Một, Hai, Ba Những Cái Chết Bí Ẩn
Chương Hai
I
Ba giờ kém mười lăm, chuông điện thoại réo.
Hercule Poirot đánh một giấc ngủ sau bữa ăn trưa ngon lành, nằm im không động đậy. Ông chờ cho cậu George trung thành đến nghe máy.
– Thưa ông, chờ cho một lúc – George nói, vừa đặt ống nghe xa tai mình.
– Ai đấy? – Poirot hỏi.
– Thưa ông, thanh tra trưởng Japp.
– A!
Poirot cầm ống nghe.
– Thế nào, ông bạn thân Japp – ông nói – điều gì xảy ra vậy?
– Ông là Poirot?
– Tất nhiên.
– Người ta bảo với tôi rằng sáng nay, ông đến chỗ nha sĩ, đúng không?
– Sở cảnh sát đã thực sự được thông báo.
– Chỗ ông Morley nào đấy ở số 58 phố Hoàng hậu Charlotte?
– Vâng. Tại sao?
Giọng của Poirot đã thay đổi, ông không đùa nữa.
Japp lại nói tiếp:
– Đấy là cuộc thăm viếng thực của ông phải không? Ông không đến đấy vì nhiệm vụ nghề nghiệp chứ?
– Không đâu! Nếu cần phải nói hết với ông, ông biết cho rằng ông ấy đã hàn cho tôi ba cái răng.
– Ông ấy đã cho ông ấn tượng gì? Thái độ của ông ấy không tỏ ra kỳ cục hay sao?
– Không một chút nào! Tại sao?
Japp trả lời bằng giọng bình thản:
– Bởi vì, một lúc sau khi ông đi, ông ấy đã tự sát bằng một phát súng lục.
– Sao?
– Điều đó làm cho ông ngạc nhiên hay sao?
– Thực sự, vâng!
– Còn tôi, ở trong đó có những sự việc làm cho tôi chán… Tôi muốn nói chuyện với ông. Ông không thể đến đây hay sao?
– Ông ở đâu?
– Phố Hoàng hậu Charlotte.
– Được! Tôi đến ngay.
II
Một nhân viên cảnh sát đã mở cửa nhà số 58 cho Poirot.
– Ông Poirot? – Người ấy hỏi bằng giọng kính cẩn.
– Chính là tôi.
– Thanh tra trưởng đang ở phía trên. Ở gác hai, ông biết ở đâu không?
– Sáng nay tôi đã ở đấy.
Có ba người ở trong căn buồng. Japp ngẩng đầu lên khi Poirot vào.
– Sung sướng được gặp ông, Poirot! Chúng tôi sắp khiêng xác chết đi. Đề nghị ông nhìn trước khi khiêng được không?
Một nhà nhiếp ảnh quỳ gần xác chết, đứng dậy. Poirot lại gần thi thể, nằm dài gần lò sưởi.
Ông Morley trong cái chết gần giống như lúc ông còn sống. Ông ấy có một cái lỗ đen nhỏ, ở phía dưới thái dương phải một chút. Trên sàn nhà, gần bàn tay phải mở ra của ông, có một khẩu súng lục.
Poirot lắc đầu.
– Các ông có thể khiêng đi – Japp nói với các nhân viên.
Japp và Poirot ở lại.
– Công việc bình thường đã xong – Japp nói – Các dấu tay, v.v…
– Rồi sao nữa? – Poirot vừa nói vừa ngồi xuống.
– Thế thì – Japp nói tiếp – khả năng ông ấy tự sát cũng có thể đúng. Những dấu tay duy nhất mà người ta tìm thấy ở trên súng là của ông ấy. Nhưng giả thuyết chỉ làm cho tôi thỏa mãn một nửa thôi.
– Tại sao?
