Tôi không ngủ lại sau biến cố diễn ra lúc sáng sớm tinh mơ. Tôi đã nằm kéo chăn đến tận cằm, người cứng đờ với nỗi sợ hãi ớn lạnh khiến tôi run bần bật trên giường mỗi khi nghe tiếng động dù là nhỏ nhất. Tôi tin chắc người phụ nữ trong ngôi nhà một tầng chính là người đã đi theo tôi tới nghĩa địa tuần trước và khi buổi sáng dần trôi qua, mặt trời tỏa nắng xua đi bóng tối, tôi dần dần bớt hãi bà ta hơn. Có thể bà ta chẳng hề đáng sợ, có khi chỉ là hơi kì lạ. Qua mái tóc và quần áo bà ta khi ở trong xưởng, rõ ràng bà ta không phải loại người hay gặp gỡ người khác. Thêm nữa, bà ta đã tặng tôi viên thủy tinh hình giọt nước mắt nhỏ làm quà. Rõ ràng bà ta có thể đi ra ngoài được.
Nhưng những trang nhật ký bị đốt cháy đem đến cho tôi linh cảm về một hiểm họa đang treo lơ lửng.
Suốt cả đêm, tôi mơ thấy lửa cháy; những tòa lâu đài bốc cháy, những quyển sách bốc cháy. Tôi mơ thấy thủy tinh được nấu, những mẻ thủy tinh nóng chảy đang được định hình và thổi. Sau khi bừng tỉnh trong một căn phòng tối om, với một trái tim đang nện như phát cuồng trong lồng ngực, tôi đã cố thức. Tôi dán mắt vào những trang nhật ký trong quãng thời gian còn lại của buổi sáng, chờ đợi các trang giấy bị sém duỗi phẳng trở lại, chờ đợi những dòng chữ hiện ra một cách thần kỳ với những nét gạch nét móc nắn nót. Nhưng mấy trang giấy vẫn sém quăn như cũ.
Tôi dậy sớm sáng hôm sau, quyết tâm bắt quả tang Rosaleen đang làm gì, dù nó có là gì đi nữa. Bắt quả tang Bà nội trợ trong Bếp với Bột Cacao chính xác ra chẳng phải là thứ kích thích nhất trên đời, song tôi hiểu ra rằng quyển nhật ký đang dẫn tôi tới đâu đó, đang cố chỉ ra thứ gì đó, tới lối mà chính tôi cũng đã chỉ ra cho con nhặng xanh. Tôi sẽ là con ngốc nếu không nhận ra sự màu nhiệm của những gì đang diễn ra. Mỗi từ là một manh mối, mỗi câu đều là mũi tên chỉ đường, một biển chỉ dẫn giúp tôi thoát khỏi nơi này.
Máy thu thanh bật oang oang dưới bếp, Arthur đang tắm và sang tuần thứ hai liên tiếp, Rosaleen nghĩ mợ có cả buổi sáng cho riêng mình. Mợ quay về phía tôi rồi đi tới kho bếp. Tôi nấp khỏi tầm nhìn vừa kịp lúc, đứng nép sau cánh cửa. Lúc này tôi có thể thấy mợ trong kho, và theo dõi mợ qua khe cửa.
Mợ để khay đồ ăn sáng của mẹ trên bàn bếp, thò tay vào một cái hộp được giấu đằng sau một cái hộp khác lấy một lọ thuốc. Tim tôi đập như quai búa, tôi phải đưa tay lên miệng để không hét lên. Tôi dõi nhìn mợ dốc hai viên thuốc vào lòng bàn tay. Mợ tháo vỏ, trút bột thuốc vào cháo rồi trộn kỹ. Tôi cố vật lộn với chính mình để quyết định xem liệu có lao ra ngay lúc đó mà mặt đối mặt với mợ hay không. Tôi đã bắt quả tang bà. Tôi vẫn luôn biết mợ đang làm gì đó, song tôi buộc phải ngăn mình lại. Mấy viên thuốc rất có thể chỉ đơn giản là thuốc chữa đau đầu và việc tôi nhảy bổ vào mợ sẽ là lợi bất cập hại, một lần nữa, hoặc nếu không phải thế, chúng chắc chắn là thứ gì đó nghiêm trọng hơn và đang khiến mẹ bệnh thêm. Tôi gí sát vào khe cửa hơn nhưng khi tôi làm thế, tấm ván lát sàn dưới chân tôi kêu cót két. Rosaleen lập tức thả lọ thuốc vào tạp dề, cầm khay lên và quay người lại như thể chẳng có chuyện gì xảy ra. Tôi vội bước ra từ sau cánh cửa.
