Mặt dày tâm đen
Chương 12: Đạt được bản năng sát thủ
“Bản năng sát thủ không chỉ dành cho những kẻ xảo trá và tàn nhẫn. Nó có thể hữu ích cho cả những người đức hạnh và đứng đắn.”
– Chin-ning Chu.
Để thành công trong cuộc sống trong thế giới ngày nay, bạn phải có ý chí và sự kiên trì để hoàn tất công việc. Trong số những tay đấu bò, rất nhiều người có thể múa kiếm trước những cặp sừng, thể hiện lòng dũng cảm tuyệt vời và kỹ thuật xuất sắc, nhưng những người vĩ đại được nhận ra bởi cách mà họ thể hiện bản thân mình trong thời khắc quyết định, ra tay hạ sát nhanh lẹ và gọn gàng.
Sự dũng cảm để kết thúc công việc nhanh và gọn – đó là bản năng sát thủ, gốc rễ của Tâm Đen. Mỗi vĩ nhân và mỗi kẻ đại ác đều có nó. Bản năng sát thủ này có thể giúp một cá nhân hoàn thành những nhiệm vụ lớn lao hữu ích cho nhân loại, và nó cũng có thể đẩy một cá nhân mang đến sự hủy diệt trên trái đất. Một con dao có nhiều hữu dụng, và không có nó cuộc sống sẽ rất bất tiện. Thế nhưng con dao còn là một thứ vũ khí chết chóc.
Bản năng sát thủ là một khía cạnh khác của Mặt Dày, Tâm Đen. Nó đảm bảo sự tồn tại của con người trước những yếu tố thù địch của tự nhiên cũng như trước những kẻ khác ngay từ thời tiền sử. Trong các xã hội văn minh ngày nay, những yếu tố thô bạo hơn trong hành vi con người đã được gọt giũa và tinh lọc, và bản năng sát thủ đã trải qua một sự biến đổi bề ngoài. Nhưng ở một số vùng trên thế giới, ngay cả ngày nay, bản chất thú vật của bản năng sát thủ vẫn còn nguyên vẹn. Cách ứng dụng đã thay đổi, nhưng bản chất vẫn y nguyên.
Trong chương này, chúng ta sẽ xem xét hiệu lực của bản năng sát thủ trong hành động, chứ không phán xét giá trị đạo đức của nó. Tuy nhiên, xin hiểu là tôi không có ý định khuyến khích cách cư xử thô bạo. Bản năng sát thủ mà tôi đang đề cập ở đây không phải là một hành động bên ngoài. Đúng hơn, nó là một trạng thái bên trong, chính nó hướng dẫn ý chí để điều khiển các hành động của bạn nhằm đạt các mục tiêu. Nếu chúng ta có chút hy vọng nào về việc khắc phục bản tính nhút nhát của mình, chúng ta không được quay mặt lại trước khía cạnh đen tối của thực tế. Nếu những kẻ thù của chúng ta có bản năng sát thủ và biến chúng ta thành nạn nhân, thì chúng ta không có cái may mắn tránh được đề tài này. Như nhà chiến lược quân sự vĩ đại Tôn Tử đã nói: “Biết người, biết ta; trăm trận, trăm thắng.”
Cái nhìn phương Đông về bản năng sát thủ
Hy sinh cái nhỏ cho cái lớn là điều tự nhiên trong văn hóa phương Đông, trong khi đối với người phương Tây, điều này là man rợ và vô nhân đạo. Theo quan niệm phương Đông, nó là một phương hướng hành động tự nhiên. Đây là lý do tại sao người Nhật không gặp khó khăn gì trong việc tuyển mộ đủ những phi công lái máy bay cảm tử cho các điệp vụ cảm tử trong giai đoạn cuối Thế chiến thứ hai. Vấn đề duy nhất của Nhật Bản là họ không có đủ máy bay.
Hiện diện trong năm nghìn năm sử sách của Trung Quốc là con số khổng lồ những nhân vật đã chiến đấu không ngừng vì quyền lực và danh vọng. Các sách sử Trung Quốc trở thành sách giáo khoa để học hỏi và phát huy nghệ thuật bản năng sát thủ. Các sách này được nghiên cứu rộng rãi bởi người Hàn Quốc và Nhật Bản, không phải vì giá trị lịch sử của chúng, mà như là những hướng dẫn về đối nhân xử thế. Họ học cách mà các anh hùng thời xưa của Trung Quốc vạch ra những chiến thuật rắc rối của họ và quan trọng nhất là, cách họ thi hành những chiến thuật tàn nhẫn này để đạt mục tiêu của họ.