– Trước hết, vì hình như ông ấy không có một lý do gì để tự sát cả. Ông ấy khỏe mạnh, làm ra nhiều tiền và theo người ta nói, ông ấy không có những sự buồn phiền. Cũng không có mối tằng tịu vụng trộm nào trong chừng mực mà chúng tôi biết. Trong thời gian gần đây, ông vẫn như thế. Không bằng phẳng, không yếu sức, không buồn rầu. Vì thế, cho nên tôi đã mời ông tới. Ông đã gặp ông ấy sáng nay, ông không nhận thấy gì cả hay sao?
– Không có gì cả. Theo tôi, ông ấy cũng tỏ ra bình thường như mọi khi.
– Ông sẽ thừa nhận đấy là điều lạ thường. Vả chăng, một người có thể tự sát giữa ban ngày, trong khi đang làm việc được chăng? Tại sao ông ấy không đợi đến tối?
– Tấn thảm kịch đã xảy ra vào lúc mấy giờ?
– Tôi không biết chính xác. Hình như, không ai nghe thấy tiếng nổ cả. Vả chăng, điều đó không có gì là ngạc nhiên cả. Giữa hành lang và căn phòng này có hai cái cửa, cả hai đều có dải đệm ở khe cửa. Chắc chắn là ông ấy sợ người ta nghe những tiếng la của người bệnh.
– Có thể.
– Mặt khác, trên đường phố, việc buôn bán rất sầm uất đến nỗi khá tự nhiên là không ai nghe thấy gì hết.
– Ai đã tìm thấy xác chết ?
– Người phục vụ, Alfred Biggs, vào lúc một giờ rưỡi. Nhân tiện nói, anh này không thông minh lắm. Hình như, người đã hẹn gặp ông ấy vào lúc mười hai giờ rưỡi thấy rằng Morley đã bắt ông ta chờ quá lâu. Người ấy gọi người phục vụ, anh này tới gõ cửa phòng nha sĩ. Anh ta không được trả lời, và anh không dám vào. Morley đã vài lần nghiêm khắc cảnh cáo anh và anh ta sợ phạm khuyết điểm. Anh ấy đi xuống lại, nhưng người bệnh – đấy là một phụ nữ – đã bỏ đi vẻ giận dữ, vào lúc một giờ mười lăm. Tôi không cho bà ấy là sai. Bà đã chờ bốn mươi lăm phút và bắt đầu thấy đói.
– Ông có biết tên bà ấy không?
Japp nhăn mặt.
– Theo người phục vụ, người đàn bà ấy gọi là cô Shirty, nhưng theo sổ hẹn, tên bà là Kirby.
– Morley đã làm như thế nào để cho dẫn người bệnh tới phòng ông?
– Khi ông ấy đã sẵn sàng tiếp nhận một người, ông ấn vào cái nút này, báo cho người phục vụ, anh này đi tìm người mà ông chờ.
– Ông ấy đã dùng cái chuông này lần cuối cùng vào lúc nào?
– Lúc mười hai giờ năm phút. Người phục vụ đã dẫn người bệnh ở trong phòng chờ đến cho ông. Theo sổ hẹn, một ông Amberiotis nào đó ở Savoy.
Một nụ cười thoáng qua trên môi Poirot:
– Tôi tự hỏi người phục vụ đã có thể lấy cái tên đó làm cái gì?
– Một món chả băm tệ hại, chắc là thế! Chúng ta sẽ yêu cầu anh ấy đưa món đó, khi chúng ta muốn cười…
– Cái ông Amberiotis ấy lại ra đi vào lúc nào?
– Người phục vụ không đi theo ông ta và không biết gì cả. Có nhiều người bệnh không gọi thang máy để xuống và rút lui không cần phải đưa.
Poirot gật đầu tỏ ra biết rõ.
– Nhưng – Japp nói tiếp – tôi đã gọi điện thoại về Savoy và ông Amberiotis đã khẳng định: lúc ông đi ra là mười hai giờ hai mươi lăm.
– Ông ấy đã không cho biết điều gì quan trọng?
– Không. Ông ấy nói rằng Morley hoàn toàn bình tĩnh, hoàn toàn bình thường.
