Mặt dày tâm đen
Phụ lục
Hậu Hắc Học
Lý Tôn Ngô là một nhà tư tưởng và một người phê phán xã hội. Ông không có ý định dạy một phương pháp để đạt các mục tiêu của một người. Mục đích của ông khi viết Hậu Hắc Học là mô tả những triệu chứng của một căn bệnh trong xã hội Trung Quốc. Trong quá trình tìm tòi của mình, ông đã mô tả những phương pháp mà nhờ chúng, người ta giành được và duy trì quyền lực: họ sử dụng quyền lực và của cải của mình như thế nào để kiếm thêm quyền lực và của cải nhiều hơn nữa. Ông phân tích những phương pháp họ đã dùng và những việc mà họ dám làm để đạt mục đích của mình.
Những phương pháp ông mô tả chi tiết được đưa ra không một lời biện hộ, vì chúng là sự miêu tả cách thức người ta ứng xử trong đời thực. Lý từ ban đầu không đề bạt những phương pháp này như những nguyên tắc cần làm theo để đạt mục đích của một con người. Ông chỉ muốn người ta nhận thức được sự tồn tại của chúng. Lý rất say mê ý tưởng dịch tác phẩm của ông sang những ngôn ngữ khác; tuy nhiên, những người bạn đồng liêu của ông e ngại rằng những thế lực phương Tây thù địch ở Trung Quốc sẽ kết hợp hai phát minh tiên tiến của Trung Quốc, thuốc nổ và Hậu Hắc Học của Lý, để đè đầu cưỡi cổ Trung Quốc hơn nữa. Họ không muốn chúng lọt vào tay những ai không phải là người Trung Quốc.
Mặc dù ông hiểu những nguyên tắc để giành được của cải và quyền lực, Lý là một người thực hành tồi. Ông nghèo và một người thất bại suốt đời theo những tiêu chuẩn đánh giá thông thường. Mặc dù ông viết một luận thuyết về việc làm thế nào để kiếm được một chức quan, và một luận thuyết khác về việc làm thế nào để giữ được chức và dùng nó để kiếm lợi, ông bị cách chức khỏi chức vụ duy nhất mà ông từng giữ. Ông nhấn mạnh trong những bài viết của ông rằng lý do chính để phấn đấu có một chức vụ quan trọng là nhằm được ở một địa vị để kiếm chác qua hối lộ và tham nhũng. Vào thời điểm ông bị sa thải, ông túng thiếu đến độ bạn bè phải tiến hành quyên góp để trả tiền nhà cho ông. Trong lúc đương chức, những hành động cao quý nhất của ông liên quan đến việc cắt giảm quyết liệt lương của chính mình và sau đó đóng cửa phòng làm việc của chính mình vì ông cảm thấy chẳng có nhu cầu thật sự nào cho nó.
Một trong những người bạn tâm giao của ông đã vẽ chân dung ông như một tu sĩ, người mang theo cả tu viện bên trong. Mặc dù thân thể ông sống trong thế giới này, tâm trí ông từ bỏ cuộc sống trần thế. Chính Lý, khi bị chế nhạo về việc thiếu khả năng sử dụng Mặt Dày, Tâm Đen của ông, đáp lại rằng ông người thám hiểm, người dành cuộc đời trên vùng đất chưa có tên trên bản đồ. Như Moses, số phận của Lý là chỉ ra con đường nhưng không bao giờ được sống ở miền đất hứa. Rất tự nhiên là những người theo sau sẽ có khả năng hoàn thiện và sử dụng tốt hơn những khám phá của ông.
Nhưng Lý không hoàn toàn là một người thất bại, cũng không phải ông chối bỏ việc dùng Hậu Hắc Học. Ông chỉ là theo một phương trình khác. Lý đã không thể viết được như ông đã viết, cũng không thể ngoan cường đối mặt với sự giận dữ bị khuấy lên bởi những bài viết của ông, nếu ông không có Mặt Dày. Ông tin chắc vào giá trị và tính chân thực trong những gì ông viết, và ông không bận tâm nếu cả thế giới nghĩ rằng ông điên rồ. Lý nghĩ về mình như một tôn sư vĩ đại như Khổng Tử, và hình ảnh về bản thân này đã đưa ông vượt qua những năm tháng chịu sự chế nhạo và dư luận lên án.
