xúc với các thành viên của Food Machinery, tôi càng cảm thấy kính trọng họ hơn. Bởi xét trên nhiều phương diện, vốn đã vượt qua thời kỳ gay cấn nhất của cuộc Đại suy thoái, hãng là một thế giới vi mô về kiểu cơ hội mà tôi sẽ tìm kiếm trong vài năm tới.

Ngay từ lúc đầu, mặc dù Food Machinery tương đối nhỏ, tôi tin rằng nó vẫn dẫn đầu thế giới về quy mô và chất lượng dây chuyền sản phẩm. Điều này mang lại cho hãng lợi thế về quy mô; tức là, bên cạnh danh tiếng của một hãng sản xuất lớn và hiệu quả, nó còn có thể là một nhà sản xuất có chi phí thấp.

Đứng trên quan điểm cạnh tranh, bộ phận marketing có thế mạnh rất lớn. Khách hàng đánh giá cao các sản phẩm của hãng. Hãng còn kiểm soát cả tổ chức bán hàng của mình. Bên cạnh đó, hãng sở hữu dây chuyền đóng hộp với một lượng lớn máy móc, chiếm một số phân khúc thị trường mà các đối thủ khác không thể chen chân vào.

Trên nền tảng vững chắc này, hãng còn có một phần gây hứng thú nhất, đó là các công trình nghiên cứu sáng tạo. Hãng đã hoàn thiện các thiết bị thuộc các khu vực sản xuất sản phẩm mới, như máy gọt vỏ lê, máy đóng lon hay quy trình tạo màu cho cam. Theo đánh giá của tôi, hãng có một tương lai xán lạn với những sản phẩm mới hứa hẹn thành công vang dội.

Cũng trong thời gian này, tôi nhận thức được rằng dù các lĩnh vực đó có hấp dẫn đến đâu thì những vấn đề như vậy tự thân chúng không đủ để đảm bảo thành công lớn. Chất lượng của những người làm việc trong công ty mới là yếu tố quan trọng. Tôi sử dụng từ “chất lượng” để đề cập hai đặc điểm hoàn toàn khác nhau. Một là năng lực kinh doanh. Năng lực kinh doanh có thể chia nhỏ thành hai loại kỹ năng. Một là kỹ năng giải quyết những công việc hàng ngày với mức hiệu suất trên trung bình. Nói cách khác, kỹ năng điều hành là giải quyết những việc phải làm liên quan đến quá trình điều hành hoạt động kinh doanh trong tương lai gần, ở trên mức trung bình.

Tuy nhiên, trong thế giới kinh doanh, năng lực quản lý xuất sắc cũng cần có thêm một kỹ năng khác nữa. Đó là năng lực nhìn xa trông rộng và thiết lập các kế hoạch dài hạn nhằm tạo ra những bước phát triển đáng kể trong tương lai. Rất nhiều công ty có bộ máy quản lý thỏa mãn một trong những kỹ năng nói trên. Tuy nhiên, để thành công thật sự cần phải hội tụ đầy đủ cả hai.

Năng lực kinh doanh chỉ là một trong hai đặc điểm cơ bản thuộc về nhân lực mà tôi tin rằng hoàn toàn cần thiết đối với một khoản đầu tư giá trị và trung thực. Bất cứ ai thấm nhuần bài học đầu tiên về thế giới kinh doanh trong giai đoạn trước vụ sụp đổ năm 1929 đều nhận thấy tầm quan trọng của tính trung thực. Những người chủ và nhà quản lý của một doanh nghiệp luôn tiếp cận với các sự vụ của nó hơn là các cổ đông. Nếu các nhà quản lý không thật sự làm đúng trách nhiệm đối với các cổ đông thì sớm hay muộn các cổ đông sẽ không nhận được đúng những gì họ đáng được nhận. Các nhà quản lý tư lợi nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân không thể tạo dựng được một đội ngũ nhân viên nhiệt tình và trung thành – một điều rất cần thiết nếu muốn mở rộng quy mô doanh nghiệp.

