Nhật Ký Của Ngày Mai

CHƯƠNG 10 – NẤC THANG LÊN THIÊN ĐƯỜNG



Sáng hôm sau, tôi quyết định dùng bữa sáng với mẹ trong phòng bà. Điều này có vẻ khiến Rosaleen lo lắng, mợ lảng vảng trong phòng mẹ lâu hơn bình thường, xê dịch đồ đạc, đặt bàn cho chúng tôi ngay trước cửa sổ, vén màn, mở cửa sổ, hơi khép lại một chút, mở hé ra thêm một chút, hỏi xem tôi có thấy gió quá mạnh không.
“Rosaleen, xin mợ đấy,” tôi nhẹ nhàng nói.
“Ừ được rồi, bé con,” mợ đáp nhưng tay vẫn lúi húi dọn giường, đập đập gối rồi nhét vào chăn, tôi sẽ chẳng ngạc nhiên chút nào nếu mợ liếm tấm khăn lót trước khi phủ lên chăn như thể đang niêm phong một bì thư.
“Mợ không cần động tay đâu, ăn sáng xong cháu sẽ dọn giường sau,” tôi nói, “mợ xuống nhà với cậu Arthur đi, cháu chắc là cậu ấy sẽ muốn gặp mợ trước khi đi làm đấy.”
“Phần ăn trưa của cậu đã được để sẵn trên kệ rồi, cậu biết chỗ mà,” mợ tiếp tục vuốt phẳng giường chiếu, nếu có gì không ổn, mợ sẽ làm lại từ đầu.
“Rosaleen,” tôi lặp lại một cách nhẹ nhàng.
Dẫu tôi biết mợ chẳng muốn làm vậy nhưng mợ vẫn liếc mắt nhìn qua tôi. Khi ánh mắt chúng tôi chạm nhau, mợ biết là tôi đã biết tỏng tong tong ý đồ của mợ, nhưng mợ chỉ nhìn chằm chằm vào tôi đầy thách thức. Mợ không nghĩ tôi dám nói thẳng ra. Tôi nuốt nước bọt.
“Nếu mợ không phiền, cháu muốn ở riêng một chút với mẹ. Chỉ riêng 2 mẹ coi thôi, đi mà mợ.” Thế đấy, tôi đã lên tiếng, Tamara Trưởng Thành đã dám nói thẳng suy nghĩ của mình. Nhưng theo sau câu nói của tôi là vẻ mặt tổn thương của mợ, chiếc gối được chầm chậm thả rơi xuống giường, rồi một tiếng thì thào vang lên, “Được rồi.”
Tôi chẳng thấy mình làm gì sai cả.
Cuối cùng mợ cũng rời khỏi phòng và tôi im lặng một thoáng. Không nghe thấy tiếng kẽo kẹt của bậc cầu thang, tôi biết mợ vẫn đang đứng ngoài cửa. Lắng nghe, canh chừng, bảo vệ hay giam giữ chúng tôi, tôi không dám chắc. Điều gì khiến mợ e ngại đến thế?
Thay vì tìm cách buộc mẹ lên tiếng như tôi hay làm suốt tháng vừa qua, tôi quyết định chấm dứt tấn công sự im lặng của mẹ. Thay vào đó, tôi kiên nhẫn ngồi bên cạnh bà, sự yên lặng dường như làm mẹ thoải mái hơn. Thỉnh thoảng tôi đưa một miếng trái cây cho mẹ, mẹ cầm lấy và nhấm nháp. Tôi quan sát gương mặt mẹ, nét mặt say sưa, như thể mẹ đang xem một cảnh tượng tuyệt vời nào đó ở vườn sau mà tôi không tài nào nhìn thấy. Lông mày mẹ hết nhướng lên rồi lại cụp xuống như thể mẹ đang phản ứng lại trước lời nói của một ai đó, đôi môi mẹ cong lại trong một nụ cười e lệ như thể mẹ đang nhớ lại một bí mật thuở xưa. Khuôn mặt mẹ ẩn giấu hàng nghìn bí mật.
Ở bên cạnh mẹ hôi lâu, tôi hôn lên trán mẹ rồi rời khỏi phòng. Cuốn nhật ký từng được tôi ôm trước ngực đầy tự hào giờ được giấu kỹ dưới chiếc áo len đan. Tôi cảm thấy như mình đang chạy đi đâu đó để giấu một bí mật to lớn. Tôi cũng có chút mắc cỡ, phải thừa nhận là vậy. Đám bạn tôi và tôi không có thói quen viết nhật ký. Chúng tôi còn không viết thư cho nhau nữa là. Chúng tôi giữ liên lạc với nhau qua Twitter và Facebook, đăng những bức ảnh chụp chung vào kỷ nghỉ, hay những tối đi chơi, những lần thử quần áo ở phòng thay đồ rồi góp ý cho nhau. Chúng tôi nhắn tin không ngớt, email những câu chuyện ngồi lê đôi mách, chuyền cho nhau những mẩu email buồn cười, nhưng tất cả chỉ là những thứ rỗng tuếch bề ngoài. Chúng tôi nói về những điều có thể nhìn, những vật có thể chạm, không gì khác sâu sắc hơn. Không có tí cảm xúc nào.