Lý đã thực hành thành công một dạng Mặt Dày, Tâm Đen liên quan chính đến sự khám phá bản thân và gắn bó với cảm nhận của ông về sứ mệnh.
Quá trình xuất bản Hậu Hắc Học
Ban đầu Hậu Hắc Học dự định được xuất bản dưới dạng loạt tiểu luận trên tờ Thành Đô Nhật Báo vào năm 1911, nhưng những phản ứng gay gắt đối với bài đăng đầu tiên đã khiến cho nhà xuất bản của Lý từ bỏ loạt bài. Thay vào đó nó được xuất bản dưới dạng một tập sách mỏng nhờ những người bạn của Lý ở Bắc Kinh. Nó được in vài lần trước khi bị cấm đoán bởi chính quyền.
Nó bị cấm đoán vì nhiều người cảm thấy không thích thú với sự thật trong những quan sát của Lý. Họ không quen nhìn sự tàn nhẫn và đạo đức giả nằm bên dưới nhiều thể chế Trung Quốc bị phơi trần. Họ cảm thấy chỉ cần đề cập đến những điều này, Lý nhẹ nhất là đang quấy rối, nặng nhất là ông đang tán thành sự phi đạo đức mà ông miêu tả.
Việc Lý là một người phê phán công khai chính quyền cách mạng mới, Trung Hoa Cộng hòa, cũng không giúp được gì. Mặc dù Lý là một người sớm theo tiến sỹ Tôn Dật Tiên, người dẫn dắt cuộc đấu tranh cách mạng ở Trung Quốc, ông nhanh chóng bị vỡ mộng bởi chính quyền mới. Ông nhận định rằng sự khác nhau duy nhất giữa những đường lối man rợ của nhà Thanh và chính quyền Cộng hòa được khai sáng là việc dùng những uyển ngữ để biện minh cho việc lạm dụng quyền lực. Ông giải thích là ngày trước nếu anh húc vào một viên quan quyền thế, ông ta chỉ việc bảo tay sai đánh đập anh và tống anh vào tù. Ở Trung Hoa Cộng hòa mới, nếu anh húc vào một quan chức quyền thế, đầu tiên ông ta sẽ kết tội anh phá rối trật tự xã hội, sau đó hắn ta sẽ bảo tay sai đánh đập anh và tông anh vào tù.
Do hậu quả của việc bị cấm quá lâu, Hậu Hắc Học không được biết đến rộng rãi trong thế hệ hiện nay ở Trung Quốc. Ở Đài Loan, nó bị cấm trong ba mươi năm thiết quân luật từ 1949 đến 1987 và đã không được đọc rộng rãi ở đó kể cả từ khi hủy bỏ thiết quân luật. Tuy nhiên ở Hông Kông, nó liên tục được phổ biến và dường như là khá được biết đến. Bất chấp việc hầu hết người Hoa đương thời không biết tác phẩm của Lý, cách nói “Hậu Hắc Học” đã trở thành một phần trong tiếng Hoa. Người Hoa dùng “Hậu Hắc Học” để chỉ cách cư xử tàn nhẫn mà không ghi nhận nguồn gốc ý tưởng này là từ Lý.
Cái nhìn của Lý Tôn Ngô
Văn phong của Lý Tôn Ngô rất khó hiểu. Các ví dụ của ông được rút từ thế giới tỉnh lẻ của Trung Quốc vào thời điểm chuyển giao của thế kỷ trước. Trong nhiều mặt chúng không liên quan hay hoàn toàn là không thể hiểu được đối với độc giả phương Tây hiện tại. Dù vậy, những điều quan sát của Lý được tiếp cận bởi thiên tài ngay cho dù đó là một thiên tài khó mà chuyển tải qua rào chắn kép của ngôn ngữ và văn hóa.
