Mặt dày tâm đen

Chương 2 – Phần 4



4. Làm chủ thái độ lạnh lùng

“Thực hiện bổn phận của mình, không tha thiết cũng không ghét bỏ là một liều thuốc giải độc tuyệt diệu khỏi sự sợ hãi.”

– Bhagavad Gita.

Nếu bạn không quan tâm tới kết quả của một tình huống, bạn sẽ không trải qua nỗi sợ hãi nào. Khi bạn trói buộc bản thân mình với những kỳ vọng, lo lắng và sợ hãi sẽ chế ngự với bạn. Kết quả gì phải đến sẽ đến, bất kể những kỳ vọng và sự sợ hãi của bạn.

5. Phớt lờ sự sợ hãi

“Tôi là một ông già và tôi có rất nhiều điều lo lắng, nhưng hầu hết chúng không bao giờ xảy ra.”

– Mark Twain.

Đối với hầu hết chúng ta, sự sợ hãi không được căn cứ vào khả năng thực tế của thảm họa nào; đúng hơn, nó là một trạng thái băn khoăn về mặt cảm xúc, Mark Twain hiểu điều này rất rõ ràng khi ông nói rằng hầu hết những lo lắng và sợ hãi của chúng ta không bao giờ trở thành hiện thực. Đừng coi nỗi sợ của bạn quá quan trọng. Một vị khách bị lơ là thường ra đi lặng lẽ.

6. Bất chấp sự sợ hãi, hãy làm những gì bạn phải làm

“Đức tin là con chim cảm nhận được ánh sáng và cất tiếng hót từ khi bình minh chưa rạng.”

– Rabindranath Tagore.

Đây là cốt lõi của thông điệp về sự sợ hãi. Trong những giao dịch hàng ngày của bạn, bất chấp sự sợ hãi của mình, hãy làm những gì bạn phải làm. Là một người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen, bạn sẽ dấn bước về phía trước và xuyên qua những đám cây của sự sợ hãi có thể xuất hiện trên con đường dẫn tới thành công của bạn.

IX. Cuộc hành trình vượt trên sự trốn tránh nỗi đau và việc theo đuổi thú vui

“Người không bị quấy rầy bởi nỗi đau và thú vui, người giữ nguyên không thay đổi, là người khôn ngoan và xứng với cuộc sống bất tử.”

– Bhagavad Gita.

Bên dưới nỗi sợ thành công và thất bại là nỗi sợ sau đau đớn. Yếu tố thúc đẩy nhất trong những hành động của con người là mong muốn tránh được nỗi đau và làm những gì hứa hẹn niềm vui thích.

Có thể có những cá nhân ngoan đạo sẽ cãi rằng điều này không đúng với họ. Tuy nhiên, mục đích của sự dâng hiến là việc có thể giải thoát khỏi nỗi đau bất tận thành niềm vui bất tận – niềm vui sướng của Thượng đế.

Nếu một cá nhân có thể thuyết phục những người khác rằng làm mọi thứ theo cách của anh ta sẽ làm tăng niềm vui sống và giảm bớt nỗi đau của cuộc đời, cá nhân đó chắc chắn sẽ là một người nổi tiếng. Chỉ cần nhìn vào những bài diễn thuyết chính trị được đưa ra trong một trăm năm qua. Chúng chẳng thay đổi mấy: “Nếu bạn bỏ phiếu cho tôi, cuộc sống của bạn sẽ tốt hơn, bạn sẽ có nhiều tiền tiêu hơn, con cái của bạn sẽ có một nền giáo dục tốt hơn để đảm bảo tương lai thành công của chúng ta, bạn sẽ có những ngôi nhà sang trọng giá rẻ, bạn sẽ có một nền quốc phòng vững chắc, bạn sẽ có những chương trình văn hóa làm giàu cuộc sống tinh thần và tôi hứa với bạn rằng sẽ không có tăng thuế gì hết.” Bất cứ ai có thể vẽ ra hình ảnh tinh thần thuyết phục nhất sẽ trúng cử.

Hitler hiểu nguyên tắc này. Khi ông ta lên nắm quyền lực vào năm 1933, nước Đức ở trong tình trạng khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Người Đức vẫn đang mang nặng nỗi nhục thua trận trong Thế chiến thứ nhất. Họ đang phải chịu đựng cả về vật chất và tinh thần.