Viết nhật ký là thứ Fiona sẽ làm, con nhỏ mà trong lớp chúng tôi chẳng thèm nói chuyện ngoại trừ Sabrina, một con nhỏ quái dị khác. Chỉ có điều con Sabrina này số ngày nghỉ học còn nhiều hơn đi học vì nó bị đau nửa đầu. Nhưng đây là điều mà nhỏ hay làm, tìm một nơi yên tĩnh để ngồi một mình, một góc lớp khi thầy cô chưa vào hay bên dưới tán cây ở sân trường vào giờ ăn trưa. Tôi thường thấy nhỏ cắm đầu vào quyển sách hay hùng hục ghi chép gì đó vào một quyển vở, và tôi thường hay cười cợt nhỏ. Nhưng rõ ràng tôi mới là kẻ đáng cười. Ai biết được nhỏ ấy đang viết gì chứ.
Chỉ có một nơi duy nhất tôi có thể đến để viết nhật ký. Tôi chuồi xuống rút quyển nhật ký giấu dưới giường ra rồi chạy xuống cầu thang, miệng gào lớn, “Rosaleen, cháu ra ngoài đây…” Đôi dép kẹp của tôi gõ lộp bộp lên những bậc thang kẽo kẹt, hôm nay là một ngày nóng nực nữa, và ngay khi tôi nhảy khỏi bậc thang cuối cùng, hạ cánh xuống mặt đất với vẻ khéo léo duyên dáng của một con voi, Rosaleen xuất hiện trước mặt tôi.
“Lạy Chúa, Rosaleen!” tôi áp tay lên ngực.
Đôi mắt mợ quét qua toàn thân tôi, ngừng lại một chút ở quyển nhật ký, rồi lướt ngược lên mặt tôi. Tôi quàng tay che chở cho quyển nhật ký, bảo đảm phân nửa cuốn sách được chiếc áo len che phủ.
“Cháu đi đâu vậy?” mợ lặng lẽ hỏi.
“Chỉ ra ngoài… đi loanh quanh thôi ạ.”
Đôi mắt mợ lại liếc xuống quyển nhật ký. Đơn giản là mợ không thể ngăn mình làm thế.
“Mợ làm vài món cho cháu đem theo nhé? Cháu sẽ đói hóp bụng lên cho coi.”
Đói hóp bụng. Mặt trời nóng bỏng. Lời tạm biệt dài. Chết toi.
“Có bánh mì nâu mới nướng và gà, rau trộn khoai tây và cà chua bi…”
“Không, cảm ơn, cháu ăn sáng no rồi.” tôi dợm bước ra cửa.
“Hãy làm vài lát nhé.” Mợ hơi cao giọng một chút. “Một miếng bánh mì kẹp giăm bông và pho mát. Còn món xà lách trộn thừa từ…”
“Rosaleen. Không. Cảm ơn mợ.”
“Được rồi.” Lại vẻ mặt tổn thương. “Nhớ chú ý an toàn đấy. Đừng có đi lang thang quá xa. Chỉ trong lãnh địa này thôi. Loanh quanh gần nhà thôi nhé.”
Loanh quanh trong tầm mắt của mợ thì có.
“Cháu có định đi đánh trận đâu mà,” tôi phá lên cười. “Chỉ… đi loanh quanh thôi”
Trong một khoảng không khép kín mà ai cũng biết những người khác đang ở đâu vào bất cứ lúc nào ở trong nhà, tôi muốn có một vài giờ riêng tư, của riêng tôi.
“Được rồi,” mợ nói.
“Đừng lo lắng quá vậy mà.”
“Mợ chỉ không an tâm thôi,” mợ nhìn xuống sàn, buông đôi tay đang xoắn vào nhau ra rồi vuốt phẳng chiếc váy tùng xòe. “Mẹ cháu có để cháu đi như vậy không?”
“Mẹ ư? Mẹ sẽ cho cháu đi tuốt lên mặt trăng ấy chứ, để khỏi làu bàu suốt ngày mà.”
Tôi không chắc mặt Rosaleen có dãn ra được chút nào không. Hình như là thêm phần lo lắng thì phải. Đột nhiên vài miếng ghép hình chợt quay về đúng chỗ của nó, và tôi cảm thấy thư giãn một chút. Rosaleen chưa từng làm mẹ, nhưng đột ngột trong căn nhà yên tĩnh của mợ, khi mẹ tôi lâm vào trạng thái ngủ đông, Rosaleen phải đóng vai trò người mẹ của cả hai chúng tôi.
“Ồ, cháu hiểu rồi,” tôi dịu dàng nói. Tôi đưa tay, chạm vào mợ. Người mợ cứng đơ khiến tôi rụt tay lại. “Mợ không cần phải lo lắng cho cháu đâu. Ba mẹ cháu gần như cho phép cháu đi bất cứ chỗ nào cháu muốn. Cháu thường ở trên phố suốt ngày với bạn bè, thậm chí có bữa cháu còn đi London cả một ngày với bạn nữa. Chúng cháu lên đó chơi và trở lại trong ngày. Ba bạn ấy có máy bay riêng. Ngon lành hết sẩy. Máy bay chỉ có sáu chỗ, mà chỉ có mình cháu và Emily thôi, cô bạn có chiếc máy bay đó. Rồi đến ngày sinh nhật lần thứ mười bảy của bạn ấy, ba mẹ bạn ấy cho bọn cháu bay một lượt đến Paris. Chị bạn ấy phải đi theo để coi chừng. Chị ấy mười chín, đang học đại học và có uy lắm.”