Trong phụ lục này, tôi sẽ cố gắng mang đến cho độc giả muốn quan tâm hương vị tư tưởng của Lý qua việc xem xét một số bài viết của ông.
Sáu cách thức cầu làm quan
Trong xã hội Trung Quốc, giữ một chức vụ trong bộ máy quan lại là nghề nghiệp danh giá duy nhất. Một viên quan lại có phẩm hàm cao đứng đầu trong nấc thang kinh tế và xã hội. Vì lẽ đó, hầu hết mọi người không ngừng cố gắng để được bổ nhiệm vào chức vụ nào đó. Lý bàn luận sáu bước trong việc cầu một chức quan như một ví dụ về sự ứng dụng thực tế của Mặt Dày, Tâm Đen. Luận bàn của ông được đặt trong bối cảnh của Trung Quốc thời phong kiến, nhưng bản chất con người kể từ đó vẫn không thay đổi, và những nguyên tắc tương tự ngày nay vẫn ứng dụng.
1. Rỗng
Yêu cầu đầu tiên là rũ bỏ ra khỏi đầu óc của anh mọi thứ không liên quan đến việc cầu làm quan. Anh không được có mục tiêu nào, ý nghĩ nào khác. Anh phải một lòng một ý cầu quan.
Thời gian của anh cũng phải trống hết. Anh phải biết kiên nhẫn chờ đợi bao lâu cũng được. Anh phải đặt mình trong chức vụ mong muốn và không đâu khác. Anh sẽ không có một công việc nào khác. Nếu việc bổ nhiệm hôm nay chưa được thì chờ đến mai. Nếu năm nay chưa được bổ nhiệm thì lại chờ đến sang năm.
2. Dùi
Anh phải tóm lấy cơ hội nhỏ nhất để dẫn tới. Khi tìm thấy một cơ hội như thế thì phải khoan rộng nó ra. Khi không có cơ hội nào thì tập trung đầu óc vào mà dùi cho ra một lỗ. Lý sử dụng hình ảnh một cái dùi không ngừng ấn, dò và dùi liên tục.
3. Bốc
Anh phải không ngừng tìm cách đem năng lực và tầm quan trọng của mình ra trước sự chú ý của những người ở địa vị có thể giúp mình.
4. Nịnh
Anh phải khúm núm trước những ai có thể giúp mình. Tâng bốc họ trước mặt. Ca ngợi họ trước những kẻ sẽ nói lại chuyện đó với họ.
5. Dọa
Anh phải thật tinh vi trong việc dọa dẫm, vì có thể không biết mà dọa phải những người có khả năng hại mình. Sự dọa dẫm cần xuất phát tự nhiên từ sự tâng bốc bản thân của anh.
Hãy để người nghe rút ra kết luận rằng nếu anh có tài như thế, sẽ không may nếu anh lại lọt vào phe đối nghịch hoặc được bổ nhiệm vào một chức vụ cấp trên của người ta. Nếu anh có quan hệ tốt với những người quan trọng như thế, anh có thể có khả năng gây rắc rối cho người ta nếu anh không được giúp đỡ.
6. Biếu
Có hai loại biếu xén. Loại thứ nhất là những thứ quà nhỏ, mời ăn, mời uống. Thường những món quà nhỏ tạo cho người ta cảm giác có nghĩa vụ với mình vượt xa giá trị của nó. Chúng nên được biếu cho không chỉ người có quyền có quyền bổ nhiệm anh, mà cả người thân và bạn bè họ.
Quà biếu to được dùng để đóng dấu ấn việc bổ nhiệm. Chúng cũng nên được tặng cho những ai có ảnh hưởng lớn đến quan chức có quyền bổ nhiệm anh.
