Mặt dày tâm đen

Chương 14 – Phần 2



Rajas

Rajais tượng trưng cho hành động và sự tranh đấu, bị ảnh hưởng bởi cái tôi. Trong trạng thái này, người ta hăng hái thực hiện những nhiệm vụ của mình. Đầu óc được kích động, phấn khởi, tranh đấu và đôi khi bị đau đớn. Tinh thần thường không ngừng nghỉ. Các hoạt động có thể mang lại sự vui thích tạm thời, nhưng bản chất của sự vui thích này là mong manh.

Những người kiểu này là những người dám nghĩ dám làm. Họ xông xáo lao vào quá trình kiếm tiền. Họ lớn mạnh lên từ sự hưng phấn hoạt động. Những hành động của họ có thể đưa đến những kết quả mà họ tìm kiếm; tuy nhiên, niềm vui của thành công có thể không kéo dài, vì nguồn động lực của hành động là coi mình là trung tâm và vị kỷ. Hầu hết các hoạt động trong thế giới kinh doanh ngày nay là tập trung vào phẩm chất Rajais.

Qua hành động thuộc phẩm chất Rajais, tiền tuôn về và các thú vui được mua, nhưng Rajais không đem lại sự mãn nguyện nội tâm, vì bản chất của Rajais không phải là sự mãn nguyện, mà chính là nỗi khổ và sự tranh đấu. Khi bạn không có được sự mãn nguyện, bạn cảm thấy bạn cần phải làm nhiều hơn để kiếm thêm tiền, nhờ đó bạn có thể mua thêm sự thỏa mãn. Chu trình cứ tiếp tục. Bạn trở thành nô lệ của nhu cầu hoạt động để duy trì cuộc đời bạn. Lực đẩy của phẩm chất Rajais chính là động lực thức đẩy chúng ta và khiến chúng ta rơi vào chỗ mà chúng ta không thuộc về.

Đây là nguyên nhân mà từ xưa đến nay, những bậc thầy chân chính không dạy phương pháp nhanh chóng, đó là thổi phồng sự nhiệt tình của người ta, như một giải pháp cho sự phát triển con người. Họ chọn con đường vững chắc, chỉ dẫn chúng ta, và tìm tòi tận sâu trong cội nguồn nhiệt tâm của Đấng thiêng liêng. Mục đích của những cuốn sách, băng đĩa, hội thảo tạo sự khích lệ là gây cảm hứng cho những người tham gia trở nên nhiệt tình với cuộc sống của họ và chuyển từ trạng thái bất động sang trạng thái hành động. Những công cụ này thì hữu ích nhưng không đủ.

Một tâm hồn yếu đuối là nguồn gốc của một đầu óc mệt mỏi, dẫn đến sức hoạt động yếu ớt. Những kỹ năng khích lệ này không đủ để đưa bạn đến trạng thái Sattva, sự mãn nguyện siêu phàm. Chúng có thể đưa bạn từ trạng thái Tamas (Bất động) sang trạng thái Raijas (Hành động), nhưng quả của lao động của bạn không làm nên rượu tiên. Khi bạn chuyển từ bất động sang hoạt động trong bất cứ lĩnh vực được tập trung nào, sẽ có những tiến triển nhìn thấy được trong chất lượng cuộc sống của bạn. Với nhiều người, chuyển từ trạng thái “cái chết sống” sang trạng thái tích cực là đủ. Tuy nhiên, vì những hoạt động này bị ảnh hưởng một phần bởi cái tôi ngu ngốc của con người, thành công của họ thường ngắn ngủi và pha trộn với nỗi đau và sự tranh đấu. Lao động, nhọc nhằn và hoạt động của bạn cuối cùng trở thành nguồn gốc nỗi khổ của bạn.

Ngay cả khi công việc của bạn được phong tặng một cách thiêng liêng; tuy nhiên, do sự thiếu hiểu biết về nghệ thuật giữ thái độ lạnh lùng trong khi hoàn thành công việc, công việc đó nhận chìm bạn và chính nó trở thành nguồn gốc sự phản bội của bạn.

Ví dụ của một số ít những thành công vĩ đại trong thời gian gần đây sẽ làm rõ hơn rằng hành động một mình nó có thể đem lại thành công và niềm vui, nhưng kết quả cuối cùng thường khiến bạn vỡ mộng và không mãn nguyện.

