Sa Mạc Nở Hoa

1.



Đã tới giờ ăn trưa, tới giờ về nhà, trẻ lăng xăng mặc áo, đội nón theo cung cách rối rít, ầm ĩ thường lệ của chúng. Trừ Dibs. Em lùi vào một góc phòng và ngồi thu mình tại đó, đầu cúi xuống, hai vòng tay ôm chặt lấy ngực, tảng lờ như không biết là đã tới giờ về. Các cô giáo đứng chờ. Bao giờ em cũng làm như vậy mỗi lần tới giờ về. Cô Jane và Cô Hedda lén nhìn Dibs.

Các em khác chạy ra khi mẹ các em đến đón. Chỉ còn lại hai cô với Dibs, các cô đưa mắt nhìn nhau và nhìn Dibs ngồi thu mình dựa vào tường. “Nhờ chị” – Cô Jane nói rồi lặng lẽ ra khỏi phòng.

“Dibs ơi. Tới giờ về rồi. Tới giờ cơm trưa rồi” – Cô Hedda nhỏ nhẹ nói. Nhưng Dibs không nhúc nhích. Nó trì hoãn quyết liệt và không nao núng. “Cô mặc áo giúp em nghe” – cô Hedda vừa nói vừa chậm rãi đến chỗ Dibs, đem áo lại cho em. Dibs không ngước mắt nhìn lên. Em dựa cứng vào tường đầu gục xuống vòng tay.

“Nè, Dibs. Má sắp tới rồi”. Bao giờ bà cũng tới muộn, có lẽ bà hy vọng trận chiến nón áo đã kết thúc lúc bà tới Dibs sẽ lặng lẽ theo bà.

Bây giờ Hedda đứng gần Dibs. Cô cúi xuống vỗ nhẹ vai em. “Đi nào, Dibs” – cô nhẹ nhàng nói – “Em biết là tới giờ về rồi”.

Như hiện thân của sự cuồng nộ, Dibs gây với cô, đôi nắm tay nhỏ bé giơ lên đánh cô, cào cô, em định cắn cô, rồi em la lớn. “Không về nhà!” Ngày nào cũng vẫn tiếng la đó.

“Cô biết rồi” – Hedda nói – “Nhưng em phải về chứ. Em không muốn lớn, muốn khỏe hay sao?”

Dibs bỗng mềm nhũn. Em ngừng đánh cô Hedda. Em để cô xỏ tay vào áo và gài nút cho.

“Mai em lại nhé” – Cô dặn dò.

Khi mẹ đến đón, Dibs đi theo bà, vẻ mặt không hồn, mặt lem nước mắt.

Đôi khi trận chiến kéo dài lâu hơn và chưa kết thúc khi mẹ em tới. Khi sự thể diễn ra như vậy, mẹ em phải bắt tài xế vô bắt Dibs. Bác ta là người cao lớn khỏe mạnh. Bác xấn tới, kẹp Dibs vào nách và đưa em ra xe không nói với ai nữa lời. Khi Dibs la khóc suốt dọc đường ra chỗ đậu xe, đánh đấm bác ta túi bụi. Khi thì em đột ngột lặng thing – nhu mì nhẫn nhục.

Dibs tới học ở trường tư này gần hai năm nay. Các cô giáo đã ráng sức tạo liên hệ với em mong em đáp ứng. Nhưng uổng công. Dibs dường như đã quyết tâm xa lánh mọi người. Ít ra cô Hedda nghĩ là như vậy. Ở trường em học có đôi chút tiến bộ. Khi em bắt đầu đi học, em không nói và không khi nào rời ghế. Sáng nào cũng vậy em ngồi nín lặng không nhúc nhích. Sau nhiều tuần em bắt đầu rời ghế và thơ thẩn quanh phòng làm như xem xét một số đồ vật quanh em. Khi bất kỳ người nào lại gần em, em co tròn mình lại như trái banh bất động. Em không khi nào nhìn thẳng vào mắt ai và không khi nào trả lời khi có người hỏi.

Dibs đi học rất đều. Sáng nào mẹ em cũng đưa em đến trường bằng xe hơi. Hoặc là chính bà dẫn em vào bàn học và yên lặng, hoặc người tài xế cắp em vào và để em xuống ngay bên trong cửa lớp. Không bao giờ em la lối hay khóc lóc trên đường đến trường. Được đặt ngay bên trong cửa, Dibs cứ đứng yên tại đó, rên rỉ, chờ có người ra đón vào lớp. Khi em mang áo khoác ngoài, em vẫn đứng yên không hề nhúc nhích để cởi ra. Một cô giáo chạy ra đón, cởi áo cho em rồi để em tùy tiện. Chỉ một lúc sau, các em khác bận rộn với sinh hoạt tập thể nào đó. Dibs dành thời giờ bò lê sát lề tường, lẫn trốn dưới gầm bàn, hay đằng sau đàn dương cầm, xem sách hàng giờ.

