Lưới Điện Tử Thần

CHƯƠNG 35



Amelia Sachs đang làm công việc mà cô làm tốt nhất.
Có thể cũng chẳng phải tốt nhất.
Nhưng là công việc cô yêu thích nhất. Công việc khiến cô cảm thấy tràn đầy sức sống nhất.
Lái xe.
Bắt khối kim loại hoạt động hết sức mình, lao vun vút dọc các con phố dường như là các tuyến đường bất khả, ngắm nghía cảnh giao thông đông đúc người và xe. Len lỏi, phanh kin kít. Khi cho xe phóng nhanh, không phải là người ta đi từ từ, cũng không phải là người ta nhảy múa, mà người ta chạy rầm rầm, chạy sầm sập, xóc nảy lên bần bật, va xuống ầm ầm.
Những chiếc xe này được gọi là xe “cơ bắp” cũng có lý do của nó.
Mẩu Ford 1970 428 Torino Cobra, thừa hưởng thiết kế của mẫu Fairlane, công suất bốn trăm linh năm mã lực. Tất nhiên, Sachs có thể sử dụng hộp số bốn cấp khi cô cần chạy với tốc độ lớn. Chiếc xe chắc chắn và bám đường, nếu không vận hành đúng cách sẽ hay phải sửa chữa, có thể bao gồm cả việc thay bánh răng hộp số. Nó khác những chiếc xe hộp số sáu cấp khoan dung dành cho những doanh nhân ở tuổi khủng hoảng nửa đời người, không lúc nào rời tai nghe Bluetooth và đầu đầy ắp các cuộc hẹn ăn tối.
Chiếc Cobra kêu ro ro, gầm gừ, rít lên the thé, nó có rất nhiều giọng.
Sachs cảm thấy căng thẳng. Cô nhấn còi, nhưng trước khi làn sóng âm thanh kịp tới tai người lái xe lười biếng đang định chuyển làn mà chẳng thèm ngó nghiêng gì thì cô đã vượt anh ta.
Sachs thừa nhận cô nhớ chiếc xe gần đây nhất của mình, một chiếc Chevy Camaro ss, chiếc xe cô và cha cô đã cùng nhau sửa chữa, nâng cấp. Nó trở thành nạn nhân của thủ phạm một vụ án cô mới tham gia giải quyết. Nhưng cha cô từng nhắc nhở cô rằng việc đặt con người mình quá nhiều vào một chiếc xe là điều không nên. Nó là một phần con người ta, tuy nhiên nó chẳng phải là con người ta. Và nó chẳng phải đứa con của ta hay người bạn thân thiết của ta. Trục khuỷu, bánh xe, xi lanh, trống phanh, các chi tiết điện tử phức tạp, chúng có thể trở nên thờ ơ, uể oải, chơi ta không biết đâu mà lường. Chúng có thể phản bội và hại chết ta, nếu nghĩ cái khối thép, nhựa, đồng đỏ và nhôm đó biết quan tâm đến ta, thì ta đã nhầm.
Amie, một chiếc xe chỉ có thứ tâm hồn mà con đặt vào nó. Không hơn không kém. Đừng bao giờ quên điều đấy con ạ.
Bởi vậy, ừ, cô đã, và sẽ luôn luôn, nuối tiếc vì mất chiếc Camaro. Nhưng hiện tại cô đang lái một chiếc xe ngon nghẻ, phù hợp với cô. Và được trang trí hơi cọc cạch bằng logo của chiếc Camaro. Đó coi như là quà Pammy tặng, cô bé đã kính cẩn gỡ nó ra từ xác chiếc Chevy để Sachs gắn lên chiếc Ford.
Đạp phanh khi tới trước ngã tư, cùng lúc đạp cả phanh lẫn ga để trả số khi xe đang chạy với tốc độ cao, nhìn bên trái, nhìn bên phải, nhả côn, lại lao vút đi ngay. Công tơ mét chỉ năm mươi dặm. Rồi sáu mươi, bảy mươi. Đèn hiệu màu xanh lơ trên bảng đồng hồ, mà cô thậm chí hầu như chưa bao giờ trông thấy, nhấp nháy tựa trái tim co bóp gấp gáp.