Mợ chăm chú lắng nghe tôi kể, có phần quá háo hức, quá băn khoăn, quá nôn nóng và quá mong chờ.
“Ồ, tuyệt vời làm sao,” Rosaleen vui vẻ thốt lên, đôi mắt xanh của mợ háo hức đón chờ từng chữ thốt ra khỏi miệng tôi. Tôi có thể thấy mợ ngấu nghiến lấy chúng ngay khi tôi vừa nói. “Ngày sinh nhật cháu sắp tới rồi. Đó là món quà cháu muốn vào dịp sinh nhật phải không?” Mợ nhìn quanh hành lang của căn nhà cổng lâu đài, cứ như thể mợ sẽ tìm ra một chiếc máy bay ở đâu đó vậy. “Ồ, chúng ta sẽ không thể cho cháu thứ tương tự…”
“Không, không, đó không phải là ý cháu muốn nói. Không phải vì vậy mà cháu kể chuyện này cho mợ nghe. Chỉ là… không quan trọng đâu, Rosaleen.” Tôi nói nhanh. “Cháu nên đi thôi,” tôi lách qua mợ để đi ra cửa. “Dù sao cũng cảm ơn mợ,” tôi nói. Điều cuối cùng tôi thấy trước khi đóng cửa là vẻ mặt băn khoăn của mợ, cứ như mợ vừa nói điều gì sai vậy. Lo lắng về việc cuộc sống cũ của tôi cũng hứa hẹn đem lại cho tôi nhiều thứ hơn là nó có thể. Cứ như một kẻ lụy tình, nó mời tôi nhận lấy trăng sao trên trời trong khi biết rõ nó không thể nào lấy xuống cho tôi. Tôi đã ngớ ngẩn khi tin vào nó. Tôi từng nghĩ rằng có quá nhiều sẽ tốt hơn so với có quá ít, nhưng giờ tôi cho rằng nếu cái quá nhiều ấy không thực sự thuộc về ta, ta chỉ nên lấy đúng thứ thuộc về mình và trả lại số còn thừa. Tôi sẵn sàng chọn cuộc sống đơn giản của Rosaleen và Arthur vào bất cứ lúc nào. Bằng cách đó, ta sẽ, không bao giờ phải trả lại những gì ta yêu quý.
Khi tôi bước ra vườn, người đưa thư đi về phía tôi. Vui mừng khi gặp một người lạ ở chốn này, tôi tươi cười chào ông ta.
“Xin chào,” tôi dừng lại trước mặt ông ta.
“Xin chào quý cô,” ông ta nhấc mũ với điệu chào lỗi thời nhưng thân thiết.
“Cháu là Tamara,” tôi chìa tay ra.
“Rất vui được gặp cháu, Tamara,” ông ta tưởng tôi giơ tay để lấy thư, thế là ông ta cầm chồng phong bì đặt vào lòng bàn tay tôi.
Đằng sau, tôi nghe tiếng cửa mở và Rosaleen ào ra.
“Chào buổi sáng, Jack,” mợ chào và hùng hục đi dọc lối đi. “Để mợ giữ thư cho,” mợ gần như giật chúng khỏi tay tôi. “Cảm ơn, Jack,” mợ nhìn ông ta vẻ nghiêm nghị trong lúc nhét chồng thư vào túi tạp dề như một con kangaroo mẹ.
“Vâng,” ông ta cúi đầu xuống cứ như vừa bị mắng. “Và cho nhà bên kia đường,” ông ta đưa cho mợ thêm vài lá thư nữa rồi quay người, nhảy lên xe đạp và đạp vòng qua góc đường.
“Cháu không định ăn chúng đâu mà,” hơi bất ngờ, tôi thốt lên sau lưng Rosaleen.
Mợ phá lên cười rồi đi vào trong nhà. Càng lúc càng thêm tò mò.
Chỉ có một nơi duy nhất mà tôi có thể đến để viết nhật ký. Cảm thấy hơi nóng của con đường thấm qua đôi dép, tôi nhằm thẳng về phía tòa lâu đài. Tôi mỉm cười khi hàng cây lùi lại phía sau, cứ như bức màn được vén lên cho màn diễn chính vậy.
“Tái chào,” tôi nói.
Với vẻ tôn trọng cao độ, tôi lang thang khắp các gian phòng của tòa lâu đài. Tôi không thể tin nổi một ngọn lửa lại có sức tàn phá đến như vậy. Không có gì, hoàn toàn không có gì cho thấy có người đã từng sống ở đây trong ít nhất một thế kỷ. Không có lò sưởi trên tường, không gạch lát, không giấy dán tường. Hoàn toàn không có thứ gì ngoài những viên gạch, cỏ dại và một nhịp cầu thang dẫn lên tầng lầu không hề tồn tại, vươn thẳng lên bầu trời, cứ như chỉ cần nhảy thêm một bước dài nữa là ta có thể chạm tới mây. Cầu thang dẫn đến thiên đường.
Tôi ngồi xuống chỗ mấy bậc thang dưới cùng và đặt quyển nhật ký lên đùi. Tôi xoay xoay cây bút nặng trịch trộm từ bàn viết của Arthur, nhìn chằm chằm vào quyển sách đóng kín, cố nghĩ xem nên viết cái gì. Tôi muốn những dòng đầu tiên phải mang ý nghĩa gì đó, tôi không muốn phạm sai lầm. Cuối cùng tôi nghĩ ra khúc dạo đầu và mở sách ra.