“A, chúc cháu một buổi sáng tốt lành,” mợ nói, nở một nụ cười rạng rỡ. “Cô gái sinh nhật ngày hôm nay cảm thấy như thế nào?” mợ hỏi, đúng như quyển nhật ký tiên đoán. Có thể tôi hơi hoang tưởng một chút nhưng tôi tin chắc đôi mắt mợ đang dò xét nét mặt tôi để tìm hiểu xem liệu tôi có chứng kiến những gì bà đã làm trong kho bếp hay không.
“Già,” tôi đáp lại bằng nụ cười, cố tỏ vẻ bình thường.
“Ồ, cháu đâu có già, cô bé,” mợ bật cười. Mợ nhớ hồi bằng tuổi cháu. Bà ngước mắt lên trời “tất cả đều còn ở phía trước. Giờ mợ sẽ mang những thứ này lên cho mẹ cháu, rồi mợ sẽ xuống làm cho cháu một bữa sáng đặc biệt vào ngày sinh nhật.”
“Cám ơn mợ, Rosaleen,” tôi ngọt ngào nói rồi nhìn mợ hối hả bước lên cầu thang.
Trong khi mợ biến mất vào phòng mẹ và cửa đã đóng lại sau lưng bà, người ta mang thư tới để trên tấm thảm chùi chân ngoài cửa trước. Tôi đứng yên, chờ đợi Rosaleen cưỡi chổi bay từ trên lầu xuống để vồ lấy nó, nhưng mợ không làm thế. Bà không nghe thấy tiếng giao thư. Tôi nhặt bưu phẩm lên, chỉ có hai cái phong bì trắng, chắc là hóa đơn, rồi chạy ùa vào bếp. Tôi không biết phải làm gì, tôi vội vã nhìn quanh tìm nơi để giấu, bởi lúc này tôi không có thời gian để đọc. Tôi lại nghe thấy tiếng bước chân của Rosaleen vang lên trên cầu thang, tim tôi đập thình thịch trong lông ngực. Vào phút chót, tôi quyết định nhét mấy cái phong bì vào đằng sau chiếc quần thể thao đang mặc và để chiếc áo len thụng dài tay che đi. Tôi đứng giữa bếp, hai tay đưa ra sau lưng, bộ dạng in rành rành hai chữ “có tội”.
Mợ đi chậm lại khi nhìn thấy tôi. Các bó cơ trên cổ mợ căng ra.
“Cháu đang làm gì vậy?” mợ hỏi.
“Có gì đâu ạ.”
“Cháu có làm gì đó. Tay cháu đang cầm cái gì vậy, Tamara?” mợ nghiêm giọng hỏi.
“Cái quần lót mắc dịch,” tôi nói, kéo sau quần lên.
“Đưa hai tay ra cho mợ xem,” mợ cao giọng.
Tôi đưa hai bàn tay từ sau lưng ra. Rồi vênh váo vẫy vẫy trước mặt mợ.
“Quay người lại,” giọng mợ run lên.
“Không,” tôi đáp đầy thách thức.
Chuông cửa reo. Rosaleen không nhúc nhích. Tôi cũng không.
“Quay người lại,” mợ nhắc lại lần nữa.
“Không,” tôi lặp lại, mạnh mẽ hơn, cương quyết hơn.
“Rose!” Arthur lớn tiếng gắt từ trên cầu thang. Rosaleen không trả lời, và chúng tôi nghe thấy tiếng ủng vang lên trên cầu thang khi cậu đi xuống. “Tôi sẽ ra mở cửa vậy,” câu nói, ngán ngẩm đưa mắt nhìn chúng tôi. Ông mở cửa ra.
“Weseley.”
“Cháu không thể lùi cái xe tải vào thêm nữa, như vậy đã được chưa? À, chào, Tamara,” anh ta đứng ngoài cửa nhìn qua vai Arthur.
Đôi mắt Rosaleen nheo lại thêm nữa.
Tôi mỉm cười. Phải, tôi đã có một người bạn mà mợ không hề biết.
Tôi mở to mắt nhìn Weseley, hy vọng anh ta hiểu có chuyện gì đó không ổn. Tôi không muốn hai người họ rời đi.
“Chúng tôi sẽ gặp lại hai người sau, thế nhé,” Arthur nói.
Cánh cửa đóng lại sau lưng hai người đàn ông, bỏ mặc chúng tôi ở lại mặt đối mặt với nhau trong bếp.
“Tamara,” mợ dịu giọng nói. “Cho dù cháu đang giấu cái gì, và mợ nghĩ mợ biết nó là cái gì, hãy đưa nó lại cho mợ.”