Có một điều gì đó về tác phong của Dibs khiến các cô giáo không tài nào xếp loại nổi. Tác phong của em thất thường. Khi thì em mau mắn và lặng lẽ làm được một việc gì đó chứng tỏ em có thể có một trí thông minh thượng đẳng. Nếu em nghĩ là có người nhìn mình, em vội vã co mình lại. Phần lớn thời gian em bò men tường, ẩn nấp dưới gầm bàn, lắc qua lắc lại, nhai cạnh bàn tay, mút ngón tay cái, nằm sấp cứng đờ trên sàn khi cô giáo hay bạn bè chán không còn muốn rủ em tham dự sinh hoạt nữa. Em là một đứa trẻ cô đơn trong một thế giới đối với em có vẻ lạnh lùng và không thân thiện.

Đôi lúc em lên cơn hờn khi tới giờ về, hay có ai cố gắng cưỡng bách em phải làm một việc gì đó mà em không muốn làm. Từ lâu các cô giáo đã có quyết định là luôn luôn chỉ mời em tham dự nhóm chứ không khi nào ép buộc em làm điều gì trừ khi tuyệt đối cần. Các cô cung cấp cho em sách, đồ chơi, và đủ loại dụng cụ em có thể thích. Em không bao giờ trực tiếp nhận một món đồ nào từ tay người khác. Nếu có một đồ vật để trên bàn hay trên sàn nhà gần em thì một lát sau em sẽ cầm lên xem xét kỹ lưỡng. Không khi nào Dibs chê sách. Em ham mê những trang in, “như thể là em đọc được” cô Hedda vẫn thường bảo như vậy.

Đôi khi một cô giáo ngồi bên em và đọc một truyện ngắn hay nói về một điều gì đó trong lúc Dibs nằm úp mặt xuống sàn, không bao giờ bỏ đi nhưng cũng không khi nào nhìn lên hay lộ vẻ thích thú công khai. Cô Jane thường dành thời giờ cho Dibs theo lối này! Cô nói nhiều về sự vật, trong tay cầm những dụng cụ, biểu diễn những điều cô đang giảng giải. Có lần đề tài của cô nói về nam châm và những nguyên lý của sức hút nam châm. Lần khác cô cầm một cục đá đặc biệt. Cô nói về bất kỳ điều gì cô hy vọng có thể nhen nhúm sự thích thú của em. Cô kể lại có nhiều lúc cô cảm thấy mình như một người điên làm như cô ngồi đó nói cho chính mình nghe, nhưng điều gì đó của cái tư thế nằm sấp của em cho cô cảm giác là em đang lắng nghe. Ngoài ra cô thường tự nhủ, mình có mất gì đâu?

Các cô giáo hoàn toàn rối trí vì Disb. Nhà tâm lý ở trường đã theo dõi em và nhiều lần cố gắng làm trắc nghiệm. Bác sĩ nhi khoa của trường đã nhiều lần thử khám nghiệm em và sau cùng giơ tay đầu hàng. Disb đề phòng người y sĩ áo trắng và không cho ông lại gần. Em tựa lưng vào tường giơ hai tay lên trong tư thế “sẵn sàng cào cấu” sẵn sàng đánh nếu có người lại gần.

“Cậu bé này kỳ lạ thật” – bác sĩ nhi khoa nói – “Ai hiểu nổi” Chậm phát triển ư? Mắc bệnh tâm thần ư? Bị thương tổn não ư? Ai có thể lại gần em để tìm hiểu tại sao cậu ta kỳ cục vậy?”

Đây không phải là trường học dành cho trẻ thiểu năng hay rối loạn tình cảm. Đây là một trường tư rất chọn lọc cho trẻ từ ba đến bảy tuổi, tại một tòa nhà cổ rất đẹp ở khu hướng Đông thành phố. Trường có truyền thống hấp dẫn cha mẹ của trẻ em thông minh và hòa nhã.

Mẹ của Dibs đã ép bà hiệu trưởng nhận em. Bà đã nhờ ảnh hưởng của ban quản trị để con mình được nhận vào học. Ba của Dibs đã đóng góp rộng rãi để tài trợ trường. Nhờ những áp lực này mà em được nhận vào nhóm mẫu giáo.

Các giáo viên đã nhiều lần nêu ý kiến là Dibs cần được trị liệu chuyên môn. Mẹ em nhiều lần năn nỉ “Hoãn cho cháu ít lâu nữa!”