Tôi há hốc miệng khi nhìn thấy trang đầu tiên. Trong này đã được viết kín chữ, mỗi dòng ngay ngắn đều là… chữ viết của tôi.
Tôi đứng bật dậy, cảnh giác, người cứng đờ, quyển nhật ký rơi khỏi đùi tôi, lăn qua những bậc xi măng rồi nằm yên trên sàn. Tôi vội nhìn quanh, tim đập thình thịch, cố tìm xem có phải đây là trò đùa tàn ác của ai đó không. Những bức tường đổ nát nhìn chằm chằm lại tôi, và đột nhiên tôi phát hiện ra những chuyển động và âm thanh xung quanh mà nãy giờ mình không để ý tới. Bụi cây và cỏ dại xào xạc, sỏi đá lát lách cách, tôi nghe có tiếng chân bước đằng sau và bên trong các bức tường, nhưng chẳng có thứ gì ló đầu ra cả. tất cả chỉ là trí tưởng tượng của tôi. Có lẽ những trang giấy kín chữ trong quyển nhật ký cũng thế.
Tôi hít sâu mấy hơi liền rồi nhặt quyển nhật ký từ dưới đất lên. Bìa da đã bị sỏi đá cào xước và bám đầy bụi. Tôi chà chà nó vào quần cho sạch. Trang đầu tiên bị rách mục sau cú rơi, nhưng rõ ràng đầu óc tôi không chơi khăm tôi, bởi nhìn kỹ lại thì trang đầu, trang hai, lật điên cuồng thêm mấy trang nữa, tôi lại thấy chữ viết của tôi đặc kín trên từng trang giấy.
Không thể nào. Tôi so sánh ngày ghi trên trang đầu tiên và ngày trong đồng hồ. Đó là ngày mai, thứ Bảy. Hôm nay mới thứ Sáu thôi. Chắc đồng hồ của tôi chạy sai rồi. Tôi lập tức nghĩ ngay đến Rosaleen, tới cái cách ánh mắt mợ lướt qua quyển nhật ký hồi sáng. Có phải mợ đã viết không? Không thể nào. Quyển nhật ký được giấu kỹ dưới giường tôi. Cảm thấy choáng váng, tôi ngồi xuống bậc thềm và đọc trang đầu tiên, ánh mắt tôi lướt nhanh như gió qua từng dòng chữ khiến cho mấy lần tôi phải quay trở lại đọc từ đầu.
Thứ Bảy, ngày 3 tháng Bảy.
Nhật ký yêu quý,
Có phải mình nên viết như thế không? Mình chưa bao giờ viết thể loại này trước đây, và mình cảm thấy như một ả ngốc trăm phần trăm, không từ nào diễn tả được. Được rồi, cứ thế thôi, Nhật ký yêu quý, mình ghét cuộc sống của mình. Tóm tắt lại như sau. Ba mình tự tử, bọn mình mất nhà và tất cả mọi thứ. Mình mất đi cuộc sống của mình, mẹ thì mất trí, và giờ bọn mình đang sống ở một nơi khỉ ho cò gáy cùng với hai người khùng. Vài ngày trước, mình ở chung suốt buổi chiều với một cậu trai dễ thương tên là Marcus, anh ta là phó chủ tịch của Dark Central, một thư viện lưu động. Hai ngày trước, mình gặp một bà xơ nuôi ong và phá khóa, còn hôm qua mình đã dành gần như cả buổi sáng trong một phế tích…
Chữ phế tích bị gạch ngang, kế bên nó là:
…tòa lâu đài, ngồi trên cây cầu thang dẫn tới thiên đàng, nhìn nó là muốn bước lên, cao mãi rồi cưỡi mây bay khỏi chốn này. Giờ thì trời mới tối, mình trở lại phòng ngủ để viết vào quyển nhật ký vô tích sự này, xơ Ignatius đã thuyết phục mình làm vậy. À, bà ấy là một bà xơ chứ không phải người chuyển giới như mình từng đoán.
Tôi thở dài và ngước mắt khỏi trang giấy. Chuyện này sao lại xảy ra được? Tôi nhìn quanh tìm câu trả lời. Tôi nghĩ tới việc quay về nhà kể cho mẹ, kể cho Rosaleen, gọi điện cho Zoey và Laura. Nhưng trên đời này có ai tin tôi chứ? Và nếu có tin, thì họ có thể làm gì để giúp tôi được đây? Tòa lâu đài im phăng phắc, dường như những đám mây mũm mĩm và trắng muốt như các thiên sứ đang bay vùn vụt với tốc độ hàng trăm dặm một giờ. Thỉnh thoảng có tiếng sột soạt vang lên dưới lùm cỏ dại, những hạt bồ công anh hờ hững trôi trong không khí như đang thách thức tôi chụp lấy, lững lờ trôi lại gần rồi bất ngờ bay vụt đi theo làn gió nhẹ. Tôi hít sâu một hơi dài rồi ngẩng đầu lên nhìn mặt trời nóng bỏng – Mặt trời nóng bỏng. Chết ngắt – nhắm mắt lại rồi thở ra từ từ. Tôi thực sự rất thích ở trong lâu đài. Tôi mở mắt ra và tiếp tục đọc, tóc gáy dựng đứng lên.
