Sa Mạc Nở Hoa

13.



Trở lại phòng chơi tuần sau Dibs xem ra vui vẻ lắm.
— Má nói có thể bữa nay má tới đón trễ.

— Phải cô biết. Má có nói với cô là có thể bà tới trễ.

Em lượn quanh phòng với nụ cười rạng rỡ trên nét mặt. “Em nghĩ là em sẽ hát”.

— Nếu em muốn hát thì cứ hát.

— Và nếu em muốn im lặng thì cứ im lặng! – Em reo – Và nếu em muốn suy nghĩ thì cứ việc suy nghĩ. Và nếu em muốn chơi thì cứ việc chơi. Cứ như thế có phải không cô?

— Phải, cứ như thế.

Em đi ra chỗ dựng giá vẽ và nhìn vào những thứ sơn màu. Em cầm hũ sơn màu xanh da trời lên. Em cất tiếng hát, em cầm hủ sơn đung đưa nhịp nhàng, từ bên nọ sang bên kia.
Sơn ơi! Sao sơn xanh quá vậy!

Làm chi? Sơn xanh mi biết làm chi?

Vẽ trời. Vẽ sông. Vẽ hoa. Vẽ chim.

Vẽ hết các vật xanh thật là xanh.

Để nhuộm xanh xanh. Mọi loài mọi vật.

Xanh nữa đi sơn. Xanh nữa đi sơn!

Em đi lại chỗ tôi với một hủ sơn.

Sơn tràn, sơn trào

Sơn chảy dài dài

Sơn rơi từng giọt

Sơn đẹp đẽ ơi

Xanh ơi là xanh!

Em hát tiếp lên những lời tự đặt lấy.

Một màu di động

Di động khắp nơi

Xanh quá là xanh!

Em lắc qua lắc lại hủ sơn trong lúc hát. Em đặt nó lại trên bàn vẽ. Và cầm hủ sơn màu xanh lá cây lên.

Sơn xanh màu lá

Lặng lẽ nõn nà

Quanh ta mùa xuân

Quanh ta mùa hạ

Trên cỏ, trên cây

Trên các hàng giậu

Xanh xanh màu lá

Em đặt hủ sơn xanh màu lá và câm hủ sơn đen lên.

Ôi đen như đêm

Ôi đen màu sẫm

Bốn bề vây ta

Bóng đen ác mộng

Giông tố đêm đêm

Đen ơi là đen

Em đặt hủ sơn này trở lại và cầm hủ sơn đỏ lên. Em đưa hủ này cho tôi xem, em cầm bằng hai tay úp lại. Lần này em dằn từng tiếng.

Sơn đỏ nỗi sùng

Sơn đỏ nỗi cáu

Màu đỏ ghê ghê

Giận ghét. Điên khùng. Sợ hãi.

Đánh lộn ào ào

Nhuốc nhơ màu đỏ

Ôi căm ghét. Ôi máu,

Ôi nước mắt.

Em hạ thấp hủ sơn đang cầm trên tay. Em đứng đó lặng yên nhìn hủ sơn. Rồi em thở dài não nuột đặt hủ sơn lại trên bàn vẽ. Em cầm hủ sơn màu vàng lên. “Ồ màu vàng bần tiện. Màu bần tiện, màu gây bực bội. Ồ, những thanh sắt gắn trên cửa sổ để nhốt cây ở bên ngoài. Ôi cửa với cái khóa và chìa khóa vặn ngược. Tao ghét mày màu vàng. Màu cũ kỹ bần tiện. Màu của những nhà tù. Màu của cô đơn và sợ hãi. Ôi màu vàng bần tiện. “Em để nó xuống bàn vẽ.

Em đi ra cửa sổ và nhìn ra. “Hôm nay trời đẹp quá”.

— Phải, trời đẹp lắm.

Em đứng đó nhìn ra ngoài cửa sổ một hồi lâu. Tôi ngồi đó, tự hỏi tại sao em lại có những liên tưởng như vậy với những màu sắc của sơn. Tại sao em lại ác cảm màu vàng tới mức đó.

Em trở lại bàn vẽ. “Thứ sơn xanh lam ngọc còn mới đây”.

— Phải, còn mới.

