Hoa trên mộ Algernon
Chương 20
BÁO CÁO TIẾN BỘ 16
14 tháng 7 – Hôm nay là một ngày xấu để đi thăm trại Warren – trời xám xịt và có mưa phùn – và có thể đây là lí do khiến tôi bị trầm cảm khi nghĩ đến đó. Hoặc có thể là tôi đang tự chế giễu chính mình, và cứ nghĩ đến việc bị đưa đến đó là tôi lại cảm thấy khó chịu. Tôi mượn xe của Burt. Alice muốn đi cùng, nhưng tôi phải xem nơi ấy một mình. Tôi không bảo với Fay là tôi sẽ đi.
Sau một tiếng rưỡi lái xe, tôi mới đến được khu trang trại Warren, Long Island, và chẳng khó khăn gì tôi đã tìm được nơi cần đến: một tòa nhà xám xịt trải dài, phần duy nhất tiếp xúc với thế giới là cổng ra vào được tạo thành từ hai cái cột bê tông nằm bên sườn một con đường phụ hẹp và một tấm biển đồng bóng loáng khắc dòng chữ Trường đào tạo và Trại Warren State.
Tấm biển bên đường báo 15 dặm/giờ, do vậy tôi chầm chậm chạy xe qua các khu nhà để tìm phòng hành chính.
Một chiếc máy kéo chạy qua đồng cỏ và ngoài người đàn ông còn có hai người khác đang bám đuôi ông ấy. Tôi thò đầu ra gọi to: “Văn phòng của ông Winslow ở đâu các anh nhỉ?”
Tay tài xế dừng chiếc máy kéo lại và chỉ về trước bên trái: “Bệnh viện chính. Rẽ trái xong rồi rẽ phải là tới.”
Tôi không thể nào không để ý đến người thanh niên đang bám vào tay vịn ở đuôi máy kéo vì cậu ta đang nhìn tôi. Cậu ta không cạo râu, và nụ cười có vẻ như ngớ ngẩn. Cậu đội chiếc mũ thủy thủ, vành mũ kéo xuống che mắt thật trẻ con, mặc dù trời không nắng. Tôi nhìn vào ánh mắt cậu ta một lúc – đôi mắt mở to, tò mò – nhưng tôi phải quay đi. Khi chiếc máy kéo tiếp tục chạy, tôi nhìn qua gương chiếu hậu và thấy cậu ta vẫn nhìn theo tôi một cách tò mò. Điều này khiến tôi nhớ đến Charlie.
Tôi giật mình khi thấy bác sĩ tâm lí trưởng khoa còn rất trẻ, một người cao, gầy với cái nhìn mỏi mệt trên khuôn mặt. Nhưng đôi mắt xanh kiên nghị của anh ta cho thấy đằng sau khuôn mặt trẻ trung kia là cả một nguồn sức mạnh.
Anh ta dẫn tôi đi xem một vòng trên chiếc xe của chính anh ta và giới thiệu cho tôi về khu giải trí, bệnh viện, trường học, phòng hành chính, và những ngôi nhà gạch hai tầng mà anh ta gọi là nhà an dưỡng làm chỗ ở cho bệnh nhân.
Tôi nói: “Trước đây tôi không thấy có hàng rào bao quanh Warren.”
“Không, chỉ có cái cổng ra vào và hàng rào ngăn những kẻ tò mò mà thôi.”
“ Nhưng làm sao để… họ… khỏi đi lang thang… khỏi bỏ trốn?”
Anh ta nhún vai cười. “Chúng tôi không thể, thật đấy. Một số người có đi lang thang nhưng hầu hết đều quay trở lại.”
“Anh không theo dõi họ sao?”
Anh ta nhìn tôi như thể tìm cách đoán xem có ẩn ý gì đằng sau câu hỏi của tôi. “Không. Nếu họ gặp rắc rối, chúng tôi sẽ biết sớm nhờ những người dân trong vùng – hoặc cảnh sát sẽ đưa họ về.”
“Còn nếu không?”