– Này, theo tôi – Poirot nói – thế là rõ. Giữa mười hai giờ hai mươi lăm và một giờ rưỡi, đã xảy ra cái gì đó. Hẳn là gần mười hai giờ hai mươi lăm hơn là một giờ rưỡi.
– Vâng. Bởi vì, nếu không…
– Nếu không, Morley đã phải cho người bệnh tiếp theo vào…
– Những kết luận của bác sĩ pháp y, trong chừng mực mà chúng có thể tỏ ra thú vị đối với ông, phù hợp với điều mà ông vừa nói. Ông ấy đã xem xét xác chết vào lúc hai giờ hai mươi. Ông ta không muốn cam kết – đấy là cái mốt của các ông ấy bây giờ – nhưng ông tuyên bố rằng Morley không thể chết sau một giờ. Đối với ông ấy, cái chết đã xảy ra rõ ràng là sớm hơn. Nhưng ông ta không muốn khẳng định gì cả.
– Như vậy – Poirot nói một cách đắn đo – vào lúc mười hai giờ hai mươi lăm, nha sĩ của chúng ta là một người bình thường, thấy cuộc sống tươi đẹp và hành nghề với tài năng thường ngày cửa mình. Sau mười hai giờ hai mươi lăm, thất vọng chán nản, điều gì nữa thì tùy… và ông tự sát.
– Thật là lạ lùng! Phải thừa nhận là lạ lùng!
– Lạ lùng không phải là từ thích hợp – Poirot lưu ý.
– Tôi biết, nhưng tôi tự hiểu. Chúng ta nói, tùy ông, đấy là kỳ cục.
– Khẩu súng là của ông ta?
– Không. Ông ta không có súng và không bao giờ có cả. Chị ông bảo rằng ông ấy không có súng ở trong nhà. Tất nhiên là ông ấy đã mua một khẩu. Không khó tin chút nào, nếu ông ấy định kết liễu đời mình. Đây là điểm, tôi nghĩ, chúng ta nên hướng vào.
– Còn cái gì đó làm chúng ta băn khoăn nữa không? – Poirot hỏi.
Japp gãi mũi:
– Có – ông trả lời – Cái cách mà ông ấy nằm dài xuống đất. Tôi không nói rằng một người không thể ngã xuống như vậy, nhưng cái vị trí cửa xác chết cứ làm cho tôi nghĩ là không bình thường. Mặt khác, ở trên tấm thảm có vài cái vết làm cho ta giả thiết rằng người ta đã kéo cái gì đó…
– Rất lý thú.
– Vâng, nếu không phải cậu bé đáng ghét ấy. Tôi có ý niệm lờ mờ rằng cậu ấy đã thử xê dịch cái xác khi cậu tìm thấy. Cậu ấy thề rằng cậu đã không làm gì cả, nhưng tất nhiên, chắc chắn là vì cậu ta sợ. Theo tôi, cậu ta có vẻ một trong những anh chàng phải quở mắng luôn và cuối cùng phải nói dối một cách gần như tự động.
Poirot xem xét căn phòng. Sự chú ý của ông lần lượt hướng về cái chậu rửa mặt đặt gần cửa, cái tủ cao đựng giấy tờ dựa vào tường, cái ghế bành và các phụ tùng của nó đặt đứng trước cửa sổ, và chỗ trải tấm thảm mà hồi nãy cái xác nằm dài trên đấy.
Gần lò sưởi, có một cái cửa lớn. Trả lời cho câu hỏi ngầm của Poirot, Japp mở cửa và nói:
– Đấy là một văn phòng nhỏ.
Đấy là một căn phòng nhỏ xíu, không có cửa khác, bố trí đồ đạc đơn sơ: một cái bàn giấy, vài cái ghế, một cái bàn trên đó có một cái đèn cồn và một cái khay trà.
– Đây là nơi làm việc của cô thư ký cửa ông – Japp giải thích – cô Nevill. Hôm nay, cô này vắng mặt.