Rẽ trái hay rẽ phải

Trong lĩnh vực đầu tư, lợi nhuận lớn nhất sẽ thuộc về những người có khả năng rẽ theo hướng chính xác trong khi giới tài chính lại rẽ theo hướng khác. Nếu giới tài chính nhận định đúng tương lai của Food Machinery Corporation lúc đó, lợi nhuận dành cho những người mua cổ phần trong giai đoạn 1932-1934 sẽ ít hơn rất nhiều. Do công chúng không nhận thấy giá trị thật sự của hãng và xem Food Machinery như một trong những doanh nghiệp dễ phá sản khi bán cổ phiếu ra công chúng tại thời điểm nạn đầu cơ đang ở mức cao, vì vậy chúng ta có thể mua một lượng lớn cổ phần với mức giá vô lý, khi mà chúng bắt đầu sụt giá. Theo quan điểm của tôi, việc giữ vững tinh thần và không a dua theo đám đông, sáng suốt rẽ trái khi đám đông rẽ phải là một trong những nhân tố cơ bản quan trọng nhất giúp đầu tư thành công.

Như một nguồn nước bị dồn nén quá lâu nay bắt đầu phun trào ra, giai đoạn 1933-1937 chứng kiến cổ phiếu nói chung tăng lên từ từ, sau đó bùng phát thành thị trường đầu cơ giá lên tới mức đỉnh điểm, tiếp đó là một vụ đổ vỡ với quy mô lớn vào năm 1938, một năm sau thì được khôi phục. Với nhận thức sâu sắc rằng Food Machinery sẽ hoạt động tốt hơn thị trường nói chung, tôi đã mua các cổ phần cho khách hàng mà tôi từng thuyết phục họ nắm giữ. Tôi có thể làm được điều này khi nói chuyện với bất cứ khách hàng tiềm năng nào tôi có thể tiếp cận. Tôi cảm thấy đây chính là kiểu cơ hội mà cả đời chỉ có một lần, như Shakespeare từng nói: “Đời ai cũng có một vận may mà nếu ai biết tận dụng sẽ trở nên giàu có.” Trong những năm đầy hứng thú, khi tôi nuôi hy vọng tràn trề và cả khi túi tiền lẫn danh tiếng của tôi trong giới tài chính hầu như không có gì, tôi luôn tự động viên mình bằng câu nói đó để củng cố quyết tâm.

Trái ngược nhưng đúng đắn

Có rất nhiều tài liệu đầu tư đề cập đến tầm quan trọng của quan điểm trái ngược. Tuy nhiên, quan điểm trái ngược thôi chưa đủ. Tôi đã chứng kiến nhiều nhà đầu tư bị ám ảnh bởi lối suy nghĩ cần phải đi ngược lại với xu thế của số đông, vì vậy họ đã bỏ qua hậu quả: khi bạn suy nghĩ trái ngược hẳn với xu hướng đầu tư hiện thời, bạn phải chắc chắn, rất chắc chắn rằng mình đúng. Chẳng hạn, khi xuất hiện một xu hướng hiển nhiên rằng ôtô sẽ thay thế phần lớn xe điện và các cổ phần của ngành đường sắt địa phương từng rất được ưa chuộng nay bắt đầu bán ra với mức P/E thấp hơn hẳn, bạn sẽ phải trả giá đắt nếu đi theo lối suy nghĩ trái ngược và mua chứng khoán của ngành xe điện chỉ dựa trên lập trường rằng mọi người nghĩ chúng đang trong thời kỳ giảm sút, chắc chắn chúng sẽ hấp dẫn trở lại. Các khoản lợi nhuận khổng lồ luôn chờ sẵn những người rẽ trái trong khi hầu hết giới tài chính đều rẽ phải, với điều kiện những người rẽ trái phải có cơ sở thật sự chắc chắn đảm bảo rằng họ đang đi đúng hướng.

