Hoa trên mộ Algernon

Chương 08



3 tháng Năm – Một trong những điều khiến tôi thấy khó chịu là chẳng biết được đích xác lúc nào thì có việc phát sinh từ quá khứ, liệu nó có thực sự xảy ra như vậy hay không, hay tại thời điểm này thì nó có vẻ như vậy, hay là tôi đang tưởng tượng ra việc đó. Tôi giống như một người đã thiếp đi suốt cả cuộc đời, đang tìm cách để biết được mình ra sao trước khi thức giấc. Mọi thứ đang diễn ra chậm và mờ nhạt đến kỳ lạ.

Đêm qua tôi gặp ác mộng, và khi tỉnh giấc tôi đã nhớ ra được điều gì đó.

Trước hết là cơn ác mộng: tôi chạy dọc một hành lang rất dài, mặt bị che phủ bởi những cột xoáy bụi. Đôi khi, tôi chạy thẳng rồi tôi đi loanh quanh và chạy giật lùi, nhưng tôi sợ bởi vì đang giấu một thứ gì đó trong túi. Tôi không biết đấy là gì hay tôi lấy nó ở đâu, nhưng tôi biết là người ta muốn cướp lấy nó vì thế tôi thấy sợ.

Bức tường sụp đổ và đột nhiên có một cô gái tóc đỏ dang tay ra với tôi – khuôn mặt cô là một cái mặt nạ trống trơn. Cô ôm lấy tôi vào lòng, hôn và mơn trớn tôi, và tôi cũng muốn ôm cô thật chặt nhưng lại sợ. Cô càng chạm vào người tôi thì tôi càng trở nên sợ hãi bởi vì tôi biết, tôi không bao giờ được phép chạm đến cô gái nào hết. Rồi, khi thân thể cô cọ vào người tôi, tôi thấy một cảm giác sôi sục, rộn ràng rất lạ từ bên trong làm tôi nóng ran lên. Nhưng khi ngước nhìn lên, tôi thấy tay cô đang cầm một con dao dính máu.

Tôi cố la hét trên đường chạy trốn, nhưng cổ họng không thể phát ra một âm thanh nào, các túi tôi đều trống rỗng. Tôi lục túi nhưng không biết mình vừa đánh mất cái gì hay tại sao tôi lại giấu nó đi. Toi chỉ biết rằng nó đã mất, và tay tôi cũng dính máu.

Khi tỉnh dậy, tôi nghĩ về Alice, và tôi thấy hoảng sợ y hệt trong giấc mơ. Tôi đang sợ điều gì? Chuyện gì đó liên quan đến con dao.

Tôi tự pha cho mình một tách cà phê và hút một điếu thuốc. Tôi chưa bao giờ mơ như thế cả, và tôi biết là nó có liên quan tới buổi tối mà tôi và Alice đi chơi với nhau. Tôi vừa suy nghĩ về nàng theo một hướng hoàn toàn khác.

Liên tưởng tự do vẫn là việc khó, bởi vì thật chẳng dễ dàng gì khi không kiểm soát hướng suy nghĩ của mình… chỉ cần để ngỏ đầu óc cho mọi thứ chảy vào… các ý nghĩ nổi lên như bong bóng xà phòng… một phụ nữ đang tắm… một bé gái… Norma đang tắm… tôi nhìn qua lỗ khóa… và khi nó bước ra khỏi bồn tắm để lau khô người, tôi thấy cơ thể nó khác hẳn tôi. Thiếu mất cái gì đó.

Chạy dọc hành lang… ai đó đang đuổi theo tôi… không phải là người… chỉ là một con dao nhà bếp sáng loáng, tôi hoảng sợ và khóc nhưng không thành tiếng bởi vì cổ tôi đã bị cắt, người tôi máu me đầm đìa…

“Mẹ ơi, Charlie nhìn trộm con qua lỗ khóa…”

Tại sao nó lại khác nhỉ? Có chuyện gì xảy ra với nó sao?… máu… chảy máu… một cái hốc tối…

Ba con chuột mù… ba con chuột mù,

Xem chúng chạy kìa! Xem chúng chạy kìa!

Chúng đều chạy theo vợ bác nông dân,

Bà ta cắt đuôi chúng bằng một con dao trổ,

Đã bao giờ bạn thấy cảnh tượng như thế trong đời chưa,

Ba… con… chuột mù?