Sachs lúc này ở trên cao tốc Bờ tây sông Hudson, tức tuyến 9A, đã bỏ lại phía sau đoạn đại lộ Henry Hudson chuyển thành cao tốc Bờ tây sông Hudson vài dặm. Xuôi theo hướng nam, cô phóng vùn vụt qua những khung cảnh quen thuộc, đường băng lên thẳng, Công viên Sông Hudson, những bến thuyền buồm, lối vào chằng chịt trước đường hầm Holland. Rồi khi các văn phòng của khu trung tâm tài chính xuất hiện bên tay phải, cô lướt xe qua công trường xây dựng khổng lồ, nơi từng sừng sững hai tòa tháp đôi, và thậm chí trong thời điểm điên cuồng này vẫn ý thức được rằng nếu ở đâu mà sự trống trải có thể hắt bóng xuống thì chính là ở đây.
Một cú trượt bánh có kiểm soát đưa chiếc Cobra ngoặt sang Bettery Place, và Sachs lao vèo về phía đông, đi vào những con phố như mê cung của Hạ Manhattan.
Cô đang đeo tai nghe, một tiếng cách làm gián đoạn sự tập trung của cô khi cô vừa trượt xe vèo qua hai chiếc taxi và kịp nhận ra nét mặt bàng hoàng bên dưới vành khăn xếp đội đầu của tay tài xế người Sikh.
“Sachs!”
“Gì vậy, Rhyme?”
“Em đến đâu rồi?”
“Sắp sửa đến đấy rồi.”
Sachs mài mòn tất cả bốn bánh xe khi cô thực hiện một cú xoay chín mươi độ chen chiếc Ford vào giữa vỉa hè và những chiếc xe khác, một kim không bao giờ chỉ dưới con số 45, còn kim kia không bao giờ chỉ dưới con số 5.000.
Cô đang nhằm hướng phố WhiteWall. Phố này nằm gần phố Stone. Rhyme đã trao đổi với Charlie Sommers, và đạt được những kết quả bất ngờ. Người phụ trách bộ phận các Dự án Đặc biệt phán đoán rằng Galt có lẽ sẽ thử một cái gì đó khác, không phải một vụ nổ hồ quang. Sommers cuộc là Galt sẽ chỉ cho một khu vực công cộng nhiễm điện, mạnh đủ để sát hại người qua lại. Gã sẽ biến họ trở thành một phần của mạch điện, khiến dòng điện chạy qua cơ thể họ bằng cách nào đấy. Theo Sommers, như thế dễ dàng hơn, hiệu quả hơn, lại chỉ cần điện áp thấp hơn rất nhiều.
Rhyme đã kết luận rằng đám cháy tại trạm điện khu Uptown là chiêu đánh lạc hướng, để họ không tập trung chú ý vào địa điểm tấn công thực sự của Galt: chắc hẳn ở khu Downtown. Anh đã xem xét danh sách các triển lãm liên quan đến dung nham và núi lửa, tìm thấy một triển lãm cách xa khu Harlem nhất, nơi tất cả mọi người đang dồn ánh mắt vào: Trường cao đẳng cộng đồng Amsterdam. Nó là trường chuyên đào tạo kỹ năng văn phòng và cấp bằng cao đẳng cho các ngành nghề kinh doanh. Nhưng khoa nghệ thuật tự do đang tổ chức triển lãm về quá trình hình thành địa chất, bao gồm cả triển lãm về núi lửa.
