Đang lù lù hiện ra.
Đó là ý nghĩ xuất hiện trong tâm trí Amelia Sachs lúc cô ra khỏi chiếc Torino Cobra tại bãi đỗ xe của Liên hợp Điện lực và Chiếu sáng Algonquin, ở khu Astoria, quận Queens. Liên hợp này trải suốt mấy khối phố nhưng nó được neo lại bởi một tòa nhà kiến trúc phức tạp, gồm những tấm bê tông vững chãi màu đỏ và xám, cao vút lên tới sáu mươi mét. Tòa nhà đồ sộ làm cho các nhân viên đang rời khỏi công ty lúc cuối ngày trông bé tí tẹo, họ đi qua những khung cửa tựa như cửa nhà búp bê trổ trên những bức tường liên hoàn.
Đường ống chạy từ tòa nhà ra ở hàng chục vị trí và, đúng như cô đã nghĩ, dây điện có ở khắp mọi nơi, mà chỉ gọi là “dây điện” thôi thì không hoàn toàn phù hợp. Đó là những sợi cáp cứng, dày, một số bọc vật liệu cách điện, một số để trần, màu xám bạc, óng ánh dưới những ngọn đèn an ninh. Chúng ắt đã đưa hàng trăm nghìn volt từ trung tâm tòa nhà qua một loạt thiết bị kim loại và, cô đồ rằng đó là các thiết bị bằng gốm hoặc được bọc vật liệu cách điện khác, vào các hệ thống tháp, cột và giàn còn phức tạp hơn. Chúng chia ra và chạy theo những hướng khác nhau, giống như xương tỏa từ cánh tay xương bàn tay, rồi xuống ngón tay vậy.
Ngả đầu về phía sau, Sachs trông thấy cao phía trên đầu cô là bốn tháp ống khói, cũng màu đỏ đầy bụi bẩn và xám xịt bồ hóng, nhấp nháy những ngọn đèn cảnh báo trong bóng tối nhập nhoạng. Tất nhiên, cô biết các ống khói này từ hàng năm nay rồi, không ai từng ở New York thậm chí chỉ một lần lại không biết tới chúng, đặc điểm nổi bật của nền công nghiệp phải chăng bên bờ sông Đông. Nhưng cô chưa bao giờ tới gần như thế này và bây giờ chúng đang thu hút cô, vươn thẳng lên bầu trời xám xịt. Cô nhớ rằng, vào mùa đông, mình đã từng trông thấy khói hay hơi nước bốc lên, còn bây giờ chỉ có những làn hơi nóng và khí vô hình, làm rung rinh nền trời phẳng lặng.
Sachs nghe thấy những giọng nói và nhìn qua bãi đỗ xe, nhận ra chừng năm mươi người biểu tình đang đứng tụ tập thành đám đông. Họ giương cao áp phích và hô các khẩu hiệu ôn hòa, có lẽ là phàn nàn về công ty điện lực ngốn dầu như ngốn nước lã. Họ không để ý rằng cô đã đến đây bằng chiếc xe ngốn thứ vàng đen ấy gấp năm lần những chiếc Prius của họ.
Phía dưới chân, cô nghĩ mình cảm thấy được sự rung chuyển ầm ầm như có chiếc đầu máy khổng lồ của thế kỷ XIX đang chạy qua. Và nghe thấy cả tiếng rền trầm trầm.
Sachs đóng cửa xe và tiến đến cổng chính. Hai nhân viên bảo vệ quan sát cô. Rõ ràng họ tò mò về cô gái cao ráo tóc đỏ, về việc cô tới trong chiếc xe cũ kỹ màu đỏ khỏe khoắn, nhưng xem chừng họ cũng thấy buồn cười vì phản ứng của cô trước tòa nhà. Nét mặt họ nói, Phải rồi, thực sự ấn tượng đấy, đúng không? Sau bao nhiêu năm cô chưa từng đi ngang qua.
Rồi, sau khi Sachs chìa thẻ, chìa phù hiệu, nét mặt họ trở nên cảnh giác và – rõ ràng đang chờ đợi một cảnh sát, tuy chẳng phải với dáng dấp như thế này – họ ngay lập tức đưa cô đi qua các hành lang của khu vực đầu não điều hành Liên hợp Algonquin.