Charlie, một mình trong bếp vào sáng sớm. Mọi người đều đang ngủ cả, và cậu tự chơi một mình với con xoay. Khi cậu gập người xuống, một chiếc cúc áo bung ra, và nó lăn qua những hoa văn phức tạp của tấm vải lót nền. Nó lăn về hướng nhà tắm và cậu chạy theo, nhưng rồi cậu mất dấu. Cái cúc áo đâu rồi nhỉ? Cậu vào nhà tắm để tìm. Trong nhà tắm có một cái tủ, trong đó đặt chiếc giỏ mây đựng quần áo, và cậu thích lôi toàn bộ quần áo ra ngắm nghía. Đồ của cha và đồ của mẹ… và cả quần áo của Norma nữa. Cậu muốn mặc thử và giả vờ như mình là Norma, nhưng có lần cậu làm vậy và bị mẹ phát cho vào mông. Trong cái giỏ mây đó cậu thấy đồ lót của Norma có dính máu khô. Em ấy làm gì sai ư? Cậu sợ lắm. Kẻ nào làm điều đó có thể cũng đang đi tìm cậu…

Tại sao một ký ức như vậy từ thời thơ ấu lại tồn tại trong tôi mạnh mẽ đến thế, và tại sao giờ nó lại khiến tôi thấy sợ? Phải chăng là vì cảm giác của tôi về Alice?

Lúc này suy nghĩ về điều đó, tôi có thể hiểu được tại sao người ta lại dạy tôi phải tránh xa phụ nữ. Tôi đã sai khi bày tỏ cảm xúc với Alice. Tôi không có quyền suy nghĩ về phụ nữ như vậy – chưa được.

Nhưng ngay cả khi tôi viết ra những dòng này, vẫn có điều gì đó từ sâu thẳm hét lên rằng như vậy là chưa hết. Tôi là một con người. Trước khi đặt mình xuống dưới lưỡi dao mổ thì tôi là một con người. Và tôi phải yêu một ai đó.

8 tháng Năm – Ngay cả bây giờ khi tôi đã biết chuyện gì xảy ra sau lưng ông Donner thì tôi vẫn cảm thấy điều đó thật khó tin. Đầu tiên tôi nhận thấy có điều gì đó không ổn lắm trong giờ cao điểm cách đây hai ngày. Gimpy đang đứng ở quầy gói bánh sinh nhật cho một người khách quen của tiệm – chiếc bánh giá 3 đô la 95 xu. Nhưng khi Gimpy gõ giá tiền thì trên máy lại chỉ hiện 2 đô la 95 xu. Tôi bảo anh ta là có nhầm lẫn thì nhìn thấy trong tấm gương sau quầy người khách nháy mắt và mỉm cười với Gimpy và Gimpy cũng mỉm cười lại. Và khi người đó nhận lại tiền thừa, tôi nhìn thấy một đống bạc lớn lấp lánh trong tay Gimpy, trước khi anh ta kịp nắm tay lại, rồi sau đó anh ta nhanh nhẹn gạt đồng xu nửa đô la vào túi áo.

Một giọng phụ nữ cất lên bên cạnh tôi: “Charlie, có còn cái bánh nhồi kem nào như thế này nữa không?”

“ Tôi sẽ ra sau xem thử.”

Tôi lại thấy mừng khi bị xen ngang thế này, bởi vì tôi sẽ có thêm thời gian để suy nghĩ những gì mình vừa chứng kiến. Tất nhiên, Gimpy không nhầm lẫn chút nào cả. Anh ta đã cố tình tính giá thấp cho khách, và giữa họ có sự thông đồng với nhau.

Tôi dựa hờ lưng vào tường, không biết phải làm gì. Gimpy làm việc cho ông Donner hơn 15 năm nay. Lúc nào cũng coi nhân viên như bạn thân, như anh em, ông Donner đã không ít lần mời gia đình Gimpy đến nhà mình ăn tối. Ông thường giao cho Gimpy trách nhiệm trông cửa hàng mỗi khi ông phải ra ngoài, và tôi đã từng nghe chuyện về những lần ông Donner đưa tiền cho Gimpy để trả viện phí cho vợ.

