Quyển nhật ký cho tôi biết tôi có thời gian tới lúc một giờ ngày hôm ấy.
Quả là thực sự bất thường, buổi sáng diễn ra y hệt như những gì tôi đọc được tối hôm trước. Rosaleen đánh thức tôi dậy, bảo tôi ở nhà và khi đó dường như thật rõ ràng – thêm một lần thứ hai – là mợ chỉ đơn giản không muốn tôi hiện diện trước phần còn lại trong thế giới tí xíu của bà. Hãy tưởng tượng ra nỗi kinh hoàng và sự hổ thẹn khi phải nói với bàn dân thiên hạ về sự tồn tại của mẹ con tôi, cũng như chuyện một người đàn ông đã tự cướp đi sinh mạng của mình, tội lỗi nghiêm trọng hơn tất thảy. Tôi không khỏi nổi giận khi nghĩ đến điều đó và đã phải tranh đấu với mong muốn yêu cầu được đi dự lễ nhà thờ, nhưng rồi tôi nằm im dưới chăn, và trong khi tôi lắng nghe tiếng chiếc xe của họ đi xa dần trong một ngày nhuộm màu nâu đỏ, đây chính là chỗ ngày mới của tôi khác đi so với trong nhật ký. Thật bất thường, chứng kiến xảy ra những điều mà tôi cảm thấy kỳ thực đã xảy ra, thậm chí tôi còn mơ cùng một giấc mơ về những cái vòi sen, song tôi đang dần quen với chuyện này.
Thay vì ngủ lại sau khi Rosaleen và Arthur lái xe đi, tôi mặc quần áo vào rồi chạy xuống dưới nhà. Tôi đang ngồi trên bức tường bao quanh khu vườn thì chiếc Cinquecento màu vàng lao vụt tới, cửa kính xe hạ xuống.
“A!” Đôi mắt xơ Ignatius sáng lên. “Đúng cô gái ta muốn gặp. Con có tới dự lễ không đấy?”
Tôi nhìn vào trong xe, bốn bà xơ đang ngồi chen chúc.
“Ồ, con có thể ngồi lên đầu gối xơ Peter Regina,” bà trêu đùa và tôi nghe thấy một tiếng “hừ” vọng ra từ bên trong. “Chúng ta hát tại tất cả các khóa lễ sáng. Con là thành viên của một ban đồng ca, con nên gia nhập cùng chúng ta nếu không còn bị viêm thanh quản nữa.”
Không thể, tôi làm điệu bộ, chộp lấy cổ họng, há miệng ra rồi ngậm miệng lại.
“Hãy súc miệng nước muối, con sẽ ổn ngay thôi,” xơ nhìn tôi chằm chằm, rồi khuôn mặt bà bừng sáng, “Nhân tiện, cảm ơn con về quyển sách.”
“Không có gì đâu ạ,” tôi phá vỡ màn im lặng của mình. “Con chọn nó dành riêng cho xơ đấy.”
“Ta cũng nghĩ vậy,” bà tặc lưỡi. “Con cũng biết là thoạt đầu ta không thích cô ta. Marilyn Mountrothman. Cô ta hợm hĩnh và trông chờ quá nhiều, xong cuối cùng ta lại yêu mến cô ấy. Cũng giống như Tariq vậy. Có vẻ họ không phải là một cặp đôi lý tưởng nếu không nhờ vào chuyện anh ta luôn biết chính xác cô ấy nghĩ gì vào bất cứ lúc nào, nhất là khi cô gái khóc vì cái tin nhận được từ ông bố nhưng không muốn nói cho anh ta biết. Ôi, đoạn đó quả thực làm ta cảm động, phải thừa nhận thế. Nhưng anh ta đã đoán ra. Anh ta biết cô gái yêu mình. Một anh chàng thông minh! Ta đoán đó chính là thứ giúp anh ta kiếm được bạc triệu và trở thành một nhà tài phiệt dầu mỏ. Ta rất thích cách người ta đưa ảnh hai nhân vật chính lên bìa trước, cái đó giúp ta hình dung ra hai người họ trong suốt câu chuyện. Chàng trai với mái tóc chải ngược ra sau và thân hình cơ bắp vạm vỡ,” bà tặc lưỡi.
“Xơ đã đọc nó thật sao?”
“Ồ, tất nhiên là ta đã đọc. Xơ Conceptua đang bắt đầu đọc rồi đấy.”