Các nhân vật anh hùng phương Đông, hầu hết trong số họ, là những người sở hữu bản năng sát thủ hoàn hảo. Đôi khi, bản năng sát thủ được sử dụng vì mục đích chính đáng. Trong những trường hợp khác, nó bị lạm dụng. Sau đây là những câu chuyện từ Trung Quốc thời xưa để minh họa cách ứng dụng bản năng sát thủ để đạt những mục đích cụ thể.
Lưu Bang
Một trong những cuộc thư hùng được minh chứng bằng tư liệu đầy đủ nhất trong lịch sử Trung Quốc là Hán Sở tranh hùng, giữa Lưu Bang và Hạng Vũ. Sau sự sụp đổ của nhà Tần vào thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, hai nhân vật này đánh nhau để giành quyền trị vì Trung Quốc. Hạng Vũ bắt đầu với mọi lợi thế. Ông ta có quân đội mạnh nhất, đã chiếm được phần lớn Trung Quốc, và ông ta là một chiến binh vĩ đại và một chiến lược gia xuất chúng.
Trong ba năm tranh hùng, Hạng Vũ đã đánh vô số trận và chỉ thua một trận. Nhưng khi thua một trận, cuối cùng ông đã để mất Trung Hoa vào tay một người đã là kẻ thua kém ông ta về mọi phương diện trừ việc thực hành Mặt Dày, Tâm Đen.
Trong một trong những lần thắng trận trước, Hạng Vũ bắt sống Lưu Bang. Ngai vàng đã trong tay Hạng Vũ, nhưng ông ta lại để vuột mất. Để bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với Lưu Bang như một bậc đại tướng, và theo cảm nhận của bản thân về danh dự quân nhân, Hạng Vũ ban cho kẻ thù bại trận một chỗ trú thân thay vì xử tử ông ta. Hành động sai lầm này đã cho Lưu Bang cơ hội trốn thoát, và hậu quả là ông ta đã gây dựng lại lực lượng và quay trở lại đánh bại quân của Hạng Vũ.
Nhìn bề ngoài, sự nhân từ của Hạng Vũ có thể có vẻ là một hành động cao thượng, nhưng sự cao thượng thực sự lẽ ra đã khiến Hạng Vũ tiêu diệt Lưu Bang khi ông ta có cơ hội. Nếu ông ta đã làm thế, ông ta đã chấm dứt được những năm loạn lạc ở Trung Quốc và vô số sự khổ sở mà hàng triệu dân thường phải chịu đựng.
Hạng Vũ đã vì cá nhân mà nhận lấy số phận trở thành người trị vì Trung Quốc. Vì mục đích này mà ông ta đã tiến hành cuộc nội chiến đẫm máu ban đầu. Ông ta đã làm đổ máu hàng trăm ngàn người bằng tay ông ta, máu của Lưu Bang đã có thể chỉ là thêm một kẻ nữa. Thật không hợp lý khi ông ta quên mất mục tiêu của mình vào một thời điểm như thế. Dân chúng Trung Quốc chỉ mong thấy cái chết của một trong hai người. Họ không bận tâm ai cai trị Trung Quốc, họ chỉ mong muốn sự kết thúc của cuộc chiến khốn khổ này.
Sau thất bại duy nhất của Hạng Vũ, cũng chính danh dự quân nhân đã ngăn ông ta quay lại đất nước của mình để khôi phục lại. Ông ta không thể đối mặt với dân chúng của mình sau khi đã làm chết bao nhiêu người con của họ. Thay vào đó, ông ta tự vẫn.
Đại tướng của Lưu Bang, Hàn Tín, đã mô tả những điểm yếu của Hạng Vũ qua cách nói ông ta có lòng nhân hậu của đàn bà và cái dũng của kẻ thất phu. Hạng Vũ giết người không ghê tay khi lâm trận, nhưng vào thời điểm quyết định, khi ông ta đứng trước kẻ thù bị đánh bại, ông ta từ bỏ mục đích và trốn trong một hình ảnh giả tạo về sự cao thượng của bản thân, che đậy sự yếu đuối của mình bằng “sự gia mạng cao thượng” của một bậc đại tướng đối với một viên tướng lớn khác.