Thật không thể nào tin được là có kẻ lại ăn cắp của một người tốt bụng như thế. Hẳn phải có cách giải thích khác chứ. Gimpy tính nhầm tiền hàng thật, còn đồng nửa đô la là tiền thưởng của khách. Hoặc có thể ông Donner đã có một thỏa thuận đặc biệt với ông khách này vì ông ta thường xuyên mua bánh kem ở cửa hàng. Bất cứ lý do nào cũng được, miễn là không phải nghĩ rằng Gimpy đã ăn cắp. Gimpy lúc nào cũng tử tế với tôi.

Tôi chẳng muốn biết nữa. Tôi đã cố tình không nhìn vào cuốn sổ bán hàng khi mang khay bánh kem và phân ra bánh quy, bánh sữa, bánh ngọt theo từng loại.

Nhưng khi người phụ nữ nhỏ bé tóc đỏ bước vào, bà này chuyên bẹo má tôi và trêu là sẽ tìm bạn gái cho tôi – thì tôi nhớ rằng bà ta toàn đến vào lúc ông Donner không có mặt ở tiệm còn Gimpy là người đứng quầy. Gimmy thường sai tôi đi giao bánh ở nhà bà ta.

Vô tình, đầu tôi nhẩm được bà ta mua hết tổng cộng 4 đô la 53 xu. Nhưng tôi quay đi để khỏi nhìn thấy Gimpy gõ gì vào máy tính tiền. Tôi muốn biết sự thật, nhưng tôi lại sợ điều mình phát hiện ra.

“Hai đô bốn lăm, thưa bà Wheeler,” anh ta nói.

Tiếng máy thanh toán tiền. Tiếng đếm tiền thừa. Tiếng sập của ngăn kéo. “Cảm ơn bà Wheeler.” Tôi quay lại vừa đúng lúc anh ta cho tay vào túi áo, và tôi nghe thấy tiếng tiền xu kêu lẻng xẻng.

Đã bao nhiêu lần anh ta dùng tôi làm trung gian để giao hàng cho bà ta, bao nhiêu làn anh ta tính giá thấp cho bà ta để rồi sau đó chia đôi chỗ tiền chênh lệch? Phải chăng đã bao năm nay anh ta lợi dụng tôi để giúp anh ta ăn cắp?

Tôi không thể nào rời mắt khỏi Gimpy khi anh ta tập tễnh sau quầy hàng, mồ hôi túa ra dưới chiếc mũ giấy. Trông anh ta khá năng động và tự nhiên, nhưng khi nhìn lên bắt gặp ánh mắt của tôi, anh ta cau mày và quay đi.

Tôi muốn đánh cho anh ta một trận. Tôi muốn ra sau quầy vả vào mặt anh ta. Tôi nhớ là từ trước đến giờ chưa bao giờ thù ghét ai – nhưng sáng nay thì tôi ghét Gimpy tận xương tận tủy.

Ghi ra giấy tất cả mọi điều trong cái tĩnh lặng của căn phòng cũng chẳng giúp ích được gì. Hễ cứ nghĩ đến việc Gimpy ăn cắp tiền của ông Donner là tôi lại muốn đập phá một thứ gì đấy. May mà tôi không thuộc dạng bạo lực. Suốt cuộc đời này tôi chưa bao giờ đánh một ai cả.

Nhưng tôi vẫn phải quyết định xem mình nên làm gì. Nói với ông Donner là gã nhân viên mà ông tin tưởng lại ăn cắp tiền của ông suốt bao nhiêu năm nay ư? Gimpy sẽ chối phắt đi, còn tôi thì chẳng thể nào chứng minh được. Vậy tôi phải làm gì với ông Donner đây? Tôi chẳng biết nên làm gì nữa.

9 tháng Năm – Tôi không ngủ được. Chuyện này cứ ám ảnh tôi. Tôi mang ơn ông Donner quá nhiều rồi nên không thể bàng quan đứng nhìn ông bị ăn cắp như thế. Nếu im lặng thì tôi cũng khác gì Gimpy đâu. Thế nhưng, tôi có nên tố cáo hắn hay không? Điều làm tôi khó xử nhất chính là khi sai tôi đi giao hàng, hắn đã lợi dụng tôi để tiếp tay cho hắn ăn cắp của ông Donner. Không biết thì không có tội, tôi đứng ngoài nên không tính. Nhưng giờ biết rồi, nếu tôi im lặng có nghĩa là tôi cũng đồng lõa với hắn.