Người phụ nữ ngồi ghế khách phía trước quay lại. “Đừng có kể với tôi những gì sẽ xảy ra. Anh ta vừa mới thuê máy bay riêng tới Istanbul.”
“Ồ, những màn tuyệt vời nhất còn đang chờ bà phía trước cơ,” xơ Ignatius vỗ tay. “Chỉ hai từ thôi, tuyệt tác.”
“Tôi nhắc lại, thôi ngay,” xơ Conceptua gắt. “Bà sẽ tuôn hết ra cho coi.”
“Chúng ta phải đi thôi,” xơ Mary cấm cẳn sau tay lái. “Không muộn mất.”
“Tuần sau con sẽ tới chứ hả?” xơ Ignatius hỏi tôi một cách nghiêm túc.
“Okay,” tôi gật đầu. “Con nghĩ con sẽ quay về giường cho đến hết buổi sáng. Nếu gặp Rosaleen, xơ có thể nói cho mợ ấy biết thế chứ ạ?”
Đôi mắt bà nheo lại. “Có thật không?”
“Vâng, con thực lòng nghĩ thế mà.”
“Ta hiểu rồi. Con đang định làm trò gì vậy?”
“Chúng ta cần đi thôi,” xơ Mary nổ máy.
“Đợi đã,” tôi chợt thấy hơi hoảng. “Con đang cần một thứ từ các xơ. Một cái tên.”
Vài khoảnh khắc sau, tôi nhìn theo họ bay vòng qua khúc quẹo, không thấy xi nhan hay đèn phanh sang, chỉ có cánh tay của xơ Ignatius giơ lên cao vẫy chào.
Bây giờ là mười giờ.
Tôi sắp xếp theo thứ tự các ưu tiên của mình, và mẹ nằm ở vị trí số một. Tôi lục lọi trong danh bạ điện thoại để tìm kiếm cái tên xơ Ignatius đã cung cấp cho tôi. Điện thoại đổ chuông một, hai rồi ba lần, thế rồi ngay trước khi nó nhảy sang máy trả lời tự động, một người đàn ông lên tiếng.
“Xin chào?” anh ta lào phào, rồi hắng giọng. “Hãy chờ máy.” Tôi có thể nghe thấy anh ta đang thở như hết hơi và loay hoay đánh vật để tắt máy trả lời tự động.
Tôi hắng giọng, Tamara Cô Gái Lớn có việc cần phải làm.
“Xin chào, tôi gọi đến để đặt lịch hẹn với bác sĩ Gedad.”
“À, ông ấy không có ở đây,” anh ta nói, giọng ngái ngủ. “Tôi có thể ghi lại lời nhắn không?”
“À… không… liệu ông ấy có quay lại trước lúc một giờ không?”
“Phòng khám của ông ấy không mở cửa Chủ nhật.”
Tôi ngừng lại. Có gì đó thật quen thuộc.
“Thực ra tôi đang gọi từ nhà.”
“Có gì khẩn cấp không ạ?”
Tôi nín thở. Đúng rồi.
“Weseley, có phải anh không vậy?”
“Phải. Ai đấy?”
Nói dối, Tamara, hãy nói dối, hãy bịa ra một cái tên nào đó.
“Tamara đây. Xin lỗi đã đánh thức anh.”
“Tamara,” anh ta nghe đã có vẻ tỉnh táo hơn một chút. “Cô không sao chứ? Cô cần bác sĩ à? Ông ấy là ba tôi.”
“À… không phải cho tôi, mà là mẹ tôi. Nhưng chẳng có gì khẩn cấp đâu. Anh có nghĩ ông ấy sẽ quay lại trước lúc một giờ không?”
“Tôi không biết, họ đi dự lễ nhà thờ, sau đó ra chợ. Thường quay về lúc khoảng một giờ.”
“Có cái quỷ quái gì với mấy buổi lễ và phiên chợ ở nơi này thế nhỉ?”
“Tôi biết, họ đều yêu thích chúng.” Anh ta ngáp. “Tôi nghĩ ba tôi đi chỉ để đưa danh thiếp cho bất cứ ai ho một tiếng.”
Tôi bật cười. “Tối qua anh ở lại đó có lâu nữa không?”
“Thêm khoảng một tiếng. Cô không nghe thấy tiếng chúng tôi ư?”
“Tôi phải mất nửa tiếng để leo trở lại phòng ngủ. Tôi đã lỡ tay đóng cửa sổ lại và phải cạy gãy hết cả móng tay mới mở được nó ra.”