Em căng hai tờ giấy lớn trên giá vẽ, cẩn thận lăn cọ vẽ trong sơn xanh. Rồi cầm cọ vẽ ra lavabô, mở vòi nước để nước chảy. “Ồ, coi kìa! Nó làm nước hóa xanh”. Em lấy ngón tay bịt vòi nước và những tia nước phun ra sàn. Em cười lớn. “Nước xịt, nước xịt, nước xịt” – em la. Và em, chính Dibs đây có thể làm nước bắn thành vòi và có thể biến màu nước thành màu xanh.

— Cô thấy em làm được.

Em đánh rơi cây cọ, nó tuột xuống ống cống. Em vội vã chụp lại, nhưng không được. Nó đã nằm dưới ống cống. “Rồi” – em la – “Thật là rắc rối! Em không moi nó ra được. Tuột xuống mất tiêu rồi. Nhưng nó nằm dưới ống cống đó. Ở cống dưới”. Em mở cánh cửa tù bên dưới lavabô và xem xét ống nước. Cây cọ trong này!” – Em nói. Em cười vui vẻ.

Em nghịch nước, em mở rôbinê thật lớn khiến nước bắn tung ra. Em lấy bình chai hứng đầy nước. Em cầm núm vú, ráng lắp vào chai, nhưng trơn ướt nên không lắp được. Em nhai núm vú. Em để cái chai vào chậu lavabô và chậu bắt đầu đọng nước. Em mở rôbinê mạnh thêm, nhai núm vú, vục mặt vào vòi nước cho ướt mặt.

“Nước càng ngày càng đầy. Rửa gấp. Rửa gấp. Rửa gấp”. Em lấy hai hủ sơn trống và bẩn để vào chậu lavabô. Rồi em để ý tới bộ dĩa nhựa trên kệ, lấy những hủ sơn để ra ngoài, bỏ những chiếc dĩa vào chậu. Em nhún nhảy vừa nói chúng ướt hết rồi. Cái gì cũng ướt. Nước bắn tứ tung. Khăn lau dĩa đâu? Khăn chùi dĩa đâu? Xà bông đâu? Nước bắn. Nước bắn. Nước bắn. Trời ơi! Vui quá!”

— Em vui lắm à?

— Vâng. Ngập nước rồi. Ướt rồi. Có những chiếc sắp chìm xuống. Cho em xà bông đi.

Tôi lấy cho em một miếng xà bông, một khăn lau dĩa và một khăn mặt. Em rửa những chiếc dĩa cẩn thận, kỳ cọ và lau khô. “Đã có khi nào cô trông thấy những chiếc dĩa đẹp như thế này chưa? Những cái dĩa này giống như những chiếc dĩa mà bà gởi, bởi vì Dibs đã bỏ quên những đồ chơi ở nhà bà, và bà gởi trả lại Dibs bằng đường bưu điện?”

— Ồ, vậy hả? Bà gởi cho em mấy cái dĩa giống như thế này bằng đường bưu điện?

— Vâng, em đi thăm bà, lúc em về, bà quên không gói những con thú của em. Nên bà gởi bưu điện cho em. Và dành cho em một điều bất ngờ. Những cái dĩa giống những cái này. Những cái dĩa đẹp giống hệt những cái này.

— Em thích món quà bất ngờ của Bà lắm nhỉ?

— Vâng. Thích lắm. Và ngày mười hai tháng năm bà đến nhà – em nhìn tôi mắt sáng lên, một nụ cười thoải mái nở trên môi – Bà đến nhà, em nhắc lại. Vui lắm! em nói lớn – Ngày mười hai tháng năm Bà đến nhà!

— Cô nghĩ là điều đó làm cho em cảm thấy rất sung sướng. Gặp lại bà em vui lắm phải không?

— Đúng vậy! Dibs nói. Vui phát khùng lên được.

Em lại bắt đầu ca.

Gởi Dibs với lòng thương yêu của bà

Với lòng yêu thương, với lòng yêu thương gởi Dibs Bà đến, bà đến

Bà đang đi vào nhà

Với lòng yêu thương!

Em nồng nhiệt vỗ tay. “Em tổ chức tiệc liên hoan” – em tuyên bố! – “Em tổ chức tiệc liên hoan ngay lập tức”. Em đặt tất cả những chiếc ly nhỏ thành một hàng. Em đổ nước vào mỗi ly. “Cho tất cả các bạn, mỗi người một ly. Sẽ có các bạn nhỏ dự tiệc với em”.

— Em mở tiệc liên hoan với các bạn trẻ à?

— Dạ, trẻ con. Nhiều trẻ con lắm. Nhiều trẻ con thân thiết.