Ngay từ đầu tôi đã nhận ra rằng tôi đang đối mặt với nguy cơ “trật bước”. Tôi đã mua “trật pha” các khoản mua gần đây tại Food Machinery và một loạt các công ty khác, khi giá trị thật sự của chúng không được giới tài chính đánh giá cao. Tôi có thể sai, giới tài chính có thể đúng. Nếu vậy, không có gì tồi tệ hơn đối với các khách hàng và chính bản thân tôi khi để niềm tin mù quáng kìm hãm một khoản tiền lớn không thể sinh lợi.

Mặc dù tôi nhận thức đầy đủ rằng tôi có thể kiếm các khoản lợi nhuận đó bằng cách thực hiện quá trình như tôi đã mô tả ở trên, rẽ trái trong khi số đông rẽ phải, song cũng rất cần những lần thực tế kiểm chứng chắc chắn rằng tôi đã hoàn toàn đúng khi rẽ trái.

Kiên trì và thực hiện

Với quan điểm đó, tôi đã thiết lập nguyên tắc ba năm. Tôi luôn nhắc đi nhắc lại với khách hàng rằng khi tôi mua một cổ phiếu nào đó cho họ, họ không được đánh giá kết quả chỉ trong một tháng hay một năm, mà phải cho tôi một khoảng thời gian ba năm để thẩm định. Nếu tôi không mua được các cổ phiếu mang lại giá trị cao cho họ trong thời gian đó, họ có thể sa thải tôi. Trong năm đầu tiên, việc tôi thành công hay không phần lớn phụ thuộc vào sự may mắn. Tôi tuân theo nguyên tắc đó trong khi quản lý bất cứ một cổ phiếu riêng lẻ nào trong ba năm đó, tất nhiên vẫn có ngoại lệ. Nếu tôi tin chắc một cổ phiếu sẽ không mang lại kết quả gì sau ba năm, tôi sẽ bán nó. Nếu cổ phiếu đó hoạt động kém hơn so với thị trường trong một hoặc hai năm, tôi sẽ không muốn nó nữa. Tuy nhiên, giả sử không có điều gì khiến quan điểm ban đầu của tôi về công ty đó thay đổi, tôi sẽ tiếp tục giữ cổ phiếu đó trong ba năm.

Giai đoạn nửa cuối năm 1955, tôi mua một lượng khá lớn các cổ phần của hai công ty mà tôi chưa từng đầu tư. Chúng có vẻ là ví dụ điển hình về các lợi thế và vấn đề trong việc đầu tư trái ngược với quan điểm phổ biến hiện thời của giới đầu tư. Năm 1955 có thể coi là năm bắt đầu một giai đoạn kéo dài gần 15 năm “thời kỳ hoàng kim đầu tiên của cổ phiếu ngành điện tử”. Giới tài chính bị choáng ngợp bởi hàng loạt hãng điện tử với khoản tiền lãi mà đến năm 1969 sẽ đạt tới những mức tỷ lệ hết sức ngoạn mục, như IBM, Texas Instruments, Varian, Litton Industries và Ampex. Tuy nhiên, đến năm 1955, tất cả những điều này vẫn chưa xảy ra. Vào thời gian đó, ngoại trừ IBM, mọi người đều cho rằng tất cả các cổ phiếu đang bị đầu cơ quá cao và không đáng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư bảo thủ và các tổ chức lớn. Tuy nhiên, khi dự cảm một phần những gì sẽ xảy ra sắp tới, tôi đã mua một lượng lớn cổ phiếu của Texas Instruments và Motorola vào thời điểm còn lại của năm 1955.