Anh ta cười phá lên. “Đáng ra cô nên quay lại, tôi sẽ giúp cô vào nhà. Tôi biết Arthur để đống công cụ bí mật của ông ấy ở đâu. Cô có muốn tôi bảo ba tôi gọi lại lúc một giờ không?”
“Không cần đâu. Trước một giờ là tốt nhất.”
“Ngày mai thì sao?”
Tôi sẽ phải đợi thêm một tuần nữa để Rosaleen và Arthur lại ra ngoài. Trừ phi… tôi có một tí xíu cơ may khi Rosaleen sang nhà mẹ của mợ.
“Trong khoảng từ mười giờ đến mười một giờ ngày mai nhé?”
“Tôi sẽ nói lại với ba tôi. Và bảo ông ấy gọi cho cô.”
“Không,” tôi vội nói ngay. “Ông ấy không thể gọi đến đây được.”
“Được rồi, cô có di động chứ?” anh trêu đùa.
“Không.”
“Okay,” anh ta thở dài. “Giờ này mà đã phải động não là quá sớm với tôi. Cho tôi một giây.”
Tôi đợi.
“Okay, tôi hiểu rồi, cô không muốn Rosaleen và Arthur biết chuyện, vậy khi ba tôi về tôi sẽ tìm hiểu xem ông có rảnh không, sau đó tôi sẽ gặp cô ở lâu đài lúc hai giờ để cho cô hay.”
Tôi mỉm cười. Anh ta hoàn toàn có thể gọi điện, đương nhiên là anh chàng muốn gặp lại tôi.
Tôi gác máy, cảm thấy thật phấn khích. Một việc gần như đã hoàn tất.
Nhiệm vụ số hai là khám phá căn nhà gỗ một tầng. Hay chí ít cũng ngó qua một cái vào vườn sau, tôi không muốn làm bà lão phát hoảng. Với một cái cớ được chuẩn bị sẵn, tôi bỏ vài quả dâu vào một cái bát, đặt siêu nước lên đun, nướng vài lát bánh mì, rán vài quả trứng…một cách cực tệ, cố làm đáy chảo cháy sém. Tôi nhúng cái chảo vào chậu rửa và ngán thầm khuôn mặt của Rosaleen khi mợ nhìn thấy nó. Tôi cho mọi thứ vào một cái khay và phủ một chiếc khăn lau đồ uống trà lên trên đúng như Rosaleen vẫn làm mỗi buổi sáng. Cảm thấy tự hào về nỗ lực chuẩn bị bữa sáng đầu tiên trong đời của mình, tôi rời khỏi nhà và bước đi thật chậm để không làm sánh tách trà đã chuẩn bị. Với cả hai tay bận bịu bê khay, leo qua cổng trong khi không thể bám vào cột quả là khó khăn. Cái khăn ngấm nước trà, song tôi vẫn tiếp tục bước đi. Tôi đi ngang qua gian phòng khách treo rèm lưới và bước xuôi theo lối đi bên hông. Một lần nữa, tôi lại không nhìn thấy gì khi một tia sáng chói lóa chiếu thẳng vào mắt. Tôi nhắm tịt hai mắt lại, cố gắng tựa cái khay vào một bên tường cho khỏi nghiêng để có thể dụi mắt. Thiếu chút nữa tôi đánh rơi cái khay, rồi vội vàng đỡ được khi cốc tách va vào nhau lạch cạch. Khi tia sáng thôi không còn chiếu vào mắt và tôi đã có thể nhìn được trở lại, tôi tiếp tục cuộc hành trình, chọn cách nhìn xuống đất trong khi bước đi. Tới cuối lối đi, tôi bước vào trong khu vườn đằng sau và chuẩn bị sẵn sàng để bị thổi bay đi, sẵn sàng để trông thấy một bà lão bé nhỏ đang chăm sóc khu vườn của mình, những cây nấm khổng lồ, những cô tiên, những con kỳ lân và cả một thế giới huyền ảo Rosaleen đang giấu giếm. Song tôi chẳng thấy gì hết. Không gì cả ngoài một bãi cỏ dài, có hai hàng cây hai bên. Mẹ của mợ chẳng hề có đôi tay làm vườn, cái này thì chẳng còn gì phải ngờ nữa.
Đằng sau ngôi nhà gỗ một tầng nom cũng vắng vẻ hệt như đằng trước. Ở phía này cũng vậy, từng ô cửa sổ đều được che kín bằng rèm lưới đăng ten. Có hai cửa sổ và một cửa sau. Một cửa sổ là của phòng bếp vì tôi có thể thoáng nhìn ra vòi nước phía trên chậu rửa, cánh cửa ra vào đằng sau có vẻ là phần mới nhất được bổ sung vào ngôi nhà. Nó được sơn màu nâu với kính mờ màu vàng. Ô cửa sổ thứ hai có rèm kéo kín và không hé lộ điều gì.
