Tôi dùng khá nhiều thời giờ mặc quần áo, biết rằng mình chẳng có bao nhiêu chuyện khác để làm trong ngày hôm đó. Tôi đứng run rẩy trong phòng tắm màu xanh bơ, nước nóng chảy nhỏ giọt chẳng khác nào đứa bé sơ sinh chảy dãi, và thèm khát mơ về căn phòng tắm cũ của tôi, với tường khảm gạch hồng phản quang, sáu vòi nước công suất lớn và ti vi plasma trên tường.
Cho đến khi cố gắng lắm thì cũng gội sạch đầu – tôi chả hơi đâu đi đánh vật với dầu xả – và sấy khô tóc, tôi xuống lầu ăn sáng. Arthur đang cạo mẩu thức ăn cuối cùng khỏi đĩa. Tôi tự hỏi liệu Rosaleen có kể với cậu chuyện xảy ra trong phòng ngủ của mẹ hay không. Có lẽ là không, bởi vì nếu cậu là ông anh trai đàng hoàng cậu hẳn đã phải làm gì đó để giải quyết vấn đề chứ. Tôi không nghĩ gí mũi tận đáy tách trà với cái mũi quá khổ của cậu có thể giúp chuyện trở nên tốt hơn.
“Chào buổi sáng Arthur,” tôi nói.
“Chào buổi sáng,” cậu nói vào đáy tách trà.
Rosaleen, con ong nội trợ bận rộn, lập tức chạy ngay đến chỗ tôi với đôi tay đeo cặp găng chần bông to đùng.
Tôi khẽ đấm hai tay mợ như kiểu đám bốc. Mợ không hiểu trò đùa của tôi. Dẫu Arthur không nói tiếng nào, thậm chí mặt cậu không hề nhúc nhích, tôi vẫn cảm thấy rõ cậu hiểu được.
“Cháu chỉ ăn bột ngũ cốc thôi, Rosaleen,” tôi nhìn xung quanh. “Cháu sẽ tự lấy, mợ để đâu ạ?” Tôi bắt đầu mở mấy ngăn tủ bếp cố tìm hộp ngủ cốc, và hết sức kinh ngạc khi phát hiện ra cái tủ đôi chứa đầy nhóc các hũ mật ong. Có lẽ lên đến hơn một trăm hũ.
“Trời,” tôi để cửa tủ mở và lùi lại. “Bộ mợ bị bệnh cuồng mật ong hả?”
Rosaleen lộ vẻ không hiểu, nhưng mợ mỉm cười và đưa cho tôi một tách trà. “Ngồi xuống đó đi, mợ sẽ bưng bữa sáng đến cho cháu. Xơ Ignatius cho mật ong đó,” mợ mỉm cười. Thật không may tôi lỡ hớp một ngụm trà trong khi nghe mợ nói, nên đã bị sặc vì phá lên cười. Trà phun cả ra mũi tôi. Arthur đưa khăn ăn cho tôi, và nhìn tôi với vẻ thích thú. “Mợ quen một bà xơ tên Ignatius?” Tôi cười sằng sặc. “Tên hệt như tên đàn ông vậy. Bà ấy chuyển giới sao?” Tôi lúc lắc đầu cười khúc khích.
“Chuyển giới ư?” Rosaleen hỏi, trán nhăn tít.
Tôi phá lên cười rồi nín lại lập tức khi nụ cười của mợ bất ngờ tan biến, mợ đóng cửa tủ bếp lại và đi ra bếp chuẩn bị bữa sáng cho tôi. Mợ đặt một đĩa chất đầy thịt xông khói, xúc xích, trứng, đậu, bánh pudding và nấm giữa bàn. Tôi hy vọng bà xơ Ignatius của mợ sẽ đến ăn sáng cùng tôi vì một mình tôi thì không đời nào ăn hết được chỗ thức ăn ú nụ này. Rồi mợ lại biến mất, loay hoay làm gì đó sau lưng tôi, và quay lại với một đĩa bánh mì nướng cao ngất. “Ồ không, không cần đâu ạ, cháu không ăn chất bột,” tôi cố nói hết sức lịch sự.