Ngày nay, Texas Instruments là nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất trên thế giới, Motorola xếp ngay ở vị trí thứ hai. Vào thời gian đó, vị thế của Motorola trong ngành bán dẫn hầu như rất nhỏ bé. Tôi rất ấn tượng với những người làm việc trong hãng và với vị thế thống trị của Motorola trong ngành viễn thông di động – một ngành đang có tiềm năng lớn; trái lại, giới tài chính lại đánh giá hãng chỉ với vai trò nhà sản xuất tivi và radio. Đối với trường hợp Texas Instruments, bên cạnh lòng yêu mến và tôn trọng dành cho nhân viên của hãng, tôi còn chịu ảnh hưởng bởi một hệ thống niềm tin hoàn toàn khác. Giống như những người khác, tôi nhận thấy tương lai tăng trưởng mạnh mẽ từ lĩnh vực bán dẫn của hãng. Tôi cảm thấy đó là những người có thể cạnh tranh ít nhất là bằng hoặc tốt hơn General Electric, RCA, Westinghouse và các hãng khổng lồ khác, trái với hầu hết quan điểm ở Phố Wall. Rất nhiều người đã chỉ trích khi tôi tăng quỹ đầu tư vào các hãng có tính đầu cơ quy mô nhỏ như vậy và họ chắc chắn chúng sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng lớn.

Sau khi tôi mua các cổ phần đó, trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán hoàn toàn đi theo chiều hướng khác hẳn. Trong một năm, Texas Instruments đã gia tăng giá trị khá lớn. Motorola giảm xuống dưới mức từ 5-10% chi phí mà tôi bỏ ra khi mua. Hãng hoạt động tồi tệ đến mức mà một trong những khách hàng lớn của tôi đã rất bực mình, vì thế ông ta chỉ gọi Motorola bằng cái tên “con gà tây mà anh mua cho tôi”. Các mức báo giá không mong đợi kéo dài khoảng hơn một năm. Tuy nhiên, khi giới tài chính bắt đầu nhận thấy tầm quan trọng của ngành truyền thông mà Motorola hướng đến, cùng với giai đoạn bước ngoặt trong lĩnh vực chất bán dẫn, cổ phiếu của hãng dần có những tiến triển khá ngoạn mục.

Khi mua cổ phần của Motorola, tôi kết hợp với một công ty bảo hiểm lớn, công ty này đã thông báo cho bộ máy quản lý của Motorola biết rằng họ cũng rất quan tâm đến những kết luận mà tôi đưa ra trong chuyến viếng thăm đầu tiên. Không lâu sau khi công ty bảo hiểm mua một lượng đáng kể cổ phiếu của Motorola, họ đã chuyển toàn bộ danh mục đầu tư của mình tới một ngân hàng ở New York để thẩm định. Ngoại trừ Motorola, ngân hàng chia danh mục đầu tư thành ba nhóm: hấp dẫn nhất, kém hấp dẫn hơn và kém hấp dẫn nhất. Tuy nhiên, họ từ chối đưa Motorola vào bất cứ danh mục đầu tư nào và nói rằng đó không phải là loại công ty mà họ đáng quan tâm; bởi vậy họ không có đánh giá gì về hãng này. Tuy nhiên, một trong những nhân viên của công ty bảo hiểm đã nói với tôi rằng ba năm sau khi bị giới tài chính ở Phố Wall cự tuyệt, Motorola đã vượt lên hơn hẳn các cổ phiếu khác trong danh mục đầu tư của họ! Nếu không có nguyên tắc ba năm, có thể tôi đã không đủ kiên trì giữ vững các cổ phiếu của Motorola trước sức ảnh hưởng của thị trường đang theo chiều hướng tiêu cực và những lời phê bình từ phía khách hàng.

Mọi nguyên tắc đều có ngoại lệ… nhưng không nhiều

Đã bao giờ tôi bán cổ phiếu do nguyên tắc ba năm và sau đó hối tiếc vì một mức tăng giá lớn diễn ra trên thị trường chứng khoán? Trên thực tế, tôi đã bán một vài lần. Không phải vì hầu như rất ít lần các khoản mua đó không thể mang lại một mức tăng giá lớn, mà chính vì mục tiêu tôi đã chọn chúng. Trong hầu hết các trường hợp, khi tiếp tục kiểm tra thêm tình hình của công ty và hiểu hơn về nó, tôi đã thay đổi quan điểm. Tuy nhiên, trong số ít trường hợp khi nguyên tắc ba năm là yếu tố duy nhất khiến tôi mua và rồi bán chúng, tôi hầu như không phải hối tiếc trước những phản ứng của thị trường.

