Hoa trên mộ Algernon

Chương 05



17 tháng Tư – Đêm qua tôi gặp ác mộng, và sáng nay khi tỉnh dậy, tôi tự do liên tưởng theo cách mà bác sĩ Strauss bảo tôi làm mỗi khi nhớ lại giấc mơ của mình. Nghĩ về giấc mơ và để cho trí óc tôi lang thang cho đến khi các ý nghĩ xuất hiện trong đầu. Tôi cứ làm thế cho đến lúc đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng. Bác sĩ Strauss nói như thế có nghĩa là tôi đã đạt đến điểm mà tiềm thức tìm cách ngăn không cho ý thức nhớ lại. Đấy là bức tường giữa hiện tại và quá khứ. Đôi khi bức tường vẫn đứng vững, đôi khi bức tường sụp đổ và tôi có thể nhớ lại được những gì đằng sau nó.

Giống như sáng nay.

Đấy là giấc mơ về cô Kinnian đọc báo cáo tiến bộ của tôi. Trong giấc mơ, tôi ngồi xuống để viết nhưng chẳng thể nào viết hay đọc được chút gì. Tất cả đều biến mất. Tôi sợ lắm, vì thế tôi nhờ Gimpy ở tiệm bánh viết giúp cho tôi. Nhưng khi cô Kinnian đọc báo cáo cô rất giận và xé tan các trang giấy bởi vì trong đó toàn những từ ngữ bậy bạ.

Khi tôi về nhà, giáo sư Nemur và bác sĩ Strauss đã ngồi chờ tôi ở đó, họ đánh cho tôi một trận vì tội viết bậy trong báo cáo tiến bộ. Khi mọi người về hết, tôi nhặt các trang giấy rách vụn lên nhưng chúng biến thành những tấm thiệp tình yêu có buộc ruy băng dính đầy máu.

Giấc mơ này thật là đáng sợ nhưng tôi nhảy ra khỏi giường ghi lại tất cả và lại bắt đầu tự do liên tưởng.

Tiệm bánh… nướng bánh… cái lò… có người đá tôi… ngã xuống… máu me khắp nơi… viết… cây bút chì lớn trên tấm thiệp đỏ… trái tim nhỏ bằng vàng… khung ảnh hình trái tim… sợi dây xích… tất cả đều dính máu… và hắn đang cười nhạo tôi…

Sợi dây xích là của dây chuyền trái tim có lồng ảnh… quay tròn… phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh vào mắt tôi. Và tôi thích xem nó quay… quan sát sợi dây xích… cuộn tròn, xoắn tít lại và quay tròn… và một bé gái đang đứng nhìn tôi.

Tên của cô bé là cô Kin – ý tôi là tên Harriet.

Harriet… Harriet… chúng ta ai cũng yêu Harriet.”

Và rồi chẳng có gì nữa cả. Tất cả lại tiếp tục trống rỗng.

Cô Kinnian đang nhìn qua vai tôi để đọc báo cáo tiến bộ.

Rồi chúng tôi có mặt ở Trung tâm Người lớn Thiểu năng, và cô lại đọc qua vai tôi khi tôi viết bài nuận bài luận.

Trường học chuyển thành P.S. 13 và tôi mới mười một tuổi và cô Kinnian cũng chỉ mười một tuổi, nhưng giờ cô không phải là cô Kinnian nữa. Cô là một cô bé có má lúm đồng tiền với những lọn tóc dài và tên cô là Harriet. Chúng tôi ai cũng yêu quý Harriet. Hôm đấy là Valentine.

Tôi nhớ…

Tôi nhớ đến những gì xảy ra tại P.S. 13 và tại sao họ lại phải chuyển trường và đưa tôi đến P.S. 222. Nguyên nhân là do Harriet.

Tôi nhìn thấy cậu bé Charlie A mười một tuổi. Cậu có một khung ảnh hình trái tim nhỏ màu vàng mà có lần cậu nhặt được trên đường phố. Trái tim không có dây xích, nhưng cậu xỏ nó vào một sợi dây, và cậu rất thích quay trái tim đó để cho sợi dây xoắn tít lại, rồi sau đó nhìn nó quay ngược trở lại, xoay tròn xoay tròn, ánh mặt trời lấp lánh trong mắt cậu.

