Lưới Điện Tử Thần

CHƯƠNG 5



Trạm MH-10 của Liên hợp Điện lực Algonquin là một tòa lâu đài thời trung cổ thu nhỏ, nằm ở khu vực yên tĩnh phía nam Trung tâm Lincoln. Nó được xây bằng những phiến đá vôi không đều nhau, xám xịt và lỗ chỗ sau nhiều thập kỷ chịu đựng sự ô nhiễm và bụi bặm của New York. Phiến đá góc móng đã bị bào mòn nhưng người ta vẫn có thể dễ dàng đọc được: 1928.
Sắp sửa hai giờ chiều khi Amelia Sachs phanh chiếc Ford Torino Cobra màu hạt dẻ sát lề đường phía trước trạm điện, đằng sau chiếc xe buýt bị phá hủy. Chiếc xe và tiếng ống xả kêu giòn giã thu hút các ánh mắt hiếu kỳ, ngưỡng mộ của những người dừng chân xem, cảnh sát và lính cứu hỏa. Cô bước ra khỏi ghế lái, quăng chiếc phù hiệu Sở Cảnh sát New York lên bảng đồng hồ, đứng chống tay trên hông, quan sát hiện trường. Ron Pulaski phấn khích nhảy ra ngoài qua cửa phía ghế hành khách, rồi sập cửa đánh thịch.
Sachs nhìn chăm chăm sự thiếu tương đồng của khung cảnh. Những tòa nhà hiện đại, cao ít nhất hai mươi tầng, đứng bên canh trạm điện, mà vì lý do nào đấy, được thiết kế có các tháp canh. Bề mặt đá bám những vệt trắng, là phân lũ bồ câu trú ngụ tại đây, một số đã bay trở về sau cơn hoảng hốt. Cửa sổ gắn kính màu vàng và lắp chấn song sơn đen.
Cánh cửa thép dày để mở, không gian bên trong tối tù mù.
Chiếc xe phản ứng nhanh của bộ phận Khám nghiệm Hiện trường Sở Cảnh sát New York hụ còi tiến đến. Chiếc xe đỗ lại, ba kỹ thuật viên từ trụ sở chính bên Queens nhảy ra. Sachs từng làm việc với họ một số dịp, cô gật đầu chào một người đàn ông gốc Latin và một phụ nữ gốc Á thuộc quyền chỉ huy của một sĩ quan cao cấp, Thám tử Gretchen Sahloff. Sachs gật đầu chào viên thám tử, anh ta vẫy vẫy tay chào cô, rồi quan sát mặt trước trạm điện với ánh mắt u ám. Anh ta bước đến đằng đuôi một chiếc xe tải lớn, ở đó những sĩ quan mới tới đang bắt đầu dỡ thiết bị xuống.
Rồi Sachs hướng sự chú ý sang vỉa hè và con phố được chăng dây màu vàng. Phía bên kia khu vực chăng dây, có khoảng năm mươi người đứng xem cảnh sát làm việc. Chiếc xe buýt, đối tượng của vụ tấn công, nằm trước trạm điện, trống không, nghiêng sang một bên, các lốp bên phải bẹp dí. Gần đầu xe, sơn bị lửa hun cháy. Nửa số kính cửa sổ bị khói ám xám xịt.
Một nhân viên y tế của đội cấp cứu, một phụ nữ gốc Phi to béo chắc nịch, tiến đến và gật đầu. Sachs nói, “Chào chị.”
Người phụ nữ gật đầu có ý chào. Các kỹ thuật viên y tế từng chứng kiến hầu như mọi kiểu giết chóc trên đời, nhưng người phụ nữ này vẫn bàng hoàng. “Thám tử, cô nên nhìn xem.”
Sachs theo chị ta đi đến chỗ xe cấp cứu, nơi một thi thể nằm trên cáng, chờ được đưa vào nhà xác. Thi thể phủ tấm vải nhựa láng màu xanh lá cây sẫm.
“Là hành khách cuối cùng, có vẻ thế. Chúng tôi đã nghĩ có thể cứu sống anh ta. Tuy nhiên… chúng tôi chỉ cứu anh ta được đến thế này thôi”.
“Bị điện giật chết?”
“Cô nên nhìn xem.” Chị ta thì thầm. Và nhấc tấm vải nhựa.
Sachs ớn lạnh khi mùi da cùng tóc cháy bốc lên. Và cô nhìn chằm chằm nạn nhân, một thanh niên gốc Latin trang bộ com lê văn phòng – hay nói đúng hơn là những mảnh còn lại của bộ com lê văn phòng. Lưng và hầu hết phần thân bên phải của anh ta bám lẫn lộn da với vải cháy. Cô nghĩ trường hợp này là bỏng độ hai hoặc độ ba. Nhưng đó chẳng phải nguyên nhân làm cô bị xáo động đến thế, cô từng chứng kiến những trường hợp bỏng trầm trọng, cả do tai nạn lẫn cố ý, trong quá trình làm việc của mình. Cảnh tượng kinh khủng nhất là ở phần thịt lộ ra khi đội cấp cứu cắt bỏ quần áo. Cô nhìn thấy khắp người anh ta chi chít hàng chục cái lỗ nhẵn thín. Như thể anh ta đã hứng cả loạt đạn súng ngắn.
