Một, Hai, Ba Những Cái Chết Bí Ẩn

Chương Ba (4)



IX

Poirot đi bộ về nhà. Ông tư lự. Về đến nhà, ông gọi điện thoại cho Japp.

– Thứ lỗi cho tôi đã quấy rầy ông, ông bạn thân mến – ông nói – và tôi muốn biết ông đã tìm thấy bất kỳ điều gì chưa về bức điện mà Gladys Nevill nhận được.

– Cái vụ đó vẫn tiếp tục làm cho ông quan tâm? Này, bởi vì điều đó làm cho ông lo lắng, ông nên biết rằng có một bức điện! Việc hai người đã được sắp xếp. Bà cô sống ở Richbourne trong vùng Somerset. Bức điện đã được đánh đi từ Richbarne, là một vùng ngoại ô của London như ông biết.

– Rất rõ, điều đó rất rõ – Poirot nói – Nếu cô Nevill xem bức điện để biết nó được đánh đi từ đâu, thì chữ “Richbarne” khá giống “Richbourne” để thuyết phục cô là từ Somerset đến…

Sau một lúc im lặng, ông nói thêm.

– Japp, ông có biết điều mà tôi đang nghĩ không?

– Không.

– Này, tôi đang tự nói với mình rằng cái vụ đó do một kẻ rất thông minh điều khiển.

– Hercule Poirot muốn đấy là một vụ giết người, vậy thì đấy là một vụ giết người.

– Ông giải thích bức điện ấy như thế nào ?

– Một sự trùng hợp. Người nào đó đã muốn sai khiến cô gái trẻ…

– Tại sao?

– Ông Poirot thân mến, những việc đó không giải thích được, một kẻ lừa phỉnh làm để chơi đùa. Nếu ông muốn chúng ta hãy nói rằng hắn bị thiệt hại về sự lệch lạc của óc hài hước…

– Dù thế nào đi nữa, rất lạ là người đó đã chọn đúng, để làm một chuyện lạ cho cô Nevill vào hôm mà Morley sắp phạm một sai lầm mà ông đã biết.

– Tôi không nói – Japp xác định – rằng có một mối quan hệ giữa nhân đến quả. Đấy bởi vì cô Nevill đi vắng, Morley thì bị công việc thúc bách, và chính vì bị thúc bách mà ông ta phạm sai lầm!

– Tôi không tin điều đó – Poirot nói.

– Tôi nghi ngờ điều đó. Nhưng ông hãy xem lập luận của ông đưa ông đi đến đâu? Nếu với một ý đồ xác định mà người ta muốn tống cô Nevill đi xa, đấy hẳn là Morley đã gửi bức điện. Do đấy mà ông ta đã cố ý giết Amberiotis và không phải vì tai nạn.

Poirot im lặng, Japp nằn nì.

– Thế thì, Poirot, ông nghĩ gì về việc đó?

– Tôi nói rằng – ông trả lời – có thể là Amberiotis không phải do Morley giết.

– Không thể được. Không ai đến thăm ông ấy ở Savoy cả. Ông ta ăn trưa ở trong phòng mình và các bác sĩ đã khẳng định: Không có một vết thuốc độc nào ở trong dạ dày. Nó không phải bị nuốt qua miệng, mà được tiêm vào. Thế thì? Không, Poirot, cái vụ này là rõ ràng…

– Đấy là điều mà người ta muốn làm cho chúng ta tin.

– Ông cảnh sát trưởng bằng lòng như vậy.

– Và ông ấy không yêu cầu có những sự giải thích nữa về sự biến mất của cô Sainsbury Seale sao?

– Điều đó là một việc khác. Cuộc điều tra đang tiếp tục. Người đàn bà ấy phải ở đâu đó. Người ta không thể biến mất như thế được…

– Người ta bảo rằng có đấy.

– Chết hay là sống, cô ta ở đâu đó. Và theo tôi, cô ấy không chết.

– Tại sao không?

– Bởi vì chúng tôi đã không tìm thấy thi thể cô.

– Tất cả mọi xác thịt được thu về nhanh đến thế à?