Thỉnh thoảng, khi lũ trẻ chơi trò bắt bóng, chúng lại cho cậu chơi ở giữa và cậu tìm cách bắt lấy quả bóng trước khi một đứa nào đó bắt được. Cậu thích được chơi ở giữa như thế – dù cho chẳng bao giờ cậu bắt được quả bóng – và có lần khi Hymie Roth sơ ý đánh rơi quả bóng và cậu nhặt nó lên thì lũ trẻ vẫn không cho cậu ném bóng đi mà bắt cậu đứng trở lại giữa vòng.

Khi Harriet đi qua, lũ trẻ ngừng chơi mà nhìn cô bé. Tất cả lũ con trai đều thích Harriet. Khi cô bé lắc đầu thì các lọn tóc bay lên bay xuống, và cô bé có má lúm đồng tiền. Charlie không hiểu tại sao lũ trẻ lại nhặng xị lên vì cô bé và tại sao lúc nào chúng cũng muốn được nói chuyện với cô bé (cậu thích chơi bóng hoặc tạt lon hoặc trò ringo – levio(4) hơn là nói chuyện với con gái), nhưng vì toàn bộ lũ con trai đều chết mê chết mệt Hariet nên cậu cũng say mê Harriet.

4. Ringo-levio là trò chơi bắt nguồn từ New York (Mỹ), khá giống cới trò đánh trận giả của Việt Nam, trong đó người chơi chia thành hai nhóm tương đối cân bằng về số lượng và tiến hành bắt giữ thành viên nhóm kia làm tù binh.

Cô bé không bao giờ trêu chọc cậu như những đứa trẻ khác, còn cậu thì làm trò cho cô bé xem. Cậu giẫm lên bàn khi giáo viên không có mặt trong lớp. Cậu ném tẩy qua cửa sổ, viết nhăng nhít lên bảng học và lên tường lớp. Và Harriet thì lúc nào cũng kêu lên và cười khúc khích: “Ối xem Charlie kìa. Bạn ấy có hay không kìa? Ối, trông bạn ấy buồn cười chưa kìa?”

Hôm đấy là Valentine, và lũ con trai kháo chuyện với nhau về những tấm thiệp tình yêu chúng sẽ tặng cho Harriet, vì thế Charlie nói: “Tớ cũng sẽ tặng thiệp cho Harriet.”

Cả lũ cười ồ lên và Barry nói: “Thế cậu sẽ lấy thiệp ở đâu ra chứ?”

“Tớ sẽ tặng cho cô ấy một tấm thiệp thật đẹp. Rồi các cậu sẽ thấy.”

Nhưng cậu không có xu nào để mua thiệp cả, vì vậy cậu quyết định sẽ tặng cho Harriet cái khung ảnh hình trái tim, giống như những tấm thiệp Valentine bày trên cửa sổ quầy hàng. Đêm đó, cậu lấy giấy gói quà từ ngăn kéo của mẹ, và phải mất một lúc lâu cậu mới gói xong và thắt một cái nơ bằng sợi ruy băng đỏ. Rồi hôm sau, trong giờ ăn trưa ở trường, cậu mang món quà tới cho Hymie Roth nhờ Hymie viết giúp mấy dòng lên tờ giấy.

Cậu nhờ Hymie viết: “Harriet yêu quý, tớ nghĩ rằng cậu là cô gái xinh đẹp nhất thế giới. Tớ thích cậu rất nhiều và tớ yêu cậu. Tớ muốn cậu trở thành nữ thần tình yêu của tớ. Bạn Charlie Gordon.”

Hymie viết bằng chữ lớn rất cẩn thận lên tờ giấy, miệng ngoác ra cười suốt, rồi bảo với Charlie: “Giời ơi, món quà này sẽ làm nó ngạc nhiên mà chết mất. Chờ xem đến lúc nó nhìn thấy thế nào nhé.”

Charlie sợ lắm, nhưng cậu muốn tặng cho Harriet cái khung ảnh hình trái tim, vì vậy cậu theo cô bé từ trường về nhà và chờ cho đến khi cô bé vào hẳn trong nhà. Rồi cậu lẻn vào hành lang và treo món quà lên tay nắm cửa bên trong. Cậu nhấn chuông hai lần và chạy qua bên kia đường rồi nấp sau gốc cây.