Nữ nhân viên y tế nói, “Hầu hết các cái lỗ này đều có đầu vào và đầu ra.”
Chúng xuyên qua cả thân người ư?
“Nguyên nhân là gì?”
“Không biết nữa. Chưa từng chứng kiến trường hợp nào như thế này, suốt bao nhiêu năm tôi làm việc.”
Và Sachs còn nhận ra một điều khác. Các vết thương đều gọn ghẽ có thể quan sát được rõ ràng. “Không chảy máu.”
“Không biết các vết thương bị đốt bằng gì. Đó là nguyên nhân.. Giọng nữ nhân viên y tế chùng xuống. “Đó là nguyên nhân anh ta đã tỉnh táo cho tới phút cuối cùng”.
Sachs có thể hình dung ra nỗi đau đớn. “Tại sao?” Cô hỏi, nửa như hỏi chính mình.
“Amelia.” Ron Pulaski gọi.
Cô nhìn về phía anh ta.
“Cột biển báo xe buýt. Nhìn xem. Mẹ… “
“Lạy Chúa.” Sachs lẩm bẩm. Và bước tới sát dải dây chăng đánh dấu khu vực hiện trường. Cách mặt đất gần hai mét, một lỗ rộng độ nửa gang tay xuyên thủng cây cột sắt. Sắt chảy ra như nhựa nóng chảy dưới đèn hàn. Rồi cô tập trung chú ý vào các cửa sổ của chiếc xe buýt và chiếc xe tải giao hàng đỗ gần đó. Lúc trước, cô nghĩ kính các cửa sổ xe bị rạn do sức nóng. Nhưng, không, những mảnh nhỏ của quả bom phát nổ – cùng những mảnh giết chết người hành khách – đã văng vào hai chiếc xe. Thành xe làm bằng kim loại cũng thủng lỗ chỗ.
“Nhìn này!” Sachs vừa thì thào vừa chỉ vào vỉa hè và mặt trước trạm điện. Cả trăm lỗ nhỏ li ti xuyên vào đá.
“Bom chăng?” Pulaski hỏi. “Có lẽ đội phản ứng nhanh đã bỏ sót nó.”
Sachs mở một túi nhựa, lấy ra đôi găng tay cao su màu xanh lơ. Xỏ đôi găng tay, cô cúi xuống nhặt miếng kim loại tròn, mỏng và nhỏ, hình giọt nước mắt, nằm dưới chân cột. Nó nóng đến nỗi làm găng tay mềm đi.
Khi nhận ra đó là cái gì, cô chợt rùng mình.
“Cái gì thế?” Pulaski hỏi.
“Tia lửa điện đã khiến cây cột nóng chảy.” Sachs nhìn xung quanh và trông thấy cả trăm, hay hơn trăm, những giọt kim loại bám trên mặt đất, trên thành xe buýt, các tòa nhà và ô tô gần đó.
Đó là cái đã giết chết người hành khách trẻ tuổi. Một cơn mưa những giọt kim loại nóng chảy bay trong không khí với tốc độ ba trăm mét mỗi giây.
Chàng sĩ quan trẻ tuổi chậm chạp thở ra. “Bị bắn trúng theo kiểu như vậy… cháy xuyên thân thể.”
Sachs lại rùng mình trước ý nghĩ về nỗi đau đớn. Và trước ý nghĩ về việc vụ tấn công có thể gây hậu quả ghê gớm tới mức nào.
Đoạn phố này khá vắng vẻ. Nếu trạm điện ở gần trung tâm của Manhattan hơn, thì mươi, mười lăm người đi bộ ngang qua sẽ dễ dàng bị thiệt mạng.
Sachs ngẩng lên và cứ thế nhìn chằm chằm vào vũ khí của đối tượng chưa xác định: Từ một ô cửa sổ trông xuống phố Năm mươi bảy, buông lòng thòng hơn nửa mét dây điện dày. Nó được bọc lớp cách điện màu đen, nhưng đoạn đầu mút bị bóc mất lớp cách điện và cáp điện trần được đấu với một bản đồng cháy sém. Nó trông giống như một chi tiết công nghiệp rất bình thường, hoàn toàn không giống một thứ có thể tạo ra vụ nổ khủng khiếp tới mức ấy.
Sachs và Pulaski tham gia vào nhóm chừng hai mươi cảnh sát, mật vụ của Bộ An ninh Nội địa, FBI và Sở Cảnh sát New York, tất cả đều tập trung tại sở chỉ huy là chiếc xe tải của FBI. Một số mặc đồ tác chiến, một số mặc bộ áo liền quần của nhân viên khám nghiệm hiện trường. Những người khác chỉ mặc com lê hoặc đồng phục theo quy định. Họ đang phân công công việc. Sẽ phải tìm kiếm nhân chứng, kiểm tra xem có bom gài lại hay các loại bẫy mìn không – một phương pháp làm việc phổ biến khi đối phó với tình huống khủng bố.