Sáu cách để giữ chức quan
Nếu mục tiêu của anh là làm quan, thì anh cần cư xử ra vẻ đức hạnh (theo những tiêu chuẩn của thời đại lúc đó). Anh nên quét lên mặt một lớp vỏ nhân từ giả hiệu và giả bộ một người đạo đức, có tín ngưỡng. Anh nên đi lại với một quyển sách sùng đạo trong tay thể hiện nội tâm tinh khiết như hoa huệ của mình – một quyển sách như là Bạc Bạch Học(Lý chơi chữ, đặt ra một cuốn Bạc Bạch Học đối lại với Hậu Hắc Học).
Lý còn bàn luận sáu cách giữ chức và kiếm chác.
1. Rỗng
Anh không nên nói và làm gì hết. Tán đủ thứ chuyện, nhưng chẳng nói gì. Ra vẻ thật bận rộn, nhưng chẳng làm gì. Đừng bao giờ có một quan điểm, vì nó có thể hóa ra sai hay phạm đến người quyền thế nào đó. Đừng bao giờ làm chuyện gì để mình có thể phải chịu trách nhiệm. Giữ mình khỏi hành động, nhưng ở vị trí có thể nhận công khi có chuyện gì tốt và rũ trách nhiệm nhiệm khi có chuyện gì xấu.
2. Cung kính
Anh phải uốn lưng cho dẻo trước thượng cấp. Phải tìm mọi cơ hội để lấy lòng không chỉ thượng cấp mà cả thân thích và bạn bè của họ. Lý đặc biệt lưu ý rằng nếu thượng cấp của anh có vợ lẽ hay nàng hầu thì phải cẩn thận lấy lòng nàng ta vì nàng ta sẽ có ảnh hưởng lớn nhất đến thượng cấp.
3. Hách
Anh phải rèn một vẻ kiêu kỳ và khinh khỉnh đối với hạ cấp. Phải tỏ ra không thể tiếp cận. Thái độ này cũng được thể hiện theo hai cách. Thứ nhất là vẻ bề ngoài. Phải làm ra vẻ quan trọng, khiến người ta không dám xúc phạm đến. Thứ hai là khoe khoang học vấn trong lời nói và chữ nghĩa.
4. Độc
Anh phải tàn nhẫn trong việc theo đuổi các mục đích. Nhưng để làm cho người khác dễ quy phục ý mình hơn, phải giữ một hình ảnh đức hạnh. Những lời nói của Khổng Phu Tử phải luôn nằm trên đầu lưỡi. Anh phải gia nhập những tôn chức có tôn chỉ cao quý, như thế mọi người sẽ không tin rằng anh ta có thể có những hành động tàn nhẫn.
5. Điếc và mù
Anh phải điếc đặc trước sự chỉ trích. Anh phải như đui mù vẻ bất bình của người khác. Lời mắng nhiếc trôi tuột qua anh như “nước đổ đầu vịt”.
6. Thu hoạch
“Con rồng bay ngàn dặm chỉ để làm tổ ở đây.”
– Cách ngôn Trung Quốc
Bây giờ đã đến bước cuối cùng. Mọi việc làm trên cũng chỉ là để đạt được một chỗ có giá trị. Mục đích cầu làm quan ban đầu là để đặt mình vào chỗ mà người ta phải cầu cạnh, cũng như lúc trước anh đã phải cầu cạnh người khác. Anh chẳng phải tốn bao nhiêu công sức đó chỉ để kiếm một chức vụ; anh làm thế để có thể bán ảnh hưởng của mình.
Khi bàn luận về Rỗng, bước đầu tiên trong cách giữ chức, Lý đã sơ lược đề cập đến tầm quan trọng của việc tránh trách nhiệm về hành động của mình và làm cho những hành động của mình có vẻ quan trọng hơn thực tế. Sau đó Lý nói chi tiết thêm về điều này và minh họa luận điểm của ông với hai câu chuyện. Câu chuyện thứ nhất là về việc tránh chịu trách nhiệm bởi hành động của mình; câu chuyện thứ hai là về việc làm cho hành động của mình có vẻ quan trọng hơn thực tế.