Tổng thống Lyndon Johnson, sau khi ông ấy đã cống hiến toàn bộ cuộc đời cho việc phục vụ công chúng mẫn cán như một người đấu tranh cho những người nghèo khổ, đã “tự nguyện” từ chức khỏi Nhà Trắng. Sau khi ông từ chức, theo những người bạn thân thiết của ông, ông cảm thấy chán nản đến mức ông đã uống rượu cho đến chết.

Những hành động vì cái tôi của tổng thống Nixon đã khiến ông té ngã ngay tại đỉnh cao của sự nghiệp chính trị.

Cựu thủ tướng Margaret Thatcher, người đã chiến đấu suốt cuộc đời và giữ ghế thủ tướng lâu nhất trong lịch sử nước Anh, bị buộc phải rời bỏ chức vụ bởi chính đảng của bà vào giữa nhiệm kỳ.

Sức mạnh của Rajais là động. Nó đem đến sự giàu có và vinh quang, nhưng quả của nó thì không bền và không thiếu nỗi đau khổ và sự vỡ mộng.

Sattva

Bản chất của Sattva là sự mở rộng, niềm vui, tri thức và trí tuệ. Người ta hành động bằng cách hòa hợp với sự dẫn dắt của trí tuệ nội tâm đó. Giữa chốn công khai, anh ta mạnh mẽ và quả quyết. còn riêng mình, anh ta nhún nhường cẩn trọng. Anh ta tự vấn liệu những hành động của mình có theo đúng quy luật của Dharma hay không? Nhờ thế, kết quả của những hành động này luôn có lợi cho lợi ích cao hơn, cũng như cho số phận cá nhân của anh ta.

Trạng thái Sattva là niềm vui sướng được đem lại từ những hành động do trí tuệ và tri thức dẫn dắt. Người ta hành động với mục đích và thái độ lạnh lùng. Anh ta hiểu rằng phần thưởng quan trọng của hành động là niềm vui của bản thân hành động. Phần thưởng vật chất chỉ là lớp kem phủ trên chiếc bánh.

Mặc dù anh ta đón nhận mọi vinh quang mà thế giới có thể dâng tặng, anh ta đã vượt lên trên những kỳ vọng thôi thúc cái tôi. Khả năng thất bại không nghiền nát được anh ta. Anh ta thản nhiên đối với đau khổ và tranh đấu. Tình huống có thể tàn khốc, nhưng anh ta không bị đánh gục. Anh ta khéo léo ngự trên những ngọn sóng cuộc đời qua vinh quang và hổ thẹn.

Hamlet của Shakespeare được coi là một vở diễn về bi kịch con người. Song tôi lại thấy nó là sự ngợi ca tinh thần con người chiến thắng chính bản thân nó, chiến thắng trong cuộc chiến giữa bản chất thấp kém hơn và bản chất cao cả hơn của con người. Hamlet đã trải qua sự chuyển biến từ Tamas (ngu dốt) sang Rajas (hành động), rồi chết trong trạng thái Sattva (mở rộng).

Một người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen được ngự trị bởi hoặc là phẩm chất Rajas hoặc là Sattva, tùy theo tính khí cá nhân người đó. Tuy nhiên, trạng thái Sattva chính là khát vọng mạnh mẽ của mỗi cá nhân.

Bắt chước đức tính của bốn sức mạnh

“Không có gì hết.”

Và ta nghĩ không có gì cả;

Nhưng hãy lắng nghe, tiếng vọng đó trả lời kìa.

– Thiền ngữ Nhật Bản.

Trạng thái Sattva tồn tại dưới dạng hoàn chỉnh của nó trong sự thể hiện của tự nhiên, và nó là trạng thái cao nhất của Mặt Dày, Tâm Đen. Bằng cách quan sát và nghiền ngẫm về tự nhiên, chúng ta bắt gặp trạng thái này, như vị thánh Cơ đốc giáo vĩ đại Francis xứ Assisi trong lời nguyện cảm động nhất của ông, Bài thánh ca của con người, trong đó ông ca ngợi sự vận hành tự nhiên của thế giới của Thượng đế.

“Xin ngợi ca người Chúa của con về anh em của Gió, về không khí và những đám mây, bầu trời trong vắt và mọi thời tiết mà qua đó Người bảo bọc tất cả tạo vật của Người.