Mình rất thích ở trong lâu đài. Cứ tưởng nó xấu xí lắm, nhưng hóa ra không phải thế. Giống Jessie Stevens với cái mũi gãy và lỗ tai sưng vù do bóng bầu dục đập vào, lẽ ra anh ta phải xấu trai lắm, nhưng anh ta không xấu. Mình bị tước quyền than thở ở nhà Zoey, khi nó và Laura cứ lách chách về chuyện không mặc quần lót. Thế nào cũng được.
Mẹ vẫn chưa ra khỏi phòng. Mặc dù cảm thấy như muốn cuộn người lại rồi chết quách đi – mình đang khó thở vì bị cảm sau bữa dầm mưa hôm qua – mình quyết định xuống ăn sáng ở ngoài vườn sau cạnh cái cây, vì mình biết mẹ sẽ nhìn thấy mình. Mình trải tấm chăn len màu xanh trong phòng ra rồi bày vái lát trái cây. Ăn như bìa cứng vậy. Mình không đói, bao nhiêu năng lượng mình đã dồn hết vào việc lôi kéo mẹ ra ngoài. Mình cố làm bộ trông thật thảnh thơi, mình nằm bắt tay sau đầu, bắt chéo chân và trông có vẻ như chẳng quan tâm tí gì đến thế giới. Mình cố dụ dỗ mẹ ra ngoài như thế đó, nhưng mẹ không đi theo mình. Mình chỉ nghĩ là nếu mẹ hít thở không khí trong lành, nếu mẹ nhìn quanh chốn này, đến tòa lâu đài này, có lẽ mẹ sẽ nhìn thấy điều mà mình thấy, mẹ sẽ giật mình thoát khỏi cơn mê đang vây bủa quanh mẹ. Đương nhiên là mẹ sẽ không muốn cuộc đời trôi qua lãng phí trong lúc mẹ giam mình trong phòng ngủ. Chỉ khi chúng ta ra ngoài và nhận thấy cuộc sống đang trôi chảy, chúng ta mới hiểu mình phải hòa nhập vào dòng chảy cuộc sống.
Mình không hiểu vì sao Rosaleen và Arthur không làm gì hơn để giúp mẹ. Bữa sáng, bữa trưa, bữa tối thịnh soạn đủ nuôi một con voi sẽ không thể chữa khỏi cho mẹ. Sự yên lặng cũng thế. Mình nên nhắc lại chuyện này với Rosaleen. Có lẽ nên nói với Arthur. Cậu ấy là anh me, cậu ấy phải giúp chứ. Theo như những gì mình thấy, ngoại trừ cú chạm trán kỳ cục đón chào mẹ con mình tới, cậu chẳng nói lời nào khác với mẹ. Sao lạ kỳ lạ như thế nhỉ?
Sau cơn mưa hôm qua…
Được rồi, đây là lúc tôi biết mọi thứ đều vô lý bởi hôm nay là ngày nóng ấm đẹp nhất trên đời. Không một giọt mưa. Tôi tiếp tục đọc, lông mày nhướng lên với tâm thế đề phòng là mình đang bị ai đó chơi và nhẫn nại chờ đợi Zoey và Arthur Kutcher nhảy ra từ đằng sau những cây cột đổ nát.
… Mình co ro vì cảm lạnh. Rosaleen dùng vải len bao lấy mình từ đầu đến chân, lôi mình ra ngồi trước lò sưởi và ép mình húp xúp gà. Mình mất cả nửa ngày trời mướt mát mồ hôi vì ngồi bên cái bếp lửa khủng khiếp đó và cố thuyết phục mợ rằng mình không phải đang trong cơn hấp hối. Mợ bắt mình dùng khăn tắm trùm đầu, cúi mặt xuống một bát nước nóng bỏ đầy thuốc Vicks để làm thông mũi, và trong lúc nước mũi chảy ròng ròng, mình chắc chắc có nghe loáng thoáng thấy tiếng chuông cửa. Mợ bảo đảm với mình là không phải. Lẽ ra mình nên nghe lời xơ Ignatius mà hong khô đồ ở chỗ xơ thì hơn. Một ngôi nhà đầy xơ thì có gì đáng sợ chứ?
Ngày mai, mình phải lập kế hoạch để tránh đợt hành hạ kế tiếp và tìm chỗ nào kín đáo để viết nhật ký. Có lẽ mình sẽ tắm nắng trong bộ bikini. Cho đám gà lôi có cái gì đó để nhìn. Có lẽ cũng không tệ đến thế, chỉ cần nhắm mắt lại thì chúng ta có thể tưởng tượng mình đang ở bất cứ nơi nào. Có thể mình đang nằm bên hồ nhưng hãy cứ tưởng tượng mình đang nằm cạnh hồ bơi ở Marbella, và như tiếng thiên nga rỉa lông quẫy nước là tiếng của mẹ. Không như mọi người hay nằm ở ghế phơi nắng, mẹ thường nằm ở rìa hồ bơi, cạnh chỗ lọc nước. Mẹ thả tay lướt trên mặt hồ, khẽ khàng vỗ nước, nghe như tiếng đôi chân trần của một đứa trẻ đang lập chập bước đi. Có lẽ vì mẹ muốn mát mẻ một chút, hay cũng có thể là vì mẹ thích âm thanh đó. Mình cũng từng thích nghe. Nhưng vì một lý do nào đó, lúc nào mình cũng bảo mẹ im đi.
Nói điều gì đó trong khoảng yên lặng, điều gì đó làm mẹ mở mắt ra nhìn mình.
Ai có thể biết được tất cả những điều đó chứ? Chỉ có mẹ thôi.