– Chắc ông muốn ám chỉ rằng cô ấy đã bị ám sát và một ngày nào đó, chúng tôi sẽ phát hiện ra cô, ở sâu trong một công trường đá, bị băm nhỏ như thịt làm patê?

– Ông bạn thân mến, tôi không nói bóng gió gì cả. Chỉ có điều là theo tôi, hình như trong thực tế có những người biến mất mà người ta không tìm thấy dấu vết.

– Đấy là rất hiếm. Có nhiều người đàn bà biến mất, đồng ý, nhưng cuối cùng hầu như luôn luôn, chúng tôi tóm lại được họ. Chín mươi phần trăm là vấn đề tình cũ. Họ ở đâu đó với một người đàn ông. Tôi không tin rằng đấy là trường hợp của cô Mabelle, hai L, E của chúng ta.

– Người ta biết đâu được – Poirot thận trọng nói – Song tôi đồng ý với ông rằng diều đó ít có khả năng xảy ra. Dù thế nào đi nữa, ông có chắc rằng một ngày nào đó, ông sẽ tìm ra cô ta không?

– Tuyệt đối chắc. Dấu hiệu nhận dạng của cô ta được công bố trên báo chí và phổ biến trên đài phát thanh.

– Tất nhiên, điều đó có thể cho một cái gì…

– Chớ có lo lắng, ông bạn ơi – Japp kết luận – Chúng tôi sẽ lại tìm thấy cô ta cho ông, người đẹp của ông, với những bộ quần áo lót đẹp bằng len và tất cả, và tất cả…

Poirot đặt ống nghe.

* * *

George, rón rén đi vào theo thói quen, đặt lên trên chiếc bàn nhỏ một chai sô-cô-la tỏa hơi và một đĩa gatô ngọt.

– George – ông nói – anh thấy tôi rất bối rối.

– Thực à, thưa ông? Tôi ngao ngán về điều đó.

Poirot tự rót một tách sô-cô-la. Ông khuấy cái thìa rất lâu trong món ăn lỏng như kem này mà không nói một lời nào. George, ân cần và kính cẩn, không nhúc nhích. Có nhiều lúc, Hercule Poirot đã tranh luận những cuộc điều tra của ông với người hầu phòng mà ý kiến có lúc rất quý đối với ông. Một số dấu hiệu có thể tuột khỏi một người đầy tớ kém thông minh, và George đã nhận thấy rằng một trong những thời cơ ấy đã tới gần.

– George – Poirot nói – tôi nghĩ rằng anh đã biết tin về cái chết của ông nha sĩ của tôi?

– Ông Morley phải không, thưa ông? Vâng, thưa ông. Rất đáng buồn, thưa ông, ông ta tự bắn một viên đạn súng lục vào mình phải không?

– Đó là dư luận chung. Ông ta không tự tử, ông ta đã bị giết!

– Vâng, thưa ông.

– Và nếu người ta đã giết ông ấy, vấn đề là, phải biết ai đã giết.

– Rất đúng, thưa ông.

– George, tôi nói thêm rằng số người có thể giết ông ấy là hạn chế. Chỉ có thể phạm tội là những người đã ở trong ngôi nhà vào lúc ông ta chết hoặc những người đã có thể có mặt ở đấy.

– Nhất định, thưa ông.

– Những người đó là: một bà nấu bếp và một bà hầu phòng, hai người đầy tớ tận tụy mà tôi sẽ gạt ra không chút do dự; một bà chị yêu ông ta mà tôi tưởng tượng là giết em, vì thừa kế em, lý do tài chính mà chúng ta không thể tự cho phép bỏ qua; một người cộng tác thông minh, năng nổ, đã hành động vì một lý do mà chúng ta không biết; một người phục vụ khá đần độn, trong óc nhét đầy chuyện tiểu thuyết trinh thám; và cuối cùng, một người Hy lạp có tiền sử khá nghi ngờ.

George húng hắng ho.