“Chất bột?” Rosaleen hỏi.
“À, tinh bột ấy mà,” tôi giải thích. “Nó làm cháu béo ra.”
Arthur đặt tách trà lên đĩa và nhìn tôi từ bên dưới hàng lông mày rậm rạp.
“Arthur, cậu chẳng giống mẹ cháu chút nào.”
Rosaleen làm rơi một hũ mật ong xuống sàn khiến tôi và Arthur giật bắn người và quay lại nhìn. Thật đáng ngạc nhiên là nó không bị bể. Rosaleen, với tốc độ tên lửa, tiếp tục đặt mứt, mật ong và mứt cam cùng một đĩa bánh nướng trước mặt tôi.
“Cháu đang tuổi lớn, cần ăn nhiều chút.”
“Lúc này thì cháu chỉ muốn lớn chỗ này thôi,” tôi chỉ xuống bộ ngực cỡ 34B của mình, “Trừ phi cháu nhét đám bánh pudding đen trắng vào áo ngực, chứ bữa ăn sáng này chẳng đem lại tác dụng mà cháu mong muốn đâu.” Đến lượt Arthur sặc nước trà. Không muốn xúc phạm bọn họ thêm nữa, tôi lấy một lát thịt xông khói, một miếng xúc xích và một trái cà chua.
“Nào, ăn thêm đi,” Rosaleen nói, nhìn vào đĩa của tôi.
Tôi kinh hoàng nhìn sang Arthur.
“Để từ từ nó mới ăn hết được,” Arthur nhẹ nhàng nói rồi đứng dậy với đống đĩa trên tay.
“Ồ, cứ để đó,” Rosaleen rối rít quanh cậu khiến tôi cứ muốn lấy một cái vỉ đập ruồi để tấn công Rosaleen. “Anh đi làm đi.”
“Cậu Arthur, có ai làm việc trong lâu đài không cậu?”
“Cái đống phế tích ấy hả?” Rosaleen hỏi.
“Tòa lâu đài,” tôi đáp lại, ngay lập tức cảm thấy phải bảo vệ nó. Nếu muốn bêu xấu, thà bắt đầu với mẹ còn có lý hơn. Mẹ rõ ràng là một phụ nữ đang tan nát nhưng đâu ai coi mẹ là phế tích? Mẹ vẫn là một người phụ nữ. Tòa lâu đài đã không còn như xưa, nhưng nó vẫn là một tòa lâu đài. Tôi không biết niềm tin này từ đâu mà tới, nhưng nó đã xuất hiện đêm qua, và tôi biết từ nay về sau, tôi sẽ không bao giờ gọi nó là phế tích.
“Cháu hỏi có việc gì?” Arthur hỏi, xỏ tay vào chiếc áo sơ mi tay dài rồi khoác thêm một chiếc áo gi lê chần bông.
“Cháu có đi vòng vòng quanh đó hôm qua, cháu nghĩ là cháu nhìn thấy cái gì đó. Không có gì quan trọng đâu,” tôi đáp nhanh rồi cắm đầu ăn, hy vọng họ sẽ không cấm tôi đi đến đó lần nữa. Nhớ tới cú ngã lần trước, tôi chợt hiểu ra lý do vì sao đầu mình lại nhức đến vậy. Cục u sau gáy tôi to đùng như quả trứng.
“Chắc là chuột thôi,” Rosaleen nói, nhìn sang Arthur.
“Tuyệt, giờ cháu thực sự cảm thấy tốt hơn rồi.” Tôi nhìn sang Arthur chờ cậu nói thêm nhưng cậu im lặng.
“Cháu không nên đi lang thang tới nơi đó một mình,” Rosaleen nói, đẩy đĩa thức ăn lại gần tôi.