Tôi chuyển sự chú ý sang căn nhà kho, nơi vật thể trên cửa sổ tiếp tục lóe sáng thúc giục tôi lại gần. Tôi tảng lờ ngôi nhà và bắt đầu tiến và phía nó. Đi được nửa đường, tôi nhận ra mình nên bỏ cái khay lại, song tôi vẫn đi tiếp. Quan sát gần hơn, thứ làm tôi lóa mắt ban nãy có vẻ là thứ đồ thủy tinh vặn xoắn, treo trên một đoạn dây nhiều sợi bện vào nhau. Nó vặn xoáy hình trôn ốc một cách trang nhã và trau chuốt, kết thúc bằng đầu mũi nhọn hoắt, có hình dạng từa tựa một chùm nho và dài chừng mét rưỡi. Khi gió từ khung cửa sổ lạnh lẽo thổi vào, món đồ thủy tinh xoay thành vòng, xoáy tròn, khiến người ta có ảo giác như thể nó đang lao xuống theo đường xoáy trôn ốc, không ngừng bắt ánh sáng từ nhiều vị trí khác nhau. Một cảnh tượng thật mê hoặc.
Trong khi tôi nhìn chằm chằm vào đồ vật vặn xoắn bằng thủy tinh ấy, một cái gì đó khác chợt làm tôi chú ý. Một chuyển động. Nghĩ rằng đó là bóng người trên cỏ, tôi quay ngoắt lại để xem ai đang ở sau lưng mình, song chẳng có gì ngoài những cành cây lay động theo cơn gió hây hẩy. Tôi nghĩ mình đã tưởng tượng ra nó, song khi tìm kiếm kỹ hơn, nó lại xuất hiện. Có một bóng người bên trong nhà kho. Tôi từ tốn bước lại gần hơn, cố không gây ra thêm tiếng động nào từ cái khay và thực lòng ước thầm mình không còn phải bận tâm đến nó vào lúc này nữa, vì chắc giờ trứng và trà đã nguội ngắt còn mấy miếng bánh mì nướng phết bơ đã mềm oặt. Bậu cửa sổ của căn nhà kho cao vừa ngang vai, tôi kiễng chân đứng bên góc khung cửa ngó vào bên trong. Tôi không dám nhìn quanh phần còn lại của căn phòng mà luôn để mắt nhìn mẹ của Rosaleen phòng khi bà cụ nhìn thấy tôi và tiến về phía tôi với một miếng thủy tinh nhọn hoắt.
Tôi chỉ có thể nhìn thấy lưng bà. Bà lão đang khom người phái trên chiếc bàn làm việc phủ vải len dài màu nâu. Bà lão có mái tóc dài xơ xác, ngả sang nâu nhiều hơn xám, trông như thể bà chưa hề chải tóc từ cả tháng nay. Tôi quan sát bà một hồi lâu, cố gắng quyết định xem có nên gõ cửa hay không. Thậm chí tôi còn chẳng biết tên bà. Tôi chẳng hề biết họ thời còn con gái của mợ Rosaleen để biết đường xưng hô với bà cụ. Cuối cùng tôi cũng lấy được đủ can đảm. Tôi khẽ gõ cửa.
Thân hình bà lão giật bắn, và tôi hy vọng mình không làm bà cụ bị đau tim. Bà quay lại nửa chừng, chậm chạp và cứng nhắc. Nửa khuôn mặt bà lão ngoảnh về phía tôi bị những lọn tóc dài xơ xác lòa xòa che khuất. Bà cụ đeo một cặp kiếng quá khổ, hai bên mắt kiếng che mất nửa vầng trán và ép lên hai má. Chẳng thể thấy gì hơn ngoài tóc và kiếng, trông bà hệt một ông giáo sư khùng.