Nếu không nghe tin gì về họ, hoặc từ họ, chúng tôi coi như họ đã thích nghi hợp lý theo cách nào đó ở bên ngoài. Anh phải hiểu, anh Gordon ạ, rằng đây không phải là nhà tù. Bang yêu cầu chúng tôi phải cố gắng hết sức trong phạm vi cho phép để đưa họ quay lại, nhưng chúng tôi không được hỗ trợ đầy đủ để lúc nào cũng theo dõi sát sao bốn ngàn người. Những ai tìm cách trốn thoát đều thuộc loại thiểu năng nhẹ – nhưng giờ chúng tôi không nhận thêm nhiều người như thế nữa. Bây giờ chúng tôi nhận vào nhiều hơn những ca tổn thương não cần người giám sát liên tục – còn bệnh nhân thiểu năng nhẹ có thể đi lại tự do hơn, nhưng sau khoảng một tuần ở ngoài, phần lớn họ đều quay lại khi nhận ra bên ngoài chẳng có gì dành cho mình cả. Thế giới không muốn họ và họ sớm biết điều đó.”
Chúng tôi bước ra khỏi xe và đi bộ đến khu nhà an dưỡng. Bên trong, các bức tường đều ốp đá trắng, còn căn nhà thì có mùi thuốc tẩy. Hành lang tầng một dẫn tới phòng giải trí, trong đó có tầm bảy mươi lăm cậu bé ngồi khắp nơi chờ đến lúc tiếng chuông báo bữa ăn trưa vang lên. Đập ngay vào mắt tôi là một cậu bé khá to lớn đang ngồi trên chiếc ghế dũa ở góc phòng, bế một cậu bé khác, khoảng mười bốn đến mười lăm tuổi, đang cuộn mình trong tay cậu. Khi chúng tôi bước vào, tất cả đều quay ra nhìn và một số cậu bạo dạn hơn bước đến ngắm nghía tôi.
Nhìn thấy nét mặt tôi, anh ta nói: “Đừng để ý đến chúng. Chúng không đụng đến anh đâu.”
Người quản lí tầng này, một phụ nữ xinh đẹp, xương to, tay áo xắn cao, mặc chiếc tạp dề vải thô bên ngoài chiếc váy trắng hồ cứng, bước đến chỗ chúng tôi. Thắt lưng chị ta đeo một vòng chìa khóa phát ra tiếng loảng xoảng theo từng bước chân, và chỉ đến khi chị ta quay lại tôi mới thấy nửa khuôn mặt bên trái của chị ta có một vết bớt lớn màu rượu nho.
Chị ta nói: “Tôi không biết hôm nay lại có người đi cùng anh, Ray. Anh thường đưa khách đến vào thứ năm mà.”
Thelma, đây là anh Gordon, từ đại học Beekman. Anh ấy chỉ muốn tham quan và tìm hiểu một chút công việc chúng ta đang làm ở đây thôi. Tôi biết việc này sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến chị cả, Thelma. Với chị thì ngày nào cũng ổn cả.”
“Ừ,” chị ta cười lớn. “Nhưng chúng tôi thay thảm vào thứ tư nên thứ năm mùi sẽ dễ chịu hơn nhiều.”
Tôi nhận thấy chị ta tìm cách đứng bên trái tôi để giấu vết nám trên mặt. Chị dẫn tôi qua khu phòng ngủ, khu giặt là, khu vật tư, và nhà ăn – hiện đã bày biện xong và đang chờ thức ăn chuyển từ bếp trung tâm xuống. Chị luôn mỉm cười lúc nói chuyện, nét mặt và mái tóc búi cao trên đầu khiến chị trông giống như một vũ công Lautrec, có điều không bao giờ chị nhìn thẳng vào tôi. Tôi tự hỏi nếu như mình sống ở đây và được chị trông nom thì sẽ như thế nào.
Chị nói: “Mọi người trong tòa nhà này đều rất tốt. Nhưng anh biết rồi đấy. Ba trăm cậu bé – bảy mươi lăm người một tầng – thế mà chỉ có năm người chúng tôi chăm sóc. Thật chẳng dễ dàng gì mà kiểm soát được bọn họ. Nhưng ở đây còn tốt hơn chán vạn ở dưới khu an dưỡng lộn xộn kia. Nhân viên ở đấy chẳng ai trụ được lâu cả. Trẻ con thì anh chẳng cần phải bận tâm nhiều lắm, nhưng khi đã thành người lớn mà không thể tự chăm sóc được chính mình thì thật kinh khủng.”