“Tại sao?”
Chẳng ai lên tiếng.
“Được rồi,” tôi nói, lờ đi đĩa thức ăn. “Mọi chuyện đã rõ ràng. Đó là một con chuột khổng lồ, to bằng người thật. Vì vậy, nếu cháu không thể đến đó chơi, có việc gì khác để làm quanh đây không ạ?” tôi hỏi.
Im lặng. “Loại việc gì?” Rosaleen cuối cùng cũng lên tiếng, dường như e ngại điều gì đó.
“Loại cháu có thể làm đó. Quanh đây có gì không mợ? Cửa hàng? Cửa hiệu quần áo? Tiệm cà phê? Bất cứ thứ gì gần đây?”
“Thị trấn gần nhất cách chúng ta mười lăm phút,” Rosaleen đáp.
“Tuyệt. Ăn sáng xong cháu sẽ đi bộ tới đó. Để tiêu hóa hết đống này,” tôi mỉm cười cắn một miếng xúc xích.
Rosaleen mỉm cười vui sướng, tay chống cằm nhìn tôi.
“Vậy phải đi đường nào mợ?” tôi hỏi, nuốt miếng xúc xích và mở to miệng ra để cho Rosaleen tha hồ kiểm tra.
“Đường nào là sao?” mợ cuối cùng cũng cắn câu, không nhìn chằm chằm tôi nữa.
“Thị trấn. Đi ra cửa, rồi cháu rẽ trái hay phải?”
“Ồ không, cháu không thể đi bộ được. Nó cách chỗ chúng ta mười lăm phút chạy xe hơi. Arthur sẽ lái xe chở cháu đi bất cứ nơi nào cháu cần. Cháu muốn đi đâu nào?”
“À, cháu chưa biết, cháu chỉ muốn nhìn ngó quanh quẩn thôi.”
“Arthur sẽ chở cháu đi và đón cháu về.”
“Cháu định ở đó bao lâu?” Arthur vừa hỏi vừa kéo khóa chiếc gi lê lên.
“Cháu không biết,” tôi trả lời, hết nhìn Rosaleen lại quay qua Arthur, cảm thấy bực bội.
“Hai mươi phút? Một giờ? Nếu cháu chỉ ở đó một lát thì cậu Arthur có thể chờ cháu,” Rosaleen nói thêm.
“Cháu không biết mình sẽ ở đó bao lâu. Làm sao cháu biết được chứ? Cháu không biết ở thị trấn có cái gì, hoặc cháu có thể làm những gì ở đó.”
Họ nhìn tôi vẻ mờ mịt không hiểu.
“Cháu sẽ đi xe buýt hoặc một thứ gì đó tương tự để xong việc thì về.”
Rosaleen nhìn Arthur vẻ lo lắng. “Tuyến đường này không có xe buýt.”
“Cái gì?” tôi há hốc miệng. “Vậy cậu mợ đi lại bằng gì?”
“Lái xe,” Arthur trả lời.
“Nhưng cháu không biết lái xe.”
“Arthur sẽ đưa đón cháu,” Rosaleen lặp lại. “Hoặc cậu ấy sẽ đi mua bất kỳ thứ gì mà cháu cần. Cháu định mua gì không? Arthur sẽ mua giúp cháu, phải không Arthur?”
Arthur hít mũi rột rột.
“Cháu cần thứ gì?” Rosaleen hỏi, nghiêng mình về phía trước vẻ hăm hở.
“Băng vệ sinh,” tôi buột miệng, cảm thấy tuyệt vọng cực điểm.
Tôi chỉ không biết tại sao tôi lại nói như vậy.
À, thực ra thì tôi có biết. Bởi bọn họ đều làm tôi phiền lòng. Tôi đã quen thói tự do ở nhà, ba mẹ tôi cũng không phải là thẩm phán của Tòa án dị giáo Tây Ban Nha. Tôi quen thói đi đâu tùy thích, bất kỳ lúc nào, bao lâu tùy thích. Ngay cả ba mẹ tôi cũng chưa bao giờ hỏi tôi lắm thế.