Em đếm bảy cái ly. “Bảy cái ly. Sẽ có bảy đứa trẻ dự tiệc của em”.

— Em có bảy em dự tiệc với em, có phải không?

— Sáu đứa và Dibs.

— Ồ, sáu em khác và em nữa.

— Đúng vậy. Sáu đứa trẻ khác và Dibs nữa là bảy.

— Đúng.

Trong trò chơi này, Dibs diễn tả nỗi khao khát được hòa hợp với những đứa trẻ khác.

Cái bình chai mà em dùng để chặn ngay lỗ lavabô tuột ra và nước ùng ục chảy. Dibs cười. “Ồ, tiếng nước chảy ngộ quá” – em nói – “Bốn giờ rồi. Trời tối rồi. Cũng đã muộn”. Em đổ nước trong ly ra và rót đầy đồ uống liên hoan. Tới giờ rót nước rồi.

Em hứng đầy bình nhựa nước và rót nước vào từng ly, vừa làm, vừa hát. “Ồ, ly số một, nước phần mi. Và ly số hai, ly số ba. Coi chừng đừng để trào, nhưng có thể tung tóe ra. Ly số bốn, số năm, số sáu. Rồi ly số bảy đổ tung tóe. Đổ. Đổ. Đổ. Chảy. Chảy. Chảy. Nước chảy đầy khay. Nước đầy sàn nhà. Nước chảy khắp nơi. Nhưng em trân trọng từng giọt, say sưa từng giây.

Em tìm được hai ly nhựa. “Ồ, hai cái ly nữa” – em reo lên. Thế là có chín đứa dự tiệc. Em sẽ tổ chức tiệc trà. Em sẽ đãi trà mọi người. Em đổ nước trong ly ra và sửa soạn cho buổi tiệc trà.” Em mở thêm nước. “Bây giờ em sẽ đãi tiệc trà” – em nói – “Còn mấy phút nữa?”

— Tám phút nữa.

“Sẽ có một tiệc trà tám phút” – em tuyên bố – “bữa nay chúng ta dùng bộ đồ trà đẹp của chúng ta”. Giọng nói của em thay đổi. Giọng nói trở thành câu nệ và cao. Em nhái rất đúng giọng nói của bà mẹ. “Nếu tổ chức tiệc trà thì phải làm cho đúng mực” – em nói – “Phải. Phải có trà. Một chút nước trà trong mỗi ly, rồi rót sữa vô. Nếu con muốn cho thêm nước cũng được. Nhưng đừng cho thêm trà nữa. Đừng có cãi”. Em lấy muỗng đổ nước vào mỗi ly. “Ly số sáu nhiều trà quá” – em nói, với giọng nghiêm nghị. “Yêu cầu cho bớt trà ở ly số sáu và theo thật đúng những lời chỉ dẫn của má. Và đường trẻ con uống như vậy là đủ rồi. Đủ đường rồi. Má không cần phải nhắc lại tất cả những lời má dặn. Nếu con muốn mở tiệc trà thì con cứ ngồi yên vào bàn và chờ cho tới lúc mọi người được phục vụ. Con có thể lấy chiếc bánh quế để ăn lúc uống trà. Đừng nói trong lúc miệng đầy.” Dibs xếp đặt bàn. Em kéo chiếc ghế lại gần bàn. Điệu bộ em có vẻ hiền từ, nhẫn nhục, lặng lẽ khi em uống trà trong chiếc ly nhỏ.

Em cầm bình nước lên và thong thả đi quanh bàn, thận trọng đổ nước vào mỗi ly. “Trong mỗi ly có một chút nước trà” – em nói bằng giọng nói căng thẳng và rành mạch.

“Trong ly số ba nhiều trà quá. Đổ bớt đi.” Dibs đổ bớt nước ra. “Có thể thêm cho mỗi ly một chút đường”. Em bận rộn bày bán. Bình thứ hai được coi là bình sữa. Một muỗng cát nhỏ cẩn thận được đổ thêm làm đường. “Cầm muỗng đường cho cẩn thận.” – giọng nói bắt chước của Dibs tiếp tục – “Ly số sáu nhiều trà quá. Cần bớt đi. Còn lộn xộn nữa thì về ngay phòng. Má sẽ khóa nhốt con trong phòng”.