Xin ngợi ca người Chúa của con về người chị em Nước. Nàng thật hữu dụng và khiêm nhường, quý giá và thuần khiết.

Xin ngợi ca người Chúa của con về người anh em Lửa, nhờ đó mà đêm tối của chúng con được Người thắp sáng, và ngọn lửa thật đẹp đẽ và vui tươi, dữ dội và mạnh mẽ.

Xin ngợi ca người Chúa của con về người mẹ Đất của chúng con, mẹ nuôi dưỡng và bảo bọc tất cả chúng con, sinh ra biết bao loại quả, những bông hoa sắc thắm và cỏ thơm.”

Tự nhiên tuân theo quy luật lý tưởng. Quy luật này thể hiện chính nó dưới dạng quy tắc lý tưởng, công lý lý tưởng, sức mạnh lý tưởng, sự quy thuận lý tưởng, sự lạnh lùng lý tưởng, sự cho đi lý tưởng, sự hi sinh lý tưởng, sự chinh phục lý tưởng, sự hài hòa lý tưởng và sự tàn nhẫn lý tưởng. Tự nhiên là hiện thân của Mặt Dày, Tâm Đen.

Quy luật của tự nhiên là trạng thái Sattva và sự thể hiện hoàn hảo của Mặt Dày, Tâm Đen. Bằng cách suy ngẫm về những lực lượng tự nhiên, người ta đạt được trạng thái Mặt Dày, Tâm Đen.

Những thành phần của tự nhiên dửng dưng trước sự phán xét của con người. Chúng không thỏa hiệp với những tiêu chuẩn của con người. Chúng sở hữu sự tự do và sự dũng cảm trong hành động. Hành động này có thể là quy phục hay hung hãn, tàn nhẫn hay dịu dàng, yêu thương hay hững hờ, nhưng nó luôn luôn là mạnh mẽ, thiết thực và có quy tắc. Nó luôn trung thành với Dharma của mình, và nó luôn lạnh lùng.

Tu dưỡng cái tôi thần thánh và sự khiêm nhường thần thánh

Cái tôi được các triết lý phương Đông coi là kẻ thù lớn nhất của một con người. Các nhà tâm lý học phương Tây ghi công nó cho tất cả các thành tựu của nhân loại. Người phương Đông muốn loại trừ cái tôi; người phương Tây muốn nuôi dưỡng nó.

Cái tôi thần thánh

Gần đây, một đồng nghiệp của tôi hỏi: “Chị nói chuyện trước công chúng rất nhiều. Chị làm gì để không thấy sợ?”

Tôi trả lời: “Tôi chưa bao giờ thấy sợ. Tôi không biết tại sao. Có lẽ vì tôi có một tinh thần kiêu ngạo phi thường.”

Vấn đề về cái tôi là không phải việc chúng ta nên loại trừ nó hay giữ nó, nó tốt hay có hại cho chúng ta. Vấn đề thực sự của cái tôi là chúng ta không có cái tôi thích hợp. Kiểu cái tôi duy nhất đáng để suy ngẫm là cái tôi của Thượng đế: tuyệt đối, tối cao, hùng vĩ và lớn lao. Một khi cái tôi thần thánh này đi vào nhận thức của bạn, nó tự động tiêu diệt sự nhỏ nhặt và mở rộng nhận thức. Khả năng bạn đạt đến trạng thái Mặt Dày, Tâm Đen có quan hệ trực tiếp với khả năng bạn sáp nhập cái tôi thần thánh này vào nhận thức của bạn.

Cái tôi thần thánh không phải là thứ mà tôi có thể miêu tả cho bạn, cũng như tôi không thể miêu tả một miếng trái cây tuyệt diệu mà có lần tôi đã được ăn ở Thái Lan. Nó chỉ có thể đạt được qua trải nghiệm trực tiếp. Sở hữu một cái tôi thần thánh là kết quả của việc cái tôi chúng ta tiếp xúc với Đấng thiêng liêng.