Lưu Bang không có chiến tích của Hạng Vũ, nhưng ông ta cũng không bị cản trở bởi quan niệm của Hạng Vũ về danh dự. Trong những năm đánh nhau, Lưu Bang bại trận trước Hạng Vũ hết lần này đến lần khác, nhưng ông ta không bao giờ xấu hổ không dám quay lại đất nước của mình để gây dựng một đội quân khác. Tâm ông ta cũng đen hơn tâm Hạng Vũ. Ông ta có thể làm bất kì điểu gì để hoàn thành tham vọng của mình và không chút bận tâm đến cái giá đối với người khác.
Khi Hạng Vũ cảm thấy chiến thắng đang vuột khỏi tay trong trận chiến cuối cùng, ông ta ra lệnh đưa cha của Lưu Bang, người ông ta đang cầm tù từ nhiều năm, ra trói vào một vạc dầu sôi. Lưu Bang bị ra điều kiện rút hết quân hoặc là phải chứng kiến cha ông bị thiêu sống. Lưu Bang đã cưỡi ngựa lên trước ba quân và hét lớn: “Người và ta đã từng là anh em, hỡi Hạng Vũ. Cha ta cũng là cha của ngươi. Nếu ngươi muốn nấu cha chúng ta, hãy chia cho ta một bát nước súp.”
Mặt Dày, Tâm Đen của Lưu Bang không chỉ dành cho kẻ thù của ông ta. Những thủ hạ thân cận nhất của ông cũng thành nạn nhân. Trong khi đánh nhau với Hạng Vũ, Lưu Bang được phò tá bởi ba quân sư cực kỳ giỏi: Hàn Tín, Tiêu Hà và Trương Lương. Chủ yếu qua sự gắng sức của những người này mà nhà Hán, dòng họ trị vì Trung Quốc trong bốn thế kỷ, đã được lập nên.
Là một người xuất thân bình dân đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc lên ngôi thiên tử, Lưu Bang đã quyết định làm cho những kẻ tham vọng khác không dám có tư tưởng rằng bất cứ ai cũng có thể đoạt được ngôi Hoàng đế Trung Quốc. Để đảm bảo ngôi vị của mình, Lưu Bang thấy cần phải loại bỏ những công thần trước kia của ông ta.
Trương Lương hiểu biết sâu sắc bản chất con người. Sau trận thắng cuối cùng trước Hạng Vũ, ông đã khôn ngoan rời bỏ hoàng đế và lui về làm một ẩn sĩ xa lánh cuộc đời ở chốn thâm sơn cùng cốc. Ông biết chính những tài năng đã khiến ông có giá trị đối với Lưu Bang trong những năm tranh hùng sẽ chắc chắn khiến ông mất mạng nếu ông còn ở lại triều.
Đại tướng của Lưu Bang, Hàn Tín, chính là người thời trẻ đã chịu khinh miệt vì bị ép chui qua háng những kẻ vô lại. Bất chấp tiếng đồn của Hàn Tín là một kẻ hèn nhát, Lưu Bang đã dùng ông dưới trướng của mình, và Hàn Tín đã trung thành phục vụ ông ta suốt đời. Sau thất bại của Hạng Vũ và Lưu Bang lên ngôi, Hàn Tín trở thành người có quyền lực đứng thứ hai ở Trung Quốc. Quân của Hàn Tín đã đưa Lưu Bang lên ngôi, họ cũng có thể phò tá Hàn Tín dễ như thế. Nhưng Hàn Tín không thể quên việc Lưu Bang đã cất nhắc ông ta lên từ địa vị hèn hạ và cho ông ta cơ hội để trở thành một đại tướng. Ông ta không muốn tin rằng ông ta bị kẹt trong một trận chiến một mất một còn với ân công lâu ngày của mình. Trong lúc đó, Hàn Tín bị dụ dỗ bởi những thành viên khác trong triều âm mưu lật đổ Lưu Bang.
Khi Lưu Bang mời Hàn Tín vào triều dự yến, Hàn Tín vứt bỏ những nghi ngờ của mình sang một bên và rời bỏ sự an toàn nơi doanh trại của ông. Kết quả của sự tin tưởng này là, khi Hàn Tín tới triều, Hoàng đế đã cho băm vằm người cận thần lâu năm của mình.