Đã bao giờ tôi vi phạm nguyên tắc ba năm mà mình đặt ra? Câu trả lời là có, chính xác là một lần, đó là vào giữa thập niên 1970. Ba năm trước đó, tôi đã mua một lượng lớn cổ phần của Rogers Corporation. Rogers chuyên về các lĩnh vực liên quan đến chất polymer, và tôi tin rằng họ đang chuẩn bị phát triển các chi nhánh bán độc quyền với những sản phẩm có sức tăng lớn về doanh số, không chỉ trong một hay hai năm mà là rất nhiều năm. Tuy nhiên, vào cuối khoảng thời gian ba năm, cổ phiếu sụt giảm và thu nhập của công ty cũng sụt giảm. Một vài sức ảnh hưởng khiến tôi nhận ra rằng đây là trường hợp mình đã bỏ qua các nguyên tắc do bản thân đặt ra – một ngoại lệ. Một trong những sức ảnh hưởng đó chính là mối cảm tình mà tôi dành cho Norman Greenman, chủ tịch công ty. Tôi đã tin chắc rằng ông ta có khả năng phi thường, quyết tâm giải quyết những vấn đề tác động rất lớn đến nhà đầu tư, có tính cách trung thực và không hề giấu giếm những thông tin xấu liên tục xảy ra.

Còn một yếu tố cơ bản ảnh hưởng sâu sắc đối với tôi: lý do cơ bản khiến lợi nhuận công ty quá thấp chính là Rogers đã chi một khoản tiền hoàn toàn không cân xứng vào việc phát triển một sản phẩm mới độc đáo dường như sẽ mang lại triển vọng gặt hái lợi nhuận lớn. Do đó, nó đã khiến nguồn tiền của và nhân lực không được đầu tư vào những sản phẩm hấp dẫn có tiềm năng khác và với mức độ quan tâm thấp hơn. Khi công ty đưa ra quyết định đúng đắn là dừng tất cả mọi nỗ lực vào sản phẩm này, không lâu sau, cùng với một vài cải tiến khác, mọi chuyện trở nên đầy hứa hẹn, khởi đầu một thời kỳ phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, tất cả những điều này đều cần phải có thời gian. Trong khi đó, công ty không hoạt động hiệu quả như mong đợi của những người mua cổ phần, điều đó khiến cổ phiếu giảm xuống mức không hề tương xứng với doanh số, tài sản của nó hay bất cứ mức thu nhập bình thường nào. Đây là một ví dụ điển hình về việc rẽ trái trong khi giới tài chính rẽ phải. Bởi vậy, dù theo quy tắc ba năm hay không, tôi đều làm tăng số cổ phần của mình và khách hàng, mặc dù một số khách hàng – chịu ảnh hưởng bởi những năm chờ đợi và những gì công ty đã thực hiện – xem xét hành động đó với một chút e ngại. Trong những tình huống như vậy, khi sự thay đổi mang tính bước ngoặt xảy ra, nó đến rất nhanh. Rõ ràng mức thu nhập được cải thiện không chỉ là vấn đề một hay hai năm, mà là mang những dấu hiệu rõ ràng rằng nó sẽ tăng trưởng thật sự trong nhiều năm, cổ phiếu tiếp tục gia tăng tương ứng.

Một cuộc thử nghiệm với việc xác định chính xác thời điểm của thị trường

Khi xoay xở tìm cách kiếm tiền từ cổ phiếu thường, tôi bắt đầu nhận ra rằng tôi có thể thu được những bài học đáng giá khi nghiên cứu Food Machinery Corporation. Hầu hết những hoạt động của họ đều phụ thuộc vào ngành đóng hộp rau quả. Để có cơ sở chắc chắn rằng thật đúng đắn khi mua cổ phần của Food Machinery, tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng về các nhân tố ảnh hưởng tới các công ty đóng hộp rau quả. Ngành công nghiệp này mang tính chu kỳ cao do các điều kiện kinh doanh nói chung luôn thay đổi và sức ảnh hưởng của thời tiết đối với vụ mùa.

