Lưới Điện Tử Thần

CHƯƠNG 45



Fred Dellray đang đi bộ xuôi theo một con phố khu East Village, đi qua một rặng dành dành, một tiệm cà phê thượng hạng, một cửa hiệu bán quần áo.
Trời, trời… Ba trăm hai mươi lăm đô la một chiếc sơ mi? Không kèm com lê, cà vạt và giày?
Anh ta tiếp tục đi qua mặt trước các cửa hiệu, bên trong là những máy pha cà phê espresso phức tạp, những tác phẩm nghệ thuật giá trên trời, những kiểu giày lấp lánh mà một đứa con gái sẽ để tuột mất lúc bốn giờ sáng khi chuếnh choáng di chuyển từ câu lạc bộ nọ sang câu lạc bộ kia.
Dellray đang suy nghĩ xem khu East Village những năm qua đã thay đổi như thế nào, kể từ khi anh ta bắt đầu làm một mật vụ.
Thay đổi…
Đã từng là một chốn hội hè, đã từng là một chốn rồ dại, sặc sỡ, ồn ào, những tiếng cười và sự điên loạn, các cặp đôi ôm riết lấy nhau, hoặc rú lên, hoặc uể oải bước xuôi theo vỉa hè đông đúc… liên tục, liên tục. Hai mươi tư tiếng đồng hồ mỗi ngày. Bây giờ, cái khu vực ở East Village này có công thức và âm nhạc của một bộ phim sitcom thuần nhất.
Trời đất, chốn này đã thay đổi. Vì nó không chỉ là tiền bạc, không chỉ là ánh mắt thiếu thảnh thơi của những con người có nghề nghiệp sống ở đây, những chiếc cốc đựng cà phê bằng bìa cứng thay cho những chiếc cốc sứ sứtmẻ…
Không, đó không phải thứ Dellray liên tục hắt hơi.
Thứ anh ta bắt gặp là ai nấy đều nhăm nhăm những chiếc điện thoại di động chết giẫm. Nói chuyện, nhắn tin…và, Chúa Jesus, người cứu vớt chúng con trên thiên đàng, đây, ngay trước mắt anh ta, là hai khách du lịch đang dùng GPS để tìm kiếm một tiệm ăn!
Ở khu East Village này.
Miền đám mây..
Khắp nơi, càng ngày càng có nhiều bằng chứng luôn cho thấy thế giới, thậm chí thế giới này – thế giới của Dellray – giờ đã trở thành thế giới của Tucker McDaniel. Hồi nào, Dellray vẫn chơi trò hóa trang ở đây, lúc thì là kẻ vô gia cư, lúc thì là tay ma cô, lúc thì là dân buôn bán. Anh ta rất giỏi cải trang thành những tay ma cô, anh ta mê những chiếc sơ mi màu sắc, tía và xanh lá cây. Chẳng phải vì anh ta phụ trách mảng tệ nạn xã hội, loại tội phạm chưa thuộc cấp liên bang, mà vì anh ta biết cách làm mình phù hợp với hoàn cảnh.
Con tắc kè hoa.
Anh ta hòa nhập được vào những chốn như thế này. Và điều đó có nghĩa là anh ta bắt chuyện được với mọi người.
Nhưng bây giờ, chết tiệt, số người gọi điện thoại nhiều hơn số người không. Và tất cả các máy điện thoại ấy – tùy thuộc xu hướng của quan tòa liên bang – đều có thể bị nghe trộm, bị lấy mất những thông tin mà Dellray trước đây phải tốn nhiều ngày mới lấy được. Thậm chí nếu chúng chẳng bị nghe trộm đi nữa, dường như vẫn có các cách khác để lấy thông tin hoặc một phần thông tin.
Qua không gian, qua các đám mây.
Nhưng có thể anh ta chỉ là quá nhạy cảm, anh ta tự nhủ, sử dụng một từ trước đây vốn hiếm khi xuất hiện trong tâm trí của Fred Dellray. Anh ta trông thấy tiệm Carmella trước mặt – tòa nhà cũ kỹ ngày xa xưa rất có thể từng là một chốn lầu xanh và ngày nay là một chốn còn mang nét truyền thống giữa bốn bề đổi thay. Anh ta bước vào, ngồi xuống bên chiếc bàn lung lay ọp ẹp. Anh ta gọi một cốc cà phê thường, nhận thấy, phải, trong thực đơn có cả espresso, cappuccino và latte, nhưng tất nhiên, trong thực đơn vẫn luôn luôn có các món này. Từ lâu trước khi có Starbuck.