Trong những năm chiến tranh, Tiêu Hà lãnh trọng trách theo sau ba quân để cai quản những vùng đất đánh chiếm được. Sau thắng lợi cuối cùng, Lưu Bang cử Tiêu Hà làm tể tướng. Tiêu Hà là một tể tướng thiên tài. Ông đã đặt ra lối điều hành các công việc của chính quyền qua một hệ thống quan lại với quyền lực và trách nhiệm. Hệ thống quản lý quan liêu này ngày nay vẫn được sử dụng rộng rãi bởi các chính phủ trên thế giới.
Do cách cai trị hiệu quả và công bằng của ông, Tiêu Hà rất được lòng dân chúng đến mức Lưu Bang trở nên lo sợ. Hoàng đế tìm một cái cớ để tống giam Tiêu Hà cho đến tận lúc ông đầu bạc răng long, không còn là một mối đe dọa nữa.
Trong việc thực hiện thành công những mục đích cuộc đời và tham vọng của bạn, có một mối quan hệ trực tiếp giữa phạm vi tham vọng của bạn và khả năng sử dụng bản năng sát thủ của bạn. Tham vọng của bạn càng lớn, bạn càng phải sẵn sàng và có khả năng thực hành bản năng sát thủ của bạn. Nếu mục đích của bạn là trở thành Hoàng đế Trung Quốc, thì bạn phải hoàn toàn sẵn sàng giết người hoặc là bị giết. Lịch sử Trung Quốc đã chứng minh rằng chỉ những ai sẵn sàng đi đến chỗ thực hành bản năng sát thủ của họ mới có thắng lợi cuối cùng. Câu chuyện sau minh họa cho điểm này.
Hoàng đế đầu tiên của nhà Minh
Năm 1368, Chu Nguyên Chương, một kẻ ăn xin xuất thân nông dân, đã lãnh đạo dân chúng Trung Quốc lật đổ nhà Nguyên hùng mạnh mà quân Mông Cổ đã lập nên sau khi họ trở về từ thắng lợi trong cuộc chinh phục châu Âu. Chu đã lập nên nhà Minh trị vì Trung Quốc hơn ba trăm năm.
Những nông dân đã đi theo Chu trong cuộc khởi nghĩa lúc này đang chờ đợi những phần thưởng xứng đáng. Nếu Chu giữ họ lại trong triều đình và ban cho họ những chức vụ cao quý, những người này sẽ không tôn kính ông ta vì họ vẫn nhìn ông ta như trước kia, chỉ là một gã nông dân. Như thế, ông ta sẽ không thể trị vì với quyền uy tuyệt đối.
Tuy nhiên, nếu Chu ban thưởng tiền bạc cho họ về nhà mà không ban chức tước, họ sẽ trở nên bất mãn và có thể âm mưu lật đổ ông ta. Thế là Chu quyết định hành động với mục đích củng cố ngôi vị của ông ta.
Chu mời tất cả những chiến hữu nông dân của ông ta tham dự đại yến mững khai lập triều Minh. Ông ta định ngày và cẩn thận chọn một dinh thự biệt lập. Ông ta sắp đặt sao cho thức ăn dư thừa và rượu chảy tràn không ngớt ở đó. Đúng lúc cao trào của buổi yến tiệc, ông ta bí mật lẻn đi, khóa chặt mọi lối ra, và đốt lửa thiêu chết mọi người bên trong.
Tài lãnh đạo của Khổng Minh
Bản năng sát thủ không chỉ dành cho những kẻ xảo trá và tàn nhẫn, nó có thể hữu ích cho tất cả những người đức hạnh và đứng đắn.
Khổng Minh, một quân sư vĩ đại và một nhà lãnh đạo nhân từ, sống vào khoảng 200 TCN. Ông được một số sử gia Trung Quốc ca ngợi là người thông minh tài trí nhất trong suốt năm nghìn năm lịch sử của Trung Quốc.
Khổng Minh rất yêu thương viên tướng họ Mã, một trong những viên tướng tài trẻ tuổi của ông. Khổng Minh nhận ra khả năng của Mã có thể trở thành một danh tướng vĩ đại và hy vọng rèn luyện Mã trở thành người kế nghiệp ông. Với tài năng như của Mã, Khổng Minh cảm thấy có hy vọng cho sự nghiệp đánh bại các kẻ thù mạnh và khôi phục nhà Hán cho vị ấu Chúa của ông.