Tôi tựa cái khay lên một bên đầu gối, và trong khi cốc đĩa trượt qua trượt lại va đập vào nhau, lắc lư sóng sánh, tôi vẫy tay rối rít, nở nụ cười tươi tắn nhất tôi từng dành cho một người chỉ để bà biết tôi không đến đây để giết bà. Bà cụ chỉ nhìn tôi chằm chằm, không chút biểu cảm, không chút dấu hiệu ghi nhận dù là dưới dạng gì. Tôi nâng cái khay lên cao hết mức, giữ nó thăng bằng trên đầu gối mình để làm điệu bộ ăn. Vẫn chẳng có phản ứng nào đáp lại. Đến lúc này tôi hiểu ra mình đang gặp rắc rối to, mọi chuyện không theo kế hoạch. Rosaleen đã đúng, mẹ của mợ vẫn chưa sẵn sàng đón nhận những người hoàn toàn xa lạ, mà cho dù là có đi nữa, đáng ra tôi nên đợi đến khi mợ giới thiệu hai chúng tôi với nhau. Tôi lùi lại vài bước.
“Cháu để cái này ở đây cho bà nhé,” tôi nói thật lớn, hy vọng bà cụ nghe được. Rồi tôi để cái khay xuống mặt cỏ và lùi trở ra. Trong lúc đi giật lùi, tôi liếc mắt hết căn nhà kho để nhìn sang phần còn lại của mảnh vườn. Miệng tôi há hốc và tôi bước dịch sang bên để quan sát kỹ hơn. Trong phần còn lại của khu đất, từng hàng dây phơi chăng kín bãi cỏ. Phải có đến từ mười đến hai mươi dây. Trên mỗi dãy dây phơi có treo hàng chục vật thủy tinh đang chuyển động, đủ mọi hình dạng, được xoắn lại và uốn cong thành những hình dạng độc nhất vô nhị, một số góc cạnh, một số trơn láng, tất cả cùng đong đưa trong gió, bắt sáng, lấp lánh và lặng lẽ lay động. Cả một vườn thủy tinh.
Tôi đi qua căn nhà kho và bước vào trong thảm cỏ đằng sau để tiếp tục điều tra. Các vật thủy tinh được buộc đủ xa để không va đập vào nhau, bởi chỉ cần ở gần nhau thêm một xăng ti mét thôi, tôi dám chắc chúng đã vỡ tan tành. Những hàng dây phơi được kéo căng, buộc vào một bức tường ở cuối vườn và chạy thẳng tới một cái cột ở đầu đối diện. Chúng được căng cao hơn tôi, thế nên tôi liên tục phải ngước lên, nhìn ánh sáng của bầu trời qua những thứ đồ thủy tinh. Chúng là những tạo vật đẹp nhất tôi từng nhìn thấy. Một số có vẻ như đang chảy, lỏng và căng đầy, rủ từ dây buộc xuống giống những giọt nước mắt khổng lồ, nhưng thay vì rớt xuống, chúng đông cứng lại giữa không trung. Một số khác cứng, ít cuộn xoắn và ít cong hơn xoay xoay với vẻ giận dữ và sắc nhọn hơn, treo lơ lửng như những ngọn giáo băng, như những món vũ khí. Mỗi lần gió thổi, chúng lại đu đưa qua lại, tôi đi xuôi giữa một hàng dây, thỉnh thoảng dừng lại để xem xét chúng. Thật trong sáng và tinh khiết, tôi chưa bao giờ thấy bất cứ thứ gì như thế. Một số có bọt khí bên trong, một số khác trong văn vắt. Tôi giơ tay lên nhìn qua những đồ vật thủy tinh, bàn tay bị che mờ bởi một vài cái nhưng lại hiện ra rõ nét qua một vài cái khác. Mê hoặc và đẹp tuyệt vời, một số méo mó đến ám ảnh, một số khác xinh xắn và mong manh đến mức dường như chỉ cần chạm vào cũng đủ làm chúng vỡ tan.
Tôi định tiếp tục đi tới khám phá những hàng dây khác trong lúc ngoái lại sau để đảm bảo vẫn chỉ có một mình mình thì thấy mẹ của mợ Rosaleen bất ngờ đi tới một ô cửa sổ nhìn ra nửa thứ hai này của khu vườn. Bà lão đang nhìn tôi, bàn tay áp lên mặt kiếng. Tôi dừng bước, đứng cạnh một hàng dây, cảm thấy mình như một con búp bê Cabbage Patch đứng giữa một khu vườn thủy tinh và mỉm cười đáp lại, tự hỏi bà cụ đã dõi theo tôi được bao lâu rồi. Tôi cố nhìn ra khuôn mặt bà, cố thấy những đường nét nhưng không thể, một lần nữa bà lão lại chỉ để lộ vóc dáng của mình, mái tóc dài buông xuống hai bên vai, không ngả xám như tôi từng đoán, mà có màu nâu lông chuột với những vệt trắng loáng thoáng. Có vẻ như bà không có tuổi, không có khuôn mặt, và thậm chí còn bí ẩn hơn nhiều với tôi vào lúc này so với lúc trước khi tôi nhìn thấy bà.