Sự khiêm nhường thần thánh

Mới đây, khi tôi gặp những người bạn của mình, những từ “dẹp sang một bên” liên tục xuất hiện trong các tình huống khác nhau. Một điểm chung ở những người bạn này là cách của họ dùng những từ này trong ngữ cảnh dẹp cái tôi bé nhỏ của họ sang một bên nhờ thế cuộc đời của họ sẽ tốt đẹp hơn. Nếu bạn có thể tách mình ra khỏi “cái tôi nhỏ bé”, sự nhỏ nhặt của bạn, và thay vào đó thấu hiểu bản chất mối liên hệ của bạn với Đấng thiêng liêng, thì bạn có thể để cuộc đời mình tự động trải ra. Bạn giải phóng mình khỏi những lo lắng tầm thường và tìm thấy sự bình yên mà bạn tìm kiếm trong “bức tranh lớn hơn”.

Mặt kia của cái tôi thần thánh là sự khiêm nhường thần thánh. Đây cũng là một mục tiêu của một người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen: có khả năng dẹp sự nhỏ nhặt qua một bên và đồng thời làm chủ tính khiêm nhường tột bậc. Về sức mạnh, anh ta không thể bị đánh bại; về sự hạ mình, anh ta là vô địch.

Tôi thường tự nhủ Thượng đế mới thật sự khiêm nhường làm sao. Điều này đặc biệt rõ ràng những khi nào tôi ăn tối muộn và đi ngủ ngay, hoặc là khi tôi đã nhét quá nhiều thức ăn vào dạ dày và bắt nó phải làm việc. Dạ dày tôi bị đau và khó chịu, nhưng nó không bao giờ từ chối thực hiện bổn phận của mình đến hết khả năng của nó. Nếu Thượng đế không đặt sự khiêm nhường của người vào trong những cơ quan của chúng ta để chúng phục vụ chúng ta vô điều kiện, những cơ quan này chắc chắn sẽ có quyền đình công và từ chối hoạt động trừ khi chúng ta coi trọng chúng hơn.

Mặc dù phương Đông và phương Tây có thể không đồng ý với nhau về thuật ngữ và định nghĩa của từ “cái tôi”, cả hai đều đồng ý tầm quan trọng trong việc phát triển sự nhận biết trợ giúp cho ý thức của chúng ta về mối liên hệ với Đấng sáng tạo và hỗ trợ chúng ta trong việc thể hiện một ý thức mạnh mẽ về việc ta là ai để đạt được lợi ích cao nhất của chúng ta. Đồng thời, họ cũng đồng ý rằng chúng ta nên bỏ tận gốc những phẩm chất thấp kém và không xứng đáng từ sâu trong tâm hồn mình.

Tính phổ quát của Mặt Dày, Tâm Đen

Mặt Dày, Tâm Đen là thứ vũ khí vô hình của sức mạnh nội tâm một người, nó bảo vệ, trợ giúp và che chở chúng ta trong những giao dịch công việc và cuộc sống hàng ngày. Nguồn gốc của sức mạnh này và sự vững chắc tinh thần của Mặt Dày, Tâm Đen nằm trong sự sâu thẳm không thể lay chuyển trong tinh thần chúng ta.

Hành trình tìm đến Mặt Dày, Tâm Đen là một vấn đề thuộc về tinh thần. Một khi chúng ta xác định được nguồn gốc của Mặt Dày, Tâm Đen, chúng ta có thể tự do áp dụng khái niệm này vào mọi khía cạnh của cuộc sống.

Trong những nghiên cứu của tôi, tôi không thấy có sự khác biệt nào mà chỉ thấy sự thống nhất giữa những lời dạy của phương Đông và phương Tây. Phương Đông và phương Tây có thể dùng những ẩn dụ và ký hiệu khác nhau, nhưng sự khác nhau chỉ ở lớp giấy bọc ngoài, chứ không phải là ở bản chất.

Các tác phẩm của những nhân vật thần bí ở Tây Ban Nha thế kỷ mười sáu như Thánh John xứ Cross và Thánh Teresa xứ Avila, cũng như nhân vật thế kỷ mười ba, Thánh Francis xứ Assisi, tất cả điều nói về cùng một trạng thái siêu phàm được tìm thấy trong các bản ghi chép của đạo Phật và Hindu. Sự miêu tả về bảy trạng thái của tinh thần của Thánh Teresa xứ Avila trong cuốn sách Interior Castle (Lâu đài bên trong) của bà giống đến cả những chi tiết với những bản ghi chép đạo Hindu về cuộc hành trình tinh thần qua bảy Chakras (bảy trung tâm của linh hồn trong cơ thể con người) đến đích là cái Toàn thể thiêng liêng.