Tôi đáp: “Có vẻ như chị là người rất tốt bụng. Các cậu bé thật may mắn khi có chị trông nom.”
Chị cười hồn hậu nhưng vẫn nhìn thẳng về phía trước, để lộ hàm răng trắng. “Chẳng tốt cũng chẳng xấu hơn người khác. Tôi rất yêu các cậu bé. Công việc không đơn giản chút nào, nhưng tôi có cảm giác được bù đắp khi nghĩ đến việc các em cần mình đến thế nào.” Nụ cười tắt một lúc. “Những đưa trẻ bình thường lớn quá sớm, không cần anh nữa… chúng bước ra đời tự lập… quên đi ai đã yêu thương và chăm sóc chúng. Nhưng những đứa trẻ ở đây cần tất cả những gì anh mang lại cho chúng – suốt cả cuộc đời.” Chị lại cười lớn, bối rối trước vẻ nghiêm túc của mình. “Công việc ở đây vất vả, nhưng ý nghĩa.”
Khi chúng tôi quay xuống lầu, nơi Winslow đang đứng chờ, tiếng chuông báo hiệu bữa tối vang lên, và các cậu bé nối đuôi nhau đi vào phòng ăn. Tôi nhận thấy cậu bé to lớn lúc nãy bế cậu bé con trong tay giờ đang dắt cậu bé đến bàn ăn.
“Trông lạ nhỉ,” tôi nói, gật đầu ra hiệu về hướng đó.
Winslow cũng gật đầu theo. “Jerry là cậu lớn, còn kia là Dusty. Ở đây chúng tôi thường xuyên thấy những chuyện như thế. Khi mọi người không có thời gian giành cho chúng, đôi lúc các em cũng đủ nhận biết để tìm mối liên hệ và tình cảm con người ở lẫn nhau.”
Trên đường trở lại trường học, khi đi qua một khu nhà an dưỡng, tôi nghe thấy tiếng hét, sau đó là tiếng rên rỉ cùng với tiếng phụ họa của vài ba giọng khác nữa. Trên cửa sổ có chấn song.
Lần đầu tiên trong buổi sáng hôm đó, Winslow tỏ ra khó chịu. Anh ta giải thích: “Nhà an ninh đặc biệt. Dành cho bệnh nhân thiểu năng rối loạn cảm xúc. Mỗi khi có cơ hội họ lại tự làm đau chính mình hoặc người khác, vì thế chúng tôi cho họ vào nhà K. Khóa suốt ngày.”
“Bệnh nhân rối loạn cảm xúc ở đây? Họ không được đưa đến bệnh viện tâm thần à?”
“Ồ, có chứ,” anh ta nói, “Nhưng kiểm soát được họ hay không lại là chuyện khác. Một số, nhất là những người mắc chứng rối loạn cảm xúc ranh giới, phải đến khi ở lại đây một thời gian rồi mới phát hiện bệnh nặng. Một số khác thì do tòa án chuyển đến, và chúng tôi chẳng có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận cho họ ở lại, mặc dù trên thực tế là chẳng còn chỗ trống và để chứa thêm nữa. Vấn đề thực sự ở đây là không còn chỗ nào cho bất cứ ai nữa. Anh có biết danh sách chờ đợi của chúng tôi dài đến thế nào không? Một ngàn bốn trăm. Thế mà đến cuối năm thì có thể chúng tôi mới có chỗ cho khoảng hai mươi lăm đến ba mươi người nữa mà thôi.”
“Số một ngàn bốn trăm người đó giờ đang ở đâu?”
“Ở nhà. Ở bên ngoài, chờ đợi đến khi chúng tôi hoặc một đơn vị nào khác mở cửa. Anh thấy đấy, vấn đề về chỗ ở của chúng tôi không như việc quá tải ở bệnh viện thông thường. Bệnh nhân của chúng tôi thường là đến và ở đến tận hết đời.”