– Với những người nước ngoài này, thưa ông…

– Tôi hoàn toàn đồng ý với anh, George. Anh chàng Hy lạp là một tội phạm đã được chỉ rõ. Có điều là người ấy cũng đã chết, chắc là bị Morley giết, mà chúng ta không thể nói rằng ông này đã cố ý giết anh kia hoặc đấy là kết quả của một sự nhầm lẫn tai hại.

– Thưa ông, có thể là hai người đã giết lẫn nhau. Người ta có thể giả thiết rằng, mặc dù không biết ý định của nhau, họ có những ý định giết người, người này giết người kia, và họ đã thực hiện.

Hercule Poirot đồng ý bằng một chuỗi những tiếng càu nhàu nhỏ.

– Rất khéo léo, George ạ – ông nói tiếp sau đó – Nha sĩ ám sát người hào hoa tội nghiệp ngồi ở trong ghế bành mà ông không nhận thấy rằng vào cùng lúc đó nạn nhân của ông ta cũng rút súng lục từ túi ra để giết ông vào lúc gần nhất. Các sự việc có thể xảy ra như vậy, nhưng giả thuyết này không hấp dẫn tôi. Vả lại, danh sách những người tình nghi của chúng ta chưa kết thúc. Còn có hai người có thể có mặt ở trong nhà vào thời gian đấy. Người ta đã thấy những người bệnh đến trước ông Amberiotis đã đi ra, chỉ trừ một người, một người Mỹ trẻ, đã rời phòng đi ra vào lúc mười hai giờ kém hai mươi, nhưng không ai thấy anh ta đi ra khỏi nhà cả. Vậy thì chúng ta phải xếp anh ta vào số những người có thể cũng phải có tên trong danh sách. Một anh chàng Frank Carter nào đó, anh ta không phải là người bệnh, nhưng anh ta đến sau mười hai giờ một chút với hi vọng gặp ông Morley. Anh này cũng thế, không ai thấy anh ta rút lui cả. Đấy là những sự kiện, anh George. Anh nghĩ gì về những sự kiện đó?

– Thưa ông, tội ác đã xảy ra vào lúc mấy giờ?

– Vào khoảng giữa mười hai giờ và mười hai giờ hai lăm, nếu tội phạm là ông Amberiotis. Nếu tội phạm là người nào khác, thì sau mười hai giờ hai lăm, vì nếu sớm hơn, thì ông Amberiotis đã thấy xác chết.

George suy nghĩ, Poirot nhìn anh ta khích lệ.

– Thế thì sao, George ?

– Một ý nghĩ chợt loé lên trong tôi, thưa ông…

– Thế à?

– Thưa ông, đấy là việc ông cần phải tìm một nha sĩ khác.

– George – Poirot la lên – anh xuất sắc hơn ngày thường lắm! Đúng thế, đấy là một điều hiển nhiên mà tôi chưa nhận thấy.

George phấn khởi, rời căn phòng.

Poirot uống từng ngụm nhỏ nước sô-cô-la, vừa suy nghĩ tới những sự kiện mà ông vừa kiểm lại kỹ càng. Vụ này có vẻ thuận lợi như ông vừa tóm tắt trên những nét lớn. Kẻ giết người, dù động cơ như thế nào, nhất thiết phải là một trong những người mà ông đã nói đến.

Đề xuất ấy vừa được trình bày ra, Poirot nhận thấy ngay bản danh sách của ông không đầy đủ: ông đã quên mất một tên.

Tất nhiên, chưa hẳn là tên của kẻ giết người.

Nhưng con người đó đã có mặt ở trong ngôi nhà vào lúc giết người, ông ta phải được ghi vào danh sách.

Dưới tất cả tên của những người khác, Poirot viết tên của ông Barnes vào.

X

– Thưa ông – George nói – có một bà yêu cầu nói chuyện với ông ở điện thoại.

Vài ngày trước đây, Hercule Poirot đã nhầm khi thử đoán tên của một bà đến thăm ông. Lần này, ông dự đoán đúng: giọng nói đập vào tai ông chính là giọng của người mà ông đang đợi.

– Ông Hercule Poirot đấy phải không?

– Chính tôi đây.

– Jane Olivera, cháu gái ông Alistair Blunt đây.