Nhưng, Gimpy là đồng sự. Ba đứa con. Hắn sẽ làm gì nếu bị ông Donner đuổi việc? Có lẽ hắn cũng chẳng thể nào kiếm được việc khác – nhất là với cái chân tập tễnh như thế.

Phải chăng đây là điều tôi lo lắng?

Làm thế nào mới đúng đây? Trớ trêu là toàn bộ trí thông minh của tôi lại chẳng thể giúp tôi giải quyết được vấn đề này.

10 tháng Năm – Tôi hỏi giáo sư Nemur về chuyện này, và ông khẳng định rằng tôi vô can, chẳng có lý do gì để tôi dính líu vào một tình cảnh chẳng lấy gì làm hay ho như thế. Việc tôi bị lợi dụng làm trung gian, theo ông cũng chẳng quan trọng gì. Ông bảo nếu như tôi không biết chuyện gì xảy ra vào thời điểm đó thì chẳng sao cả. Nếu kết tội tôi thì khác gì kết tội con dao trong vụ án đâm người, hay chiếc ô tô trong vụ đụng xe cả.

Tôi cãi: “Nhưng tôi đâu phải vật vô tri vô giác. Tôi là con người.”

Ông bối rối trong giây lát rồi bật cười: “Tất nhiên rồi, Charlie. Nhưng tôi không muốn nói lúc này. Ý tôi là trước lúc phẫu thuật cơ.”

Bảnh chọe, huênh hoang – tôi thấy muốn đánh cả ông ta luôn. “Trước cuộc phẫu thuật tôi vẫn là con người. Nếu ông quên…”

“Đúng vậy, tất nhiên là vậy, Charlie. Đừng có hiểu lầm. Nhưng lúc đó khác…”

Và rồi ông nhớ rằng ông phải đi kiểm tra mấy cái bảng trong phòng thí nghiệm.

Thường thì bác sĩ Strauss không nói nhiều trong các buổi điều trị tâm lý, nhưng hôm nay khi nghe tôi kể, anh bảo rằng trên phương diện đạo đức thì tôi có nghĩa vụ phải báo cho ông Donner biết. Nhưng càng suy nghĩ thì tôi thấy vấn đề càng không đơn giản chút nào. Tôi phải tìm một người nào khác nữa để tháo gỡ mớ bòng bong này, và tôi chỉ nghĩ được duy nhất một người là Alice. Cuối cùng, đến mười giờ rưỡi thì tôi không thể nào kìm nén được nữa. Tôi gọi điện cho nàng ba lần, lần nào cũng cúp máy giữa chừng, nhưng đến lần thứ tư thì tôi cố gắng giữ cho đến lúc nàng trả lời.

Lúc đầu, nàng không muốn gặp tôi, nhưng tôi năn nỉ nàng hãy gặp tôi ở chỗ quán ăn hôm nọ nơi chúng tôi đã cùng nhau ăn tối. “Anh tôn trọng em vì em luôn cho anh lời khuyên đúng đắn.” Và khi nàng vẫn còn do dự, tôi tấn công tiếp. “Em phải giúp anh. Em có một phần trách nhiệm trong đó đấy. Nếu không phải vì em thì trước kia anh đâu có gặp phải tình huống thế này. Em không được bỏ rơi anh như vậy.”

Chắc cũng hiểu được đây là tình huống khẩn cấp nên nàng đồng ý gặp tôi. Tôi gác máy và nhìn chằm chằm vào điện thoại. Tại sao việc biết nàng nghĩ gì, cảm thấy thế nào lại quan trọng như vậy đối với tôi? Hơn một năm ở Trung tâm Người lớn, làm vừa lòng nàng là điều duy nhất có ý nghĩa. Phải chăng đây là lý do chính yếu tại sao tôi lại đồng ý tiến hành phẫu thuật.

Tôi đi tới đi lui trước cửa quán ăn cho đến khi viên cảnh sát bắt đầu nhìn tôi bằng con mắt nghi ngờ. Tôi bèn đi vào trong gọi cà phê. May thay, chiếc bàn lần trước chúng tôi ngồi vẫn còn trống. Nàng sẽ nghĩ đến việc tìm tôi ở đó.