Không giống tòa văn phòng choáng ngợp ở khu Midtown của một công ty khai thác dữ liệu lớn liên quan đến vụ án cô mới giải quyết, Algonquin trông có vẻ như một bức họa trong bảo tàng về đời sống những năm 1950: thảm màu nâu, đồ gỗ màu vàng, những bức ảnh màu mè lòe loẹt lồng khung chụp nhà máy và tháp truyền tải điện. Trang phục của nhân viên – gần như tất cả là nam giới – cực kỳ bảo thủ: sơ mi trắng, com lê tối màu.
Họ tiếp tục đi xuôi dãy hành lang tẻ nhạt, được trang trí bộ ảnh chụp các tạp chí có đăng bài về Algonquin. Kỷ nguyên điện Truyền tải điện nguyệt san. Lưới điện.
Lúc bấy giờ đã gần sáu rưỡi, tuy nhiên vẫn còn hàng chục nhân viên ở đây, cà vạt nới lỏng, tay áo xắn lên, nét mặt đầy lo lắng.
Người bảo vệ đưa Sachs tới văn phòng của A. R. Jessen nằm ở cuối hành lang. Mặc dù rất hối hả – lúc lái xe trên đường cao tốc, Sachs đã lái với tốc độ xấp xỉ một trăm mười km/giờ – cô vẫn kịp tìm hiểu được một chút. Jessen không phải tên là Andy, mà là Audi, cách gọi thân mật cho Andrea. Sachs luôn có ý thức làm bài tập ở nhà như thế, tìm hiểu hết mức có thể về những người đứng đầu. Việc này giúp duy trì sự tự tin trong các cuộc phỏng vấn và thẩm vấn. Ron mặc định vị CEO là đàn ông. Cô hình dung mức độ tin cậy đối với cô sẽ bị giảm xuống thế nào nếu cô đến đây hỏi ngài Jessen.
Ở bên trong, ngay khi vừa bước qua khung cửa mở vào gian ngoài của văn phòng, Sachs liền dừng lại. Một thư ký, hay trợ lý riêng gì đó, mặc chiếc áo sát nách bó màu đen và đi đôi giày cao gót dốc đứng, kiễng trên mũi chân chênh vênh lục tìm trong ngăn tủ hồ sơ. Người phụ nữ tóc vàng, Sachs đoán chừng khoảng bốn mươi tuổi, cau mày thất vọng vì không tìm thấy thứ sếp chị ta muốn tìm.
Đứng ở ngưỡng cửa mở vào gian chính là một phụ nữ bệ vệ tóc muối tiêu, mặc bộ vét màu nâu giản dị, áo cánh cao cổ. Bà ta cau mày quan sát cuộc đào bới tủ hồ sơ và khoanh tay trước ngực.
“Tôi là Thám tử Sachs, tôi đã gọi điện trước.” Cô nói khi người phụ nữ nghiêm nghị nhìn sang mình.
Đúng lúc ấy, người phụ nữ ít tuổi hơn rút ra một bìa kẹp hồ sơ từ trong ngăn tủ và đưa nó cho người phụ nữ nhiều tuổi hơn, rồi nói, “Tôi tìm thấy rồi, Rachel. Lỗi tại tôi, tôi đã sắp xếp nó khi bà đi ăn trưa. Rất cảm ơn nếu bà có thể chụp nó thành năm bản.”
“Vâng, thưa cô Jessen.” Người phụ nữ nhiều tuổi hơn đáp. Rồi bước tới máy photocopy.
Nữ CEO sải bước tới trên đôi giày cao gót đầy bất trắc, ngước nhìn thẳng vào mắt Sachs và dành cho cô cái bắt tay thật chặt. “Vào đi, Thám tử.” Chị ta nói. “Xem ra là chúng ta có nhiều điều để trao đổi với nhau đây!”
Sachs liếc về phía người trợ lý mặc bộ vét màu nâu và đi theo Andi Jessen đích thực vào văn phòng của chị ta.
Biết bao nhiêu thông tin phải nghiên cứu trước, cô rầu rĩ nghĩ thầm.