Chúa phù hộ Carmella.
Và xung quanh anh ta, trong số mười người – anh ta đếm được – chỉ có hai người dùng điện thoại di động.
Đây là thế giới của Mẹ đằng sau máy tính tiền, những đứa con trai đáng yêu ngồi đợi bên bàn ăn, và thậm chí lúc bấy giờ, giữa buổi chiều, những chiếc dĩa vẫn cuộn lên những sợi mì, óng ánh màu cam chứ chẳng phải màu đỏ như mì ở siêu thị. Và nhấp nháp từ những chiếc ly rượu vang nhỏ hình trứng. Cả tiệm đầy ắp tiếng trò chuyện sôi nổi, chốc chốc lại có kẻ khoa tay múa chân.
Khung cảnh này khiến Dellray cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Anh ta tin tưởng rằng mình đang hành động đúng đắn. Anh ta tin tưởng vào lời cam đoan của William Brent. Anh ta sắp sửa nhận được cái gì đó giá trị, cái gì đó xứng đáng với một trăm ngàn đô la không minh bạch. Chỉ một manh mối nhỏ nhoi thôi, nhưng nó sẽ đủ. Đó là nét khác của Dellray Đường Phố. Anh ta từng dệt nên vải từ những sợi tơ mong manh mà đám tay trong của anh ta cung cấp, thông thường bản thân bọn họ cũng không mấy ý thức về giá trị các tin tức mà mình khám phá được.
Một sự thực đích xác duy nhất dẫn đến Galt. Hoặc đến địa điểm thực hiện vụ tấn công tiếp theo. Hoặc tới nhóm Công lý cho đang chưa biết đằng nào mà lần.
Và anh ta ý thúc rõ ràng rằng thực tế đó, phát hiện đó, sự cứu vãn tình hình đó… nó cũng sẽ bào chữa cho anh ta, Dellray, mật vụ đường phố theo phương pháp truyền thống, cách rất xa, rất xa miền đám mây.
Dellray hớp một ngụm cà phê, kín đáo liếc nhìn đồng hồ đeo tay. Đúng ba giờ chiều. Anh ta chưa bao giờ biết một William Brent đến muộn, thậm chí chỉ là sáu mươi giây. (“Không hiệu quả.” Gã chỉ điểm từng nói về việc đến sớm hay đến muộn. )
Bốn mươi lăm phút sau, không một cú điện thoại từ Brent, Fred Dellray mặt mũi nghiêm trọng kiểm tra tin nhắn lần nữa trên chiếc điện thoại lạnh ngắt. Tịnh không có gì. Anh ta gọi cho Brent lần thứ sáu. Vẫn ngay lập tức cái giọng máy móc bảo anh ta để lại tin nhắn.
Dellray ngồi thêm mười phút, gọi cho Brent lần nữa, rồi quay qua nhờ người bạn làm việc cho một nhà cung cấp dịch vụ di động, và biết được rằng điện thoại của Brent đã tháo pin. Tất nhiên, lý do duy nhất làm việc này là muốn tránh bị lần theo dấu vết.
Một đôi trai gái tiến tới, hỏi xem Dellray có sử dụng chiếc ghế thứ hai tại bàn không. Ánh mắt đáp lại hẳn phải khá đáng sợ, vì cặp đôi ngay lập tức rút lui và anh con trai thậm chí còn chẳng thử thể hiện lấy một chút hiên ngang kiểu hiệp sĩ.
Brent biến mất rồi.
Mình đã bị cướp và hắn biến mất rồi.
Hình dung lại sự tự tin của gã chỉ điểm, lời cam đoan của gã.
Đảm bảo, cái con khỉ…
Một trăm ngàn đô la… Đáng lẽ anh ta đã phải đoán định được là có chuyện gì đó khi Brent khăng khăng đòi số tiền khổng lồ, nếu để ý tới bộ vét tồi tàn và đôi bít tất dệt hình quả trám sờn sợi.
Dellray băn khoăn không biết gã chỉ điểm quyết định sinh sống ở Caribbe hay Nam Mỹ với món của từ trên trời rơi xuống ấy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.