Khi đã khá quen thuộc với các đặc điểm của ngành đóng hộp, tôi quyết định sẽ cố gắng và tận dụng những kiến thức trên, không phải để đầu tư dài hạn như những gì tôi đang làm ở Food Machinery, mà qua các giao dịch hàng ngày về cổ phần của California Packing Corporatio – sau này là một công ty độc lập và là xưởng đóng hộp rau quả lớn nhất. Kể từ thời điểm nghiêm trọng nhất của cuộc Đại suy thoái cho đến khi kết thúc thập kỷ đó, tôi đã mua cổ phần của công ty này với ba lần khác nhau. Mỗi lần tôi bán chúng và thu được một khoản lợi nhuận.

Nếu nhìn bề ngoài, điều này nghe có vẻ như thể tôi đang thực hiện một việc gì đó đáng giá. Tuy nhiên, vài năm sau, khi nỗ lực phân tích những hành động khôn ngoan và không khôn ngoan trong hoạt động kinh doanh, tôi càng ngày càng nhận thức rõ những hành động xuẩn ngốc. Chúng chiếm một lượng thời gian và công sức khá lớn, khiến tôi không thể chú tâm vào những điều khác hứa hẹn sẽ mang lại kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, tổng số tiền trong mối tương quan với rủi ro không hề đáng kể so với những khoản lợi nhuận mà tôi mang lại cho khách hàng khi mua cổ phần của Food Machinery Corporation; trong những trường hợp, tôi mua với mục đích chờ các khoản tăng dài hạn và giữ chúng trong một khoảng thời gian khá lâu. Bên cạnh đó, tôi đã chứng kiến đủ mọi giao dịch xảy ra hàng ngày, trong đó có một số thương vụ do một số cá nhân xuất sắc tiến hành, và tôi biết rằng thành công ba lần liên tiếp chỉ làm tăng khả năng rằng lần thứ tư sẽ kết thúc trong tai họa. Những rủi ro nhiều hơn so với khi mua một lượng cổ phần tương tự của các công ty mà tôi cho là đủ mức hứa hẹn để giữ chúng nhằm chờ đợi thời kỳ tăng trưởng kéo dài trong nhiều năm. Bởi vậy, vào giai đoạn cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, khi triết lý đầu tư hiện thời của tôi đã đúc kết được khá nhiều, tôi thực hiện điều tôi tin là một trong những quyết định giá trị nhất trong suốt cuộc đời kinh doanh của mình. Đó chính là tập trung mọi công sức vào một mục đích là thu về những khoản lời lớn trong dài hạn.

Hãy quan tâm đến mức giá thị trường, cơ hội đang ở phía trước

Trong suốt thập niên 1930, tôi nhận thấy một số điều mà theo tôi thật sự quan trọng. Tôi vừa đề cập rằng tôi không hề thu được lợi gì từ những dự đoán chính xác của mình về thị trường đầu cơ giá xuống trên quy mô lớn bắt đầu từ năm 1929. Toàn bộ cách lý giải đúng đắn về thế giới sẽ không có giá trị gì trong hoạt động đầu tư chứng khoán, trừ phi nó chuyển thành hành động cụ thể. Kinh nghiệm đầu tiên của tôi khi điều hành doanh nghiệp riêng xuất phát trong suốt thời kỳ cuộc Đại suy thoái xảy ra trầm trọng nhất, khi những khoản tiền nhỏ trở nên đặc biệt quan trọng. Có thể cũng do điều này, hoặc cũng có thể do cá tính của tôi, nên khi khởi nghiệp tôi thấy mình thường phân vân, do dự trước các bước giá. Những nhà môi giới hiểu biết luôn nói với tôi rằng nếu tôi tin là một cổ phiếu sẽ tăng gấp mấy lần trong vài năm tới so với mức giá hiện thời, thì hầu như chẳng có gì đáng kể nếu mua cổ phần ở mức 10 đô-la hay 10,25 đô-la. Tuy nhiên, tôi luôn đặt các lệnh có giới hạn vì những quyết định bảo thủ của tôi chỉ trả ở mức 10,12 đô-la, nhất quyết không tăng lên. Nếu xét về tính logic, điều này nghe thật vô lý. Tôi đã quan sát và thấy rằng đó là một thói quen xấu trong đầu tư, nó đã ăn sâu vào lối tư duy của rất nhiều người. Thật may tôi không nằm trong số đó.