– Kính chào cô, cô Olivera.

– Ông có thể đến nhà chú tôi không? Theo tôi, ở đấy, ông sẽ biết được nhiều việc lý thú.

– Có thể được. Giờ nào thì thích hợp với cô?

– Sáu giờ rưỡi được không?

– Hãy tin ở tôi.

– Tôi hy vọng rằng tôi đã không quấy rầy ông trong công việc.

– Không đâu, cô Olivera ạ. Tôi đang chờ điện thoại của cô.

Hercule Poirot mỉm cười bỏ máy xuống. Ông tự hỏi Jane Olivera đã tưởng tượng ra cái cớ gì để thuyết phục Alistair Blunt triệu ông đến nhà.

Ngay khi ông đến, người ta đưa ông vào trong một thư viện rộng có cửa sổ nhìn ra sông Tamise. Ngồi trước bàn giấy, Alistair Blunt đang lơ đễnh chơi với con dao rọc giấy. Ông ta có vẻ mệt nhoài của một người đàn ông bị các bà vợ “của ông ta” quấy rầy. Jane Olivera đứng ở gần lò sưởi với một người đàn hà đứng tuổi, nhỏ và béo, người đã tuyên bố ầm ĩ rằng người ta không thể “không chú ý đến ý kiến của bà ta về vấn đề đó”, khi Poirot vào.

Alistair Blunt đã trả lời bà rằng bà rất có lý và đứng dậy để tiếp Poirot.

– Vì bây giờ sắp đến vấn đề về tất cả những sự xấu xa – người đàn bà tử tế nói thêm – nên tôi tin là tôi phải rút lui.

– Thưa mẹ, ở vị trí mẹ, đấy là đều con sẽ làm – Jane Olivera nói.

Theo lời khuyên của con gái, bà Olivera ra khỏi căn phòng, vẻ oai vệ, không tỏ ra nhận thấy sự có mặt của Poirot.

– Ông Poirot – Alistair Blunt nói – ông đã chịu phiền thật là quý quá. Cô Olivera, tôi chắc là ông biết? Chính cô ta đã đề nghị tôi ra hiệu cho ông…

– Đấy là vấn đề về người đàn bà đã biến mất ấy – Jane Olivera giải thích – Cô ấy có cái tên khó nói quá, Seale.

– Cô Sansbury Seale.

– Đúng đấy! Vì là cái tên kiêu kỳ, nên người ta không thể làm hơn được.

– Chúng ta hãy bỏ qua đi! Thưa chú, ai nói đây, chú hay là cháu?

– Theo chú, đấy là cháu.

Jane Olivera lại ngoảnh về phía Poirot.

– Ông Poirot – cô nói – có thể là điều mà tôi sắp kể với ông không quan trọng, nhưng theo tôi, ông cũng cần phải biết nó.

– Tôi xin nghe cô.

– Lần cuối cùng mà chúng tôi đến chỗ nha sĩ… không phải là ngày hôm kia, mà cách đây đã ba tháng, tôi đã đi cùng chú tôi. Ông đi bằng chiếc xe Rolls, chiếc xe này sau đó phải đưa tôi đến nhà một người bạn ở công viên Nhiếp chính rồi trở lại đón ông. Chiếc xe dừng trước số nhà 58 đường Hoàng hậu Charlotte, chú tôi xuống xe và đúng lúc đó có một bà từ trong nhà đi ra, một bà rất trẻ, với mái tóc luộm thuộm và thuộc loại nghệ sĩ. Bà ta lao thẳng vào chú tôi và bằng giọng trịch thượng bé nhỏ, bà ta bảo ông: “A! Ông Blunt! Tôi chắc rằng ông không nhớ tôi nữa!” Tất nhiên tôi nhìn thẳng ngay vào mặt của chú tôi, biết rằng bà ấy không nhầm và chú tôi không nhớ đã gặp bà ấy.

Alistair Blunt thốt ra một tiếng thở dài.

– Có nhiều người bắt chuyện với tôi bằng cái câu lấy cớ ấy.