Tôi rời khỏi khu vườn thủy tinh lay động, thu vào tầm mắt tất cả chúng như thể tôi sẽ không bao giờ được thấy lại chúng nữa, một hình phạt cho tội tự ý xâm nhập. Sau khi đã đi sang bên kia khu vườn, tôi vẫn thấy bà lão nhìn theo mình, không phải trên ô cửa sổ mà ở xa hơn, từ sâu hơn trong căn phòng.
Tôi lại vẫy tay lần nữa, chỉ về phía cái khay đặt trên cỏ, làm cử chỉ ăn uống, như thể lúc này là giờ cho ăn trong sở thú. Bà lão tiếp tục nhìn tôi chăm chăm mà không có bất cứ phản ứng nào. Hoàn toàn không thoải mái – mặt trời nóng bỏng, thắng tốt, chết toi – tôi quay lại rồi hối hả rời khỏi khu vườn, không ngoái lại lần nào nhưng lại cảm thấy cái cảm giác tôi từng có khi còn là một cô nhóc chạy từ nhà bạn về nhà mình trong bóng đêm và nghĩ rằng sau lưng mình là một mụ phù thủy.
Đã 12 giờ.
Tôi đi đi lại lại trong phòng khách, hết tới lại lui, hết qua phải lại qua trái. Ngồi xuống, đứng lên. Đi lên phòng mẹ, đến nửa đường thì lại thôi và quay lại phòng khách. Tôi vặn vẹo hai bàn tay, thỉnh thoảng lại ngó qua cửa sổ, chờ đợi mẹ của Rosaleen đi băng qua đường trên chiếc xe lăn, bốc một bên bánh lên và quật roi đen đét. Tôi cũng chờ đợi sẽ thấy Rosaleen và Arthur vòng qua chỗ quẹo với tốc độ tối đa. Rosaleen đã gài bẫy quanh căn nhà gỗ một tầng, tôi đã đụng phải một sợi dây, một vạt cỏ bị xê xích sai chỗ, tôi bước qua tia laser và làm đổ chuông báo động trong xắc tay của mợ. Mợ sẽ trói tôi vào giường, đập gãy hai chân tôi bằng một cây búa và ép tôi phải viết cho mợ một cuốn tiểu thuyết. Tôi không thể làm được chuyện đó. Thậm chí viết nhật kí cũng đã là một việc khó khăn với tôi rồi. Tôi cũng chẳng biết nữa – tôi cảm thấy điều gì đó, bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Tôi luôn vi phạm các quy định ở nhà, song tại đây thì khác. Ở nơi này, mọi thứ đều ngặt nghèo và xưa rích như thể sống trong một di chỉ khai quật, và tất cả mọi người đều nhón chân rón rén, chứ không bước đi bình thường, nói năng thật khẽ khàng để không làm nền móng sụp đổ, dùng chổi cọ và mấy món dụng cụ tí xíu quệt quệt xuống đất và phùng miệng thổi bụi nhưng chẳng bao giờ đi xuống sâu hơn, còn tôi lại xuất hiện, sầm sầm giậm chân bước vào nơi này với xẻng và mai, và tôi đã hủy hoại mọi thứ.
Và bây giờ tôi cần trở lại để mang cái khay đi, nếu không Rosaleen sẽ biết những gì tôi đã làm. Tôi hy vọng mình đã không làm mẹ mợ bị ngộ độc – ôi chúa ôi, nhỡ tôi làm thế thì sao. Trứng có thể là thực phẩm nguy hiểm và tôi đã quên khuấy không rửa dâu. Liệu mấy con vi khuẩn salmonella có làm chết người không? Thiếu chút nữa tôi đã nhấc máy lên gọi Weseley lần nữa, nhưng tôi kìm lại được. Sau khi phát cuồng lên vì lo lắng suốt một lúc lâu, tôi chợt nhận ra sẽ chẳng có gì xảy tới, ít nhất thì cũng không phải là ngay lập tức, và kỳ thực tôi cũng chẳng làm gì sai cơ mà. Tôi chỉ cố tỏ ra tử tế với một bà cụ. Vậy thì mặc kệ đi. Tôi hy vọng bà cụ thích món trứng của tôi.