Đảng quốc xã có vẻ Xã hội chủ nghĩa của Hitler đã hứa hẹn một đời sống kinh tế tốt hơn và khả năng phục hưng nước Đức. Lời hứa về một cuộc sống tốt đẹp hấp dẫn hơn thực tế khắc nghiệt và vô vọng. Người Đức mở rộng vòng tay của họ đón chào ông ta.

Hitler thực hiện lời hứa của mình. Ông ta đã đưa nước Đức thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế và tiếp tục hợp nhất thế giới nói tiếng Đức. Vào năm 1938, ông ta đang ở đỉnh cao. Theo một số nhà sử gia, nếu Hitler chết vào năm 1938, giờ đây ông ta sẽ được biết đến như là chính khách vĩ đại nhất trong lịch sử nước Đức.

Eva Duarte Pero của Argentina, nổi tiếng với cái tên Evita, dường như đã đạt được điều gì đó gần với cương vị của Thánh lúc bà qua đời vào năm 1952. Bà đã sử dụng một vũ khí duy nhất bảo vệ vị trí độc tài của chồng mình. Bà đã thuyết phục những quần chúng nghèo khổ của Argentina rằng bà và chồng bà là hy vọng duy nhất của họ để có một cuộc sống tốt hơn. Bà lấy bản thân mình làm một ví dụ, lớn lên trong những khu nhà ổ chuột của Buenos Aires. “Hãy theo tôi. Các bạn cũng có thể vươn tới đỉnh cao.” Người Argentina đã tin bà.

Hitler mang lại điều gì đó hữu hình. Eva Duarte Pero mang lại hy vọng. Cả hai thuyết phục quần chúng rằng họ có phương tiện để làm giảm nỗi đau và tăng niềm vui của cuộc sống.

Một nửa thế kỉ sau, con người không trở nên khôn ngoan hơn. Chúng ta vẫn háo hức đi theo bất cứ ai hứa làm tăng niềm vui và giảm bớt nỗi đau của chúng ta. Chúng ta vận hành toàn bộ cuộc sống của mình xuất phát từ nỗi khao khát niềm vui và tránh được nỗi đau. Chúng ta giống như những con chuột trong phòng thí nghiệm tìm ra cánh cửa giấu miếng pho mát.

Cựu Tổng thống Ronald Reagan là một bậc thầy trong việc điều khiển cảm xúc đơn giản của con người. Để hoàn thành lời hứa về việc khiến cho người Mỹ “sung sướng”, ông ta đã tạo ra một sự thịnh vượng giả tạo. Ông ta vay mượn từ tương lai của nước Mỹ, khiến cho nước Mỹ từ một quốc gia chủ nợ lớn nhất trở thành quốc gia con nợ lớn nhất trong vòng tám năm ngắn ngủi.

Lịch sử đã chứng minh rằng sự theo đuổi mù quáng niềm vui và trốn tránh nỗi đau khiến loài người tự hủy hoại bản thân. Chúng ta theo đuổi niềm vui cá nhân một cách mù quáng với bất kì giá nào và tước đoạt của chính mình khả năng trở nên vĩ đại. Phương thuốc cứu chữa khiếm khuyết tính cách dân tộc hiện thời là Mặt Dày, Tâm Đen. Abraham Lincoln hiểu rằng cái giá của sự vĩ đại nằm trên sự theo đuổi niềm vui và trốn tránh nỗi đau. Ông đã chiến đấu cho chính sự tồn tại của nguyên tắc của chính phủ dân chủ và sẵn sàng chịu rủi ro về sự tàn phá khủng khiếp đối với đất nước thân yêu của ông.

X. Giành lấy lòng dũng cảm để tin tưởng vào bản thân

Nhiều điều trong những gì bạn được dạy tại một thời điểm đã từng là những tư tưởng cấp tiến của những cá nhân có sự dũng cảm để tin vào những điều chính trái tim và tâm trí họ mách bảo là đúng, thay vì chấp nhận niềm tin phổ biến vào thời của họ. Trong thế giới khoa học, người ta nghĩ ngay đến Galileo và Darwin. Những quan điểm của họ đặt nghi vấn đối với những niềm tin được đón nhận về vị trí ưu việt của con người trong vũ trụ của Thượng đế. Chúng đã đẩy thiết chế tôn giáo giáo điều vào cơn thịnh nộ bùng phát.