Nàng nhìn thấy tôi và vẫy tay, nhưng trước khi đến bàn nàng ghé qua quầy mua một tách cà phê. Nàng mỉm cười và tôi biết là do tôi đã chọn lại chiếc bàn cũ. Một hành động lãng mạn, ngốc nghếch.

Tôi xin lỗi: “Anh biết là đã khuya rồi, nhưng xin thề là anh chẳng còn biết nghĩ gì nữa. Anh phải nói chuyện này với em.”

Nàng nhấp một ngụm cà phê và yên lặng lắng nghe tôi kể về việc tôi phát hiện ra Gimpy gian lận thế nào, phản ứng cá nhân tôi ra sao, và cả những lời khuyên trái ngược mà tôi nhận được ở trong phòng thí nghiệm. Khi tôi kể xong, nàng ngồi lại và lắc đầu.

“Charlie, anh làm em ngạc nhiên quá. Trên một phương diện nào đó thì anh tiến bộ rất nhiều, nhưng khi phải đưa ra quyết định thì anh vẫn là một đứa trẻ. Em không thể quyết định thay anh được, Charlie ạ. Câu trả lời không nằm trong sách vở – hay không thể giải quyết bằng cách đưa ra hỏi mọi người được. Trừ khi anh muốn suốt đời làm một đứa trẻ. Anh phải tìm kiếm câu trả lời từ trong lòng anh – hãy cảm nhận điều gì là đúng và làm theo. Charlie, anh phải học cách tin ở chính mình.”

Lúc đầu, tôi rất bực với bài thuyết giáo của nàng, nhưng đột nhiên – tôi hiểu ra điều nàng nói. “Ý em là, anh phải tự mình quyết định lấy?”

Nàng gật đầu.

Tôi nói: “Thực ra thì giờ đây, khi suy nghĩ về điều đó, anh tin rằng mình đã quyết định rồi! Anh nghĩ rằng cả Nemur và Strauss đều sai!”

Nàng nhìn tôi thật gần, háo hức. “Có điều gì đấy đang xảy ra với anh, Charlie ạ. Giá mà anh nhìn thấy được mặt anh nhỉ.”

“Em nói đúng bà cố, có điều gì đó đang xảy ra! Có đám khói che mờ mắt anh, và chỉ cần một hơi là em đã thổi được nó đi rồi. Ý kiến đơn giản lắm. Tin tưởng ở chính mình. Điều này chưa từng xảy ra với anh.”

“Charlie, anh tuyệt vời lắm.”

Tôi cầm lấy tay nàng và giữ lấy. “Không, nhờ em đấy. Em chạm vào mắt anh và giúp anh nhìn thấy mọi việc.”

Nàng đỏ mặt và rụt tay lại.

Tôi nói. “Lần trước chúng ta ở đây, anh đã bảo với em là anh thích em. Lẽ ra anh nên tự tin ở chính mình, mà nói câu anh yêu em.”

“Đừng, Charlie. Chưa được đâu.”

Chưa được?” Tôi hét lên. “Lần trước em cũng nói câu này. Tại sao lại chưa được?”

“Suỵt… Bình tĩnh đi Charlie. Hãy cứ hoàn tất việc nghiên cứu cho xong đã. Để xem người ta đưa anh đến đâu. Anh đang thay đổi quá nhanh.”

“Điều ấy thì liên quan gì cơ chứ? Tình cảm của anh dành cho em sẽ không thay đổi dù anh có thông minh hay không. Anh chỉ yêu em hơn mà thôi.”

“Nhưng anh đang thay đổi cả về mặt cảm xúc nữa. Theo một nghĩa nào đó thì em là người con gái đầu tiên anh thực sự nhận thức được – theo kiểu này. Vậy nên anh mới nghĩ rằng anh yêu em. Hãy gặp thêm nhiều cô gái khác nữa đi. Anh cần có nhiều thời gian hơn.”

“Em nói vậy có nghĩa là các cậu bé luôn đem lòng yêu cô giáo, và về mặt cảm xúc thì anh vẫn chỉ là một cậu bé mà thôi.”

“Anh cố tình hiểu sai lời em rồi. Không, em không nghĩ về anh như một cậu bé đâu.”

“Thiểu năng về mặt cảm xúc.”

“Không.”

“Vậy thì, tại sao?”