Tôi đã nhận thức được rõ ràng về những nguy cơ tiềm ẩn của những giới hạn bảo thủ nhờ hậu quả từ sai lầm của người khác. Tôi còn nhớ rõ câu chuyện đó như thể nó vừa xảy ra ngày hôm qua. Một lần, khi tình cờ gặp một khách hàng quan trọng, tôi nói với ông ta rằng tôi vừa ghé thăm Food Machinery Corporation, triển vọng của hãng này chưa bao giờ tốt như lúc này, rằng tôi nghĩ ông ta nên mua thêm cổ phần của hãng. Ông ta hoàn toàn đồng ý với tôi và hỏi xem giá cổ phiếu vào lúc đóng cửa phiên giao dịch buổi chiều đó thế nào. Tôi nói rằng nó có giá 34,50 đô-la. Ông ta đặt lệnh với số lượng lớn và nói rằng chỉ trả với mức 33,25 đô-la, không cao hơn nữa. Một vài ngày tiếp theo, cổ phiếu dao động ở mức luôn cao hơn mức giá ông ta đưa ra một chút. Chưa bao giờ nó giảm xuống mức như vậy. Tôi đã gọi điện hai lần và thúc giục ông ta tăng mức giá lên 1/4 điểm để có thể mua được cổ phiếu đó. Thật không may, ông ta nhất quyết: “Không, đó là giá đặt mua của tôi”. Chỉ trong một vài tuần, cổ phiếu tăng hơn 50% và kể cả sau khi đã tính đến việc chia tách cổ phiếu, lịch sử của hãng này không bao giờ có giá cổ phiếu giảm xuống tới mức gần với mức mà ông ta đặt lệnh.

Hành động của quý ông này đã khiến tôi ghi tâm khắc cốt rằng không bao giờ được lặp lại hành động xuẩn ngốc kiểu như vậy nữa. Dần dần, tôi đã vượt qua những điểm yếu của bản thân. Tôi nhận thức đầy đủ rằng nếu một người muốn mua một lượng cổ phiếu lớn, anh ta không thể bỏ qua vấn đề 1/4 đô-la hay 1/8 đô-la, bởi khi mua một số cổ phiếu, anh ta có thể đề ra mức giá có lợi cho mình. Tuy nhiên, đối với những giao dịch có giá trị lớn, việc quá cứng nhắc về các tỷ lệ khác nhau không mấy đáng kể trong mức giá có thể khiến nhà đầu tư phải trả giá đắt. Trong trường hợp của tôi, tôi hoàn toàn kiểm soát được việc đó khi mua, song khi bán thì chỉ kiểm soát được một phần. Trong những năm qua, do đặt lệnh bán với mức giá giới hạn, thay vì theo mức giá thị trường, tôi đã bỏ lỡ một giao dịch chỉ chênh 1/4 điểm, và kết quả của vụ giao dịch này là tại thời điểm tôi đang viết những điều này, cổ phiếu đã giảm 35% so với thời điểm tôi đặt lệnh bán. Tại những mức giữa giới hạn mà tôi đưa ra và mức giá hiện tại, tôi chỉ bán được một phần nhỏ trong lượng cổ phiếu nắm giữ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.