Tôi đã miêu tả lặp đi lặp lại nhiều lần, ở cả hai mức độ ứng dụng và thế tục, tính phổ quát của Mặt Dày, Tâm Đen. Lão Tử, Abraham Lincohn, Mahatma Gandhi – tất cả họ đều nói đến Mặt Dày, Tâm Đen. Mặc dù họ cách xa nhau bởi nền văn hóa, thời đại, không gian và dân tộc, trạng thái tinh thần của họ là một. Thế giới biểu hiện nó qua vô số các hình dạng; chúng ta tất cả, về bản chất, là con cái của Thượng đế duy nhất.

Tóm tắt các điểm chính

  • Dày là từ bên trong, Đen là từ bên trong. Chúng ta không thể giành lấy điều chúng ta sẵn có.
  • Qua sự giáo dục xã hội “đúng đắn”, chúng ta đã làm biến dạng nhận thức bản năng về quy luật tự nhiên của chiến thắng vốn nằm trong mỗi chúng ta. Chúng ta đã làm méo mó khả năng tự nhiên về Mặt Dày, Tâm Đen vốn được dự định để trợ giúp cho sự trưởng thành về thể chất và tinh thần của chúng ta. Bây giờ nhiệm vụ của chúng ta là tái khám phá và khôi phục lại điều mà chúng ta sẵn có.
  • Bảy giai đoạn hé mở bản thân.

Khao khát làm điều đúng: Khao khát mãnh liệt muốn làm người tốt, làm điều đúng. Ở giai đoạn này, bạn không có chút khoan dung nào đối với Mặt Dày, Tâm Đen.

Bối rối và tiêu cực: Việc nhận ra rằng bạn đã tự biến mình thành nạn nhân bởi việc hạn chế mình và ảo tưởng hy sinh bản thân khơi lên sự giận dữ và căm ghét trong bạn. Bạn bị bối rối những cảm giác đáng khinh này mà bạn đang trải qua.

Trận chiến để đầu hàng: Đến lúc này bạn đang cố gắng thuyết phục bản thân chấp nhận những cảm xúc “đáng khinh” của mình.

Chấp nhận sự hoàn hảo có khiếm khuyết của bạn: Bạn bắt đầu nhận thấy mình là hoàn hảo có khiếm khuyết. Bạn bắt đầu một lập trường mới và đặt những tiêu chuẩn mới cho chính mình.

Những khả năng mới: Ở giai đoạn này, bạn bắt đầu phát triển sức mạnh tự nhiên của Mặt Dày, Tâm Đen. Sức mạnh này cho phép bạn đứng lên chống lại những hành động và suy nghĩ tự động theo thói quen và đi vào những ranh giới mới.

Sự quân bình bên trong: Bằng việc phá bỏ quan niệm của bạn về những tiêu chuẩn và kỳ vọng của người khác, bạn cảm thấy dâng trào một sự quân bình nội tâm: cảm giác yên bình và tĩnh lặng mới lạ.

Sự lạnh lùng: nguồn gốc của sức hút. Quy tắc sống cao nhất là giữ thái độ lạnh lùng. Không có sức mạnh nào cao hơn sức mạnh của sự lạnh lùng. Ở giai đoạn này, không có thứ gì anh ta có sẽ chiếm hữu anh ta. Anh ta trở thành chủ nhân những tài sản của mình thay vì bị chúng chế ngự.

Thái độ lạnh lùng là chìa khóa bí mật để giành được mọi thứ bạn “muốn”. Đã bao giờ bạn để khi bạn “ngừng” mong muốn điều gì đó, đối tượng mà bạn khao khát đến với bạn một cách tự nhiên?

Ở giai đoạn này, bạn đối với thế giới như một bông sen nở trong ao bùn. Mặc dù đóa hoa mọc trong ao bùn, nó không hề vương mùi bùn.

  • Ba phẩm chất của con người.