Bọn họ im phăng phắc.
Tôi nhét thêm một miếng xúc xích vào miệng.
Rosaleen mân mê tấm khăn lót bánh nướng. Arthur nhấp nhỏm đứng gần cửa, chờ đợi xem mình có phải đi mua băng vệ sinh hay không. Tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ làm dịu bầu không khí.
“Không cần thiết đâu,” tôi bình tĩnh lại một chút. “Hôm nay cháu sẽ đi dạo vòng quanh nhà. Có lẽ mai cháu mới lên thị trấn.” Có gì đó để mong chờ.
“Vậy anh đi đây,” Arthur gật đầu với Rosaleen.
Rosaleen nhảy ra khỏi ghế như bị một ngón tay chọc thẳng vào mông. “Nhớ đem theo phích nước,” mợ tất tưởi trong bếp cứ như là có bom hẹn giờ. “Đây này,” mợ đưa cho Arthur một chiếc bình thủy và một hộp thức ăn trưa.
Tôi bất giác mỉm cười khi nhìn thấy cảnh đó. Rosaleen cư xử với Arthur cứ như thể Arthur là một đứa nhóc chuẩn bị đi học vậy, lẽ ra tôi phải thấy kỳ lạ, nhưng không, tôi lại thấy nó rất dễ thương,
“Cậu có muốn bỏ thêm mấy thứ này vào hộp đồ ăn không?” tôi hỏi, chỉ tay vào đĩa đồ ăn trước mặt. “Không đời nào cháu ăn nổi chỗ này.”
Tôi nói vậy với ý tốt. Ý tôi là tôi không thể ăn được vì số lượng đồ ăn qua nhiều chứ không phải vì chúng quá dở, nhưng dường như tôi đã diễn đạt sai. Hoặc là tôi đã diễn đạt đúng, nhưng bị hiểu sai. Tôi cũng không biết nữa. Dù sao thì tôi cũng không muốn lãng phí thức ăn. Tôi muốn chia sẻ chúng với hộp đồ ăn trưa xinh xắn của Arthur, nhưng câu nói của tôi chẳng khác gì một cú đấm nữa vào bụng Rosaleen.
“Ừ được đó, cậu cũng muốn ăn thêm một chút,” Arthur lên tiếng, tôi cảm thấy cậu nói như vậy chẳng qua là để làm cho Rosaleen vui thôi.
Gò má Rosaleen ửng hồng trong khi mợ lục lọi ngăn kéo tìm một hộp nhựa khác.
“Bữa ăn thực sự rất tuyệt, Rosaleen à, thực đấy, nhưng cháu thường không ăn nhiều như thế này vào bữa sáng đâu.” Tôi không thể tin nổi chỉ một bữa sáng thôi mà cũng gây ra lắm chuyện đến thế.
“Đương nhiên, đương nhiên,” mợ gật đầu lia lịa như là mợ thật ngu ngốc mới không biết trước chuyện này. Mợ gom đống đồ ăn bỏ vào hộp nhựa nhỏ. Và sau đó Arthur ra khỏi nhà.
Trong khi tôi ngồi bên bàn cố gắng nhai ba ngàn lát bánh mì nướng, chúng nhiều đến mức có thể dùng để xây dựng lại tòa lâu đài, Rosaleen bưng khay ăn từ phòng mẹ đi xuống. Đồ ăn y nguyên không hề được động tới. Đầu cúi gằm, Rosaleen bưng khay đến thẳng thùng rác và bắt đầu đổ vào một cái túi. Sau chuyện xảy ra vừa nãy, tôi biết mợ đang bị tổn thương.