Tôi đã trải qua những năm đầu đời ở Trung Quốc tỉnh lẻ và những năm còn lại ở nước Mỹ hiện đại. Hết lần này đến lần khác, tôi đã để ý thấy những phong tục dường như có tầm quan trọng căn bản và không thể nghi ngờ trong một nền văn hóa lại lộ ra tầm thường và độc đoán khi nhìn từ quan điểm của một nền văn hóa khác.

Tôi nhớ một bà lão sống trên cùng một con phố với chúng tôi khi tôi còn bé. Lũ trẻ chúng tôi gọi là dì Vương. Mặc dù lớn tuổi nhưng bà là một người hoạt bát và mạnh mẽ. Giống như những phụ nữ ở tuổi mình, bà ăn mặc theo lối cũ và búi tóc gọn gàng đằng sau, trang điểm cho nó với một cây trâm bằng ngọc và bạc. Nhưng không giống như những bà lão khác. Bà không đi nhón nhén trên những bàn chân nhỏ, bị gãy và biến dạng.

Vào thời trẻ của dì Vương, phong tục bẻ chân là bẻ xương bàn chân những cô gái trẻ và bó chặt chúng với ngón cái bị bẻ cong ở phía dưới, như thế chúng sẽ lành lại thành những bàn chân nhỏ xíu, biến dạng. Nó đã thấm vào trong suy nghĩ mọi người rằng những bàn chân bị biến dạng này là một phần cần thiết trong vẻ đẹp nữ tính. Bên cạnh việc tự chúng được cho là đẹp, chân bó khiến hông phụ nữ đong đưa theo kiểu được xem là một dáng vẻ hấp dẫn nhất. Nhưng thật sự điều này không liên quan gì đến sự ham thích nhục dục. Hông một người phụ nữ đong đưa bởi vì cô ta không thể đi thẳng.

Nhưng mẹ dì Vương là một người phụ nữ cực kì can đảm. Bà đã cấm mọi người bó chân con mình. Bà đã dùng sức ngăn trở những thành viên thuộc gia đình đang giận dữ của mình không được thực hiện nghi thức. Trong phần đời còn lại của mình, bà đứng như một lá chắn giữa con gái bà và những người muốn làm què cô. Khi mẹ của dì Vương mất, dì Vương đã mười ba tuổi và bàn chân của cô đã quá lớn để bó.

Từ ưu thế của nước Mỹ thế kỉ hai mươi, người ta dễ coi nhẹ tầm vóc của lòng can đảm của người mẹ dì Vương. Tục bó chân đối với chúng ta rõ ràng là một thông lệ dã man và vô nghĩa mà theo lẽ thường phải ngăn cấm nó. Tuy nhiên, trong thế giới của dì Vương, chỉ có những người hầu và đàn bà nông thôn không bó chân. Điều đó đem lại một sự xấu hổ lớn cho gia đình cô ta khi có một đứa con gái mà bàn chân của cô ta bộc lộ cô ta là thô lỗ và không được giáo dục.

Nhưng nhiều phong tục cũ đã thay đổi ở Trung Quốc trong những năm đầu của thế kỉ này. Tục bó chân đã hết được ưa chuộng. Thế hệ dì Vương là thế hệ cuối cùng làm theo nó. Thay vì trải qua cuộc đời của mình như là một người bị xã hội bỏ rơi, dì Vương là một trong vài phụ nữ thuộc thế hệ hòa hợp với những tiêu chuẩn đang thịnh hành của đất nước Trung Quốc mới. Những phụ nữ bị làm cho tàn tật bởi tục bó chân, già đi trong giống như những tàn tích của một kỉ nguyên cũ. Những xiềng xích vô hình của phong tục và tập quán văn hóa cột chặt hơn những xiềng xích bằng sắt. Cuộc sống của bạn sẽ khó khăn nếu bạn vi phạm những chuẩn mực cư xử được chấp nhận mà không có những lí do quan trọng.