Thế là tôi dịu lại. Tiếp theo trong danh sách của tôi là cái ga ra nằm ở cuối khu vườn. Tôi mở cửa sau dẫn từ trong bếp ra vườn rồi chạy qua bãi cỏ, qua những luống rau của Rosaleen ở tận cuối vườn. Tôi ngó lên cửa sổ phòng ngủ của mẹ, vẫn trống không như khi bà đang ngủ. Còn về phần cái ga ra, nom nó cũng khá vừa mắt. Nó được xây từ cùng thứ đá vôi như ngôi nhà, hoặc gần giống, và trông có vẻ được xây cất tử tế hơn bất cứ công trình mới nào từng được xây lên quanh Dublin trong mười năm qua. Tôi nói ra điều này trong sự tôn trọng lớn nhất dành cho ba tôi, một người cực kỳ tự hào về nhừng gì ông đã xây dựng, chỉ có điều tôi không nghĩ ba bận tâm nhiều lắm tới kiến trúc. Ông có vẻ nghĩ nhiều hơn tới không gian cũng như cách làm thế nào để dành cho mỗi người một phần nhỏ nhất của nó trong khả năng có thể. Căn ga ra gần như chạy hết chiều rộng khu vườn, dài hai mươi lăm mét. Bên phải ngôi nhà, phía bên kia một bờ giậu được xén tỉa bằng bặn là lối đi dành cho máy kéo, cũng chỉ là một con đường khác chạy uốn éo quanh rìa ngoài khu đất. Nhưng trước khi nó rời khỏi khu nhà, có một ngã rẽ dẫn vào khung cửa hai cánh của ga ra. Kể từ khi tôi đến, cho đến lúc đó cũng đã gần được một tháng, tôi chưa bao giờ thấy Arthur lái máy kéo vào bên trong. Có thể Rosaleen có lý, có thể bên trong không còn đủ chỗ cho đồ đạc của chúng tôi. Tôi thích đi theo con đường này tới ga ra vì đi lối này sẽ không bị nhìn thấy từ phía ngôi nhà, song đồng thời cũng có nghĩa là phải mở một cánh cửa lớn hơn, mở một cái khóa to hơn. Tôi ngó vào tất cả các ô cửa sổ song chẳng trông thấy gì. Mọi ô cửa đều bị bịt kín từ bên trong bằng những cái bao đen sì. Tôi thử mở cánh cửa ra vào đã khóa chặt, rồi đi vòng sang hông tới khung cửa hai cánh. Tôi kéo rồi đẩy, đấm rồi đá, dùng cả một tảng đá choảng liên hồi vào cái khóa, song chẳng đi đến đâu ngoài việc để lại những vết lõm trên mặt kim loại.
Đã 12 giờ 30 khi tôi quay trở vào nhà, và vẫn chẳng biết thêm gì về cái ga ra. Tôi rửa tay, thay bộ quần áo lấm lem sau nỗ lực bẻ khóa và đột nhập của mình. Tôi kiểm tra tình hình mẹ, cuối cùng bà cũng đã dậy và đang tắm dưới vòi sen. Tôi thong dong thay đồ, biết mình vẫn còn ba mươi phút nữa trước khi Rosaleen và Arthur quay trở về. Tôi ngồi trên giường, nhìn sang ngôi nhà gỗ một tầng. Có thứ gì đó đập vào mắt tôi.
Trên cây cột cạnh cổng trước. Đó là cái khay. Tôi đứng dậy, ngó qua khu vườn, ngôi nhà. Không có ai ngoài vườn, không có ai nhìn qua cửa sổ. Tôi kiểm tra xem Rosaleen đã về chưa nhưng chiếc xe vẫn chưa trở lại.
Bây giờ là 12 giờ 50 chiều.