“Em đây, Rhyme.” Sachs phanh kít chiếc Torino phía trước ngôi trường, để lại hai vệt bánh xe như hai cái đuôi màu đen trên nền đường trải nhựa màu xám. Cô ra khỏi xe khi khói bốc lên từ hốc lốp chưa tan hết. Mùi khét khiến cô rùng mình nhớ tới trạm MH-10 của Algonquin… Và tuy cô cố gắng lảng tránh, nhưng hình ảnh những chấm tròn nửa đen nửa đỏ trên thân thể Luis Martin vẫn quay lại. Khi cô rảo bước về phía cổng trường, có một lần cô cảm thấy biết ơn cơn đau khớp dội lên ở đầu gối, nó phần nào đã làm cô phân tán tư tưởng khỏi ký ức rất không dễ chịu.
“Em đang quan sát chỗ này, Rhyme. Nó lớn. Lớn hơn em tưởng.” Sachs sẽ không khám nghiệm hiện trường nên cô không sử dụng liên kết video.
“Em còn mười tám phút trước khi thời hạn kết thúc.”
Cô quét ánh mắt qua ngôi trường cao sáu tầng mà các giáo sư, sinh viên và nhân viên đang vội vã rời khỏi, với nét mặt lo lắng. Tucker McDaniel và Lon Setllitto đã quyết định sơ tán địa điểm này. Mọi người hấp tấp đi ra, ôm lấy ví tiền, máy tính, sách vở, di chuyển ra xa tòa nhà. Khi đi ra, hầu như mỗi người đều có một lúc ngẩng nhìn lên trên trời.
Luôn luôn là như vậy, trong cái thế giới hậu 11/9 ngẩng nhìn lên trên trời.
Một chiếc xe nữa xuất hiện, và một phụ nữ mặc bộ vét tối màu bước xuống xe. Đó là một thám tử đồng nghiệp, Nancy Simpson. Chị ta đi nhanh tới chỗ Sachs.
“Chúng ta có thông tin gì rồi, Amelia?”
“Chúng tôi cho rằng Galt đã giăng cái bẫy nào đó trong trường. Chúng tôi chưa biết cụ thể là gì. Tôi sẽ vào tìm kiếm. Chị có thể phỏng vấn họ được không?” Sachs hất đầu về phía những người đang được gấp rút sơ tán. “Xem có ai trước đó đã bắt gặp Galt không. Chị mang theo ảnh hắn chứ?”
“Trong PDA của tôi đây.”
Sachs gật đầu và quay sang nhìn phía trước ngôi trường lần nữa, không chắc chắn nên tiếp tục ra sao, nhớ lại những gì Sommers đã nói. Cô biết những vị trí hay được đặt bom, những vị trí mà một tay súng bắn tỉa có thể phục kích. Nhưng mối đe dọa từ điện sẽ xuất hiện ở bất cứ chỗ nào.
Cô hỏi Rhyme, “Chính xác Charlie bảo Galt có thể đã bố trí cái bẫy như thế nào?”
“Cách hiệu quả nhất là sử dụng nạn nhân làm một thứ công tắc. Hắn sẽ đấu dây nóng với tay nắm cửa hay lan can cầu thang, và đấu dây nguội với sàn nhà. Hoặc sàn nhà hoàn toàn có thể trở thành điểm nối đất tự nhiên nếu nó bị ướt. Trước khi nạn nhân sờ vào tay nắm cửa hay lan can cầu thang, mạch điện là mạch hở. Khi nạn nhân sờ vào rồi, mạch điện sẽ khép kín, dòng điện sẽ chạy qua cơ thể. Một cách khác là làm sao cho người ta sờ cả hai tay vào dây nóng. Sẽ có dòng điện đủ mạnh chạy qua lồng ngực khiến tim ngừng đập vĩnh viễn. Nhưng cách ấy không hiệu quả bằng.”
Hiệu quả… một từ ngữ đáng sợ khi sử dụng trong những hoàn cảnh như thế này.
Còi hụ nổi lên đằng sau Sachs. Cứu hỏa, Đơn vị Phản ứng nhanh Sở Cảnh sát New York và nhân viên y tế bắt đầu tới.