Có lẽ mình sẽ tắm nắng ngay trên lối đi của chiếc máy xén cỏ, và hy vọng nó sẽ chạy qua người mình. Nếu mình không chết thì ít nhất cũng khỏi tốn tiền tẩy lông toàn thân.
Thực ra thì cậu Arthur cũng không tệ lắm. Cậu không nói nhiều. Thậm chí cậu còn chẳng mấy khi phản ứng nữa, nhưng mình cảm thấy thoải mái với cậu. Phần lớn thời gian là thế. Rosaleen cũng không phải là quá tệ, mình chỉ phải cố mà hiểu mợ thôi. Hôm nay mợ cư xử thật bất thường trong bữa tối – món bánh khoai tây thịt băm, ngon tuyệt – khi mình kể với mợ rằng mình có gặp xơ Ignatius. Mợ nói xơ có tới thăm mợ buổi sáng mà chẳng nói gì đến chuyện gặp mình cả. Chắc đó là lúc mình đang tắm. Ước gì mình là con ruồi trên tường để nghe lén cuộc nói chuyện đó nhỉ. Sau đó mợ cứ tra khảo mình xem mình và xơ nói về chuyện gì, thiệt tình là một trận tra khảo dai dẳng, đến cả Arthur cũng cảm thấy khó chịu nữa. Ý mình là chẳng lẽ mợ ấy nghĩ mình nói dối sao? Kỳ lạ hết chỗ nói. Ước gì mình đã không kể cho mợ nghe những điều mình biết về tòa lâu đài. Giờ thì mình biết bất cứ thông tin nào mình cần tìm thì cũng không thể trông cậy vào mợ. Mình cho rằng Rosaleen và Arthur chỉ khác người thôi. Hay chính mình mới là kẻ khác người? Mình chưa bao giờ nghĩ theo hướng đó. Có lẽ là mình khác người thôi.
Trong trường hợp mình chết vì mất nước và ai đó tìm thấy quyển nhật ký này, mình nên ghi rõ rằng mình đã khóc mỗi đêm. Ban ngày, mình mạnh mẽ hết mức có thể, trừ lần suy sụp tinh thần vì con nhặng xanh và tòa lâu đài đổ nát, để rồi ngay khi mình chui vào giường, nằm yên trong bóng tôi, tĩnh mịch, thế giới bắt đầu xoay mòng mòng. Rồi mình khóc. Thỉnh thoảng mình khóc lâu đến mức làm ướt sũng gối. Lăn tròn qua khóe mắt, dọc lỗ tai, cọ cọ vào cổ, thỉnh thoảng còn thấm tới tận áo, mình cứ để cho nước mắt muốn chảy xuống đâu thì chảy. Mình đã quen khóc đến mức đôi khi chẳng nhận ra là mình đang khóc nữa. Nói thế có đúng không nhỉ? Trước đây, mình khóc vì té ngã bị đau, vì gây sự với ba, vì uống say mèm hay vì bất cứ chuyện nhỏ nhặt làm mình khó chịu. Nhưng giờ thì, thế nào nhỉ… mình buồn nên mình khóc. Có đôi khi mình òa lên khóc rồi dừng lại, tự thuyết phục mình rằng mọi việc sẽ ổn thôi. Có đôi khi mình không tin vào bản thân và lại òa lên khóc.
Mình mơ rất nhiều giấc mơ về ba. Hiếm khi thực sự là ba, đa số là sự pha trộn của nhiều khuôn mặt khác nhau. Ba bắt đầu là ba, rồi biến thành thầy giáo, rồi tới Zac Efron, rồi vài người bất kỳ mà mình gặp trong đời, chẳng hạn như vị linh mục địa phương hay gì đó. Mình nghe người ta nói khi họ mơ về một người thân đã qua đời, họ cảm thấy chân thực, người đó vẫn còn tồn tại, gởi cho họ một thông điệp nào đó, trao cho họ một cái ôm. Rằng đôi khi giấc mơ về một ranh giới mơ hồ, như phòng thăm thân nhân trong một nhà tù, hai người cùng ở trong một gian phòng nhưng lại ở hai phía khác nhau, trong hai thế giới khác nhau. Mình từng nghĩ những người nói chuyện như thế là những kẻ đồng bóng, hay cuồng tín. Nhưng giờ thì mình biết đó chỉ là một trong những nhận định sai lầm của mình mà thôi. Chẳng liên quan gì đến tôn giáo, cũng chẳng liên quan gì đến cân bằng tâm lý, đó chỉ là bản năng tự nhiên của đầu óc con người: hy vọng trong tuyệt vọng, trừ phi đó là một người theo chủ nghĩa hoài nghi đỉnh điểm. Nó gắn với tình yêu, khi mât đi người mà ta yêu quý, một phần trong ta như bị tan vỡ, ta sẵn sàng làm bất cứ điều gì, tin vào bất cứ điều gì để có thể trở lại là bản thân ta thuở trước. Đó chính là niềm tin rằng một ngày nào đó ta sẽ gặp lại những người thân yêu, rằng ta vẫn còn cảm thấy họ ở chung quanh. Hy vọng như thế, như mình từng nghĩ, không khiến ta trở nên yếu đuối. Chỉ tuyệt vọng mới làm ta yếu đuối. Hy vọng làm ta mạnh mẽ hơn, bởi vì nó đem lại một lý do nào đó. Không phải lý do vì sao hay thế nào mà họ bị tách rời khỏi ta, mà là một lý do để ta tiếp tục sống. Bởi vì đã là hy vọng về điều “có lẽ” sẽ xảy ra. “Có lẽ một ngày nào đó mọi chuyện sẽ không thối tha như thế này nữa.” Và điều “có lẽ” đấy lập tức làm cho những chuyện thối tha đỡ thối tha hơn.