Tôi chạy xuống cầu thang, lao ra ngoài, băng qua đường. Cái khay vẫn được phủ bằng chiếc khăn trà như khi tôi đặt nó xuống. Phía dưới chiếc khăn đồ ăn đã biến mất, cốc trà cạn sạch. Tất cả khay cốc sáng bóng như vừa được rửa. Trên khay có một thứ thuộc loại nhỏ nhất trong số những đồ vật thủy tinh lay động tôi đã ngắm nghía lúc trước. Giống như một giọt lệ nho nhỏ, nó thật dịu dàng, nhẵn bóng và nằm gọn lỏn trong lòng bàn tay tôi. Chẳng có gì khác. Không danh thiếp, chẳng có ai để nói cho tôi biết nó dành cho tôi. Tôi đợi, nhưng không ai đến. Đã gần tới một giờ đến mức cảnh báo, và tôi không thể chờ lâu hơn nữa. Tôi không thể mạo hiểm để Rosaleen quay trở về và trông thấy tôi đang trên tường với một cái khay và một viên thủy tinh hình giọt lệ. Tôi cho viên thủy tinh vào túi áo. Rồi chạy băng qua đường nhanh nhất có thể mà không làm rơi vỡ những thứ để trên khay. Vừa kịp đóng cửa trước lại sau lưng, tôi đã nghe thấy tiếng xe của Rosaleen và Arthur quay trở về. Run bần bật, tôi vội xếp cốc, tách và đĩa đã được rửa sạch vào tủ bát đĩa trong bếp. Tôi trả cái khay về chỗ cũ. Tôi vơ vội lấy quyển nhật ký của mình đang để ngoài phòng khách, chạy lên cầu thang chui vào phòng mẹ và phi thẳng lên giường. Vừa từ buồng tắm ra, mẹ nhìn tôi ngỡ ngàng. Vài giây sau, cửa ra vào bật mở và Rosaleen ngó vào.
“Ôi, tôi xin lỗi,” mợ nói trong khi mẹ tôi quấn chặt khăn tắm quanh người.
Mợ lùi ra xa khỏi cửa để chỉ có thể nhìn thấy tôi.
“Tamara, mọi thứ ổn cả chứ?”
“Vâng ạ, cảm ơn mợ.”
“Cả sáng nay cháu đã làm gì vậy?” Đó chẳng phải là một câu hỏi xuất phát từ sự quan tâm, mà là lo lắng, nhưng lại chẳng phải là lo lắng cho nỗi chán chường của tôi.
“Cháu ở đây với mẹ cả buổi sáng, ngồi đọc sách.”
“Ồ, thế thì tốt quá,” mợ hơi do dự một chút, luôn sợ phải rời đi, “Mợ sẽ ở dưới nhà nếu cháu cần.”
Rosaleen đóng cửa lại, và khi tôi nhìn mẹ, tôi nhận ra mẹ đang nhìn tôi và mỉm cười. Sau đó bà cười phá lên, lắc đầu, và tôi gần như muốn hủy cuộc hẹn với bác sĩ Gedad.
Cửa lại mở. Rosaleen nhìn vào khay đựng đồ ăn sáng của mẹ.
“Jennifer, em lại chẳng chịu ăn gì rồi.”
“Ồ,” mẹ nói, ngước mắt nhìn lên trong lúc mặc một chiếc váy ở nhà bằng vải cashmere. “Tamara sẽ ăn hộ em.” Rồi mẹ mỉm cười thật tươi với Rosaleen.
“Không, không,” Rosaleen vừa nói vừa hối hả bước vào phòng mang cái khay ra. “Chị sẽ mang chúng đi.”
Mẹ vẫn tiếp tục nhìn theo mợ, đôi mắt xanh sáng lên long lanh.
“Tamara, bữa trưa của cháu sắp xong rồi đấy,” Rosaleen nói, có phần bồn chồn rồi lùi ra khỏi phòng.
Tôi bối rối nhìn mẹ, tìm kiếm một lời giải thích, song mẹ đã lại biến mất, chui trở lại vào cái vỏ của bà. Những con rùa rút đầu vào mai có thể vì chúng hoảng sợ hay vì nguy hiểm rình rập và chúng phải bảo vệ bản thân. Dù gì thì một khi những cái mai đó lớn lên, chúng sẽ không bao giờ mất đi được nữa vì chúng đã trở thành một phần cơ thể của lũ rùa.
Trong thời gian ấy, nếu có ai đó cố thuyết phục tôi rằng mẹ sẽ không bao giờ trở lại như tôi trước đây, và nếu ai đó chỉ cần bóng gió nhắc tới chuyện này, tôi lập tức nghĩ tới lũ rùa. Mẹ sẽ giữ nguyên cái vỏ mới mà bà đã nuôi lớn trong mấy tháng vừa qua, và sẽ mang nó quanh người trong suốt phần đời còn lại – và cả tôi cũng thế – nhưng như vậy không có nghĩa là mẹ sẽ biến mất vĩnh viễn vào trong đó. Ngày hôm ấy tôi đã nhìn thấy bằng chứng rằng mẹ đã không biến mất hẳn, tôi thấy rõ điều đó trong đôi mắt bà, tôi nhớ chính xác khoản khắc nhìn thấy mẹ trở lại. Lúc ấy là 1 giờ.