“Mẹ con cháu không ăn nhiều vào buổi sáng,” tôi giải thích nhẹ nhàng hết mức. “Mẹ thường chỉ dùng một thỏi đồ ăn sáng và một ly cà phê thôi.”
Rosaleen thẳng người lên và quay phắt lại, hào hứng khi nghe nhắc đến thức ăn. “Một thỏi đồ ăn sáng?”
“Mợ biết đấy, một thỏi ngũ cốc trộn nho khô và sữa chua và những thứ tương tự.”
“Như thế này à?” Mợ chỉ cho tôi một bát ngũ cốc và nho khô và một chén sữa chua.
“Vâng, nhưng… được nén thành thỏi.”
“Nhưng có gì khác nhau chứ?”
“À, ta có thể cắn thỏi đồ ăn.”
Rosaleen cau mày.
“Ăn nhanh hơn. Mợ có thể vừa đi vừa ăn,” tôi cố gắng giải thích thêm. “Trong khi mợ lái xe đi làm hoặc chạy bộ, mợ hiểu chứ?”
“Nhưng bữa ăn sáng gì mà kỳ cục vậy? Một thỏi đồ ăn ăn trong xe hơi?”
Khó khăn lắm tôi mới không phá lên cười. “Nó giúp, à, mợ biết đấy… tiết kiệm thời gian vào buổi sáng.”
Mợ nhìn tôi như thể tôi có mười cái đầu, sau đó lặng yên đi dọn dẹp nhà bếp.
“Mợ nghĩ gì về mẹ?” tôi hỏi sau một khoảng im lặng dài.
Rosaleen vẫn tiếp tục lau bàn, quay lưng lại với tôi.
“Rosaleen? Mợ nghĩ gì về cách cư xử của mẹ cháu?”
“Mẹ cháu đang đau buồn, bé con,” mợ đáp nhanh.
“Cháu không nghĩ người ta đau buồn kiểu ấy, mợ có đồng ý không? Kiểu cứ nghĩ có voi trong phòng ấy?”
“À, mẹ cháu không nghe rõ cháu nói gì,” mợ nói bố ai tin. “Tâm trí mẹ cháu đang ở nơi nào khác.”
“Đang ở vùng đất điên khùng thì có,” tôi lầm bầm.
Bởi vì mọi người cứ ném từ “đau buồn” vào mặt tôi, như thể tôi vừa chào đời ngày hôm qua và không biết rằng việc mất một người bạn đời cận kề bên mình suốt hai mươi năm trời là khó khăn lắm vậy, từ ngày ba mất, tôi đã đọc rất nhiều sách nói về nỗi đau. Tôi đã học được rằng đau buồn không có chuẩn mực nào cả, không có đúng cũng không có sai, sách nói như vậy. Tôi không biết mình có đồng ý với điều đó không. Tôi cho rằng cách đau buồn của mẹ là sai lầm. Từ “đau buồn” bắt nguồn từ một từ tiếng Pháp cổ grève có nghĩa là gánh nặng. Ý muốn nói là đau buồn khiến bạn trĩu xuống bởi nỗi buồn thương và đủ loại cảm xúc khác. Tôi cảm thấy như vậy; nặng nề hơn, như thể tôi phải kéo lê thân xác, tất cả mọi việc đều phải nỗ lực, mọi thứ đều tối tăm và ngớ ngẩn, như thể đầu tôi được nhét đầy những ý nghĩ mà tôi chưa từng có trước đây, luôn luôn suy nghĩ khiến đầu tôi đau như búa bổ. Nhưng còn mẹ? Mẹ có vẻ nhẹ nhàng hơn. Đau buồn dường như không đè nặng lên mẹ, thay vào đó, nó làm mẹ như đang bay đi. Cũng giống như mẹ đang lơ lửng giữa không trung mà không ai quan tâm hay để ý đến, chỉ mình tôi đứng bên dưới mẹ, ở ngay mắt cá chân của mẹ, cố gắng kéo mẹ xuống.