“Cháu chẳng giấu giếm gì hết, Rosaleen. Còn mợ thì sao?”
Bà giật mình cau mày.
Đúng lúc ấy, chúng tôi nghe thấy tiếng rầm rầm vang lên từ một căn phòng trên lầu, rồi đến tiếng đĩa rơi và sau đó là tiếng chân dậm lên ván lát sàn. Cả hai chúng tôi đều bừng tỉnh khỏi màn gườm gườm nhìn nhau và lập tức ngước lên.
“Ông ấy ở đâu?” tôi nghe thấy mẹ rít lên.
Tôi nhìn Rosaleen rồi chạy qua mợ.
“Không, cô, bé,” mợ kéo tôi lại.
“Rosaleen buông cháu ra, bà ấy là mẹ cháu.”
“Mẹ cháu không được khỏe,” mợ lo lắng nói.
“Phải, và cháu tự hỏi tại sao lại thế!” tôi hét vào mặt mợ rồi chạy lên lầu.
Tôi không chạy xa được đến thế. Mẹ đã mở tung cửa ra với đôi mắt mở to, đôi mắt đượm vẻ kinh hoàng, bà sục sạo nhìn quanh hành lang.
“Bà ấy đâu?” mẹ nói không thể tập trung nhìn tôi.
“Ai cơ ạ? Rosaleen à…?” tôi bắt đầu nhưng mẹ đẩy tôi ra khi nhìn thấy mợ ở dưới chân cầu thang.
“Ông ấy đâu?” mẹ nhắc lại trong lúc đứng trên đầu cầu với chiếc váy ngủ trên người.
Rosaleen mở mắt to hết cỡ, đang vặn vẹo hai bàn tay trong tạp dề. Tôi vẫn có thể thấy hình dạng lọ thuốc trong túi. Tôi nhìn từ người này sang người kia, không hiểu nổi chuyện gì đang diễn ra.
“Mẹ, ba không có ở đây,” tôi nói, cố giữ lấy tay mẹ. Bà vùng ra.
“Có đấy. Mẹ biết. Mẹ có thể cảm nhận thấy ông ấy.”
“Mẹ, ba không có ở đây,” tôi cảm thấy nước mắt tuôn trào. “Ba đi rồi.”
Mẹ lập tức quay sang nhìn tôi, rồi hạ giọng chỉ như đang thì thầm, “Ông ấy chưa ra đi đâu, Tamara, người ta chỉ nói thế nhưng không phải vậy. Mẹ có thể cảm thấy ông ấy.”
Giờ thì tôi đang khóc thực sự. “Mẹ, thôi đi nào, con xin mẹ đấy. Đó chỉ là…chỉ là… linh hồn ba mà mẹ cảm thấy ở quanh mẹ thôi. Ba sẽ luôn ở bên mẹ. Nhưng ba đi rồi… thực sự đi rồi. Làm ơn đi mẹ…”
“Tôi muốn gặp ông ấy,” mẹ yêu cầu Rosaleen.
“Jennifer,” mợ nói, hai tay chìa ra, cho dù mợ còn ở quá xa để chạm vào mẹ. “Jennifer, thư giãn đi nào, hãy quay về phòng nằm nghỉ đi.”
“Không!” mẹ hét lên, giọng bà trở nên run rẩy. “Tôi muốn gặp ông ấy! Tôi biết ông ấy ở đây. Chị đang giấu ông ấy!”
“Mẹ,” tôi khóc ròng. “Mợ ấy không giấu ba. Ba chết rồi, thực sự chết rồi.”
Mẹ quay sang nhìn tôi, nom bà thật buồn, rồi bà nổi giận và lao xuống cầu thang. Rosaleen chạy ra cửa.
“Arthur!” mợ lớn tiếng gọi ra ngoài.
Arthur đang ở ngay lối xe cùng Weseley để chất đồ lên chiếc bán tải lập tức quay lại.
Mẹ chạy ra ngoài vườn, hét lớn “Ông ấy đâu?” hết lần này tới lần khác.
“Jen, dừng lại ngay, thư giãn nào, không sao đâu,” Arthur cố nhắc đi nhắc lại để trấn an mẹ.
“Arthur,” mẹ kêu lên, chạy tới chỗ cậu, đưa hai cánh tay ôm chầm lấy cậu. “Ông ấy đâu? Ông ấy ở đây, đúng vậy không?”
Arthur choáng váng nhìn Rosaleen.
“Mẹ,” tôi khóc lóc. “Arthur, hãy giúp mẹ cháu, làm ơn háy làm gì đó giúp mẹ cháu. Mẹ cháu nghĩ ba cháu vẫn còn sống.”