Hai cách làm việc khéo
Cưa mũi tên
Y học Trung Quốc chia làm hai lĩnh vực: ngoại khoa và nội khoa. Chúng tương đối giống với cách phân chia giữa khoa phẫu thuật và khoa nội trong Tây y.
Một người bị trúng tên được đưa đến thầy thuốc ngoại khoa. Thầy thuốc cưa cán tên nhưng không lấy đầu tên ra. Vậy mà thầy bảo với bệnh nhân là việc thầy đã xong. Bệnh nhân hốt hoảng hỏi thầy: “Sao thầy không lấy mũi tên trong người tôi ra?” Thầy thuốc trả lời: “Bởi đó là việc của thầy thuốc nội khoa.”
Nhiều người trốn tránh trách nhiệm theo kiểu cưa mũi tên. Họ làm ít chừng nào hay chừng ấy và luôn cố để ai khác hoàn tất công việc. Họ không bận tâm nếu có chuyện gì không tốt xảy ra miễn là sự khiển trách có thể trút lên người mà đưa ra sự phê chuẩn cuối cùng hoặc hoàn tất công việc.
Hàn nồi
Một người nội trợ thấy cái nồi bị nứt bèn gọi thợ hàn nồi đến. Thợ hàn nhờ bà đi nhóm lửa để anh ta có thể cạo nhọ nồi xem cho kỹ vết nứt. Chủ nhà vừa ra khỏi phòng, thợ hàn bèn lấy búa gõ nhẹ vết nứt cho nó lớn ra đến mức gần như không sửa được nữa. Khi nhọ nồi đã cạo sạch, bà chủ bảo: “Vết nứt lớn hơn tôi nghĩ nhiều.” Thợ hàn tán đồng: “Việc này e là khó đây. May cho bà gặp được tôi là thợ giỏi.” Bà chủ nói: “Anh nói đúng đấy. Để hỏng thêm một chút nữa là không sửa được rồi.”
Thường là cần làm cho tình huống tệ thêm một chút để đảm bảo những nỗ lực của bạn được đền đáp xứng đáng. Nhưng bạn phải rất cẩn thận không để vấn đề xấu đi đến mức không thể cứu chữa được.
Hai loại chính sách ngoại giao
Kiểu du côn và kiểu kỹ nữ
Lý bàn luận hai chiêu bài mà theo đó các quốc gia thực hiện chính sách ngoại giao của họ: Kiểu du côn và kiểu kỹ nữ. Kỹ nữ có bộ mặt dày. Bọn du côn có tâm đen.
Ở phương Đông, khi một người đàn ông ở bên một kỹ nữ, cô ả phỉnh phờ anh ta. Ả dùng lời đường mật ca ngợi anh ta đẹp trai và chung tình. Ả thề non hẹn biển rằng tình yêu của ả đối với anh ta sẽ mãi mãi không phai. Tất nhiên, cô ả không hề nói thật lòng.
Lý nói rằng chính sách ngoại giao của Nhật Bản trước thế chiến thứ hai dựa trên nguyên tắc của Mặt Dày, Tâm Đen. Các nhà ngoại giao Nhật đóng vai trò của ả kỹ nữ trong đàm phán với các nước khác. Họ tâng bốc các nhà lãnh đạo. Họ tán dương tình bạn giữa hai nước. Họ khoa trương về một thế lực hùng mạnh do hai nước liên kết lại. Họ chẳng hề thật lòng về những gì họ nói hơn là một ả kỹ nữ. Bất cứ khi nào có lợi cho họ khi làm thế, họ sẽ phá vỡ những hiệp ước và lập những lời hứa tương tự với một nước khác.