Khi đến tòa học xá mới xây, ngôi nhà một tầng xây bằng bê tông và kính với những cửa sổ tranh kính lớn, tôi thử tưởng tượng xem cảm giác của mình thế nào khi làm một bệnh nhân bước qua những hành lang đó. Tôi hình dung thấy mình giữa hàng người, lớn có bé có, chờ đợi để vào lớp. Có lẽ tôi sẽ ở trong số những người đang đẩy một cậu bé khác ngồi trên xe lăn, hoặc nắm tay dắt người khác, hoặc đang bế một cậu bé nhỏ tuổi hơn trên tay mình.
Tại một lớp học nghề mộc, nhóm thiếu niên lớn đang làm những chiếc ghế dài dưới sự giám sát của thầy giáo. Họ vây lấy chúng tôi và nhìn tôi với ánh mắt tò mò. Thầy giáo bỏ cưa xuống và bước về phía chúng tôi.
Winslow nói: “Đây là ông Gordon đến từ đại học Beekman. Muốn thăm một số bệnh nhân của chúng ta. Ông ấy đang định mua nơi này.”
Người thầy giáo cười và vẫy đám học sinh. “Vậy, nếu m-mua chỗ này, ông sẽ ph-phải nhận cả ch-chúng ta. Và ông ấy sẽ phải kiếm gỗ cho ch-chúng ta l-làm.”
Lúc anh ta dẫn tôi đi thăm xưởng, tôi nhận thấy các cậu bé yên lặng một cách lạ lùng. Các em tiếp tục công việc đánh bóng hoặc quét véc-ni những chiếc ghế mới làm xong, nhưng không nói câu nào.
Như thể cảm nhận được thắc mắc mà tôi chưa kịp nói ra, anh ta nói: “Anh biết đấy, c-các em kh-không nói được.Trẻ c-câm đ-điếc.”
Winslow giải thích: “Chúng tôi có một trăm lẻ sáu em như thế, cho chương trình nghiên cứu đặc biệt mà chính quyền liên bang tài trợ.”
Thật không thể tin được! Các em thiệt thòi hơn người khác bao nhiêu. Chậm phát triển trí tuệ, điếc, câm – vậy mà vẫn hăm hở đánh bóng ghế.
Một câu bé đang dùng ngàm bó chặt một khối gỗ bỗng dừng lại, vỗ vào tay Winslow và chỉ về phía góc nhà, nơi một số thành phẩm đang được phơi khô trên giá trưng bày. Cậu bé chỉ tiếp vào cái chân đèn trên chiếc giá thứ hai, sau đó tự chỉ vào mình. Sản phẩm đó thật tệ, lỏng lẻo, các miếng keo dán mặt gỗ nhìn thủng lỗ chỗ, còn lớp vec-ni thì đánh vụng và không đều tay. Winslow cùng thầy giáo hết lời khen ngợi, còn cậu bé thì mỉm cười một cách tự hào và nhìn tôi, chờ đợi lời khen của tôi.
“Tốt,” tôi gật đầu, miệng thốt ra những lời cường điệu, “rất tốt… rất đẹp”. Tôi nói vì cậu bé cần được nghe những lời như thế, nhưng trong lòng tôi thấy trống rỗng. Cậu bé cười với tôi, và khi chúng tôi quay người ra về, cậu chạy tới và chạm vào tay tôi như chào tạm biệt. Điều này làm tôi thấy nghẹn ngào, và phải khó khăn lắm tôi mới kiềm chế được cảm xúc bản thân cho đến khi chúng tôi quay trở lại hành lang.
Hiệu trưởng là một phụ nữ thấp, mập, có dáng dấp của một bà mẹ. Bà mời tôi ngồi xuống trước một tấm bảng viết thẳng tăm tắp, ghi thông tin về các nhóm bệnh nhân, số phòng ban phân công cho từng loại, và những đề tài mà họ đã nghiên cứu.
“Tất nhiên là,” bà giải thích, “chúng tôi không còn nhận thêm nhiều bệnh nhân I.Q. cao hơn nữa. Những người có chỉ số I.Q. từ sáu mươi đến bảy mươi ngày càng được chăm sóc nhiều hơn tại lớp đặc biệt của các trường học trong thành phố, hoặc nếu không thì cũng có những cơ sở cộng đồng lo cho họ. Hầu hết những trường hợp chúng tôi nhận đều có thể tự sống được, ở nhà an dưỡng hay trường nội trú, và làm những công việc đơn giản trong nông trại hoặc bộ phận phục vụ ở nhà máy hay xưởng giặt…”
“Hoặc ở tiệm bánh,” tôi đề xuất.