– Đấy, thực tế là điều mà ông ấy đã nói với tôi – Poirot nói thêm – Một điểm cần lưu ý để chống lại luận thuyết về tự tử.
– Sự việc là cô ấy không ở đây? – Japp suy nghĩ một lúc – Nếu không phải là tự tử – ông nói tiếp – thì người ta đã giết ông ấy. Nhưng tại sao? Giả thuyết về một vụ giết người cũng tỏ ra ít đáng tin như cái kia. Hình như ông ấy hoàn toàn vô hại và tôi không thấy ai đã muốn giết ông ta.
– Chúng ta hãy nghĩ xem ai đã có thể làm việc đó?
Japp nói:
– Nhiều người. Chị ông có thể từ buồng trên xuống và đã giết ông. Một người ở cũng vậy. Reilly, người cộng tác của ông, có thể đã giết ông. Cậu Alfređ cũng vậy. Cũng còn có thể là một trong những người bệnh, và đặc biệt – vấn đề gì? – cái ông Amberiotis ấy.
– Đứng đấy – Poirot nói – Nhưng phải tìm xem tại sao?
– Chúng ta trở lại vấn đề gốc của chứng ta: tại sao? Amberiotis ở Savoy. Vì lý do gì mà một người Hy Lạp giàu có có thể giết chết một nha sĩ người Anh tầm thường.
Poirot nhún vai:
– Có những lúc – ông nói – cái chết thiếu ý nghĩa nghệ thuật và hình như nhầm lẫn trong việc lựa chọn của nó. Một người Hy Lạp hí hiểm, một chủ nhà băng giàu có, một thám tử nổi tiếng. Ba nhân vật mà việc ám sát không làm ngạc nhiên ai cả. Những người ngoại quốc bí hiểm thường quan tâm đến việc hoạt động gián điệp, những chủ nhà băng giàu có thỉnh thoảng làm những thao tác chắc chắn dẫn họ đến cái chết, và những kẻ phạm tội rất tán thành việc thủ tiêu các thám tử nổi tiếng…
– Trong khi đó thì ông Morley tội nghiệp không là hiểm họa cho một ai cả – Japp nói thêm.
– Đấy là điều mà tôi tự hỏi – Poirot đột nhiên nói.
Japp ngẩng đầu lên:
– Ông biết điều gì ư?
– Không. Đấy là một ký ức trở lại với tôi.
Ông lặp lại cho Japp vài lời của Morley, nói về trí nhớ của ông về diện mạo và về người bệnh ấy mà ông đã nhận ra.
Japp tỏ vẻ hoài nghi:
– Tất nhiên là có thể – ông kết luận – Nhưng theo tôi điều đó tỏ ra gượng gạo. Những người bệnh mà ông thấy sáng nay, theo ông, hình như đáng nghi cả sao?
– Chỉ có một người – Poirot trả lời – Một người thanh niên, có hoàn toàn bộ mặt của kẻ giết người!
– Thế hả?
– Bạn thân mến, tôi nói rõ thêm rằng đấy là ấn tượng mà anh ấy đã gây cho tôi trước khi tôi vào trong phòng của ông Morley. Tôi bồn chồn, lo lắng và hết sức bực bội. Tất cả tỏ ra thê thảm: phòng chờ các người bệnh, cả cái thảm của cầu thang. Sự thật là người thanh niên ấy đau răng kinh khủng, chắc thế.
– Tôi biết đấy là cái gì – Japp nói – Dù sao, chúng ta sẽ nghe điều đó. Chúng ta sẽ nghe tất cả mọi người cho dù đấy là tự tử hay không. Tôi nghĩ rằng chứng ta sẽ có thể bắt dầu từ bà chị của ông Morley, với cô này tôi đã trao đổi một vài câu. Cô ấy đã bị choáng, nhưng cô là một trong số những người đàn bà biết phản ứng. Chúng ta đi gặp cô ấy đi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.