Tuy nhiên, là một người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen, bạn phải giành tự do thoát khỏi sự bó buộc và có lòng dũng cảm trung thành với niềm tin của bạn.

XI. Nhận ra bản chất Mặt Dày, Tâm Đen của tạo hóa

“Với mọi thứ đều có một lý do và một thời gian cho mọi mục đích dưới thiên đàng.”

– Eccleiastes.

Hầu hết những tôn giáo trên thế giới đều thừa nhận một Đấng sáng tạo hoặc một Lực sáng thế. Chúng có thể khác nhau về nhận dạng cụ thể của Người và nhiều thuộc tính của Người nhưng có một sự đồng tình đáng ngạc nhiên trong quan điểm cho rằng tất cả mọi thứ xảy ra theo ý chí của Đấng sáng tạo. Một trong những bí ẩn lớn nhất của tôn giáo là tại sao một tạo hóa nhân từ và quyền năng tuyệt đối lại cho phép sự đau khổ xuất hiện trên thế giới. Thượng đế có thể để ý thấy con chim sẻ bị rớt, tuy thế Người vẫn để nó rơi xuống. Sức mạnh phá hủy của tạo hóa rất dữ dội và gây ra nhiều bất hạnh cho con người, do cả những lực lượng mù quáng của tự nhiên lẫn những hành động của kẻ xấu, khiến Người có vẻ nhẫn tâm và bất công.

Nhưng vũ trụ được tạo ra thì lớn, trải rộng ra những phạm vi không thể hình dung được của không gian và thời gian. Những thiên hà được kết từ những đám mây bụi trôi dạt trong khoảng đen bao la băng giá giữa các vì sao trong không gian. Những ngôi sao cháy sáng, những hành tinh tạo thành và cuộc sống bắt đầu. Cuối cùng, tất cả bị tiêu hủy bởi chính ngọn lửa của mình và trở thành bụi, sẵn sàng cho chu kì bắt đầu lại. Tạo hóa không thay đổi kế hoạch của Người vì sự tiện lợi cho một mảnh rất nhỏ của sự sáng tạo và Người cũng không giải thích mình. Vũ trụ được điều khiển theo những nguyên tắc không thay đổi lớn lao hơn rất nhiều so với những bận tâm nhỏ bé của chúng ta.

Sự sáng tạo và sự phá hủy không trái ngược nhau như chúng có vẻ như thế. Chúng là hai khía cạnh của một lực lượng duy nhất. Vũ trụ là một chu kì tuần hoàn của sự sáng tạo và sự phá hủy. Cả hai điều cần thiết như nhau.

Khi tôi viết điều này, có một đám cháy rằng lớn diễn ra ác liệt ngoài tầm kiểm soát ở dãy núi gần đó. Mặc dù sự thật là những nhà khoa học hiểu rất rõ nhu cầu cần có những đám cháy định kì để duy trì một khu rừng xanh tốt, hàng trăm người đang sử dụng trang thiết bị giá hàng triệu đô la cố gắng một cách điên rồ để dập tắt những ngọn lửa. Ngành công nghiệp gỗ địa phương không thể nhìn xa hơn nhu cầu của nó về những khối gỗ đang bị mất đi. Những người yêu động vật thương xót vì một số động vật bị chết mà không xét đến tai biến này là một điều cần thiết và một phần tự nhiên trong việc chuẩn bị con đường cho những thế hệ động vật hoang dã mới. Chỉ có tạo hóa có được một mặt đủ dày và một trái tim đủ đen để cho phép ý đồ vĩ đại của Người bộc lộ mà không bận tâm về những vấn đề này.

Thông thường khi chúng ta xếp loại điều gì đó là sai hoặc xấu, đó là bởi vì chúng ta không có được tầm nhìn đủ rộng để nhận thấy sự cần thiết của nó trong tiến trình toàn thể của sự vật.