Trong một trong những chiến dịch quyết định của ông, Khổng Minh đã lệnh cho Mã ra trận và lặp đi lặp lại mệnh lệnh cho anh ta chiếm một thành nhỏ kia để làm bẫy dụ địch đến đó. Khổng Minh biết rằng một người trẻ tuổi, có tài và kiêu ngạo như Mã giống một con ngựa non háu đá cần được siết chặt dây cương. Khổng Minh đã cử theo Mã hai quân sư giỏi nhất của ông để bảo đảm Mã có thắng lợi nhanh chóng mà không có bắt trắc gì.
Khi tướng Mã vào trận đánh nhau với quân địch, anh ta hoàn toàn quên mất lời dặn của Khổng Minh. Bất chấp sự phản đối của các quân sư, tướng Mã dẫn quân lên đỉnh núi. Địch cắt đứt nguồn lương thảo và nước uống từ bên dưới của Mã. Anh ta nhanh chóng bị đánh bại, vì thế làm Khổng Minh không thực hiện được kế hoạch chiến đấu tổng thể của ông.
Khi tướng Mã trở về, Khổng Minh ra lệnh xử tử anh ta. Một đại tướng già rất được kính trọng xin Khổng Minh tha mạng cho Mã. Ông nói: “Nước ta bị vây quanh bởi những đội liên quân của các nước rất hùng mạnh. Thật đáng xấu hổ nếu lãng phí một viên tướng tài.” Nhưng Khổng Minh trả lời: “Luật pháp và mệnh lệnh phải được tuân thủ. Để giữ quân luật, ta phải làm gương.”
Khổng Minh gạt nước mắt ra lệnh chém đầu tướng Mã.
Một mặt hàng đáng tiền
Những người có tham vọng lớn lao ở Trung Quốc thời trước, kết hợp với sự tự do thực hành bản năng sát thủ điêu luyện của họ, thường đạt được kết quả.
Cách đây chưa lâu, những kẻ khủng bố Trung Đông bắt giữ người Nga làm con tin. Các nhân viên KGB đã phản ứng nhanh chóng bằng cách bắt giữ người thân của các lãnh đạo khủng bố chịu trách nhiệm. KGB cắt những phần thân thể của những người họ hàng này và gửi đi kèm theo lời cảnh báo rằng vợ và con cái của những tên khủng bố sẽ là mục tiêu tra tấn tiếp theo nếu những con tin Nga không được thả ngay lập tức. Những con tin nhanh chóng được thả và không một người Nga nào bị bắt làm con tin kể từ đó.
Trong thế giới văn minh của chúng ta, hầu hết chúng ta không giết bất kì ai vì mục đích đảm bảo những quyền lợi riêng tư. Những công cụ để đạt mục đích của người ta đã thay đổi, nhưng cái tinh thần dẫn dắt nó vẫn không đổi, và kết cục đối với các nạn nhân thì tàn khốc tương đương.
Trong thập kỉ vừa qua, thế giới tài chính Mỹ đã trở thành lồng ấp lí tưởng nuôi dưỡng những ai có một mức độ nhất định thứ bản năng sát thủ và rèn giũa họ cuối cùng trở thành những sát thủ hoàn hảo trong thế giới tài chính cao cấp. Vài người trong số này bị thúc đẩy thuần túy bởi lòng tham. Trang bị bởi một bản năng sát thủ đã được hoàn thiện và vị trí xã hội không chê vào đâu được, họ hầu như không thể bị đánh bại. Mặc dù có một số ít bị tóm, nhiều người đã thoát được búa rìu công lý. Một người bạn ở phố Wall đã nói chuyện riêng với tôi rằng cứ một kẻ bị tóm thì đã có mười kẻ thoát được.
Ở đất nước này, tài sản phủ một vầng hào quang danh giá lên những người sở hữu nó, và họ được đứng trong vòng giao thiệp của những người quyền cao chức trọng và những nhà doanh nghiệp đáng kính nhất. Mặc dù họ có thể kiếm được tài sản này bởi việc cướp đoạt một cách vô lương tâm hàng triệu đô la của công chúng vô danh và đẩy nhiều người đến chỗ suy kiệt về tài chính, miễn là họ không bị bắt quả tang trong quá trình này, người Mỹ chúng tôi tôn sùng họ.
Sự thật đáng buồn là người mà sở hữu và sẵn sàng sử dụng một thứ bản năng sát thủ hoàn hảo đã, đang và sẽ luôn luôn là một hàng đáng tiền.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.