Cô vẫy tay chào Bo Haumann, người phụ trách Đơn vị Phản ứng nhanh, một cựu trung úy huấn luyện rắn rỏi, tóc hoa râm. Ông ta gật đầu chào lại, sau đó bắt đầu triển khai quân của mình giúp đỡ mọi người sơ tán đến địa điểm an toàn, hình thành những nhóm tác chiến, lục soát khắp khu vực tìm kiếm Raymond Galt và bất cứ kẻ tòng phạm nào.
Lưỡng lự, rồi đẩy ô kính trên cánh cửa chứ không sờ vào tay nắm kim loại, Sachs bước vào sảnh chính của ngôi trường, ngược chiều với đám đông. Cô muốn hét to lên bảo mọi người đừng sờ vào bất cứ vật gì bằng kim loại, nhưng sợ rằng làm thế sẽ khiến mọi người đâm hoang mang, nhỡ vì xô đẩy nhau mà dẫn đến thương vong. Hơn nữa, họ vẫn còn mười lăm phút nữa.
Bên trong, có vô số các chi nết kim loại, lan can, bậc cầu thang, nắm đấm cửa, tấm ốp sàn. Nhưng chẳng hiển hiện dấu vết nào về việc chúng bị hay không bị đấu với dây điện.
“Em không biết, Rhyme.” Sachs nói thiếu chắc chắn. “Tất nhiên là có kim loại. Nhưng phần lớn diện tích sàn được trải thảm hoặc trải vải nhựa. Những chất liệu đó dẫn điện kém.”
Hắn sẽ nhen một ngọn lửa và đốt cháy ngôi trường chăng?
Mười ba phút.
“Tiếp tục tìm kiếm đi, Sachs.”
Cô cố gắng sử dụng thiết bị phát hiện điện áp không cần tiếp xúc của Charlie Sommers, thi thoảng nó có hiển thị điện áp nhưng cũng chỉ là mức điện áp dân dụng. Và nguồn điện không ở các chỗ dễ dàng gây thương vong nhất.
Qua một ô cửa sổ, cô bắt gặp ánh đèn màu vàng nhấp nháy, nó là chiếc xe tải của liên hợp Algonquin, thành xe gắn tấm biển đề: Bảo dưỡng khẩn cấp. Cô nhận ra hai trong số bốn người ngồi trên xe: Bernie Wahl, giám đốc anninh, và Bob Cavanaugh, phó chủ tịch điều hành công việc hằng ngày. Họ chạy về phía một nhóm sĩ quan, trong đó có Nancy Simpson.
Chính lúc Sachs đang quan sát ba người này qua ô kính cửa sổ thì cô để ý thấy bên cạnh ngôi trường là cái gì. Một công trường xây dựng nơi công nhân hoàn thiện một tòa nhà cao ngất ngưởng. Họ đang làm việc với các chi tiếtbằng sắt thép, thép bu lông và hàn rầm.
Cô ngoảnh lại phía sảnh trường, nhưng bất chợt cảm thấy như bị một nhát búa giáng vào đầu. Cô lảo đảo quay người, nhìn trân trối sang công trường xây dựng.
Kim loại. Toàn bộ tòa nhà là kim loại.
“Rhyme.” Sachs cất giọng khe khẽ. “Em không nghĩ ngôi trường này là mục tiêu”.
“Em muốn nói gì?”
Cô giải thích.
“Thép… Chắc chắn rồi, Sachs, có lý lắm. Cố gắng đưa công nhân xuống đi. Anh sẽ gọi cho Lon và bảo anh ấy phối hợp với Đơn vị Phán ứng nhanh.”
Cô xô cho cánh cửa mở ra, chạy về phía gian nhà lưu động được sử dụng làm văn phòng tổng công trình sư của tòa nhà đang xây. Cô ngước nhìn hai mươi, hai lăm tấm kim loại sắp sửa trở thành một dây nóng, trên đó không chừng có tới hai trăm công nhân đang làm việc và chỉ đếm thấy hai thang máy nhỏ để đưa họ xuống tới nơi an toàn.
Còn mười phút nữa là một giờ chiều.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.