Mình nghĩ rằng càng ngày chúng ta sẽ càng trở nên hoài nghi nhiều hơn. Còn mình ư? Khi sinh ra, mình đã thận trọng nhìn quanh phòng bệnh, hết khuôn mặt này đến khuôn mặt khác, và lập tức biết rằng hoàn cảnh mới này thật thối tha và tốt hơn mình nên chui lại vào trong chỗ mình vừa ở. Mình tiếp tục cuộc sống như thế. Nơi nào mình sống cũng thật tởm, và nơi nào đó khác, ở đâu đó đằng sau mình, cũng đều tốt đẹp hơn. Chỉ đến bây giờ, khi sự thực phũ phàng của cuộc đời đập thẳng vào mặt mình – chết toi, cái chết – mình mới bắt đầu nghĩ thoáng hơn. Những người thực tế nghĩ rằng họ suy nghĩ rất thoáng, nhưng không phải vậy. Họ nghĩ rằng những người sống nội tâm chỉ biết mỗi mình mình, nhưng không phải vậy. Mình cho rằng các nhà khoa học tài giỏi sẽ biết nhìn cả hai chiều.
Mặc cho những gì mình đã kể, mình biết ba không có trong giấc mơ của mình. Không có lời nhắn bí mật hay vòng ôm âm thầm nào. Mình không cảm thấy ba đang ở cạnh mình ở khu đất thuộc về dòng họ Kilsaney này. Đó chỉ là những giấc mơ mơ hồ không có ý nghĩa hay giá trị khuyên nhủ nào. Những mảnh vụn méo mó của một ngày của mình được ráp lại rồi ném vào không trung, lơ lửng trong đầu mình, chẳng có trật tự, ý nghĩa hay cảm xúc nào. Đêm qua, mình mơ thấy ba biến thành giáo viên dạy tiếng Anh, rồi giáo viên tiếng Anh là một phụ nữ, bọn mình được nghỉ một tiết học, mình phải hát cho mọi người nghe nhưng khi mình mở miệng, chẳng có âm thanh nào thoát ra ngoài, và rồi trường học hóa ra lại ở Mỹ nhưng chẳng ai nói tiếng Anh, mình chẳng hiếu quái gì và rồi mình sống trên một chiếc thuyền. Quái lạ. Mình tỉnh dậy khi Rosaleen làm rơi cái nồi hay một thứ gì đó ở trong bếp dưới nhà.
Có lẽ xơ Ignatius nói đúng. Có lẽ quyển nhật ký này sẽ giúp mình. Xơ Ignatius là một phụ nữ hài hước. Mình không tài nào thôi nghĩ về xơ kể từ lần gặp đầu tiên hai ngày trước.
Hôm qua. Tôi chỉ mới gặp xơ hôm qua thôi.
Mình thích xơ ấy. Điều đầu tiên mình thích kể từ khi ở đây – được rồi, điều thứ hai, sau tòa lâu đài – là xơ Ignatius. Trời đổ mưa như trút khi mình đang ở trong phòng lâu đài hôm qua, mình có thể nhìn thấy Rosaleen chạy xuống đường về phía mình, tay cầm áo mưa, thế là mình cảm thấy áy náy nhưng mình phải chạy về phía ngược lại. Mình không muốn mợ biết mình ở đây, mình không muốn mợ nghĩ mợ đã đoán đúng. Mình không muốn mợ biết bất cứ điều gì về mình. Mình chẳng biết mình chạy đi đâu nữa. Mưa rơi nặng hạt, mình ướt mem ướt mẹp, nhưng cơ thể mình như đang ở trong trạng thái tự vận hành vậy, cứ tắt suy nghĩ đi rồi ù té chạy, và bất giác mình đã chạy đến khu vườn có tường bao. Xơ Ignatius đang đứng trong nhà kính đợi cho mưa tạnh. Xơ có một bộ quần áo chống ong cho mình, xơ nói xơ cảm giác mình sẽ quay lại.
Bởi vì bị mình làm phiền ngày hôm trước, xơ chưa có dịp quay về kiểm tra lại mấy cái lều. Xơ còn có nhiều việc khác phải làm. Cầu nguyện và những việc tương tự. Thế là hôm qua xơ cho mình coi bên trong tổ ong, xơ đánh dấu ong chúa để mình dễ nhận ra, xơ cũng chỉ cho mình mấy con ong đực, ong thợ rồi chỉ cách dùng ống bơm khói. Chỉ nhìn thôi cũng làm mình choáng váng rồi, có cái gì đó kỳ cục đã xảy đến với mình. Xơ không nhận thấy. Mình phải thò tay ra, chống vào tường để khỏi ngã sụm xuống đất. Trong lúc mình đang cảm thấy tồi tệ như vậy, xơ mời mình tuần sau quay lại để giúp xơ lấy mật, sau đó xơ sẽ bỏ mật vào hũ rồi đem ra chợ bán. Mình bận thở hồng hộc nên chỉ đáp lại là không. Mình muốn thoát khỏi nơi này. Ước gì mình đã nói với xơ rằng mình cảm thấy không khỏe. Xơ có vẻ hết sức thất vọng và giờ thì mình cảm thấy có lỗi quá. Mình cũng cần đi ra chợ để gặp được nhiều người hơn. Mình sẽ phát điên lên mất nếu ngày nào cũng gặp cùng một số người thế này. Ngoài ra, mình cũng muốn biết có phải ai cũng nhìn chằm chằm vào Rosaleen và Arthur như mấy người bên ngoài quán rượu hay không. Chắc là họ phải làm gì đó trong thị trấn nên mới bị nhìn như thế. Tổ chức một bữa tiệc trao đổi tình hay cái gì đó tương tự chăng? Tởm.