Dibs ngồi vào bàn trong số một trong số những chiếc ly. Em cẩn thận chấp tay để trên bàn. “Con phải cẩn thận lúc ăn bánh” – giọng Dibs tiếp tục. Em với tay trên mặt bàn lấy bánh và làm đổ một chiếc ly. Em chồm đứng dậy, nét mặt kinh hãi.

“Không có tiệc nữa” – em la hoảng – “Tiệc xong rồi. Em làm đổ nước trà.” Em vội vã đổ nước ra khỏi ly và úp lại trên kệ.

— Tiệc trà chấm dứt vì em làm đổ nước trà ư? – Tôi hỏi.

— Đồ ngốc! Đồ ngốc! Đồ ngốc! – Em la lối

— Đó là chuyện không may thôi.

— Chỉ có người ngốc mới làm chuyện không may.

Mắt em ngấn lệ. “Tiệc xong rồi. Trẻ em ra về rồi. Không còn tiệc liên hoan nữa” – giọng em nghẹn ngào. Đây là một kinh nghiệm rất thiết thực đối với em. “Đó là một tai nạn” – em bảo tôi – “Nhưng tiệc xong rồi”.

— Tai nạn làm em khiếp sợ và khổ sở – tôi nói – “Tai nạn đánh đổ nước trà đã chấm dứt tiệc vui. Thế đứa nhỏ đánh đổ trà có bị nhốt vô phòng không?”

Dibs đi quanh phòng, hai tay nắm chặt vào nhau.

—Có, có chứ. Nó bị nhốt. Nó cần phải cẩn thận. Nó thật là ngốc.

Em đá đổ một chiếc ghế. Em hất đổ những chiếc ly bày trên kệ. “Em không muốn có tiệc nữa” – em la lên – “Em không muốn có đứa trẻ nào quanh đây cả!”

— Em nổi giận và khổ sở khi có chuyện như vậy xảy ra à?

Dibs lại gần tôi. “Cô cháu mình xuống văn phòng cô đi” – em nói – “Cô cháu mình đi ra khỏi đây. Em không ngốc đâu!”

— Không. Em không ngốc. Nhưng em bị bấn loạn khi có điều gì xảy ra như vậy.

Chúng tôi đi dọc dãy hành lang và về văn phòng tôi. Dibs ngồi vào ghế im lặng một lúc lâu. Rồi em nhìn tôi với nụ cười trên môi. “Em ân hận” – em nói.

— Ân hận? Tại sao em lại ân hận?

— Bởi em đánh đổ nước trà. Em vô ý. Em không nên vô ý như thế.

— Em nghĩ là em nên cẩn thận hơn phải không?

— Vâng, em nên cẩn thận hơn, nhưng em không ngốc.

— Có lẽ em vô ý, nhưng không ngốc, phải không?

— Phải – Dibs nói. Có nụ cười trên nét mặt em.

Dibs đã thành công trong việc xua đuổi cơn bão táp. Em đã khám phá ra một sức mạnh bên trong con người em để đối phó với tình cảm bị thương tổn.

“Để em viết một bức thư” – em nói. Em cầm lấy một cây bút chì và một tờ giấy và bắt đầu viết, lớn tiếng đánh vần từng chữ lúc viết.

Dibs thân mến:

Ta rửa bộ đồ trà và ta đậy ống nước lại. Ta đã đãi tiệc. Trẻ em tới dự.

Thân ái,

Ta.

Em nhìn vào cuốn lịch để trên bàn giấy của tôi, kéo nó lại gần em. Em lật cuốn lịch tới ngày mồng tám tháng tư. Em khoanh tròn con số tám và viết tên em lên tờ lịch này.

“Mồng tám tháng tư là ngày sinh nhật của em” – em nói. Em lật cuốn lịch, chọn được một ngày khác và viết “Má”. Rồi tới một tờ có ngày khác, em viết “Ba”. Rồi tới tờ khác em viết “Dorothy”. “Đó là sinh nhật của má, của ba và của Dorothy” – em nói với tôi. Em lại lật tờ có viết chữ Ba. Em viết thêm chữ “Bà” lên đó.

— Ngày sinh nhật của Ba và của Bà cùng ngày – em nói.

— Vậy à?

— Vâng, chỉ có người này lớn tuổi hơn người kia thôi.

— Ai lớn tuổi hơn?

— Bà, em đáp, có sự ngạc nhiên trong giọng nói.

Em nhìn vào trang lịch – Em tẩy chữ này đi – em nói, chỉ ngón tay vào chữ Ba.

— Em tẩy à?