Gã du côn là một kẻ hung bạo vô lương tâm sẽ dùng bất cứ vũ khí nào có được để đánh đập cho nạn nhân phải khuất phục. Quân đội Hoàng gia Nhật cư xử như một tên côn đồ thông thường, đánh đập và cướp bóc láng giềng sau khi sự nghi ngờ của họ đã bị giải giáp bởi những dối trá đường mật của ả kỹ nữ.
Lý Tôn Ngô qua đời năm 1943, khi quân Nhật vẫn còn kiểm soát phần lớn quê hương ông. Lý thuyết của Lý về chính sách ngoại giao vẫn còn đúng cho đến ngày hôm nay.
Một ví dụ gần hơn là là chuyến viếng thăm của George Bush. Đến Nhật Bản vào tháng Một năm 1972. Trong mắt người Nhật, George Bush và phái đoàn của ông cư xử như bọn du côn khi đòi hỏi Nhật Bản mở cửa thị trường của họ. Trong thực tế, người Nhật đang thực hành chính sách ngoại giao kiểu kỹ nữ với Hoa Kỳ như một đối tác chiến lược. Theo đó, chính phủ Nhật luôn phát biểu nối lại mối gắn kết của tình bằng hữu giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, cứ tuyên bố rằng Nhật Bản nợ Hoa Kỳ về sự viện trợ hào phóng sau Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, những từ tình bằng hữu và sự cảm thông diễn tả bởi người Nhật rất giống với lời thề của ả kỹ nữ về tình yêu vĩnh cữu đối với những khách làng chơi của ả.
Theo một cách thức tinh tế hơn, ít kịch tính hơn, tất cả các quốc gia đều sử dụng kết hợp hai chiến lược – cả hai kiểu kỹ nữ và kiểu côn đồ – trong những cuộc đàm phán quốc tế phức tạp của mình.
Sợ Vợ
“Tâm lý sợ vợ của người chồng cũng tự nhiên như trời và đất.
Đó là một việc thiên kinh địa nghĩa.”
– Lý Tôn Ngô.
Ở Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Á khác, số mệnh của người vợ là phục tùng chồng. Trong tầng lớp nông dân Trung Quốc, đúng là phụ nữ bị đối xử như một đối tượng thấp kém hơn. Nhưng trong những giai cấp có học ở Trung Quốc, người ta luôn hiểu rằng những người đàn ông thực sự xứng đáng tôn kính luôn sợ vợ. Cũng đúng là càng lên cao hơn trong trật tự xã hội, thái độ này càng thịnh hành.
Lý cho rằng điều này không phải là ngẫu nhiên. Ông nói một người đàn ông vươn lên trong thế giới tương ứng với mức độ anh ta sợ vợ. Lực điền coi vợ như chó ngựa. Vì thế, bản thân anh ta không hơn gì một con vật. Một người sợ vợ sẽ sống đúng đắn sao cho vui lòng vợ. Nhờ cách sống đúng đắn, anh ta sẽ vươn lên trong thế giới. Với một người đàn ông như thế, vợ trở thành nguồn sức mạnh và chỗ nương náu trước những bất hạnh của thế giới.
Lý đặt một tầm quan trọng hầu như là thần bí cho thái độ sợ vợ. Vợ của một người đàn ông là người mà anh ta phó thác cả cuộc đời mình. Vì tình yêu đối với vợ và nỗi sợ vợ, anh ta đi vào thế giới để tạo tên tuổi cho bản thân. Lý khẳng định rằng sợ vợ là đức hạnh cao nhất. Ông tin rằng nếu mỗi người đều sợ vợ, một trật tự xã hội thực sự nhân từ sẽ tái hiện và phẩm cách của đất nước Trung Quốc sẽ được khôi phục.
Lời bình của tác giả
Lý là một người có cái nhìn thấu suốt độc đáo về bản chất con người. Ông có khả năng hoàn toàn không đếm xỉa đến sự chỉ trích của người khác, và nhờ thế ông có thể tuyên bố Hậu Hắc Học là một tôn giáo và bản thân ông là giáo chủ của tôn giáo này.