Gần hai năm qua và mặc dù em có tiến bộ nhưng các cô giáo cảm thấy chưa đủ. Các cô nghĩ là sẽ bất lợi cho em nếu cứ để tình trạng kéo dài mãi. Các cô chỉ biết hy vọng có thể Dibs sẽ ra khỏi vỏ sò giam cầm nó. Khi họ nói chuyện về Dibs – không ngày nào mà các cô không bàn về em – và khi kết thúc họ vẫn lúng túng và thắc mắc vì đứa trẻ. Dù sao thì em cũng mới có năm tuổi. Liệu em có thực sự ý thức về những điều quanh em và khóa chặt những điều ấy trong nội tâm hay không. Dường như em đọc những quyển sách mà em cúi xuống nhìn? Điều này nói giỡn chơi thôi, họ tự nhủ. Làm sao một đứa trẻ có thể đọc được khi nó không tự diễn đạt bằng lời? Liệu một đứa trẻ phức tạp như thế có thể chậm phát triển hay không? Tác phong của em không có vẻ tác phong của một đứa trẻ thiểu năng. Em có đang sống trong một thế giới tự tạo không? Em có mắc chứng tự kỷ hay không? Em có mất liên lạc với thực tế hay không? Dường như thế giới của em là một thực tế bầm dập – bị đau khổ dày vò.

Cha của Dibs là một nhà khoa học nổi tiếng – xuất sắc – nhưng ở trường chưa ai gặp ông. Dibs có một đứa em gái. Mẹ em nói rằng Dorothay “rất thông minh” và là “đứa trẻ tuyệt vời”. Cô bé không học trường này. Cô Hedda có gặp em một lần đi với mẹ tại công viên Trung ương. Dibs vắng mặt lần đó. Hedda nói với cô giáo rằng “Dorothy tuyệt vời” chỉ là “một đứa trẻ hư”. Hedda đầy thiện cảm theo dõi Dibs và thú nhận cô có định kiến trong việc đánh giá Dorothy. Cô tin tưởng ở Dibs và tin rằng một ngày nào đó, bằng cách nào đó, Dibs sẽ thoát khỏi ngục tù của sợ hãi và giận dữ. Sau cùng, ban giám hiệu quyết định phải có cách gì với Dibs. Một số cha mẹ học sinh than phiền về sự hiện diện của em ở trường – nhất là khi em đã cào cấu hay cắn một em khác.

Tới đây tôi được mời tham dự một buổi họp bàn về những vấn đề của Dibs. Tôi là một nhà tâm lý lâm sàng, tôi chuyên môn làm việc với trẻ em và cha mẹ. Lần đầu tiên tôi được nghe nói về Dibs, tại buổi họp này, và những điều tôi viết lại ở đây được các giáo viên chuyên gia tâm lý và bác sĩ nhi khoa của trường kể lại. Họ yêu cầu tôi gặp Dibs và mẹ em rồi cho ban giám hiệu biết ý kiến trước khi họ quyết định loại em ra khỏi trường, và bôi tên em như một ca thất bại của họ.

Buổi họp diễn ra ở trường. Tôi thích thú lắng nghe tất cả những lời nhận xét. Tôi xúc động về ấn tượng của nhân cách bé Dibs gây cho những người này. Họ cảm thấy thất bại và không ngừng khắc khoải vì tác phong bất thường của em. Em nhất mực xua đuổi và thù hận tất cả những ai lại gần em. Sự khổ sở rõ nét của em làm cho những người nhạy cảm này cảm thấy sự lạnh lùng não nề ấy.

“Em gặp mẹ em Dibs tuần vừa qua” – cô Jane nói với tôi – “Em nói với bà ta rằng rất có thể chúng tôi phải mời em ra khỏi trường vì chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể làm để giúp đỡ em, nhưng thái độ tốt đẹp nhất của chúng tôi vẫn không đủ. Bà rất buồn. Nhưng bà vốn là một người khó hiểu. Bà đồng ý để chúng tôi mời một chuyên gia và cố gắng đánh giá Dibs thêm một lần nữa. Em giới thiệu với bà ta về chị. Bà đồng ý nói chuyện với chị về Dibs, và để chị theo dõi Dibs tại đây. Bà nói rằng bà và chồng bà đã thừa nhận sự kiện là có thể Dibs bị thiểu năng hay bị tổn thương não”

Lời kể lại này làm cô Hedda nổi sùng. “Bà ta thích tin là nó thiểu năng hơn là nó có thể bị rối loạn tình cảm và có thể bà ta phải chịu trách nhiệm về điều đó!” – Cô Hedda la lớn.

—Tôi tin chắc là em sắp thoát khỏi rồi – cô Hedda nói – Tôi không nghĩ là em có thể cầm cự tự vệ lâu hơn nữa đâu.

Rõ ràng là có một điều gì đó về đứa trẻ này thu hút sự quan tâm và tình cảm của họ. Tôi cảm thấy sự xót xa của họ đối với nó. Tôi cảm thấy ảnh hưởng về nhân cách của nó. Tôi đánh giá cao sự tôn trọng dành cho đứa trẻ này xuyên suốt cuộc họp.

Có quyết định là tôi sẽ gặp Dibs trong một số buổi trị liệu bằng trò chơi nếu cha mẹ em đồng ý. Chúng tôi không có cách nào để biết trước là chuyện gì sẽ tiếp nối truyện đời chú Disb.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.