Khi Harriet bước xuống, cô bé nhìn quanh xem ai đã bấm chuông. Rồi cô bé cũng nhìn thấy gói quà. Cô bé cầm lấy và mang lên gác. Charlie đi từ trường về nhà và bị phát vào mông vì tội lấy giấy và ruy băng từ ngăn kéo của mẹ mà không xin phép. Nhưng cậu chẳng quan tâm lắm. Ngày mai, Harriet sẽ đeo cái khung ảnh hình trái tim và nói với toàn bộ lũ con trai là cậu đã tặng nó cho cô bé. Rồi chúng sẽ thấy.

Hôm sau, cậu chạy hộc tốc đến trường, nhưng còn sớm quá. Harriet vẫn chưa đến, và cậu hết sức hồi hộp.

Nhưng khi Harriet đến trường, thậm chí cô bé còn chẳng thèm liếc mắt nhìn cậu. Cô bé cũng chẳng đeo trái tim ấy. Và trông cô bé rất tức giận.

Cậu làm đủ trò mỗi khi cô Janson không để ý: Cậu làm mặt cười. Cậu cười lăn lộn. Cậu đứng lên ghế và lắc mông. Thậm chí cậu còn ném phấn vào Harold. Nhưng Harriet chẳng thèm nhìn cậu lấy một lần. Có lẽ cô bé đã quên ở nhà. Có lẽ ngày mai cô bé sẽ đeo nó. Cô bé đi qua chỗ cậu ở chỗ hành lang, nhưng khi cậu quay sang để bắt chuyện thì cô bé đi nhanh qua cậu mà chẳng nói lời nào.

Ở giữa sân trường, hai ông anh của cô bé đang đứng chờ cậu.

Gus đẩy cậu: “Thằng nhóc láo toét này, có phải mày viết những dòng bẩn thỉu này cho em tao không?”

Charlie bảo cậu không hề viết dòng chữ bẩn thỉu nào cả. “Em chỉ tặng thiệp Valentine cho bạn ấy thôi.”

Oscar, trước khi tốt nghiệp trung học đã từng ở trong đội bóng của trường, túm lấy áo Charlie và giật đứt hai cái cúc. “Tránh xa em gái tao ra, đồ hư hỏng. Dù sao thì mày cũng chẳng thuộc về cái trường này.”

Hắn đẩy Charlie qua cho Gus, và Gus túm lấy cổ cậu. Charlie sợ hãi, bật khóc.

Rồi chúng bắt đầu đánh cậu, Oscar đấm vào mũi cậu, còn Gus thì đánh cậu ngã lăn ra đất và đá vào sườn, rồi cả hai đứa đều đá cậu, đứa này xong đến đứa khác, và có mấy đứa bé ở trong sân bạn của Charlie – chạy đến hét lên và vỗ tay: “Đánh nhau! Đánh nhau! Người ta đánh Charlie kìa!”

Quần áo rách nát, mũi chảy máu và bị gãy một răng, sau khi Gus và Oscar bỏ đi, cậu ngồi trên vỉa hè và khóc. Máu có vị chua. Những đứa trẻ khác chỉ cười và hét: “Charlie ăn đòn! Charlie ăn đòn!” Sau đó ông Wagner, giám thị trường, đến đuổi chúng đi. Ông đưa Charlie vào phòng bọn con trai và bảo nó lau máu với đất trên mặt và tay trước khi về nhà…

Tôi đoán là tôi khá ngốc bởi vì tôi tin vào những gì mọi người nói. Lẽ ra tôi không nên tin Hymie hay bất cứ người nào.

Trước ngày hôm nay thì tôi chưa bao giờ nhớ được chút gì về chuyện này cả, nhưng tất cả đã trở lại với tôi sau khi tôi suy nghĩ về giấc mơ. Nó có liên quan ít nhiều đến cái cảm giác khi cô Kinnian đọc báo cáo tiến bộ của tôi. Dù sao thì bây giờ tôi cũng thấy vui vì không phải nhờ người khác viết hộ mình nữa. Giờ thì tôi có thể tự mình làm được rồi.

Nhưng tôi chợt nhận ra một điều. Harriet không hề trả lại cho tôi trái tim đó.