Là người sáng lập một tôn giáo mới, ông tuyên bố ngang hàng với Giáo hoàng La Mã. Chỉ riêng tuyên bố này không đã mang lại sự chống đối mạnh mẽ, đặc biệt trong giới tôn giáo, từ nhiều người Trung Quốc ở thời điểm chuyển sang thế kỷ hai mươi. Tôi không chắc lắm về mức độ nghiêm túc của Lý đối với địa vị giáo chủ. Tuy nhiên, ông vô cùng nghiêm túc về thuyết Hậu Hắc của mình. Bất chấp tất cả những đòn đánh, ông cống hiến cuộc đời mình cho khuếch trương học thuyết này. Tôi nghiêng mình kính phục Lý vì sự dũng cảm và sẵn sàng bước theo một nhịp trống khác ở một thời điểm và một nơi mà không có gì được đánh giá cao hơn sự tuân thủ.
Lời bạt
Những ứng dụng của Mặt Dày, Tâm Đen không có bờ bến. Giới hạn duy nhất là khả năng bạn hiểu và đưa những nguyên lý này vào trong những nỗ lực hàng ngày của bạn. Trong suốt cuốn sách này, tôi đã phân tích những cấu tứ khác nhau của Mặt Dày, Tâm Đen. Những cấu tứ tưởng như riêng rẽ và cá thể này giống như những mặt cắt của một viên kim cương. Không được mài sắc, viên kim cương cũng chỉ là một cục đá. Điều quan trọng cần nhớ lấy là không có những thuộc tính đặc trưng của những cấu tứ này, thì không có Mặt Dày, Tâm Đen.
Trí tuệ của Mặt Dày, Tâm Đen không phải là sự sáng tạo của tôi. Tôi chỉ là một phương tiện chuyển chở khái niệm này đến cho bạn. Những nguyên lý này bắt nguồn từ nguồn hiểu biết vô tận về quy luật tự nhiên.
Tôi là ai, cuộc đời mà tôi đã sống, và trí thức mà tôi đã có thể lĩnh hội được tất cả điều góp phần vào sự nhận biết của tôi về sự uyên thâm của Mặt Dày, Tâm Đen. Cũng như hầu hết mọi người, một số khía cạnh của Mặt Dày, Tâm Đen đến với tôi như một bản năng thứ hai, một số có thể học dễ dàng, và vẫn có một số khía cạnh mà tôi phải vật lộn không ngừng để thành thục.
Viết cuốn sách này vừa dễ lại vừa khó. Cái khó là Mặt Dày, Tâm Đen là một khái niệm trừu tượng tồn tại trong mỗi chúng ta. Thách thức của việc chia nhỏ ý tưởng này thành các chương và đoạn là một quá trình tự vấn với vô số những điểm xuất phát sai.
Một khi công việc cuối cùng đã đi vào đúng đường, các chủ đề của từng chương dường như xuất hiện một cách thần kỳ trong cuộc sống của tôi hoặc cuộc đời của những người quen biết gần gũi. Những kinh nghiệm này trực tiếp liên quan đến những gì tôi viết mỗi ngày. Nhiều lần, những người đến từ đâu đâu ấy để kể cho tôi những câu chuyện sống động về bản thân họ và sau đó biến mất khỏi cuộc đời tôi. Mỗi khi tôi cần trích dẫn, tôi tìm được đúng cuốn sách đang cần chẳng mất chút công sức nào và lật ngay đến trang mình muốn. Thậm chí những cuộc trò chuyện thông thường với bạn bè cũng lại cung cấp cho tôi điều còn thiếu cho một chương nào đó.
Bởi thế tôi cúi mình cảm tạ ý chí toàn năng. Nhờ sự sáng suốt của Ngài, cuốn sách này đã thành hiện thực. Như nhà soạn nhạc vĩ đại Johann Sebastian Bach đã nói: “Soli Deo Gloria”, vinh quang chỉ thuộc về Thượng đế.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.