– Chú tôi chờ – Jane Olivera nói tiếp – phần sau với nét mặt mà tôi biết rất rõ, một vẻ cả tin lịch sự không thể đánh lừa một đứa bé ba tuổi. Với một sự thiếu hoàn toàn tự tin, ông tuyên bố ông nhớ rõ bà ta. Bà này tiếp tục nói “Tôi là người bạn lớn của bà vợ yêu quý của ông!”.

– Thực tế, bà ta có biết bà nhà không? – Poirot hỏi.

– Thực rất khó nói – Blunt trả lời – Sự việc mà bà ấy quan tâm đến các hội Truyền giáo ở Zenana làm cho tôi tin rằng, nếu bà ta biết vợ tôi, thì đấy là lúc mà chúng tôi ở Ấn Độ, cách đây đã hàng chục năm. Dù sao đi nữa, bà ta không thể là người bạn lớn của Rebecca được. Nếu không, tôi cũng đã biết bà ta. Chắc chắn là bà ta đã gặp nhà tôi trong một phòng tiếp nào đó.

– Theo tôi – Jane Olivera nói – bà ta chưa bao giờ gặp thím tôi. Có điều là bà ấy cần có một cái cớ để nói chuyện với chú…

– Rất có thể!

Trong giọng nói có nhiều sự độ lượng.

– Dù thế nào đi nữa – Jane Olivera nói tiếp – cháu thấy rằng cách thử làm quen với chú ấy là rất đặc biệt.

Blunt nhún vai.

– Bà ta muốn tiền quyên góp của chú, chỉ có thế.

– Bà ấy có trở lại nài xin sau đó không? – Poirot hỏi.

– Không – Blunt nói – Tôi không nghe nói đến bà ta nữa, và ngay cả tên của bà, tôi cũng đã quên khi Jane phát hiện thấy nó trên một bờ báo hàng ngày.

Jane Olivera kết luận không tin chắc lắm.

– Dù sao, ông Poirot, tôi nghĩ rằng đấy là một việc nhỏ mà ông cần phải biết.

Poirot đứng dậy.

– Tôi cảm ơn cô, cô Olivera, và tôi xin về. Bởi vì tôi biết ông rất bận, ông Blunt.

– Để tôi dẫn ông đi – Jane nói.

Hercule Poirot nhếch mép mỉm cười.

Họ song song đi xuống cầu thang. Đến tầng trệt, Jane Olivera mời Poirot vào trong một căn phòng nhỏ nhìn ra phòng lớn.

Khép cửa xong, cô ta nhìn vào ông và nói:

– Hồi nãy, ông muốn nói gì khi ông tuyên bố rằng ông chờ một cú điện thoại của tôi?

Poirot xòe hai bàn tay ra, dơ gân bàn tay lên.

– Đơn giản thôi, điều mà tôi nói – ông trả lời với một nụ cười – Tôi chờ một cú điện thoại của cô… và nó đến!

– Ông đã biết rằng tôi gọi điện thoại cho ông là vấn đê của bà Sainsbury Seale ấy sao?

Poirot lắc đầu.

– Điều đó, đấy chỉ là một cái cớ – ông giải thích – Nếu cần cô sẽ tìm thấy một cái khác.

– Nhưng tại cái quái gì mà ông đã có ý định gọi điện thoại cho tôi.

– Đề nghị cô nói cho tôi biết, điều chỉ dẫn nhỏ có liên quan đến bà Sainsbury Seale, tại sao cô lại lại cung cấp cho tôi mà không phải cho sở cảnh sát, như đấy là một điều tất nhiên?

– Rất tốt, thưa ông, rất tốt! Ông biết chính xác như thế nào?

– Tôi biết rằng – Poirot trả lời – cô quan tâm đến tôi từ khi cô biết rằng ngày hôm kia, tôi đã tới thăm một người nào đó ở khách sạn Holborn Palace.

Cô ta nhìn ông với một trạng thái sững sờ thực sự. Cô ta đã đổi sắc mặt. Chưa bao giờ Poirot tin rằng một màu da nâu như vậy đã trở nên xanh mét đi.