Arthur nhìn mẹ với vẻ mặt của một người đang tan nát trái tim. Cậu ôm mẹ vào vòng tay, trong khi thân hình xương xẩu của mẹ run lên nức nở và bà không ngớt hỏi ba ở đâu và tại sao, cậu vỗ vỗ lên lưng mẹ để an ủi.
“Anh biết Jen, anh biết Jen, tất cả ổn rồi. Ổn rồi.”
“Làm ơn giúp mẹ cháu,” tôi đứng giữa vườn, òa khóc, đưa mắt nhìn Rosaleen rồi sang Arthur, lúc ấy đang đỡ lấy mẹ. “Hãy đưa mẹ cháu tới chỗ nào đó. Hãy tìm ai đó tới giúp.”
“Lúc này ba cháu đang ở nhà,” Weseley khẽ gợi ý, “Cháu có thể gọi cho ba bảo ông tới.”
Có thứ gì đó nhói lên trong tôi. Một cơn sợ hãi lạnh toát. Một thứ linh tính. Tôi nghĩ tới quyển nhật ký bị cháy, nghĩ tới những đám lửa trong giấc mơ của mình. Tôi cần đưa mẹ rời khỏi ngôi nhà này.
“Hãy đưa mẹ cháu tới chỗ ông ấy,” tôi nói với Arthur.
Arthur nhìn tôi bối rối.
“Tới chỗ bác sĩ Gedad,” tôi nói khẽ để mẹ không nghe thấy.
Trong vòng tay Arthur, mẹ quằn quại và quỵ dần, nỗi đau khổ đã khống chế bà.
Arthur gật đầu với tôi, đầy nghiêm nghị. Rồi cậu nhìn sang Rosaleen.
“Anh sẽ sớm quay về.”
“Nhưng anh…”
“Anh sẽ đi,” cậu kiên quyết nói.
“Cả em cũng sẽ đi,” Rosaleen nói nhanh, vội vã cởi tạp dề rồi chạy vào trong nhà. “Em sẽ lấy áo khoác cho cô ấy.”
“Weseley ở lại đây với Tamara,” Arthur ra lệnh.
Weseley gật đầu và bước mấy bước lại gần tôi hơn.
Chỉ lát sau, cả ba người đều ngồi trên chiếc Land Rover, mẹ ngồi sau xe khóc ròng, trông thẫn thờ như mất hồn.
Weseley đưa tay khoác lên vai tôi che chở.
“Rồi sẽ ổn cả thôi,” anh dịu dàng nói.
Khi mẹ con tôi tới đây, tôi cảm tưởng cả tôi và mẹ đều đã kiệt sức, hai người bò lên bãi biển ho sặc sụa, và nhổ nước phì phì sau khi thuyền chúng tôi chìm nghỉm. Chúng tôi như một mớ nát bươm, chúng tôi chẳng có gì, chẳng thuộc về đâu, sống không mục đích, như thể chũng tôi bị nhốt trong một căn phòng chờ không có cửa ra.
Tôi đã hiểu khi thứ gì đó bị vùi dập tàn tệ, chúng không đơn giản là vỡ tan ra từng mảnh – chúng chính là những kẻ sống sót. Tôi không hề nghĩ thế cho tới khi buộc phải xem một bộ phim tài liệu về thiên nhiên mà Arthur ưa thích. Bộ phim nói về những hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương, những hòn đảo nằm cách nhau rất xa, và người ta tìm hiểu xem bằng cách nào sự sống có thể lan truyền từ đảo này sang đảo khác. Không kể đến lũ chim, làm cách nào các dạng sống khác có thể lan rộng. Thế rồi những trái dừa đó bập bệnh trôi tới. Tất cả đều bị sóng đánh giạt đi. Hai vật thể lạc lối đã sống sót trên biển cả và tới được bờ biển. Chúng đã làm gì? Chúng tự cắm rễ xuống cát, mọc lên thành cây và phát triển thành hàng trên các bãi biển. Đôi khi sóng gió vùi dập có thể đem lại nhiều thứ. Bạn có thể thực sự trưởng thành.
Cho dù mẹ đã có một cơn điên cuồng hoảng loạn, nghĩ rằng ba vẫn còn sống và có vẻ như đang tan nát, tôi cảm thấy đây là điểm khởi đầu cho cái gì đó mới mẻ. Và trong khi chúng tôi nhìn họ lái xe đi, Rosaleen ngoái lại nhìn đầy lo ngại, không muốn để chúng tôi lại nhưng cũng không muốn chỉ có Arthur và mẹ đi với nhau, tôi thực sự không thể không cảm thấy điều đó. Nhưng tôi vẫn mỉm cười và vẫy tay.