Tóm tắt những điểm chính

  • Phá vỡ sự trói buộc của những quan niệm bên trong và những tiêu chuẩn bên ngoài. Bắt đầu từ thời thơ ấu, hầu hết chúng ta được dạy rằng phần thưởng lớn nhất trên đời này là sự tán thưởng của người khác. Có lẽ nó không được nói rõ bằng những từ ngữ như thế, nhưng nó được hàm ý trong mọi thứ chúng ta được bảo là đúng và tốt. Mặt Dày, Tâm Đen là trạng thái tự nhiên của chúng ta. Trạng thái này không còn chi phối chúng ta bởi vì những người đầy thiện ý đã rèn luyện cho chúng ta tất cả những phép tắc về cách cư xử và cảm nhận. Nó không còn ảnh hưởng đến chúng ta bởi vì một ý niệm bên trong về bản thân mà chúng ta tạo ra từ những kỳ vọng và niềm tin của người khác. Đạt được Mặt Dày, Tâm Đen có nghĩa là giác ngộ trước tiên trạng thái tự nhiên của con người thật bên trong chúng ta.
  • Tìm kiếm lòng tin vững chắc bên trong bản thân bạn. Có những lúc phải chịu bị tát và có những lúc phải đánh trả lại gấp đôi. Việc bạn có chìa nốt má bên kia hay không thì không quan trọng. Việc tại sao bạn làm hay không làm, điều đó mới quan trọng.
  • Khám phá điều bí mật trong sự kiên cường của cây sồi và sự khiêm nhường của cây cỏ. Cây cỏ uốn cong một cách dễ dàng trong gió. Cây sồi cổ thụ vững chãi. Một cơn gió mạnh có thể làm bật gốc sồi, nhưng không một cơn gió nào, cho dù mạnh đến đâu, có thể làm bật rễ cỏ đang uốn rạp mình trước nó. Người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen lý tưởng là người có Mặt Dày, Tâm Đen bên trong dù những biểu hiện bên ngoài của họ có thể hống hách hay nhún nhường tùy theo yêu cầu của tình huống. Anh ta không có một hình ảnh về chính mình do bản thân hay mọi người tạo ra để phải sống theo hay quy định anh ta phải xử sự như thế nào.
  • Hiểu được chính mình. Để giải phóng mình thoát khỏi sức chi phối của những tư tưởng tùy tiện và khám phá những tiêu chuẩn đích thực mà bạn nên xử sự theo, bạn cần tìm được lòng dũng cảm để làm những gì phải làm mà không quan tâm đến điều những người khác có thể nghĩ.
  • Việc tự quan sát chính mình cần thiết cho sự trưởng thành của bản thân. Trước tiên bạn phải hiểu những động cơ cho những hành động của chính bạn để hiểu được những người khác.
  • Hiểu biết bản thân là sự chỉ dẫn về cách cư xử đáng tin cậy hơn so với việc bám lấy những tiêu chuẩn được đặt ra một cách tùy tiện.
  • Phá vỡ xiềng xích của nỗi sợ thành công và nỗi sợ thất bại. Thành công có nghĩa là thay đổi và rủi ro thất bại. Thất bại của những người không dám thử điều gì lớn thì bình thường và khá riêng tư. Thất bại của những người phấn đấu làm những điều phi thường thì công khai hơn và hay kèm theo những tiếng thở dài thỏa mãn. Thành công cũng đòi hỏi lòng can đảm để chịu rủi ro không được tán thành. Hầu hết những suy nghĩ độc lập, những ý tưởng mới hoặc là những nỗ lực vượt quá mức thông thường được đón chào bởi sự không tán thành, từ sự hoài nghi và chế nhạo cho đến sự xúc phạm hung bạo. Để kiên trì trong bất cứ điều gì khác thường đòi hỏi sức mạnh bên trong và một lòng tin không lay chuyển rằng bạn đúng.
  • Hiểu được bản chất của ảo tưởng và thực tế. Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, chúng ta luôn cố gắng sửa đổi thực tế. Chúng ta muốn nó phù hợp với khái niệm về “sự hoàn hảo” của chúng ta. Nhìn mọi thứ là hoàn hảo không chỉ là một ý nghĩ an ủi khi bạn trải qua những nỗi thất vọng lớn lao trong đời. Nó cũng là một công cụ hữu hiệu cho những người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen khi áp dụng vào những chuyện phiền toái không quan trọng hàng ngày.