“Charlie, đừng ép em. Em không biết. Dù sao thì anh cũng đã vượt ra khỏi tầm hiểu biết của em rồi. Vài tháng, thậm chí vài tuần nữa, anh sẽ trở thành một con người khác. Khi anh đã thực sự trưởng thành về mặt nhận thức, có thể chúng ta sẽ chẳng giao tiếp nổi với nhau nữa. Khi anh trở nên trưởng thành về mặt cảm xúc, thậm chí có thể anh không còn muốn em nữa. Em cũng phải nghĩ cho bản thân mình chứ, Charlie. Hãy cứ chờ đợi xem sao đã. Kiên nhẫn đi.”

Nàng nói có lý, nhưng tôi không để cho mình lắng nghe nữa. Tôi nghẹn giọng: “Đêm hôm trước… Em không biết anh đã mong đợi đến ngày hẹn thế nào đâu. Anh như người mất trí vì không biết phải cư xử thế nào, phải nói ra làm sao, muốn tạo được ấn tượng tốt đẹp nhất, và sợ rằng mình lỡ miệng nói điều gì làm em giận.”

“Anh đâu có làm em giận. Em thích là đằng khác.”

“Vậy thì, bao giờ anh được gặp lại em?”

“Em không có quyền để anh dính vào chuyện này.”

“Nhưng anh đã dính vào rồi.” Tôi hét lên, và thấy mọi người quay lại nhìn mình, tôi hạ thấp giọng xuống đến khi nó run lên vì giận dữ. “Anh là một con người – là một người đàn ông – và anh không thể chỉ sống với mớ sách vở cùng những cuốn băng và mê cung điện tử được. Em bảo, ‘gặp những người con gái khác.’ Làm sao mà gặp được khi anh không hề biết ai cả chứ? Trong anh đang có điều gì đó thiêu đốt, và anh chỉ biết rằng nó khiến anh nghĩ về em. Anh đang ở giữa mấy trang giấy và anh nhìn thấy gương mặt em trên đó, không mờ nhạt như những gương mặt trong quá khứ mà rất rõ ràng và sống động. Anh chạm vào trang sách và gương mặt em biến mất, còn anh thì chỉ muốn xé nát cuốn sách ra và vứt đi.”

“Charlie, xin anh…”

“Hãy cho anh được gặp lại em.”

“Ngày mai ở phòng thí nghiệm.”

“Em biết ý anh không phải thế mà. Xa phòng thí nghiệm ra. Xa trường đại học ra. Một mình thôi.”

Tôi chắc là nàng cũng muốn nói vâng. Nàng sửng sốt trước thái độ kiên quyết của tôi. Tôi cũng ngạc nhiên với chính mình. Tôi chỉ biết rằng không thể nào gây áp lực với nàng được. Nhưng khi tôi năn nỉ nàng, có một nỗi kinh sợ nào đấy trong họng tôi. Lòng bàn tay tôi ướt đẫm. Vì sợ nàng từ chối, hay vì sợ nàng đồng ý? Nếu nàng không lên tiếng trả lời để phá tan sự căng thẳng đó, chắc tôi lăn ra ngất mất.

“Được rồi, Charlie. Ở xa phòng thí nghiệm và xa trường đại học, nhưng không phải một mình. Em nghĩ chúng ta không nên gặp nhau một mình.”

Tôi hổn hển: “Bất cứ chỗ nào em muốn. Chỉ cần được gặp em và không phải suy nghĩ về những bài xét nghiệm… các thống kê… những câu hỏi… câu trả lời…”

Nàng nhíu mày một lát. “Thôi được rồi. Ở công viên trung tâm có tổ chức nhạc hội mùa xuân. Tuần tới anh có thể đưa em tới đó.”

Khi chúng tôi đặt chân tới ngưỡng cửa nhà nàng, nàng nhanh nhẹn quay người lại và hôn vào má tôi. “Chúc anh ngủ ngon, Charlie. Rất vui vì anh đã gọi điện cho em. Gặp lại anh ở phòng thí nghiệm nhé.” Nàng đóng cửa và tôi đứng ngoài trời nhìn ánh đèn nhà nàng cho đến khi nó tắt.

Giờ thì chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Tôi đã yêu.