Bà nhướng mày: “Vâng, tôi nghĩ rằng họ có thể làm được việc đó. Bây giờ chúng tôi cũng phân loại trẻ em (tôi gọi tất cả trẻ em là trẻ em, bất kể bao nhiêu tuổi thì ở đây các em đều là trẻ em hết), chúng tôi phân loại theo minh mẫn hay không minh mẫn. Nếu được phân chia đúng cấp độ, việc quản lý tòa nhà các em ở sẽ đơn giản hơn. Một số em thuộc nhóm không minh mẫn bị tổn thương nặng ở não, phải nhốt vào cũi, và chúng tôi buộc phải chăm các em theo cách đó đến hết đời…”
“Hoặc đến khi khoa học tìm ra cách giúp đỡ các em.”
“Ồ”. Bà mỉm cười, thận trọng giải thích với tôi. “Tôi e rằng các em này hết thuốc chữa rồi”.
“Chẳng có ai là hết thuốc chữa cả”.
Bà ta liếc tôi, vẻ ngờ vực: “Vâng, vâng, tất nhiên, anh nói đúng. Chúng ta phải có hy vọng chứ”.
Tôi khiến bà ta lo lắng. Tôi tự mỉm cười khi nghĩ đến cảnh không biết sẽ thế nào nếu người ta đưa tôi trở lại đây gia nhập quân đội trẻ em của bà ta. Tôi có thuộc nhóm minh mẫn không nhỉ?
Quay trở lại phòng làm việc của Winslow, chúng tôi uống cà phê và nghe anh ta nói về công việc. “Ở đây khá tốt. Chúng tôi không có bác sĩ tâm thần trong biên chế – chỉ có một nhân viên tư vấn ở ngoài cứ hai tuần lại vào đây một lần. Nhưng như vậy cũng tốt rồi. Mọi người ở khoa tâm lý đều rất tận tụy. Tôi đủ tiền tuyển được một bác sĩ tâm thần, nhưng với cái giá đó tôi có thể thuê được hai nhân viên tâm lý không ngần ngại xả thân cho bệnh nhân ở đây”.
“Anh nói xả thân là có nghĩa gì?”
Anh ta soi xét tôi một lúc, và rồi trong cái vẻ mệt mỏi đó lóe lên một tia giận dữ.
“Có rất nhiều người sẵn sàng cho tiền và vật chất, nhưng ít người đóng góp thời gian và tình thương. Đấy là điều tôi muốn nói.” Giọng anh ta trở nên khó chịu, và anh ta chỉ vào một cái bình sữa rỗng cho trẻ con bú trên giá sách kê ngang phòng.
“Anh nhìn thấy cái bình kia không?”
Tôi nói tôi đã thắc mắc về nó ngay từ lúc vừa đặt chân vào phòng anh ta.
“Anh biết được bao nhiêu người sẵn sàng bế một người trưởng thành trong tay và nuôi anh ta bằng cái bình sữa này? Và chấp nhận bị bệnh nhân đái ỉa khắp người? Anh có vẻ ngạc nhiên nhỉ. Anh không hiểu đâu, đúng không, khi đứng cao chót vót trên tháp ngà nghiên cứu của anh? Anh biết gì về việc không được tham gia cuộc sống bình thường như bệnh nhân của chúng tôi đang phải chịu?”
Tôi không thể nào nín được cười, rõ ràng là anh ta hiểu lầm, bởi vì anh ta đứng dậy và đột ngột chấm dứt câu chuyện. Nếu tôi quay lại và ở đây, anh ta biết được mọi chuyện, tôi chắc là anh ta sẽ hiểu. Anh ta thuộc mẫu người như vậy.