Một người đàn ông tầm năm mươi tuổi, gương mặt gầy và nghiêm trang, đứng khoanh tay đăm đăm nhìn trạm điện. Ông ta đeo ở cổ sợi dây có gắn phù hiệu của Liên hợp Algonquin. Ông ta là đại diện cấp cao cho công ty tại đây: nhân viên giám sát thực địa phụ trách khu vực này của lưới điện. Sachs đề nghị ông ta trình bày chi tiết những gì Algonquin đã biết về vụ việc, ông ta trình bày và cô chép vào sổ.
“Có camera an ninh không?”
Người đàn ông gầy guộc đáp, “Xin lỗi, không. Chúng tôi không lắp làm gì. Các cửa được khóa nhiều tầng. Và thực sự bên trong không có gì để đánh cắp. Dẫu sao, toàn điện như thế, đó cũng coi như một con chó canh phòng. Một con chó lớn”.
Sachs hỏi, “Ông nghĩ hắn đột nhập vào bằng cách nào?”
“Khi chúng tôi tới đây, toàn bộ cửa vẫn khóa. Khóa cửa sử dụng mã số.”
“Ai có mã số?”
“Tất cả các nhân viên đều có. Nhưng hắn không vào bằng cách đó. Các ổ khóa có chip ghi lại những lần mở. Chưa một người nào mở chúng trong vòng hai ngày qua. Và cái kia…” Ông ta chỉ sợi dây điện buông lủng lẳng từ cửa sổ. “… vốn không ở chỗ ấy. Hắn phải đột nhập vào bằng cách khác.”
Sachs quay sang Pulaski. “Khi nào anh xong việc ngoài này, hãy kiểm tra lại xung quanh, các cửa sổ và mái.” Rồi cô hỏi nhân viên giám sát của Algonquin, “Có lối vào ngầm dưới đất không?”
Nhân viên giám sát thực địa nói, “Tôi không biết lối nào cả. Các dây điện vào và ra trạm này được đặt trong những đường ống không ai chui vừa. Nhưng có thể có những đường hầm khác mà tôi không biết”
“Dù sao cũng cứ kiểm tra xem, Ron ạ.” Rồi Sachs phỏng vấn người lái xe buýt, anh ta đã được xử lý vết thương do mảnh kính cứa vào và được chăm sóc để vượt qua cơn chấn động. Thị lực và thính giác bị tổn thương tạm thời nhưng anh ta khăng khăng đòi ở lại giúp đỡ cảnh sát bằng bất cứ cách nào có thể. Sự giúp đỡ không nhiều nhặn lắm. Người đàn ông chân thật kể lại việc đã tò mò về sợi dây điện thò ra qua cửa sổ mà anh ta chưa bắt gặp bao giờ. Việc ngửi thấy mùi khói, nghe thấy những tiếng lốp bốp. Sau đấy là cái ánh lửa kinh hoàng.
“Quá nhanh.” Anh ta thì thầm. “Suốt cả cuộc đời, tôi chưa bao giờ chứng kiến cái gì nhanh như thế.”
Anh ta bị đập người vào cửa sổ và tỉnh dậy mười phút sau đó. Anh ta rơi vào trạng thái câm lặng, cứ nhìn chằm chằm chiếc xe buýt bị phá hủy, nét mặt bộc lộ cảm giác bị phản bội và chất chứa u ám.
Rồi Sachs quay sang những cảnh sát và mật vụ đang hiện diện tuyên bố cô và Pulaski sẽ chịu trách nhiệm quản lý hiện trường. Cô băn khoăn không biết đặc vụ FBI Tucker McDaniel đã thực sự thông báo xuống cấp dưới về việc cho phép này hay chưa. Không phải là không có chuyện các vị lãnh đạo trong lực lượng thực thi pháp luật tươi tỉnh đồng ý với người ta nhưng sau đấy lại cố tình quên đi cuộc trao đổi. Tuy nhiên, những mật vụ liên bang đã thực sự được thông báo. Một số tỏ ra khó chịu vì Sở Cảnh sát New York lại đảm đương vai trò chủ chốt này, còn số khác – hầu hết thuộc bộ phận Thu thập Chứng cứ của FBI – không tỏ ra có vấn đề gì và thực sự nhìn Sachs với vẻ tò mò ngưỡng mộ vì, suy cho cùng, cô là thành viên của cái đội do Lincoln Rhyme huyền thoại đứng đầu.
Quay sang Pulaski, cô nói, “Hãy vào việc đi.” Cô bước tới chỗ chiếc xe phản ứng nhanh, cuộn mái tóc đỏ thành búi cho đỡ vướng.
Pulaski chần chừ, liếc nhìn cả trăm chấm kim loại đang nguội đi, bám trên vỉa hè và mặt trước trạm điện, rồi liếc nhìn sợi dây cứng buông lòng thòng qua cửa sổ. “Thật sự họ đã cắt điện bên trong rồi, phải không?”
Sachs chỉ ra hiệu cho cậu ta đi theo mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.