– Cô mời tôi đến đây – ông nói tiếp, rất bình tĩnh – bởi vì cô muốn biết điều mà tôi có ở trong bụng. Xin cô thứ lỗi cho tôi cách diễn đạt. Điều mà cô muốn biết, đấy là điều mà tôi biết về ông Howard Raikes.

– Tôi không biết ông nói về ai cả.

Bỏ qua điều khẳng định, thốt ra không có hi vọng lớn ấy, Poirot tiếp tục:

– Tôi sẽ tránh cho cô cái khó khăn để đặt ra cho tôi những câu hỏi khéo léo mà chắc chắn cô đã nghĩ tới. Tôi sẽ nói với cô điều mà tôi biết hoặc đúng hơn, điều mà tôi đã đoán được. Lần đầu tiên tôi đến đây với thanh tra Japp, cô đã ngạc nhiên về việc gặp chúng tôi… và rất lo lắng. Ngay sau đó cô đã nghĩ tới cái gì đó đã xảy đến cho chú cô. Tại sao?

– Trời ơi, bởi vì ông thuộc về những người mà các sự việc có thể xảy đến. Một hôm sau một vụ vay mượn ở vùng Ban căng mà tôi không biết vụ nào, ông đã nhận một quả bom qua bưu điện. Và chú tôi thường thấy những lá thư đe dọa trong thư tín của ông.

– Thanh tra trưởng Japp lúc đó đã nói với cô rằng – Poirot lại nói – một nha sĩ, ông Morley đã bị giết. Cô còn nhớ câu trả lời của cô không? Cô đã nói: “Nhưng thật là ngớ ngẩn!”.

Cô ta cắn môi.

– Tôi nói thế à? – Cô ta nói – Đây chính là sự suy nghĩ ngớ ngẩn!

– Đối với tôi nó tỏ ra lạ lùng hơn là ngớ ngẩn. Nó để lộ ra rằng cô biết cuộc sống cửa ông Morley và cô chờ đợi một điều gì đó xảy ra, không phải cho ông ta nhưng hẳn là ở nhà ông ta…

– Ông thích kể những câu chuyện phải không?

Poirot không chú ý, tiếp tục:

– Cái điều gì ấy phải xảy ra ở trong nhà Morley, cô chờ đợi nó, hoặc đúng hơn, cô sợ nó. Khi thấy chúng tôi, cô đã sợ rằng có điều gì đó xảy ra cho chú cô. Vậy thì cô đã biết điều gì đó mà chúng tôi không biết. Tôi đã kiểm tra lại kỹ càng những người đến vào sáng hôm ấy ở số 58 đường Hoàng hậu Charlotte, tôi phát hiện ra ngay lúc đầu con người duy nhất mà cô có thể quan hệ một cách phải lẽ: đấy là người Mỹ trẻ mà chúng ta vừa nói tới ngay vừa rồi, ông Howard Raikes.

– Hay như một tiểu phẩm! Tôi sốt ruột chờ đợi hồi tiếp theo.

– Tôi đã đi gặp ông Howard Raikes. Đấy là một con ngừơi phải có một sự hấp dẫn nào đó và nguy hiểm…

Ông không nói nữa. Ông chú ý nhìn khuôn mặt của cô gái. Cô ta mơ mộng. Sau một lát, cô mỉm cười.

– Tôi chịu thua – cô nói – Ông Poirot, ông đã thắng. Tôi sợ đến chết được, thực đấy!

Bây giờ cô nghiêm túc nói:

– Ông Poirot, tôi sắp nói với ông một số sự việc mà tôi thích chính tôi kể cho ông, vì tôi nhận thức được rằng cuối cùng ông sẽ phát hiện ra chúng.