Khi lái xe ra khỏi Warren, tôi không biết phải suy nghĩ thế nào. Cảm giác u ám lạnh lẽo hiện hữu khắp nơi quanh tôi – cảm giác buông xuôi. Không ai nói gì về việc phục hồi chức năng, chữa trị, về một ngày nào đó đưa bệnh nhân trở lại với thế giới bên ngoài. Không ai nói gì về hy vọng. Đấy là cảm giác sống mà như chết – hoặc tồi tệ hơn, là chưa bao giờ được sống và nhận biết một cách đầy đủ. Ngay từ đầu các linh hồn đã tàn tạ, và ngày nào cũng chịu cảnh phải nhìn chăm chăm vào thời gian lẫn không gian.
Tôi thắc mắc về cô trông trẻ có gương mặt mang vết bớt màu đỏ, về người thầy giáo cà lăm của cửa hàng đồ gỗ, về bà hiệu trưởng có dáng dấp của một người mẹ, và về nhà tâm lý học trẻ tuổi trông mệt mỏi, và tôi ước sao mình có thể biết được làm thế nào mà họ lại lặn lội tìm đến đây để làm việc và cống hiến cho những bộ óc câm lặng này. Giống như cậu bé bế một cậu bé khác trong tay, mỗi người đều thấy thỏa mãn khi xả thân cho những người thiệt thòi hơn.
Vậy sao còn những điều mà tôi được chứng kiến thì sao?
Có thể tôi sẽ sớm trở lại Warren, sống nốt phần còn lại của cuộc đời ở đó… chờ đợi.
15 tháng Bảy – Tôi vừa hoãn việc đi thăm mẹ. Tôi vừa muốn vừa không muốn gặp bà. Ít nhất là đến chừng nào tôi biết chắc chắn điều gì đang xảy ra với mình. Trước hết phải xem công việc tiến triển đến đâu và tôi phát hiện được gì đã.
Algernon không chịu chạy trong mê cung nữa; hoạt động chung đã giảm xuống. Hôm nay tôi lại dành thêm một ngày nữa để theo dõi nó, và lần này Strauss cũng có mặt. Cả anh ta và Nemur đều tỏ ra bối rối khi xem Burt ép nó ăn. Thật lạ khi chứng kiến một mớ lông trắng bị buộc chặt xuống gầm bàn còn Burt thì đẩy thức ăn vào cổ họng nó bằng một lọ thuốc nhỏ mắt.
Nếu nó cứ tiếp tục thế này, họ sẽ phải tiêm để đưa thức ăn vào cơ thể cho nó. Chiều nay, nhìn Algernon giãy giụa dưới những sợi dây đai nhỏ xíu, tôi có cảm giác như chúng thít chặt vào chính chân tay tôi. Tôi bắt đầu nôn ọe và nghẹn thở, vì thế tôi buộc phải chạy ra khỏi phòng thí nghiệm để hít thở khí trời. Tôi đành phải ngừng đồng cảm với nó.
Tôi xuống quán bar Muray và uống mấy ly. Sau đó, tôi gọi cho Fay và chúng tôi đi dạo cùng nhau. Fay bực mình vì tôi không đưa cô đi nhảy nữa, vì thế nên đêm qua cô giận và đi một mình. Cô không biết gì về công việc của tôi và cũng chẳng quan tâm, vì thế nên khi tôi thử nói về công việc thì cô không hề có ý định che giấu vẻ chán ngán. Cô chẳng bận tâm, còn tôi thì cũng không thể trách cô được. Cô chỉ quan tâm đến ba thứ tôi có thể thấy được: khiêu vũ, hội họa, và tình dục. Và thực sự điểm chung nhất giữa chúng tôi là tình dục. Tôi thật ngớ ngẩn khi tìm cách bắt cô quan tâm đến công việc của mình. Vì vậy nên cô mới đi khiêu vũ mà không có tôi. Cô kể đêm hôm trước cô nằm mơ thấy cô vào nhà tôi và châm lửa đốt toàn bộ sách vở tài liệu của tôi, sau đó chúng tôi khiêu vũ quanh đám lửa. Tôi cần phải đề phòng. Cô đang trở nên ích kỉ. Tối hôm nay tôi vừa nhận ra rằng nhà tôi cũng đang bắt đầu giống với nhà cô – một đống hổ lốn. Tôi phải bớt uống đi mới được.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.