18 tháng Tư – Tôi đã hiểu Rorschach là gì. Đấy là bài thử nghiệm với những dấu mực mà tôi đã có lần làm trước khi phẫu thuật. Ngay khi vừa hiểu ra nó là cái gì, tôi lại thấy sợ. Tôi biết Burt sắp sửa bảo tôi tìm các hình ảnh, và tôi biết mình không thể nào làm được. Tôi đang nghĩ, giá mà có cách nào đó để biết được loại hình ảnh nào ẩn giấu ở đó. Có thể là chẳng có hình ảnh nào trong đó cả. Có thể nó chỉ là mẹo để xem tôi có đần độn đến mức đi tìm một thứ không hề có trong đó chăng. Chỉ nghĩ thế đã khiến tôi phát điên lên với anh ta rồi.

Anh ta nói: “Được rồi, Charlie. Anh đã từng nhìn thấy những tấm bìa này rồi, nhớ chứ?”

“Tất nhiên là tôi nhớ.”

Tôi nói bằng giọng khiến anh ta hiểu là tôi đang rất giận và anh ta nhìn tôi ngạc nhiên.

“Có chuyện gì thế Charlie?”

“Không, chẳng có gì đâu. Mấy vết mực này làm tôi khó chịu quá.”

Anh mỉm cười và lắc đầu. “Chẳng có gì khó chịu cả. Đây chỉ là một trong những bài kiểm tra tính cách bình thường thôi mà. Giờ thì tôi muốn anh nhìn vào tấm bìa này. Nó giống cái gì? Anh nhìn thấy gì trên tấm bìa này? Mọi người nhìn thấy đủ thứ qua những vết mực này. Hãy nói tôi nghe đối với anh thì nó là gì – nó khiến anh nghĩ tới điều gì?”

Tôi thấy choáng. Tôi nhìn chằm chằm vào tấm bìa rồi lại nhìn anh ta.

Đấy không phải là điều mà tôi nghĩ rằng anh ta sẽ nói ra. “Anh muốn nói là không có hình ảnh nào ẩn chứa trong những vết mực này ư?”

Burt nhướn mày và tháo kính ra. “Cái gì?”

“Hình ảnh! Ẩn chứa trong những vết mực này! Lần trước anh bảo tôi là ai cũng có thể nhìn thấy chúng và anh muốn tôi cũng tìm ra chúng.”

“Không phải đâu Charlie à. Chắc là tôi không nói vậy đâu.”

Tôi hét vào mặt anh ta: “Ý anh là sao?” Nỗi sợ những vết mực lớn đến mức tôi nổi giận với cả bản thân mình lẫn Burt. “Anh đã nói với tôi thế. Chỉ vì anh không đủ thông minh để đi học đại học không có nghĩa là anh được phép lấy tôi ra làm trò đùa. Tôi chán ngấy và mệt mỏi với việc bị trêu chọc lắm rồi.”

Tôi nhớ là mình chưa bao giờ giận dữ đến thế. Tôi không hề nghĩ rằng chính do Burt, nhưng đột nhiên mọi thứ nổ tung ra. Tôi ném mấy tấm bìa Rorschach lên bàn và bước ra ngoài. Giáo sư Nemur đang bước đi dọc hành lang, và khi tôi chạy vụt qua ông mà không chào một câu thì ông biết ngay là có chuyện. Khi tôi chuẩn bị bước vào thang máy thì ông và Burt đuổi kịp tôi.

Nemur nắm lấy cánh tay tôi, nói: “Charlie, chờ chút đã. Tất cả những chuyện này là thế nào?”

Tôi run lên và gật đầu với Burt. “Tôi chán ngấy và mệt mỏi vì cứ bị mọi người trêu chọc rồi. Thế thôi. Có lẽ trước kia tôi không hiểu biết như bây giờ, nhưng giờ đây biết rồi thì tôi lại không thích nữa.”

Nemur nói: “Ở đây chẳng có ai trêu chọc anh hết, Charlie à.”

“Thế còn những vết mực thì sao? Lúc trước Burt bảo tôi là có hình ảnh ở trong vết mực và mọi người ai cũng thấy cả, còn tôi…”

“Nghe này Charlie. Anh có muốn nghe chính xác những lời Burt nói với anh, và cả câu trả lời của anh không? Chúng tôi đã ghi âm buổi thử nghiệm đó. Chúng tôi có thể mở lại và cho anh nghe từng lời trong đó.”