11 tháng Năm – Sau bao nhiêu suy nghĩ và lo âu, tôi nhận thấy Alice nói đúng. Tôi phải tin tưởng vào trực giác của mình. Ở tiệm bánh, tôi theo dõi Gimpy một cách sát sao hơn. Ngày hôm nay, ba lần tôi nhìn thấy hắn tính tiền gian cho khách và bỏ túi phần chênh lệch khi khách hàng trả lại tiền thừa cho hắn. Điều này chỉ xảy ra với một số khách quen nhất định, và theo tôi thì “những người này cũng chẳng tốt đẹp gì hơn hắn.” Nếu họ không đồng ý thì chuyện này chẳng thể nào xảy ra được. Vậy tại sao Gimpy lại giơ đầu chịu báng?

Đấy là khi tôi quyết định sẽ thỏa hiệp. Có thể đây không phải là quyết định chuẩn xác, nhưng nó là quyết định của riêng tôi, và có vẻ như là lời giải đáp tốt nhất cho tình cảnh này. Tôi sẽ nói với Gimpy rằng tôi đã biết hết chuyện và bảo hắn ngừng lại.

Tôi nhìn thấy hắn đứng một mình trong phòng vệ sinh, khi tôi đến gần thì hắn chuẩn bị bước đi. Tôi nói: “Tôi có chuyện quan trọng muốn nói với anh. Tôi muốn xin lời khuyên của anh về một người bạn gặp rắc rối. Người đó phát hiện ra rằng có một đồng nghiệp đang lừa gạt ông chủ, và anh ấy không biết phải làm thế nào cả. Anh ấy không muốn mách với chủ để cho anh chàng đồng nghiệp kia bị phạt, nhưng cũng không chịu khoanh tay đứng nhìn chủ bị lừa, vì ông chủ rất tốt với cả hai người.”

Gimpy nhìn tôi trân trân: “Vậy người bạn ấy của cậu định làm gì?”

“Đấy mới chính là vấn đề. Anh ấy chẳng muốn làm gì cả. Anh ấy nghĩ nếu việc trộm cắp chấm dứt thì sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra nữa cả. Anh ấy cũng sẽ quên việc đó đi.”

“Bạn cậu nên lo lấy việc của mình thì hơn.” Gimpy nói, nhấc cái chân què lên. “Anh ta nên học cách làm ngơ trước những việc như thế và biết ai là bạn của mình. Chủ bao giờ cũng là chủ, còn người làm thuê thì phải đoàn kết lại với nhau.”

“Nhưng bạn tôi không nghĩ như thế.”

“Không phải việc của anh ta.”

“Anh ấy nghĩ rằng đã biết chuyện thì mình cũng có phần trách nhiệm. Vì thế anh ấy quyết định là nếu việc này chấm dứt thì anh ấy cũng chẳng còn gì phải nói thêm nữa. Nếu không, anh ấy sẽ kể hết mọi chuyện. Tôi muốn hỏi ý kiến của anh. Anh có nghĩ rằng trong tình cảnh như thế việc trộm cắp sẽ chấm dứt không?”

Phải vất vả lắm hắn mới gắng che giấu được tức giận. Tôi có thể nhận thấy hắn rất muốn đánh tôi, nhưng hắn chỉ nắm chặt tay lại mà thôi.

“Hãy bảo với bạn cậu rằng anh ta không có sự lựa chọn nào cả.”

Tôi nói: “Được rồi. Điều này sẽ làm bạn tôi vui đấy.”

Gimpy bước đi, và rồi dừng chân, ngoái lại: “Bạn cậu – phải chăng anh ta cũng muốn được chia phần? Có phải lý do là thế không?”

“Không, anh ấy chỉ muốn mọi chuyện chấm dứt.”

Hắn lườm tôi: “Bảo cho mày biết, mày sẽ phải ân hận nếu còn nhúng mũi vào. Tao đã luôn tử tế với mày. Lẽ ra tao nên đi khám đầu mới đúng.” Và hắn tập tễnh bước đi.

Có lẽ tôi nên báo với ông Donner cho Gimpy bị đuổi việc rồi mới phải – tôi cũng chẳng biết nữa. Giải quyết theo hướng này có điều đáng nói. Vụ việc sẽ chấm dứt và được xử lý. Nhưng liệu có bao nhiêu người lợi dụng người khác như Gimpy?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.