Người đàn ông ấy, cái anh Howard Raikes ấy, tôi yêu anh ấy. Mẹ tôi đã đưa tôi đến châu Âu, ít ra đấy cũng là một trong những lý do lưu trú của chúng tôi, một số lý do khác mà bà hy vọng là biết chú tôi sẽ để lại cho tôi tài sản của ông. Bà ngoại tôi là chị của Rebecca Arnholt và tôi chỉ là cháu gái của Alistair Blunt, nhưng ông chú tôi không có bà con gần. Thế là tôi rất thực thà với ông, ông Poirot, mẹ tôi là như vậy. Chúng tôi rất giàu – giàu kinh khủng, theo cách nói của Howard – nhưng tài sản của chúng tôi không đáng gì bên cạnh tài sản của ông chú tôi và mẹ tôi xem tôi là người thừa kế duy nhất của ông ấy.

Cô im lặng một lúc, suy nghĩ. Rồi cô lại nói.

– Làm thế nào để làm cho ông hiểu? Howard ghét những ý niệm mà tôi được nuôi dạy ở trong đó, và muốn tiêu diệt chúng. Và đôi khi tôi cũng nghĩ như anh ấy. Tôi thích ông chú Alistair của tôi lắm, nhưng có những lúc, ông làm cho tôi bực tức. Ông ấy rất tư sản, rất khôn ngoan, rất Ăng lê. Có lúc tôi tự bảo rằng ông thuộc những con người làm cản trở sự tiến bộ, những con người nhất thiết phải biến đi nếu người ta muốn có thể làm một điều gì đó.

– Hình như ông Raikes đã chuyển đổi cho cô những ý kiến của ông ta?

– Có và không! Howard đi xa hơn hầu hết mọi người. Nhưng nhiều người đồng ý với anh ấy về một điểm nào đó, nhiều người cho rằng người ta có thể toan tính một điều gì đó với chú Alistair và những người cùng hạng với ông, nếu những người này đồng ý… Nhưng họ sẽ không bao giờ muốn. Họ khôn ngoan ngồi trong ghế hành của họ, họ lắc đầu và họ nói: “Chúng tôi không thể mạo hiểm điều đó” hoặc: “Về mặt kinh tế, điều đó không đứng vững” hoặc: “Chúng tôi phải tính đến trách nhiệm của chúng tôi” hoặc: “Không nên quên những bài học của Lịch sử”… Thế mà, đấy đúng là điều phải làm. Lịch sử, đấy là quá khứ. Người ta thấy nó bằng cách ngoảnh lại phía sau. Và chính là phải nhìn về phía trước.

– Rất bổ ích, điều mà người ta thấy.

Với giọng trách móc, cô ta trả lời.

– Ông nói như chú Alistair.

– Đấy có lẽ là vì tôi đã già – ông nói.

Một sự yên lặng tiếp theo. Rồi bằng một giọng rất khác, giọng hơi cụt ngủn mà ông dùng để hỏi, Poirot hỏi tại sao Howard Raikes đã nhất định phải có một cuộc hẹn gặp vào sáng hôm ấy ở nhà ông Morley.

– Đấy là ý kiến của tôi – Jane Olivera tuyên bố – tôi muốn anh ấy. Chú Alistair và tôi đã không có cách nào khác. Anh ấy nói về ông chú tôi những điều độc ác lắm và bất công lắm. Anh ấy đã nói về chú tôi với một sự căm ghét đến mức mà tôi muốn làm một cái gì đó. Tôi tin chắc rằng tình cảm của anh ấy sẽ thay đổi, nếu anh ấy gặp chú tôi, dù chỉ là một lần. Anh ấy không phát hiện ra rằng chú Alistair là một người tử tế, giản dị như tất cả mọi người, nhã nhặn, dễ mến. Thế mà, tổ chức một cuộc gặp ở nơi khác, là không có thể được vì mẹ tôi sẽ làm hỏng hết…

– Và – Poirot hỏi – chính bởi vì cô sắp xếp cuộc gặp gỡ ấy mà cô đã sợ?

– Vâng – cô rì rầm, vừa cúi đầu xuống – Bởi vì, đôi khi Howard dễ bị kích thích. Anh… anh…

Poirot tiếp lời.

– Anh ta tán thành hành động trực tiếp. Khi người ta muốn phá hoại, tiêu diệt, hủy diệt…

Cô ngắt lời ông bằng một tiếng thét:

– Đừng nói nữa, ông Poirot, tôi van xin ông.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.