— Thôi – em nói rồi thở dài – Thôi, phải để lại, bởi vì là ngày sinh nhật của ông.

— Dù em có muốn hay không thì vẫn là ngày sinh nhật của ông hả?

— Đúng, và ông ta cần nó.

— Em nói thế nghĩa là làm sao?

— Ông cần nói, em cần nó.

— Ồ, lạ nhỉ.

Em lật ngày hai mươi ba tháng chín. “Em sẽ gọi ngày này là ngày đầu mùa thu”. Em viết trên ngày này những chữ “Chào đón mùa thu”.

Em kéo hộp phiếu hồ sơ của tôi lại gần em.

— Tên em có trong phiếu hồ sơ của cô không? Có tấm phiếu nào ghi tên em như của bác sĩ không?

— Em thử lục coi.

— Không, ở đây không có. Để em lục chữ D. Có thể cô xếp theo chữ D. Theo tên em, để em xem lại chữ Dibs.

Em xem lại. Nhưng tên em không có trong phiếu hồ sơ.

— Không có cô ạ.

— Em muốn có tên ở đó không?

— Có ạ.

— Vậy thì em cứ việc để vô đấy.

Em chọn lấy một phiếu trắng, nắn nót viết bằng chữ in tên, địa chỉ và số điện thoại. Và em xếp đúng theo mục lục chữ đầu của họ em. Em lấy ra một phiếu trắng khác, viết tên tôi lên đó, đề địa chỉ là “Phòng chơi”, hỏi số điện thoại của Trung Tâm, viết lên tấm phiếu, xếp tấm phiếu này ở vần A.

Chuông nhà thờ lại vang lên. “Gần tới giờ ăn tối rồi”. Em nói. Em đi ra cửa sổ và ngó ra ngoài. Em có thể nhìn thấy đoàn người mỗi lúc một đông lũ lượt tiến về cửa dẫn xuống ga xe điện ngầm. Em nhìn theo họ. “Người ta đi làm về, đi làm về, đi làm về” – em nói – “Đi theo hướng Đông khi đi làm về. Về ăn cơm chiều. Rồi sáng mai lại đi. Lại đi theo hướng Tây. Đi theo hướng Tây lúc buổi sáng và vào làm”.

— Đúng. Tôi nói.

— Người nào cũng về nhà. Tất cả những người đi làm đều về nhà. Về nhà để ăn bữa cơm chiều. Về nhà để ngủ đêm. Người nào cũng đi về hướng Đông. Rồi sáng mai lại đi. Lại đi theo hướng Tây. Đi theo hướng Tây lúc buổi sáng và vào làm”.

— Đúng. Tôi nói.

— Người nào cũng về nhà. Tất cả những người đi làm đều về nhà. Về nhà để ăn bữa cơm chiều. Về nhà để ngủ đêm. Người nào cũng đi về hướng Đông. Rồi sáng mai lại đi làm, họ đi theo hướng Tây.

— Đúng, đúng thế. Nếu họ đi xe điện ngầm hay xe buýt. Bây giờ họ đang đi về nhà. Buổi sáng họ trở lại làm việc.

— Phải. Đi tới đi lui. Hết ngày này sang ngày khác. Chán lắm.

Em đứng đó, lặng lẽ nhìn qua cửa sổ một lúc lâu. Rồi em quay lại nhìn tôi.

— Má đâu?

— Má chưa tới. Khi bà tới sẽ có chuông báo cho mình.

— Văn phòng báo à?

— Phải.

— Cô biết chắc như vậy không?

— Biết chứ. Chắc chắn như vậy.

Chuông báo reo. “Đúng như cô nói” – Dibs nhận định, đưa tay chỉ cánh cửa.

— Phải, má em đã tới.

“Em biết” – Dibs nói – “Tạm biệt cô”. Em lại gần tôi, bẽn lẽn sờ tay tôi.

“Tạm biệt cô A” – em nói.

Chúng tôi cùng đi xuống phòng chờ. Mẹ em chào tôi, vẻ thân thiện, thoải mái. Dibs lặng lẽ đứng cạnh bà. Khi hai mẹ con ra về, bà giục Dibs: “Con chào cô …”

— Chào cô – Dibs cướp lời, giọng máy móc, nhạt nhẽo.

— Em chào tôi rồi, lúc còn ở văn phòng – Tôi nói với bà mẹ.

Dibs tươi hẳn lên. “Chào cô A một lần nữa” – em nói – “Chào cô vui vẻ”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.