Tamas: sự trì trệ, cản trở, ngu dốt, cái tôi thống trị. Khi người ta ở trạng thái này, người ta cảm thấy thể chất uể oải, thờ ơ và không năng động; đầu óc mơ hồ, chậm chạp và nặng nề, có khuynh hướng chần chừ; tinh thần không nhiệt huyết, không nhanh nhạy và buồn chán. Trong trạng thái này, khi người ta hành động, lực dẫn dắt hành động bị chi phối bởi sự ngu dốt.

Rajas: hành động, sự tranh đấu, bị ảnh hưởng bởi cái tôi. Trong trạng thái này, người ta hăng hái thực hiện những nhiệm vụ của mình. Đầu óc được kích động, phấn khởi, tranh đấu và đôi khi bị đau đớn. Tinh thần thường không ngừng nghỉ. Các hoạt động có thể mang lại sự vui thích tạm thời, nhưng bản chất của sự vui thích này là mong manh.

Sattva: sự mở rộng, niềm vui, tri thức và trí tuệ. Người ta hành động bằng cách hòa hợp với sự dẫn dắt của trí tuệ nội tâm đó. Giữa chốn công khai, anh ta mạnh mẽ và quả quyết. Còn riêng mình, anh ta nhún nhường, cẩn trọng. Anh ta tự vấn liệu những hành động của mình có theo đúng quy luật của Dharma hay không. Nhờ thế, kết quả của những hành động này luôn luôn có lợi cho lợi ích cao hơn, cũng như cho sô phận cá nhân của anh ta.

  • Bắt chước đức tính của bốn sức mạnh.

Tự nhiên tuân theo quy luật lý tưởng. Tự nhiên là hiện thân của Mặt Dày, Tâm Đen.

Quy luật tự nhiên là trạng thái Sattva và sự thể hiện hoàn hảo của Mặt Dày, Tâm Đen. Bằng cách suy ngẫm về những sức mạnh tự nhiên, người ta đạt được trạng thái Mặt Dày, Tâm Đen.

Người chị em Nước: dịu dàng, tuân phục, khiêm nhường và bất tận.

Người anh em Lửa: hữu dụng, mạnh mẽ, bạo liệt, tàn phá và tinh lọc.

Người anh em Gió: vô hình dạng, mạnh mẽ và dữ tợn.

Mẹ Đất: ban phát, hy sinh và bao bọc.

  • Cái tôi thần thánh. Kiểu cái tôi duy nhất để suy ngẫm là cái tôi của Thượng đế: tuyệt đối, tối cao, hùng vĩ và lớn lao. Một khi cái tôi thần thánh này vào nhận thức của bạn, nó tự động tiêu diệt sự nhỏ nhặt và mở rộng nhận thức. Khả năng bạn đạt đến trạng thái Mặt Dày, Tâm Đen có quan hệ trực tiếp với khả năng bạn sáp nhập cái tôi thần thánh này vào nhận thức của bạn.
  • Sự khiêm nhường thần thánh. Nếu bạn có thể gạt bỏ “cái tôi nhỏ bé” qua một bên, thì cuộc đời của bạn sẽ tự động trải qua. Mặt kia của cái tôi thần thánh là sự khiêm nhường thần thánh. Đây cũng là một mục tiêu của một người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen: có khả năng dẹp bỏ sự nhỏ nhặt qua một bên và đồng thời làm chủ tính khiêm nhường tột bậc.
  • Mặc dù phương Đông và phương Tây có thể không đồng ý với nhau về thuật ngữ và định nghĩa của từ “cái tôi”, cả hai đều đồng ý về tầm quan trọng trong việc phát triển sự nhận biết trợ giúp cho ý thức của chúng ta về mối liên hệ với Đấng sáng tạo và hỗ trợ chúng ta trong việc thể hiện một ý thức mạnh mẽ về việc ta là ai để đạt được lợi ích cao nhất của chúng ta. Đồng thời, họ cũng đồng ý rằng chúng ta nên bỏ tận gốc những phẩm chất thấp kém và không xứng đáng từ sâu trong tâm hồn mình.
  • Trong những nghiên cứu của tôi, tôi không thấy có sự khác biệt nào mà chỉ thấy sự thống nhất giữa những lời dạy của phương Đông và phương Tây. Phương Đông và phương Tây có thể dùng những ẩn dụ và ký hiệu khác nhau, nhưng sự khác nhau chỉ ở lớp giấy bọc ngoài, chứ không phải là ở bản chất.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.