  • Tinh thông những điểm khác biệt giữa đức hạnh và sự phù phiếm. Sự hiểu biết hạn chế của con người dẫn dắt quan niệm đức hạnh của chúng ta thường trở thành điều dẫn đến tội lỗi của ta. Quan niệm đức hạnh sai lầm của ta không gì khác ngoài sự phù phiếm và một cố gắng để giành sự tán dương hoặc cảm giác thỏa mãn rằng mình thật là có đạo đức, nhờ đó ta có thể cảm thấy cao hơn những người khác. Rất nhiều lần, bởi vì đức hạnh sai lầm này đi cùng với một lố sự ngu dốt của con người, đức hạnh trở thành một vũ khí hữu hiệu trong việc vùi dập lòng nhân đạo.
  • Vượt qua sự sợ hãi. Sự sợ hãi đối với tâm hồn con người giống như một giọt thuốc độc đối với một giếng nước.
  • Cảm giác sợ hãi không xấu, bởi vì mọi thứ trong trời đất đều có chủ đích của nó. Nếu chúng ta hiểu được chủ đích của sự sợ hãi, chúng ta sẽ dùng cảm giác sợ hãi sao cho có lợi cho cuộc sống của mình thay vì cho phép sự sợ hãi đẩy nhanh sự hủy hoại của bản thân mình.
  • Sự sợ hãi không bao giờ quá khủng khiếp một khi bạn nhìn thẳng vào nó.
  • Trong thực tế, tất cả mọi thứ và mọi sinh vật với Đấng sáng tạo của chúng ta là một. Cũng như trong thế giới vật chất, tất cả các nguyên tố được cấu tạo từ những hạt nguyên tử nhưng chúng được biểu lộ dưới vô số những dạng thù khác nhau. Bất cứ khi nào chúng ta cảm nhận bản thân tách biệt với sức mạnh Toàn thể, sự sợ hãi sẽ xuất hiện. Khi một người bán hàng nhìn nhận quyền lợi của mình đi ngược với quyền lợi của những khách hàng tiềm năng, anh ta thấy sợ hãi. Khi người bán hàng tìm thấy sự thống nhất giữa những quyền lợi của khách hàng và của anh ta, thì nỗi sợ của anh ta sẽ không còn tồn tại.
  • Nếu bạn không quan tâm đến kết quả của một tình huống, bạn sẽ không trải qua nỗi sợ hãi nào. Kết quả gì phải đến sẽ đến, bất kể những kỳ vọng và sự sợ hãi của bạn.
  • Đừng coi nỗi sợ của bạn quá quan trọng. Một vị khách bị lơ là thường ra đi lặng lẽ.
  • Bất chấp sự sợ hãi, hãy làm những gì bạn phải làm.
  • Cuộc hành trình vượt trên sự trốn tránh nỗi đau và sự theo đuổi thú vui. Chúng ta vận hành toàn bộ cuộc sống của mình xuất phát từ nỗi khao khát niềm vui và tránh được nỗi đau. Chúng ta giống như những con chuột trong phòng thí nghiệm tìm ra cánh cửa giấu miếng pho mát. Lịch sử đã chứng minh rằng sự theo đuổi mù quáng niềm vui và trốn tránh nỗi đau khiến loài người tự hủy hoại bản thân. Cái giá của sự vĩ đại nằm vượt trên việc theo đuổi niềm vui và trốn tránh nỗi đau.
  • Giành lấy lòng dũng cảm để tin tưởng vào bản thân. Nhiều điều trong những gì bạn được dạy tại một thời điểm đã từng là những tư tưởng cấp tiến của những cá nhân có sự dũng cảm để tin vào những điều chính trái tim và tâm trí họ mách bảo là đúng, thay vì chấp nhận niềm tin phổ biến vào thời của họ.
  • Nhận ra bản chất Mặt Dày, Tâm Đen của tạo hóa. Sự phá hủy là một phần cốt yếu của sự sáng tạo. Chỉ có tạo hóa có được một bộ mặt đủ dày và một trái tim đủ đen để cho phép ý đồ vĩ đại của Người bộc lộ mà không bận tâm về những vấn đề này. Tạo hóa không thay đổi kế hoạch của Người vì sự tiện lợi cho một mảnh rất nhỏ của sự sáng tạo và Người cũng không giải thích mình. Vũ trụ được điều khiển theo những nguyên tắc không thay đổi lớn lao hơn rất nhiều so với những mối bận tâm nhỏ bé của chúng ta.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.