Tôi cùng họ quay trở lại khoa tâm lý với nhiều cảm giác lẫn lộn. Tôi biết chắc rằng họ trêu chọc tôi và lừa gạt tôi lúc tôi còn quá ngây ngô, chẳng biết gì. Cơn giận của tôi là một cảm giác thú vị, và tôi không dễ dàng từ bỏ nó. Tôi đã sẵn sàng để chiến đấu.

Khi Nemur đến tủ hồ sơ để lấy cuốn băng, Burt giải thích: “Lần trước, tôi dùng những từ gần giống như hôm nay. Những cuộc thử nghiệm này đòi hỏi phải như thế để mỗi lần thực hiện thì quy trình vẫn giống như nhau.”

“Khi nào nghe xong cuốn băng thì tôi mới tin lời anh.”

Họ liếc nhìn nhau. Tôi cảm thấy máu lại dồn lên mặt tôi một lần nữa. Họ đang cười nhạo tôi. Nhưng rồi tôi nhận ra những gì tôi vừa nói, và tự thấy mình đã hiểu ra lý do của cái liếc nhìn. Họ không hề cười nhạo. Họ biết những gì đang xảy ra với tôi. Tôi đã đạt đến một mức độ mới, giận dữ và nghi ngờ là những phản ứng đầu tiên của tôi đối với thế giới xung quanh.

Giọng của Burt vang lên từ máy ghi âm:

“Giờ thì tôi muốn anh nhìn vào tấm bìa này, Charlie. Nó có thể giống cái gì? Anh nhìn thấy gì trên tấm bìa này? Mọi người nhìn thấy đủ thứ qua những vết mực này. Hãy nói tôi nghe nó khiến anh nghĩ tới điều gì…?”

Cũng những từ ấy, cũng cái giọng ấy mấy phút trước anh ta mới nói trong phòng thí nghiệm. Và tôi nghe thấy câu trả lời của mình – những điều trẻ con và quá quắt. Và tôi buông mình đánh phịch xuống chiếc ghế bên cạnh bàn của giáo sư Nemur. “Thực sự đấy là tôi ư?”

Tôi trở lại phòng thí nghiệm với Burt, và chúng tôi tiếp tục tiến hành thử nghiệm Rorschach. Chúng tôi chậm rãi xem từng tấm bìa một. Lần này thì phản ứng của tôi đã khác hẳn. Tôi “nhìn thấy” mọi thứ trong các vết mực. Một cặp dơi đang giằng kéo với nhau. Hai người đàn ông đang đấu kiếm. Tôi tưởng tượng ra đủ thứ. Nhưng dù cho có như vậy đi nữa thì tôi nhận thấy mình chẳng còn hoàn toàn tin tưởng Burt như trước nữa. Tôi cứ lật đi lật lại các tấm bìa, kiểm tra mặt sau của chúng xem có điều gì mà tôi cần phải tìm kiếm nữa không.

Tôi lén nhìn trộm khi anh ta đang ghi chép lại. Nhưng chúng được viết bằng một thứ mật mã trông thế này:

WF + A DdF-Ad orig. WF-A + obj

Cuộc thử nghiệm vẫn tỏ ra vô nghĩa. Đối với tôi, dường như ai cũng có thể bịa đặt ra những thứ mà anh ta không hề nhìn thấy thực sự. Làm thế nào mà họ biết được là tôi không lỡm họ bằng cách nói những điều mà tôi không hề tưởng tượng được ra nhỉ?

Có lẽ tôi sẽ hiểu điều này khi bác sĩ Strauss cho phép tôi đọc sách tâm lý học. Càng ngày, việc ghi lại tất cả những suy nghĩ và cảm giác của bản thân càng trở nên khó khăn đối với tôi bởi vì tôi biết rằng mọi người sẽ đọc chúng. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu tôi giữ một số báo cáo cho riêng mình một thời gian. Tôi sẽ hỏi bác sĩ Strauss về chuyện này. Tại sao mọi chuyện lại đột ngột làm tôi thấy phiền phức chứ?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.