Mình ngồi dựa vào cửa phòng ngủ đọc lại nhật ký và mình không muốn Rosaleen bước vào. Mợ biết càng ít về quyển nhật ký này càng tốt. Như bây giờ mợ đã tìm cách chui vào đầu mình rồi, mình không thể để mợ biết những suy nghĩ thầm kín của mình đang nằm ở trong phòng ngủ. Mình phải giấu đi mới được. Có một tấm ván sàn hơi bị bung lên dưới chiếc ghế nằm trong góc, tối nay mình phải liếc qua mới được.
Một lần nữa, mẹ ngủ khò ngay sau bữa tối. Hai ngày nay mẹ ngủ nhiều quá rồi. Nhưng lần này mẹ ngủ gật ngay trên ghế. Mình muốn đánh thức mẹ và đưa mẹ vào giường nhưng Rosaleen không cho. Mình sẽ viết nhật ký cho đến khi nghe tiếng Arthur ngáy bởi lúc dó mình biết mình có thể đi xem mẹ thế nào.
Khi đã an toàn ở trong nhà, mình chỉ muốn nói rằng mình có cảm giác rất lạ ở trong lâu đài ngày hôm qua. Mình cảm thấy như có ai đó ở đấy. Có ai đó đang nhìn mình. Sáng hôm qua là một buổi sáng ngập nắng, cho đến khi cái đám mây chết tiệt xoắn nước ngay trên đầu mình, còn mình thì ngồi trên bậc thang, cuốn nhật ký đặt trên đùi và mình chẳng nghĩ ra là nên viết cái gì và nên bắt đầu trang đầu tiên thế nào, thế là mình cứ tắm nắng cho thỏa thích. Mình chẳng biết mình nhắm mắt trong bao lâu, nhưng ước gì mình đã mở mắt ra. Rõ ràng là có ai đó đã ở đó.
Mai mình sẽ viết tiếp.
Tôi ngừng đọc và nhìn quanh, tim đập thình thịch, hơi thở ngắn và gấp gáp. Chính là lúc này đây. Tôi đã viết về mình bây giờ.
Tôi chợt cảm thấy có hàng ngàn ánh mắt dán vào người tôi. Trong lúc tôi đứng dậy, chạy xuống các bậc thang, vấp vào bậc cuối cùng và đâm sầm vào tường. Tay và vai phải tôi bị xướt, quyển sách lại rơi xuống sàn lần nữa. Tôi thò tay xuống đất nhặt nó lên, tay tôi quệt qua thứ gì đó có lông và mềm mại. Tôi rú lên và nhảy bật dậy, chạy qua căn phòng kế bên. Phòng này không có cửa ra vào nào nữa, bốn bức tường vẫn còn nguyên. Tôi cảm thấy vài giọt nước mưa chạm vào da, mưa rơi mỗi lúc một nhanh hơn. Tôi tới chỗ một ô trên tường, nơi từng là cửa sổ, và cố tìm cách trèo ra ngoài. Đứng trên ô cửa, tôi thấy Rosaleen đang hùng hục chạy xuống đường, trong tay cầm cái gì đó trông như áo mưa. Mợ đi sồng sộc, vẻ mặt u ám, tay che trên đầu như thể chỉ thế thôi mới đủ giúp mợ không bị ướt.
Tôi vội chạy tới cái cửa sổ nhìn ra phía sau lâu đài để leo ra ngoài, đầu gối cào vào tường trong khi tôi cố nhảy lên để bám vào bậu cửa sổ. Tôi nhảy xuống thềm xi măng phía bên kia, cảm thấy hai bàn chân tê buốt khi đôi dép kẹp mỏng dính không bảo vệ được gì, khiến hai cẳng chân tôi nhói lên đau đớn. Tôi lén lút theo dõi Rosaleen tiến đến gần lâu đài. Tôi quay đi, và bỏ chạy.
Tôi không biết mình chạy đi đâu, cơ thể tôi như rơi vào trạng thái tự vận hành vậy. Chỉ tới khi tôi đến khu vườn có tường bao, ướt nhèm nhẹp, tôi mới nhớ ra quyển nhật ký. Cơn ớn lạnh chạy dọc cơ thể tôi, da gà nổi từ đầu đến tận ngón chân cái.
Trong lúc đứng trước cổng vườn, tê cóng vì sợ và lạnh, tôi chợt thấy một bóng trắng đằng sau lớp kính mở cửa nhà kính. Rồi cánh cửa mở ra, xơ Ignatius xuất hiện với một bộ đồ chống-ong-đốt trong tay.
“Ta biết là con sẽ quay lại mà,” xơ nói, đôi mắt xanh lấp lánh ánh tinh nghịch nổi bật trên làn da nhợt nhạt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.